GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

 ĐTC Phanxicô - Sứ Điệp Hòa Bình 1/1/2021

 

Thứ Văn Hóa Chăm Sóc Như Là Một Đường Lối Dẫn Đến Hòa Bình

 

Pope Francis at a peace ceremony in Rome on Oct. 20, 2020

Lời chúc tốt đẹp nhất tôi xin gửi đến tất cả mọi người đó là

chúng ta có được một năm mới sẽ là một cơ hội nhân loại có thể

tiến triển trên con đường của tình huynh đệ, của công lý và của hòa bình

giữa những cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng với nhau, giữa chư dân và chư quốc trên thế giới.

Năm 2020 là năm đã bị hằn vết bởi cuộc khủng hoảng về thể lực,

gây ra từ thứ đại dịch Covid-19 hàng loạt, một cuộc khủng hoảng đã trở thành một hiện tượng toàn cầu

vượt ra ngoài hết mọi biên cương bờ cõi, làm trầm trọng sâu nặng hơn nữa các cuộc khủng hoảng liên quan khác,

như khủng hoảng về khí hậu, khủng hoảng về lương thực, khủng hoảng về kinh tế và khủng hoảng về di dân.

Pope Francis, pictured on Oct. 15, 2014. Credit: Mazur/catholicnews.org.uk.

Con người bao giờ cũng biểu hiệu cho những gì là liên hệ, chứ không phải chủ nghĩa cá nhân;

nó chấp nhận tính cách bao gồm, chứ không phải loại trừ,

chấp nhận phẩm giá đặc thù và bất khả vi phạm chứ không phải khai thác".

Mỗi một con người tự mình là đích điểm,

không bao giờ chỉ là một thứ phương tiện, chỉ được thẩm định bằng sự ích lợi của họ...

Các thứ nhân quyền đều xuất phát từ phẩm giá này, các nhiệm vu làm người cũng thế

Ở vào một thời điểm như thế này, khi mà còn thuyền của nhân loại,

đang bị bão tố bởi những cuộc khủng hoảng hiện nay xô lấn ngả nghiêng,

đang cố gắng chống chọi để tiến tới một chân trời bình lặng hơn và thanh thản hơn,

thì "cái bánh lái" về phẩm giá của con người, và "cái la bàn" về các nguyên tắc xã hội căn bản

có thể giúp chúng ta cùng nhau có thể lèo lái một cách an toàn.

 

 

1- Vào lúc rạng đông của một tân niên, tôi muốn gửi những lời chào mừng thân ái đến các vị Thủ Lãnh Quốc Gia và Chính Quyền, đến các vị lãnh đạo các Cơ Quan Quốc Tế, đến các vị lãnh đạo tinh thần cùng tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, cũng như đến những người nam nữ thiện tâm. Lời chúc tốt đẹp nhất tôi xin gửi đến tất cả mọi người đó là chúng ta có được một năm mới sẽ là một cơ hội nhân loại có thể tiến triển trên con đường của tình huynh đệ, của công lý và của hòa bình giữa những cá nhân với nhau, giữa các cộng đồng với nhau, giữa chư dân và chư quốc trên thế giới.

Năm 2020 là năm đã bị hằn vết bởi cuộc khủng hoảng về thể lực, gây ra từ thứ đại dịch Covid-19 hàng loạt, một cuộc khủng hoảng đã trở thành một hiện tượng toàn cầu vượt ra ngoài hết mọi biên cương bờ cõi, làm trầm trọng sâu nặng hơn nữa các cuộc khủng hoảng liên quan khác, như khủng hoảng về khí hậu, khủng hoảng về lương thực, khủng hoảng về kinh tế và khủng hoảng về di dân. Tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những ai bị mất đi các phần tử trong gia đình hay những người thân yêu, cũng như tất cả những ai bị mất việc làm. Tôi cũng nghĩ đến cả các y sĩ và y tá, các dược sĩ, các nghiên cứu gia, những tình nguyện viên, các vị tuyên úy và nhân viên trong các bệnh viện cùng các trung tâm y tế. Họ đã và đang thực hiện những hy sinh cao cả để hiện diện bên bệnh nhân, hầu giảm bớt những đớn đau của bệnh nhân và cứu sống bệnh nhân; thật vậy, nhiều người trong họ đã chết trong khi hành sự. Để tỏ lòng tôn kính họ, tôi xin lập lại lời kêu gọi của tôi với các vị lãnh đạo về chính trị và cơ quan tư nhân, đó là hãy hết sức bảo đảm vấn đề được tiếp cận với việc chủng ngừa Covid-19, cũng như với các thứ kỹ thuật thiết yếu cần thiết để chăm sóc người bệnh, người nghèo và những ai dễ bị tổn thương nhất [1]

Đáng buồn thay khi phải nói rằng, song song với tất cả những chứng từ yêu thương và đoàn kết ấy, chúng ta đồng thời cũng thấy được nổi lên ở nhiều hình thức khác nhau chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chủng tộc và bài ngoại, kéo theo các thứ chiến tranh và xung đột chỉ gây ra chết chóc và hủy hoại thôi.

Những biến cố này, và những biến cố khác, đã trở nên đặc điểm cho đường đi nước bước của nhân loại ở cái năm đang qua đi này đã dạy cho chúng ta tầm quan trọng cần phải chăm lo cho nhau, cũng như cho thiên nhiên tạo vật, bằng các nỗ lực của chúng ta để xây dựng một xã hội huynh đệ hơn. Đó là lý do tại sao tôi đã chọn làm nhan đề cho Sứ Điệp năm nay, Thứ Văn Hóa Chăm Sóc Như Là Một Đường Lối Dẫn Đến Hòa Bình. Một thứ văn hóa như là một đường lối để đối chọi với thứ văn hóa dửng dưng lãnh đạm, văn hóa sa thải và đối đầu với nhau là những gì quá thịnh hành trong thời điểm của chúng ta đây.

2- Vị Thiên Chúa Hóa Công là nguồn mạch cho ơn gọi chăm sóc của loài người chúng ta.

Nhiều truyền thống tôn giáo có những trình thuật về nguồn gốc của nhân loại, cùng với mối liên hệ của nhân loại với Đấng Hóa Công, với thiên nhiên và với những người đồng loại nam nữ của họ. Trong Thánh Kinh, Sách Sáng Thế Ký cho thấy, ngay từ những trang đầu tiên của mình, tầm quan trọng của việc chăm sóc hay bảo vệ trong dự án của Thiên Chúa đối với loài người. Sáng Thế Ký nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người ('adam) và trái đất ('adamah), và giữa chúng ta là anh chị em với nhau. Theo trình thuật Thánh Kinh này thì Thiên Chúa ủy thác khu vườn "được trồng ở Eden" (cf. Gen 2:8) vào bàn tay chăm sóc của Adam, "để canh tác và trông coi" (Gen 2:15). Điều này bao gồm cả việc làm cho trái đất sinh sôi nẩy nở, đồng thời bảo vệ nó và duy trì khả năng hỗ trợ sự sống của nó [2]. Các động từ "canh tác" và "trông coi" là những động từ diễn tả mối liên hệ của Adam với ngôi nhà khu vườn của mình, nhưng cũng cho thấy niềm tin tưởng của Thiên Chúa muốn đặt chàng làm chủ và canh giữ toàn thể thiên nhiên tạo vật.

Chuyện sinh thành của Cain và Abel là những gì mở màn cho lịch sử anh chị em trong gia đình, ở mối liên hệ được nhận thức - ngay cả bởi Cain, cho dù một cách lầm lẫn - theo nghĩa bảo vệ hay "canh giữ". Sau khi giết Abel em mình, Cain đã đáp lại câu hạch hỏi của Thiên Chúa rằng: "Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi?" (Gen 4:9) [3] Cain, như tất cả chúng ta, được kêu gọi để "canh giữ anh chị em mình". "Những câu truyện cổ xưa này, đầy tính cách biểu hiệu, minh chứng niềm xác tín chúng ta chia sẻ hôm nay đây, đó là hết mọi sự đều được liên kết với nhau, và việc chăm sóc chân thực đối với đời sống của chúng ta, cũng như đối với mối liên hệ của chúng ta với thiên nhiên, là những gì bất khả phân ly với tình huynh đệ, với công lý và với lòng trung thành với người khác" [4].

3- Thiên Chúa Hóa Công, Một Mô Phạm của Việc Chăm Sóc

Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa chẳng những là Đấng Hóa Công, mà còn là một Đấng chăm sóc cho các loài tạo vật của Ngài nữa, nhất là cho Adam, Eva cùng miêu duệ của họ. Bất chấp có bị nguyền rủa bởi tội ác gây ra, Cain vẫn được Vị Hóa Công này ghi dấu bảo vệ để mạng sống của hắn được an toàn (cf Gen 4:15). Cho dù có khắng định về phẩm giá bất khả vi phạm của con người, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, thì việc ghi dấu này cũng là một dấu hiệu cho thấy dự án của Thiên Chúa trong việc bảo trì mối hòa hợp nơi thiên nhiên tạo vật của Ngài, vì "bình an và bạo lực bất khả chung sống" [5].

Việc chăm sóc cho thiên nhiên tạo vật là tâm điểm của cơ cấu Ngày Hưu Lễ, một ngày mà, ngoài việc tôn thờ thần linh trước hết, còn nhắm đến chỗ phục hồi cơ cấu xã hội cùng với mối quan tâm đối với người nghèo (cf. Gen 1:1-3; Lev 25:4). Việc mừng Năm Thánh cứ mỗi bảy năm hưu một lần đã cống hiến một thứ xả hơi cho đất đai, cho thành phần nô lệ cũng như cho những ai nợ nần. Trong năm hồng phúc ấy, những ai thiếu thốn nhất đều được chăm sóc và được cống hiến cho một cơ hội mới trong đời, nhờ đó không có tình trạng nghèo khổ trong dân chúng nữa (cf. Deut 15:4).

Theo truyền thống các tiên tri, việc nhận thức thánh kinh về sự công chính được thể hiện tốt nhất nơi một cộng đồng biết đối xử với các phần tử yếu kém nhất của nó. Đặc biệt là Tiên Tri Amos (cf 2:6-8;8) và Tiên Tri Isaia (cf.58), nhất trí đòi hỏi công lý cho người nghèo, thành phần, vì tính chất mỏng dòn dễ bị tổn thương và bất lực của mình, kêu lên cùng Thiên Chúa là Đấng canh chừng họ và đáp ứng họ (cf. Ps 34:7; 113:7-8).

4- Việc chăm sóc nơi thừa tác vụ của Chúa Giêsu

Đời sống và thừa tác vụ của Chúa Giêsu là những gì tiêu biểu cho mạc khải tối cao về tình yêu thương của Thiên Chúa giành cho nhân loại (cf. Jn 3:16). Ở trong hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là Đấng được Chúa thánh hiến, và "đươc sai đi để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, để loan báo sự giải thoát cho những ai bị giam cầm đầy ải, và phục quang cho kẻ mù lòa, để giải phóng cho những ai bị áp bức" (Lk 4:18). Những hành động thiên sai ngôn sứ này, cùng với năm Thánh, là chứng từ hùng hồn cho sứ vụ Người đã lãnh nhận từ Cha. Theo lòng cảm thương của mình, Người đã đến gần với thành phần bệnh nhân, cả thể lý lẫn tinh thần, và chữa lành cho họ; Người đã tha thứ cho các tội nhân và đã ban cho họ sự sống mới. Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc cho chiên của Người (cf. Jn 10:11-18; Ezek 34:1-31). Người là Vị Mục Tử Nhân Lành cúi mình xuống giúp đỡ người bị thương tích, băng bó các vết thương của người này và chăm sóc cho người ấy (cf. Lk 10:30-37).

Tột đỉnh sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã cống hiến một chứng từ tối hậu về việc chăm sóc của Người đối với chúng ta, bằng việc hiến mình trên thập tự giá để giải thoát chúng ta khỏi bị làm nô lệ cho tội lỗi và tử thần. Bằng việc hy hiến sự sống của mình ấy, Người đã mở ra cho chúng ta con đường yêu thương. Người nói với từng người chúng ta rằng: "Hãy theo Thày; hãy đi mà làm như thế" (cf Lk 10:37).

5- Một thứ chăm sóc nơi đời sống của thành phần môn đệ Chúa Giêsu

Các việc xót thương về tinh thần và thể lý là tâm điểm đức ái được Giáo Hội sơ khai thực hiện. Thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã biết chia sẻ những gì họ có, nhờ đó không ai trong họ bị thiếu thốn (cf. Acts 4:34-35). Họ đã cố gắng làm cho cộng đồng của họ trở thành một ngôi nhà đón nhận, biết quan tâm đến hết mọi nhu cầu của con người, và sẵn sàng chăm sóc cho những ai thiếu thốn nhất. Một tập tục đã được hình thành trong việc thực hiện các thứ đóng góp tự nguyện để nuôi người nghèo, an táng kẻ chết và chăm sóc cho những trẻ mồ côi, cho những ai già lão, và cho những nạn nhân bị thảm họa như các vị đắm tầu. Vào những thời gian sau đó, khi mà lòng quảng đại của Kitô hữu đã bị mất đi tình sốt sắng ban đầu, thì một số vị Giáo Phụ đã nhấn mạnh rằng của cải theo ý muốn của Thiên Chúa là để cho công ích. Đối với Thánh Amrôsiô thì: "thiên nhiên đã cung cấp tất cả mọi sự cho việc sử dụng chung của tất cả mọi người... và vì thế đã làm phát xuất quyền lợi chung đối với tất cả mọi người, thế nhưng lòng tham đã biến nó thành một thứ quyền lợi cho chỉ một thiểu số nào đó thôi" [6]. Sau các cuộc bách hại ở các thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã sử dụng quyền tự do mới được của mình để tác động xã hội cùng với nền văn hóa của xã hội. "Các nhu cầu của các thời đại đã phát động các nỗ lực mới trong việc phục vụ của đức ái Kitô giáo. Lịch sử ghi nhận vô vàn trường hợp về các việc xót thương cụ thể... Hoạt động của Giáo Hội nơi người nghèo tiến đến chỗ được tổ chức đâu vào đó. Đã có nhiều cơ cấu nâng đỡ hết mọi nhu cầu của con người, như các bệnh viện, những nhà cho người nghèo, các viện cô nhi, những nhà nuôi trẻ bị bỏ rơi, những nơi cư trú cho khách lữ hành..." [7]

6- Các nguyên tắc nơi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội là cứ điểm cho thứ văn hóa chăm sóc.

Thừa tác vụ diakonia từ nguyên thủy của Giáo Hội này, được phong phú hóa bởi các Giáo Phụ, và được nẩy nở qua các thế kỷ, bởi đức ái chủ động của nhiều chứng nhân đức tin rạng ngời, đã trở nên hồn sống nơi giáo huấn về xã hội của Giáo Hội. Giáo Huấn này được cống hiến cho tất cả mọi người thiện tâm như là một gia sản của các nguyên tắc quí báu, các tiêu chuẩn và những khuyến nghị có thể được sử dụng như một bản "văn phạm" về việc chăm sóc, bao gồm việc dấn thân cổ võ phẩm giá của từng người, tình đoàn kết với người nghèo và dễ bị tổn thương, việc theo đuổi công ích và việc quan tâm bảo vệ thiên nhiên tạo vật.

Việc chăm sóc để cổ võ phẩm giá và quyền lợi của từng người

"Chính quan niệm về con người, được bắt nguồn và khai triển nơi Kitô giáo, đang duy trì việc theo đuổi một thứ phát triển toàn vẹn con người. Con người bao giờ cũng biểu hiệu cho những gì là liên hệ, chứ không phải chủ nghĩa cá nhân; nó chấp nhận tính cách bao gồm, chứ không phải loại trừ, chấp nhận phẩm giá đặc thù và bất khả vi phạm chứ không phải khai thác" [8]. Mỗi một con người tự mình là đích điểm, không bao giờ chỉ là một thứ phương tiện, chỉ được thẩm định bằng sự ích lợi của họ. Con người được dựng nên để chúng sống trong gia đình, cộng đồng và xã hội, tất cả đều bình đẳng về phẩm giá. Các thứ nhân quyền đều xuất phát từ phẩm giá này, các nhiệm vu làm người cũng thế, như trách nhiệm đón nhận và hỗ trợ người nghèo, bệnh nhân, những ai bị loại trừ, hết mọi người trong số "tha nhân của chúng ta, gần hay xa về không gian và thời gian" [9].

Việc chăm sóc cho công ích

Hết mọi khía cạnh về đời sống xã hội, chính trị và kinh tế chiếm được đích điểm trọn vẹn nhất của nó khi biết phục vụ công ích, nói cách khác, "tổng số tất cả mọi điều kiện xã hội giúp cho người ta, dù là chung nhóm hay cá nhân, có thể đạt tới tầm vóc viên trọn của mình hoàn toàn hơn và dễ dàng hơn" [10]. Vì thế mà các dự án và dự phóng của chúng ta bao giờ cũng phải lưu ý tới các tác dụng của chúng nơi toàn thể gia đình nhân loại, và quan tâm tới các hậu quả của chúng đối với các thể hệ hiện tại cũng như tương lai. Dịch bệnh Covid-19 đã cho chúng ta thấy sự thật này và tính chất thời sự của sự kiện ấy. Trong việc đối diện với dịch bệnh này, "chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta cùng ở trên một con thuyền, tất cả chúng ta đều mỏng dòn và mất định hướng, thế nhưng đồng thời lại quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng chèo chống với nhau" [11], vì "không ai tự mình đạt được ơn cứu độ" [12], và không có một quốc gia nào có thể bảo đảm công ích của dân số mình nều cứ cô lập [13].

Việc chăm sóc bằng tình đoàn kết

Tình đoàn kết thể hiện một cách cụ thể tình yêu thương của chúng ta đối với người khác, chứ không phải như là một thứ cảm tình mơ hồ mà là "một quyết tâm mãnh liệt và kiên trì dấn thân cho công ích; tức là cho thiện ích của tất cả mọi người cũng như của từng cá nhân, vì tất cả chúng ta thực sự có trách nhiệm với tất cả mọi người" [14]. Tình đoàn kết giúp chúng ta trân trọng người khác - dù là cá nhân, hay, bao rộng hơn, dù là các dân tộc hay các quốc gia - còn hơn chỉ như là những thứ thuần thống kê, hoặc như phương tiện được sử dụng rồi sau đó loại trừ đi khi không còn ích lợi nữa, mà như tha nhân của chúng ta, như những người bạn đồng hành với chúng ta, được kêu gọi như chúng ta để tham dự vào bàn tiệc sự sống là nơi tất cả đều được Thiên Chúa mời gọi ngang bằng với nhau.

Việc chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên tạo vật

Thông Điệp Laudato Si' hoàn toàn nhận thức được rằng tất cả mọi tạo vật đều tương liên với nhau. Thông điệp này cũng nhấn mạnh đến việc chúng ta cần phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, và đồng thời tiếng kêu của thiên nhiên tạo vật. Việc liên lỉ và chăm chú lắng nghe, ngược lại, dẫn tới việc thực sự chăm sóc trái đất này, ngôi nhà chung của chúng ta, cũng như chăm sóc cho anh chị em thiếu thốn của chúng ta. Ở đây, một lần nữa, tôi xin nêu lên là "thứ cảm quan sâu xa hiệp thông với phần còn lại của thiên nhiên không thể nào chân thực. nếu cõi lòng của chúng ta hụt hẫng tính chất dịu dàng, cảm thương và quan tâm đến đồng loại của chúng ta" [15]. "Bình an, công lý và việc chăm sóc cho thiên nhiên vạn vật là 3 vấn đề liên hệ mật thiết với nhau, bất khả phân ly đến độ nếu chỉ thực hiện từng vấn đề một thì chúng ta rơi vào tình trạng giản lược hóa rồi vậy" [16].

7- Một la bàn chỉ hướng đi chung

Ở vào một thời điểm bị thống trị bởi nền văn hóa rác thải, đối diện với những thứ bất quân bình gia tăng cả trong nội bộ các nước lẫn giữa các nước với nhau [17], tôi tha thiết kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền và những ai lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các vị lãnh đạo thương trường, các khoa học gia, các chuyên viên truyền thông và các nhà giáo dục, hãy nhận lấy những nguyên tắc này làm "la bàn", nhờ đó cò thể vạch ra một hướng đi chung và bảo đảm "một tương lai nhân bản hơn" [18] trong tiến trình toàn cầu hóa. Điều này giúp chúng ta có thể trân trọng giá trị cùng phẩm vị của hết mọi người, cùng nhau hoạt động trong tình đoàn kết cho công ích. và nâng đỡ những ai đang trải qua nghèo khổ, bệnh nạn, làm tôi, các cuộc xung đột võ trang và kỳ thị. Tôi xin hết mọi người hãy cầm lấy trong tay cái địa bàn này, và trở thành một chứng nhân ngôn sứ của nền văn hóa chăm sóc, cố gắng thắng vượt nhiều tình trạng bất bình đẳng về xã hội hiện tại. Điều này chỉ có thể xẩy ra bằng một cuộc tham gia bao rộng và ý nghĩa về phần của nữ giới, trong gia đình cũng như nơi hết mọi lãnh vực xã hội, chính trị và tổ chức.

Cái la bàn về những nguyên tắc xã hội ấy, rất cần thiết cho việc tăng tiến của thứ văn hóa chăm sóc, cũng hướng đến cả nhu cầu đối với những mối liên hệ giữa các quốc gia được tác động bởi tình huynh đệ, bởi sự tương kính, bởi tình đoàn kết và bởi việc tuân thủ luật lệ quốc tế. Về vấn đề này, chúng ta cần phải nhìn nhận nhu cầu bênh vực và cổ võ các thứ nhân quyền căn bản là những gì bất khả tương nhượng, phổ quát và bất khả phân ly [19].

Cũng thế, cần phải tôn trọng luật lệ nhân đạo, nhất là vào lúc này đây, khi các cuộc xung đột và chiến tranh tiếp tục không ngừng nghỉ. Thảm thương thay, nhiều miền và nhiều cộng đồng không còn có thể nhớ được có thời họ đã được sống an toàn và an bình. Nhiều thành phố đã trở thành tâm chấn bất an toàn: thành phần công dân tranh đấu để bảo tồn tập tục bình thường của họ trước các cuộc tấn công xả láng bởi những trận bùng nổ, bởi pháo đốt cũng như bởi các thứ vũ khí nhỏ. Trẻ em không thể học hành. Những con người nam nữ không thể làm việc để giúp gia đình mình. Tình trạng đói khổ đang lan tràn ở những nơi trước đây vẫn chẳng được biết đến. Dân chúng bị bắt buộc phải chạy loạn, bỏ lại sau lưng chẳng những nhà cửa của họ, mà còn lịch sử gia đình họ cùng với các thứ cội nguồn văn hóa của họ nữa.

Vẫn biết rằng có nhiều nguyên nhân gây ra các cuộc xung đột này, nhưng hậu quả bao giờ cũng giống như nhau, đó là bị hủy hoại và khủng hoảng về nhân đạo. Chúng ta cần dừng lại và tự vấn xem cái gì đã khiến cho thế giới của chúng ta coi chuyện xung đột là những gì bình thường, và làm sao để cõi lòng của chúng ta có thể biết hoán cải, cùng với việc đổi thay cách thức suy nghĩ của chúng ta, để hoạt động cho hòa bình đích thực trong tình đoàn kết và huynh đệ.

Biết bao nhiêu là tài lực đã tiêu dùng vào vấn đề vũ trang, nhất là các thứ vũ khí nguyên tử [20], những tài lực có thể được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như cho việc bảo đảm tình trạng an toàn của các cá nhân, cho việc bảo vệ hòa bình cùng phát triển toàn diện con người, cho việc chiến đấu với tình trạng nghèo khổ, cũng như cho việc dự phòng chăm sóc sức khỏe. Các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cùng với tình trạng thay đổi khí hậu lại càng làm cho tất cả những thách đố khó khăn ấy càng trở nên hiện tỏ hơn thôi. Can đảm biết bao cho một quyết định "thiết lập một 'Quĩ Toàn Cầu' bằng tiền bạc sử dụng cho các thứ vũ khí cùng với những tiêu tốn quân sự khác, để vĩnh viễn loại trừ đi tình trạng nghèo khổ và góp phần vào việc phát triển các xứ sở nghèo nàn nhất"! [21]

8- Giáo dục hướng dẫn về văn hóa chăm cóc

Việc cổ võ một thứ văn hóa chăm sóc cần phải có một tiến trình giáo dục. "Cái địa bàn" về các nguyên tắc xã hội có thể trở nên hữu dụng và khả tín nơi một số lãnh vực tương liên khác nhau. Tôi xin trưng ra một số thí dụ sau đây:

- Giáo dục dân chúng chăm sóc bắt đầu ở trong gia đình, tế bào tự nhiên và nồng cốt của xã hội, nơi chúng ta học biết cách sống và liên hệ với người khác bằng tinh thần tương kính. Tuy nhiên gia đình cần phải được tăng thêm quyền lực để thi hành công việc sống còn và bất khả châm chước này.

- Cùng với gia đình là các học đường và đại học đường - và, ở một khía cạnh nào đó, cả lãnh vực truyền thông nữa - cũng có trách nhiệm giáo dục [22]. Họ được kêu gọi truyền đạt cả một bộ giá trị xuất phát từ việc nhìn nhận phẩm giá của từng người, của từng cộng đồng tiếng nói, sắc tộc và tôn giáo, và từng dân tộc, cũng như các quyền lợi cốt yếu được nhìn nhận. Việc giáo dục là một trong những trụ cột cho một xã hội công chính hơn và huynh đệ hơn.

- Các tôn giáo nói chung, và các vị lãnh đạo tôn giáo nói riêng, có thể đóng một vai trò bất khả châm chước trong việc truyền đạt cho các tín đồ của mình, cũng như cho chung xã hội, những thứ giá trị về tình đoàn kết, về thái độ tôn trọng những khác biệt, và quan tâm đến những anh chị em thiếu thốn cần giúp đỡ của mình. Đến đây tôi nghĩ đến những lời được Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói vào năm 1969 cho Quốc Hội Uganda: "Đừng sợ Giáo Hội; Giáo Hội tôn trọng anh chị em, Giáo Hội giáo dục những người công dân chân thành và trung tín cho anh chị em, Giáo Hội không phát động những gì là kình địch và chia rẽ, Giáo Hội tìm cách phát động thứ tự do lành mạnh, công lý xã hội và bình an. Nếu Giáo Hội có một ưu tiên nào đó thì giành cho người nghèo, cho việc giáo dục những con người nhỏ bé và dân chúng, cho việc chăm sóc những ai khổ đau và bị bỏ rơi" [23]

- Một lần nữa, tôi khuyến khích tất cả những ai tham gia vào việc dấn thân phục vụ quần chúng và ở trong các cơ quan quốc tế, cả trong chính quyền lẫn ngoài chính quyền, cùng tất cả những ai, một cách nào đó, tham phần vào những lãnh vực giáo dục và nghiên cứu, hoạt động cho đích nhắm là "một thứ giáo dục cởi mở hơn lẫn bao hàm hơn, ở chỗ nhẫn nại lắng nghe, đối thoại xây dựng và hiểu biết nhau hơn" [24]. Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi này, được thực hiện theo chiều hướng của Hiệp Ước Toàn Cầu về Giáo Dục, sẽ được rộng rãi công nhận và chấp nhận.

9- Không có vấn đề hòa bình mà lại thiếu mất nền văn hóa chăm sóc

Thế nên, nền văn hóa chăm sóc cần đến một dấn thân chung, quyết tâm ủng hộ và quyết tâm bao gồm để bảo vệ và cổ võ phẩm giá và thiện ích của tất cả mọi người, một thái độ sẵn sàng tỏ ra chăm sóc và cảm thương, sẵn sàng hoạt động cho việc hòa giải và chữa lành, cũng như cho việc phát triển sự tương kính cùng tương nhận lẫn nhau. Có thế văn hóa chăm sóc mới tiêu biểu cho một đường lối đặc biệt dẫn đến hòa bình. "Ở nhiều phần đất trên thế giới, cần có những đường lối hòa bình để chữa lành các vết thương trước mắt. Cũng cần có những con người xây dựng hòa bình, những con người nam nữ sẵn sàng hoạt động một cách kiên trì và sáng tạo để khởi động những tiến trình chữa lành và gặp gỡ mới" [25].

Ở vào một thời điểm như thế này, khi mà còn thuyền của nhân loại, đang bị bão tố bởi những cuộc khủng hoảng hiện nay xô lấn ngả nghiêng, đang cố gắng chống chọi để tiến tới một chân trời bình lặng hơn và thanh thản hơn, thì "cái bánh lái" về phẩm giá của con người, và "cái la bàn" về các nguyên tắc xã hội căn bản có thể giúp chúng ta cùng nhau có thể lèo lái một cách an toàn. Là Kitô hữu, chúng ta cần phải luôn nhìn lên Đức Mẹ là Sao Biển và là Mẹ của Niềm Hy Vọng. Chớ gì chúng ta cùng nhau tiến tới một chân trời mới của yêu thương và bình an, của tình huynh đệ và đoàn kết, của sự tương trợ và tương nhận nhau. Chớ gì chúng ta không bao giờ chiều theo khunh hướng coi thường bỏ quên người khác, nhất là những ai cần nhất, và theo khuynh hướng nhìn đi chỗ khác [26]; trái lại, chớ gì hằng ngày chúng ta nỗ lực, một cách cụ thể và thực tế, "hình thành một cộng đồng làm nên bởi những người anh chị em biết chấp nhận nhau và chăm sóc cho nhau" [27].

Vatican ngày 8/12/2020

Phanxicô

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/messages/peace/documents/papa-francesco_20201208_messaggio-54giornatamondiale-pace2021.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

Các Phụ Chú được trích dẫn trong Sứ Điệp:

[1] Cf. Video Message to the Seventy-fifth Meeting of the General Assembly of the United Nations, 25 September 2020.

[2] Cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 67.

[3] Cf. “Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace”, Message for the 2014 World Day of Peace (8 December 2013), 2.

[4] Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 70.

[5] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, No. 488.

[6] De Officiis, 1, 28, 132: PL 16, 67.

[7] K. BIHLMEYER-H. TÜCHLE, Church History, vol. 1, Westminster, The Newman Press, 1958, pp. 373, 374.

[8] Address to Participants in the Conference organized by the Dicastery for Promoting Integral Human Development to mark the Fiftieth Anniversary of the Encyclical Populorum Progressio (4 April 2017).

[9] Message for the Twenty-second Session of the Conference of the Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change (COP22), 10 November 2016. Cf. INTERDICASTERIAL ROUNDTABLE OF THE HOLY SEE ON INTEGRAL ECOLOGY, Journeying Towards Care for Our Common Home: Five Years after Laudato Si’, Libreria Editrice Vaticana, 31 May 2020.

[10] SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 26.

[11] Extraordinary Moment of Prayer in Time of Epidemic, 27 March 2020.

[12] Ibid.

[13] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 8; 153.

[14] SAINT JOHN PAUL II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 38.

[15] Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 91.

[16] EPISCOPAL CONFERENCE OF THE DOMINICAN REPUBLIC, Pastoral Letter Sobre la relación del hombre con la naturaleza (21 January 1987); cf. Encyclical Letter Laudato Si’ (24 May 2015), 92.

[17] Cf. Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 125.

[18] Ibid., 29.

[19] Cf. Message to Participants in the International Conference “Human Rights in the Contemporary World: Achievements, Omissions, Negations”, Rome, 10-11 December 2018.

[20] Cf. Message to the United Nations Conference to Negotiate a Legally Binding Instrument to Prohibit Nuclear Weapons, Leading Towards their Total Elimination, 23 March 2017.

[21] Video Message for the 2020 World Food Day (16 October 2020).

[22] Cf. BENEDICT XVI, “Educating Young People in Justice and Peace”, Message for the 2012 World Day of Peace, (8 December 2011), 2; “Overcome Indifference and Win Peace”, Message for the 2016 World Day of Peace, (8 December 2015), 6.

[23] Address to the Parliament of Uganda, Kampala, 1 August 1969.

[24] Message for the Launch of the Global Compact on Education, 12 September 2019.

[25] Encyclical Letter Fratelli Tutti (3 October 2020), 225.

[26] Cf. ibid., 64.

[27] Ibid., 96; cf. “Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace”, Message for the 2014 World Day of Peace (8 December 2013), 1.