Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Bốn Mùa Sống Đời Kitô Hữu

(Tiếp theo loạt bài Mùa Xuân Muôn Thuở Maria và Chúc Xuân Chúc Tuổi Chúc Phúc)

 Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

Nội Dung:

Lịch Sử Loài Người - Mùa Xuân Hy Vọng

Lịch Sử Cứu Độ - Thời Gian Viên Mãn

Hành Trình Đức Tin - Bốn Mùa Sống Đạo

Lịch Sử Mùa Đông - Tận Cùng Tột Đỉnh

 

 

Lịch Sử Loài Người - Mùa Xuân Hy Vọng

 

Đúng thế, nếu trước nguyên tội chỉ có Mùa Xuân Muôn Thuở, Mùa Xuân Thái Hòa, Mùa Xuân Duy Nhất, hội đủ 3 yếu tố bất khả thiếu làm nên mùa xuân đó là mới mẻ về thời gian, tươi trẻ về không gian và vui vẻ về nhân gian, thì sau nguyên tội chỉ còn lại Mùa Xuân Lịch Sử như hiện nay, Một Trong Bốn Mùa xuân hạ thu đông trong trời đất này thôi.

Bởi tất cả 3 yếu tố làm nên mùa xuân đích thật, liên quan đến thời gian, không gian và nhân gian là mới mẻ, tươi trẻ và vui vẻ đã vĩnh viễn không còn nữa: thời gian trở thành tăm tối bởi con cựu xà satan (xem Khởi Nguyên 3:15), không gian ngay từ ban đầu đã bị Satan "gieo cỏ lùng" (Mathêu 13:25), khiến "đất đai bị nguyền rủa" và từ đất đã "mọc lên gai góc" (Khởi Nguyên 3:17-18), và nhân gian đã phải mang nặng đẻ đau nơi nữ giới (xem Khởi Nguyên 3:16), và nơi nam giới phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có thể sinh sống, cho tới khi con người nói chung trở về với đất bụi (xem Khởi Nguyên 3:19).

Tuy nhiên, chính trong lịch sử của loài người, một lịch sử mà chính con người, qua hai nguyên tổ, đã "yêu tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19) này, lại trở thành Lịch Sử Cứu Độ cho con người, lại trở thành môi trường vô cùng thuận lợi để "ánh sáng thật chiếu soi nhân loại đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), một "ánh sáng đã chiếu soi trong tăm tối, thứ tăm tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5), nhờ đó, chính lịch sử của con người chẳng những là Khấu Trường cho Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa, mà còn là Chứng Nhân cho Mạc Khải Thần Linh của Vị "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5), của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16), "Đấng yêu thương chúng ta trước" (1Gioan 4:19), Đấng "đến thời viên trọn đã sai Con Mình hạ sinh bởi một người nữ" (Galata 4:4), "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), để mở màn cho Thời Cánh Chung, "thời sau hết" (Do Thái 1:2), thời của một Mùa Xuân Viên Mãn Sự Sống, được ban tặng bởi "Vị Chủ Chiên nhân lành đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).

Thật vậy, cho dù con người, sau nguyên tội, tự mình đã vĩnh viễn làm mất đi Mùa Xuân Nguyên Thủy công chính, Mùa Xuân Thái Hòa trời đất, nhưng chính Tình Yêu Thiên Chúa vẫn tiếp tục ở với con người vô cùng đáng thương, không bao giờ ruồng bỏ họ, qua Lời Hứa Cứu Độ ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), cho dù ngay bấy giờ con người không tỏ dấu nhận lỗi của mình và xin lỗi Thiên Chúa, mà con người vẫn tiếp tục sống trong một Mùa Xuân Hy Vọng, cho đến khi "trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa" (Khải Huyền 21:1), nghĩa là cho tới khi "Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn chết chóc; cũng chẳng còn tang tóc, chẳng còn kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất", vào chính lúc Đấng "là Alpha và là Omega... là nguyên ủy và là cùng đích" (Khải Huyền 1:8,17) "canh tân lại tất cả mọi sự" (Khải Huyền 21:5).

Một khi Mùa Xuân Lịch Sử, Mùa Xuân Hy Vọng của con người trên thế gian này, ngay từ ban đầu sau nguyên tội, đã được trở thành Lịch Sử Cứu Độ, và vào tận điểm của Thời Cánh Chung được trở thành một  "trời mới và đất mới" (Khải Huyền 21:1), thay thế cho "trời cũ đất cũ đã biến mất ("trời cũ đất cũ" ám chỉ muôn vật vô hình và hữu hình của 6 ngày tạo dựng ban đầu đã được thay thế), và biển cũng chẳng còn ("biển" ám chỉ các biến động lịch sử theo chiều hướng xung khắc nơi con người ở Thư Roma 7:15,18-19, và quằn quại rên xiết của tạo vật ở Thư Roma 8:22, đã được biến đổi)" (Khải Huyền 21:1), thành một Mùa Xuân Viên Mãn, một Mùa Xuân Vĩnh Hằng, một Mùa Xuân Hiệp Thông, một Mùa Xuân Sự Sống, Một Mùa Xuân, đúng như được Khải Huyền (21:23-25) đã diễn tả: "Chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. Các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó. Ngày nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng, vì ở đấy sẽ chẳng có đêm"!

 

Lịch Sử Cứu Độ - Thời Gian Viên Mãn

 

Thế nhưng, trong khi chờ đợi trong Mùa Xuân Lịch Sử là Mùa Xuân Hy Vọng, và trước khi đến Mùa Xuân Viên Mãn, Mùa Xuân Vĩnh Hằng cũng là Mùa Xuân Hiệp Thông, Mùa Xuân Sự Sống như thế, con người vẫn phải trải qua chu kỳ của thời gian bốn mùa xuân hạ thu đông, một chu kỳ chẳng những xẩy ra trong thời khoảng 1 năm 365 ngày, mà còn trong thời đoạn một ngày sống 24 tiếng, và thời gian một đời sống của con người nữa.

Ở chỗ: Nếu Xuân là mùa đầu tiên trong bốn mùa của một năm sống, thì một ngày sống bao giờ cũng được mở màn với mùa xuân, từ rạng đông tới trưa, và một đời sống bao giờ cũng được bắt đầu bằng tuổi thanh xuân, từ khi mới sinh cho đến 20 tuổi. Nếu Hạ là mùa thứ hai, tiếp ngay sau mùa xuân, thì một ngày sống vào mùa hạ từ chính ngọ ban trưa tới 3 giờ ban chiều, và một đời sống mùa hạ có thể được tính từ tuổi đời 21 tới 40. Nếu Thu là mùa thứ ba sau mùa hạ, thì một ngày sống sang mùa thu, từ sau 3 giờ chiều đến khi mặt trời lặn, có thể tới 7 hay 8 giờ tối vào mùa hè, và một đời sống mùa thu từ tuổi đời 41 đến 60, tuổi được giáo luật cho phép chước chay vào những ngày luật buộc. Cuối cùng, nếu Đông là mùa thứ tư sau mùa thu, thì ngày sống vào mùa đông từ khi mặt trời lặn chiều hôm trước, cho tới rạng đông hôm sau, và một đời sống mùa đông ở vào tuổi về hưu sau 60 cho tới khi nhắm mắt xuôi tay lìa đời.

Vấn đề được đặt ra ở đây là trong bốn mùa xuân hạ thu đông theo lịch sử từ sau nguyên tội cho tới ngày cùng tháng tận đây thì mùa nào là mùa chính yếu nhất và là mùa quan trọng nhất? Theo tâm lý của lòng người thì chắc chắn là Mùa Xuân. Tuy nhiên, theo chu kỳ triển nở thì lại là Mùa Hạ, mùa tràn đầy ánh sáng và năng lượng, những yếu tố bất khả thiếu để sinh vật nẩy nở, sống động, và phát triển. Có thể nói, Mùa Xuân là mùa tái sinh sau mùa đông chết chóc của sinh vật, bao gồm cả thực vật, động vật và nhân vật, nhưng sinh vật chỉ nẩy nở và phát triển mãnh liệt nhất trong mùa hạ mà thôi. Như thế, phải công nhận rằng Mùa Hạ là mùa chính yếu nhất và quan trọng nhất, cả về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên.

Trong công cuộc cứu chuộc và về phụng vụ của Giáo Hội cũng thế. Không phải hay sao, Mầu Nhiệm Tử Giá của Chúa Kitô, một biến cố cho thấy tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa và về Thiên Chúa: "Khi nào quí vị treo Con Người lên, quí vị sẽ biết LÀ Tôi" (Gioan 8:28), theo thiên định, không xẩy ra ở một thời khắc nào khác trong ngày, như vào buổi sáng hay buổi chiều hoặc buổi tối, mà vào buổi trưa, từ chính ngọ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều: từ 12 giờ trưa vì là lúc tổng trấn Philato chấp nhận tuyên án tử giá cho Chúa Kitô vô tội (xem Gioan 19:14-16), tới 3 giờ chiều (xem Luca 23:44), vì là thời khắc Chúa Kitô than kên lời cuối cùng của cuộc đời ở trên thập tự giá: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở" (Luca 23:46).

Nếu Biến Cố Tử Giá xẩy ra trong thời điểm Mùa Hạ của một ngày sống này, thì Mùa Xuân Cứu Độ phải xẩy ra ngay trước đó, ngay trước Biến Cố Khổ Nạn và Tử Giá, mà tột đỉnh của Mùa Xuân Cứu Độ bấy giờ là ở nơi biến cố Chúa Giêsu tiến vào Thành Thánh Giêrusalem vào buổi sáng Chúa Nhật Lễ Lá, và Mùa Thu Cứu Độ được xẩy ra ngay sau đó, ngay sau Biến Cố Khổ Nạn và Tử Giá, ở nơi biến cố táng xác Người vào huyệt đá, vào buổi chiều Thứ Sáu, trước khi bước vào thời khắc của Ngày Hưu Lễ, và tất nhiên sau đó, sau Mùa Thu Cứu Độ bấy giờ là Mùa Đông Cứu Độ, thời gian Chúa Kitô ở trong hang mộ tử thần, kéo dài cho tới khi Người sống lại từ trong kẻ chết, mở màn cho một Mùa Xuân Hiệp Thông, được tái sinh bởi cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trong lịch sử của loài người, một Mùa Xuân Hiệp Thông chẳng những của "muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người... được giải thoát, ... được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang" (Roma 8:19-21), mà nhất là của riêng Giáo Hội được Người thiết lập trên trần gian này như một dấu hiệu hiệp thông (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân 1:1).

Theo chiều hướng Bốn Mùa Cứu Độ như thế, liên quan đến chính bản thân của Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Độ, Phụng Vụ của Giáo Hội cũng được diễn tiến theo chu kỳ 4 mùa xuân hạ thu đông như thế này: Mùa Phụng Vụ có thể được gọi là Mùa Xuân là Mùa Giáng Sinh, mở đầu bằng Mùa Vọng, mùa hy vọng đợi trông, bao gồm cả Mùa Thường Niên tiếp theo Mùa Giáng Sinh; Mùa Phụng Vụ có thể được gọi là Mùa Hạ được bắt đầu từ Mùa Chay, và đạt đến tột đỉnh nơi Tuần Thánh nói chung và Tam Nhật Vượt Qua nói riêng, rồi sinh động vào Mùa Phục Sinh. Mùa Phụng Vụ có thể được gọi là Mùa Thu và Mùa Đông là Mùa Thường Niên tiếp ngay sau Mùa Phục Sinh, trong đó, Mùa Phụng Vụ có thể gọi là Mùa Thu bao gồm đa số các bài Phúc Âm, bài đọc chính trong phần phụng vụ Lời Chúa, liên quan đến thân phận vốn thường bất hạnh của Chúa Kitô, khi Người thực hiện thừa tác vụ thiên sai của Người, ở chỗ Người bị chống đối bởi những tâm trí mù quáng và cứng cỏi của thành phần trí thức Do Thái giáo, hay bị lầm tưởng bởi chung dân Do Thái, nhất là bởi cả thành phần môn đệ của Người bấy giờ, và Mùa Phụng Vụ có thể được gọi là Mùa Đông là Mùa Thường Niên ở những tuần lễ cuối cùng, liên quan đến những bài Phúc Âm về ngày cùng tháng tận.

 

Hành Trình Đức Tin - Bốn Mùa Sống Đạo

 

Cuộc hành trình đức tin trần thế của thành phần Kitô hữu là môn đệ của Chúa Kitô cũng có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông theo chu kỳ tuần hoàn tự nhiên trước sau theo nhau này.

Trước hết, theo phụng vụ các Bí Tích, thì Mùa Xuân của hành trình đức tin được bắt đầu vào lúc Kitô hữu lãnh nhận phép rửa tái sinh; Mùa Hạ của hành trình đức tin đạt đến tột đỉnh khi họ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức; Mùa Thu của hành trình đức tin là khi họ lãnh nhận Bí Tích thống hối hòa giải; và Mùa Đông của hành trình đức tin ở vào lúc họ lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Thánh.

Sau nữa, hành trinh đức tin chẳng những liên quan đến phụng vụ các bí tích, như vừa được suy diễn và phân tích trên đây, mà còn liên quan đến cả tiến trình tu đức của Kitô hữu nữa, nghĩa là liên quan đến đời sống đức tin hay sống đạo của họ, bao gồm cả 2 phương diện tiêu cực lẫn tích cực.

Về phương diện tiêu cực thì hành trình đức tin sống đạo của Kitô hữu có thể diển tiến như thế này:

Mùa Xuân sống đạo là khi họ được ơn Chúa ban và cảm thấy được an ủi và sốt sắng, như lúc họ tham dự tĩnh tâm hay sau mỗi lần xưng tội, nhất là những lần họ thi hành các việc lành phúc đức và đạo đức v.v. Mùa Hạ sống đạo là những hy sinh hãm mình họ tự ý khổ chế, cùng với các hoạt động bác ái xã hội và tông đồ của họ v.v. Mùa Thu sống đạo là khi họ cảm thấy khô khan nguội lạnh, chàn chường, chẳng muốn làm gì hết, thậm chí buông bỏ tất cả những gì đã thực hiện trong Mùa Xuân hay Mùa Hạ sống đạo của họ trước đó v.v. Mùa Đông sống đạo là lúc họ cố tình phạm các thứ tội nói chung, nhất là tội trọng, hoàn toàn mất ơn nghĩa Chúa, mất hết mọi công phúc lập được trước đó.

Về phương diện tích cực thì hành trình đức tin của Kitô hữu có thể diễn tiến như thế này:

Mùa Xuân là mùa họ nhận được dồi dào ân sủng Chúa ban cho họ, bao gồm cả các tác động thần linh nơi họ; Mùa Hạ là mùa họ đáp ứng các tác động thần linh của Chúa nơi họ, bằng đức ái trọn hảo, qua chứng từ trung thực và sống động của họ, nhất là khi họ phải chịu đau khổ thử thách, như một cành nho đã sinh hoa trái bị cắt tỉa đi cho càng sinh hoa trái hơn (xem Gioan 15:2); Mùa Thu là lúc họ trở thành trò hề trước mắt thế gian, bị thế gian khinh khi chống đối, bị hiểu lầm và loại trừ v.v.; và Mùa Đông là lúc họ trở thành hạt lúa miến mục nát đi (xem Gioan 12:24), khi họ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Kitô, hay khi họ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi hậu quả gây ra bởi tội nhân, để chuyển cầu cho tội nhân được rỗi, nghĩa là họ âm thầm yêu thay đền thay cho tội nhân, bằng cách "bù đắp những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì nhiệm thể Người là Giáo Hội" (Colose 1:24). 

Tóm lại, hành trình đức tin sống đạo bốn mùa xuân hạ thu đông, về phương diện tiêu cực là đi từ tốt lành đến tội lỗi, một thứ sống đạo chỉ có tính cách thuần đạo đức và chỉ dừng lại ở tầm mức đạo đức thôi, trong khi đó, hành trình đức tin sống đạo bốn mùa xuân hạ thu đông, về phương diện tích cực, lại đi từ sự sống đến sự sống viên mãn hơn, hoàn toàn có tính cách thánh thiện và ở tầm mức trọn lành.

Tuy nhiên, hành trình đức tin của chúng ta, theo chiều hướng sống đạo, dù tiêu cực hay tích cực, chúng ta vẫn sống trong Lòng Thương Xót Chúa vô biên thôi, không thể nào bị hư đi được, một Lòng Thương Xót Chúa có thể ví như là Biển Chết ở Thánh Địa vậy, nơi một khi chúng ta xuống tắm ở đó, dìm mình trong đó, nếu không biết bơi đi nữa, cũng không thể nào bị chìm đắm, thậm chí có muốn chìm chăng nữa, bởi nồng độ quá mặn của nó làm cho thân mình chúng ta chỉ nổi và phải nổi, trái lại, nhờ trọng lực nâng đỡ của nó như thế, chúng ta tha hồ mà bơi lộ và lặn ngụp. Chỉ trừ duy một trường hợp chúng ta bị chết đuối không thể cứu vãn ở vùng Biển Chết bất khả chìm đắm này, đó là chúng ta làm cho Biển Chết này mất đi nồng độ thật mặn của nó, bằng một chất duy nhất có thể vô hiệu hóa trọng lực tư nhiên bẩm sinh của Biến Chết Lòng Thương Xót Chúa này, đó là hợp chất ngờ vực và chối bỏ Lòng Thương Xót Chúa, thế thôi!

 

Lịch Sử Mùa Đông - Tận Cùng Tột Đỉnh

 

Trong thời điểm thương xót hiện nay, được khơi động bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, "vị đã trực giác thấy thời điểm thương xót", như Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận trong lần gặp gỡ với hàng giáo sĩ Roma vào đầu Mùa Chay 2014 ngày 6 tháng 3, thì quả thực thế giới loài người hiện nay đang ở vào giai đoạn Lịch Sử Mùa Đông, đầy những tối tăm và chết chóc, những yếu tố và cũng là dấu hiệu thực sự của mùa đông:

Tối tăm ở chỗ đầy những thứ fake, dối trá và lừa đảo đủ thứ, đủ kiểu, đủ cách và về đủ mọi phương diện, chứ không phải chỉ toàn fake news, đến độ chính bản thân con người cũng trở thành fake, trở thành thật là dị dạng đến quái dạng, như được công khai bộc lộ hay tỏ hiện nơi những ý nghĩ, chọn lựa, ngôn từ, tác hành và phản ứng kinh hoàng khủng khiếp của họ, ngay giữa thời đại văn minh tân tiến về vật chất và nhân bản về tự do nhân quyền, điển hình nhất là hiện tượng chuyển giới và thay giống, hay hiện tượng đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân v.v.

Chết chóc, càng ngày càng gia tăng đến độ thế giới loài người này đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gán ghét cho nhãn hiệu "văn hóa sự chết", một nền văn hóa sự chết xuất phát từ lòng người, từ những gì là vị kỷ chia rẽ, thậm chí đi đến chỗ hận thù ghen ghét nhau, nên đã dám ngang nhiên ra tay dã man sát hại lẫn nhau, thậm chí kể cả ruột thịt của mình, bằng cách phá thai, bằng việc triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tử, hay bằng các thứ chiến tranh cố ý gây ra để bán vũ khí, bằng các cuộc khủng bố tấn công, bằng cách biến nhân tai thành thiên tai v.v.

Thế nhưng, nếu trong 6 ngày tạo dựng, tiến trình đi từ bất toàn đến thành toàn thế nào: "qua một buổi chiều và một buổi sáng" (Khởi Nguyên 1:5,8,13,19,23,31), thì chu kỳ Mùa Xuân Lịch Sử, Mùa Xuân sau Nguyên Tội, Mùa Xuân Hy Vọng Cứu Độ, cũng thế, cũng sẽ đi đến tận cùng của nó vào giai đoạn Lịch Sử Mùa Đông, để rồi, chính tận điểm này lại là tột đỉnh, ở chỗ, sau đó Lịch Sử Mùa Đông mới tiến sang Mùa Xuân Canh Tân, theo dự án thần linh của Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng, vị Thiên Chúa là chủ tể muôn loài và lịch sử loài người. Và đó là lý do, kết thúc bài huấn từ về ngày cùng tháng tận của mình, ngay sau khi tỏ cho các môn đệ biết về các dấu chỉ khủng khiếp và kinh hoàng liên quan đến cả thời gian và không gian lẫn nhân gian, Chúa Kitô đã cho các vị thấy "ánh sáng cuối đường hầm", cho các vị thấy được "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes", ở nơi một hình ảnh rất cụ thể theo định luật tuần hoàn của thiên nhiên như sau:

"Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần".

Trong lời kết cho câu chuyện tận thế có hậu trên đây của Chúa Kitô, chúng ta thấy hình ảnh hai trong 4 mùa, đó là Mùa Xuân và Mùa Hạ: Mùa Xuân ở chỗ "khi cây đâm chồi", và Mùa Hạ ở chỗ "thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi", vì mùa xuân báo hiệu mùa hạ, và vì thế nếu Mùa Xuân liên quan đến Sự Sống Tái Sinh, (sau mùa thu tàn tạ và mùa đông chết chóc), thì Mùa Hạ liên quan đến Sự Sống Viên Mãn, một Sự Sống Viên Mãn được bắt đầu từ mùa xuân, đồng thời cũng làm cho mùa xuân được nên trọn, và tự mình, mùa xuân được trở thành Mùa Xuân Hiệp Thông Sự Sống, nhất là cho những ai đã từng liên lỉ sống trong Mùa Xuân Hy Vọng Cứu Độ:

"Vào lúc cuối thời, Người đã xuất hiện chỉ một lần duy nhất để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Giống như con người phải chết một lần, rồi sau đó phải chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai thiết tha trông đợi Người". (Do Thái 9:26-28).

Bởi thế, để có thể tiến từ Mùa Xuân Hy Vọng Cứu Độ trong Mùa Xuân Lịch Sử sang Mùa Xuân Hiệp Thông Sự Sống, Kitô hữu cần phải tiếp tục hành trình đức tin trần thế của mình như thành phần năm cô trinh nữ khôn ngoan, những co trinh nữ khôn ngoan cẩn thận mang theo dầu đức cậy cho cây đèn đức tin để sáng lên đức ái, nhờ đó, vừa nghe thấy tiếng hô "Chàng Rể đến, hãy ra đón Chàng", Kitô hữu chúng ta có thể hân hoan cùng Chàng Rể tiến vào tiệc cưới (xem Mathêu 25:1-10) là cuộc Hiệp Thông Sự Sống Thần Linh vĩnh hằng trong Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần. Amen!

 

Đột hứng ngày Thứ Hai 25/2/2021

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL