GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐẠI DỊCH COVID-19

 

VẤN ĐÁP VỚI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, tổng hợp

 

Đại Dịch Covid-19: Hiện trạng Nhiễm - Chết - Khỏi

 

 

 

Bắc Mỹ: 26,265,626 - Châu Âu: 26,090,292 - Châu Á: 21,552,588 - Nam Mỹ: 13,981,361 - Châu Phi: 3,076,055 - Châu Mỹ: 40,246,987

 

10 quốc gia bị nặng nhất về cả chết lẫn nhiễm được liệt kê dưới đây 

 

Thống kê theo quốc gia

Mỹ: Nhiễm - 22,972,166; Chết - 383,832; Khỏi - 13,519,938
Ấn Độ: Nhiễm - 10,479,879; Chết - 151,364; Khỏi - 10,110,634
Ba Tây: Nhiễm -  8,109,513; Chết - 203,202; Khỏi - 7,167,651
Nga: Nhiễm -  3,425,269; Chết - 62,273; Khỏi - 2,800,675
Anh: Nhiễm - 3,118,518; Chết - 81,960; Khỏi - 1,406,967
Pháp: Nhiễm -  2,786,838; Chết -  68,060; Khỏi - 203,072
Thổ Nhĩ Kỳ: Nhiễm - 2,336,476; Chết - 22,981; Khỏi - 2,208,451
Ý: Nhiễm - 2,289,021; Chết - 79,203; Khỏi - 1,633,839
Tây Ban Nha: Nhiễm - 2,050,360; Chết - 51,874; Khỏi -
Đức: Nhiễm - 1,937,794; Chết - 41,808; Khỏi - 1,545,500

 

Trên đây được liệt kê theo thứ tự bị nhiễm từ nhiều nhất cho tới ít nhất. Sau đây là liệt kê theo thứ tự chết nhiều nhất cho tới ít nhất

Chết: 1.Mỹ 383,832 - 2.Ba Tây 203,202 - 3.Ấn Độ 151,364 - 4.Anh 81,960 - 5.Ý 79,203 - 6.Pháp 68,060 - 7.Nga 62,273 - 8.Tây Ban Nha 51,874 - 9.Đức 41,808 - 10-Thổ 22,981

Trong số nạn nhân covid-19 tử vong, theo tờ Nhật Báo Vatican L'Osservatore Romano, được tờ báo Điện Tử CNA (Catholic News Agency của Mỹ đăng lại ngày 9/1/2021), có vị bác sĩ 78 tuổi của ĐTC Phanxicô là Fabrizio Soccorsi, vị bác sĩ đã được ngài chọn coi sóc sức khỏe của ngài từ tháng 8 năm 2015. 

WHO: Các nước giàu tranh mua khiến nước nghèo không có vac-xin Covid-19

Theo Báo Đài RFI Pháp quốc ngày 9/1/2021 thì
Tổ Chức Y Tế Thế Giới cả năm qua vẫn không ngớt kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hứa hẹn vac-xin là tài sản chung nhân loại, mọi người đều có quyền tiếp cận như nhau. Nhưng thông điệp đó rõ ràng không được chú ý. Một lần nữa tổ chức của Liên Hiệp Quốc lại lên tiếng tố cáo một số nước giầu đặt hàng tích trữ vac xin khiến các nước nghèo không thể có được thuốc chủng và nguy cơ đẩy giá vac xin lên cao.  

Theo Thông tín viên Jérémy Lanche tại Genève : 

 Xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong vấn đề vac-xin từng khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới lo ngại giờ đã xuất hiện rõ. Trên 42 nước đã bắt đầu tiêm chủng cho dân chúng, chỉ có 6 quốc gia trong diện thu nhập trung bình hoặc thấp. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã bảo đảm cho các nước nghèo 2 tỷ liều vac xin thông qua chương trình Covax. Thế nhưng chương trình này bị gián đoạn vì các nước giàu đã thương lượng trực tiếp với các nhà sản xuất vac xin.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh : «  Tôi muốn các nhà sản xuất vac-xin ưu tiên phân phối qua chương trình Covax. Tôi đề nghị các nhà sản xuất và các nước chấm dứt việc chen đơn hàng bổ sung gây hại cho chương trình Covax. Không một nước nào được xếp trên nước khác. Không một nước nào có quyền gian lận xếp hàng để có vac-xin tiêm chủng cho dân mình khi mà nhiều nước khác không có ».

Chỉ trích nhằm chủ yếu vào nước Đức. Berlin đã đặt 30 triệu liều bổ sung của Pfizer/BioNTech. Trong khi mà các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu cam kết không thương lượng mua vac xin song song với Ủy Ban Châu Âu.

Ủy Ban Châu Âu đã giải thích đơn hàng của Berlin nói trên nằm trong kế hoạch do Bruxelles thương lượng. Tuy nhiên nghi ngờ vẫn không hết. Đó là xu hướng chạy đua vac xin. Trong cuộc đua này, Israel dẫn đầu khi đã tiêm chủng được cho 20% dân. Châu Âu cam đoan đã bảo đảm đủ số liều để tiêm chủng cho 80% dân số.  

Trong SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH ngày 25/12/2020 ĐTC PHANXICÔ đã kêu gọi về việc phân phối thuốc Chủng Ngừa cho mọi người như sau:

"Vào Lễ Giáng Sinh chúng ta cử hành ánh sáng của Đức Kitô, Đấng đến thế gian và Ngài đến cho tất cả: không chỉ cho một số người. Hôm nay, trong thời kỳ tăm tối và không chắc chắn do đại dịch, một số tia sáng hy vọng xuất hiện, chẳng hạn như những khám phá về vắc-xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho toàn thế giới, chúng phải sẵn có cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể để những chủ nghĩa quốc gia khép kín ngăn cản chúng ta sống như một gia đình nhân loại thực sự như chúng ta là. Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan chiến thắng chúng ta và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và bằng sáng chế lên trên luật tình yêu và sức khỏe của con người. Tôi kêu gọi tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo đất nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh và tìm kiếm giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh. Đặt những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất lên hàng đầu!"  

 

ĐẠI DỊCH COVID-19 - VẤN ĐÁP VỚI ĐTC PHANXICÔ

ĐTC Phanxicô với nhật báo Ý: “Tôi cầu xin Chúa ngăn chặn đại dịch”

Theo Vatican News Tiếng Việt ngày 18/3/2020: Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi của ông Paolo Rodari, phóng viên báo Cộng Hòa Ý, liên quan đến buổi cầu nguyện của ngài chiều Chúa Nhật 15/03 vừa qua tại Đền thờ Đức Bà Cả và nhà thờ Thánh Marcello rằng: “Tôi đã cầu xin Chúa ngăn chặn dịch bệnh: Lạy Chúa, với đôi tay Ngài, xin hãy ngăn chặn đại dịch. Tôi đã cầu nguyện như vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã đưa ra cách thức để sống những ngày khó khăn này: “Chúng ta phải khám phá lại tính cụ thể của những điều bé nhỏ, những quan tâm nhỏ đối với những người gần bên chúng ta, các thành viên gia đình, bạn bè. Hiểu rằng trong những điều nhỏ bé có kho báu của chúng ta. Có những cử chỉ nhỏ bé, đôi khi bị đánh mất trong cuộc sống hàng ngày; những cử chỉ âu yếm, tình cảm, lòng trắc ẩn, nhưng lại rất quan trọng, có giá trị quyết định. Ví dụ, một món ăn nóng, một cái ôm, một cuộc gọi điện thoại ... Chúng là những cử chỉ quen thuộc nhưng nếu thực hiện với sự chú ý trong từng chi tiết sẽ làm cho cuộc sống có ý nghĩa và làm nảy sinh sự hiệp thông giữa chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Đôi khi, giữa chúng ta chỉ có giao tiếp ảo. Chúng ta phải khám phá một sự gần gũi mới. Một mối quan hệ cụ thể được thực hiện bằng sự quan tâm và kiên nhẫn. Ở nhà, các gia đình thường ăn cơm chung với nhau với một sự thinh lặng bao trùm cả bữa ăn, lý do không phải để lắng nghe nhau nhưng do cha mẹ thì xem tivi, và con cái thì nói chuyện điện thoại”.

“Họ giống như các đan sĩ sống tách biệt nhau. Ở đây, không có sự trao đổi, giao tiếp; lắng nghe nhau là một điều quan trọng bởi vì người ta hiểu những nhu cầu, khó khăn, vất vả, ước muốn của người khác. Có một ngôn ngữ được nói bằng cử chỉ cụ thể, ngôn ngữ này phải được bảo vệ”.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt nghĩ đến các nhân viên y tế, các tình nguyện viên và gia đình của các nạn nhân: “Tôi cảm ơn những ai đã tiêu hao chính mình vì người khác trong thời gian này. Họ là một mẫu gương về tính cụ thể này. Và tôi xin mọi người gần gũi với những ai đã mất người thân, bằng mọi cách có thể, cố gắng đồng hành cùng họ. Giây phút này, sự an ủi phải là việc dấn thân của mọi người”. Đức Thánh Cha cho biết ngài đã bị đánh động về vấn đề này từ một bài báo được Fabio Fazio cho đang tải trong thời gian gần đây, đặc biệt bởi thực tế là “cách cư xử của chúng ta luôn ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác”, Fabio trích dẫn ví dụ những người không nộp thuế, làm cho các dịch vụ y tế bị thiếu.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hy vọng, ngay cả đối với những người không tin: “Tất cả đều là con của Chúa và được Ngài đoái nhìn. Ngay cả những người chưa gặp Chúa, những người không có hồng ân đức tin, có thể tìm đường đến đó, trong những điều tốt, họ tin rằng: mình có thể tìm thấy sức mạnh trong tình yêu cho con cái, cho gia đình, cho anh chị em. Một người có thể nói: ‘Tôi không thể cầu nguyện vì tôi không tin’. Nhưng đồng thời, người này có thể tin vào tình yêu của những người xung quanh và tìm thấy trong đó niềm hy vọng”. (CSR_1650_2020)   
 

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn liên quan đến đại dịch Covid-19

Theo Vatican News Tiếng Việt ngày 2/5/2020: Trong cuộc phỏng vấn dài với nhà báo Austen Ivereigh của tờ báo The Tablet của Anh, ĐTC Phanxicô đã trả lời những câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19.


Vatican News Tiếng Việt trích đăng một câu trả lời của Đức Thánh Cha liên quan đến câu hỏi “liệu trong cuộc khủng hoảng và tác động kinh tế của nó, ta có thể nhìn thấy cơ hội trong việc hoá cải sinh thái không, để xem xét những ưu tiên và cách sống của chúng ta?”

"Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha nói rằng: 'Thiên Chúa thì luôn luôn tha thứ, con người thì thỉnh thoảng tha thứ, và thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ'. Chúng ta đã không lắng nghe những thảm họa nơi này nơi khác. Ngày nay có ai nhắc về vụ cháy rừng ở Úc? Và thực tế là một năm rưỡi trước, có một con tàu đã vượt qua được Bắc Cực, bởi vì ở đó băng đã tan chảy và tàu có thể đi lại được. Vậy ai đã nói về những trận lũ lụt? Tôi không biết đó có phải là sự trả thù của thiên nhiên không, nhưng đó chắc chắn là câu trả lời của thiên nhiên.

Cần nhớ về ký ức

Chúng ta có một bộ nhớ chọn lọc. Tôi muốn nhấn mạnh về điều này. Tôi đã rất ấn tượng bởi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandia (Pháp). Đã có những nhân vật hàng đầu về chính trị và văn hóa quốc tế. Và họ đã ăn mừng. Tất nhiên, đó đúng là sự khởi đầu của một kết thúc cho một chế độ độc tài, nhưng không có bất kỳ ai nhớ đến 10.000 chàng trai đã ngã xuống trên bãi biển đó.

Khi tôi ở Redipuglia, trong dịp một trăm năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta chỉ thấy có một tượng đài thật đẹp với những cái tên khắc trên bia đá, và chẳng có gì hơn. Tôi đã khóc khi nghĩ về ĐTC Biển Đức XV (về “cuộc tàn sát vô ích”). Tương tự như thế ở Anzio, vào ngày lễ cầu cho những người đã qua đời, tôi nhớ đến những người lính Bắc Mỹ đã được chôn cất ở đó. Mỗi người họ đều có một gia đình, và tôi có thể ở vị trí của một trong số họ.

Ngày nay, ở Châu Âu, khi người ta bắt đầu nghe những bài phát biểu dân túy hay những quyết định chính trị có chọn lọc, không khó để người ta nhớ đến những phát biểu của Hitler vào năm 1933, ít nhiều chúng cũng giống như cách làm của một số chính trị gia ngày nay.

Tôi vẫn còn nhớ một câu thơ của Virgilio: [forsan et haec olim] meminisse iubavit (Có lẽ sẽ đến một ngày thích hợp để nhớ những điều này). Chúng ta cần phục hồi ký ức, bởi vì ký ức sẽ giúp chúng ta. Đây là lúc để phục hồi lại ký ức. Đây không phải là dịch bệnh đầu tiên của nhân loại. Những bệnh dịch trước đó giờ đây đã được biến thành những giai thoại. Chúng ta cần phải phục hồi lại những ký ức về nguồn cội, về truyền thống, vì chúng là những điều đáng nhớ. Trong Linh Thao của Thánh Inhaxio, toàn bộ tuần thứ nhất của linh thao và sau đó là phần chiêm niệm để đạt được tình yêu trong tuần thứ tư đều hoàn toàn lần theo dấu chỉ của ký ức. Đó là một cuộc hoán cải ngang qua ký ức.

Cần hoán cải khỏi sự không nhất quán

Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta: dù giàu hay nghèo. Đây là một lời kêu gọi sự chú ý chống lại thói đạo đức giả. Tôi lo ngại về sự giả hình của một số nhân vật chính trị khi họ nói rằng họ muốn đối mặt với khủng hoảng, khi họ nói về sự nghèo đói trên thế giới, và trong khi nói về những điều đó, họ cũng đồng thời sản xuất vũ khí hàng loạt. Đã đến lúc phải hoán cải những giả hình này thành những hành động. Đây là thời gian cho sự nhất quán, hoặc là chúng ta nhất quán hoặc chúng ta mất tất cả.

Anh hỏi tôi về việc hoán cải. Thực ra, mỗi cuộc khủng hoảng là một mối nguy hiểm, nhưng đồng thời nó cũng là một cơ hội. Và đó là cơ hội để thoát khỏi nguy hiểm. Hôm nay tôi tin rằng chúng ta phải làm chậm lại một nhịp nhất định về việc tiêu dùng và việc sản xuất (Laudato si ', số 191). Ta phải học cách hiểu và chiêm ngắm thiên nhiên để kết nối lại với môi trường thực tế của chúng ta. Đây là một cơ hội hoán cải.

Vâng, tôi có thấy những dấu hiệu bắt đầu của một nền kinh tế ít thanh khoản và thêm nhân văn. Nhưng chúng ta không được phép quên nó một khi tình huống hiện tại qua đi, chúng ta không được đem nó bỏ vào kho lưu trữ và quay trở lại như trước kia. Đây là lúc để tiến bước, để chuyển từ việc sử dụng và lạm dụng thiên nhiên sang việc chiêm ngắm nó, suy ngẫm về nó. Con người chúng ta đã đánh mất đi chiều kích chiêm niệm, và đây là lúc để chúng ta tìm lại và phục hồi nó.

Nhìn nhận về người nghèo

Và nhắc đến việc suy ngẫm, tôi muốn dừng lại ở một điểm, đó là: đã đến lúc nhìn nhận về người nghèo. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “những người nghèo, anh em luôn có ở bên mình”. Và thật sự là như thế. Đó là một thực tế mà chúng ta không thể chối bỏ. Họ bị che giấu đi, vì nghèo đói là xấu hổ. Ở Roma, trong lúc đi kiểm dịch, một anh cảnh sát nói với một người đàn ông rằng: “Anh không được ở trên đường phố, hãy về nhà của anh”. Và câu trả lời là: “Tôi không có nhà. Tôi sống trên hè phố”. Khám phá biết bao nhiêu người bị gạt sang bên lề… và bởi lẽ sự nghèo đói khiến ta xấu hổ nên ta không nhìn vào nó. Họ ở đó, chúng ta lướt qua họ, nhưng ta không nhìn họ. Họ chỉ như một phần của cảnh quan, như những vật thể. Thánh Têrêsa Cacutta đã nhìn thấy họ và đã quyết định dấn thân vào hành trình biến đổi.

Nhìn thấy những người nghèo có nghĩa là trao trả lại cho họ nhân phẩm. Họ không phải những vật phẩm, không phải những phế thải, họ là những nhân vị. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách hỗ trợ như dành cho các động vật bị bỏ rơi. Ngược lại, rất nhiều lần chúng ta đối xử với người nghèo như với những con vật bị bỏ rơi. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách mang tính hỗ trợ và cục bộ.

Cho phép tôi được đưa ra một lời khuyên: đã đến lúc đi sâu vào lòng đất. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn người Nga Dostoevslij, Ký ức về lòng đất. Và có một cuốn khác ngắn hơn, đó là Hồi ức về một ngôi nhà chết chóc, nó kể về những người quản thúc của một bệnh viện nhà tù, họ đối xử với những tù nhân nghèo như những đồ vật. Khi nhìn thấy họ đối xử như vậy đối với một tù nhân vừa mới chết, một tù nhân khác đã hét lên: “Đủ rồi! Anh ta cũng có một người mẹ!”. Chúng ta phải nhắc lại điều này rất nhiều lần rằng: người nghèo nào cũng có một người mẹ, người đã dưỡng dục anh ta bằng tình yêu. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống. Nhưng nó giúp ta suy nghĩ về tình thương mà anh ta nhận được, về những kỳ vọng của một người mẹ.

Chúng ta làm suy yếu những người nghèo, chúng ta tước đi cái quyền mơ về mẹ của họ. Họ chẳng được biết thế nào là tình thương, rất nhiều trong số họ nghiện ngập. Nhìn thấy họ như thế sẽ giúp chúng ta khám phá ra lòng trắc ẩn, chính lòng trắc ẩn này là chiều kích kết nối chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.

Đi sâu vào lòng đất và chuyển từ một xã hội sống ảo hóa, sống hời hợt sang nhập thể vào những xác thịt đau khổ của những người nghèo. Đây là một sự hoán cải cần phải có, vì nếu chúng ta không bắt đầu từ đấy thì sẽ chẳng có bất kỳ sự hoán cải nào xảy ra trong tương lai.

Những anh hùng hiện nay

Tôi nghĩ đến những vị thánh kề cận trong thời điểm khó khăn này. Họ là những anh hùng! Các bác sĩ, những tình nguyện viên, những nữ tu, linh mục, những nhân viên họ thực hiện những trách vụ của họ để cho xã hội này hoạt động. Có biết bao nhiêu bác sĩ và y tá đã ra đi! Bao nhiêu linh mục, bao nhiêu nữ tu đã chết! Vì phục vụ, trong phục vụ.

Tôi nhớ đến một câu của người thợ may trong cuốn “I promessi sposi”, theo tôi thì đây là một trong những nhân vật đơn sơ và kiên định nhất. Anh ta nói: “Tôi chẳng bao giờ thấy Chúa bắt đầu làm một phép lạ mà không hoàn thành nó”. Nếu chúng ta nhận biết rằng ngang qua những vị thánh kề cận bên mình, những nam nữ anh hùng này, nếu chúng ta biết theo gương họ, phép lạ này sẽ hoàn thành, một kết thúc có hậu cho tất cả. Thiên Chúa không bao giờ bỏ dở dang những gì Người làm. Chỉ có chúng ta, chúng ta để dở những việc mình làm và bỏ đi.

Những gì chúng ta đang trải qua là một cơ hội để chúng ta hoán cải và biến đổi. Chúng ta có cơ hội để làm điều đó. Vì thế, chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm và tiến về phía trước.

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Tg5, ĐTC Phanxicô kêu gọi tiêm ngừa Covi-19

Theo Vatican News Tiếng Việt ngày 11/1/2021 thì trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình Tg5 của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi: từ vấn đề đại dịch đến việc bảo vệ sự sống và những người yếu thế, về vụ tấn công vào toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ và bạo lực... Đức Thánh Cha cũng kêu gọi mọi người tiêm ngừa Covid-19.

Tiêm ngừa Covid-19 là một việc làm đạo đức

Trả lời câu hỏi của nhà báo Fabio Marchese về vắc-xin, Đức Thánh Cha khẳng định: “Tôi tin rằng về mặt đạo đức mọi người đều phải tiêm vắc-xin. Nó không phải là một lựa chọn, nhưng là một hành động đạo đức” bởi vì nó liên quan đến sức khỏe của bạn, đến sự sống của bạn và sự sống của người khác. Đức Thánh Cha cho biết ngài đã đăng ký chích ngừa. Theo ngài, nếu bác sĩ trình bày vắc-xin như một điều có thể mang lại kết quả tốt thì tại sao mình không tiêm ngừa.

Gần gũi tha nhân

Đối với Đức Thánh Cha, đây là lúc cần nghĩ đến "chúng ta" và tạm dẹp bỏ cái "tôi". Hoặc là tất cả chúng ta được cứu hoặc là không có ai. Và từ điều này, ngài nhắc đến tình huynh đệ, đến thách đố đến gần tha nhân, gần với hoàn cảnh, với các vấn đề. Thờ ơ và dửng dưng chính là kẻ thù của sự gần gũi. Đức Thánh Cha lưu ý một lần nữa rằng cuộc khủng hoảng do đại dịch làm trầm trọng thêm văn hóa vứt bỏ đối với những người yếu nhất, người nghèo, người di dân và người già.