GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin cho Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Hôm nay, ở Ý và ở các xứ sớ khác cử hành Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Bài Phúc Âm cho chúng ta thấy câu chuyện về Bữa Tiệc Ly (Mk 14: 12-16.22-26). Những lời nói và cử chỉ của Chúa là những gì tác động đến lòng của chúng ta: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: "Các con hãy nhận lấy, này là mình Thày" (câu 22).

Như thế, chính Chúa Giêsu ban cho chúng ta bí tích cao trọng nhất này một cách giản dị. Cử chỉ của Người là một cử chỉ tặng ban khiêm hạ, là một cử chỉ chia sẻ. Ở tột đỉnh đời mình, Người không phân phát đầy những bánh để nuôi đám đông, mà là bẻ chính bản thân Người ở bữa Vượt Qua với các môn đệ. Nơi cử chỉ này, Chúa Giêsu chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng đích nhắm của đời sống là ở chỗ ban tặng bản thân mình, điều cao cả nhất đó là phục vụ. Hôm nay chúng ta thấy được sự cao cả của Thiên Chúa ở nơi một miếng Bánh, ở một thứ mỏng dòn mềm yếu tràn đầy những gì là yêu thương, tràn đầy những gì là chia sẻ. Tôi muốn nhấn mạnh chữ mỏng dòn mềm yếu này. Chúa Giêsu trở thành mỏng dòn mềm yếu như miếng bánh bẻ ra và vụn vặt. Thế nhưng sức mạnh lại nắm ngay ở đó, ở tính chất mỏng dòn mềm yếu của mình. Nơi Thánh Thể, mỏng dòn mềm yếu là sức mạnh: sức mạnh của tình yêu trở thành nhỏ bé để được chấp nhận mà không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu thương được bẻ ra và phân chia để nuôi dưỡng cùng ban sự sống; sức mạnh của tình yêu trở thành những mảnh nhỏ để hiệp nhất tất cả chúng ta lại với nhau.

Cũng có một thứ sức mạnh khác xuất phát từ tính chất mỏng dòn mềm yếu của Thánh Thể, đó là sức mạnh để yêu thương những ai lầm lỗi. Chính vào đêm Người bị phản bội mà Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta Bánh sự sống này. Người ban cho chúng ta tặng ân cao cả nhất khi Người cảm thấy cái vực thẳm sâu nhất trong cõi lòng của Người, đó là người môn đệ ăn uống với Người, nhúng miếng bánh vào cùng một đĩa của Người, lại đang phản bội Người. Phản bội là nỗi đớn đau nhất đối với những ai yêu thương. Vậy Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài phản ứng lại sự dữ bằng sự thiện cao cả hơn thế nữa. Người đã đáp lại cái 'không' của Giuđa bằng cái 'có' của lòng xót thương. Người không trừng phạt tội nhân, mà là cống hiến sự sống của mình cho họ, mà là cầu nguyện cho họ. Khi chúng ta đón lấy Thánh Thể thì Chúa Giêsu cũng làm y như thế, ở chỗ, Người biết chúng ta, Người biết chúng ta là thành phần tội nhân, Người biết chúng ta rất sai trái, nhưng Người vẫn không thôi liên kết sự sống của Người với sự sống của chúng ta. Người biết chúng ta cần nó, vì Thánh Thể không phải là phần thưởng cho các vị thánh, không, mà là Thứ Bánh của các tội nhân. Đó là lý do tại sao Người đã huấn dụ chúng ta rằng: "Đừng sợ! Các con hãy nhận lấy mà ăn".

Mỗi lần chúng ta lãnh nhận Bánh sự sống này, Chúa Giêsu đến với chúng ta để cống hiến cho những gì là mỏng dòn mềm yếu của chúng ta một ý nghĩa mới. Người nhắc nhở chúng ta rằng trước nhan của Người chúng ta còn quí báu hơn là những gì chúng ta nghĩ nữa. Người nói với chúng ta rằng Người cảm thấy vui sướng khi chúng ta biết chia sẻ những gì là mỏng dòn mềm yếu của chúng ta với Người. Người lập lại với chúng ta rằng lòng thương xót của Người không sợ những gì là khốn nạn của chúng ta. Lòng thương xót của Chúa Giêsu không sợ hãi những gì là khốn nạn của chúng ta. Trên hết mọi sự, lòng thương xót của Người ưu ái chữa lành chúng ta cho khỏi những gì là mong manh chúng ta không thể tự chữa lành cho bản thân mình. Những mong manh nào vậy? Chúng ta nghĩ xem. Cái mong manh của cảm giác phẫn uất đối với những ai phạm đến chúng ta - mà tự mình chúng ta không thể chữa lành được -; cái mong manh muốn tách mình khỏi những người khác và cô lập hóa bản thân mình - mà tự bản thân chúng ta không thể chữa lành -; cái mong manh khóc lóc về bản thân mình và phàn nàn trách móc bất an; ngay cả như thế nữa chúng ta cũng không thể tự chữa lành cho bản thân mình. Chính Người là Đấng chữa lành chúng ta bằng sự hiện diện của Người, bằng bánh của Người, bằng Thánh Thể. Thánh Thể là một dược liệu hữu hiệu chữa trị những gì là khép kín. Thật vậy, thứ Bánh Sự Sống này chữa lành những gì là khô cằn cứng cỏi để biến chúng thành những gì là mềm mại dễ thương.

Thánh Thể là những gì chữa lành, vì Thánh Thể liên kết với Chúa Giêsu, ở chỗ, Thánh Thể đồng hóa chúng ta với lối sống của Người, với khả năng bẻ ra để hiến mình cho anh chị em, để đáp lại sự dữ bằng sự lành. Thánh Thể cống hiến cho chúng ta lòng can đảm để thoát ra khỏi chính bản thân mình mà yêu thương cúi mình xuống với những gì là mong manh của người khác. Như Thiên Chúa đang làm cho chúng ta đây. Đó là lý lẽ của Thánh Thể, ở chỗ chúng ta lãnh nhận Chúa Giêsu là Đấng yêu thương chúng ta và chữa lành những gì là mong manh của chúng ta để chúng ta yêu thương người khác và trợ giúp những mong manh của họ. Cứ thế suốt cả cuộc đời. Hôm nay, trong Phụng vụ Giờ kinh chúng ta đã xướng lên một bài thánh ca có 4 câu tóm gọn cả cuộc đời của Chúa Giêsu. Vậy những câu này nói với chúng ta rằng khi Chúa Giêsu được hạ sinh thì Người đã trở nên người bạn đồng hành trong đời. Sau đó, trong bữa ăn tối, Người trở thành lương thực. Thế rồi, trên thập tự giá, nơi cái chết của mình, Người trở thành một cái giá phải trả để đền thay cho chúng ta. Và giờ đây, hiển trị trên Trời, Người là phần thưởng của chúng ta (Hymn of the praises of Corpus Domini Verbum Supernum Prodiens).

Xin Đức Thánh Trinh Nữ, nơi Người Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giúp chúng ta biết đón nhận tặng ân Thánh Thể bằng một tấm lòng biết ơn và cũng biết hiến ban sự sống của chúng ta. Xin Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành một quà tặng trao ban cho hết mọi người khác.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210606.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu