GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

 ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện Bài 31: Cầu Nguyện bằng Khẩu Nguyện

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa; hết mọi tạo vật, ở một nghĩa nào đó, đều "đối thoại" với Thiên Chúa. Nơi loài người thì cầu nguyện trở thành ngôn từ, kêu cầu, thánh ca, thi ca... Lời thần linh đã hóa thành nhục thể, và nơi xác thịt của từng người lời này trở về cùng Thiên Chúa bằng nguyện cầu.

Chúng ta tạo nên ngôn từ, thế nhưng ngôn từ cũng là mẹ của chúng ta nữa, và chúng hình thành chúng ta ở một mức độ nào đó. Những ngôn từ của một kinh nguyện nào đó giúp chúng ta an toàn vượt qua thung lũng tối, dẫn chúng ta đến những đồng cỏ xanh tươi đầy những nước mát, và làm cho chúng ta có thể hân hoan trước mặt kẻ thù, như Thánh Vịnh đã nói (cf. TV 23). Ngôn từ được xuất phát từ các cảm thức, nhưng cũng có thể ngược lại, ngôn từ tạo nên cảm thức. Thánh Kinh dạy con người bảo đảm rằng hết mọi sự được bày tỏ bằng ngôn từ, không gì là con người bị loại trừ hết, bị cấm đoán. Nhất là nỗi đớn đau trở nên nguy hiểm nếu nó cứ bị dấu kín, cứ dồn nén trong chúng ta... Nỗi đớn đau bị dồn nén trong chúng ta, không thể bày tỏ hay dược thông thoát ra, là những gì có thể độc hại linh hồn. Nó là những gì chết chóc.

Đó là lý do tại sao Thánh Kinh dạy chúng ta cầu nguyện, đôi khi bằng những lời lẽ bạo dạn. Các vị tác giả sách thánh không muốn đánh lừa chúng ta về con người: họ biết rằng tâm can của chúng ta chấp chứa cả những cảm thức xấu, thậm chí hận thù ghen ghét. Không ai trong chúng ta thánh đức khi được sinh ra, và khi những cảm thức tiêu cực lọt vào cửa lòng của chúng ta, chúng ta cần phải làm sao để có thể ngăn chặn chúng bằng nguyện cầu và Lời Chúa. Chúng ta cũng thấy được những bày tỏ rất gay gắt tàn bạo trong các Thánh Vịnh - những bày tỏ được các bậc thày về đàng thiêng liêng bảo chúng ta rằng nói về ma quỉ và tội lỗi của chúng ta - tuy nhiên, chúng là những ngôn từ thuộc về thực tại của loài người và cuối cùng được sử dụng bởi Thánh Kinh. Chúng ở đó để chứng thực với chúng ta rằng, trong việc đối đầu với bạo lực, nếu không còn ngôn từ nào có thể biến các cảm thức tiêu cực khỏi bị tác hại, hãy thông thoát chúng một cách nào đó cho nó khỏi gây tai hại, thì mới áp đảo được thế gian này.

Lời cầu nguyện đầu tiên của con người bao giờ cũng là một lời khẩu nguyện nào đó. Môi miệng bao giờ cũng đi trước. Cho dù tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng cầu nguyện không phải là ở các ngôn từ lập đi lập lại, nhưng khẩu nguyện là cách thức chắc chắn nhất, và luôn có thể thực hiện. Đàng khác, những cảm thức cho dù có cao quí, vẫn luôn là những gì không vững chắc, ở chỗ thấp thoáng, cứ đến rồi đi, đi rồi lại đến. Chẳng những thế, cả ơn cầu nguyện nữa cũng khôn lường: có những lúc tràn đầy ơn an ủi, nhưng vào những ngày tăm tối các ơn an ủi này hoàn toàn chẳng còn. Cầu nguyện bằng tâm hồn là một mầu nhiệm, và ở những lúc nào đó không xẩy ra. Trái lại, cầu nguyện bằng môi miệng một cách thầm thĩ hay đọc chung với nhau bao giờ cũng khả dĩ, và cần làm như là việc tay chân vậy. Sách Giáo Lý dạy chúng ta về điều này rằng: "Khẩu nguyện là một yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bị thu hút trước việc âm thầm cầu nguyện của Người là Thày của họ, một lời khẩu nguyện là Kinh Lạy Cha" (khoản 2701). Các vị đã xin Ngưòi "hãy dạy chúng con cầu nguyện", và Chúa Giêsu đã dạy họ một lời khẩu nguyện đó là Kinh lạy Cha. Hết mọi sự đều ở đó, ở kinh nguyện đó...

Tất cả chúng ta cần phải có tấm lòng khiêm nhượng của một số vị lão thành nào đó, những người ở trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn bén nhạy nữa, mà họ đọc một cách thầm lặng các kinh nguyện họ đã thuộc từ nhỏ, làm giáo đường đầy những tiếng thì thào. Việc cầu nguyện ấy không làm lũng đoạn sự thinh lặng, mà để chứng thực cho lòng trung thành của họ với bổn phận cần phải cầu nguyện, một bổn phận được thi hành không buông bỏ suốt cuộc sống của họ. Những con người thực hiện việc nguyện cầu khiêm tốn ấy thường là những vị chuyển cầu cao cả ở trong giáo xứ: họ là những cây sồi, từ năm này đến năm kia, vươn cành của mình ra để cống hiến bóng mát cho nhiều người nhất. Chỉ có Thiên Chúa mới biết, khi nào và bao nhiêu, tâm can của họ đã liên kết với các kinh nguyện họ đọc: chắc chắn những con người này cũng phải đối diện với những đêm tối và những giây phút trống rỗng. Thế nhưng người ta vẫn có thể trung thành với khẩu nguyện. Nó như là một cái neo: người ta có thể bám lấy sợi giây thừng và tiếp tục trung thành những gì có thể.

Tất cả chúng ta đều có một cái gì đó để học từ sự kiên trì của khách hành hương Nga, được đề cập đến trong một tác phẩm nổi tiếng về linh đạo, thành phần đã học được nghệ thuật cầu nguyện bằng việc cứ lập đi lập lại cùng một lời kêu cầu: "Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi" (cf CCC 2616, 2667). Họ đã lập lại chỉ có câu này thôi: "Lạy Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi". Nếu ân sủng đến với cuộc đời của chúng ta, nếu cầu nguyện trở nên nồng ầm đến độ có lúc như thể Nước Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta, nếu viễn tượng ấy có thể được biến đổi cho đến khi nó trở nên như viễn tượng của một con trẻ thì sẽ được, vì chúng ta đã nhấn mạnh đến việc đọc một câu than Kitô giáo đơn sơ giản dị. Cuồi cùng nó trở thành yếu tố hít thở của chúng ta. Câu truyện khách hành hương Người Nga thật hay, đó là một cuốn sách mọi người đều có thể đọc. Tôi khuyên anh chị em đọc nó; nó sẽ giúp anh chị em hiểu được khẩu nguyện ra sao.

 Bởi thế, chúng ta không được coi thường khẩu nguyện. Người ta có thể nói rằng: "A, đó là những gì giành cho trẻ con; tôi thực hành tâm nguyện, suy niệm, nội tâm thanh thoát để Thiên Chúa có thể đến với tôi..." Này! Đừng có mà chiều theo cái kiêu hãnh khinh thường khẩu nguyện nhé. Nó là lời cầu nguyện của kẻ đơn sơ chân thành, lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã dạy là Kinh Lạy Cha chúng con ở trên trời ... Những lời chúng ta nói lên cầm lấy tay chúng ta; có những lúc chúng phục hồi hương vị, chúng làm bừng lên ngay cả những con tim nào mê ngủ nhất; chúng làm cho các cảm thức chúng ta đã lãng quên được tái bùng lên. Chúng cầm tay dẫn chúng ta đến cảm nghiệm về Thiên Chúa, những ngôn từ này... Trên hết, chúng chỉ là những lời duy nhất, một cách vững chắc, dâng lên Thiên Chúa các vấn đề Ngài muốn nghe. Chúa Giêsu không bỏ mặc chúng ta trong màn sương mù. Ngài đã nói với chúng ta rằng: "Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này". Rồi Người đã dạy chúng ta Kinh Lạy Cha (cf. Mt 6:9).

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210421_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu