SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Thường Niên Tuần VNăm A và Chẵn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: Sir 15,16-21

"Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác"

Bài trích sách Ðức Huấn ca.

Nếu người muốn tuân giữ các giới răn:

việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi.

Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa,

ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó.

Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ,

họ thích thứ nào, thì được thứ ấy.

Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng.

Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài.

Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người,

và thấu suốt mọi hành động của con người.

Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác,

và không cho phép một ai phạm tội.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv. 118,1-2, 4-5, 17-18, 33-34

Ðáp: Phước đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa.

Xướng 1) Phước đức những ai có đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. Phước đức những ai giữ lời Chúa răn bảo, những người đó tận tâm tìm kiếm Chúa. - Ðáp.

2) Phần Chúa, Chúa ban bố huấn lệnh, để chúng được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa. - Ðáp.

3) Xin gia ân cho tôi tớ Chúa được sống, để tuân giữ những lời Chúa răn. Xin mở rộng tâm hồn con mắt của tôi, để quân chiêm những điều kỳ diệu trong Luật Chúa. - Ðáp.

4) Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để cho tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân cứ luật pháp của Ngài, và để tôi hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1Cor 2,6-10

"Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô.

Anh em than mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan

với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian,'

cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần,

hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong.

Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa,

vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở,

để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.

Sự khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới:

vì giả thử nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh.

Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép:

"Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe,

và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới,

đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người".

Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi,

do Thánh Thần của Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Joan 1,14 và 12b

Alleluia! Alleluia! Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. Alleluia!

 

Phúc Âm: Mt 5, 17-37

"Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:

"Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri:

Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con:

Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật

cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.

Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất,

và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời;

Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó,

sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.

Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái,

thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng:

Không được giết người.

Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án.

Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình,

thì sẽ bị toà án luận phạt.

Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị.

Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ

mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi,

thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ,

đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.

Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó,

kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa,

quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.

Ta bảo thật cho ngươi biết:

"Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"

Các con đã nghe nói với người xưa rằng:

"Chớ ngoại tình". Còn Ta, Ta bảo các con:

"Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ,

thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.

Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con,

thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể

còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con;

vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

Cũng có lời dạy rằng: "Ai ly dị vợi mình,

trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình;

và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình".

Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng:

"Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa".

Còn Ta, Ta bảo các con:

"Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề,

vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người;

đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả.

Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề,

vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.

Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có,

không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 5, 17-37

 

 

Suy niệm

 

"Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn"... "sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa"

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A, khá dài, với 20 câu ở gần cuối đoạn 5 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, bao gồm những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành sau phần mở đầu liên quan đến chính Các Phúc Đức Trọn Lành (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A) và vai trò "là muối đất" và "là ánh sáng thế gian" của thành phần tông đồ môn đệ của Người với thế giới nhân sinh (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A).

Bài Phúc Âm 20 câu hôm nay bao gồm, Chúa Giêsu muốn so sánh, hay đúng hơn, muốn khẳng định giáo huấn của Người là những gì làm cho lề luật của Thiên Chúa ở trong Cựu Ước của dân Do Thái được nên trọn, đạt được mục đích của lề luật, qua tinh thần của luật chứ không phải chữ nghĩa của luật: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn". Bởi thế, Chúa Giêsu dùng phương pháp so sánh về 3 điều tiêu biểu nhất, liên quan đến điều răn thứ 5 "chớ giết người", điều răn thứ 9 "chớ muốn vợ chồng người" và  điều răn thứ 8 "chớ làm chứng dối", như sau

1- Giết người: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".

2- Ngoại tình: "Các con đã nghe nói với người xưa rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi'";

3- Thề Nguyền: "Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: 'Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Căn cứ vào các câu giáo huấn về 3 giới răn tiêu biểu quan trọng trên đây, chúng ta thấy, vì Bài Giảng Trên Núi là bài giảng về phúc đức trọn lành, giúp cho những ai muốn theo Người nhờ đó có thể sống xứng đúng với tư cách là con cái của Cha trên trời là Đấng trọn lành, mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho các vị môn đệ đang nghe Người bấy giờ biết những ý nghĩa sâu xa của từng hành động luân thường đạo lý liên quan đến lề luật tự nhiên của Thiên Chúa. Thậm chí Ngưòi còn chỉ cho các vị biết cách để làm sao hoàn tất được giáo huấn trổi vượt của Người nữa, như chúng ta đọc thấy trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Trước hết, về hành động "giết người", Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ làm mất mạng sống về thể lý của anh chị em mình, mà còn bao gồm cả việc phẫn nộ với họ, khinh bỉ họ và nguyền rủa họ nữa. Đó là lý do Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định rằng: "Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân - Whoever hates his brother is a murderer" (1Gioan 3:15).

Để tránh hành động giết người có tính cách tâm linh là ghen ghét ở chỗ phẫn nộ, khinh bỉ và nguyền rủa anh em mình, nhất là những ai tác hại đến mình là nạn nhân của họ, Chúa Giêsu đã dạy thành phần môn đệ của Người rằng khi các vị là nạn nhân thì phải về làm hòa với phạm nhân của các vị trước khi dâng của lễ cho Thiên Chúa, nghĩa là hãy tự động quảng đại tha thứ cho phạm nhân của mình để xứng đáng cử hành "mầu nhiệm thánh" và mới xứng đáng dâng của lễ lên Đấng là Tình Yêu vô cùng nhân hậu đầy lòng thứ tha:

"Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ".

Sau nữa về hành động "ngoại tình", Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ giao hợp với nhau về xác thịt mà còn ở chỗ thèm muốn xác thịt của người nữ nữa. Và chính vì thế mà Người đã dạy phải làm sao để tránh dịp tội ở ngay bản thân mình, chứ không phải ở ngoại cảnh bên ngoài, dù người nữ nào đó có cố tình cám dỗ mình chăng nữa:

"Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

Sau hết về hành động thề nguyền, Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ "thề gian" nghĩa là không trung thành với lời thề của mình "nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa", mà còn ở chỗ chẳng cần phải thề gì hết: "Có thì nói có, không thì nói không", sống một cách thành thật ở mọi nơi và trong mọi lúc, chứ không quanh quéo làm sao cho được như ý của mình, bất chấp sự thật, bất chấp thủ đoạn, theo đường lối của ngụy thần "là tên dối trá và là cha của những sự giả dối" (Gioan 8:44): "thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Tất cả những gì Chúa Giêsu dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay so với lề luật cũ để hoàn trọn lề luật của Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái phải nói là những điều hoàn thiện hóa bản tính tự nhiên của con người, nhất là bản tính đã bị băng hoại bởi nguyên tội luôn hướng hạ đầy tội lỗi xấu xa khốn nạn, và giáo huấn này chứng thực tất cả những gì khôn ngoan của trời cao được tỏ cho con người qua Chúa Giêsu Kitô.

Thật vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu là Lời Nhập Thể trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan cũng đã được vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô truyền giảng qua các giáo huấn hoàn toàn phản ảnh Phúc Âm, phản ảnh giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng ngài chứng thực bằng chính đời sống của ngài, như ngài đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết: "Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi, do Thánh Thần của Người", một sự khôn ngoan siêu việt được ngài khẳng định như sau:

"Chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.... 'Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người'".

Đó là lý do tác giả của Sách Huấn Ca trong Bài Đọc 1 hôm nay đã khẳng định về ý định của Thiên Chúa đối với con người trong việc Ngài ban hành các huấn lệnh của Ngài cho họ và trách nhiệm chọn lựa lành dữ và sống chết của họ đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa:

Về ý định của Thiên Chúa đối với con người trong việc Ngài ban hành các huấn lệnh của Ngài cho họ: "Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội".

Về trách nhiệm chọn lựa lành dữ và sống chết của họ đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa: "Nếu người muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi. Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy".

Để được như vậy, để có thể luôn đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa qua các huấn lệnh mang lại sự sống của Thiên Chúa, con người tự bản chất vốn mù quáng và yếu đuối bởi bản tính đã bị hư hoại theo nguyên tội không thể nắm vững được đâu là những gì chân thật nhất, tốt lành nhất và đẹp lòng Chúa nhất để mà tuân theo một cách trung thành và dễ dàng, nên họ cần phải liên lỉ tỉnh thức và cầu nguyện theo chiều hướng của câu Đáp Ca hôm nay: "Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để cho tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân cứ luật pháp của Ngài, và để tôi hết lòng vâng theo luật đó". 

 

"Nếu mỗi người chúng ta quyết định tránh chuyện đồn đại nhảm nhí thì cuối cùng chúng ta sẽ thành một vị thánh!"

 

Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là một phần trong bài giảng được gọi là Bài Giảng Trên Núi, bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Đề tài hôm nay đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề Luật Do Thái. Người phán: "Đừng nghĩ rằng Tôi đến để hủy bỏ lề luật và các tiên tri; Tôi đến không phải là để hủy bỏ mà để làm cho chúng nên viên trọn" (Mathêu 5:17). Như thế Chúa Giêsu không muốn loại trừ các giới luật được Thiên Chúa ban bố qua Moisen mà là để làm cho chúng nên viên trọn. Và ngay sau đó Người thêm rằng việc "viên trọn" Lề Luật cần đến một thứ công chính cao cả hơn, một tuân giữ chân thực hơn. Thật vậy, Người đã bảo các môn đệ của Người rằng: "Nếu sự công chính của các con không trổi vượt hơn sự công chính của các luật sĩ và Pharisiêu thì các con sẽ không được vào nước trời" (Mathêu 5:20).

 

Thế nhưng, đâu là ý nghĩa của việc "hoàn toàn viên trọn" Lề Luật này? Và sự công chính cao cả hơn là ở chỗ nào? Chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta bằng một số thí dụ. Chúa Giêsu đã thực tế. Người bao giờ cũng sử dụng các ví dụ khi Người nói để làm sáng tỏ vấn đề Người muốn nói. Người đã bắt đầu với giới răn thứ 5 trong Thập Giới: "Các con đã nghe nói với người xưa rằng 'Các ngươi không được sát hại'... Thế nhưng, Thày bảo các con rằng hết những ai giận dữ anh chị em mình đều sẽ bị phân xử" (Mathêu 5:21-22). Như thế Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng lời nói ngôn từ cũng có thể sát hại nữa! Khi một người nào đó bị nói là họ có "miệng lưới rắn độc" thì điều ấy có nghĩa là chi? Nghĩa là lời nói ngôn từ của họ là những gì sát hại! Bởi vậy mà chúng ta chẳng những không được cố sát hại mạng sống của tha nhân chúng ta còn không được đổ chất độc giận dữ trên họ hay vu khống cho họ nữa. Chúng ta cũng không được nói xấu họ. Chúng ta bắt đầu bằng cách đồn đại nhảm nhí. Cả việc đồn đại nhảm nhí cũng sát hại vì nó giết chết tiếng tăm của một con người! Việc đồn đại nhảm nhí là những gì rất xấu xa ghê tởm - ugly! Mới đầu nó có thể là những gì thích thú, cho dù là chuyện giải trí đùa cợt, như chuyện mút kẹo vậy. Thế nhưng cuối cùng nó làm cho lòng của chúng ta đầy những đắng cay, và nó đầu độc chúng ta nữa. Tôi nói thật với anh chị em, tôi tin rằng nếu mỗi người chúng ta quyết định tránh chuyện đồn đại nhảm nhí thì cuối cùng chúng ta sẽ thành một vị thánh! Nó là một con đường tuyệt vời. Chúng ta có muốn thành thánh hay chăng? Có hay không? [Dân chúng ở quảng trường đáp: "Thưa có!"] Chúng ta có muốn gắn bó với chuyện đồn đại nhảm nhí như là một thói quen hay chăng? [Dân chúng ở quảng trường đáp: "Thưa không!"] Vậy, chúng ta đã đồng ý với nhau rồi nhé: không có vấn đề đồn đại nhảm nhí nữa nghe! Chúa Giêsu đã đề ra một đức ái trọn hảo cho những ai theo Người. Nó là một tình yêu mà cái đo lường duy nhất của nó đó là không có đo lường, là vượt lên trên tất cả mọi thứ tính toán. Tình yêu thương tha nhân là một thái độ căn bản đến độ thậm chí Chúa Giêsu nói rằng mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa không thể nào chân thực trừ phi chúng ta muốn làm hòa với tha nhân của chúng ta. Người đặt vấn đề ấy như thế này: "Vậy khi các con dâng của lễ ở bàn thờ mà bấy giờ nhớ rằng anh chị em của con có điều gì phạm đến các con thì các con hãy để của lễ của các con trước bàn thờ mà hãy đi làm hòa với anh chị em của các con trước đã, rồi sau đó hãy đến mà dâng lễ vật của các con" (Mathêu 5:23-24).  

 

Căn cứ vào tất cả những gì ở đây thì Chúa Giêsu không chỉ nhấn mạnh đến việc tuân giữ lỷ luật và hạnh kiểm bề ngoài. Người đi vào tận gốc rễ của Lề Luật, nhắm đến trên hết cái ý hướng và vì thế đến cõi lòng của con người là nơi xuất phát ra các hành động tốt xấu của chúng ta. Việc tác hành theo các chuẩn mực về pháp lý một cách tốt đẹp và chân thành vẫn chưa đủ, mà cần đến cả những động lực sâu xa hơn, những động lực thể hiện cho thấy một thứ khôn ngoan thầm kín, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Sự Khôn Ngoan có thể lãnh nhận từ Thánh Linh. Phần chúng ta, nhờ đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể cởi mở bản thân mình ra cho tác động của vị Thần Linh này, Đấng làm cho chúng ta có thể sống tình yêu thần linh.

 

Theo chiều hướng của giáo huấn ấy thì hết mọi giới lệnh đều cho thấy cái ý nghĩa trọn vẹn của nó như là một đòi hỏi của tình yêu, và tất cả mọi giới lệnh đều chất chứa nơi mình giới răn trọng đại nhất đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thung tha nhân như bản thân mình vậy.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140216.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch



 

Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11

"Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn".

Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì.

Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.

Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.

Ðáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).

Xướng: 1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân. - Ðáp.

2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.

6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 11-13

"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

Ðó là lời Chúa.


    Image result for Mark 8, 11-13

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

ĐỨC KITÔ - ĐIỀM LẠ

 

 

Hôm nay là Thứ Hai trong Tuần VI Thường Niên Năm Chẵn, Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco thuật lại cho chúng ta biết về một cuộc đụng độ gây ra bởi thành phần vẫn theo dõi Chúa Giêsu để bắt bẻ Người và tìm cách tố cáo Người, một đối thủ không đội trời chung của họ trên đấu trường dân Do Thái, thành phần dân chúng không thông luật bằng họ, không giữ luật như họ, thậm chí còn được họ dạy luật cho, bấy giờ lại chẳng những tỏ lòng kính phục và tôn sùng nhân vật xuất hiện từ một nơi chẳng có danh tiếng gì, được gọi là Nazarét (chứ không phải ở gần giáo đô Giêrusalem như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả), xứ Galilêa (chứ không phải xứ Giuđêa là nơi thuộc vương quốc Đavít), mà còn kéo nhau đổ xô tuốn đến với nhân vật này.

 

 Thánh Marco đã trình thuật lại cuộc đụng độ này như sau: "Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: 'Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào'. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia".

 

Dầu sao chúng ta cũng thấy rằng, về phía thành phần biệt phái trong bài Phúc Âm hôm nay, bất chấp thành kiến và ác cảm của mình, họ vẫn cứ tiếp tục nhẫn nại theo đuổi nhân vật Giêsu Nazarét, vì họ muốn biết nhân vật này thực sự là ai, từ đâu đến. Bởi thế, họ mới "xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người", để xem Người uy quyền đến đâu theo kiểu trần gian của họ. Thế nhưng, cho dù Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu là "điềm lạ" trong dân và cho dân chính mắt họ đã thấy, như việc Người chữa lành đủ mọi bệnh nạn tật nguyền của dân, hay khu trừ ma quỉ cho dân, thế mà họ vẫn chưa cho là "điềm lạ", vẫn cứ muốn "một điềm lạ" theo ý nghĩ, ý thích và ý muốn chủ quan của họ.

 

Bởi thế mà họ chẳng thế nào và chẳng bao giờ thấy được "một điềm lạ" nào như ý riêng của họ ở nơi Chúa Giêsu, như chính Người cũng đã khẳng định cho họ biết trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Hành động tiếp ngay sau của Chúa Giêsu như được Phúc Âm thuật lại đó là: "Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia". Nghĩa là họ ở bờ bên này, và Người ở bờ bên kia, không thể gặp nhau, đúng hơn họ không thể gặp Người khi Người ở với họ, trái lại càng làm họ xa Người hơn, đúng như Người sau này quả quyết về họ và báo trước cho họ biết rằng nơi Người đi họ chẳng những không thể nào tới được, mà còn chết trong tội lỗi của họ ngay chính lúc họ đi tìm Người, nghĩa là muốn tìm biết Người nữa (xem Gioan 7:34, 8:21), và quả thực mọi sự đã xẩy ra đúng y như vậy, khi Thượng Tế Caipha sau này nhân danh Thiên Chúa để hỏi thẳng Người có phải là Đấng Thiên Sai hay không, và sau khi Người nói về mình thì bị Hội Đồng Đầu Mục Do Thái hầu như đồng thanh lên án tử cho Người (xem Mathêu 26:63-66).

 

Thật ra chính bản thân của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét là "một điềm lạ" đối với chung dân Do Thái và riêng thành phần trí thức trong dân cũng như thành phần lãnh đạo của dân. Ở chỗ, Người chỉ là một con người tầm thường chẳng ai biết tới, xuất thân từ một sinh quán vô danh tiểu tốt trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái, mà lại tự nhiên trở thành một nhân vật phi thường, có thẩm quyền về giảng dạy trước mặt dân chúng, cùng với quyền lực chữa lành cùng trừ quỉ cho dân, nhờ đó đã lôi kéo được cả dân của mình mà còn cả dân ngoại ở các vùng phụ cận nữa. Nhưng có lẽ Người là "một điềm lạ" nhất của họ là khi Người cứu được người khác mà không cứu được mình, không thể xuống khỏi thập tự giá (xem Mathêu 27:42). Đó mới là "một điềm lạ" thực sự cứu độ con người khỏi tội lỗi và sự chết mà "ai chấp nhận Người (nơi "điềm lạ" này) thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12).

 

Đúng thế, đối với thành phần trí thức trong dân Do Thái và thành phần lãnh đạo của dân do Thái thì nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét quả là một thử thách cả thể đối với họ, chẳng những trong về nguồn gốc bí ẩn của nhân vật này, mà còn về hành vi cử chỉ "dị chúng nhân" đầy vẻ bất bình thường thậm chí quái đản của nhân vật ấy nữa. Tuy nhiên, "cái khó nó bó cái khôn" mà nếu họ chân thành tìm kiếm chân lý khách quan hơn là chủ quan, ở chỗ khiêm tốn hạ mình xuống, thì mọi sự nơi nhân vậy này và về nhân vật này sẽ trở nên hoàn toàn khác hẳn. Đó là lý do Thánh Giacôbê Tông Đồ, vị tông đồ đặc biệt của dân Do Thái, như Tông Đồ Phaolô của Dân Ngoại, trong Bài Đọc I hôm nay đã khuyên nhủ họ sống khôn ngoan như sau:

 

"Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì. Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa".

 

Quả thực là như thế, thành phần trí thức trong dân Do Thái cũng như thành phần lãnh đạo của dân Do Thái sở dĩ muốn biết về nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, muốn tìm kiếm chân lý mà lại quay ra sát hại chân lý, bởi vì, đúng như Thánh Giacôbê đã nhận định trong Bài Đọc I hôm nay: "ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa".

 

Bởi thế, thành phần "xin Người một điềm lạ trên trời" mà không được cần phải có một tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân.

2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.

3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài.

4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ.

6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.

 

 

 


 

Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 12-18

"Chính Thiên Chúa không hề cám dỗ".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Phúc cho kẻ chịu thử thách, vì khi đã được tinh luyện, sẽ lãnh nhận triều thiên sự sống mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những kẻ yêu mến Người. Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết.

Anh em thân mến, anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 93, 12-13a. 14-15. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo (c. 12a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ. - Ðáp.

2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo. - Ðáp.

3) Ðang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui sướng hồn con. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 14-21

"Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?"

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mark 8, 14-21


Suy nghiệm Lời Chúa


 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần VI Thường Niên Hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan chính yếu đến lời cảnh báo của Chúa Giêsu với thành phần tông đồ là các môn đệ nồng cốt của Người: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Thế nhưng, tiếc thay, thành phần môn đệ của Người hầu như toàn là thành phần quê mùa chất phác, hay có trí thức một chút như chàng Mathêu hay Batôlômêo cũng đầy lòng chân thành nên cũng chẳng nghĩ gì sâu xa. Bởi đó, sau khi nghe Thày mình nói như vậy, các vị bảo nhau rằng: "Tại mình không có bánh", bởi các vị lại cứ tưởng Người bảo các vị đừng ăn bánh của nhóm biết phái và Hêrôđê, vì men liên quan đến bánh, mà hãy ăn số bánh mang theo thôi, trong khi đó "các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền".

 

Bởi thế, Chúa Giêsu đã phải giải thích cho các môn đệ tông đồ của Người biết ý nghĩa những gì Người nói về "men biệt phái và men Hêrôđê". Tuy nhiên, Người hoàn toàn nói về bánh mà thôi, liên quan đến hai lần Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, như Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: 'Mười hai thúng'. - 'Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?' Họ thưa: 'Bảy thúng'. Bấy giờ Người bảo các ông: 'Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?'"

 

Không thấy Thánh ký Marco cho biết thêm là các tông đồ có hiểu sau lời giải thích của Chúa Giêsu hay chăng. Nhưng, căn cứ vào lời giải thích này thì Người mới chỉ hé lộ phân nửa ý nghĩa về "men biệt phái và men Hêrôđê", men liên quan đến bánh. Nghĩa là, Người cố ý nhắc cho các tông đồ rằng tại sao các con lại sợ thiếu bánh chứ, khi Thày nói với các con rằng "các con hãy coi chừng và hãy giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê", vì Thày có thể làm cho bánh hóa ra nhiều cơ mà, như các con đã thấy đó, dù hiện nay chúng ta chỉ có một chiếc bánh mang theo. Vậy một nửa ý nghĩa kia liên quan đến chính men là gì, Chúa Giêsu hoàn toàn không hề nói tới.

 

Tuy nhiên, nếu các tông đồ để ý, nhất là qua những lần đụng chạm giữa thành phần biết phái và Thày của các vị, những lần cả Thày trò bị thành phần này theo dõi và hạch hỏi cùng bắt bí, sẽ hiểu được đâu là ý nghĩa của men được Thày của các vị nói tới, và căn dặn các vị phải "canh chừng và giữ mình", đó là những chủ trương sống đạo sai lạc và đời sống giả hình ham danh của họ. Chủ trương duy luật và tự công chính hóa nhờ việc giữ luật của họ bất chấp lòng nhân hậu là một thứ men, và đời sống giả hình ham danh của họ, thích ăn trên ngồi trước, làm việc gì cũng chỉ để khoe khoang lấy tiếng.

 

Đúng thế, gương mù gương xấu tự bản chất có tác dụng làm dậy lên tình trạng xấu xa tệ hại trong môi trường nhân sinh và gây ô nhiễm hay lây nhiễm một cách nhanh chóng. Bởi vì, nơi con người ta, vì lây nhiễm nguyên tội, vốn xu hướng về những gì là rộng rãi thoải mái và tầm thường trần tục, dễ dàng hùa theo những gì tự nhiên dễ dãi hơn là những gì khắt khe, khổ chế, khó khăn v.v. Nhất là những gì hợp với thị hiếu hay sở trường hoặc ước muốn cùng chủ trương của từng cá nhân con người. Có thể Chúa Giêsu đã lợi dụng chính lúc các tông đồ quên bánh mà nói đến men, đến gương mù gương xấu của thành phần trí thức và có thế giá dễ gây ảnh hưởng trong dân chúng, nhất là thành phần bình dân dễ tin và dễ theo, dễ bị lôi kéo, trong khi đó các tông đồ cũng ngây thơ vô tội đến độ có thể bị cuốn theo lúc nào không biết, chẳng hạn như các vị có lần đã tỏ ra ham danh chẳng thua gì nhóm biệt phái ở chỗ tranh giành ngôi thứ với nhau.

 

Phải, sở dĩ con người trần gian dễ bị gương mù gương xấu lôi cuốn và noi gương bắt chước là vì chính trong con người của mình họ đã có sẵn mầm mống xấu, có cùng tần số với gương mù gương xấu, dễ dàng chiều theo gương mù gương xấu. Yếu tố trong con người rất dễ nhậy cảm với gương mù gương xấu, rất dễ bốc cháy theo ngọn lửa gương mù gương xấu, theo Thánh Gicôbê trong Bài Đọc I hôm nay, đó là "tình dục" ở nơi họ, và gương mù gương xấu chẳng khác gì như một chước "cám dỗ": "Khi bị cám dỗ, đừng ai nói rằng bị Thiên Chúa cám dỗ, vì Thiên Chúa không thể bị sự dữ cám dỗ, và chính Người cũng không hề cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị tình dục cám dỗ, bị nó xúi giục và dụ dỗ. Rồi khi tình dục đã thai nghén, thì sinh ra tội lỗi, và khi tội đã phạm rồi, thì sinh ra chết".

 

Trong Bài Đọc I hôm nay, Thánh Giacôbê như thể còn đề ra cho chúng ta một phương cách để tránh khỏi tầm ảnh hưởng của gương mù gương xấu nữa, bởi vì, nếu "gương mù gương xấu" xuất phát từ con người, từ trần gian, một trần gian không thể nào thoát khỏi gương mù, thì ân sủng và phúc lành từ trời, được chất chứa nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), những gì chân thật nhất làm cho con người được tái sinh vào sự sống: "Anh em đừng lầm lẫn: mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới chất chứa một tâm tình rất hợp với phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bao gồm cả Bài Đọc I lẫn Bài Phúc Âm:

 

1) Lạy Chúa, phúc thay người được Ngài dạy bảo, và giáo hoá theo luật pháp của Ngài, hầu cho họ được thảnh thơi trong những ngày gian khổ.

2) Vì Chúa sẽ không loại trừ dân tộc, và không bỏ rơi gia nghiệp của Ngài. Nhưng sự xét xử sẽ trở lại đường công chính, và mọi người lòng ngay sẽ thuận tình theo.

3) Ðang lúc con nghĩ rằng chân con xiêu té, thì, lạy Chúa, ân sủng Ngài nâng đỡ thân con. Khi lòng con vướng thêm nhiều điều lo lắng, thì ơn Chúa ủi an làm vui sướng hồn con.

 

 

 

Thứ


Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 19-27

"Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chớ đừng nghe suông".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy biết rằng: Mọi người hãy mau nghe, nhưng đừng vội nói và vội nóng giận, vì sự nóng giận của người ta không thực hiện sự công chính của Thiên Chúa. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác; anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, là lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Vì chưng, ai nghe lời mà không thực hành, thì giống như người soi mặt mình trong gương: soi rồi, ra đi, và không nhớ mình thế nào. Còn kẻ suy ngắm luật tự do hoàn hảo, và bền đỗ trong lề luật, thì không phải là kẻ nghe rồi quên, mà là nghe rồi thực hành; kẻ đó sẽ có phúc vì đã thực hành.

Nếu ai tưởng mình đạo đức mà lại không kìm hãm miệng lưỡi mình, nhưng lừa dối lòng mình, thì lòng đạo đức của nó vô giá trị. Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1b)

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. - Ðáp.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. - Ðáp.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 22-26

"Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: "Ngươi có thấy gì không?" Anh nhìn lên và trả lời: "Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi". Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: "Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy niệm

 

 

"Tôi thấy người ta đi lại như cây cối" - "một cành ô liu xanh tươi"

 

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Tư tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù ở Betsaida. Thế nhưng, cách thức chữa lành của Người trong trường hợp này thật là đặc biệt, bao gồm những cử chỉ và tiến trình của một việc chữa trị (treatment) hơn là chữa lành (healing) đùng một cái là xong, chẳng hạn bằng một lời truyền.

 

Dân chúng thì vẫn cứ tưởng như thế, cứ tưởng Chúa Giêsu đầy quyền năng chỉ cần một cử chỉ đơn giản nào đó là nạn nhân liền được khỏi, như họ đã từng chứng kiến ở những trường hợp khác, thậm chí chỉ cần sờ vào gấu áo của Người cũng được khỏi như trường hợp của người đàn bà bị loạn huyết 12 năm trong Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần IV Thường Niên 2 tuần trước. 

 

Đó là lý do Thánh ký Marco đã cho chúng ta thấy chi tiết về khuynh hướng "mì ăn liền" này nơi dân chúng: "Người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy", không phải để chúc lành suông cho nạn nhân bị mù này, mà là để chữa lành cho con người mù lòa bất hạnh đáng thương ấy. Tuy nhiên, chắc họ cũng lấy làm lạ lạ lần này Đấng mà họ tin tưởng đầy quyền năng chữa lành này lại tác hành một cách lạ lùng. Ở chỗ:

 

"Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: 'Ngươi có thấy gì không?' Anh nhìn lên và trả lời: 'Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi'. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: 'Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai'".

 

Trong trường hợp chữa lành cho nạn nhân mù ở Betsaida này, Chúa Giêsu không dùng cả cử chỉ lẫn lời nói "Ephrata - Hãy mở ra" như trong lần Người chữa lành người điếc là nạn nhân Người cũng dẫn ra khỏi đám đông và cũng lấy tay chạm đến cả tai lẫn lưỡi của nạn nhân điếc, như bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần V Thường Niên thuật lại. Lần này Chúa Giêsu chỉ dùng đến cử chỉ chính yếu là "đặt tay" mà thôi, mà lại phải đặt đến 2 lần mới xong. Tại sao thế?

 

Tại vì tùy theo người và tùy theo bệnh mà chữa lành. Thật ra không phải là Chúa Giêsu không thể chữa lành cho nạn nhân mù này bằng việc Người đặt tay lần thứ nhất hay chỉ cần một lần đặt tay duy nhất. Người chỉ muốn cho thấy rằng việc chữa lành của Người nơi con người và đối với con người là một tiến trình, từ chưa trọn: "'Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi'", đến viên trọn: "anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng."

 

Tiến trình chữa lành nơi nạn nhân bị mù ở Betsaida trong bài Phúc Âm hôm nay được Chúa Giêsu cố ý làm như thế nên mới hỏi chính nạn nhân đương sự: "Ngươi có thấy gì không?", xem nhãn quan của anh ta được tiến triển từ mù lòa đến chỗ được thấy ra sao cho đến khi hoàn toàn bình thường. Không phải là Người không biết đến mức độ nhãn quan của anh ta sau lần đặt tay đầu tiên của Người, vì Người biết được những gì xuất phát từ Người (xem Marco 5:30) nhưng Người cố ý để anh ta tự cho biết và nhận định về tình trạng của anh ta rồi Người mới chữa tiếp, để anh ta có thể nhìn thấy được tất cả sự thật chẳng những về ngoại cảnh nói chung mà nhất là sự thật về tha nhân nói riêng.

 

Thật vậy, đầu tiên nạn nhân bị mù ở Betsaida chỉ  "thấy người ta đi lại như cây cối" sau đó mới thấy con người ta thật sự là con người với nguyên vẹn hình hài của họ chứ không phải "như cây cối" nữa, nhờ đó anh ta cũng "thấy được mọi vật rõ ràng" đúng như bản chất và giá trị của chúng, chứ không còn lẫn lộn giữa người với vật hay giữa vật với người nữa, như thực tế làm người và sống đạo vẫn cho thấy, nhiều khi thậm chí chúng ta còn coi vật hơn người, còn coi tha nhân đồng loại như một cơ phận của một bộ máy kinh tế sản xuất v.v.

 

Tuy nhiên, để được hoàn toàn sáng mắt nhờ đó có thể thấy được tất cả sự thật về tạo vật chung quanh mình và nhất là về chính bản thân mình, con người cần được chữa lành, bởi chính Thần Linh của Thiên Chúa qua việc đặt tay của Chúa Giêsu. Đúng thế, sở dĩ nạn nhân bị mù trong bài Phúc Âm hôm nay chưa được hoàn toàn chữa lành là vì Chúa Giêsu chưa đặt tay của Người lên mắt của anh ta, lần đầu Người mới "đặt tay trên anh" để "hỏi" mà thôi chứ chưa trực tiếp "đặt tay trên mắt người mù".

 

Lần đặt tay trên mình nạn nhân mà hỏi theo sau cử chỉ "phun nước miếng vào mắt anh" và tác dụng của việc phun của Người và nước miếng của Người mới chỉ làm cho anh ta "thấy người ta đi lại như cây cối" mà thôi, và vì thế cần phải kèm theo cả cử chỉ "đặt tay lên mắt người mù" nữa thì nạn nhân mới hoàn toàn được chữa lành, được thấy tất cả sự thật, như các vị tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, cho dù "các con đã được thanh sạch nhờ lời Thày (mà "nước miếng" phun ra từ miệng của Người trong bài Phúc Âm hôm nay là tiêu biểu)" (Gioan 15:3), nhưng vẫn chưa đủ, vẫn cần phải có "Thần Chân Lý" là Đấng (được thông ban từ việc "đặt tay" của Chúa Kitô "đầy ân sủng và chân lý" - Gioan 1:14) "dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13).

 

Kitô hữu, khi lãnh nhận Phép Rửa tái sinh đã được chữa cho khỏi mù lòa, nghĩa là họ đã được đưa từ cõi chết tối tăm vào sự sáng lạ lùng (xem 1Phêrô 2:9). Thế nhưng, trên thực tế, là con cái sự sáng đó, họ vẫn tiếp tục sống trong tăm tối, như Thánh Giacôbê cho thấy ở trong Bài Đọc 2 hôm nay, ở chỗ: "vội nói và vội nóng giận" và "tưởng mình đạo đức mà lại không kìm hãm miệng lưỡi mình, nhưng lừa dối lòng mình".

 

Thật ra, sau nguyên tội, loài người ai cũng bị mù từ bẩm sinh, đã sống trong tăm tối, với đủ mọi xấu xa tội lỗi và gian ác. Tuy nhiên, loài người, thậm chí trước Chúa Kitô, nhờ ơn Chúa,  vẫn có thể sống công chính, như tổ phụ Noe, hay như các vị tổ phụ của dân Do Thái là Abraham, Issac và Giacop, như các vị tiên tri, hoặc như Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Kitô v.v. những con người được Thánh Vịnh 14 ở Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả như sau:

 

 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay.

 

 

 


Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 1-9

"Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: "Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này". Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: "Còn anh, anh đứng đó", hoặc: "Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi". Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?

Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được thừa hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? Thế mà anh em khinh chê người nghèo khó. Không phải những người giàu có dùng quyền hành áp bức anh em, và lôi anh em ra toà án đó sao? Không phải chính họ thoá mạ thánh danh tốt đẹp đã được kêu cầu trên anh em sao?

Ðã hẳn, nếu anh em giữ trọn vương đạo như Thánh Kinh dạy, là "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình", thì anh em làm phải. Nhưng nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Ðáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 27-33

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 8, 27-33

 

Suy niệm

 

 

 

"Thày là Đức Kitô" - "dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi"

 

 

 

Vấn đề chính yếu của Bài Phúc Âm cho ngày Thứ Năm tuần VI Thường Niên hôm nay là vấn đề nhận biết căn tính của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, một nhận thức vô cùng quan trọng đối với nền tảng đức tin Kitô giáo. Vì nếu nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét không phải "là Đức Kitô", nghĩa là không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái thì Người cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, mà chỉ là một vị giáo tổ thuần nhân như Đức Phật Thích Ca sáng lập Phật giáo hay Nhà Tiên Tri Muhammed sáng lập Hồi giáo, hoặc như Khổng Tử với Khổng giáo hay Lão Tử với Lão giáo thôi.

 

Chính nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đã sống cả cuộc đời trần gian của mình để chứng thực mình, bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng chính biến cố Vượt Qua tột đỉnh của mình, "là Đức Kitô" (Marco 8:29), "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27). Đó là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về một con người mang tên Giêsu ở Nazarét, con ông Giuse và bà Maria, một chân lý vô cùng quan trọng liên quan đến thực tại thần linh về nhân vật lịch sử thần linh này: Ngài là ai? Đó là lý do: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: 'Người ta bảo Thầy là ai?'"

 

Đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Chúa Giêsu tự động hỏi, đúng hơn trắc nghiệm thành phần môn đệ được Người tuyển chọn làm tông đổ để trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người xem các vị ý thức về Người ra sao hay tới đâu. Thật vậy, sau một thời gian được sống gần gũi với Người, được tận mắt xem thấy Người cùng các việc Người làm cùng thái độ Người sống, tận tai nghe Người giảng dạy và tận tay được chạm đến Người (xem 1Gioan 1:1-2), chính các tông đồ (chứ không phải "người ta bảo Thày là ai?") đã được Người trắc nghiệm và được các vị trả lời qua vị đại diện tông đồ đoàn là Thánh Phêrô rằng: "Thày là Đức Kitô".

 

Hình như câu tuyên xưng này của tông đồ Phêrô rất chính xác rồi, nên "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả", như các tông đồ đã quả thực nhận thức không sai. Đúng thế, việc Chúa Giêsu trắc nghiệm các tông đồ về căn tính chân thực vô cùng quan trọng của Người không phải là để các vị loan báo thực tại thần linh này, loan truyền chân lý cứu độ về Người này, mà là để cho Người tiếp tục tỏ mình ra cho các vị hơn nữa, tỏ cho các vị thấy một mầu nhiệm về Người, một mầu nhiệm vô cùng kinh hoàng mà Người không thể tiết lộ cho các vị biết cho đến sau khi trắc nghiệm các vị, một mầu nhiệm liên quan đến chính căn tính "là Đức Kitô" của Người, những gì vừa được các vị xác tín và chí lý tuyên xưng.

 

Mầu nhiệm kinh hoàng khủng khiếp đối với thành phần tông đồ theo Người đó là: "Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó". Chính vì là một mầu nhiệm hết sức kinh hoàng khủng khiếp đối với các tông đồ như thế mà các vị chẳng hiểu gì hết, tá hỏa tam tinh lên khi vừa nghe xong, nhất là người tông đồ phải nói là hăng máu nhất là Phêrô, vị đã tỏ ra hoảng hốt tới độ "kéo Người lui ra mà can trách Người".

 

Không ngờ, vị tông đồ đầy thành tâm thiện chí này và cả các tông đồ khác lại càng bàng hoảng sửng sốt hơn khi chính hành động đầy kính mến của các ngài, qua tông đồ Phêrô, tỏ ra muốn bảo vệ Người, muốn điều tốt nhất cho Người, lại bị Người thậm tệ quở trách như chưa bao giờ thấy: "Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: 'Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người'". Như thể các vị vừa vấp phạm một điều gì dữ dằn quá sức tưởng tượng, đến độ đã trở thành "Satan" trước nhan Người. Nghĩa là các vị đã cám dỗ Người (vì "Satan là tên cám dỗ cả và thế gian" - Khải Huyền 12:9) làm những gì trái ngược với Cha Người là Đấng đã sai Người, một điều quá cấm kỵ đối với Người, Đấng từ trời xuống thế gian không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai (xem Gioan 6:38).

 

Thật ra, xét theo lý lẽ trần gian thì tông đồ Phêrô cũng chẳng sai gì, bởi theo ngài, cũng như bất cứ một người bình thường nào, đã là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai từ Thiên Chúa mà đến thì phải là Đấng có quyền năng vô địch, có thể giải thoát dân của Người khỏi lầm than khốn khó, khỏi cảnh làm nô lệ ngoại bang, như thời các Quan Án xưa sau khi dân vào Đất Hứa và trước thời kỳ quân chủ của dân Do Thái. Đằng này, Đấng Thiên Sai như được ngài tuyên xưng và được Thày công nhận như thế mà lại được chính Thày tiết lộ cho biết rằng chính bản thân Người "sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi" nghĩa là gì, không thể nào chấp nhận được.

 

Đúng thế, tông đồ Phêrô bị Thày nặng lời khiển trách chỉ "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người", mà "việc loài người" thì bao giờ cũng tầm thường, thậm chí hầu như lúc nào cũng phản ngược lại với ý muốn tuyệt đối tối cao, khôn ngoan thượng trí và toàn thiện toàn ái của Thiên Chúa, một ý muốn chỉ nhắm đến chỗ cứu độ loài người, tìm hết cách làm sao để loài người có thể được hiệp thông thần linh với Ngài theo đúng dự án thần linh tạo dựng của Ngài.

 

Thực tế cho thấy Kitô hữu chúng ta, qua Phép Rửa, đã tin vào Chúa Kitô. Thế nhưng, trong đời sống đạo, lại hoàn toàn phản kitô, ngôn hành phản lại chính đức tin của mình, điển hình là trường hợp của Thánh Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi thế, để trắc nghiệm xem chúng ta có thực sự tin vào Người hay chưa, hãy coi đức bác ái của chúng ta với tha nhân thì biết, vì đức ái là hoa trái của đức tin, là tột đỉnh của đức tin. Trong ngày chung thẩm, chúng ta sẽ bị Chúa phán xét bề ngoài về đức ái, nhưng bề trong về đức tin, và dê và chiên chỉ khác nhau ở chỗ tỏ lòng bác ái hay không thôi, trong khi cả hai đều nói "chúng tôi có thấy Chúa đâu?" Thánh Giacôbê trong Bài Đọc 1 hôm nay chủ trương đúng như vậy, theo công thức "nếu tin thì đừng" như sau:

 

"Anh em thân mến, Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn; nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: 'Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này'. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: 'Còn anh, anh đứng đó', hoặc: 'Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi'. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?... Nếu anh em thiên vị, là anh em phạm tội, bị lề luật lên án như những kẻ lỗi luật".

 

Tâm tình của những ai tin vào Chúa và sống đức bác ái yêu thương được phản ảnh qua Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

 

 


Thứ Sáu


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 2, 14-24. 26

"Cũng như xác không hồn là xác chết, thì đây đức tin không việc làm là đức tin chết".

Trích sách của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu có ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì? Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ.

Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi. Anh tin Thiên Chúa là Ðấng duy nhất ư? Như thế là đúng. Ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ. Hỡi người khờ dại, anh có muốn biết rằng đức tin không việc làm là đức tin chết không? Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng nhờ việc làm mà được công chính hoá khi hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao? Anh có thấy rằng: đức tin hợp tác với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được hoàn hảo đó không? Như vậy đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Abraham đã tin vào Thiên Chúa và việc ấy được kể là điều công chính cho người, và người đã được gọi là bạn thiết nghĩa của Thiên Chúa".

Do đó anh em có thấy rằng: người ta nhờ việc làm mà được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi không? Quả vậy, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không việc làm là đức tin chết.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc đức thay người ham mộ luật pháp của Chúa (c. 1b).

Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.

2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. - Ðáp.

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 34-39

"Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh".

Và Ngài nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mk 8, 34-39

 

 

Suy niệm

 

 

Bóng thánh giá đã xuất hiện ngay từ ban đầu trong vườn địa đường, ngay trước cả nguyên tội!

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Sáu tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại lời Chúa Giêsu khẳng định với "dân chúng cùng các môn đệ" của Người về điệu kiện ắt có và đủ, bất khả thiếu và bất khả phân ly để nhờ đó họ có thể xứng đáng làm môn đệ của Người và theo Người cho tới cùng, bằng không chắc chắn họ sẽ đứt gánh giữa đường một cách nào đó và vào một lúc nào đó. Điều kiện tối căn bản và cần thiết đó là: "Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi".

 

Thật ra chính bản thân của con người chẳng những không có gì là xấu đến độ phải bỏ đi, trái lại, mà còn là một yếu tố bất khả thiếu để làm nên con người, để là một con người. Bởi vì, bản thân đó chính là cái tôi của từng cá thể con người, một bản ngã đặc thù duy nhất trên trần gian này, hoàn toàn khác với bất kỳ một ai được sinh ra trên đời này, từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế. Và chính cái tôi đặc thù ấy, cái bản ngã duy nhất ấy trên trần gian được coi là căn tính của từng cá thể con người ấy mà họ mới là hình ảnh Thiên Chúa là vị Thiên Chúa duy nhất.

 

Nếu con người không có bản ngã, không có cái tôi thì cũng chẳng khác gì loài vật, một tập thể bao gồm cả đống hay cả đoàn sinh vật hổ lốn, nhìn con nào cũng như nhau, và con người hổ lốn như con vật như thế sẽ chẳng có trách nhiệm gì về việc mình làm, và việc họ làm sẽ chẳng có giá trị nhân bản... Vậy thì tại sao Chúa Giêsu lại bảo những ai muốn theo Người cần phải "bỏ chính bản thân mình" đi như thế?

 

Xin thưa, là vì bản thân của chung con người và của từng bản vị con người chẳng những được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất mà còn được dựng nên tương tự như Ngài nữa (xem Khởi Nguyên 1:26,27), nghĩa là bản thân của con người chẳng những là một cá thể duy nhất mà còn là một cá thể có khả năng hiệp thông nữa mới hoàn toàn trọn vẹn đạt đến tầm vóc làm người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa chân thật duy nhất nhưng cũng là Vị Thiên Chúa hiệp thông thần linh 3 Ngôi.

 

Thế nhưng, thực tế cho thấy, ngay từ ban đầu, thậm chí ngay trước cả nguyên tội, loài người, ở một nghĩa nào đó, đã theo chiều hướng nội, nghĩa là chỉ biết đến cái duy nhất vị kỷ của mình (hướng nội cũng là hướng hạ, hướng băng hoại) hơn là mối hiệp thông yêu thương (hướng ngoại cũng là hướng thượng, hướng thăng hóa). Đó là lý do ngay từ ban đầu, vì hướng nội và hướng hạ như thế mà con người, nơi hai nguyên tổ của mình, đã thực sự bị mất đi sự sống thần linh chân thật, nơi việc bất tuân phục ý muốn toàn thiện vô cùng khôn ngoan đầy yêu thương của Thiên Chúa Hóa Công.

 

Phải "bỏ chính bản thân mình đi" là ở chỗ đó, ở chỗ bỏ ý riêng của mình để tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay trước cả nguyên tội. Sau nguyên tội lại càng phải "bỏ chính bản thân mình đi" hơn nữa, bởi cái bản thân của con người ấy đã trở thành xấu xa và mù tối gây ra bởi nguyên tội, đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu là hậu quả của nguyên tội và làm mầm mống tội lỗi, càng bất xứng với Thiên Chúa, và càng không thể nào hiệp thông thần linh như Chúa muốn và với Thiên Chúa vô cùng toàn thiện và toàn ái.

 

Như thế, nếu "bỏ chính bản thân mình đi" ở chỗ theo Thánh ý tối cao của Thiên Chúa toàn thiện hơn là ý riêng của mình chỉ là một tạo vật hèn hạ bất toàn thì không phải là một việc tự diệt hơn là hoán cải, mà thành quả là được thăng hóa, là "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), là "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24), là "đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9).

 

Tuy nhiên, theo bản tính tự nhiên, ý riêng của con người hầu như bao giờ cũng khác với Ý Chúa thậm chí còn phản lại Ý Chúa nữa, bởi thế, làm theo Ý Chúa hơn là ý riêng của mình bao giờ cũng tạo nên những cây thập tự giá, về hình thức là hai cây gỗ dọc ngang, cây dọc ám chỉ ý muốn của Thiên Chúa và cây ngang tiêu biểu cho ý muốn của con người. Như thế chúng ta thấy ở ngay trong vườn địa đường và ngay từ ban đầu, ngay trước cả nguyên tội, đã xuất hiện bóng thánh giá, ở chỗ: lệnh cấm của Thiên Chúa và ý con người không muốn tuân theo lệnh của Ngài.

 

Và đó là lý do để "bỏ chính bản thân mình đi" cũng chính là "vác thập giá của mình" vậy. Đến đây chúng ta mới thấy được cái chí lý của lời Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ của Người cần phải vừa "bỏ chính bản mình" vừa phải "vác thập giá của mình" nữa: "Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi".

 

Chính vì "bỏ chính bản thân mình đi" ở chỗ theo Thánh ý tối cao của Thiên Chúa toàn thiện hơn là ý riêng của mình chỉ là một tạo vật hèn hạ bất toàn mà việc "bỏ chính bản thân mình đi" này mới mang lại thành quả là sự sống: "ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình", thoát được cái hậu quả chết chóc và tự diệt, đúng như những gì Chúa Giêsu cảnh báo trong chính lời Người mời gọi theo Người ở bài Phúc Âm hôm nay: "ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất".

 

"Bỏ mình" "vác thập giá" mà theo Chúa Kitô chỉ là hành động chứng tỏ đức tin bề trong mà thôi. Chính vì thế mà Thánh Giacôbê trong Bài Đọc 1 hôm nay đã khẳng định rằng: "Nếu ai nói mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư?... Đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ...  Như xác không hồn là xác chết thế nào thì đức tin không việc làm là đức tin chết như vậy".

 

Những con người sống đức tin là những con người được chúc phúc và được Thánh Vịnh 111 ca ngợi là "phúc đức" như trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.

2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. 

3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.

 

Ngày 21/2 là lễ nhớ Thánh Giám Mục Tiến Sĩ Phêrô Đamianô,
xin xem bài Giáo Lý của ĐTC Biển Đức XVI về vị thánh này ở cái link sau đây:

9/9/2009 bài 88 - Thánh Phêrô Đamianô


 

Thứ Bảy


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 3, 1-10

"Không ai có thể kiềm chế được cái lưỡi".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, đừng để lắm người trong anh em làm thầy: vì anh em biết rằng do đó, anh em sẽ bị xét đoán nặng hơn. Tất cả chúng ta đã sai lỗi nhiều lần. Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành, vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình. Nếu chúng ta tra được hàm thiết vào miệng ngựa để bắt nó tùng phục chúng ta, thì chúng ta cũng có thể điều khiển được cả mình nó. Kìa, cả những chiếc thuyền, tuy to lớn và bị cuồng phong lôi cuốn, mà một bánh lái nhỏ điều khiển chúng theo ý người hoa tiêu. Cũng thế, lưỡi là một chi thể bé nhỏ, nhưng cao rao nhiều điều vĩ đại.

Kìa, một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta. Mọi loài cầm thú, muông chim, rắn rít, và cá biển đang và đã bị loài người chế ngự. Nhưng không ai có thể chế ngự được cái lưỡi: một tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; với cái lưỡi, chúng ta chúc dữ con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính cái miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xảy ra như thế.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 11, 2-3. 4-5. 7-8

Ðáp: Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con (c. 8a).

Xướng: 1) Xin cứu nguy, lạy Chúa! Vì không còn nữa kẻ hiền nhân, không còn nữa sự trung tín giữa con người! Thiên hạ nói với nhau những điều man trá, nói bằng cặp môi gian giảo, tâm địa nước đôi. - Ðáp.

2) Xin Chúa diệt hết các cặp môi gian giảo, mọi cái lưỡi ngoa ngôn, những đứa tự khoe: "Nhờ tấc lưỡi của ta, ta mạnh; cặp môi ta biện hộ cho ta, đối với ta có ai là Chúa?" - Ðáp.

3) Lời của Chúa là những lời chân thật, là kim ngân đã thử, bảy lần gạn lọc, hết trơn bụi đất. Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con, xin bảo vệ chúng con khỏi thế hệ này mãi mãi. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 9, 1-12

"Người biến hình trước mặt các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for jesus transfiguration on the mountain


Suy niệm

 

 

"Một đám mây bao phủ" ... "bằng chứng cho những thực tại vô hình"

    

 

Sau khi đã tiết lộ cái bí mật quân sự rùng rợn nhất đối với các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm Thứ Năm tuần này liên quan đến một Đức Kitô khổ nạn và tử giá, cũng như sau khi khẳng định điều kiện đầy gian nan khốn khó để có thể xứng đáng và khả năng theo làm môn đệ của mình ở Bài Phúc Âm Thứ Sáu hôm qua, Chúa Giêsu, trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã dường như muốn trấn an các vị, bằng cách tỏ vinh quang của Người ra cho các vị thấy qua 3 vị tông đồ đại diện là Phêrô, Giacôbê và Gioan ở trên núi cao, như được Thánh ký Marco thuật lại như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế".

 

Biến cố biến hình toàn thân, chứ không phải chỉ "hiển dung" (như một số người ngày nay thích sử dụng từ ngữ có vẻ mới lạ có tính chất văn vẻ hay hay này) về khuôn mặt của Chúa Giêsu mà thôi, là một dấu báo về cuộc phục sinh vinh hiển của Người, một cuộc phục sinh chỉ xẩy ra sau cuộc khổ nạn và tử giá của Người, để nhờ đó, Người có thể tỏ hiện trọn vẹn tất cả quyền năng thần linh của Người ra ở chỗ chiến thắng tội lỗi và sự chết, thậm chí, vì Người từ kẻ chết hay từ cõi chết sống lại mà Người còn biến đổi tối tăm thành ánh sáng và sự chết thành sự sống nữa, chứ không phải, qua mầu nhiệm nhập thể của mình, Người chỉ là "ánh sáng chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5).

 

Đó là mục đích và tất cả ý nghĩa của Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm bao gồm cả khổ giá và phục sinh, hoàn toàn ứng nghiệm những gì Thánh Kinh báo trước về Đấng Thiên Sai Giêsu hay về Đức Giêsu Kitô, như chính Chúa Kitô Phục Sinh đã sử dụng chứng lý Thánh Kinh để làm cho cho các tông đồ về việc sống lại của Người khi Người hiện ra với các vị, bao gồm cả thành phần 2 môn đệ đang trên đường đi về làng Emmau lẫn các vị tông đồ ở Nhà Tiệc Ly lần đầu tiên vào tối ngày thứ nhất trong tuần:

Với 2 môn đệ về làng Emmau: "Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: 'Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?' Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh".

Với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".

Chính vì biến cố biến hình trên núi ám chỉ mầu nhiệm vượt qua đúng như lời Thánh Kinh liên quan đến lề luật và các ngôn sứ như thế mà trong khi biến hỉnh mới có hai nhân vật tiêu biểu của Cựu Ước xuất hiện, một liên quan đến lề luật là Moisen và một liên quan đến tiên tri là Elia: "Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu".

Cũng chính vì biến cố biến hình trên núi ám chỉ mầu nhiệm vượt qua đúng như lời Thánh Kinh là những gì được Thiên Chúa ấn định như thế và sẽ xẩy ra đúng như vậy mà Thiên Chúa đã phải đích thân lên tiếng chứng thực Đấng Thiên Sai của Ngài, một Đấng Thiên Sai Vượt Qua từ khổ giá đến vinh quang phục sinh, qua sự kiện được Thánh ký Marco ghi nhận trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: 'Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người'".

"Đám mây bao phủ các ngài" đây biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần, Đấng "bao phủ bà" (Luca 1:35), Đấng cũng đã đậu trên Chúa Giêsu ở Sông Jordan khi Người lãnh nhận Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (xem Gioan 1:33; Marco 1:10). Vì Thánh Thần là Thần Chân Lý dẫn vào tất cả sự thật (xem Gioan 16:13) mà "từ đám mây có tiếng phán", để chứng tỏ Người thực sự là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, "là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Gioan 1:34).

Như thế, với sự hiện diện của Thần Chân Lý ở biến cố biến hình kèm theo tiếng phán ra đã cho thấy tất cả những gì Người nói về Người (như bài Phúc Âm liên quan đến cuộc vượt qua của Người hôm Thứ Năm vừa rồi) và tỏ mình ra cho các tông đồ (như trong biến cố biến hình trong bài Phúc Âm hôm nay) đều chân thực và chắc chắn sẽ xẩy ra đúng như vậy theo như Thánh Kinh đã tiên báo, chẳng những đáng tin tưởng chấp nhận mà còn cần phải tin tưởng chấp nhận nữa.

 Đúng thế, nếu chỉ có Thần Chân Lý mới đáng tin thì không có Ngài không đáng tin. Tự mình, con người không đáng tin, vì họ chẳng biết mình họ, nên những gì họ nói đều xuất phát từ một tầm kiến thức bất toàn và từ một tâm linh bất nhất. Đó là lý do Thánh Giacôbê Tông Đồ, trong Bài Đọc 1 hôm nay đã cảnh báo về lời nói và cái lưỡi của con người như sau:

"Tất cả chúng ta đã sai lỗi nhiều lần. Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành, vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình... Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta... Không ai có thể chế ngự được cái lưỡi: một tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; với cái lưỡi, chúng ta chúc dữ con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính cái miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xảy ra như thế".

Bởi vậy, cùng với Thánh Vịnh gia trong Thánh Vịnh 11 trong Bài Đáp Ca hôm nay, chúng ta hãy dâng lời khẩn nguyện như sau:

 

 1) Xin cứu nguy, lạy Chúa! Vì không còn nữa kẻ hiền nhân, không còn nữa sự trung tín giữa con người! Thiên hạ nói với nhau những điều man trá, nói bằng cặp môi gian giảo, tâm địa nước đôi.

2) Xin Chúa diệt hết các cặp môi gian giảo, mọi cái lưỡi ngoa ngôn, những đứa tự khoe: "Nhờ tấc lưỡi của ta, ta mạnh; cặp môi ta biện hộ cho ta, đối với ta có ai là Chúa?"

3) Lời của Chúa là những lời chân thật, là kim ngân đã thử, bảy lần gạn lọc, hết trơn bụi đất. Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con, xin bảo vệ chúng con khỏi thế hệ này mãi mãi.

 

 

Ngày 22 tháng 2

Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô

Lễ Kính

 

Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 1-4

"Là kỳ lão và nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, tôi xin gởi lời khuyên bảo đến bậc Kỳ Lão trong anh em. Tôi là một Kỳ Lão như các ngài, là một nhân chứng cuộc khổ hình của Chúa Kitô, một kẻ sẽ được thông phần vinh quang sắp được tỏ bày. Hãy chăn dắt đoàn chiên Chúa nơi anh em, hãy trông nom nó, không phải bằng cách miễn cưỡng, mà là sẵn sàng theo thánh ý Chúa; không phải để trục lợi, mà là do tình nguyện; không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên. Và khi thủ lãnh các đấng chăn chiên xuất hiện, anh em sẽ nhận lãnh triều thiên vinh quang bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Ðáp.

2) Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy, và cửa hoả ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

"Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!" Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được".

Ðó là lời Chúa.

 

Kính Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ

 

Phụng vụ muốn dùng ngày lễ hôm nay để tôn kính tòa thánh Phêrô đồng thời cũng tôn kính cá nhân Ðức Giáo Hoàng, vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian, là đấng kế vị liên tục của vị thủ lĩnh đầu tiên mà Chúa Giêsu đã trao cho trọng trách chăn dắt các chiên con và chiên Mẹ của Ngài. Bởi đó, Ðức Giáo Hoàng đã trở thành vị mục tử tối cao hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Chính vì thế thánh lễ này là một lời tuyên xưng trọng thể quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng ở Rôma.

Trong nhiều thế kỷ trước, có hai lễ riêng biệt: một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiôkia, một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Nhưng vì cả hai lễ đều mang một ý nghĩa như nhau nên ngày nay phụng vụ đặt chung vào một lễ: "Lễ kính tòa thánh Phêrô".

Ðây là một dịp Giáo Hội kêu mời giáo dân hãy cầu nguyện nhiều cho Ðức Thánh Cha trước những khó khăn lớn lao mà ngài phải đương đầu trong thế giới hôm nay.

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô Giảng Lễ Ngai Tòa Phêrô Thứ Hai 22/2/2016

 

Dẫn nhập. Vào lúc 10 giờ 30 sáng Thứ Hai 22/2/2016, Thánh Lễ trọng kính Ngai Tòa Thánh Phêrô - The Chair of Peter, được Giáo Triều Rôma, bao gồm cả ngành quản trị, cử hành như là Ngày Mừng Năm Thánh Tình Thương của mình. Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ và giảng lễ. Nghi thức bước qua Ngưỡng Cửa Thánh ở Đền Thờ Thánh Phêrô được bắt đầu tuần hành từ Sảnh Đường Phaolô VI từ 8 giờ 30 bao gồm cả một bài suy niệm của Cha Marko Ivan Rupnik, SJ. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

"Các mục tử, trước hết và trên hết,

cần phải theo gương mẫu chính Thiên Chúa là Đấng chăm sóc đàn chiên của Ngài...

Sự trung thành mà chúng ta cần có đó là trung thành tác hành theo cõi lòng của Chúa Kitô".

 

Phụng Vụ Thánh Lễ Ngai Tòa Phêrô thấy chúng ta qui tụ lại để cử hành Năm Thánh Thương Xót như là một cộng đồng phục vụ của Giáo Triều Rôma, của Ngành Quản Trị và của các cơ cấu liên hệ với Tòa Thánh Rôma. Chúng ta đã bước qua Cửa Thánh và tiến đến mộ của Tông Đồ Phêrô để tuyên xưng đức tin của chúng ta, và Lời Chúa hôm nay đặc biệt làm sáng tỏ các cử chỉ của chúng ta.

"Vào lúc này đây Chúa Giêsu đặt vấn đề với hết từng người chúng ta rằng: 'Thế nhưng các con bảo Thày là ai?' Một câu hỏi rõ ràng và trực tiếp không thể nào tránh né và trung lập, cũng không thể nào trì hoãn trả lời hoặc đẩy nó cho ai khác. Đây không phải là vấn đề tra hỏi mà là vấn đề đầy những yêu thương! Tình yêu của Vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, Đấng hôm nay đây kêu gọi chúng ta hãy lập lại niềm tin tưởng của chúng ta nơi Người, nhìn nhận Người là Con Thiên Chúa và là Chúa của đời sống chúng ta. Và người đầu tiên được kêu gọi để lập lại việc tuyên xưng đức tin của mình là vị Thừa kế Thánh Phêrô, vị mang trách nhiệm củng cố anh em mình".

"Chúng ta hãy để cho ân sủng lại khuôn đúc chúng ta để chúng ta tin tưởng, và mở miệng chúng ta ra để chúng ta có thể trọn vẹn tuyên xứng đức tin mà chiếm lấy ơn cứu độ. Vậy chúng ta hãy lập lại lời của Thánh Phêrô như là của chúng ta: 'Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống' Chớ gì tâm tưởng của chúng ta và ánh mắt của chúng ta gắn chặt vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng là nguyên thủy và là cùng đích của hết mọi hoạt động Giáo Hội. Người là nền tảng, chứ không phải một ai khác. Người là 'đá' chúng ta cần phải xây dựng trên đó. Thánh Âu Quốc Tinh nhắc lại điều này một cách rõ ràng khi ngài viết rằng Giáo Hội, cho dù có bị chao đảo bởi những biến động lịch sử cũng không sụp đổ, vì Giáo Hội được xây dựng trên đá là những gì làm nên danh xưng của Thánh Phêrô. Không phải đá xuất phát từ tên của Thánh Phêrô mà tên của ngài xuất phát từ đá, như tên Đức Kitô không xuất phát từ Kitô hữu mà Kitô hữu từ Đức Kitô. Đá là Đức Kitô, một nền tảng mà cả Thánh Phêrô cũng được xây trên đó".

"Từ việc tuyên xưng đức tin, đối với mỗi người chúng ta, xuất phát công việc đáp ứng tiếng gọi của Thiên Chúa. Các mục tử, trước hết và trên hết, cần phải theo gương mẫu chính Thiên Chúa là Đấng chăm sóc đàn chiên của Ngài... Chúng ta, được kêu gọi làm Mục Tử trong Giáo Hội, cũng cần phải để cho dung nhan của Thiên Chúa là Vị Mục Tử Nhân Lành chiếu tỏa chúng ta, thanh tẩy chúng ta, biến đổi chúng ta và phục hồi chúng ta, hoàn toàn được đổi mới nơi sứ vụ của chúng ta. Ở cả những chỗ làm việc của mình nữa chớ gì chúng ta cảm thấy, vun trồng và thực hành một cảm quan mục vụ mạnh mẽ, nhất là đối với những ai chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Chớ gì không một ai cảm thấy bị bỏ rơi và bị xử tệ mà ai cũng cảm thấy, đặc biệt là ở nơi đây, việc yêu thương chăm sóc của Vị Mục Tử Nhân Lành".

"Chúng ta được kêu gọi trở thành các cộng tác viên của Thiên Chúa vào một công việc chính yếu và đặc thù đó là làm chứng bằng đời sống của chúng ta cho quyền lực của thứ ân sủng biến đổi và cho quyền lực của Vị Thần Linh canh tân. Chúng ta hãy để Chúa giải phóng chúng ta cho khỏi mọi khuynh hướng tách chúng ta khỏi yếu tính của sứ vụ chúng ta, và chúng ta hãy tái nhận thức vẻ đẹp của việc chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Đức tin cho thừa tác vụ này rất ăn khớp với lòng thương xót chúng ta muốn cảm nghiệm. Thật vậy, trong Thánh Kinh, việc trung thành và lòng thương xót là những gì bất khả phân ly. Ở đâu có điều này thì ở đó cũng có điều kia, và chính ở bản chất hỗ tương và bổ khuyết này của cả hai mà chúng ta có thể thấy chính sự hiện diện của Vị Mục Tử Nhân Lành. Sự trung thành mà chúng ta cần có đó là trung thành tác hành theo cõi lòng của Chúa Kitô. Như chúng ta đã nghe nơi những lời của tông đồ Phêrô,chúng ta cần phải chăn dắt đàn chiên của chúng ta bằng một tấm lòng quảng đại và trở thành gương mẫu cho tất cả đàn chiên. Nhờ đó, 'khi Vị Mục Tử Chính xuất hiện', chúng ta mới có thể lãnh nhận 'triều thiên vinh quang không bao giờ tàn phai'".

https://zenit.org/articles/popes-homily-for-jubilee-of-the-curia-feast-of-chair-of-st-peter/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

 

View of the Vatican basilica from a roof near saint Peter square in Rome

Nhân ngày Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô là lễ liên quan trực tiếp đến vai trò của Vị Giáo Hoàng, vị thừa kế Thánh Phêrô đồng thời cũng là vị đại diện của Chúa Kitô trên trần gian,

chúng ta nên ôn lại một chút về lịch sử của các vị giáo hoàng đặc biệt, ở những điểm sau đây:.

Trước hết là số vị kế vị Thánh Phêrô (successor of Peter), cho đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị thứ 265, và như thế là có 266 vị giáo Hoàng, đại diện Chúa Kitô trên trần gian (vicar of Christ) bao gồm cả Thánh Phêrô;

Sau nữa là 3 giáo triều lâu nhất lịch sử của Giáo Hội là giáo triều Thánh Phêrô 34 năm, từ năm 33 khi Chúa Giêsu Thăng Thiên cho đến năm 67 khi ngài tử đạo ở Roma, rồi đến giáo triều chân phước Piô IX 32 năm (1846-1878), và thứ ba là giáo triều Đức GH Gioan Phaolô II 26 năm rưỡi, từ ngày 16/10/1978 đến mùng 2/4/2005. Già tuổi nhất là Đức GH Lêo XIII - 93 tuổi.

Sau hết là quốc tịch của các ĐGH: 196 vị Ý quốc, trong đó có 88 vị ở Roma, chỉ có 70 vị ngoài Ý quốc, trong đó có ĐGH GP II, từ Balan duy nhất, sau 455 năm toàn Ý quốc.

Nếu kể đến các vị giáo hoàng giả thì có tất cả 42 vị, từ năm 199 cuối thế kỷ thứ 2 cho tới năm 1449 giữa thế kỷ thứ 15.

Nếu kể đến các vị giáo hoàng được phong hiển thánh có 84 vị, và vào ngày 27/4/2014 2 vị được phong 1 lúc là GPII và Gioan XXIII, chân phước 9 vị, như Đức Pio IX, đáng kính 2 vị (Pio XII và GP I), đầy tớ Chúa 2 vị