GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô Giáo Lý về Thư Galata - Bài 11: Tự do Kitô giáo, thứ men giải phóng hoàn cầu

 

Thân ái chào anh chị em,

Trong cuộc hành trình giáo lý về Thư Galata, chúng ta đã có thể tập trung vào những gì được Thánh Phaolô coi là cốt lỗi của tự do: đó là ở chỗ, nhờ cái chết và phục sinh của Chúa

Giêsu Kitô, chúng ta đã được giải phong khỏi tình trạng làm tôi cho tội lỗi và chết chóc. Nói cách khác, chúng ta đã được tự do, vì chúng ta đã được giải thoát, được giải thoát bởi ân

sủng - không phải bởi vay trả, mà là đã được giải thoát bởi tình yêu, một tình yêu trở nên thứ luật tối hậu và mới mẻ của đời sống Kitô giáo. Tình yêu: chúng ta được tự do vì chúng ta

đã được giải phóng một cách tự nguyện. Đó thật sự là điểm then chốt.

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến cách thức làm thế nào tính chất mới mẻ của đời sống này hướng chúng ta tới chổ đón nhận hết mọi người và hết mọi nền văn hóa, và đồng thời hướng hết mọi dân tộc và văn hóa đến chỗ được tự do hơn nữa. Thật vậy, Thánh Phaolô nói rằng, đối với những ai theo Chúa Kitô thì không còn vấn đề là Do thái hay dân ngoại nữa. Chỉ có một điều cần đó là "đức tin hoạt động qua đức ái" (Gal 5:6). Hãy tin rằng chúng ta đã được giải thoát, và hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã giải phóng chúng ta: đó là đức tin thể hiện qua đức ái. Thành phần gièm pha phỉ báng Thánh Phaolô - những kẻ cực bảo thủ đã đến đó - tấn công ngài về tính chất mới mẻ này, cho rằng ngài đã có chủ trương ấy theo chiều hướng mục vụ thời cơ, hay đúng hơn là "mị dân", bằng cách giảm thiểu đi những đòi hỏi từ truyền thống tôn giáo có tính cách ngặt nghèo hơn. Thành phần bảo thủ cực đoan ngày nay cũng có cùng một luận điệu như vậy, cho rằng lịch sử bao giờ cũng lập đi lập lại như thế thôi. Như chúng ta có thể thấy, việc phê phán chỉ trích về tính chất mới mẻ của phúc âm này chẳng những ở thời đại chúng ta mà hậu trường của nó đã có cả một lịch sử dài. Tuy nhiên, Thánh Phaolô không chịu câm nín. Ngài đã đáp trả một cách parrhesia - từ ngữ Hy Lạp này có nghĩa là can đảm, mãnh liệt - và ngài nói rằng "lúc này tôi đang tìm kiếm niềm ưu ái của loài người hay của Thiên Chúa đây? Hay là tôi đang cố gắng làm vui lòng con người ta? Nếu tôi vẫn cứ làm hài lòng họ thì tôi không phải là người tôi tớ của Chúa Kitô" (Gal 1:10). Trong Thư Thứ nhất gửi cho giáo đoàn Thessalonica, ngài đã bày tỏ tương tự như thế, đó là trong việc rao giảng của mình, ngài không bao giờ sử dụng "những từ ngữ có tính cách nịnh hót... hay che đậy lòng tham lam; ... cũng chẳng tìm kiếm vinh quang của con người ta" (2:5-6), chúng chỉ là những cách thức "gian trá"; một đức tin không phải là đức tin, mà chỉ là những gì trần tục.

 Thế nhưng, tư tưởng của Thánh Phaolô lại cho thấy một chiều kích sâu xa hứng khởi. Đối với ngài thì việc đón nhận đức tin thì không phải ở chỗ từ bỏ những gì là chính yếu của các nền văn hóa và truyền thống, mà chỉ từ bỏ những gì làm ngăn trở đến tính chất mới mẻ và tinh tuyền của Phúc Âm thôi. Vì tự do đã được cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa chiếm lấy không xung khắc với các nền văn hóa, hay với các truyền thống chúng ta đã lãnh nhận, mà còn mang lại cho chúng một thứ tự do mới, một thứ mới mẻ thanh thoát, thứ mới mẻ của Phúc Âm. Thật vậy, tình trạng được giải thoát nhờ phép rửa giúp chúng ta có thể chiếm được trọn vẹn phẩm giá làm con cái của Thiên Chúa, nhờ đó, trong khi chúng ta vẫn bám chặt lấy những căn gốc văn hóa của mình, thì đồng thời chúng ta hướng bản thân mình đến tính chất hoàn vũ của đức tin, một đức tin hội nhập với hết mọi thứ văn hóa, nhìn nhận sự hiện hữu của những mầm mống của sự thật, và khai triển chúng, làm cho sự thiện hảo nơi chúng trở thành viên trọn. Để chấp nhận chúng ta đã được giải phóng bởi Chúa Kitô - bởi cuộc khổ nạn của Người, bởi cái chết của Người, bởi cuộc phục sinh của Người - đó là chấp nhận và làm cho viên trọn các thứ truyền thống khác nhau của mỗi một dân tộc. Một thứ viên trọn thực sự.

Theo ơn gọi sống tự do, chúng ta khám phá ra ý nghĩa chân thật của vấn đề hội nhập của Phúc Âm. Ý nghĩa thực sự này là gì? Là có thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Cứu Thế bằng việc tôn trọng sự thiện hảo và chân thật hiện hữu nơi các nền văn hóa. Điều này không phải là chuyện dễ! Có nhiều khuynh hướng muốn tìm cách áp đặt mô mẫu sống của bản thân mình như thế nó là những gì tiến hóa nhất và lôi cuốn nhất. Biết bao nhiêu là những lầm lỗi trong lịch sử của hoạt động truyền bá phúc âm hóa, bởi việc tìm cách áp đặt một mô thức văn hóa độc tôn! Hiệp nhất thì được nhưng đồng nhất thì không! Có những lúc sử dụng cả đến bạo lực để tôn vinh một quan điểm nào đó. Hãy nghĩ đến các cuộc chiến tranh. Như thế thì Giáo Hội đã bị hụt hẫng những gì là phong phú từ nhiều cách thức diễn đạt địa phương theo truyền thống văn hóa của cả nhiều dân tộc vẫn sống. Thế nhưng điều này thực sự ngược lại với tự do Kitô giáo! Chẳng hạn, tôi nhớ đến việc tiếp cận tông đồ được Cha Ricci thiết lập ở Trung quốc, hay Cha De Nobili ở Ấn Độ... (có một số đã cho rằng) "Không, đó không phải là Kitô giáo!" Phải, đó là Kitô giáo, nó ở trong văn hóa của dân chúng. 

Tóm lại, nhãn quan của Thánh Phaolô về tự do là những gì hoàn toàn được soi động và sinh hoa trái bởi mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng ở nơi sự kiện nhập thể của mình - như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở - liên kết bản thân mình một cách nào đó với hết mọi người (cf. Pastoral Constitution Gaudium et spes, 22). Có nghĩa là không có vấn đề đồng nhất, mà là vấn đề đa dạng nhưng đa dạng hiệp nhất. Bởi thế, chúng ta có nhiệm vụ phải tôn trọng tính chất nguyên tuyền văn hóa của hết mọi người, bằng cách cống hiến cho chúng những gì là tự do không bị giới hạn bởi bất cứ áp đặt nào độc đoán từ một thứ văn hóa thống lãnh độc tôn. Đó là ý nghĩa của việc gọi mình là Công giáo, của việc nói về Giáo Hội Công giáo. Giáo Hội không phải là một giáo phái có tính cách xã hội học trong việc phân biệt mình khỏi các Kitô hữu khác; Công giáo là một tĩnh từ có nghĩa là phổ cập phổ thông: tính chất công giáo, tính chất toàn cầu. Giáo Hội hoàn vũ, tức Công giáo, nghĩa là Giáo Hội chất chứa nơi bản thân minh, nơi chính bản tính của mình, tính cách cởi mở với tất cả mọi dân nước và mọi nền văn hóa ở mọi thời điểm, vì Chúa Kitô đã được sinh ra, chết đi và sống lại cho hết mọi người.

Ngoài ra, văn hóa, tự bản chất của nó, có tính cách biến đổi liên tục. Không biết có ai nghĩ đến cách thức chúng ta được kêu gọi để làm sao loan báo Phúc Âm trong thời điểm lịch sử đầy những thay đổi về văn hóa này, thời điểm dường như đang bị thống lãnh bởi kỹ thật tân tiến hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta cần phải nói về đức tin như chúng ta đã nói ở các thế kỷ trước đây, chúng ta sẽ có nguy cơ không giúp cho các thế hệ mới hiểu biết. Tình trạng tự do của đức tin Kitô giáo - tự do Kitô giáo - không phải là một thứ nhãn quan tĩnh lặng về đời sống và văn hóa, mà là một nhãn quan năng động, và là một nhãn quan năng động ngay cả nơi truyền thống. Truyền thống tăng trưởng, nhưng bao giờ cũng vẫn giữa nguyên bản chất của mình. Bởi thế, chúng ta đừng cho rằng chúng ta chiếm hữu tự do. Chúng ta đã lãnh nhận một tặng ân cần phải được chăm sóc. Trái lại, đó là thứ tự do muốn mỗi người chúng ta phải liên lỉ tiến bước, hướng tới tầm mức viên trọn của nó. Đó là điều kiện cho thành phần hành trình; nó là trạng thái của những kẻ lữ khách, liên tục xuất hành, ở chỗ, được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ để tiến tới tầm vóc viên trọn của tự do. Đó là một đại hồng ân Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ một cách tự do, và đã đưa chúng ta vào con đường tiến bước trong tình trạng hoàn toàn tự do.

 

 https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20211013_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu