GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 1 Mùa Chay

 

Pope Francis at the Sunday Angelus

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Thứ Tư vừa rồi, với nghi thức tro bụi thống hối, chúng ta đã bắt đầu hành trình Mùa Chay của chúng ta. Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất của mùa phụng vụ này, Lời Chúa tỏ cho chúng ta thấy đường lối để sống 40 ngày tốt đẹp dẫn đến cuộc cử hành Lễ Phục Sinh hằng năm. Đó là đường lối Chúa Giêsu đã đi qua, một đường lối được Phúc Âm, theo kiểu cách đúng là của Thánh ký Marco, tóm gọn rằng trước khi Người bắt đầu rao giảng thì Người đã rút lui vào sa mạc 40 ngày, nơi Người đã bị ma quỉ cám dỗ (1:12-15). Vị thánh ký này nhấn mạnh rằng "vị Thần Linh - Chúa Thánh Thần - liền đem Người vào hoang địa" (v.12). Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Người ngay sau khi Người lãnh nhận phép rửa bởi Tiền Hô Gioan ở Sông Jordan; cũng vị Thần Linh này bấy giờ đã thúc đẩy Người vào sa mạc, để đối diện với Tên Cám Dỗ, để chiến đấu với ma quỉ. Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu được đánh dấu Thần Linh Chúa, Đấng sinh động, tác động và hướng động Người.

Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ về sa mạc. Chúng ta hãy dừng lại một chút trước cái môi trường tự nhiên và biểu hiệu rất quan trọng này ở trong Thánh Kinh. Sa mạc là nơi Thiên Chúa nói với cõi lòng của con người, và là nơi con người đáp ứng bằng việc cầu nguyện, tức là ở nơi sa mạc của cõi cô tịch ấy, mà cõi lòng xa lìa khỏi các sự vật khác, và chỉ ở cô tịch ấy cõi lòng mới cởi mở trước Lời Chúa. Thế nhưng sa mạc đồng thời cũng là nơi của thử thách và cám dỗ, nơi Tên Cám Dỗ, lợi dụng tính chất yếu hèn cùng với các nhu cầu của con người, xui bẩy tiếng nói gian trá của hắn, như là một phương thức khác của Thiên Chúa, một tiếng nói khác làm cho anh chị em thấy được một con đường khác, một con đường dối trá khác. Tên Cám Dỗ này lên tiếng dụ dỗ. Thật vậy, trong 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc, câu chuyện "tay đôi" giữa Chúa Giêsu và ma quỉ đã bắt đầu, một câu chuyện sẽ được kết thúc bằng cuộc Khổ Nạn và Thập Giá. Toàn thể thừa tác vụ của Chúa Kitô là một cuộc đối chọi với Tên Gian Ác ở nhiều biểu lộ của thừa tác vụ này, như ở việc chữa lành các thứ bệnh nạn tật nguyền, ở việc khu trừ ma quỉ nơi các kẻ bị ám, ở việc tha thứ tội lỗi. Nó là một cuộc đối chọi. Sau đoạn đầu được Chúa Giêsu cho thấy rằng Người nói năng và tác hành theo quyền năng của Thiên Chúa lần này, thì ma quỉ dường như lấn lướt, ở những lúc Người Con Thiên Chúa này bị hất hủi, bị loại trừ và cuối cùng bị bắt rồi bị lên án tử. Người đã chiến thắng ma quỉ, dường như thế. Dường như Người là tay thắng cuộc. Thật vậy, cái chết là thứ "sa mạc" cuối cùng cần phải băng qua để cuối cùng đánh bại Satan và giải thoát tất cả chúng ta khỏi quyền lực của hắn. Như thế, Chúa Giêsu đã chiến thắng nơi sa mạc tử thần, để chiến thắng bằng cuộc Phục Sinh.

Hằng năm, vào đầu Mùa Chay, bài Phúc Âm về các chước cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc nhắc nhở chúng ta rằng đời sống của Kitô hữu, theo chân Chúa, là một cuộc chiến đấu chống lại thần dữ. Bài Phúc Âm này cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu sẵn sàng đối đầu với tên Cám Dỗ và đã đánh bại hắn; bài Phúc Âm ấy cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng ma quỉ được phép tác động trên cả chúng ta bằng các chước cám dỗ của hắn. Chúng ta cần phải nhận thức được sự hiện diện của kẻ thù tinh quái này, một kẻ thù tìm cách làm cho chúng ta hư đi đời đời, làm cho chúng ta sa ngã, và chúng ta cần phải sẵn sàng tự vệ đối với hắn cùng chiến đấu với hắn. Ơn Chúa bảo đảm cuộc chiến thắng của chúng ta trên kẻ thù này, bằng việc chúng ta tin tưởng, cầu nguyện và thống hối. Thế nhưng, tôi muốn nhấn mạnh đến một điều, đó là, trong các chước cám dỗ, Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỉ, không bao giờ. Trong cuộc sống của mình, Chúa Giêsu không bao giờ trao đổi với ma quỉ, chẳng có bao giờ. Một là Người khu trừ chúng khỏi những ai bị chúng ám, hay Người lên án hắn, hoặc Người tỏ cho thấy cái hiểm độc của hắn, nhưng không bao giờ nói chuyện với hắn. Trong sa mạc dường như đã xẩy ra chuyện đối thoại, vì ma quỉ thực hiện ba dự án của hắn và Chúa Giêsu đã phản ứng. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không đối đáp bằng ngôn từ. Người trả lời bằng Lời Chúa, với 3 câu Thánh kinh. Về điều này thì đối với tất cả chúng ta cũng thế. Khi tên cám dỗ tiến tới thì hắn bắt đầu dụ dỗ chúng ta rằng: "Này hãy nghĩ thế này, hãy làm thế kia...", chước cám dỗ ấy là để chúng ta đối thoại với hắn, như Evà đã làm. Evà đã nói: "Thế nhưng ngươi không thể nói thế được, bởi chúng tôi...", và đã lên tiếng trao đổi. Nếu chúng ta trao đổi với ma quỉ chúng ta sẽ bị đánh bại. Xin nhớ như thế trong lòng trong trí của anh chị em nhé: anh chị em đừng bao giờ đối thoại với ma quỉ, không thể nào trao đổi với ma quỉ nhé. Chỉ Lời Chúa thôi.

Trong Mùa Chay này, Chúa Thánh Thần cũng thúc đẩy cả chúng ta nữa vào sa mạc, như Ngài đã làm nơi Chúa Giêsu. Như chúng ta đã biết, đó không phải là một nơi chốn về thể ký, mà là một chiều kích hiện hữu giúp chúng ta có thể thinh lặng và lắng nghe lời Chúa, "để chúng ta có được một cuộc hoán cải thực sự" (Collect, First Sunday of Lent, B, translated from the Italian). Đừng sợ sa mạc, hãy tìm kiếm những giây phút cầu nguyện hơn nữa, những giây phút thinh lặng để đi sâu vào bản thân mình. Đừng sợ. Chúng ta được kêu gọi bước theo chân của Thiên Chúa, bằng việc lập lại những lời hứa Rửa Tội của chúng ta, ở chỗ từ bỏ Satan cùng với tất cả các việc làm của hắn cũng như tất cả các thứ hứa hẹn hão huyền của hắn. Hãy ý tứ, tên kẻ thù này đang rình rập ẩn nấp. Nhưng đừng bao giờ trao đổi với hắn. Chúng ta hãy phó mình cho lời chuyển cầu từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210221.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu