GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật VI Thường Niên Năm B

 

Pope Francis during the Angelus

 

Xin  chào anh chị em thân mến,

Quảng trường dưới ánh mặt trời đẹp đẽ! Quảng trường đẹp!

Bài Phúc Âm hôm nay (cf Mk 1:40-45) cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người bị chứng phong cùi. Những người bị phong cùi bị coi là ô uế, nên theo luật qui định, phải ở ngoài nơi trung cư. Họ bị loại ra khỏi bất cứ một liên hệ nhân bản, xã hội và tôn giáo nào, chẳng hạn, họ không thể vào hội đường, họ không thể vào đền thờ, đó là những giới hạn về tôn giáo. Trái lại, Chúa Giêsu lại để cho người ấy tiến đến với Người, Người cảm thương, thậm chí còn giơ tay ra chạm đến người ấy nữa. Đó là một việc không thể nào tưởng được vào thời ấy. Bởi vậy Người đã hiện thực Tin Mừng Người đã loan báo, đó là Thiên Chúa đã đích thân ở gần với đời sống của chúng ta, đã cảm thương số phận của nhân loại bị thương tích và đến để phá bỏ hết mọi chướng ngại cản ngăn chúng ta sống liên hệ với Ngài, với người khác và với chính chúng ta. Trở thành gần gũi... Cận kề. Xin hãy nhỡ kỹ chữ này, cận kề. Cảm thương: Phúc Âm viết rằng Chúa Giêsu, khi thấy người phong cùi này, thì động lòng thương anh ta. Và dịu dàng. Ba chữ cho thấy kiểu cách của Thiên Chúa đó là gần gũi, cảm thương, dịu dàng. Trong đoạn Phúc Âm này, chúng ta có thể thấy được hai thứ "vượt biên sai phạm" gặp nhau, đó là việc vượt biên sai phạm của người phong cùi tiến đến với Chúa Giêsu - là điều anh ta vốn không được làm - và Chúa Giêsu, bởi cảm thương, đã chạm đến anh ta một cách dịu dàng để chữa lành cho anh ta - điều Người cũng không được làm. Cả hai đều là những con người đã vượt biên sai phạm.

Việc vượt biên sai phạm đầu tiên là của người phong cùi, ở chỗ, bất chấp các qui định của Lề Luật, anh ta đã ra khỏi cảnh cô lập của mình và đến với Chúa Giêsu. Bệnh tật của anh ta được coi là hình phạt của Thiên Chúa, thế nhưng, nơi Chúa Giêsu, anh ta có thể được thấy theo khía cạnh khác của Thiên Chúa, không phải là Vị Thiên Chúa trừng phạt, mà là Người Cha cảm thương và yêu thương, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và không bao giờ loại trừ chúng ta khỏi lòng thương xót của Ngài. Bởi vậy mà con người này mới có thể vươn ra khỏi cảnh cô lập của mình, vì ở nơi Chúa Giêsu, anh ta thấy được Thiên Chúa biết chia sẻ với nỗi đớn đau của anh ta. Hành vi của Chúa Giêsu là những gì lôi kéo anh ta, đẩy anh ta ra khỏi bản thân mình và ký thác cho Người câu chuyện buồn thương của mình. Đến đây tôi nghĩ đến nhiều vị linh mục tốt lành đã tỏ ra cử chỉ lôi cuốn dân chúng như thế, họ đã tỏ ra dịu dàng, cảm thương với những con người cảm thấy rằng họ chẳng là gì hết, họ cảm thấy rằng họ hèn hạ do bởi tội lỗi của họ... Những vị giải tội tốt lành không có cái roi trong tay, mà chỉ biết đón nhận, lắng nghe và nói rằng Thiên Chúa là Đấng nhân lành và Thiên Chúa luôn tha thứ, Thiên Chúa không ngừng thứ tha. Tôi xin tất cả anh chị em ở Quảng Trường này hôm nay, hãy vỗ một tràng pháo tay hoan hô các vị giải tội nhân hậu này.

Việc vượt biên sai phạm thứ hai là của Chúa Giêsu: cho dù Lề Luật cấm đụng chạm đến người bị phong cùi, Người cũng đã động lòng thương, giơ tay ra chạm tới anh ta để chữa lành cho anh ta. Có người cho rằng Người đã phạm tội. Người đã làm một điều luật cấm. Người là kẻ sai phạm. Đúng thế: Người là một kẻ sai phạm. Người đã không tự giới hạn mình chỉ ở lời nói mà còn chạm đến anh ta nữa. Việc động chạm yêu thương nghĩa là muốn thiết lập một mối liên hệ, muốn hiệp thông với nhau, muốn tham dự vào đời sống của người khác, đến độ chia sẻ với các thương đau của họ. Bằng cử chỉ ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa, Đấng không dửng dưng lãnh đạm, không giữ mình ở "một khoảng cách an toàn". Trái lại, Ngài đã vì cảm thương mà đến gần và chạm đến đời sống của chúng ta để dịu dàng chữa lành cho nó. Đó là kiểu cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Đó là việc vượt biên sai phạm của Thiên Chúa. Ngài là một kẻ đại vượt biên sai phạm theo ý nghĩa ấy.

Anh chị em ơi, ngay cả trong thế giới hôm nay đây, có nhiều anh chị em vẫn đang chịu chứng bệnh này, chứng bệnh Hansen, hay các thứ chứng bệnh và số phận chất chứa nơi họ vết nhơ về xã hội. "Con người này là một tội nhân". Hãy nghĩ một chút đến thời khoảng người phụ nữ tiến vào bữa tiệc và đổ dầu thơm lên chân của Chúa Giêsu... Những kẻ khác nói rằng: "Nếu ông ta là một vị tiên tri thì ông phải biết thứ loại đàn bà tội lỗi này chứ". Khinh bỉ. Chúa Giêsu, trái lại, đã đón nhận nàng, còn cám ơn nàng nữa: "Tội lỗi con đã được thứ tha". Chúa Giêsu dịu dàng mềm mại. Những thành kiến về xã hội tách biệt những con người này ở những câu nói: "Con người này dơ bẩn, con người kia tội lỗi, con người nọ lừa đảo lọc lừa, con người ấy ..." Phải, có những lúc đúng như thế. Nhưng, xin đừng phán đoán theo thành kiến. Mỗi người chúng ta đều cảm thấy bị thương tích, thất bại, đớn đau, vị kỷ khiến chúng ta khép mình lại cho khuất mắt Thiên Chúa và những người khác, vì tội lỗi đóng bản thân chúng ta lại bởi thẹn thuồng, bởi hổ ngươi, nhưng Thiên Chúa lại muốn mở tấm lòng của chúng ta ra. Trước tất cả những sự ấy, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải là một ý nghĩ nào đó hay là một thứ giáo huấn trừu tượng đâu đâu, mà là Vị Thiên Chúa đích thân "lây nhiễm" bởi tình trạng tổn thương của loài người chúng ta, và không sợ động chạm đến các thương tích của chúng ta. "Thế nhưng, thưa cha, cha đang nói cái gì vậy? Thiên Chúa lại đích thân muốn bị lây nhiễm à?" Không phải là tôi nói mà là Thánh Phaolô, đó là Người đã trở thành tội lỗi. Người không phải là một tội nhân, không thể phạm tội, mà là biến mình thành tội lỗi. Hãy nhìn xem Thiên Chúa đã bị nhiễm lây để đến gần với chúng ta ra sao, để tỏ lòng cảm thương và để làm cho chúng ta hiểu được sự dịu dàng mềm mại của Người như thế nào. Gần gũi, cảm thương và dịu dàng.

Vì tôn trọng các qui luật liên quan đến danh thơm tiếng tốt và vị thế xã hội, mà chúng ta thường bịt miệng khổ đau, hay chúng ta đeo những thứ mặt nạ ngụy trang cho nó. Để quân bình những thứ tính toán của tính vị kỷ nơi bản thân mình với các thứ luật nội tâm nơi những nỗi sợ hãi của mình, chúng ta không muốn tham phần với những khổ đau của kẻ khác. Trái lại, chúng ta hãy xin Chúa ơn sống hai "thứ vượt biên sai phạm" ấy, hai thứ "vượt biên sai phạm" ở bài Phúc Âm hôm nay: cái vượt biên sai phạm của người phong cùi, để chúng ta có thể can đảm vượt thoát được cảnh cô lập của chúng ta, và thay vì cứ cảm thấy thương hại bản thân mình, hay cứ khóc lóc với những sai phạm của mình, phàn nàn trách móc, trái lại, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu như chúng ta là; "Giêsu ơi, con là như thế đó". Chúng ta sẽ cảm thấy được ấp ủ, một thứ ấp ủ tuyệt vời của Chúa Giêsu. Rồi đến cái vượt qua sai phạm của Chúa Giêsu, một tình yêu vượt ra ngoài những gì là qui ước, thắng vượt những thành kiến và nỗi sợ hãi cần phải tham phần vào đời sống của người khác. Chúng ta hãy biết trở thành những kẻ vượt biên sai phạm như hai con người này, như người phong cùi và như Chúa Giêsu.

Xin Trinh Nữ Maria hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình này khi giờ đây chúng ta cầu khẩn với Mẹ nơi kinh Truyền Tin.

(Sau Kinh Truyền Tin, ngài nói tiếp một số điều đặc biệt sau đây:)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Lễ Hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô, những nhà truyền bá phúc âm hóa cho những dân tộc Slavic, được Thánh Gioan Phaolô tuyên nhận là những vị đồng quan thày của Âu Châu...

Tôi cũng không quên hôm nay là Ngày Thánh Valentine, để nghĩ đến và gửi lời chào chúc cho các cặp đính hôn, những con người đang yêu thương. Tôi hỗ trợ anh chị em bằng lời cầu nguyện của tôi và chúc lành cho tất cả anh chị em.

Chúng ta bắt đầu Mùa Chay vào Thứ Tư tới đây. Đây sẽ là một thời gian thuận lợi sống ý nghĩa đức tin và đức cậy trước cơn khủng hoảng chúng ta đang trải qua. Tôi không muốn quên ba chữ giúp chúng ta hiểu được kiểu cách của Thiên Chúa. Đừng quên: gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Nào chúng ta cùng nói: Gần gũi, cảm thương, dịu dàng.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210214.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu