GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B

 

Pope Francis leads the Angelus prayer on Sunday

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước mặt ba môn đệ của Người (cf Mk 9:2-10). Trước đó ít lâu, Chúa Giêsu đã loan báo rằng Người sẽ chịu nhiều đau khổ, bị ruồng bỏ và bị giết chết ở Giêrusalem. Chúng ta có thể tượng tượng thấy những gì bấy giờ cần phải xẩy ra trong tâm can của thành phần bạn hữu của Người, những người bạn thân thiết, những người môn đệ này của Người, ở chỗ, hình ảnh của một Đấng Thiên Sai quyền năng và vinh thắng bị đảo lộn, khiến các mộng ước của họ tan biến mất, và họ cảm thấy một nỗi thảm sầu, khi nghĩ đến lúc Vị Thày mà họ tin tưởng sẽ bị giết chết như một tên đệ nhất gian ác. Chính vào lúc ấy, lúc tâm hồn tràn ngập thảm sầu như vậy mà Chúa Giêsu đã kêu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan để đưa các vị lên núi với Người.

Phúc Âm viết: "Người đã đưa họ lên núi" (v.2). Trong Thánh Kinh, núi bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt: nó là một nơi cao, nơi trời đất giao chạm, nơi Moisen và các tiên  tri đã có được cảm nghiệm phi thường trong việc gặp gỡ Thiên Chúa. Việc leo núi là để đến gần với Thiên Chúa hơn. Chúa Giêsu lên đỉnh núi với 3 người môn đệ và các ngài dừng lại ở đỉnh ngọn núi ấy. Ở đây Người đã biến hình trước mặt các vị. Dung nhan của Người rạng ngời và áo của Người tỏa sáng, những gì ngưỡng vọng về hình ảnh của Đấng Phục Sinh, cống hiến cho những con người bị khiếp sợ ấy thứ ánh sáng, thứ ánh sáng của niềm hy vọng, thứ ánh sáng để vượt qua tối tăm: cái chết không phải là những gì kết thúc hết mọi sự, vì nó sẽ mở ra cho vinh quang Phục Sinh. Bởi thế, Chúa Giêsu loan báo về cái chết của Người, mang các vị lên núi và tỏ cho các vị thấy những gì sẽ xẩy ra sau đó là việc Phục Sinh.

Khi tông đồ Phêrô hô lên (v.5) thật là tuyệt khi được ở với Chúa trên núi này là ngài cảm thấy được "nỗi ngưỡng vọng" ánh sáng này ở tâm điểm của Mùa Chay. Nó là một lời mời gọi hãy nhắc nhở bản thân mình, nhất là khi chúng ta trải qua một cơn thử thách khó khăn nào đó - và nhiều người trong anh chị em nếm được những gì khi trải qua một cuộc thử thách khó khăn - rằng Chúa đã phục sinh và không để cho tối tăm có quyền định đoạt cuối cùng.

Đôi khi xẩy ra những lúc tối tăm nơi đời sống riêng tư, gia đình hay xã hội, cùng với nỗi sợ hãi rằng không làm sao có thể thoát được. Chúng ta cảm thấy kinh hoàng trước những bí ẩn của yếu đau bệnh hoạn, của nỗi đớn đau vô tội hay mầu nhiệm chết chóc. Trên cùng một hành trình đức tin này, chúng ta thường vấp ngã khi đụng chạm với thập giá tai hại và những đòi hỏi của Phúc Âm, xin chúng ta sống đời dấn thân phục vụ và hy sinh vì yêu thương, thay vì giữ lấy nó cho bản thân chúng ta và bao vệ nó. Bởi thế, chúng ta cần đến một cái nhìn khác, một ánh sáng soi chiếu mầu nhiệm sâu thẳm của cuộc đời và giúp chúng ta vượt qua những dự tính của chúng ta cùng với những qui chuẩn của thế giới này. Chúng ta cũng được kêu gọi leo núi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đấng Phục Sinh, Đấng thắp lên những tia sáng le lói nơi hết mọi góc cạnh của cuộc đời chúng ta, và giúp chúng ta dẫn giải lịch sử bắt đầu bằng chiến thắng vượt qua của Người.

Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận, ở chỗ, cái cảm giác của tông đồ Phêrô "chúng con được ở đây thì tốt quá" không được trở thành tâm trạng lười biếng thiêng liêng. Chúng ta không thể nào ở trên núi để hoan hưởng về đẹp của cuộc gặp gỡ này một mình, chính Chúa Giêsu đưa chúng ta trở lại đồng bằng, giữa anh chị em của chúng ta và đi vào cuộc sống thường nhật. Chúng ta cần phải nhận thức về tâm trạng lười biếng thiêng liêng này: chúng tôi tốt rồi, chúng tôi cầu nguyện và tham dự phụng vụ, chúng tôi chỉ cần có thế là đủ. Không! Việc lên núi không phải là để quên thực tại; việc cầu nguyện không bao giờ mang ý nghĩa tránh lánh những khốn khó trong cuộc đời; ánh sáng đức tin không nhắm đến chỗ cung cấp những cảm giác thiêng liêng mỹ miều. Không, đó không phải là sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúng ta được kêu gọi cảm nghiệm cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, để rồi, được ánh sáng của Người chiếu soi, chúng ta có thể nhận được ánh sáng này mà tỏa sáng khắp nơi. Hãy thắp lên những tia sáng trong lòng người; hãy là những ngọn đèn nho nhỏ của Phúc Âm chiếu soi một chút yêu thương và hy vọng nào đó: đấy là sứ vụ của người Kitô hữu.

Chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria Rất Thánh, xin Mẹ giúp chúng ta biết chiêm ngưỡng đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô, biết bảo toàn ánh sáng ấy và biết tỏa chiếu ánh sáng ấy ra.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210228.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu