Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

HỌC HỎI THÔNG ĐIỆP CHÚC TỤNG CHÚA LAUDATO SI'

 

 

Trước hết là Tổng Quan về từng Chương, theo lời của ĐTC Phanxicô được trích lại từ phần Dẫn Nhập

Sau đó, trích nguyên văn một số câu tiêu biểu của ĐTC viết quan trọng trong từng Chương được học hỏi,

từ bản dịch của Caritas Việt Nam  https://caritasvietnam.org/datafiles/files/Laudato%20Si%20_final-version.pdf

Cuối cùng là Cảm Nhận Đúc Kết riêng của bản thân người học hỏi này về từng chương của bức thông điệp

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL,

NỘI DUNG  

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Tổng Quan của Hội Ðồng Tòa Thánh "Công lý và Hòa bình"

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Dẫn Nhập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 1: Ðiều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 2: Tin Mừng về sự sáng tạo

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 3: Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 4: Một nền môi sinh học toàn diện

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 5: Vài đường nét định hướng và hành động

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 6: Giáo dục và linh đạo môi sinh học

Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta và Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo

  

Chương II

 Tin Mừng về sự sáng tạo

[62-100]

I. Ánh sáng do đức tin mang lại [63-64]

II. Sự khôn ngoan của các trình thuật Kinh Thánh [65-75]

III. Mầu nhiệm vũ trụ [76-83)

IV. Sứ điệp của mỗi thụ tạo trong sự hòa hợp của toàn thể công trình tạo dựng [84-88]

V. Một sự hiệp thông đại đồng [89-92]

VI. Của cải để mưu ích cho mọi người [93-95]

VII. Cái nhìn của Chúa Giêsu [96-100]

 

Tổng Quan

"Tôi sẽ suy xét một số nguyên tắc được lấy từ truyền thống Kitô giáo – Do Thái

là truyền thống có thể làm cho sự dấn thân của chúng ta đối với môi trường được thống nhất hơn".

 (Dẫn Nhập - Đoạn 15)

Trích Dẫn

I. Ánh sáng do đức tin mang lại [63-64]

63- ... Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến việc phát triển một hệ sinh thái có khả năng khắc phục sự huỷ hoại mà chúng ta đã gây ra, thì không một ngành khoa học nào và không một hình thức khôn ngoan nào có thể bị loại trừ, bao gồm cả tôn giáo và ngôn ngữ đặc trưng của nó. Hội Thánh Công giáo mở ra cho cuộc đối thoại với tư tưởng triết học; điều này giúp cho Hội Thánh tạo ra những tổng hợp khác nhau giữa đức tin và lý trí. Sự phát triển của học thuyết xã hội của Hội Thánh đại diện cho một sự tổng hợp như thế khi xét đến các vấn đề xã hội; giáo huấn này được mời gọi để trở nên phong phú hơn bằng việc mang lấy những thách đố mới...

II. Sự khôn ngoan của các trình thuật Kinh Thánh [65-75]

65- ... Những người đang dấn thân để bảo vệ phẩm giá con người có thể tìm thấy trong đức tin Kitô giáo những lý do sâu xa nhất cho sự dấn thân này. Thật tuyệt vời biết bao khi chắc chắn rằng mỗi sự sống con người đều không bị trôi dạt trong mớ hỗn mang vô vọng, trong một thế giới được điều khiển bởi cơ hội thuần tuý hay những vòng luẩn quẩn tái diễn bất tận! Đấng Tạo Hóa nói với mỗi người chúng ta: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5)...

66- ... Sự hoà hợp giữa Đấng Tạo Hóa, nhân loại và tạo thành đã bị đoạn tuyệt do con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn thụ tạo của mình. Điều này còn bóp méo lệnh truyền “làm bá chủ” toàn thể trái đất (x. St 1,28), lệnh truyền “canh tác và gìn giữ trái đất” (St 2,15). Hậu quả là mối tương quan hoà hợp nguyên thuỷ giữa con người và thiên nhiên trở nên xung đột (x. St 3,17-19)... Đây là tiếng than khóc vang xa xuất phát từ hoàn cảnh của chúng ta ngày nay, nơi mà tội lỗi tỏ hiện trong tất cả sức mạnh huỷ diệt của chiến tranh, các hình thức bạo lực và lạm dụng, bỏ rơi những người yếu đuối và tấn công vào thiên nhiên.

67. Chúng ta không phải là Thiên Chúa. Trái đất đã có trước chúng ta và đã được ban tặng cho chúng ta. Điều này giúp chúng ta đáp trả vấn nạn mà theo tư tưởng Do Thái - Kitô Giáo, trên nền tảng của trình thuật Sáng Thế về việc con người “thống trị” trên toàn trái đất (x. St 1,28), đã cổ võ một sự khai thác thiên nhiên không kiềm chế qua việc vẽ nên hình ảnh con người bị thiên nhiên thống trị và huỷ diệt... Do đó Thiên Chúa từ khước mọi tuyên bố sở hữu tuyệt đối: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23).

68. Trách nhiệm với trái đất do Thiên Chúa tạo nên cũng có nghĩa là con người, được phú bẩm sự thông minh, phải tôn trọng các quy luật của tự nhiên và thế quân bình mỏng manh tồn tại giữa các loài thụ tạo của thế giới này...

69. Cùng với nghĩa vụ biết sử dụng các tài nguyên của trái đất một cách có trách nhiệm, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng những loài thụ sinh khác đều có một giá trị riêng trong mắt Thiên Chúa... Trong thời đại của chúng ta, Hội Thánh không có ý nói rằng các loài thụ tạo khác hoàn toàn thuộc về thiện ích của con người, như thể chúng không tự có giá trị gì và có thể bị đối xử như chúng ta muốn...  Do đó, con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng biệt của mọi loài thụ tạo, xa tránh việc sử dụng cách vô trật tự mọi thứ”.

70- ... Những câu chuyện xưa này, (câu chuyện Cain và Aben: Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra”; câu chuyện ông Nôe: Thiên Chúa đe doạ sẽ xoá bỏ nhân loại vì con người không chịu chu toàn những đòi hỏi của công lý và hoà bình) đầy tính biểu tượng, làm chứng cho niềm xác tín chúng ta chia sẻ hôm nay, rằng mọi sự có mối liên hệ qua lại, việc chăm sóc đích thực đời sống của chúng ta và các mối tương quan...

71. Mặc dù “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất” (St 6,5) và Thiên Chúa “hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 6,6), tuy nhiên, qua ông Nôe, một người vô tội và ngay chính, Thiên Chúa quyết định mở ra một con đường cứu độ. Bằng cách này Người đã ban cho nhân loại cơ hội một khởi đầu mới. Điều cần là một người tốt lành để khôi phục niềm hy vọng! Truyền thống Kinh Thánh cho thấy sự đổi mới này đi kèm với việc khôi phục và tôn trọng các nhịp điệu đã được bàn tay của Đấng Tạo Hóa khắc ghi trong thiên nhiên... quà tặng của trái đất với các hoa trái của nó thuộc về mọi người. Những ai canh tác và gìn giữ đất đai buộc phải chia sẻ hoa trái, đặc biệt là với người nghèo...

75. Một nền linh đạo lãng quên Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Đấng Tạo Hóa thì không thể chấp nhận được. Kết cục của nó sẽ là tôn thờ các quyền lực trần thế, hay chính bản thân chúng ta chiếm đoạt vị thế của Thiên Chúa, thậm chí đến mức công bố một quyền vô hạn để chà đạp lên công trình tạo dựng của Ngài. Cách tốt nhất để khôi phục người nam và người nữ về đúng vị trí của họ, là đặt dấu chấm hết cho sự công bố quyền thống trị tuyệt đối trên trái đất, là công bố thêm một lần nữa về hình tượng của Người Cha - Đấng Tạo Hóa và chỉ mình Ngài làm chủ thế giới này. Nếu không thì con người sẽ luôn tìm cách áp đặt luật lệ và lợi ích của họ trên thực tại.

III. Mầu nhiệm vũ trụ [76-83)

76- Trong truyền thống Do Thái – Kitô Giáo, từ “tạo thành” có nghĩa rộng hơn là “thiên nhiên”, vì nó có liên hệ với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa mà trong đó mọi thụ tạo đều có giá trị và ý nghĩa riêng. Thiên nhiên thường được coi là một hệ thống có thể nghiên cứu được, hiểu được và kiểm soát được, trong khi tạo thành thì chỉ có thể hiểu được như một quà tặng từ cánh tay vươn ra của Thiên Chúa là Cha muôn loài, và như một thực tại được soi sáng bởi tình yêu mời gọi chúng ta cùng nhau đi vào sự hiệp thông hoàn vũ.

77- “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời” (Tv 33,6). Lời này nói với chúng ta rằng thế giới xuất hiện như là kết quả của một quyết định, chứ không phải từ hỗn mang hay tình cờ, và lời này tán dương vũ trụ hơn hết. Lời tạo thành diễn tả một sự chọn lựa tự do. Vũ trụ không xuất hiện như kết quả của một quyền năng độc đoán, một sự phô bày sức mạnh hay một ý muốn tự khẳng định bản thân. Tạo thành là một trật tự của tình yêu.

81- Ngay cả khi chúng ta đưa ra giả định về quá trình tiến hoá thì con người cũng sở hữu một sự độc nhất không thể được giải thích đầy đủ bởi sự tiến hoá của các hệ thống mở khác. Mỗi người chúng ta có căn tính riêng và có khả năng đi vào việc đối thoại với người khác và với chính Thiên Chúa. Khả năng tư duy, lý luận, sáng kiến, giải thích thực tại và sáng tạo nghệ thuật, cùng với những khả năng chưa khám phá ra, là những dấu chỉ của một sự độc nhất trổi vượt phạm trù vật lý và sinh học...  Các trình thuật Kinh Thánh về sáng tạo mời gọi chúng ta nhìn nhận mỗi con người là một chủ thể, không bao giờ có thể bị giảm thiểu xuống tình trạng của một vật thể.

82- Tuy nhiên, cũng thật sai lầm khi nhìn các hữu thể sống khác thuần tuý như là các vật thể bị lệ thuộc vào sự thống trị tàn bạo của con người. Khi thiên nhiên bị coi như một nguồn lợi nhuận và lợi ích mà thôi, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Quan điểm “sức mạnh luôn luôn đúng” làm cho tình trạng bất bình đẳng, bất công và các hành vi bạo lực chống lại đa số nhân loại ngày càng nhiều hơn, vì các nguồn tài nguyên rốt cuộc rơi vào tay của người tới đầu tiên hoặc người quyền thế nhất: người thắng sẽ nắm hết tất cả.

83- ... Mục đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Hơn nữa, tất cả mọi loài thụ tạo đang tiến bước cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, chính là Thiên Chúa, trong sự viên mãn siêu việt ấy, Đức Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng mọi sự. Con người được phú ban sự thông minh và tình yêu, được cuốn hút bởi sự viên mãn của Đức Kitô, được mời gọi để dẫn dắt mọi loài thụ tạo trở về với Đấng Tạo Hóa của chúng.

IV. Sứ điệp của mỗi thụ tạo trong sự hòa hợp của toàn thể công trình tạo dựng [84-88]

84. Khi nhấn mạnh rằng mỗi người là một hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không được coi nhẹ sự thật là mỗi thụ tạo đều có một mục đích riêng của nó. Không có gì là vô ích. Toàn bộ vũ trụ vật chất nói về tình yêu của Thiên Chúa, lòng trìu mến vô biên của Ngài dành cho chúng ta. Đất, nước, núi non: mọi thứ đều là một sự âu yếm của Thiên Chúa, như nó đã là. Lịch sử về tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa luôn luôn gắn liền với những địa điểm đặc biệt, có ý nghĩa cá nhân một cách mãnh liệt; tất cả chúng ta đều nhớ những nơi chốn, việc đi thăm lại những chốn ký ức này là điều rất tốt đối với chúng ta...

86- ... Sách Giáo Lý dạy: “Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc lẫn nhau của các thụ tạo. Mặt trời và mặt trăng, cây bách tùng và bông hoa nhỏ, đại bàng và chim sẻ: khung cảnh tráng lệ của sự đa dạng vô số và sự bất bình đẳng của chúng nói cho chúng ta biết rằng không có thụ tạo nào là tự đủ. Các thụ tạo tồn tại trong sự lệ thuộc vào nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau”.

V. Một sự hiệp thông đại đồng [89-92]

89. Mọi vật được tạo dựng trên thế giới này đều phải lệ thuộc: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26). Đây là nền tảng cho xác tín của chúng ta, như một phần của vũ trụ, được Chúa Cha mời gọi đi vào trong hiện hữu, tất cả chúng ta được liên kết bởi những mối dây liên kết vô hình và cùng nhau tạo nên một gia đình đại đồng, một sự hiệp thông cao cả thúc đẩy trong chúng ta sự tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn....

90. Điều này không có nghĩa là mọi hữu thể đều có cùng cấp độ hoặc tước bỏ giá trị độc nhất của con người cùng với trách nhiệm lớn lao. Điều này cũng không thần thánh hoá trái đất, khiến chúng ta không dám tác động và bảo vệ sự mỏng manh của trái đất... Dĩ nhiên, chúng ta cần phải quan tâm để các sinh vật khác không bị đối xử một cách vô trách nhiệm, nhưng chúng ta phải đặc biệt nổi giận trước sự bất bình đẳng lớn ngay giữa con người với nhau, trong đó chúng ta tiếp tục chịu đựng một số người tự coi họ có giá trị hơn những người khác

91- ... Rõ ràng là bất nhất khi đấu tranh chống lại nạn buôn bán các chủng loại đang gặp nguy cơ nhưng lại hoàn toàn thờ ơ với nạn buôn bán người, không quan tâm gì đến người nghèo, hoặc hành động để huỷ diệt một đồng loại khác bị coi là không cần nữa. Điều này gây nguy hại đến ý nghĩa của cuộc đấu tranh vì môi trường.

92- ... Chúng ta chỉ có một trái tim, và cùng một nỗi khốn khổ làm chúng ta đối xử tệ bạc với một động vật không bao lâu sẽ thể hiện trong cách đối xử của chúng ta với người khác. Mọi hành vi tàn bạo hướng đến bất kì một thụ tạo nào đều “trái với phẩm giá con người"... Mọi sự đều có liên hệ, và chúng ta là những con người hiệp nhất với nhau như anh chị em trên cuộc lữ hành kỳ diệu, đan dệt với nhau bằng tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo và tình yêu ấy cũng hiệp nhất chúng ta trong tình cảm trìu mến với anh mặt trời, chị mặt trăng, anh sông và mẹ đất.

VI. Của cải để mưu ích cho mọi người [93-95]

93. Dù là người có niềm tin hay không, ngày nay chúng ta đều đồng ý với nhau rằng trái đất tự bản chất là một tài sản thừa kế chung, hoa trái của nó phải dành cho lợi ích của mọi người. Đối với các tín hữu, điều này còn là lòng trung thành với Đấng Tạo Hóa, vì Thiên Chúa dựng nên thế giới cho mọi người. Do đó, mọi cách tiếp cận sinh thái cần phải phối hợp với góc độ xã hội, biết suy xét đến các quyền lợi nền tảng của người nghèo và người xấu số.... Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền sở hữu tư nhân là tuyệt đối hay bất khả xâm phạm, và đã từng nhấn mạnh đến mục đích xã hội của tất cả mọi hình thức sở hữu tư nhân.... “Hội Thánh bảo vệ quyền hợp pháp đối với tài sản tư nhân, nhưng Hội Thánh cũng dạy rằng tất cả mọi tài sản riêng đều là một sự thế chấp xã hội, để mọi của cải có thể phục vụ cho mục đích phổ quát mà Thiên Chúa trao phó cho chúng”

94. Người giàu và người nghèo có cùng phẩm giá như nhau, vì “cả hai đều được Đức Chúa tạo dựng” (Cn 22,2). “Sang hay hèn đều do Người tạo tác” (Kn 6,7), và “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5,45)....

95. Môi trường thiên nhiên là một thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và trách nhiệm của mọi người. Nếu chúng ta có riêng vài thứ, thì chỉ là để quản lý cho thiện ích chung của mọi người. Nếu không làm thế, chúng ta chất nặng lên lương tâm của chúng ta bằng sự khước từ hiện hữu của người khác....

VII. Cái nhìn của Chúa Giêsu [96-100]

 96. Chúa Giêsu nhắc lại niềm tin Kinh Thánh vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, ngài nhấn mạnh một chân lý nền tảng: Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11,25). ... Ngài nhắc đến chúng với lòng trìu mến cảm thông vì mỗi loài đều quan trọng trong mắt của Thiên Chúa: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26).

97. Chúa Giêsu mời gọi mọi người chú ý đến vẻ đẹp vốn có trong thế giới này vì chính Ngài không ngừng chạm đến thiên nhiên, chú ý đến nó cách trìu mến và thán phục. ... “Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái!” (Ga 4,35). "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất" (Mt 13,31-32).

98. Chúa Giêsu sống hoà hợp trọn vẹn với công trình sáng tạo, và những người khác phải kinh ngạc: "Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8,27)...  Ngài loại bỏ những triết lý khinh thường thân xác, vật chất và những sự thuộc về thế gian...  Thật ngạc nhiên là phần lớn cuộc đời tại thế của Ngài dành cho nhiệm vụ này trong một cuộc sống giản dị, không làm cho người ta ngưỡng mộ...

99. Theo sự hiểu biết Kitô giáo về thế giới, định mệnh của tất cả mọi loài thụ tạo được tháp nhập với mầu nhiệm Đức Kitô, ngay từ thuở ban đầu: “vì trong Người, muôn vật được tạo thành” (Cl 1,16)... Một Ngôi trong Ba Ngôi đi vào trong vũ trụ được tạo dựng, nhưng đặc biệt là ngang qua việc nhập thể, mầu nhiệm Đức Kitô đang hoạt động theo một cách kín ẩn trong toàn thể thế giới tự nhiên, mà không tác động đến tính tự chủ của nó.

100- ... Các loài thụ tạo của thế giới này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta dưới dáng vẻ thuần tuý tự nhiên nữa, vì Đấng phục sinh sẽ bao phủ chúng cách nhiệm mầu và hướng chúng đến sự viên mãn tận cùng. Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Ngài đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài.

 

Cảm Nhận Đúc Kết:

(TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL)

Trong Chương 2 "Tin Mừng về Sự Sáng Tạo" của Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si' này, ĐTC Phanxicô nhắm đến mục đích "có thể làm cho sự dấn thân của chúng ta đối với môi trường được thống nhất hơn", bằng cách căn cứ vào "một số nguyên tắc được lấy từ truyền thống Kitô giáo – Do Thái giáo", nghĩa là vào mạc khải thần linh, chính yếu ở trong Sách Sáng Thế Ký.

Qua 38 đoạn của chương hai này, như chúng ta vừa nghe hay đọc một cách tổng lược những câu nói nguyên văn chính yếu của vị giáo hoàng tác giả, chúng ta có thể tóm kết lại thành 3 nguyên tắc chính yếu bất khả thiếu, bất khả phân  ly và bất khả thay thế, liên quan đến chính việc tạo dựng của Thiên Chúa, đến  mối liên hệ giữa tạo vật với nhau, và với vai trò của loài người sau đây: 

1- Tất cả mọi sự là do Thiên Chúa tạo dựng nên mới có, và Ngài đã tạo dựng nên mọi loài và từng loài theo ý định thượng trí của Ngài - nên mỗi loài đều có giá trị riêng biệt trước nhan Ngài, như được ĐTC xác nhận trong Tiết III. Mầu nhiệm vũ trụ ở những đoạn sau đây:

76- "... Chữ 'tạo thành' có nghĩa rộng hơn là chữ 'thiên nhiên', vì nó có liên hệ với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa mà trong đó mọi thụ tạo đều có giá trị và ý nghĩa riêng. Thiên nhiên thường được coi là một hệ thống có thể nghiên cứu được, hiểu được và kiểm soát được, trong khi tạo thành thì chỉ có thể hiểu được như một quà tặng từ cánh tay vươn ra của Thiên Chúa là Cha muôn loài, và như một thực tại được soi sáng bởi tình yêu mời gọi chúng ta cùng nhau đi vào sự hiệp thông hoàn vũ".

77- "... Thế giới xuất hiện như là kết quả của một quyết định, chứ không phải từ hỗn mang hay tình cờ... Vũ trụ không xuất hiện như kết quả của một quyền năng độc đoán, một sự phô bày sức mạnh hay một ý muốn tự khẳng định bản thân. Tạo thành là một trật tự của tình yêu".

83- "... Mục đích chung kết của các loài thụ tạo khác không phải là chúng ta. Hơn nữa, tất cả mọi loài thụ tạo đang tiến bước cùng với chúng ta và qua chúng ta, hướng về một mục tiêu chung, chính là Thiên Chúa, trong sự viên mãn siêu việt ấy, Đức Kitô phục sinh ôm lấy và chiếu sáng mọi sự".

2- Tuy nhiên, Ngài đã dựng nên tất cả những gì thuộc về đất cho loài người là loài "linh ư vạn vật", hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài, nên Ngài đã trao phó cho loài người quyền làm chủ tất cả những gì Ngài đã dựng nên cho họ, và đã tạo nên mối liên hệ giữa loài người với các tạo vật khác, như chúng ta thấy ở tiết IV. Sứ điệp của mỗi thụ tạo trong sự hòa hợp của toàn thể công trình tạo dựng, với những đoạn 70 và 86 tiêu biểu sau đây:

70- "... Những câu chuyện xưa này, (câu chuyện Cain và Aben: Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra”; câu chuyện ông Nôe: Thiên Chúa đe doạ sẽ xoá bỏ nhân loại vì con người không chịu chu toàn những đòi hỏi của công lý và hoà bình) đầy tính biểu tượng, làm chứng cho niềm xác tín chúng ta chia sẻ hôm nay, rằng mọi sự có mối liên hệ qua lại, việc chăm sóc đích thực đời sống của chúng ta và các mối tương quan..."

86-  “Thiên Chúa muốn sự phụ thuộc lẫn nhau của các thụ tạo. Mặt trời và mặt trăng, cây bách tùng và bông hoa nhỏ, đại bàng và chim sẻ: khung cảnh tráng lệ của sự đa dạng vô số và sự bất bình đẳng của chúng nói cho chúng ta biết rằng không có thụ tạo nào là tự đủ. Các thụ tạo tồn tại trong sự lệ thuộc vào nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau

3- Thế nhưng, quyền làm chủ của loài người không tuyệt đối như Ngài là Đấng Hóa Công mà chỉ đóng vai trò quản gia coi sóc và canh tác của Ngài và cho Ngài thôi. Nếu loài người không đóng đúng vai trò quản gia của mình, mà sử dụng tất cả những gì Ngài ban, nhất là của cải họ có, chỉ vì tư lợi và cho tư lợi của họ hơn là công ích, thì mối liên hệ giữa họ với Đấng Hóa Công cũng như với tạo vật được Ngài ban trao cho họ bị khủng hoảng! Những chi tiết về mục đích đại đồng của những gì Chúa dựng nên cho loài người, mà nếu loài người vị kỷ lạm quyền sẽ gây ra khủng hoảng, như ở hai đoạn tiêu biểu sau đây:

93- (VI. Của cải để mưu ích cho mọi người): Dù là người có niềm tin hay không, ngày nay chúng ta đều đồng ý với nhau rằng trái đất tự bản chất là một tài sản thừa kế chung, hoa trái của nó phải dành cho lợi ích của mọi người.... Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền sở hữu tư nhân là tuyệt đối hay bất khả xâm phạm, và đã từng nhấn mạnh đến mục đích xã hội của tất cả mọi hình thức sở hữu tư nhân... Hội Thánh bảo vệ quyền hợp pháp đối với tài sản tư nhân, nhưng Hội Thánh cũng dạy rằng tất cả mọi tài sản riêng đều là một sự thế chấp xã hội, để mọi của cải có thể phục vụ cho mục đích phổ quát mà Thiên Chúa trao phó cho chúng”

66- (II. Sự khôn ngoan của các trình thuật Kinh Thánh): "... Sự hoà hợp giữa Đấng Tạo Hóa, nhân loại và tạo thành đã bị đoạn tuyệt do con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn thụ tạo của mình. Điều này còn bóp méo lệnh truyền 'làm bá chủ' toàn thể trái đất (x. St 1,28), lệnh truyền 'canh tác và gìn giữ trái đất' (St 2,15). Hậu quả là mối tương quan hoà hợp nguyên thuỷ giữa con người và thiên nhiên trở nên xung đột (x. St 3,17-19)..."