GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Cầu Nguyện

 Bài 37: Cầu Nguyện - Cầu Nguyện theo Mô Phạm và Hồn Sống là Chúa Giêsu

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Các Phúc Âm cho chúng ta thầy việc cầu nguyện là những gì chính yếu nơi mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người ra sao. Việc cầu nguyện này đã xẩy ra nơi việc chọn lựa những ai sau đó trở thành Tông Đồ. Thánh Luca đã đặt việc tuyển chọn các vị vào chính bối cảnh của việc cầu nguyện, khi viết: "Vào những ngày ấy, Người đã lên núi cầu nguyện; thâu đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ngày đến, Người đã gọi các môn đệ của mình tới, và trong số họ Người đã chọn 12 vị mà Người gọi là tông đồ" (6:12-13). Chúa Giêsu chọn các tông đồ sau một đêm cầu nguyện. Dường như chỉ có cầu nguyện là tiêu chuẩn duy nhất để thực hiện việc chọn lựa này thôi, việc Chúa Giêsu trao đổi với Chúa Cha. Nếu căn cứ vào cách thức những con người này tác hành thì dường như việc chọn lựa ấy chẳng có gì là tuyệt vời hết, khi mà mọi người trong họ đều tẩu thoát, bỏ mặc Người một mình trước cuộc Khổ Nạn; thế nhưng, chính vì thế, đặc biệt là bao gồm cả Judas là kẻ sau này phản bội, chứng tỏ là những tên tuổi ấy đã được ấn định nơi dự án của Thiên Chúa.

Vì thành phần bạn hữu của mình mà việc cầu nguyện tiếp tục xẩy ra trong đời sống của Chúa Giêsu. Các Tông Đồ đôi khi khiến Người phải quan tâm, thế nhưng, vì Người đã lãnh nhận họ từ Chúa Cha sau khi cầu nguyện, mà Chúa Giêsu vẫn ấp ủ họ trong lòng của Người, thậm chí khi họ lầm lỗi, ngay cả khi họ sa ngã. Qua tất cả những sự ấy, chúng ta mới thấy được Chúa Giêsu vừa là thày vừa là bạn ra sao, bao giờ cũng sẵn sàng nhẫn nại đợi chờ việc hoán cải từ các người môn đệ của mình. Tột đỉnh của việc nhẫn nại đợi chờ này đó là "mạng lưới" yêu thương Chúa Giêsu bủa vây tông đồ Phêrô. Ở Bữa Tiệc Ly, Người nói cùng ngài rằng: "Simon, Simon" - lời chúng ta đã nghe ngay lúc đầu của buổi triều kiến này - "này Satan đã yêu cầu được sàng con như sàng thóc lúa, nhưng Thày đã cầu nguyện cho con, để con không mất đức tin, để rồi khi con trở lại, con hãy củng cố đức tin cho anh em con" (Luca 22:31-32). Thật là cảm kích khi thấy rằng vào lúc ấy, trong lúc yều hèn như vậy, Chúa Giêsu vẫn không thôi yêu thương.

"Thế nhưng thưa cha, nếu con mắc tội trọng Chúa Giêsu có yêu thương con hay chăng?" - "Có chứ" - Chúa Giêsu có tiếp tục cầu cho con hay chăng?" - "Có chứ" - "Nhưng nếu con đã làm những điều xấu xa tệ hại nhất, hơn cả thế nữa, đã phạm rất ư là nhiều tội... Chúa Giêsu có tiếp tục cầu nguyện cho con không? - "Có chứ". Tình yêu của Chúa Giêsu, việc cầu nguyện của Chúa Giêsu cho từng người chúng ta không hề ngừng lại, không thôi, mà lại càng hơn nữa, và chúng ta trở thành trọng tâm việc cầu nguyện của Người! Chúng ta cần phải luôn nhớ như thế: Chúa Giêsu cầu cho tôi, Người hiện đang cầu nguyện trước Chúa Cha, và cho Cha xem thấy các vết thương Người đã phải chịu, tỏ cho Cha thấy cái giá mà Người phải trả cho phần rỗi của chúng ta, chính tình yêu này mà Người đã ôm ấp chúng ta. Thế nhưng, vào lúc này đây, mỗi người chúng ta, hãy nghĩ đi: vào lúc này đây, phải chăng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi? Đúng vậy. Đó là niềm tin tưởng mạnh mẽ chúng ta cần phải có.

Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu tái diễn đúng vào giây phút quan trọng trong cuộc hành trình của Người, giây phút kiểm chứng đức tin nơi thành phần môn đệ của Người. Chúng ta lại lắng nghe Thánh ký Luca một lần nữa: "Khi Người đang cầu nguyện một mình, thì các môn đệ đang ở với Người; và Người hỏi các vị rằng 'dân chúng bảo Thày là ai?' Họ trả lời rằng 'là Gioan Tẩy Giả; nhưng có những kẻ khác lại nói là Elia, và những người nói là một trong các vị tiên tri xưa sống lại'. Và Người hỏi các vị, 'còn các con bảo Thày là ai?' Tông đồ Phêrô đáp, đại diện cho mọi người rằng 'là Đức Kitô của Thiên Chúa'. Tuy nhiên Người truyền cho các vị không được nói điều ấy với ai" (9:18-21). Tức là, những khúc quanh quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu bao giờ cũng được dẫn trước bằng việc cầu nguyện, không phải là một việc cầu nguyện cho qua vậy thôi, mà là tha thiết và lâu dài. Bao giờ Người cũng cầu nguyện trong những lúc ấy. Bài trắc nghiệm đức tin này dường như đã trở thành một đích nhắm, hơn là một khởi điểm mới cho các môn đệ, vì từ đó trở đi, Chúa Giêsu như thể tỏ ra một sắc thái mới nơi sứ vụ của Người, khi Người công khai nói với các vị về cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Người.

Trước viễn tượng này, một viễn tượng gây ra cảm giác làm cho cả các môn đệ lẫn chúng ta là người đọc Phúc Âm như bị bật ngửa ra theo bản năng tự nhiên, thì việc cầu nguyện là mạch nguồn sáng soi và sức mạnh duy nhất thôi. Càng phải cầu nguyện thiết tha hơn mỗi khi bước đường lên cao.

Thật vậy, sau khi loan báo cho các môn đệ những gì đang đợi chờ Người ở Giêrusalem, thì tình tiết Biến Hình đã xẩy ra. Chúa Giêsu "đã đưa theo mình tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê, lên núi để cầu nguyện. Và khi Người đang cầu nguyện, thì dung nhan của Người đã biến dạng, và y phục của Người đã trở nên trắng xóa. Và này có hai người đã nói chuyện với Người là Mose và Elia, những vị đã rạng ngời xuất hiện và nói về việc ra đi của Người mà Người cần phải hoàn tất ở Giêrusalem" (9:28-31), tức là, về cuộc Khổ Nạn. Bởi thế, việc tỏ hiện vinh quang như thể báo trước của Chúa Giêsu này đã xẩy ra trong lúc cầu nguyện, trong khi Người Con đang chìm đắm trong mối hiệp thông với Cha, và hoàn toàn tuân theo ý muốn yêu thương của Ngài, theo dự án cứu độ của Ngài. Thế rồi từ việc cầu nguyện này đã vang lên một lời nói rõ ràng liên quan tới 3 người môn đệ này: "Đây là Con của Ta, Người Ta Tuyển Chọn; hãy lắng nghe Người" (9:35). Lời mời gọi hãy lắng nghe Chúa Giêsu xuất phát từ việc cầu nguyện, bao giờ cũng từ việc cầu nguyện.

Từ cuộc hành trình vắn gọn này theo Phúc Âm, chúng ta biết được rằng Chúa Giêsu chẳng những muốn chúng ta cầu nguyện như Người cầu nguyện, mà còn bảo đảm với chúng ta rằng, ngay cả những nỗ lực cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn vô bổ và chẳng có công hiệu gì, chúng ta vẫn có thể cậy dựa vào việc cầu nguyện của Người. Chúng ta cần phải nhận thức như thế: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Một lần kia, có một vị giám mục đã nói với tôi rằng trong một giây phút rất khốn khổ trong đời của ngài, rất ư là thử thách, đến độ tất cả đều trở nên tăm tối, thì ngài đã nhìn lên ngôi Đền Thờ này và đã thấy một câu viết rằng: "Ta là Phêrô sẽ cầu cho con". Điều ấy đã cống hiến cho ngài sức mạnh và niềm an ủi. Điều này xẩy ra mỗi lần bất kỳ ai trong chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho mình. Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Thế nhưng, thưa cha, có thật không vậy? Thật chứ! Chính Người đã nói như thế. Chúng ta đừng quên rằng những gì nâng đỡ duy trì từng người chúng ta trong cuộc đời đều là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người chúng ta, đích danh chúng ta, bao gồm cả tên gọi lẫn tên họ của chúng ta, trước nhan Chúa Cha, khi Người tỏ cho Cha thấy các vết thương của Người là giá cứu độ chúng ta.

Cho dù những lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là những gì lắp bắp bập bẹ, lại còn kèm theo bằng một niềm tin bấp bênh lung lạc, chúng ta không bao giờ được ngưng tin tưởng vào Người: Tôi không biết cầu nguyện ra sao nhưng Người cầu nguyện cho tôi. Được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện rụt rè bẽn lẽn của chúng ta được bám vào đôi cánh đại bàng mà bay cao lên Trời. Xin đừng quên: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Ngày bây giờ à? Ngay lúc này. Trong khi thử thách, trong lúc lỗi tội, ngay cả trong tội lỗi như thế, Chúa Giêsu vẫn đang tràn đầy yêu thương cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210602_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu