GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện Bài 30:

Cầu Nguyện nơi Học Đường Giáo Hội

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Giáo Hội là một đại học đường về cầu nguyện. Nhiều người trong chúng ta đã học được cách thức bập bẹ những kinh nguyện đầu tiên trên đùi của cha mẹ hay ông bà của chúng ta. Có lẽ chúng ta cảm thấy vui với hồi niệm về ba má của chúng ta, những người dạy chúng ta cầu nguyện trước khi đi ngủ. Những giây phút hồi tưởng này thường là những giây phút mà cha mẹ của chúng ta nghe thấy một điều kín mật nào đó và có thể cống hiến cho chúng ta lời khuyên nhủ theo Phúc Âm. Thế rồi khi lớn lên, chúng ta lại có được những cuộc gặp gỡ khác, với những chứng nhân và thày cô khác dạy chúng ta cầu nguyện (see Catechism of the Catholic Church, 2686-2687). Thật là tốt đẹp để tưởng nhớ.

Đời sống của một giáo xứ và của hết mọi cộng đồng Kitô giáo được đánh dấu bằng những giây phút phụng vụ và những giây phút cầu nguyện cộng đồng. Chúng ta nhận thức được rằng tặng ân chúng ta đã nhận được một cách đơn giản thuở ấu thơ là một gia sản lớn lao, một di sản phong phú, và cảm nghiệm cầu nguyện này đáng được sâu đậm mỗi ngày một hơn (see ibid., 2688). Tấm áo đức tin không được vo hòn đóng cục mà là triển phát cùng với chúng ta; nó không được cứng ngắc mà là gia tăng, thậm chí qua cả những lúc khủng hoảng và phục sinh. Thực sự là không thể nào tăng trưởng nếu không có những giây phút khủng hoảng, vì khủng hoảng làm anh chị em tăng trưởng. Việc trải nghiệm khủng hoảng là cách thức cần thiết để tăng trưởng. Hơi thở của đức tin là cầu nguyện - chẳng những cầu nguyện tư riêng mà còn cầu nguyện với anh chị em của chúng ta, cũng như với một cộng đồng đã hỗ trợ và nâng đỡ chúng ta, với những người biết chúng ta, với những người chúng ta xin cầu nguyện cho chúng ta.

 Chính vì lý do này mà các cộng đồng cũng như các nhóm tập trung cầu nguyện cũng triển nở trong Giáo Hội. Một số Kitô hữu thậm chí cảm thấy được kêu gọi coi cầu nguyện là hoạt động chính cho ngày sống của họ. Có những đan tu viện, những công tu viện, những ẩn tu viện trong Giáo Hội là nơi những ngưòi tận hiến cho Thiên Chúa sống. Chúng thường trở thành trung tâm của ánh sáng thiêng liêng. Chúng là những trung tâm của cộng đồng cầu nguyện rạng ngời linh đạo. Chúng là những ốc đảo nho nhỏ, ở đó diễn ra việc cầu nguyện với nhau, và là nơi hằng ngày kiến tạo nên mối hiệp thông huynh đệ. Chúng là những tế bào sống còn chẳng những cho mô sợi Giáo Hội mà còn cho chính xã hội nữa. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến vai trò đời sống đan tu đã thủ vai trong việc hạ sinh và tăng trưởng của nền văn minh Âu Châu, và cả những nền văn hóa khác nữa. Cầu nguyện và làm việc trong cộng đồng là những gì giữ cho thế giới này tiến phát. Nó là một động lực!

Hết mọi sự ở trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ cầu nguyện, và hết mọi sự phát triển nhờ cầu nguyện. Khi kẻ thù, Tên Gian Ác, muốn chiến đấu với Giáo Hội, thì trước hết bằng cách cố gắng làm cạn khô những bể nước của Giáo Hội, ngăn cản đến với những bể nước này bằng cầu nguyện. Chẳng hạn chúng ta thấy xẩy ra điều này ở một số nhóm hội bằng lòng với việc canh tân tiến bước của Giáo Hội, với những thay đổi trong đời sống của Giáo Hội cũng như của tất cả mọi cơ cấu tổ chức, đó là một thứ phương tiện truyền thông loan tin cho hết mọi người... Thế nhưng cầu nguyện thì chẳng thấy đâu, chẳng có cầu nguyện gì. Chúng ta cần thay đổi điều này; chúng ta cần làm cho quyết định này khó một chút... Thế nhưng dự thảo là những gì đáng chú trọng. Nó đáng chú trọng! Chỉ bằng bàn luận, chỉ qua phương tiện truyền thông. Vậy thì cầu nguyện để đâu? Cầu nguyện là yếu tố mở cửa ra cho Thánh Linh, Đấng tác động sự tiến bộ. Những đổi thay trong Giáo Hội mà thiếu cầu nguyện thì không phải là những thay đổi do Giáo Hội thực hiện. Chúng là những thay đổi được thực hiện bởi các nhóm hội. Khi Kẻ Thù - như tôi đã nói - muốn chiến đấu với Giáo Hội, hắn chiến đấu trước hết bằng việc làm cạn khô các bể nước của Giáo Hội, ngăn chặn việc cầu nguyện, và biến những thứ này thành các dự thảo khác. Nếu ngưng việc cầu nguyện một chút thì dường như hết mọi sự vẫn có thể tiến triển như nó vẫn luôn như thế - không, mà bị ù lí chứ? - thế nhưng, sau một thời gian ngắn, Giáo Hội nhận ra rằng Giáo Hội đã trở thành như là một cái vỏ trống rỗng, đã bị mất đi những thứ chất chứa của mình, không còn sở hữu mạch nguồn sưởi ấm và yêu thương của mình.

Những con người nam nữ thánh đức không sống một cuộc đời dễ dàng hơn những người khác. Thậm chí họ thực sự có những vấn để cần phải giải quyết, hơn thế nữa, họ còn thường trở thành đối tượng chống đối nữa. Thế nhưng, sức mạnh của họ là cầu nguyện. Họ luôn kín múc từ "giếng nước" bất khả cạn khô của Mẹ Giáo Hội. Bằng việc cầu nguyện, họ nung nấu ngọn lửa đức tin của họ, một đức tin như dầu được dùng cho đèn sáng. Vì thế họ tiến bước bằng đức tin và đức cậy. Các vị thánh, thường bị cho là thấp hèn trước mặt thế gian, thực sự là những con người duy trì thế giới này, không phải bằng những thứ khí giới tiền bạc hay quyền lực, khí giới của các thứ truyền thông - vân vân - mà bằng thứ khí giới cầu nguyện.

Trong Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi thảm thiết luôn làm cho chúng ta suy nghĩ, đó là "Khi Con Người đến thì không biết Người có còn thấy đức tin trên thế gian này hay chăng?" (18:8), hay là Người sẽ chỉ thấy toàn là những cơ cấu, như những nhóm thầu khoán của đức tin, thấy mọi sự được tổ chức tốt đẹp, thấy những con người làm việc bác ái, làm được nhiều điều, hay Người thấy đức tin? "Khi Con Người đến thì không biết Người có còn thấy đức tin trên thế gian này hay chăng?" Câu hỏi này ở cuối dụ ngôn cho thấy nhu cầu cần kiên trì cầu nguyện không mệt mỏi (see vv. 1-8). Bởi thế, chúng ta có thể kết luận rằng cây đèn đức tin sẽ luôn được cháy sáng trên thế gian này bao lâu còn thứ dầu cầu nguyện. Cầu nguyện giúp đức tin tiến bước và dẫn dắt đời sống của chúng ta - yếu hèn, tội lỗi - tiến lên, thế nhưng cầu nguyện dẫn dắt cuộc đời của chúng ta tiến lên một cách an toàn. Vấn đề Kitô hữu chúng ta cần tự vấn đó là: Tôi có cầu nguyện hay chăng? Chúng ta có cầu nguyện hay chăng? Tôi cầu nguyện như thế nào? Như con vẹt hay bằng tấm lòng? Tôi cầu nguyện ra sao? Tôi có cầu nguyện hay không khi tin rằng tôi ở trong Giáo Hội và tôi cầu nguyện với Giáo Hội? Hay tôi cầu nguyện một chút theo những ý nghĩ của tôi, rồi biến những ý nghĩ ấy thành lời cầu nguyện? Đó là thứ cầu nguyện dân ngoại, không phải Kitô giáo. Tôi xin lập lại: Chúng ta có thể kết luận rằng cây đèn đức tin sẽ luôn cháy sáng trên trái đất này bao lâu còn dầu cầu nguyện.

Đó là công việc thiết yếu của Giáo Hội: là cầu nguyện và dạy cách cầu nguyện. Là truyền dạt cây đèn đức tin và dầu cầu nguyện từ đời nọ đến đời kia. Cây đèn đức tin chiếu sáng điều chỉnh lại những điều đúng như chúng là, nhưng nó chỉ có thể tiến tới bằng dầu cầu nguyện. Bằng không nó bị tắt lịm. Không có ánh sáng của cây đèn này, chúng ta sẽ không thể thấy được đường lối truyền bá phúc âm hóa, hay đúng hơn, chúng ta sẽ không thể thấy được đường đi nước bước để tin tưởng một cách tốt đẹp; chúng ta sẽ không thể thấy được khuôn mặt của anh chị em chúng ta để đến gần họ và phục vụ họ; chúng ta sẽ không thể chiếu soi căn phòng chúng ta gặp gỡ trong cộng đồng. Không có đức tin hết mọi sự sẽ sụp đổ; và không cầu nguyện đức tin bị tắt lịm. Đức tin và cầu nguyện là những gì đi với nhau. Không có chọn lựa nào khác. Vì thế, Giáo Hội, như nhà và học đường của hiệp thông, là nhà và học đường của đức tin và cầu nguyện.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210414_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu