GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 13- Hoa Trái của Thần Linh

 

 

Thân ái chào anh chị em,

Việc rao giảng của Thánh Phaolô hoàn toàn tập trung vào Chúa Giêsu và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Thật vậy, Vị Tông đồ này cho thấy mình là chứng nhân của Chúa Kitô, một Chúa Kitô bị đóng đanh (cf 1Cor 2:2). Ngài đã nhắc nhở Kitô hữu Galata, bấy giờ đang bị cám dỗ đặt tính chất tôn giáo của mình trên việc tuân giữ các luật phép và truyền thống, rằng tâm điểm của ơn cứu độ và đức tin là cái chết và phục sinh của Chúa. Ngài làm như vậy bằng cách nêu lên cho họ thấy thực tại về thập giá của Chúa Giêsu. Ngài đã viết như thế này: "Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?" Ai đã mê hoặc anh em để anh em lìa bỏ Chúa Kitô Bị Đóng Đanh chứ? Thật là một thời khắc ghê sợ đối với các Kitô hữu Galata...

Ngày nay, có nhiều người vẫn còn tìm kiếm tính chất an toàn về tôn giáo hơn là vị Thiên Chúa hằng sống đích thực, bằng việc tập trung vào các nghi thức và luật phép thay vì hết mình gắn bó với tình yêu của Thiên Chúa. Không phải đó là khuynh hướng của những thành phần tân bảo thủ cực đoan hay sao? Họ là thành phần dường như sợ thực hiện những gì là tiến bộ, và là những con người thoái bộ bởi họ cảm thấy an toàn hơn, ở chỗ, họ tìm kiếm sự an toàn của Thiên Chúa chứ không phải tìm kiếm vị Thiên Chúa của sự an toàn nơi chúng ta... Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô đã xin Kitô hữu Galata hãy trở về với những gì là thiết yếu - trở lại với Thiên Chúa, với cái thiết yếu, chứ không phải với những gì là an toàn của Thiên Chúa: trở về với những gì là thiết yếu - với vị Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta sự sống nơi Chúa Kitô tử giá. Ngài đã chứng thực điều này nơi chính bản thân mình: "Tôi đã bị đóng đanh với Chúa Kitô; không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gal 2:20). Ở cuối thư, ngài đã khẳng định rằng: "Tôi chẳng còn hãnh diện về điều gì hết, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!" (6:14)

Trong trường hợp chúng ta bị mất đi cái lõi của đời sống thiêng liêng, trường hợp có cả ngàn vấn đề và ý nghĩ tấn công chúng ta, chúng ta hãy nghe lời khuyên của Thánh Phaolô là chúng ta hãy đặt mình trước Chúa Kitô Tử Giá, chúng ta hãy bắt đầu lại từ Người. Chúng ta hãy cầm lấy Tượng Chuộc Tội trong tay, áp sát vào lòng mình. Hay chúng ta thậm chí còn bỏ giờ ra tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể là Tấm Bánh đã được bẻ ra cho chúng ta, Đấng Tử Giá, Đấng Phục Sinh, quyền năng của Thiên Chúa là Đấng tuôn đổ vào lòng chúng ta tình yêu thương của Ngài.

Giờ đây, vẫn được Thánh Phaolô dẫn dắt, chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta hãy tự vấn xem khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Tử Giá trong nguyện cầu thì điều gì đã xẩy ra? Một điều tương tự đã xẩy ra dưới thập giá đó là Chúa Giêsu đã trút Thần Linh của Người (cf Jn 19:30), tức là Người cống hiến sự sống của Người. Và vị Thần Linh xuất phát từ Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu là nguồn mạch của đời sống thiêng liêng. Ngài thay đổi các cõi lòng chứ không phải các việc làm của chúng ta. Ngài là Đấng đổi thay cõi lòng, chứ không phải là sự vật chúng ta làm, và tác động của Thánh Linh ở trong chúng ta làm thay lòng đổi dạ chúng ta! Ngài hướng dẫn Giáo Hội và chúng ta được kêu gọi tuân theo tác động của Ngài, Đấng thổi đâu thì thổi. Hơn nữa, chính nhận thức rằng Thánh Linh đã ngự xuống trên hết mọi người, và ân sủng của Ngài đang tác động không loại trừ bất cứ một ai, đã thuyết phục được cả những gì là lưỡng lự do dự của các Tông đồ, vì Phúc Âm nhắm đến hết mọi người chứ không phải cho một ít ưu tiên nào đó. Những ai tìm kiếm an toàn, một nhóm nhỏ, thì rõ ràng là họ bị thoái bộ, họ sống "như xưa kia", họ tách mình khỏi Thần Linh, họ không cho phép Thần Linh được tự do xẩy ra nơi họ. Vậy, sự sống của cộng đồng này được tái sinh trong Thánh Linh; và bao giờ cũng nhờ Ngài mà chúng ta nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu của chúng ta, và tiếp tục xông pha trong trận chiến thiêng liêng của chúng ta.

Trận chiến thiêng liêng này cũng chính là một giáo huấn quan trọng khác trong Thư Galata. Vị Tông đồ này cho thấy hai thứ đối đầu: một bên là "các việc làm của xác thịt", và bên kia là "hoa trái của Thần Linh". Đâu là các việc làm của xác thịt? Chúng là những hành vi phản lại với Thần Linh Chúa. Vị Tông đồ này gọi chúng là công việc của xác thịt, không phải vì có một cái gì đó sai trái hay xấu xa về thân thể con người. Trái lại, chúng ta đã thấy ngài nhấn mạnh biết bao đến thực tại của xác thịt con người được Chúa Giêsu đưa đến thập giá! Xác thịt là chữ ám chỉ chiều kích trần thế của con người, chỉ biết sống theo chiều ngang hiện hữu, theo đuổi những bản năng trần tục và khép kín trước Vị Thần Linh, Đấng nâng chúng ta lên và hướng chúng ta về Thiên Chúa cũng như về người khác. Thế nhưng, xác thịt cũng nhắc nhở chúng ta rằng hết mọi sự đều trở thành cũ kỹ, tất cả đều qua đi, đều tàn tạ, trong khi Thần Linh lại ban sự sống. Bởi thế, Thánh Phaolô đã liệt kê các việc làm của xác thịt, liên quan đến việc sử dụng vị kỷ tính dục, đến những việc ma thuật có liên hệ tới vấn đề ngẫu tượng, cũng như đến tất cả những gì làm hại đến những mối liên hệ liên cá thể, như "hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ..." (cf. Gal 5:19-21): tất cả những điều này - chúng ta có thể nói như vầy - là sự thật về xác thịt, về hành vi thuần "con người", con người bệnh hoạn. Vì tình trạng làm người có những giá trị của nó, nhưng đây là thứ ngưòi bệnh hoạn.

Trái lại, hoa trái của Thần Linh là "yêu thương / love, hoan lạc / joy, bình an / peace, nhẫn nại / patience, nhân hậu / kindness, quảng đại / generosity, trung tín / faithfulness, hiền hoà / gentleness và tự chủ / self-control" (Gal 5:22-23), như Thánh Phaolô nói. Kitô hữu, thành phần nơi phép rửa đã "mặc lấy Chúa Kitô" (Gal 3:27), được kêu gọi sống như thế. Một hành động linh thao tốt lành có thể thực hiện, chẳng hạn như đọc bản liệt kê của Thánh Phaolô, mà nhìn lại hành vi của chúng ta xem chúng có tương hợp hay chăng, nếu chúng ta thực sự sống theo Thánh Linh, nếu chúng ta sinh ra được những hoa trái này. Đời sống của tôi có sinh ra những hoa trái này hay chăng: "yêu thương / love, hoan lạc / joy, bình an / peace, nhẫn nại / patience, nhân hậu / kindness, quảng đại / generosity, trung tín / faithfulness, hiền hoà / gentleness và tự chủ / self-control"? Phải chăng chính vị Thần Linh là Đấng cống hiến? Chẳng hạn, ba hoa trái đầu tiên là bác ái, hoan lạc và bình an, ở chỗ một người được Thánh Linh ngự có thể được nhận biết ở nơi những đặc tính ấy. Một con người sống bình an là con người hoan lạc và yêu thương. Thần Linh được thấy ở nơi 3 đặc tính ấy.

Giáo huấn của vị Tông đồ này cũng thách thức cả các cộng đồng của chúng ta nữa. Đôi khi, những ai tiến đến với Giáo Hội cảm thấy rằng họ đang phải đương đầu với một loạt dầy cộm các thứ qui luật và qui định: thế nhưng, đó không phải là Giáo Hội! Nó có thể là một hiệp hội nào đó thôi. Thế nhưng, thực sự thì vẻ đẹp của đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô không thể nào bị nắm bắt dựa vào quá nhiều giới luật, hay vào một nhãn quan luân lý được phát triển ở nhiều tầng lớp, có thể làm cho chúng ta quên mất tính chất phong phú của tình yêu được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện làm phát sinh ra chứng từ an bình và hoan lạc. Cũng thế, sự sống của Thần Linh, được thể hiện nơi các Bí Tích, không thể nào bị dập tắt bởi một thứ quan liêu ngăn chặn việc tiếp cận với ân sủng Thần Linh, vị khơi động lòng hoán cải. Biết bao nhiêu lần chính chúng ta, thành phần linh mục hay giám mục, theo đuổi quá nhiều là quan liêu trong việc ban phát bí tích, trong việc đón nhận dân chúng, đến độ dân chúng nói rằng: "Không, tôi không thích như vậy", rồi họ không làm, và nhiều lần họ không thấy ở nơi chúng ta quyền năng Thần Linh là Đấng tái sinh, Đấng làm cho mọi người nên mới mẻ. Bởi thế chúng ta phải chịu trách nhiệm nặng nề trong việc loan báo Chúa Kitô tử giá và phục sinh, một việc loan báo được làm bừng lên bởi hơi thở của Vị Thần Linh yêu thương. Chính duy có Tình Yêu này mới có được quyền lực thu hút và thay đổi lòng người. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20211027_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu