KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2018, 2019-2020

2021

 

 

 

SỐNG CÒN VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 TOÀN CẦU

 

TRONG NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA

 

 

 

Tổng hợp và nhận định: Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

 

Nội Dung

 

Dẫn nhập: Ngôn Sứ Lịch Sử

Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 4.500 người chết vì Covid-19 một ngày

Đa dạng Sinh thái: Thượng đỉnh ‘‘One Planet’’ mở đầu cho một năm quyết định

Ít nhất 33 nước đã ghi nhận ca mắc biến thể virus corona mới ở Anh

Virus corona chủng mới tiến hoá thế nào?

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 như thế nào?

Bộ Giáo lý Đức tin xác định: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức

WHO: Các nước giàu tranh mua khiến nước nghèo không có vac-xin Covid-19

Cảm giác sau khi tiêm vaccine Covid-19

Vatican bắt đầu chiến dịch chích ngừa virus corona

Covid-19: WHO cảnh báo đừng quá kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng

Covid-19 diễn biến thế nào vào 2021?

Đúc kết: Dấu Chỉ Thời Đại

 

 

 

Ít nhất 33 nước đã ghi nhận ca mắc biến thể virus corona mới ở Anh

Báo Điện Tử TTO ngày 2/1/2021

 

Thổ Nhĩ Kỳ là nước thứ 33 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca mắc biến thể virus corona mới ở Anh, chủng virus được nhận định lây nhiễm nhanh hơn nhiều.

Theo báo New York Times, danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận ca mắc biến thể virus corona mới tiếp tục tăng nhanh.

Tính tới hôm nay 2-1, danh sách này gồm: Mỹ, Anh, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ấn Độ, Ireland, Israel, Ý, Nhật, Jordan, Lebanon, Malta, Hà Lan, Na Uy, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

 

Trong ngày 1-1, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã phát hiện 15 ca mắc biến thể virus mới tìm thấy ở Anh. Tất cả đều là những người vừa từ Anh trở về.

 

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong các kết quả kiểm tra trên toàn quốc, ngoài những người vừa từ Anh về, chưa tìm thấy ca mắc biến thể virus corona mới ở những trường hợp khác.

Thông tin công bố từ Thổ Nhĩ Kỳ nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ca mắc biến thể virus mới lên ít nhất 33 kể từ ngày 8-12 khi Anh thông báo phát hiện chủng này.

Tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang tạm thời cấm đi lại từ Anh tăng lên hơn 40.

 

Trong diễn biến khác liên quan, Anh vừa phải đưa vào hoạt động trở lại các bệnh viện cấp cứu được xây dựng hồi đầu đại dịch COVID-19 và đóng cửa các trường tiểu học ở thủ đô London để ngăn chặn biến thể virus corona mới được chính phủ nước này xác định lây lan nhanh hơn tới 70%.

 

Với hơn 50.000 ca mắc mới mỗi ngày trong bốn ngày qua, cơ quan y tế Anh cho biết họ đã lường trước về tình hình sẽ tăng ồ ạt số người bệnh nhập viện trong những ngày tới và sẽ thiếu giường bệnh.

 

Chỉ vài ngày trước, Bệnh viện Royal London đã gửi email thông báo tới các nhân viên về tình trạng quá tải người bệnh và không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc với chất lượng tiêu chuẩn cao như bình thường.

 

London là một trong những khu vực có số ca mắc biến thể virus corona cao nhất. Chính phủ Anh cũng đã quyết định đóng cửa mọi trường tiểu học tại đây, đảo ngược một quyết định chỉ hai ngày trước đó.

 

Xứ sở sương mù đang chật vật đương đầu với làn sóng dịch bệnh mới khi virus đã cướp đi sinh mạng của hơn 74.000 người và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế.

Anh cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất. Trong vòng 24 giờ vừa qua, nước Anh ghi nhận thêm 53.282 ca mắc mới và 613 người chết vì COVID-19.

Nhận định:

Có một trùng hợp lạ kỳ là vừa khi có thuốc chủng ngừa covid-19 được chính thức chấp nhận cho sử dụng từ đầu tháng 12/2020, thì đồng thời cũng xuất hiện các biến chứng của loại covid-19 biến hóa khôn lường này. Phải chăng đó là dấu báo cho loài người biết rằng họ khó có thể thoát khỏi đại dịch này, dù họ có muốn thoát khỏi vòng vây bát quái trận của nó, nếu họ không biết đoàn kết lại, mà còn cứ tiếp tục chính trị hóa nó, khiến nó càng dễ dàng biến hình và biến chứng hơn, thậm chí nơi tận tâm thần của họ, rồi lại còn lợi dụng thuốc chủng ngừa nó để trục lợi riêng tư, để sống như thể độc thân trên trái đất này, theo cả nghĩa cá nhân cũng như đoàn thể, một trái đất tự nó vốn là một ngôi nhà chung của tất cả nhân loại và cho toàn thể nhân loại.

 

Vậy thì vi khuẩn corona này sẽ có thể biến hóa như thế nào đây, nếu có thì nó có thật sự nguy hiểm hơn trước hay chăng, và nếu có thì nó có hủy hoại tác dụng phòng chống của các thứ thuốc chủng ngừa vừa được sử dụng hay chăng? Xin mời theo dõi tiếp bản tin dưới đây.

 

 

Virus corona chủng mới tiến hoá thế nào?

Báo đài VOA Việt ngữ ngày 15/12/2020

Thế giới hiện đang đối phó với một loại SARS-CoV-2 khác hẳn loại xuất hiện tại Trung Quốc cách đây một năm, với những biến thể tạo ra ít nhất 7 chủng virus cho tới nay.

Trong lúc virus corona SARS-CoV-2 quét qua thế giới và giết chết hơn 1,5 triệu người trong năm qua, virus đã biến thể thành một vài nhóm chính, hay chủng, khi thích ứng với cơ thể con người. Theo sát và hiểu được những thay đổi của virus là thiết yếu trong việc phát triển một chiến lược chống lại bệnh COVID-19 do virus gây ra.

Reuters phân tích hơn 185.000 mẫu chuỗi di truyền từ Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Tất cả Dữ liệu Cúm (GISAID), kho dữ liệu lớn nhất thế giới về chu kỳ chuỗi di truyền của virus corona chủng mới, để cho thấy làm thế nào những chủng quan trọng chính yếu biến chuyển qua thời gian.

Cuộc phân tích cho thấy hiện có 7 chủng virus chính. Chủng nguyên thủy được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019, là chủng L. Virus sau đó biến thể thành chủng S vào đầu năm 2020. Tiếp theo là chủng V và G. Chủng G biến thể thêm thành GR, GH và GV. Một vài biến thể không thường xuyên tập họp lại thành chủng O.

“Lý do nhìn vào chuỗi DNA là để nỗ lực và tìm xem virus từ đâu đến…để tìm cách vạch ra những gì có thể trông đợi, thông tin này rất cần thiết,” ông Nicola Spurrier, viên chức đứng đầu y tế ở Nam Australia, nói sau vụ bùng phát tại đây vào đầu tháng 11. Các giới chức y tế lúc đầu đóng cửa tiểu bang vì họ nghĩ dịch bệnh bùng phát do một chủng virus lây nhiễm nhiều hơn.

Họ gỡ bỏ lệnh đóng cửa một ngày sau đó sau khi một nhân viên tiệm pizza nói dối về việc làm thế nào ông mắc bệnh.

Chủng L nguyên thủy hầu như biến mất, chỉ còn lại chủng G chế ngự trong giai đoạn hiện tại của đại dịch. Điều này quan trọng vì chủng G bao gồm một biến thể giúp các gai protein của SARS-CoV2 dễ bám vào tế bào con người, có khả năng gia tăng nguy cơ lây nhiễm và lây lan của virus.

Theo dõi biến thể

Một sự biến thể là một sự thay đổi trong chất liệu di truyền của một sinh vật. Khi một virus tự tạo nên hàng triệu bản sao và chuyển dịch từ những nơi sinh sống này đến những chỗ khác, không phải mỗi bản sao đều giống nhau. Những biến thể này nhân thêm khi virus lan truyền—và sao chép thêm mãi.

Những kho dữ liệu như GISAID có thể truy lùng những thay đổi trong những mẫu riêng biệt, cho phép các nhà khoa học nối kết những dữ kiện để quyết định khi nào những chủng mới quan trọng thành hình.

Kho dữ liệu của GISAID đề ra khoảng 3.500 những mẫu như vậy trên toàn thế giới, xây dựng một gia phả cho thấy chúng liên hệ với nhau như thế nào. Nhìn vào những đồ biểu dữ liệu thì có thể thấy được các quan hệ trong các mẫu và khi nào những chủng mới xuất hiện.

Những tập họp chính

Bằng cách bẻ gãy những chuỗi liên kết, các nhà khoa học có thể điền khuyết để truy tìm lại sự kết nối của những mẫu virus.

Những chủng chuyển đổi

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, virus đã lây lan tương đối nhanh chóng trên toàn thế giới, liên tục có mặt tại những nơi khác nhau và thường xuyên gây nên những đợt bùng phát mới. Trong thời điểm đó có nhiều chủng lẫn lộn khác nhau trong số những mẫu báo cáo cho GISAID. Vào lúc các nước bắt đầu đóng cửa biên giới, ít có chủng mới được trình làng. Tại những nước hiện diện chủng G ‘lì’ hơn, thì chúng bắt đầu chế ngự.

Tuy nhiên thời điểm và tỷ lệ tiến hoá thành chủng mới xảy ra tại những giai đoạn khác nhau đối với những nước và khu vực. Những mô thức khác biệt này phản ánh phần lớn việc làm thế nào virus có thể lây lan nhanh chóng tại một vùng nào đó và liệu bùng phát có phải phát sinh do một ca virus “nhập khẩu” hay không.

Tại Châu Á, chủng nguyên thủy L kéo dài lâu hơn vì một vài nước, kể cả Trung Quốc, đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại. Ngược lại, Bắc Mỹ và Châu Âu không hạn chế đi lại nhiều, ít nhất là vào lúc đầu, nên đã tạo điều kiện cho chủng G lây lan-và biến thể-ở một nhịp điệu nhanh hơn.

Bà Catherine Bennett, giáo sư về dịch tễ học tại Khoa Y tế Trường đại học Deakin, Melbourne, nói: “Virus này di chuyển trong những vụ siêu lây nhiễm, nghĩa là virus không phải đặc biệt truyền nhiễm. Chúng ta sẽ thấy những mô thức khác nhau vì những chùm lây nhiễm.’

Chủng G chiếm lĩnh

Chủng G hiện chế ngự trên toàn thế giới. Một biến thể đặc biệt là D614G đã trở nên phổ biến nhất.

Sự gia tăng của chủng G trùng hợp với sự gia tăng của virus bùng phát trên toàn cầu, với một loạt những ca mới cho phép các chủng xâm nhập vào các khu vực mới. Chủng G được minh họa trong dữ liệu của Úc, Nhật và Thái Lan. Trong đợt lây nhiễm thứ hai tại Úc, chủng G hiện diện hầu hết trong các mẫu, cho thấy nước này đã hữu hiệu xóa bỏ sự lây nhiễm của chủng L và S trước đây qua một loạt các biện pháp giãn cách xã hội. Tất cả chủng của đợt hai tại Úc đều phát sinh từ những người từ nước ngoài trở về và không tôn trọng cách ly.

Những tâm dịch lớn

Sự chế ngự của chủng G càng hiển hiện hơn khi chúng ta nhìn vào các nước lây nhiễm nhiều nhất.

Mỹ cho tới nay là nước dẫn đầu thế giới về tổng số những ca lây nhiễm và tử vong. Đa số các ca lây nhiễm và các đợt một, hai và ba đều trùng hợp với việc gia tăng trong những mẫu có ba chủng G.

Tại Ấn Độ, người ta có thể quan sát một mô thức tương tự vào lúc có việc gia tăng thường xuyên các ca lây nhiễm từ tháng 6 đến tháng 9 dường như theo một đường cong của những chủng G.

Chủng mới

Biến thể mới nhất xuất hiện là chủng GV, cho đến nay được tách biệt tại Châu Âu, nơi chủng này ngày càng phổ biến trong những tuần gần đây. Các nhà khoa học GISAID nói sự thay đổi này có biến thể trong các gai protein, nhưng trong trường hợp này có thể có ít ảnh hưởng lên khả năng của virus bám vào tế bào con người. Các chuyên gia nói hiện chưa rõ liệu chủng GV có lan rộng vì lợi thế lây lan hay vì nó ảnh hưởng đến những người trẻ tích cực giao tiếp xã hội và các du khách trong mùa hè hay không.

Tại sao biến thể quan trọng

Biến thể làm gia tăng những chủng mới xảy ra khi virus SARS-CoV-2 tự sao chép bên trong một tác nhân mới. Chuỗi DNA của virus là một bộ đầy đủ những chỉ thị di truyền. Những phần khác nhau của chuỗi gen hướng dẫn cách thức cấu thành những phần khác nhau của virus khi nó nhân lên trong các tế bào chủ.

Những biến thể nhỏ trong gen của virus là bình thường vì virus tự sao chép lăp lại nhiều lần. Kho dữ liệu của GISAID nhận diện được có hàng ngàn thay đổi theo gen. Nhiều thay đổi này vô hại, nhưng các nhà khoa học không thể dự đoán khi nào và bằng cách nào một biến thể có thể dẫn tới một chủng virus dễ lây nhiễm hơn hoặc ‘khó đỡ’ hơn cho vaccine.

Lạc quan dè dặt

Virus SARS-CoV-2 cho đến nay biến thể chậm, cho phép các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách đi trước tiến trình của virus. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa nhất trí về ảnh hưởng của một số biến thể. Một vài chuyên gia báo cáo là một số biến thể D614G đã làm cho virus dễ lây lan, nhưng các cuộc nghiên cứu khác lại trái ngược.

Dù sao, những thay đổi cho đến nay chưa dẫn tới các chủng có thể kháng lại vaccine đang được bào chế. Trên thực tế, một cuộc nghiên cứu của một nhóm khoa học gia từ một vài định chế trong đó có Trường đại học Sheffield và Harvard phát hiện chủng G có thể là một mục tiêu dễ dàng cho vaccine vì chủng này có nhiều gai protein trên bề mặt, là mục tiêu của những kháng thể do vaccine tạo ra.

“May mắn thay, chúng ta thấy rằng chưa biến thể nào trong số này làm cho COVID-19 lây nhiễm nhanh hơn, nhưng chúng ta vẫn cần cảnh giác và tiếp tục theo dõi những biến thể mới, đặc biệt là khi vaccine được trình làng,” theo lời bà Lucy van Dorp thuộc Viện Nghiên cứu Di truyền của Trường đại học London, đồng tác giả một cuộc nghiên cứu nhận ra hơn 12.700 biến thể của virus SARS-CoV-2.

Dẫu vậy, các chuyên gia cảnh báo về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 trong tương lai và điều quan trọng nhất là phải chặn đứng sự lây lan của virus và giảm cơ hội virus biến chủng.

 

 

Nhận định

 

Bản tin này khá phức tạp vè vấn đề kỹ thuật giành cho các chuyên gia, bởi thế, muốn nắm bắt được phần nào những gì cần biết, cần phải trích lại các chi tiết quan trọng để dễ theo dõi hơn, thứ tự như sau:

 

1- Chủng nguyên thủy được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019, là chủng L. Virus sau đó biến thể thành chủng S vào đầu năm 2020. Tiếp theo là chủng V và G. Chủng G biến thể thêm thành GR, GH và GV. Một vài biến thể không thường xuyên tập họp lại thành chủng O.

 

2- Chủng L nguyên thủy hầu như biến mất, chỉ còn lại chủng G chế ngự trong giai đoạn hiện tại của đại dịch. Điều này quan trọng vì chủng G bao gồm một biến thể giúp các gai protein của SARS-CoV2 dễ bám vào tế bào con người, có khả năng gia tăng nguy cơ lây nhiễm và lây lan của virus.

 

3- Một sự biến thể là một sự thay đổi trong chất liệu di truyền của một sinh vật. Khi một virus tự tạo nên hàng triệu bản sao và chuyển dịch từ những nơi sinh sống này đến những chỗ khác, không phải mỗi bản sao đều giống nhau. Những biến thể này nhân thêm khi virus lan truyền—và sao chép thêm mãi.

 

4- Bằng cách bẻ gãy những chuỗi liên kết, các nhà khoa học có thể điền khuyết để truy tìm lại sự kết nối của những mẫu virus.

 

5- Thời điểm và tỷ lệ tiến hoá thành chủng mới xảy ra tại những giai đoạn khác nhau đối với những nước và khu vực.

 

6- Chủng G hiện chế ngự trên toàn thế giới. Một biến thể đặc biệt là D614G đã trở nên phổ biến nhất.

 

7- Sự gia tăng của chủng G trùng hợp với sự gia tăng của virus bùng phát trên toàn cầu, với một loạt những ca mới cho phép các chủng xâm nhập vào các khu vực mới.

 

8- Biến thể mới nhất xuất hiện là chủng GV, cho đến nay được tách biệt tại Châu Âu, nơi chủng này ngày càng phổ biến trong những tuần gần đây.

 

9- Biến thể làm gia tăng những chủng mới xảy ra khi virus SARS-CoV-2 tự sao chép bên trong một tác nhân mới. Chuỗi DNA của virus là một bộ đầy đủ những chỉ thị di truyền. Những phần khác nhau của chuỗi gen hướng dẫn cách thức cấu thành những phần khác nhau của virus khi nó nhân lên trong các tế bào chủ.

 

10- Những biến thể nhỏ trong gen của virus là bình thường vì virus tự sao chép lăp lại nhiều lần... nhưng các nhà khoa học không thể dự đoán khi nào và bằng cách nào một biến thể có thể dẫn tới một chủng virus dễ lây nhiễm hơn hoặc ‘khó đỡ’ hơn cho vaccine.

 

11- Những thay đổi cho đến nay chưa dẫn tới các chủng có thể kháng lại vaccine đang được bào chế.

 

12- Điều quan trọng nhất là phải chặn đứng sự lây lan của virus và giảm cơ hội virus biến chủng.

 

Giờ đây chúng ta chỉ cần biết một số chi tiết liên quan đến chung dân chúng như chúng ta như sau: 1- Vi khuẩn corona nguyên thủy là chủng L nay là chủng GV trong số 7 chủng chính; 2- các biến thể được gia tăng khi vi khuẩn được lây lan, vì biến thể là những gì thay đổi trong chất liệu di truyền ở một sinh vật; 3- chủng G bao gồm một biến thể giúp các gai protein của SARS-CoV2 dễ bám vào tế bào con người, có khả năng gia tăng nguy cơ lây nhiễm và lây lan của virus; 4- các nhà khoa học không thể dự đoán khi nào và bằng cách nào một biến thể có thể dẫn tới một chủng virus dễ lây nhiễm hơn, hoặc gây khó dễ cho vaccine; 5- Những thay đổi cho đến nay chưa dẫn tới các chủng có thể kháng lại vaccine đang được bào chế; 6- Điều quan trọng nhất là phải chặn đứng sự lây lan của virus và giảm cơ hội virus biến chủng.

 

Như thế, vi khuẩn corona càng tung hoành bằng những biến thể khôn lường của nó ở những nơi nào dám khinh thường nó, và không trân trọng phòng ngừa nó. Vậy thì có thể dễ dàng suy đoán và dự đoán rằng vi khuẩn corona đã trở thành đại dịch covid-19 toàn cầu là hoàn toàn do con người không chịu cẩn thận phòng chống, và cho dù ở những nơi cẩn thận phòng chống, chỉ cần sơ hở một chút vẫn có thể xẩy ra biến chủng, để gây ra lây nhiễm chủng mới, như từ Anh quốc hiện nay, cứ thế thì không biết bao giờ mới tận cùng thứ vi khuẩn biến hóa khôn lường của đại dịch covid-19 này, cho dù có chủng ngừa.

 

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 như thế nào?

Báo điện tử VNEpress ngày 18/12/2020

Làm thế nào để đăng ký thử vaccine? Điều kiện tham gia là gì? Thử vaccine được trả bao nhiêu tiền? Đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Tình nguyện viên thử vaccine có thể là một người giàu đức hy sinh muốn giúp cộng đồng chống lại nCoV, hoặc có thể là một người đang nhàm chán muốn tìm việc gì đó, hay đơn giản muốn kiếm vài trăm đôla bỏ túi.

Bất kể lý do gì, các nhà khoa học, đạo đức học, tình nguyện viên đã tham gia thử vaccine Covid-19 tại Mỹ đều cho rằng tham gia vào quá trình thử nghiệm mang ý nghĩa cực kỳ lớn. Nếu không có hàng trăm nghìn tình nguyện viên, sẽ chẳng thể nào có vaccine cho thế giới.

Tại Mỹ, có rất nhiều trang web để đăng ký làm tình nguyện viên thử vaccine nCoV. Trang Mạng lưới Phòng chống Covid-198 do Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia giúp kết nối các tình nguyện viên với thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba.

Còn trang web của Moderna, một nhà sản xuất dược lớn, hồi tháng 5 đã tìm kiếm khoảng 30.000 tình nguyện viên. Trang ClinicalTrials.gov cũng liệt kê nhiều nghiên cứu vaccine ở các giai đoạn khác nhau và COVID Dash, một cổng thông tin do một nhóm bác sĩ, chuyên gia lâm sàng và sinh viên quản lý, khuyến khích mọi người khắp thế giới tham gia thử nghiệm.

Thử nghiệm vaccine chia làm ba giai đoạn chính. Giai đoạn Một tập trung vào tính an toàn. Nếu tham gia, bạn có khả năng là một trong những người đầu tiên thử vaccine. Nghiên cứu viên sẽ theo dõi xem vaccine có ảnh hưởng tiêu cực tới bạn không, có khiến bạn sốt hay chóng mặt không. Thông thường, họ sẽ theo dõi vài chục người một lúc, sau đó kiểm tra định kỳ lại sau một năm.

Thời điểm tiêm vaccine, nhà phát triển không thể biết trước nó có ngăn được Covid-19 không. Nếu có, bạn cũng có rất ít cơ hội được tiêm đủ liều. Tuy nhiên, thử nghiệm Giai đoạn Một vẫn hấp dẫn tình nguyện viên vì các bác sĩ lâm sàng đôi khi đảm bảo họ sẽ được tiêm vaccine chứ không phải giả dược.

Giai đoạn Hai lớn hơn, cần sự tham gia của vài trăm người. Tại thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn theo dõi tác dụng phụ, nhưng cũng kiểm tra xem vaccine có tạo ra phản ứng miễn dịch hay không, theo Tiến sĩ Larry Corey, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson kiêm lãnh đạo Mạng lưới Phòng chống Covid-19.

Ông ví giai đoạn này như một vận động viên nhảy sào, sau khi vượt qua thử thách độ cao lần một, sẽ nâng thanh xà lên cao hơn để xem liệu mình có vượt qua được mức này không. Bởi vaccine chỉ tạo ra miễn dịch, không có nghĩa là nó đủ sức bảo vệ.

Chỉ có Giai đoạn Ba mới cho phép các nhà nghiên cứu xem xét liệu vaccine của họ có hoạt động hay không. Họ nghiên cứu bằng cách thử nghiệm trên hàng chục nghìn hoặc hàng trăm nghìn tình nguyện viên, cho một nửa hoặc 2/3 nhóm này tiêm vaccine, số còn lại tiêm giả dược hoặc sử dụng một biện pháp điều trị thay thế. Họ không để bất kỳ người nào phơi nhiễm nCoV, nhưng cố gắng thu thập một nhóm đủ lớn tại những địa điểm có nhiều ca nhiễm để có thể nghiên cứu dựa trên số người sẽ bị lây nhiễm trong đời thường. Sau đó, họ đánh giá xem liệu vaccine có giảm tỷ lệ nhiễm bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh hay không, Tiến sĩ Corey nói.

Không có gì đảm bảo tình nguyện viên được bảo vệ trước Covid-19 ở bất kỳ giai đoạn thử nghiệm nào, dù sản phẩm vaccine được quảng cáo hữu dụng tới đâu. Tất nhiên, với Giai đoạn Ba, có nhiều điều cho thấy vaccine hiệu quả hơn Giai đoạn Một. Nhưng có thể không phải do bạn đã được tiêm vaccine mà chỉ được tiêm giả dược.

Nir Eyal, giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học tại Trường y tế công Rutgers, cho biết các nhà nghiên cứu phải tiến hành tiêm vaccine và giả dược cùng lúc để tiến hành so sánh.

"Nếu không làm thế thì dựa vào đâu để so sánh kết quả?" ông nói.

Trong thời gian bùng phát dịch Ebola, một số nghiên cứu đã tiến hành mà không có nhóm để so sánh. Nhưng cuối cùng, đa số các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng nếu không có nhóm, về cơ bản, một nghiên cứu sẽ "chẳng đem lại kết luận gì" bởi "cũng giống nCoV, Ebola lây lan rất nhanh và rất khác tại những khu vực khác nhau, thời điểm khác nhau".

Tình nguyện viên có thể được nhận vài trăm USD hoặc vài nghìn USD, tùy giai đoạn.

"Những gì bạn đang làm là phải nhận đền bù cho thời gian và các vấn đề có thể sẽ gặp phải", Tiến sĩ Daniel Hoft, giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine thuộc Đại học Saint Louis, nói.

Các nhà tổ chức cố gắng tránh tạo ra động cơ tài chính nên dù có thể trả nhiều tiền hơn, họ cũng không làm thế.

"Nếu bạn làm vì tiền, hãy suy nghĩ lại", Arthu L. Caplan, một nhà đạo đức sinh học, nói. "Bạn đừng để tiền làm mờ mắt trước nguy cơ rủi ro gặp phải".

Nếu sức khỏe tình nguyện viên chuyển biến xấu sau khi tiêm vaccine thử nghiệm, các nhà phát triển vaccine có thể sẽ trả chi phí chữa bệnh nhưng thông thường, họ chỉ cam kết hoàn lại tiền cho công ty bảo hiểm của bạn, theo Tiến sĩ Caplan.

"Mà các công ty bảo hiểm thì hiếm khi chi trả cho bạn nếu bị ốm đau vì thử vaccine", ông nói. Vì vậy trước khi tham gia thử nghiệm, hãy đặt nhiều câu hỏi cho nhà phát triển như "Nếu tôi ốm nặng, điều gì sẽ xảy ra?"

Tiến sĩ Corey nói thêm trong một số trường hợp, đơn vị tiến hành thử nghiệm hoặc quỹ cứu trợ đại dịch của chính phủ Mỹ, có thể chi trả chi phí chữa bệnh cho tình nguyện viên.

Một câu hỏi nữa đang được tranh luận sôi nổi khắp thế giới là điều gì sẽ xảy ra nếu một tình nguyện viên sẵn sàng nhiễm nCoV để tăng tốc độ nghiên cứu khoa học.

Loại nghiên cứu vaccine này được gọi là "thử nghiệm thách thức", đòi hỏi tình nguyện viên phải tiêm hoặc uống vaccine sau đó cố tình phơi nhiễm với virus để xem liệu họ có bị nhiễm hay không.

Phương pháp này đang gây tranh cãi vì Covid-19 không có thuốc chữa và có thể gây tử vong. Nhưng nó cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc độ nghiên cứu đáng kể.

Hồi giữa tháng 7, các nhà khoa học Đại học Oxford tuyên bố sẽ sớm chiêu mộ các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm kiểu này. Tại Mỹ, một số nhà phát triển vaccine tỏ ý sẽ sớm tiến hành thử nghiệm tương tự.

Tiến sĩ Eyal tin rằng cách đạo đức nhất để tiến hành thử nghiệm bằng phương pháp này là tập trung vào những tình nguyên viên trẻ tuổi, khỏe mạnh, đáp ứng tiêu chí có thể không diễn biến thành bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, không có gì là đảm bảo và đó là lý do một số chuyên gia kiên quyết phản đối loại "thử nghiệm thách thức" này.

Một số tình nguyện viên sẵn sàng mạo hiểm. Trang web 1 Day Sooner đã mời mọi người đăng ký phương pháp này và chỉ trong ít tuần, đã có hơn 32.000 người từ 140 quốc gia đăng ký làm tình nguyện viên.

Nhận định:

 

Ngay từ khi nghe tin sắp sửa có thuốc chủng ngừa, thậm chí ngay từ khi theo dõi các loại chủng ngừa được nghiên cứu cho biết có công hiệu bao nhiêu phần trăm, tôi đã đặt vấn đề về ý nghĩa của từ ngữ "công hiệu". "Công hiệu" được các hãng dược nghiên cứu và sản xuất các thứ thuốc chủng ngừa đây nghĩa là gì? Trước hết, theo họ, "công hiệu" là ở chỗ không gây tác dụng phụ, hay gây phản tác dụng v.v..

 

Theo tôi, nếu hiểu như vậy thì chữ "công hiệu" chưa đầy đủ ý nghĩa và không đúng với mục đích của thuốc chủng ngừa. Vì một khi thuốc chủng ngừa được nói là "công hiệu" có nghĩa là "công hiệu" ở chỗ giúp cho người được tiêm chủng không sợ bị lây nhiễm vi khuẩn corona nữa, cho dù có tiếp xúc với nạn nhân cách nào đó, dù biết hay không biết. Khi đọc đến bản tin trên đây, tôi thấy được là những gì tôi nghĩ về ý nghĩas "công hiệu" nơi các loại thuốc chủng ngừa là đúng.

 

Ở phần cuối của bản tin này có đoạn như sau: "Một câu hỏi nữa đang được tranh luận sôi nổi khắp thế giới là điều gì sẽ xảy ra nếu một tình nguyện viên sẵn sàng nhiễm nCoV để tăng tốc độ nghiên cứu khoa học. Loại nghiên cứu vaccine này được gọi là "thử nghiệm thách thức", đòi hỏi tình nguyện viên phải tiêm hoặc uống vaccine sau đó cố tình phơi nhiễm với virus để xem liệu họ có bị nhiễm hay không. Phương pháp này đang gây tranh cãi vì Covid-19 không có thuốc chữa và có thể gây tử vong. Nhưng nó cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc độ nghiên cứu đáng kể".

 

Như thế thì dù có được chủng ngừa đi chăng nữa, vẫn phải tiếp tục phòng chống đại dịch covid-19 toàn cầu này, nhất là khi nó lại đang xẩy ra những biến chủng khác nhau, khôn lường, thậm chí có những trường hợp nạn nhân đã bị nhiễm, sau đó khỏi, rồi lại bị nhiễm tiếp, như trường hợp một lão bà cả trăm tuổi ở Ý quốc bị nhiễm đến 3 lần mà không chết. Cụ 101 tuổi ba lần nhiễm nCoV

(Xin theo dõi tiếp phần ba)