GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện

Bài 33: Cầu Nguyện Chiêm Niệm

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về cầu nguyện, và trong bài giáo lý này, tôi muốn chia sẻ về cầu nguyện chiêm niệm.

Chiều kích chiêm niệm của hữu thể con người - chưa phải là cầu nguyện chiêm niệm - là một chút như "muối" của đời sống; nó cống hiến hương vị, nó gia vị ngày sống. Chúng ta có thể chiêm niệm bằng cách ngắm mặt trời lên ban sáng, hay ngắm cây cối khoe mình giữa mùa xuân xanh tươi; chúng ta có thể chiêm niệm bằng việc nghe nhạc hay tiếng chim kêu, bằng đọc một cuốn sách, bằng ngắm một tác phẩm nghệ thuật hay ngắm tác phẩm chính là dung nhan con người... Carlo Maria Martini, khi được sai đến làm Giám mục ở Milan, đã đặt tên cho Bức Thư Mục Vụ đầu tiên của mình là: Chiều kích chiêm niệm của cuộc đời: sự thật đó là những ai sống ở một thành phộ rộng lớn, nơi - chúng ta có thể nói - hết mọi sự đều là nhân tạo và toàn là vận hành, liều mất đi khả năng chiêm niệm. Chiêm niệm chính yếu không phải là một cách hành sự, mà là một cách hiện hữu. Là chiêm niệm.

Thành phần chiêm niệm không lệ thuộc vào con mắt mà là con tim. Ở đây cầu nguyện đóng vai trò là một tác động của đức tin và đức mến, như "hơi thở" của mối liên hệ với Thiên Chúa. Cầu nguyện thanh tẩy con tim, và cùng với con tim, cũng làm cho ánh mắt trở nên sắc bén, giúp cho nó có thể nắm bắt được thực tại từ một quan điểm khác. Sách Giáo Lý diễn tả việc biến đổi một con tim thấm nhiễm cầu nguyện, bằng cách trích lại chứng từ nổi tiếng của Vị Cha Sở Thánh Đức Họ Ars, người đã nói: "Chiêm niệm là một ánh mắt tin tưởng gắn chặt vào Chúa Giêsu. 'Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi': đó là những gì một dân quê nào đó ở Họ Ars thường nói về vị cha sở thánh này khi ngài cầu nguyện trước nhà tạm. [...] Ánh sáng của dung nhan Chúa Giêsu chiều tỏa vào con mắt của cõi lòng, và dạy chúng ta nhìn hết mọi sự trong ánh sáng sự thật của Người và lòng cảm thương của Người với tất cả mọi người" (Catechism of the Catholic Church, 2715). Hết mọi sự đều xuất phát từ đó: từ một con tim cảm thấy rằng nó được âu yếm nhìn đến. Sau đó thực tại được chiêm ngắm bằng những con mắt khác hẳn.

"Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi!" Nó như thể là việc chiêm niệm yêu thương, khuôn mẫu của việc cầu nguyện thân mật nhất, không cần nhiều lời. Một cái nhìn là đủ. Chỉ cần xác tín rằng đời sống của chúng ta được vây bọc bởi một tình yêu bao la và trung tín mà không gì có thể tách lìa chúng ta ra được.

Chúa Giêsu là vị sư phụ của cái nhìn này. Đời sống của Người chẳng bao giờ thiếu giờ, thiếu nơi, thiếu thinh lặng, thiếu một mối hiệp thông yêu thương giúp việc hiện hữu của người ta không bị tàn hại bởi các cuộc thử thách bất khả tránh, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tinh tuyền. Bí quyết của Người là mối liên hệ của Người với Cha trên trời của Người.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến biến cố Biến hình. Các Phúc Âm đặt tình tiết này vào một thời khắc quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu, khi Người đang bị bủa vây bởi những gì là chống đối và loại trừ. Ngay cả trong hàng ngũ môn đệ của Người cũng thế, nhiều vị đã không hiểu Người và bỏ Người mà đi; một trong 12 vị đã có những ý nghĩ phản bội Người. Chúa Giêsu bắt đầu công khai nói về tình trạng khổ đau và chết chóc đang đợi chờ Người ở Jerusalem. Chính trong bối cảnh ấy Chúa Giêsu đã lên một ngọn núi cao với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Phúc Âm Thánh Marco viết: "Người đã biến hình trước mặt các vị, và y phục của Người trở nên trắng tinh, không có một thợ nào trên đời này có thể tẩy trắng được" (9:2-3). Ngay vào lúc Chúa Giêsu bị hiểu lầm - họ tránh xa Người, bỏ Người một mình, vị họ không hiểu Người - trong lúc Người bị hiểu lầm ấy, hệt như khi tất cả mọi sự trở nên lu mờ trong cơn gió lốc hiểu lầm, lại là lúc ánh sáng thần linh tỏa rạng. Chính ánh sáng của tình yêu Cha làm tràn ngập cõi lòng của Người Con và biến đổi toàn thể Con Người của Người.

Một số vị sư phụ về đàng thiêng liêng trước đây đã quan niệm việc chiêm niệm như trái ngược lại với hành động, và đã đề cao những thứ ơn gọi thoát ly khỏi trần gian cùng với các vấn đề của nó để hoàn toàn tập trung mình vào việc cầu nguyện. Thực ra, Chúa Giêsu Kitô, nơi con người của Người và Phúc Âm, không có vấn đề đối nghịch giữa chiêm niệm và hành động. Không. Nơi Phúc Âm cũng như nơi Chúa Giêsu không có chuyện mâu thuẫn. Điều này có thể xuất phát từ ảnh hưởng của một thứ triết học tân plato nào đó đã tạo ra vấn đề đối kháng này, thế nhưng, nó thực sự chất chứa một chủ nghĩa nhị nguyên vốn không thuộc về sứ điệp của Kitô giáo.

Chỉ có một ơn gọi cao cả duy nhất, một ơn gọi cao cả duy nhất trong Phúc Âm, ơn gọi cao cả này là theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương. Đó là tột đỉnh và là tâm điểm của hết mọi sự. Theo ý nghĩa ấy thì đức ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau, cả hai là điều giống nhau. Thánh Gioan Thánh Giá tin rằng một tác hành nhỏ mọn hoàn toàn vì yêu thương còn lợi ích cho Giáo Hội hơn là tất cả các công việc khác gom lại. Cái được phát sinh từ cầu nguyện, không phải từ giả tưởng của cái tôi chúng ta, cái được thanh tẩy bởi sự khiêm nhượng, cho dù chỉ là một tác động yêu mến kín đáo và thầm lặng, là một phép lạ cả thể nhất Kitô hữu có thể thực hiện. Đó là đường lối của việc cầu nguyện chiêm niệm. Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi. Đó là tác động yêu mến trong cuộc âm thầm đối thoại với Chúa Giêsu giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội. Cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210505_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu