GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

25/4: ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Lạy Nữ Vương cho Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B

 

Pope during his Regina Coeli prayer

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Vào Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh này, được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bài Phúc Âm (Jn 10:11-18) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là vị mục tử thực sự, Đấng bênh vực, nhận biết yêu thương chiên của mình.

"Kẻ chăn thuê" thì ngược lại với Vị Mục Tử Nhân Lành này, thành phần không chăm sóc cho chiên, vì chúng không phải là chiên của họ. Hắn làm việc chỉ để lĩnh lương và chẳng quan tâm gì đến việc bênh vực chiên, ở chỗ, khi sói đến hắn liền tẩu thoát, bỏ mặc chiên (vv 12-13). Trái lại, là vị mục tử chân thực, Chúa Giêsu hằng bênh vực chúng ta và cứu chúng ta khỏi rất nhiều tình trạng khó khăn, tình trạng nguy hiểm bằng ánh sáng lời của Người, cũng như bằng sức mạnh của việc Người hiện diện mà chúng ta luôn cảm thấy, nếu chúng ta hằng ngày biết lắng nghe.

Khía cạnh thứ hai đó là Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, nhận biết - nếu khía cạnh thứ nhất là Người bênh vực thì khía cạnh thứ hai đó là Người nhận biết chiên của Người (v.14). Thật là tuyệt vời và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu nhận biết chúng ta từng người một, rằng chúng ta không phải là những gì vô danh đối với Người, rằng tên gọi của chúng ta được Người biết đến! Không, đối với Người, chúng ta không phải là "một đống", "một đám đông". Chúng ta là những cá thể độc đáo, mỗi người đều có chuyện đời riêng biệt, Người biết đến chuyện đời riêng tư của chúng ta, từng người theo giá trị của họ, vì họ chẳng những đã được dựng nên mà còn được Chúa Kitô cứu chuộc nữa. Mỗi người chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu nhận biết tôi! Từng người chúng ta đều có thể nói rằng Chúa Giêsu nhận biết tôi! Đúng là như thế đó: Người biết chúng ta không giống ai khác. Chỉ duy một mình Người mới biết được những gì ở trong lòng của chúng ta, những ý định của chúng ta, những cảm thức sâu kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết những ưu điểm cùng với các yếu điểm của chúng ta, và lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc cho chúng ta, chữa lành các vết thương lầm lỗi của chúng ta bằng lòng thương xót chan chứa của Người. Nơi Người hoàn toàn ứng nghiệm hình ảnh được các vị tiên tri cống hiến về vị mục tử của dân Chúa, ở chỗ, Chúa Giêsu quan tâm đến chiên của Người, Người qui tụ chúng lại, Người băng bó các thương tích của chúng, Người chữa lành các thứ yếu bệnh của chúng. Chúng ta có thể đọc thấy các điều ấy trong Sách Tiên Tri Êzekiên (34:11-16).

Bởi thế, Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu bênh vực, nhận biết, nhất là yêu thương chiên của Người. Đó là lý do tại sao Người hiến mạng sống của Người cho chúng (Jn 10:15). Tình yêu thương chiên của mình, yêu thương từng người chúng ta, là những gì đưa Người đến chỗ chết trên thập tự giá. Vì đó là ý muốn của Chúa Cha - ở chỗ không một ai phải bị hư mất. Tình yêu thương của Chúa Giêsu không phải là thứ tình yêu chọn lựa; tình yêu này bao gồm hết tất cả mọi người. Chính Bản Thân Người nhắc nhở chúng ta về điều này ở bài Phúc Âm hôm nay, khi Người nói rằng: "Tôi còn chiên khác nữa, chưa thuộc về đàn này; Tôi cần phải mang chúng về nữa, và chúng sẽ nghe tiếng của Tôi. Để rồi sẽ chỉ có một đàn chiên, một chủ chiên" (10:16). Những lời này chứng thực về mối quan tâm đại đồng của Người: Người là vị mục tử của hết mọi người. Chúa Giêsu muốn hết mọi người đều có thể nhận được tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.

Giáo Hội được kêu gọi thực hiện sứ vụ này của Chúa Kitô. Ngoài những ai tham phần vào các cộng đồng của chúng ta, còn đa số, còn nhiều người, nhận được tình yêu thương của Chúa Cha và gặp được Thiên Chúa chỉ ở một thời điểm đặc biệt nào đó hay chẳng bao giờ xẩy ra. Thế nhưng điều này không ám chỉ họ không phải là con cái của Thiên Chúa, ở chỗ, Chúa Cha đã trao phó hết mọi người cho Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu, và Người đã hiến mạng sống của Người cho hết mọi người.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu bênh vực, nhận biếtyêu thương chúng ta. Xin Mẹ Marai Rất Thánh giúp chúng ta là người đầu tiên đón nhận và đi theo Vị Chủ Chiên Nhân Lành này, tham dự vào niềm vui với sứ vụ của Người.

(Sau Kinh Lạy Nữ Vương, là vị mục tử của Giáo Hội Công giáo, vị giáo hoàng thương xót Phanxicô cũng đã tỏ ra "mối quan tâm đại đồng của ngài vế việc lên tiếng "bênh vực, nhận biết và yêu thương" nhất là đối với các nạn nhân thời cuộc hiện nay, bao gồm cả những gì liên quan đến chính Chúa Nhật hôm nay, như sau:)

Anh chị em thân mến,

.....

Tôi cũng cận kề với các nạn nhân của vụ hỏa hoạn xẩy ra tại nhà thương chăm sóc cho các bệnh nhân Covid ở Baghdad (Iraq). Cho tới nay đã có 82 người bị thiệt mạng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả họ.

Tôi thú thật là tôi cực kỳ buồn đau về thảm nạn đã xẩy ra một lần nữa ở Địa Trung Hải. Có 130 di dân đã bị chết trên biển cả. Họ là người. Họ là những con người đã kêu cứu vô cọng suốt hai ngày liền - mà chẳng được ai cứu giúp hết. Anh chị em ơi, tất cả chúng ta hãy tự vấn mình về thảm nạn xẩy ra không biết bao nhiêu lần rồi. Đó là một giây phút hổ thẹn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người anh chị em này, cũng như cho tất cả những ai đang tiếp tục bị chết đi ở những cuộc vượt thoát thê thảm ấy. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai có thể giúp đáp nhưng lại muốn nhìn đi chỗ khác. Chúng ta hãy âm thầm cầu nguyện cho họ...

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi, với đề tài là Thánh Giuse: Giấc Mơ về Ơn Gọi. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa để Người tiếp tục làm gia tăng trong Giáo Hội những con người, vì kính mến Người, hiến mình cho việc loan báo Phúc Âm cùng việc phục vụ anh chị em của mình. Đặc biệt là ngày hôm nay, chúng ta hãy dâng lời tri ân cảm tạ cho 9 vị linh mục tôi đã truyền chức sớm mai trong Đền Thờ Thánh Phêrô - tôi không biết có họ ở đây hay chăng - và chúng ta hãy xin Chúa sai các thợ gặt tốt lành đến làm vườn nho của Người, và xin Người gia tăng ơn gọi cho đời sống thánh hiến.

..... 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_regina-caeli_20210425.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu