GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC Phanxicô cử hành Mình Máu Chúa Kitô:

Giảng Lễ và Huấn Từ Truyền Tin

 

THÁNH THỂ CHỮA LÀNH KÝ ỨC

 

Thật là quan trọng trong việc tưởng nhớ đến sự thiện chúng ta đã lãnh nhận. 
Nếu chúng ta không nhớ đến nó,
chúng ta trở thành kẻ xa lạ với chính bản thân mình, là "kẻ qua đường" của cuộc sống. 
  

Thánh Thể không phải chỉ là một tác động tưởng nhớ; mà là một sự kiện, 

đó là Cuộc Vượt Qua của Chúa trở thành hiện thực một lần nữa cho chúng ta.

Trước mắt chúng ta, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu tái diễn trong Thánh Lễ.  

 Thánh Lễ là một Tưởng Nhớ chữa lành ký ức, ký ức của con tim

 

"Hãy nhớ lại tất cả đường lối Chúa là Thiên Chúa của các ngươi đã dẫn đưa các ngươi" (Đệ Nhị Luật 8:2). Bài Sách Thánh hôm nay được bắt đầu bằng lệnh truyền này của Moisen: Hãy nhớ! Sau đó một chút Moisen lập lại: "Đừng quên Chúa là Thiên Chúa của các ngươi" (câu 14). Thánh Kinh đã được ban cho chúng ta để chúng ta có thể thắng vượt được tình trạng lãng quên của chúng ta về Thiên Chúa. Điều này quan trọng biết bao khi chúng ta cầu nguyện! Một trong những Thánh Vịnh dạy rằng: "Tôi sẽ nhớ lại những việc của Chúa; vâng, tôi sẽ nhớ những công trình xưa kia của Chúa" (77:11). Thế nhưng, bao gồm tất cả những công trình Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của riêng chúng ta nữa.

Thật là quan trọng trong việc tưởng nhớ đến sự thiện chúng ta đã lãnh nhận. Nếu chúng ta không nhớ đến nó, chúng ta trở thành kẻ xa lạ với chính bản thân mình, là "kẻ qua đường" của cuộc sống. Không có ký ức, chúng ta tự bật gốc khỏi mảnh đất nuôi dưỡng chúng ta, và để cho mình như lá bị gió thổi bay đi. Ngược lại, nếu chúng ta thực sự tưởng nhớ, là chúng ta thắt chặt bản thân mình bằng những sợi giây chắc nhất; chúng ta cảm thấy thuộc về một lịch sử sống động, một cảm nghiệm sống động của một dân nào đó. Ký ức không phải là một cái gì đó riêng tư; nó là con đường liên kết chúng ta với Thiên Chúa cũng như với các người khác. Đó là lý do tại sao theo Thánh Kinh, ký ức về Chúa là những gì cần phải truyền lại từ đời này dến đời kia. Các vị cha ông được lệnh phải kể chuyện cho con cái mình, như chúng ta đọc thấy ở một đoạn tuyệt vời này. "Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: 'Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị?' Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): 'Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập. Trước mắt chúng ta, ĐỨC CHÚA đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai-cập, phạt Pha-ra-ô và tất cả triều đình vua ấy" (Đệ Nhị Luật 6:20-22). Các ngươi phải truyền lại ký ức này cho con cái các ngươi.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là: vậy thì trường hợp sợi giây truyền đạt ký ức bị đứt đoạn thì sao? Và làm sao chúng ta có thể nhớ được những gì chúng ta chúng ta chỉ đã nghe thấy thôi, trừ phi chúng ta cũng cảm nghiệm thấy về nó? Thiên Chúa biết đến vấn đề khó khăn này, Ngài biết ký ức của chúng ta yếu kém ra sao, và Ngài đã thực hiện một điều tuyệt vời, đó là Ngài đã lưu lại cho chúng ta một tưởng niệm. Ngài đã không chỉ để lại cho chúng ta lời nói, vì chúng ta dễ quên những gì chúng ta nghe thấy. Ngài không chỉ lưu lại cho chúng ta Thánh Kinh, vì chúng ta dễ quên những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh. Ngài không chỉ để lại cho chúng ta những dấu lạ, vì có thể quân cho dù chúng ta đã nhìn thấy. Ngài đã ban cho chúng ta Lương Thực, vì chúng ta không dễ quên những gì chúng ta được thực sự nếm hưởng. Ngài đã lưu lại cho chúng ta Bánh Ăn, nơi Ngài hiện diện thực sự, sống động và chân thật, với tất cả hương vị yêu thương của Ngài. Khi nhận lấy Ngài, chúng ta có thể nói: "Ngài là Chúa; Ngài nhớ đến tôi!" Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" (1Corinto 11:24). Hãy làm! Thánh Thể không phải chỉ là một tác động tưởng nhớ; mà là một sự kiện, đó là Cuộc Vượt Qua của Chúa trở thành hiện thực một lần nữa cho chúng ta. Trước mắt chúng ta, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu tái diễn trong Thánh Lễ. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày: ở chỗ, hãy cùng nhau đến cử hành Thánh Thể như một cộng đồng, như một dân tộc, như một gia đình, để tưởng nhớ đến Thày. Chúng ta không thể làm mà không có Thánh Thể, vì đó là việc tưởng nhớ đến Thiên Chúa. Nó chữa lành ký ức bị thương tật của chúng ta.

Thánh Thể trước hết chữa lành ký ức bị côi cút của chúng ta. Chúng ta đang sống ở một thời điểm thât là côi cút. Thánh Thể chữa lành ký ức b côi cút. Rất nhiều người có những ký ức hằn vết b hụt hẫng về tình cảm và những thất vọng đắng cay, gây ra bởi những người đáng lẽ phải yêu thương họ, mà lại làm cho cõi lòng họ bị mồ côi. Chúng ta muốn quay trở lại để thay đổi quá khứ nhưng không thể. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương ấy, bằng việc đặt vào trong ký ức của chúng ta một tình yêu cao cả hơn, đó là tình yêu thương của Ngài. Thánh Thể mang chúng ta đến với tình yêu trung tín của Chúa Cha, một tình yêu chữa lành cảm quan mình ch là những con người mồ côi của chúng ta. Thánh Thể cống hiến cho chúng ta tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu đã biến nấm mồ ở đường cùng trở thành một khởi điểm, và cũng có thể biến đổi đời sống của chúng ta như vậy. Thánh Thể làm cho cõi lòng của chúng ta tràn đầy tình yêu thương an ủi của Thánh Linh, Đấng không bao giờ bỏ chúng ta lẻ loi một mình và luôn chữa lành các thương tích của chúng ta.

Bằng Thánh Thể, Chúa cũng chữa lành ký ức tiêu cực của chúng ta, thứ tiêu cực rât thường thấm vào tấm lòng của chúng ta. Chúa chữa lành ký ức tiêu cực này, một ký ức gợi lên những gì sai trái xẩy ra, và lưu lại nơi chúng ta ý niệm tiếc xót khiến chúng ta cảm thấy mình vô dụng, chỉ toàn vấp phạm, chỉ là lầm lỗi. Chúa Giêsu đến để nói với chúng ta rằng không phải thế đâu. Người muốn được gần gữi với chúng ta. Lần nào chúng ta rước lấy Người, Người đều nhắc chúng ta rằng chúng ta là những gì quí báu, chúng ta là khách Người muốn mời tới dự tiệc của Người, là bạn Người muốn dùng bữa với. Chẳng những vì Người quảng dại, mà còn vì Người thật sự phải lòng chúng ta. Người nhìn thấy và yêu thích vẻ đẹp và thiện hảo chúng ta có. Chúa biết rằng sự dữ và tội lỗi không phải là những gì định hình chúng ta; chúng là những thứ bệnh hoạn, những thứ lây nhiễm. Người đến để dùng Thánh Thể chữa lành chúng, một Thánh Thể chất chứa các kháng tố cho ký ức tiêu cực của chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể được miễn nhiễm trước tâm trạng buồn thảm. Chúng ta sẽ luôn nhớ đến các sai phạm của chúng ta, những trục trặc, những vấn đ ở nhà và ở nơi làm việc, nhớ đến những giấc mơ đã không hiện thực. Thế nhưng, tác dụng của chúng sẽ không áp đảo chúng ta, vì Chúa Giêsu hiện diện còn sâu xa hơn nữa, phấn khích chúng ta bằng tình yêu thương của Người. Đó là quyền lực của Thánh Thể, biến đổi chúng ta thành những con người mang Thiên Chúa, mang niềm vui, chứ không phải những gì tiêu cực. Chúng ta là những người đi Lễ có thể hỏi rằng: Đâu là những gì chúng ta mang đến cho thế giới? Nỗi buồn thảm và cay đắng của chúng ta, hay là niềm vui của Chúa? Chúng ta Hiệp Lễ rồi cưu mang phàn nàn trách móc, phê bình chỉ trích và hối tiếc bản thân hay sao? Điều này không cải tiến được gì hết, trong khi niềm vui của Chúa là những gì có thể thay đổi đời sống.

Sau hết, Thánh Thể chữa lành ký ức khép kín của chúng ta. Những vết thương chúng ta giữ ở trong lòng là những gì tạo ra các vấn đề chẳng những cho chúng ta, mà còn cho cả những người khác nữa. Chúng làm cho chúng ta sợ hãi và nghi ngại. Chúng ta bắt đầu bằng việc khép kín, cuối cùng đi đến chỗ  yếm thế và lãnh đạm. Các vết thương của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến chỗ phản ứng với những người khác một cách xa lìa và ngạo mạn, bằng thứ ảo tưởng cho rằng chúng ta có thể làm chủ được tình thế bằng cách ấy. Thế nhưng đó thật sự là ảo tưởng, vì chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành sợ hãi tận gốc, và mới giải thoát chúng ta khỏi tâm trạng qui kỷ giam nhốt chúng ta. Đó là những gì Chúa Giêsu làm. Người tiến đến với chúng ta một cách nhẹ nhàng, nơi dáng vẻ tầm thường chẳng vũ trang của Bánh Thánh. Người đến như một Tấm Bánh bẻ ra để phá vỡ những lớp vỏ vị kỷ của chúng ta. Người trao ban chính mình để dạy chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta biết mở lòng mình ra, chúng ta mới có thể được giải phóng cho khỏi các thứ cản ngăn nội tâm của chúng ta, khỏi tình trạng bất toại của tấm lòng.

Khi hiến mình cho chúng ta nơi tính chất tầm thường của tấm bánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta là đừng phung phí cuộc đời của chúng ta trong việc săn tìm chạy theo vô số ảo tưởng mà chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta không thể thiếu chúng, nhưng lại làm cho chúng ta trống rỗng nội tâm. Thánh Thể làm cho chúng ta no thỏa cơn đói những thứ vật chất của chúng ta, và thắp lên ước muốn phục vụ của chúng ta. Thánh Thể nâng chúng ta lên khỏi lối sống thoải mái và ươn lười của chúng ta, và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có cái miệng cần được ăn, mà còn có cả đôi tay cần được sử dụng để cho những người khác ăn nữa. Hiện nay thật là khẩn trương trong việc chăm sóc cho những ai đói khát lương thực và đói khát phẩm giá, những ai không có việc làm, và những ai đang phải tranh đấu để tiếp tục tiến lên. Chúng ta cần phải làm điều này một cách thực sự, thực sự như Tấm Bánh Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Cần phải tỏ ra một sự gần gũi đích thực, như các mối giây thực sự của tình đoàn kết. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu đến gần với chúng ta: để chúng ta đừng quay đi khỏi những ai ở chung quanh chúng ta!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cử hành Thánh Lễ của chúng ta: cử hành Việc Tưởng Nhớ chữa lành ký ức của chúng ta. Chớ gì đừng bao giờ chúng ta quên rằng: Thánh Lễ là một Tưởng Nhớ chữa lành ký ức, ký ức của con tim. Thánh Lễ là kho tàng trên hết trong cả Giáo Hội lẫn đời sống chúng ta. Chúng ta cũng hãy tái nhận thức việc tôn thờ Thánh Thể, một việc tôn thờ tiếp tục công việc của Thánh Lễ trong chúng ta. Việc tôn thờ này cũng sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, vì việc này chữa lành nội tâm chúng ta. Nhất là hiện nay, khi nhu cầu của chúng ta quá lớn lao.

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200614_omelia-corpusdomini.html  

Đaminh Maria cao tấn tĩnh chuyển dịch và tự ý nhấn mạnh ở những chi tiết được đổi mầu.

 

Huấn Từ Truyền Tin

 

 

Xin thân ái chào anh chị em,

Hôm nay, Ý và ở các quốc gia khác cử hành Lễ Trọng Mình Máu Chúa Kitô, Corpus Christi. Ở bài đọc 2 phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô đã diễn tả việc cử hành Thánh Thể (xem 1Corinto 10:16-17). Ngài nhấn mạnh đến 2 tác hiệu của chén chung và tấm bánh bẻ ra, đó là tác hiệu mầu nhiệm và tác hiệu hiệp thông.

Trước hết, Vị Tông Đồ này nói rằng: "Chén chúc tụng chúng ta ngợi khen không phải là việc chúng ta tham dự vào máu của Chúa hay sao? Tấm bánh chúng ta bẻ ra không phải là việc chúng ta tham dự vào thân mình của Chúa Kitô hay sao?" (câu 16). Những lời này diễn tả tác hiệu mầu nhiệm, hay chúng ta có thể nói, tác hiệu thiêng liêng của Thánh Thể, ở chỗ, Thánh Thể liên hệ tới mối hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng hiến dâng Bản Thân Mình nơi bánh và rượu cho phần rỗi của tất cả mọi người. Chúa Giêsu hiện diện nơi bí tích Thánh Thể để làm sinh dưỡng của chúng ta, để được đồng hóa, và để trở nên trong chúng ta quyền lực đổi mới cống hiến cho chúng ta nghị lực và lòng muốn bắt đầu lại, sau các lần dừng bước, hay sau những lần sa ngã. Thế nhưng, điều này cần đến sự ưng thuận của chúng ta, đến việc chúng ta sẵn sàng để mình được biến đổi - đường lối suy nghĩ và tác hành của chúng ta. Bằng không, việc cử hành Thánh Thể chúng ta tham dự trở thành trống không và thuần nghi thức. Nhiều lần, người ta đi lễ là vì họ cần phải đi, như là một biến cố xã hội, trân trọng nhưng có tính cách xã hội. Thế nhưng, mầu nhiệm này lại khác. Chính Chúa Giêsu là Đấng hiện diện, Đấng đến để nuôi dưỡng chúng ta.

 

 

Tác hiệu thứ hai là tác hiệu hiệp thông và là tác hiệu được Thánh Phaolô diễn tả bằng những lời này: "Vì chỉ có một tấm bánh mà chúng ta dù nhiều củng chỉ là một thân thể duy nhất" (câu 17). Chính mối hiệp thông với nhau này của những ai tham phần vào Thánh Thể, cho đến độ trở thành một thân thể duy nhất với nhau, y như một tấm bánh duy nhất được bẻ ra và phân phối. Chúng ta là một cộng đồng, được nuôi dưỡng bằng mình và máu Chúa Kitô. Mối hiệp thông với thân mình của Chúa Kitô là một dấu hiệu hiệp nhất, hiệp thông và chia sẻ thực sự. Người ta không thể tham dự Thánh Thể mà lại không dấn thân cho tình huynh đệ hỗ tương - chân thành. Thế nhưng Chúa biết rõ tự sức mình con người không thể nào làm được điều này. Trái lại, Người biết rằng bao giờ cũng có khuynh hướng kình địch, ghen hờn, thành kiến, chia rẽ ... giữa thành phần môn đệ của Người. Tất cả chúng ta đều nhận thức được những điều ấy. Vì thế mà Người cũng đã để lại cho chúng ta Bí Tích về Sự Hiện Diện thực hữu, khả giác và vĩnh viễn, nhờ đó, bằng việc hiệp nhất với Người, chúng ta luôn lãnh nhận tặng ân yêu thương huynh đệ. "Hãy ở lại trong tình yêu của Thày" (Gioan 15:9), Chúa Giêsu phán như thế. Và điều ở lại này trở thành khả dĩ nhờ Thánh Thể. Hãy ở lại trong tình thân hữu, trong tình yêu thương.

 

 

Hoa trái lưỡng diện này của Thánh Thể: trước hết là hiệp nhất với Chúa Kitô, và thứ hai là hiệp thông giữa những ai được Người nuôi dưỡng, những ai phát sinh và canh tân cộng đồng Kitô hữu. Chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể, nhưng sâu xa hơn, đó là Thánh Thể làm nên Giáo Hội, và giúp cho Giáo Hội có thể thực hiện sứ vụ của Giáo Hội, ngay cả trước khi Giáo Hội hoàn thành sứ vụ này. Mầu nhiệm hiệp thông, mầu nhiệm Thánh Thể là ở chỗ lãnh nhận Chúa Giêsu để Người có thể biến đổi chúng ta tận bên trong, và nhận lãnh Chúa Giêsu để trong Người chúng ta được hiệp nhất nên một, không chia rẽ.

Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta luôn đón nhận một cách ngây ngất và biết ơn đại tặng ân Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, bằng việc để lại cho chúng con Bí Tích Mình của Người và Máu của Người.

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20200614.html  

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, chuyển dịch và tự ý nhấn mạnh những chi tiết đặc biệt trong bài huấn từ bằng mầu