KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2018, 2019-2020

2021

 

 

 

SỐNG CÒN VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 TOÀN CẦU

 

TRONG NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA

 

 

 

Tổng hợp và nhận định: Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

 

Nội Dung

 

Dẫn nhập: Ngôn Sứ Lịch Sử

Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 4.500 người chết vì Covid-19 một ngày

Đa dạng Sinh thái: Thượng đỉnh ‘‘One Planet’’ mở đầu cho một năm quyết định

Ít nhất 33 nước đã ghi nhận ca mắc biến thể virus corona mới ở Anh

Virus corona chủng mới tiến hoá thế nào?

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 như thế nào?

Bộ Giáo lý Đức tin xác định: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức

WHO: Các nước giàu tranh mua khiến nước nghèo không có vac-xin Covid-19

Cảm giác sau khi tiêm vaccine Covid-19

Vatican bắt đầu chiến dịch chích ngừa virus corona

Covid-19: WHO cảnh báo đừng quá kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng

Covid-19 diễn biến thế nào vào 2021?

Đúc kết: Dấu Chỉ Thời Đại

 

 

Dẫn nhập: Ngôn sứ lịch sử

 

Không biết lịch sử thế giới loài người có tính cách recycle hay chăng, nghĩa là có đặc tính luân lưu hay chăng, nghĩa là lịch sử được lập lại theo chu kỳ bao nhiêu năm một lần, hay được lập lại tương tự giống nhau, trước cũng như sau, vào một thời điểm nào đó bất định không theo chu kỳ. Chỉ biết rằng, như chính lịch sử cho thấy, bất cứ cái gì đã lên tới tột đỉnh đều bị sụp đổ hết. Điển hình nhất là đề quốc Roma, lâu dài nhất và rộng lớn nhất trong tất cả mọi đế quốc trong lịch sử, thế rồi cũng đã hoàn toàn bị sụp đổ, chỉ còn lại một vài di tích lịch sử oai hùng ở Roma Ý quốc hiện nay.

Hay con người văn minh tân tiến ngày nay nói chung, và ở thế giới Tây phương nói riêng, về văn hóa, đã lên tới tột đỉnh nhân bản và nhân quyền, như được tỏ hiện rõ ràng trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 10/12/1948, nghĩa là con người đã hoàn toàn ý thức về bản thân mình, về phẩm giá làm người cùng với các quyền lợi và nghĩa vụ kèm theo. Nhưng tiếc thay, và oái ăm thay, hiện nay, càng văn minh về vật chất, về khoa học và kỹ thuật, thì lịch sử lại đang chứng kiến thấy con người bị khủng hoảng hơn bao giờ hết về nhân bản, ở chỗ, từ trên đỉnh văn hóa của mình, người ta đã, đang và tiếp tục nhân danh nhân quyền để xô nhau xuống vực thẳm, theo luật rừng, "mạnh được yếu thua", một cách vô luân và phi nhân, như phá thai, triệt sinh an tử và triệt sinh trợ tử, độc đoán, kỳ thị, đàn áp, bóc lột v.v.

 

Nếu lịch sử không có tính cách hay đặc tính luân lưu thì Chúa Giêsu đã không sử dụng những biến cố đã qua để cảnh báo thế hệ đương thời của Người:

"Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi." (Mathêu 11:21-24)

 

"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Luca 13:1-5)

 

Đúng thế, lịch sử loài người chẳng những là một môi trường của mạc khải thần linh, mà còn là chứng nhân cho mạc khải thần linh nữa, một lịch sử được Thiên Chúa biến thành lịch sử cứu độ, để thực hiện ý định của Ngài là "muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timôthêu 2:4), trước hết và trên hết, bằng chính Mầu Nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, "trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (1Timôthêu 2:5), cũng như bằng cả những cảnh báo lịch sử, như các trường hợp được trích dẫn trên đây, để nhờ đó, nhờ lịch sử đóng vai ngôn sứ thời đại của nó, Thiên Chúa nhắc nhở và kêu gọi loài người hãy luôn biết tỉnh thức và ăn năn sám hối kịp thời hầu được cứu độ.

 

Nếu quả thực lịch sử có tính cách luân lưu recycle như thế, thì phải chăng biến cố lịch sử đại hồng thủy và tầu Noe đã và đang được lập lại, vào ngay thời điểm sau Công Đồng Chung Vaticanô II (1962 - 1965), hay từ đầu thập niên 1970, thuộc hậu bán thế kỷ 20, sang đầu thiên niên kỷ thứ ba Kitô giáo, cho tới nay là đầu năm 2021. Ở chỗ nào? Ở chỗ, vào thời Noe, Thiên Chúa đã ngỏ ý muốn trút một trận đại hồng thủy xuống trái đất này, và bảo tổ phụ Noe đóng một chiếc tầu cứu vớt cho tương lai của trái đất (Sáng Thế Ký 6:5-7,11-14, 17-22: 

 

"ĐỨC CHÚA thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán: 'Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng'....  Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất.

 

"Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: 'Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực: này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất. Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bách. Ngươi sẽ làm tàu có những ngăn và lấy nhựa đen mà trám cả trong lẫn ngoài...  Phần Ta, Ta sắp cho hồng thuỷ, nghĩa là nước lụt, xuống trên đất, để tiêu diệt mọi xác phàm có sinh khí dưới gầm trời; mọi loài trên mặt đất sẽ tắt thở. Nhưng Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi; ngươi hãy vào tàu, ngươi cùng với các con trai ngươi, vợ ngươi và vợ của các con trai ngươi. Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái. Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng'. Ông Nô-ê đã làm như vậy; ông làm đúng như Thiên Chúa đã truyền cho ông".

 

Phải chăng Đức Thánh Cha Phanxicô đang đóng vai một tổ phụ Noe ngày xưa, được Thiên Chúa quan phòng thần linh sai đến để đóng tầu noe thời đại, trước nguy cơ gây ra bởi một trận đại lụt diệt vong của chung thiên nhiên tạo vật, cũng như của riêng loài người. Thật vậy, không phải tự nhiên mà vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội, "đến từ tận cùng trái đất" (Lời ngài tối ngày 13/3/2013), đã ban bố hai thông điệp đầu tay của ngài, một cặp thông điệp không hẹn mà hò hết sức liên kết mật thiết với nhau như bất khả phân ly, hoàn toàn trùng hợp với thời tổ phụ Noe, liên quan đến trái đất và liên quan đến tầu Noe.

 

Thông điệp liên quan đến trái đất và thiên nhiên vạn vật là thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si', ban hành ngày 24/5/2015, và thông điệp liên quan đến tầu Noe là thông điệp Tất Cả Anh Em Fratelli Tutti, ban hành ngày 3/10/2020, ngay trong mùa đại dịch covid-19 toàn cầu. Với thông điệp được viết vào thời điểm đại dịch covid-19 toàn cầu này cho thấy hình ảnh của một tầu Noe là nơi cả loài người lẫn động vật cùng nhau chung sống một cách an toàn. Và chỉ có những gì ở trên con tầu đại đồng này mới có thể sống sót qua tất cả mọi cuộc khủng hoảng lịch sử nói chung và khủng hoảng đại dịch covid-19 toàn cầu hiện nay mà thôi.

 

  1. Trong không gian suy tư về tình huynh đệ đại đồng này, tôi đặc biệt được cảm hứng cách bởi thánh Phanxicô Assisi, và cũng bởi những anh chị em khác ngoài Công giáo: như Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi, và còn nhiều người khác nữa. Nhưng tôi muốn kết thúc bằng cách tưởng nhớ một người có đức tin sâu sắc, một người, từ kinh nghiệm sâu sắc của mình về Chúa, đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi, cho đến khi cảm thấy mình là anh em với tất cả mọi người. Đó là Chân phước Charles de Foucauld.
  2. Với lý tưởng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, Chân phước Charles de Foucauld đã đi đến đồng hóa mình với những người nghèo, những người bị bỏ rơi ở những góc xa khuất nhất của sa mạc Phi Châu. Trong khung cảnh đó, ngài đã diễn tả ao ước cảm nhận mình là một người anh em của mọi người [286], và đã xin một người bạn rằng, “hãy cầu xin Chúa cho tôi thực sự là người anh em của tất cả mọi người” [287]. Cuối cùng, ngài muốn trở thành “một người anh em đại đồng”[288]. Dĩ nhiên, chỉ bằng cách tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nhất mà ngài đã có thể trở thành người anh em của tất cả mọi người. Nguyện xin Thiên Chúa khơi dậy những ước mơ này nơi mỗi chúng ta. Amen.

Với tất cả ý thức về hiện trạng thế giới loài người hiện nay, và theo chiều hướng của mạc khải thần linh như dấu chỉ thời đại trong lịch sử loài người, cũng như bằng tất cả nỗ lực hưởng ứng cùng đáp ứng những gì được vị đại diện Chúa Kitô trên trần gian hiện nay là Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác và kêu gọi, người viết này xin được trích dẫn lại các nguồn tin mới nhất, liên quan đến đại dịch covid-19 toàn cầu, kèm theo những nhận định cá nhân của mình, ở sau mỗi tin tức trong phần bài dưới đây.

 

 

Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 4.500 người chết vì Covid-19 một ngày

Báo điện tử VNEpress ngày 13/1/2021

(Nhan đề trên đây của tờ VNEpress cũng mang cùng ý nghĩa với nhan đề của tờ Báo điện tử TTO cùng ngày 13/1/2020: "Lại một ngày đen tối với nước Mỹ: Cứ mỗi phút lại có 3 người chết vì COVID-19")

Mỹ ghi nhận thêm gần 4.500 ca tử vong do Covid-19 hôm 12/1, cao nhất theo ngày kể từ đầu dịch.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế diễn ra ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ, đây là lần đầu tiên số người chết ở quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vượt qua con số 4.000 trong 24 giờ.

Theo thống kê của đại học John Hopkins, tính đến 20h30 tối 12/1, Mỹ ghi nhận hơn 235.00 ca nhiễm mới và 4.470 ca tử vong. Theo Dự án Theo dõi Covid-19, khoảng 131.000 người Mỹ đang nhập viện vì Covid-19.

Số người tử vong trung bình hàng tuần đang ở mức cao nhất từ khi bắt đầu đại dịch. Đối mặt với những con số nghiệt ngã này và sự hiện diện của biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, các nhà chức trách hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.

Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 11/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 9,3 triệu, chưa được nửa mục tiêu 20 triệu người năm 2020 và chưa đầy 10% dân số.

Quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này ghi nhận hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 388.000 ca tử vong. Tổng thống đắc cử Joe Biden bày tỏ mong muốn huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia và quân đội để phân phối vaccine, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng.

Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.

Nhận định:

Nếu theo dõi tình hình ở xã hội Mỹ quốc này thì khách quan có thể thấy ngay được lý do tại sao một quốc gia vốn được mang danh là đệ nhất cường quốc thế giới như Hoa Kỳ này, với hệ thống y khoa tối tân nhất, với các chuyên gia về dịch bệnh đứng hàng đầu thế giới, với các phương tiện truyền thông đóng vai trò lãnh đạo thế giới, mà lại trở thành một đệ nhất đại ổ dịch vi khuẩn corona. Theo cảm nhận cá nhân này thì nếu đại dịch covid-19 ở Mỹ không bị chính trị hóa thì xã hội này đã không nên nỗi như vậy.

Tuy nhiên, trong khi covid-19 càng ngày càng biến chứng nguy hiểm hơn, đến độ nó có thể gây ra cả những biến chứng về tâm thần của con người chính trị hóa covid-19, vẫn còn có thể cứu vãn, với điều kiện duy nhất và tối yếu, đó là nếu dân nước Hoa Kỳ này biết UNITED - biết kịp thời đoàn kết lại với nhau, và thực sự biết "IN GOD WE TRUST", nghĩa là biết thực sự tin vào một Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Mạc Khải Thánh Kinh thôi, một Vị Thiên Chúa bần cùng, tuân phục và xót thương, chứ không phải là một FAKE GOD, một thiên chúa ngẫu tượng được chính con người tạo dựng nên, theo chủ nghĩa duy nhân bản của họ..., đến độ, chính bản thân họ cũng đã trở thành FAKE NHÂN, phản ảnh thứ FAKE CHÚA của họ, bằng không, họ đã không có những tâm tưởng cùng tác hành không phải là một con người như Thiên Chúa muốn, hay như họ vẫn hãnh diện, nhờ đó họ đã không có những gì xẩy ra ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 6/1/2021 vừa rồi, một biến cố đã biến hình ảnh dân Mỹ trở thành Fake trước thế giới Hồi giáo mà Hoa Kỳ vẫn chủ trương tiêu diệt các lực lượng khủng bố ở đây, hay trước thế giới cộng sản là nơi vẫn bị Mỹ Quốc chỉ trích, thậm chí cấm vận, vì các thứ vi phạm nhân quyền ở đó.

Chính vì thế mà trong Huấn Từ Truyền Tin cho Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ngày 10/1/2021, sau khi nguyện Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô đã nói về biến cố ngày 6/1/2021 ở Hoa Kỳ như sau:

"Tôi gửi lời chào thân ái đến nhân dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đang bị rung động trước cuộc xâm chiếm Quốc Hội mới đây. Tôi cầu nguyện cho những ai đã bị mất đi mạng sống của mình - 5 người - bị mất đi vào những giây phút thê thảm ấy. Tôi xin lập lại rằng bạo lực bao giờ cũng là những gì tự diệt. Chẳng có gì chiếm được bằng bạo lực mà bị mất đi rất nhiều. Tôi tha thiết xin các vị có thẩm quyền của đất nước này và toàn thể dân chúng hãy tỏ ra một cảm quan trách nhiệm cao độ, để làm lắng đọng các tâm hồn, phát động việc hòa giải quốc gia, và bảo vệ các thứ giá trị dân chù đã được cắm rễ nơi xã hội Hoa Kỳ. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm là Quan Thày của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, làm sống động nơi họ văn hóa hội ngộ, văn hóa chăm sóc, như là đường lối chính yếu trong việc cùng nhau xây dựng công ích; và thực hiện nó với tất cả những ai sống ở đất nước này...."  

 

 

Đa dạng Sinh thái: Thượng đỉnh ‘‘One Planet’’ mở đầu cho một năm quyết định

Báo đài RFI Pháp quốc ngày 12/1/2021

Nhiều nhà hoạt động môi trường khẳng định năm 2021 là một năm có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến bảo vệ Đa dạng sinh học. Cuối năm nay, dự kiến nhân loại phải đạt được một thỏa thuận tương tự như Hiệp định Khí hậu Paris 2015, nhằm hãm lại đà diệt chủng của các giống loài sinh vật. Nếu không sẽ là quá trễ. 

Năm 2020, gần như mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ Đa dạng Sinh thái đã bị đình hoãn do đại dịch Covid. Thượng đỉnh trực tuyến «One Planet Summit» (Một Hành tinh Duy nhất), do Pháp đăng cai tổ chức, đã diễn ra hôm qua, 11/01/2021, với sự tham gia của khoảng 30 lãnh đạo quốc gia, người đứng đầu các định chế quốc tế. Thượng đỉnh tại Paris hôm qua được coi là sự kiện khởi đầu cho một năm mới, với Đa dạng Sinh học, được kỳ vọng sẽ là chủ đề trọng tâm của các nỗ lực hợp tác quốc tế trong năm 2021 này. 

Tại thượng đỉnh One Planet Summit, đã có rất ít cam kết tài chính được đưa ra, cũng như các cam kết cụ thể. Một trong các thành công được coi là đáng chú ý nhất trong thượng đỉnh One Planet Summit là đã cho phép hơn 50 quốc gia tập hợp thành một liên minh, với cam kết bảo vệ đa dạng sinh thái tại ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên các đại dương. Liên minh do Costa Rica, Pháp và Anh hậu thuẫn.

Dự kiến cái đích đầy kỳ vọng, bảo vệ đa dạng sinh thái trên gần một phần ba diện tích Trái đất, sẽ phải được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua tại thượng đỉnh Đa dạng Sinh thái lần thứ 15 (COP 15), tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc, tháng 9/2021. Hiệp định COP15 tại Trung Quốc sẽ vạch ra các định hướng chung cho phép bảo vệ các hệ sinh thái, và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong trung hạn, tức từ đây đến 2030, và dài hạn hơn, tức cho đến 2050.

Trái đất bị hâm nóng, các giống loài bị tuyệt diệt, dịch bệnh đủ loại

Thượng đỉnh One Planet Summit là một cơ hội cho phép giới lãnh đạo quốc tế một lần nữa thống nhất với nhau về mối liên hệ mật thiết giữa ba lĩnh vực : Trái đất bị hâm nóng, môi trường bị tàn phá và các giống loài bị tuyệt diệt, và sự bùng phát của đủ loại dịch bệnh, do các virus xuất phát từ môi trường thiên nhiên hoang dã, như đại dịch Covid-19 đang làm nhân loại điêu đứng hiện nay. Khí hậu bị hâm nóng, thiên nhiên bị tàn phá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dịch bệnh đáng sợ. Thống nhất về nguyên tắc để chuyển sang hành động một cách kiên quyết và hiệu quả.

Trong hiện tại, đã khoảng 15% diện tích đất liền và khoảng 7% diện tích đại dương được bảo vệ. Điều bị nhiều nhà hoạt động môi trường chỉ trích tại thượng đỉnh lần này là liên minh hơn 50 quốc gia nói trên đã không đưa ra các tiêu chí cụ thể, về cách thức bảo vệ 30% diện tích Trái đất như thế nào. Mục tiêu chưa rõ ràng nói trên cũng gây lo ngại cho rất nhiều cộng đồng dân cư bản địa, sợ nơi sinh sống truyền thống của họ bị nhiều thế lực nhân danh bảo vệ môi trường chiếm đoạt. Một điểm bị chỉ trích khác là ý tưởng đặt 10% diện tích Trái đất vào diện không gian được bảo vệ nghiêm ngặt, cũng không được thảo luận.

Một điểm đặc biệt đáng lo ngại khác là rất ít sự tham gia của các nước châu Á. Trung Quốc, quốc gia chủ nhà COP 15 về Đa dạng Sinh thái, cũng không tỏ ra sốt sắng. Đại diện cho Bắc Kinh tại One Planet Summit, một phó thủ tướng Trung Quốc, chỉ đưa ra kêu gọi chung chung về một « nỗ lực tập thể » trong thời gian tới.

Tóm lại, còn rất nhiều phải làm trước thượng đỉnh COP15 về Đa dạng Sinh học tại Trung Quốc, nếu cộng đồng quốc tế muốn đạt được một đồng thuận trong một lĩnh vực ngày càng được coi là mang ý nghĩa sống còn với nhân loại.

Nhận định:

"Đa dạng Sinh thái" ở đây, theo thiển kiến cá nhân, đó là sự sống của sinh vật trên trái đất này, bao gồm cả thực vật là loài cây cỏ, động vật là loài thú và linh vật là loài người, một loài vốn được gọi là "linh ư vạn vật". Lịch sử cận đại và hiện đại cho thấy càng ngày sự sống đa dạng bao gồm cả thực vật, động vật lẫn linh vật trên trái đất vốn được gọi là ngôi nhà chung này đang bị đe dọa trầm trọng, bởi chính con người, đến độ, thiên tai đã được đồng hóa với nhân tai, vì thiên tai do chính con người vô trách nhiệm và bất nhân vị kỷ gây ra.

Căn cứ vào nhưng chi tiết có vẻ tiêu cực trong bản tin trên đây thì Thượng đỉnh ‘‘One Planet" một hành tinh duy nhất sẽ đi đến chỗ thất bại ở COP 15 vào tháng 9/2021 ở Trung quốc, nơi đã tỏ thái độ khinh thường thượng nghị này, nên chỉ có cấp phó thủ tướng tham dự thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo chính của các quốc gia. Ngay cả Hiệp Định Khi Hậu Paris năm 2015 là một hiệp định đã được đồng lòng ký kết, bao gồm cả Hoa Kỳ cũng tham dự bấy giờ, những ký kết kèm theo những hứa hẹn giảm thiểu tình trạng hâm nóng toàn cầu dưới mức báo động, cho tới nay vẫn chưa đi đến đâu. Thế rồi Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Về Vấn Đề Thay Đổi Khí Hậu 25 - COP25 - trong thời khoảng từ 2-13/12/2019 đã không thành công, bởi không có sự tham dự của các cường quốc về kỹ nghệ vốn đứng đầu bảng phòng uế bầu không khí, như Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Phải chăng vì con người không chịu nhận trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên tạo vật, trái lại, đã khai thác trục lợi thiên nhiên tạo vật để hưởng thụ một cách vị kỷ như thế, một thiên nhiên tạo vật đã được Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã ban cho con người được quyền làm chủ (xem Khởi Nguyên 1:28-30), đồng thời Ngài cũng ủy thác cho con người nhiệm vụ "canh tác và chăm sóc đất đai" (Khởi Nguyên 2:15), mà câu ngạn ngữ của người Tây Ban Nha đã được ĐTC Phanxicô sử dụng vài lần, là "Thiên Chúa luôn tha thứ, con người có thể tha thứ nhưng thiên nhiên không bao giờ thứ tha" đã được ứng nghiệm. Ở chỗ, vi khuẩn corona chẳng những đã bắt đầu xuất hiện ngay vào thời điểm tháng 12/2019 này, mà còn bắt nguồn từ chính cường quốc chuyên gây ra dịch bệnh là Trung quốc, một quốc gia mà bầu trời thường bị lu mờ bởi kỹ nghệ phóng uế trầm trọng của họ. 

Nếu "khí hậu bị hâm nóng, thiên nhiên bị tàn phá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dịch bệnh đáng sợ", thì một khi con người nói chung, và thành phần lãnh đạo có thẩm quyền nói riêng, càng khinh thường và bất chấp những cảnh báo của khoa học, của Liên Hiệp Quốc, của các vị lãnh đạo tôn giáo nói chung, nhất là của ĐTC Phanxicô, thì chắc chắn "khí hậu bị hâm nóng, thiên nhiên bị tàn phá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dịch bệnh đáng sợ", như nạn đại dịch covid-19 toàn cầu hiện nay là một bằng chứng hiển nhiên bất khả chối cãi.

Chỉ tội nghiệp cho các nước nhược tiểu hay đang phát triển, có muốn cộng tác và thực hiện đến đâu chăng nữa, cho một trái đất xanh tươi đáng sống cho thế hệ của họ cũng như cho thế hệ con cháu của họ và toàn cầu trong tương lai cũng không được, bởi vị thế yếu kém và lẻ loi cô độc của họ, trái lại, chính ở nơi các đất nước đáng thương ấy, như các quốc gia ở Nam Mỹ hay Phi Châu hoặc Trung Đông, thường lại phải hứng chịu đủ mọi thứ thiên tai do chính những chính trị gia có thẩm quyền vô trách nhiệm và bất nhân gây ra, bởi không chịu hết mình giải quyết tình trạng hâm nóng toàn cầu và triệt đệ bảo vệ thiên nhiên tạo vật!  

Giờ đây, cũng chính các nước nhược tiểu, với hệ thống y tế nghèo nàn thiếu thốn hay cổ hủ, cũng bị đại dịch covid-19 tấn công như các nước giầu, một thiên tai gây ra bởi nhân tai, bởi nạn khai thác trục lợi vị kỷ, bằng việc phá rừng bừa bãi vô trách nhiệm, khiến các động vật hoang dã nói chung, cách riêng loài dơi, không còn có được một nơi trú ẩn ở thế giới riêng biệt của chúng và xứng hợp với chúng, nên đã vì bản năng sinh tồn, đành phải tản mát đi khắp nơi khắp chốn tìm nơi nương náu, một hiện tượng có thể so sánh như thành phần dân chúng ở những vùng bất ổn về chính trị và quân sự, bất đắc dĩ phải ào ạt di tản, mang thân phận di cư và di dân, từ Trung Đông chạy sang Âu Châu, qua lối Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014, liên tục kéo dài vào những năm sau đó nữa. Loại dơi buộc phải di tản này có thể bay đến sinh sống với loài thú được loài người nuôi ăn thịt, như bò hay heo ở ngoài trời, khiến các thứ vi khuẩn hoang dại, như vi khuẩn corona, được dịp lây lan từ dơi sang thú vật được con người nuôi ăn thịt, sau đó sang chính những ai ăn thịt gia súc.

Phải chăng thành phần dân chúng vô tội lại bần cùng nghèo khổ, còn chịu thêm tai ương hoạn nạn gây ra bởi thiên tai oan nghiệt như thế, là để đền tội cho một thiểu số anh chị em tham quyền vị kỷ của mình nói riêng, nhất là để cho trái đất này được tồn tại cho đến thời điểm chung thẩm, thời điểm Chùa Kitô "lại đến trong vinh quang, để phán xèt kẻ sống và kẻ chết"!

(xin đón xem tiếp phần hai)