GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ - GIÁO LÝ VỀ THƯ THÁNH PHAOLÔ GỬI GIÁO ĐOÀN GALATA

 

Bài 1: Giáo đoàn Galata - Khủng hoảng đức tin

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Sau hành trình dài tập trung vào vấn đề cầu nguyện, hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới. Tôi hy vọng nhờ tiến trình về vấn đề cầu nguyện, chúng ta đã tiến triển trong việc cầu nguyện tốt đẹp hơn một chút, cầu nguyện hơn chút nữa. Hôm nay tôi muốn chia sẻ về một số đề tài được Tông Đồ Phaolô nêu lên trong Thư ngài gửi cho Kitô hữu Galata. Đây là một Bức Thư quan trọng, tôi dám nói là quyết liệt nữa, chẳng những để biết rõ hơn về Vị Tông Đồ này, nhất là về một số đề tài ngài sâu xa nói đến cho thấy vẻ đẹp của Phúc Âm. Trong Thư này, Thánh Phaolô nói đến những chi tiết về tiểu sử của ngài, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được việc hoán cải của ngài và việc ngài quyết định dấn thân phục vụ Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng bàn đến một số đề tài quan trọng về đức tin, như quyền tự do, ân sủng và lối sống của Kitô hữu, những gì hết sức thời sự vì chúng đụng chạm tới nhiều khía cạnh của đời sống Giáo Hội ngày nay. Bức thư này rất thời sự. Nó dường như được viết cho thời đại của chúng ta đây.

Đặc tính thứ nhất nơi Bức Thư này đó là đại cuộc truyền bá phúc âm hóa do Vị Tông Đồ này thực hiện, người đã viếng thăm các cộng đoàn Galata ít là 2 lần trong các hành trình truyền giáo của ngài. Thánh Phaolô đề cập đến các Kitô hữu ở những miền đất ấy. Chúng ta không biết chính xác miền đất theo địa dư được ngài nói tới, và cũng không thể nói chắc chắn về ngày tháng ngài viết Bức Thư này. Chúng ta thật sự biết rằng Kitô hữu Galata là thành phần dân Celtic xưa, sau bao nhiêu là thăng trầm, đã định cư ở một vùng đất bao rộng mà thủ đô là Ancyra, ngày nay là Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phaolô chỉ nói rằng, vì bị bệnh mà ngài buộc phải ở lại vùng đất ấy (4:13). Thánh Luca, trong cuốn Tông Vụ, lại thấy được một cái gì đó có động lực linh thiêng. Ngài nói rằng "họ đã đi khắp miền Phry'gia và Galatia, vì Thánh Linh không cho phép các vị rao giảng Lời Chúa ở Á Châu" (16:6).

Hai sự kiện này không mâu thuẫn nhau: trái lại, chúng cho thấy rằng con đường truyền bá phúc âm hóa không phải bao giờ cũng tùy thuộc vào ý muốn của chúng ta và vào các dự tính của chúng ta, mà đòi phải sẵn sàng để mình được uốn nắn và theo đuổi những con đường bất ngờ khác. Giữa anh chị em đây, có một gia đình đã chào tôi: họ nói rằng họ đã học tiếng Latvian, và tôi không biết ngôn ngữ nào khác, vì họ sẽ đi truyền giáo ở đất nước đó. Ngày nay Thần Linh tiếp tục làm cho nhiều nhà truyền giáo lìa bỏ quê hương của mình để đến xứ sở khác thực hiện việc truyền giáo của họ. Tuy nhiên, những gì chúng ta thực sự thấy được đó là nơi công cuộc truyền bá phúc âm hóa không biết mỏi mệt của mình, Vị Tông Đồ này đã tiếp tục việc thành lập một số cộng đoàn nhỏ rải rác ở khắp vùng đất Galata. Thánh Phaolô, khi ngài đến một thành phố nào đó, một miền nào đó, đã không kiến thiết liền một đại vương cung thánh đường, không. Ngài đã thiết lập các cộng đoàn nho nhỏ làm men cho nền văn hóa Kitô giáo chúng ta ngày nay. Ngài đã bắt đầu bằng việc thiết lập các cộng đoàn nho nhỏ. Để rồi các cộng đoàn này tăng trưởng, họ tăng trưởng và họ lên đường. Ngày nay nữa, phương pháp mục vụ này được áp dụng ở hết mọi miền truyền giáo. Tuần vừa rồi tôi đã nhận được một bức thu từ một vị thừa sai ở Papua New Guinea, kể cho tôi biết rằng ngài đang rao giảng Phúc Âm ở trong rừng cho dân chúng, thành phần thậm chí không biết đến Chúa Giêsu Kitô là ai. Tuyệt vời! Người ta bắt đầu bằng việc hình thành các cộng đoàn nho nhỏ. Ngay cả hôm nay đây phương pháp truyền bá phúc âm hóa này là phương pháp của công cuộc truyền bá phúc âm hóa đầu tiên.  

Điều chúng ta cần ghi nhận đó là mối quan tâm mục vụ của Thánh Phaolô, những gì thật là nóng bỏng. Sau khi thành lập những Giáo Hội ấy, ngài nhận thấy một mối nguy hiểm cả thể cho việc tăng trưởng đức tin của họ - vị mục tử này giống như một người cha mẹ nhận thấy ngay những nguy hiểm xẩy ra cho con cái của mình. Họ tăng trưởng cùng với các nguy hiểm xuất hiện. Như có người nói: "Những con kền kền giận dữ xuất hiện để tàn phá trong cộng đoàn". Thật vậy, có một số Kitô hữu thuộc Do Thái giáo đã xâm nhập vào những giáo hội ấy, và bắt đầu gieo rắc các thứ lý thuyết phản lại với giáo huấn của Vị Tông Đồ này, đến độ gièm pha phỉ báng ngài. Họ bắt đầu bằng giáo điều - "Phủ nhận cái này, chấp nhận cái kia", rồi họ đã chê bai bôi nhọ Vị Tông Đồ. Đó là thứ phương pháp thông thường, ở chỗ làm suy yếu thẩm quyền của Vị Tông Đồ. Như chúng ta biết, đó là việc thực hiện ngày xưa có những lúc cho mình là sở hữu chủ duy nhất của đức tin, của những gì là nguyên tuyền, và nhắm đến chuyện làm giảm uy tín công việc của người khác, thậm chí bằng cách vu khống. Thành phần đối phương của Thánh Phaolô đã lập luận rằng ngay cả Dân ngoại cũng cần phải được cắt bì và sống theo các qui luật của Luật Moisen. Họ đã trở về với những việc tuân giữ trước đó, những thứ tuân giữ đã từng được thay thể bởi Phúc Âm. Bởi thế, dân Galata cần phải từ bỏ căn tính về văn hóa của họ để thuần phục các qui chuẩn, qui định và tập tục mẫu mực của người Do Thái. Chẳng những thế, thành phần đối phương này còn lập luận rằng Phaolô không phải là tông đồ thật, nên không có thẩm quyền giảng dạy Phúc Âm. Chúng ta hãy nghĩ đến cách thức xẩy ra ở các cộng đồng hay giáo phận Kitô giáo, trước hết là những câu chuyện xẩy ra, sau đó đến chuyện làm mất uy tín vị linh mục hay giám mục. Đó chính là đường lối của tên gian ác, của những ai chia rẽ, những ai không biết xây dựng. Trong Bức Thư cho Giáo đoàn Galata này chúng ta thấy được tiến trình ấy.

Dân Galata rơi vào tình trạng khủng hoảng. Họ đã làm gì? Lắng nghe và theo đuổi những gì Thánh Phaolô đã giảng dạy cho họ, hay nghe theo các tay giảng dạy mới để cáo buộc ngài? Cũng dễ hình dung ra được tình trạng bất ổn tràn ngập lòng họ. Đối với họ, việc nhìn nhận Chúa Giêsu và tin vào công cuộc cứu độ được hoàn tất nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Người, thực sự là khởi đầu của một sự sống mới, một sự sống tự do. Họ đã bắt đầu con đường giúp họ cuối cùng được tự do, bất chấp sự kiện lịch sử của họ bị đan kết với nhiều hình thức nô lệ bạo lực, đặc biệt là những hình thức nô lệ đã bắt họ thuần phục hoàng đế Roma. Bởi thế, trước những phê phán bình phẩm của những tay giảng dạy mới ấy, họ cảm thấy bị bối rối và không biết phải tác hành ra sao: "Ai đúng đây? Phaolô hay là những con người bấy giờ rao giảng những điều mới mẻ? Tôi cần lằng nghe ai đây?" Tóm lại là rất nguy hiểm!

Tình trạng này vẫn còn tồn tại nơi kinh nghiệm của nhiều Kitô hữu ngày nay. Thật vậy, cả ngày nay nữa, không thiếu những kẻ giảng dạy, nhất là qua các phương tiện truyền thông mới mẻ, có thể làm lũng đoạn các cộng đồng. Họ cho mình chẳng những là thành phần chính yếu trong việc loan báo Phúc Âm của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người nơi Chúa Giêsu Tử Giá và Phục Sinh, mà còn nhấn mạnh mình là "những người gìn giữ chân lý" - như họ cho mình là như thế - đối với đường lối hay nhất để làm Kitô hữu. Họ mạnh mẽ khẳng định rằng Kitô giáo đích thực là thứ Kitô giáo họ gắn bó, thường được đồng hóa với những hình thức nào đó trong quá khứ, và việc giải quyết cho các thứ khủng hoảng ngày nay đó là trở về để làm sao đừng làm mất đi những gì là nguyên tuyền của đức tin. Cả ngày nay nữa, như bấy giờ, xẩy ra một khuynh hướng khép mình lại nơi một vài niềm tin có được ở những truyền thống quá khứ. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể nhận ra những con người này? Chẳng hạn, một trong những dấu vết của việc nhận thức này đó là tính cách bất khả uyển chuyển ứng biến. Những loại người này lại cứng ngắc trước giáo huấn của Phúc Âm là những gì làm cho chúng ta được tự do thanh thoát, khiến chúng ta hân hoan. Bao giờ cũng cứng ngắc: các người phải làm thế này, các người phải làm thế kia... Tính chất bất khả uyển chuyển ứng biến là kiểu mẫu của những con người này. Việc tuân theo giáo huấn của Tông Đồ Phaolô trong Bức Thư gửi Giáo đoàn Galata của ngài sẽ giúp chúng ta hiểu được đâu là đường lối cần phải theo. Con đường được vị Tông Đồ này đề cập đến đó là con đường giải phóng và luôn mới mẻ của Chúa Giêsu, Đấng Tử Giá và Phục Sinh; đó là đường lối của việc loan báo rao giảng, một đường lối đạt được nhờ lòng khiêm nhượng và tình huynh đệ - những kẻ giảng dạy mới mẻ không biết đến khiêm tốn là gì, tình huynh đệ là chi. Đó là con đường của lòng tin tưởng hiền lành và dễ dạy - nhưng kẻ rao giảng mới mẻ chẳng biết cả hiền lành lẫn tuân phục. Con đường hiền lành và dễ dạy này dẫn đến niềm tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội ở hết mọi thời đại. Nói cho cùng thì đức tin nơi Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong Giáo Hội là những gì giúp chúng ta tiến bước và sẽ cứu độ chúng ta.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210623_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu