GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 23 Cầu Nguyện bằng Thánh Kinh

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn tập trung vào việc cầu nguyện chúng ta có thể thực hiện bằng việc bắt đầu với một đoạn Thánh Kinh. Những lời của Sách Thánh không được viết ra để rồi cứ bị giam hãm trên mặt giấy cói, giấy da hay giấy tờ, mà phải được đón nhận bởi con người cầu nguyện, làm cho những lời này nẩy nở trong cõi lòng của mình. Lời Chúa thấm vào tâm can. Giáo Lý khẳng định rằng: "việc cầu nguyện cần phải được kèm theo bởi việc đọc Sách Thánh" - một thứ Sách Thánh không được đọc như là một cuốn tiểu thuyết, mà cần phải được kèm theo bằng việc cầu nguyện - "để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người" (khoản 2653). Đó là cách cầu nguyễn thực hiện nơi anh chị em, vì cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Câu Thánh Kinh ấy được viết ra cho cả tôi nữa, biết bao nhiêu thế kỷ trước đó, để mang lại cho tôi một lời Chúa. Thánh Kinh được viết ra cho hết mọi người chúng ta. Cảm nghiệm này xẩy đến cho tất cả mọi tín hữu, ở chỗ, một đoạn Thánh Kinh, được nghe đi nghe lại nhiều lần, bất ngờ nói với chúng ta vào một lúc nào đó, và soi sáng về một trường hợp tôi đang trải qua. Thế nhưng, hôm đó, tôi cần phải hiện diện ở cuộc hẹn với Lời ấy. Tôi cần phải ở đó, bằng việc lắng nghe Lời ấy.

Hằng ngày Thiên Chúa băng ngang qua và gieo một hạt giống vào mảnh đất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta không biết được hôm nay Ngài gặp được mảnh đất khô cằn, bụi gai hay đất tốt giúp cho hạt giống mọc lên (cf. Mk 4:3-9). Lời chúng ta nghe tác động chúng ta ấy trở nên Lời hằng sống của Thiên Chúa đối với chúng ta lệ thuộc vào chúng ta, vào việc cầu nguyện của chúng ta, vào tấm lòng cởi mở cần có để tiếp cận Thánh Kinh. Thiên Chúa tiếp tục băng ngang qua bằng Thánh Kinh. Ở đây, tôi sẽ trở về với những gì tôi đã nói trong tuần vừa rồi, với những gì Thánh Âu Quốc Tinh đã nói: "Tôi sợ Thiên Chúa khi Người băng ngang qua". Tại sao ngài lại sợ? Ở chỗ ngài không lắng nghe Người. Nghĩa là tôi sẽ không nhận ra rằng Người là Chúa.

 Một thứ nhập thể mới của Lời diễn ra nơi việc cầu nguyện.chúng ta là "các nhà tạm", nơi những lời Chúa cần được đón nhận và lưu giữ, để những lời Chúa này có thể viếng thăm thế giới. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tiếp cận với Thánh Kinh không do bởi một thúc động kín đáo nào đó, không khai thác Thánh Kinh. Tín hữu không trở về với Sách Thánh để tìm cách bênh vực cho quan điểm triết lý và luân lý của họ, mà vì họ hy vọng có được một cuộc hội ngộ; tín hữu biết rằng những lời được viết ra bởi Thánh Linh, và vì thế bởi cùng vị THần Linh này những lời ấy cần phải được đón nhận và thấu hiểu, cho cuộc hội ngộ này xẩy ra. Tôi thấy khó chịu làm sao ấy khi nghe thấy Kitô hữu đọc các câu Thánh Kinh như con vẹt vậy. "Ồ đúng... Ồ Chúa nói rằng... Người muốn điều này điều nọ..." Thế nhưng, anh chị em có gặp gỡ Chúa ở câu ấy chăng? Đó không phải là câu hỏi về trí nhớ: nó là một vấn đề về trí nhờ của một cõi lòng hướng anh chị em về cuộc hội ngộ với Chúa. Lời ấy, câu ấy giúp anh chị em được gặp gỡ Chúa.

Bởi thế, chúng ta đọc Thánh Kinh vì Thánh Kinh "nói với chúng ta". Đó là một ân sủng để có thể nhận biết mình nơi đoạn này hay nơi nhân vật kia, ở trường hợp này hay hoàn cảnh kia. Thánh Kinh không được viết cho một nhân loại chung chung vậy thôi, mà là cho chúng ta, cho tôi, cho anh chị em, cho những con người nam nữ bằng xương bằng thịt, cho những con người nam nữ có tên gọi và tên họ, như tôi, như anh chị em. Và Lời Chúa, nhờ Thánh Linh đã được thấm nhiễm, khi Lời Chúa được đón nhận bằng một tâm hồn cởi mở, không để cho các thứ cứ còn nguyên như trước, không bao giờ. Một cái gì đó thay đổi. Đó là ân sủng và sức mạnh của Lời Chúa.

Truyền thống Kitô giáo thì dồi dào về các cảm nghiệm cùng với các suy niệm Sách Thánh khi cầu nguyện. Đặc biệt là phương pháp "Lectio divina" đã được thiết lập; nó bắt nguồn từ giới đan tu, nhưng hiện nay còn được thực hiện bởi các Kitô hữu sinh hoạt ở các giáo xứ của họ. Đó là vấn đề chăm chú đọc một đoạn thánh kinh: đó là Lectio divina, trước hết và trên hết là chăm chú đọc một đoạn Thánh Kinh hay hơn nữa: tôi muốn nói rằng đọc Thánh Kinh theo "chiều hướng" của bản văn, để hiểu được ý nghĩa trong Thánh Kinh và của Thánh Kinh. Sau đó bắt đầu đối thoại với Thánh Kinh, để những lời ấy trở thành nguồn suy niệm và cầu nguyện, ở chỗ, trong khi vẫn căn cứ vào bản văn, tôi bắt đầu tự vấn xem bản văn này "nói với tôi" những gì. Đó là một bước tinh tế, ở chỗ chúng ta không được chiều theo những dẫn giải chủ quan, nhưng chúng ta phải thuộc về đường lối sống động của Truyền Thống là những gì liên kết mỗi người chúng ta với Sách Thánh. Bước cuối cùng của Lectio divina đó là chiêm niệm. Đến đây các lời nói và tư tưởng nhường bước cho lòng yêu mến, như giữa những kẻ yêu nhau đối khi chỉ nhìn nhau trong thinh lặng. Bản văn thánh kinh vẫn còn đó, nhưng chỉ như là một tấm gương soi, như là một ảnh tượng cần được chiêm ngắm. Như vậy mới có chuyện đối thoại.

Qua việc cầu nguyện, Lời Chúa đến ở với chúng ta và chúng ta ở với Lời Chúa. Lời này tác động những ý hướng tốt lành cùng trợ giúp hành động; Lời ấy cống hiến cho chúng ta sức mạnh và niềm thanh thản, và ngay cả khi Lời ấy thách đố chúng ta, chúng ta cũng cảm thấy an bình. Vào những ngày "dị thường" và bối rối, Lời này bảo toàn tâm can bằng một cái mấu chốt tin tưởng và yêu mến để bảo vệ Lời này khỏi các cuộc tấn công của tên gian ác.

Bằng cách ấy Lời Chúa đã hóa thành nhục thể - xin cho phép tôi được sử dụng cách diễn tả này - Lời Chúa đã hóa thành nhục thể nơi những ai đón nhận Lời Chúa trong nguyện cầu. Cái trực giác xuất phát nơi một số bản văn cổ đó là Kitô hữu đồng hóa với Lời này một cách trọn vẹn đến độ, giả như tất cả mọi cuốn Thánh Kinh trên thế giới này có bị cháy rụi hết, thì "cái nấm" của Thánh Kinh vẫn còn đó, vì những gì Thánh Kinh in ấn vẫn còn tồn tại nơi đời sống của các thánh nhân. Thật là một diễn tả tuyệt vời.

Đời sống Kitô hữu đồng thời là một công việc của cả việc thuận phục lẫn sáng tạo. Người Kitô hữu tốt lành cần phải là một người biết thuần phục, thế nhưng họ cũng cần phải sáng tạo nữa. Họ thuần phục khi họ nghe Lời Chúa; họ sáng tạo vì họ có Thánh Linh trong lòng, Đấng điều khiển họ làm thế, dẫn đưa họ tiến lên. Chúa Giêsu, ở cuối một trong những dụ ngôn của mình, đã đưa ra một so sánh như thế này - Người nói: "Hết mọi viên ký lục được huấn luyện cho nước trời thì giống như một gia chủ kia biết lấy ra từ kho tàng của mình - là cõi lòng" cả những cái cũ lẫn những cái mới" (Mt 13:52). Sách Thánh là một kho tàng bất tận. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta biết hằng kín múc lấy hơn nữa từ kho tàng này bằng việc cầu nguyện.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210127_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu