GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giảng Lễ Hiển Linh Thứ Tư 6-1-2021

 

Pope Francis celebrates Mass on the Solemnity of the Epiphany of the Lord in St. Peter's Basilica Jan. 6, 2021. Credit: Vatican Media.

 

Pope at Mass on Epiphany: Christians need to devote more time to worship

 

Pope Francis celebrates Mass for the Solemnity of the Epiphany

 

Thánh ký Mathêu cho chúng ta biết rằng các Đạo Sĩ, khi đến Bêlem, "đã thấy con trẻ và Maria Mẹ của Người, và họ phục xuống thờ lạy Người" (2:11). Việc thờ lạy Chúa không phải là chuyện dễ; nó không tự nhiên mà xẩy ra đâu. Nó cần phải có một trình độ trưởng thành về tâm linh và có những lúc còn là hoa trái của một cuộc hành trình nội tâm lâu dài. Việc tôn thờ Thiên Chúa không phải là chúng ta có thể làm một cách bộc phát đâu. Đúng thế, con người cần phải thực hiện việc tôn thờ, thế nhưng chúng ta có nguy cơ bị lạc đích. Thật vậy, nếu chúng ta không tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta sẽ tôn thờ các thần tượng - không có chuyện nửa chừng xuân, một là Thiên Chúa hai là các thần tượng; hay nếu sử dụng ngôn từ của một tác giả Pháp quốc thì: "Ai không tôn thờ Thiên Chúa là tôn thờ ma quỉ" (Léon Bloy) - và thay vì trở thành tín hữu, chúng ta trở nên những kẻ tôn sùng ngẫu tượng. Chúng ta tác hành y như vậy.

Trong thời điểm của chúng ta đây, chúng ta đặc biệt cần phải, với tư cách cá nhân cũng như với tư cách cộng đồng, giành giờ hơn nữa cho việc tôn thờ. Chúng ta cần học biết hơn nữa việc chiêm ngắm Chúa. Chúng ta đã bị mất đi một cách nào đó ý nghĩa của việc cầu nguyện tôn thờ, bởi vậy chúng ta cần phải lấy lại việc này, cả ở nơi cộng đồng của chúng ta lẫn trong đời sống thiêng liêng của bản thân chúng ta. Vậy, hôm nay, chúng ta hãy học một ít bài học từ các Đạo Sĩ. Như họ, chúng ta cần phải phục xuống bái thờ Chúa. Hãy tôn thờ Người một cách nghiêm cẩn, đừng như Hêrôđê bảo rằng: "Để tôi biết nơi đó ở đâu mà đến tôn thờ Người". Đừng, kiểu tôn thờ ấy chẳng tốt lành gì. Việc tôn thờ của chúng ta cần phải nghiêm cẩn!

Phụng Vụ Lời Chúa cống hiến cho chúng ta ba cụm từ có thể giúp chúng ta hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa trở thành những kẻ tôn thờ Chúa. Ba câu này là: "ngước mắt", "lên đường" và "nhìn thấy". Ba cụm từ này có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa làm một con người tôn thờ Chúa.

Cụm từ thứ nhất là chúng ta hãy ngước mắt lên, là câu từ tiên tri Isaia. Vị tiên tri này đã ngỏ những lời phấn khích mãnh liệt này cùng cộng đồng Giêrusalem vừa mới trở về từ nơi lưu đầy và cảm thấy chán nản trước những thách đố cùng với những khốn khó: "Các ngươi hãy ngước mắt trông lên mà nhìn chung quanh" (60:4). Ông thôi thúc họ hãy bỏ đi những gì là mệt mỏi và phàn nàn của họ, để thoát được tâm trạng tắc nghẽn bởi cái nhìn thiển cận vào các sự vật, để loại trừ đi tính chất độc đoán của bản thân, loại trừ đi khuynh hướng liên lỉ muốn thu mình lại và chỉ quan tâm đến bản thân mình thôi. Để tôn thờ Chúa, trước hết chúng ta cần phải "ngước mắt lên". Nói cách khác, đừng để mình bị giam nhốt bởi những thứ ám ảnh mơ hồ dập tắt niềm hy vọng, đừng biến các thứ vấn đề cùng khó khăn của chúng ta trở thành tâm điểm của đời sống chúng ta. Như thế không có nghĩa là chối bỏ thực tại, hay đánh lừa mình theo ý nghĩ tất cả mọi sự vẫn đang tốt đẹp. Trái lại, nó là vấn đề nhìn vào các vấn đề cùng với những lo âu một cách mới mẻ. Ý thức rằng Chúa thừa biết các thứ trục trặc của chúng ta, chú ý tới những lời cầu của chúng ta và không tỏ ra dửng dưng lãnh đạm trước những giọt nước mắt chúng ta đổ ra.

Cách nhìn các sự vật ấy, bất chấp mọi sự, vẫn tiếp tục tin tưởng vào Chúa, vẫn dâng lên lòng tri ân của con cái. Với cái nhìn như thế, lòng chúng ta sẽ hướng tới việc tôn thờ. Trái lại, nếu chúng ta chỉ tập trung vào các vấn đề, và không chịu nhìn lên Thiên Chúa, thì nỗi sợ hãi và bất ổn sẽ lần mò vào trong lòng của chúng ta, gây ra những gì là giận dữ, bối rối, lo âu và buồn thảm. Bấy giờ sẽ khó lòng mà tôn thờ Chúa. Trong trường hợp này, chúng ta cần có can đảm để chặn đứng cái vòng lẩn quẩn bất ổn tất yếu của chúng ta, và nhìn nhận rằng thực tại còn lớn lao hơn là chúng ta tưởng tượng nữa. Các ngươi hãy ngước mắt lên mà nhìn chung quanh để thấy. Trước hết Chúa xin chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài, vì Ngài thực sự chăm sóc cho hết mọi người. Nếu Thiên Chúa biết mặc cho cỏ ngoài đồng, là những gì hôm nay mọc lên mai bị quăng vào lứa, thì Ngài còn chăm sóc cho chúng ta nhiều hơn biết chừng nào (cf Lk 12:28)? Nếu chúng ta ngước mắt lên Chúa, và xem xét tất cả mọi sự bằng ánh sáng của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Lời đã hóa thành nhục thể (cf. Jn 1:14) và vẫn luôn ở với chúng ta, hết mọi lúc (cf Mt 28:20). Bao giờ cũng thế.

Khi chúng ta ngước mắt lên Thiên Chúa thì các vấn đề không biến mất đâu, không phải vậy; trái lại, chúng ta cảm thấy rằng Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để giải quyết chúng. Vậy thì bước đầu tiên tiến đến thái độ tôn thờ đó là "ngước mắt". Việc tôn thờ của chúng ta là việc tôn thờ của thành phần môn đệ đã tìm thấy ở nơi Thiên Chúa một niềm vui mới mẻ và bất ngờ. Niềm vui trần thế chỉ dựa vào những gì là giầu sang phú quí, thành đạt hay những gì tương tự như thế, bao giờ cũng lấy mình làm chính yếu. Niềm vui của thành phần môn đệ Chúa Kitô, trái lại, được dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa, Đấng đã hứa thì không bao giờ lỗi hẹn, bất kể chúng ta có phải đương đầu đối diện với các thứ khủng hoảng. Lòng biết ơn của con cái và niềm vui làm bừng lên trong chúng ta ước muốn tôn thờ Chúa, Đấng hằng luôn trung thành và không bao giờ ruồng bỏ chúng ta.

Cụm từ hữu ích thứ hai đó là lên đường. Trước khi có thể tôn thờ Con Trẻ Bêlem thì các vị Đạo Sĩ đã phải thực hiện một cuộc hành trình dài. Thánh ký Mathêu cho chúng ta biết rằng trong những ngày ấy, "có những vị hiền sĩ từ Đông phương đến Giêrusalem mà nói rằng: 'Vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và đã đến để triều bái Người'" (Mt 2:1-2). Một cuộc hành trình bao giờ cũng bao gồm cả một thứ biến đổi, một thứ thay đổi. Sau một cuộc hành trình, chúng ta không còn nguyên như cũ. Bao giờ cũng có một cái gì đó mới mẻ về những ai thực hiện một cuộc hành trình nào đó, ở chỗ, họ đã biết được nhiều điều mới, đã gặp được những con người mới cùng với những trường hợp mới, và đã có được nội lực giữa các sự khốn khó và nguy cơ họ chạm trán dọc suốt cuộc hành trình. Không ai tôn thờ Chúa mà lại không cảm thấy trước hết tình trạng tăng trưởng nội tâm xuất phát từ việc cất bước lên đường.

Chúng ta trở thành những kẻ tôn thờ Chúa nhờ một tiến trình tuần tự. Chẳng hạn, kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng ở tuổi ngũ tuần, chúng ta thực hiện việc tôn thờ khác với lúc chúng ta ở tuổi 30. Những ai để cho mình được ân sủng hình thành uốn nắn thường được cải tiến theo thời gian: bề ngoài, chúng ta già hơn - Thánh Phaolô nói với chúng ta như vậy - trong khi bản chất nội tâm của chúng ta lại được canh tân từng ngày (cf 2Cor 4:16), vì chúng ta gia tăng kiến thức về cách tốt nhất để tôn thờ Chúa. Theo quan điểm này thì những thất bại, những khủng hoảng và các lỗi lầm của chúng ta có thể trở thành việc học hỏi kinh nghiệm, ở chỗ, chúng thường có thể giúp chúng ta càng nhận thức thấy rằng chỉ có một mình Chúa là xứng đáng cho việc chúng ta tôn thờ, vì chỉ có mình Người có thể làm thỏa đáng ước vọng được sống và trường sinh sâu xa nhất của chúng ta. Qua giòng thời gian, các thứ thử thách và khó khăn của đời sống - được cảm nghiệm bằng đức tin - giúp vào việc thanh tẩy cõi lòng của chúng ta, làm cho nó trở nên khiêm cung hơn, nhờ đó nó càng hướng về Thiên Chúa hơn. Ngay cả với tội lỗi của chúng ta, ngay cả khi chúng ta nhận thức được mình là tội nhân, cảm nghiệm được những cái xấu xa như vậy. "Thế nhưng tôi đã làm điều ấy... tôi đã làm...": nếu anh chị em làm như thế bằng đức tin và lòng thống hối, bằng niềm ăn năn hối cải, thì anh chị em sẽ tăng trưởng. Thánh Phaolô nói rằng hết mọi sự có thể giúp chúng ta tăng trưởng về phương diện thiêng liêng, để gặp gỡ Chúa Giêsu, ngay cả tội lỗi của chúng ta. Và Thánh Toma còn thêm: "etiam motalia", ngay cả tội lỗi xấu xa, những gì xấu xa nhất. Thế nhưng nếu anh chị em đáp ứng bằng lòng thống hối thì nó sẽ giúp cho anh chị em trong cuộc hành trình này để tiến đến chỗ gặp gỡ Chúa và tôn thờ Người một cách tốt đẹp hơn.

Như các Đạo Sĩ, cả chúng ta nữa cũng cần phải để bản thân chúng ta có thể học được từ cuộc hành trình cuộc đời này, một hành trình được đánh dấu bởi những bất tiện bất khả tránh của nó. Chúng ta không thể nào để những mệt mỏi của mình, các sa ngã  của mình cùng các thất bại của chúng ta làm cho chúng ta chán nản. Trái lại, bằng việc khiêm tốn nhìn nhận chúng, chúng ta cần phải biến chúng thành cơ hội tiến bộ trên đường đến cùng Chúa Giêsu. Đời sống không phải là vấn đề chứng tỏ cho thấy các khả năng của chúng ta, mà là một hành trình tiến đến với Đấng yêu thương chúng ta. Chúng ta không chứng tỏ cho thấy các nhân đức của chúng ta ở từng bước tiến của đời mình; mà là khiêm tốn hành trình tiến đến với Chúa. Bằng việc gắn mắt vào Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy được sức mạnh cần thiết để kiên trì với niềm vui tươi mới.

Vậy chúng ta tiến đến cụm từ thứ ba là nhìn thấy. Ngước mắt; lên đường; nhìn thấy. Vị Thánh ký nói với chúng ta rằng, "khi tiến vào nhà họ đã thấy con trẻ với Maria Mẹ của Người, và họ đã phục xuống tôn thờ Người" (Mt 2:10-11). Việc tôn thờ là một hành động trọng kính giành riêng cho các vương quyền và các phẩm vị cao cả. Các Đạo Sĩ đã thờ lậy Đấng họ biết là vua của dân Do Thái (cf Mt 2:2).

Thế nhưng họ đã thực sự thấy gì? Họ đã thấy một hài nhi nghèo hèn và mẹ của em. Tuy nhiên, những vị hiền triết từ những vùng đất xa xôi đã có thể nhìn vượt lên trên những cảnh tượng thấp hèn này, và nhận ra nơi Con Trẻ ấy những gì là vương giả. Họ đã có thể "nhìn thấy" bên trên những dáng vẻ bề ngoài. Quì ngay xuống trước Hài Nhi Bêlem, họ tỏ hiện một thứ tôn thờ trên hết, xuất phát tận đáy lòng, ở chỗ, họ mở các quí vật ra, được họ mang theo làm quà tặng, như biểu hiệu cho việc họ hiến dâng cõi lòng của họ.

Để tôn thờ Chúa, chúng ta cần phải "nhìn thấy" bên trên mức màn của sự vật hữu hình là những gì thường lừa đảo. Hêrôđê và thành phần công dân lãnh đạo ở Giêrusalem tiêu biểu cho một thứ trần tục làm nô lệ cho những dáng vẻ bề ngoài cùng với những thứ hấp dẫn trực giác. Họ nhìn thấy đó mà lại không thể nhìn thấy gì. Không phải vì họ không tin, không; mà là vì họ không biết cách nhìn, bởi họ là thành phần nô lệ cho những dáng vẻ bề ngoài và tìm kiếm những gì hấp dẫn. Họ thẩm định những gì là cảm xúc, những cái kéo chú ý của đám đông quần chúng. Tuy nhiên, nơi các Đạo Sĩ, chúng ta thấy cách thức rất khác biệt, một cách thức chúng ta có thể xác định như là một thực tại có tính cách thần học - một từ ngữ rất "cao" nhưng hữu ích - một cách thức nhìn thực tại khách quan nơi các sự vật để đi đến chỗ nhận thức hóa rằng Thiên Chúa tránh xa những gì là phô trương. Chúa ở trong sự khiêm hạ, Người giống như một em bé hèn mọn, Đấng xa lánh những gì là phô trương chính là sản phẩm của trần tục. Một đường lối "nhìn xem" vượt trên những gì là hữu hình, và làm cho nó khả dĩ giúp chúng ta tôn thờ Chúa, Đấng thường ẩn kín nơi các hoàn cảnh hằng ngày, nơi người nghèo khổ và những ai sống bên lề xã hội. Một cách thức nhìn các sự vật không bị ấn tượng bởi âm thanh và cuồng nhiệt, nhưng tìm kiếm nơi hết mọi trường hợp những gì thực là chính yếu, và tìm kiếm Chúa. Vậy, với Thánh Phaolô, chúng ta "đừng tìm kiếm những gì có thể thấy được mà là những gì không thấy được; vì những gì thấy được thì qua đi, còn những gì không thấy đựợc thì vĩnh viễn" (2Cor 4:18).

Xin Chúa Giêsu làm cho chúng ta thành những kẻ tôn thờ thật sự, có thể chứng tỏ, bằng đời sống của chúng ta, dự án yêu thương của Người đối với toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy xin ơn cho từng người chúng ta cũng như cho toàn thể Giáo Hội, biết tôn thờ, tiếp tục tôn thờ, biết thường xuyên thực hành việc cầu nguyện tôn thờ này, chỉ vì Thiên Chúa cần phải được tôn thờ.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2021/documents/papa-francesco_20210106_omelia-epifania.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu