Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

HỌC HỎI THÔNG ĐIỆP CHÚC TỤNG CHÚA LAUDATO SI'

 

 

Trước hết là Tổng Quan về từng Chương, theo lời của ĐTC Phanxicô được trích lại từ phần Dẫn Nhập

Sau đó, trích nguyên văn một số câu tiêu biểu của ĐTC viết quan trọng trong từng Chương được học hỏi,

từ bản dịch của Caritas Việt Nam  https://caritasvietnam.org/datafiles/files/Laudato%20Si%20_final-version.pdf

Cuối cùng là Cảm Nhận Đúc Kết riêng của bản thân người học hỏi này về từng chương của bức thông điệp

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL,

 

NỘI DUNG  

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Tổng Quan của Hội Ðồng Tòa Thánh "Công lý và Hòa bình"

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Dẫn Nhập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 1: Ðiều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 2: Tin Mừng về sự sáng tạo

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 3: Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 4: Một nền môi sinh học toàn diện

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 5: Vài đường nét định hướng và hành động

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 6: Giáo dục và linh đạo môi sinh học

Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta và Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo

  

 

Chương VI

 Giáo dục và linh đạo môi sinh

[202-215]

I. Nhắm đến một lối sống mới [203-208]

II. Giáo dục về liên minh giữa nhân loại và môi trường [209-215]

III. Hoán cải môi sinh học [216-232]

IV. Vui mừng và hòa bình [222-227]

V. Tình yêu dân sự và chính trị [228-232]

VI. Các dấu chỉ bí tích và nghỉ lễ [233-237]

VII. Chúa Ba Ngôi và tương quan giữa các thụ tạo [238-240]

VIII. Nữ Vương toàn thể thụ tạo [241-242]

IX. Ði xa hơn mặt trời [243-246]

Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta

Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo

 

Tổng Quan

ĐTC Phanxicô trong khoản dẫn nhập đoạn 15 đã giới thiệu tổng quát về chương cuối cùng của Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si này như sau:

 "Sau cùng, tôi tin rằng sự thay đổi là không khả thi nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục,

tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn có tính gợi mở cho sự phát triển nhân loại được tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm thiêng liêng Kitô giáo"

 

Trích Dẫn kèm theo những chỗ phụ diễn theo cảm nhận của người học hỏi đây:

Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi những gì chúng ta đọc được ở trong chương cuối cùng này, một chương đụng chạm chẳng những đến linh đạo hệ sinh thái của Kitô giáo ở 5 tiết đoạn đầu, mà còn đến tính chất siêu việt của thiên nhiên tạo vật, ở 4 tiết đoạn cuối. Và đó là lý do, những ý thức và cảm nhận này sẽ càng làm cho Kitô hữu chúng ta phải làm sao trân quí, sở hữu và sử dụng tất cả những gì được tạo dựng theo đúng ý muốn của Thiên Chúa Hóa Công.

202. Có rất nhiều thứ cần thay đổi, nhưng trên hết vẫn là con người chúng ta phải thay đổi. Chúng ta thiếu ý thức về cội nguồn chung, sự thuộc về hỗ tương và tương lai chia sẻ với mọi người. Ý thức cơ bản này có thể thúc đẩy sự phát triển những xác tín, thái độ và lối sống mới. Thách đố lớn về văn hóa, thiêng liêng và giáo dục vẫn đang ở phía trước và đòi hỏi chúng ta một con đường canh tân dài lâu.

"Có rất nhiều thứ cần thay đổi, nhưng trên hết vẫn là con người chúng ta phải thay đổi" thực sự là một nguyên tắc bất khả thiếu trong tất cả mọi lãnh vực, chứ không riêng gì trong vấn đề giải quyết tình trạng khủng hoảng hệ sinh thái trên trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta không thay đổi, vì chính con người là căn nguyên gây ra khủng hoảng hệ sinh thái thì chẳng bao giờ hệ sinh thái có thể tự mình cảo tiến được, trái lại, như câu ngạn ngữ của Tây Ban Nha được ĐTC đã từng nhắc đến mấy lần: "Thiên Chúa luôn tha thứ, con người có thể thứ tha, nhưng thiên nhiên không bao giờ tha thứ".

I. Nhắm đến một lối sống mới [203-208]

203. Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết. Kiểu tiêu thụ không cưỡng lại được là một trong những ví dụ về ảnh hưởng của mô hình kinh tế - kĩ thuật lên các cá nhân... 

Thực tế cho thấy có không ít những con người không phải chỉ vì nhu cầu cần thiết mới mua sắm mà chỉ vì thích mà mua, chỉ vì đua đòi mà sắm, cứ mua là mua, nhiều đến độ không còn biết mình có những gì, để đâu, mất cũng chẳng biết, có khi thấy một vật gì đó mới ngỡ ra mình cũng có cái này à, mua hồi nào nhỉ v.v.?

204. Tình hình toàn cầu hiện nay đang tạo ra một cảm giác bấp bênh và bất ổn, sẽ thúc đẩy “tình trạng ích kỷ tập thể”. Khi con người tự cô lập và khép kín, lòng tham của họ sẽ gia tăng. Tâm hồn của con người càng trống rỗng bao nhiêu thì họ càng cần nhiều thứ để mua, sở hữu và tiêu thụ bấy nhiêu. Họ dường như không thể chấp nhận những giới hạn do thực tại áp đặt. Theo hướng này, cảm thức đích thực về thiện ích chung cũng sẽ biến mất. Khi những thái độ như thế lan rộng thì các chuẩn mực xã hội sẽ chỉ được tôn trọng khi chúng không mâu thuẫn với nhu cầu cá nhân. Vì thế mối bận tâm của chúng ta không thể chỉ giới hạn ở những biến cố thời tiết khắc nghiệt, nhưng phải mở rộng đến những hậu quả tàn khốc của tình trạng mất trật tự xã hội. Ám ảnh với lối sống tiêu thụ, nhất là khi chỉ có một số ít người có khả năng duy trì lối sống ấy, sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau.

Đúng thế, nếu "Có rất nhiều thứ cần thay đổi, nhưng trên hết vẫn là con người chúng ta phải thay đổi" thì quả thực "mối bận tâm của chúng ta không thể chỉ giới hạn ở những biến cố thời tiết khắc nghiệt, nhưng phải mở rộng đến những hậu quả tàn khốc của tình trạng mất trật tự xã hội".

205. Tuy nhiên tất cả sẽ không hư mất. Con người, trong khi có thể làm điều tồi tệ nhất, cũng có khả năng vượt lên trên chính mình, trở lại để chọn lựa điều tốt đẹp, và thực hiện một sự khởi đầu mới, bất kể điều kiện tinh thần và xã hội của họ. Chúng ta có thể chân thành nhìn vào bản thân, để nhận biết sự bất mãn thẳm sâu của chúng ta, và để dấn thân trên những nẻo đường mới dẫn đến sự tự do đích thực. Không một hệ thống nào có thể hoàn toàn ngăn chặn sự mở lòng của chúng ta đối với điều thiện hảo, chân thật và tuyệt mỹ, hoặc ngăn chặn khả năng Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp trả ân sủng của Ngài đang hoạt động trong đáy sâu tâm hồn. Tôi mời gọi mọi người trên thế giới đừng quên phẩm giá này thuộc về chúng ta. Không ai có quyền lấy khỏi chúng ta phẩm giá ấy.

Vị giáo hoàng tác giả đã rất tuyệt vời ở chỗ chuyển tiếp rất ư là ngoạn mục này. Ở chỗ trong chính bức tranh u ám ảm đạm về đời sống của con người văn minh hiện đại thì ngài lại cho thấy nỗi khát vọng vươn lên của con người. Thật vậy, Thiên Chúa Hóa Công đã built-in nơi con người một cái lò xo, khiến họ một khi rơi xuống vựa thẳm thì tự nhiên bật dậy: "có khả năng vượt lên trên chính mình, trở lại để chọn lựa điều tốt đẹp". Bởi thế mới có một Levi và Giakêu thu thuế tham lam mà vẫn có thể không thỏa mãn, vẫn khắc khoải tìm kiếm, cho đến khi gặp được chân lý, liền theo đuổi chân lý, liền được chân lý giải thoát cho. Đúng là "Chúa đã dựng nên lòng con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ an trong Chúa", một cảm nghiệm bất hủ của một con người Tự Thú sau cuộc đời tìm kiếm chân lý trong lầm lạc và tội lỗi, đó là triết gia kiêm thần học gia Âu Quốc Tinh giáo phụ!

206- ... “Việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý – chứ không thuần tuý là hành vi kinh tế”. Tóm lại, ngày nay “vấn đề suy thoái môi trường đang thách đố chúng ta suy xét lại lối sống của chúng ta”.

“Việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý – chứ không thuần tuý là hành vi kinh tế”. Chẳng hạn không biết để giành tiền bạc mua sắm dư thừa để giúp đỡ những ai thiếu thốn, hay là mua sắm toàn những đồ sang trọng để bạn bè nể mặt và coi thường những ai thua kém mình về những trang phục và đồ dùng v.v.

207. Hiến Chương Trái Đất mời gọi chúng ta bỏ lại phía sau giai đoạn tự huỷ diệt để bắt đầu lại, nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển một ý thức phổ quát cần thiết để đạt được điều này. Lúc này đây tôi muốn đề nghị lại một thách đố quả cảm: “Như chưa từng có trước đây trong lịch sử, định mệnh chung đang mời gọi chúng ta tìm kiếm một khởi đầu mới... Hãy làm cho thời đại của chúng ta được công nhận trong lịch sử là thời đại đánh thức lòng kính trọng đối với sự sống, quyết tâm mạnh mẽ để đạt được sự bền vững, tăng tốc đấu tranh cho công lý và hoà bình, hân hoan cử hành đời sống”.

208. Chúng ta luôn có khả năng đi ra khỏi chính mình để đến với người khác. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng nhận biết giá trị thực của các thụ tạo khác; chúng ta không bận tâm chăm sóc mọi sự vì lợi ích của người khác; chúng ta không đặt ra giới hạn cho chính mình để tránh gây đau khổ cho người khác hoặc làm suy thoái môi trường xung quanh. Nhất thiết phải có sự quan tâm vô vị lợi dành cho người khác, loại trừ mọi hình thức quy ngã và cô lập nếu chúng ta thực sự mong muốn chăm sóc anh chị em và môi trường thiên nhiên. Nó làm nảy sinh phản ứng luân lý buộc chúng ta xem xét những hành vi và chọn lựa cá nhân tác động ra sao đến môi trường xung quanh. Nếu chúng ta vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể thực sự phát huy một lối sống khác và đem lại những thay đổi ý nghĩa trong xã hội.

II. Giáo dục về liên minh giữa nhân loại và môi trường [209-215]

209. Ý thức mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng văn hoá và sinh thái ngày nay cần phải được chuyển đổi thành những thói quen mới. Nhiều người biết rằng sự tiến bộ hiện tại, sự tích luỹ vật chất và thú vui không đủ mang lại ý nghĩa và niềm vui cho tâm hồn, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa thể bỏ qua những gì thị trường cung cấp. Trong những quốc gia cần thay đổi thói quen tiêu dùng, các bạn trẻ có một sự nhạy cảm sinh thái mới và một tinh thần quảng đại, một số bạn trẻ đang thực hiện những nỗ lực đáng nể phục để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, họ đã trưởng thành trong một bối cảnh xã hội tiêu thụ cực độ và sung túc làm cho họ khó phát huy những thói quen khác biệt. Chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục.

Thật vậy, thói quen rất khó bỏ, khó chừa, cho dù ý thức được thực tại của vấn đề, hay tai hại của sự việc do bản thân gây ra. Chẳng hạn, biết được rằng hút thuốc và uống rượu nhiều, tức quá mức điều độ, sẽ làm hại đến sức khỏe, sẽ tốn tiền bảo hiểm về sức khỏe hơn v.v. Thế mà vẫn không chưa được...

210. Giáo dục môi trường đã mở rộng các mục tiêu, ban đầu tập trung chủ yếu vào các thông tin khoa học, nâng cao ý thức và phòng ngừa rủi ro môi trường, còn bây giờ nó bao gồm cả việc phê bình về “những huyền thoại” của cái hiện đại dựa trên não trạng thực dụng (chủ nghĩa cá nhân, sự tiến bộ vô hạn, sự cạnh tranh, chủ nghĩa tiêu thụ, thị trường bất quy tắc) và tìm cách khôi phục các cấp độ khác nhau của sự cân bằng sinh thái: trong nội tâm với chính mình, liên đới với người khác, với thiên nhiên và các loài sinh vật khác, và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa. Giáo dục môi trường cần thực hiện một bước nhảy vọt hướng đến Mầu nhiệm, trong đó đạo đức sinh thái tìm được ý nghĩa sâu xa nhất. Cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn.

Ở đây, ở khoản 210 này, khía cạnh tối ưu của việc giáo dục về hệ sinh thái, theo vị giáo hoàng tác giả, đó là chiều kích mầu nhiệm của nó, là tính chất siêu việt của nó, là mối liên hệ của nó với Vị Thiên Chúa Hóa Công dựng nên nó, một chiều kích liên hệ mật thiết bất khả phân ly và bất khả thiếu với "đạo đức sinh thái".

211. Tuy nhiên việc giáo dục này, nhằm mục đích tạo nên “quyền công dân sinh thái”, đôi khi bị giới hạn vào việc cung cấp thông tin, và không đưa đến những thói quen tốt. Sự tồn tại của pháp luật và những quy định chưa đủ để ngăn chặn hành vi đối xử tệ hại trong thời gian dài, ngay cả khi có các phương thế bắt buộc hữu hiệu. Để pháp luật mang lại những ảnh hưởng quan trọng và lâu dài, đa số các thành viên của xã hội phải được khích lệ để chấp nhận chúng, và đáp trả bằng cách biến đổi cá nhân. Chỉ bằng cách vun trồng các nhân đức vững chắc thì con người mới có thể quên mình cho dấn thân sinh thái. Một người có đủ khả năng chi trả nhưng bớt sử dụng máy sưởi và mặc các loại áo ấm hơn, cho thấy người đó xác tín và có thái độ bảo vệ môi trường...  Giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với môi trường có thể khích lệ những hành động ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến thế giới xung quanh, như tránh sử dụng nhựa và giấy, giảm bớt sử dụng nước, phân loại rác, chỉ nấu những gì thực sự cần thiết, quan tâm đến những sinh vật khác, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe chung, trồng cây, tắt đèn khi không cần thiết, và vô số hành động khác. Những điều này phản ánh một sự sáng tạo quảng đại và xứng đáng đem lại điều tốt nhất cho con người. Việc tái sử dụng một thứ gì đó thay vì bỏ ngay lập tức vì những lý do chính đáng có thể là một hành động của tình yêu diễn tả phẩm giá của chúng ta.

Trong đoạn 211 này, ĐTC đã cụ thể hóa và chi tiết hóa những hành vi cử chỉ của những ai biết quan tâm đến sức khỏe của trái đất cũng như tỏ ra tôn trọng mọi người, không làm tăng thêm những gì gây nguy hại thêm hay hơn nữa tình trạng khủng hoảng hệ sinh thái.

213. Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: ở trường học, trong gia đình, trên truyền thông, trong bài giáo lý hay bất cứ nơi nào. Nền giáo dục tốt khi còn trẻ sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống - quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người...

214. Các thể chế chính trị và nhiều nhóm xã hội khác nhau được uỷ thác nhiệm vụ gia tăng ý thức của người dân. Hội Thánh cũng vậy. Tất cả mọi cộng đoàn Kitô hữu đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sinh thái...

215-... Học biết nhận ra và trân trọng vẻ đẹp, chúng ta sẽ thoát ra khỏi chủ nghĩa thực dụng tiện ích cá nhân. Nếu một người không biết dừng lại và thán phục cái đẹp, thì sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu người ấy đối xử với mọi thứ như thể đối tượng để sử dụng và lạm dụng không chút đắn đo. Nếu chúng ta muốn đạt được sự thay đổi sâu sắc, chúng ta cần biết rằng não trạng thực sự ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Những nỗ lực giáo dục của chúng ta vẫn không đủ và không hiệu quả nếu chúng ta không cổ võ một cách nghĩ mới về con người, sự sống, xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên. Bằng không, mô hình của chủ nghĩa tiêu thụ sẽ tiếp tục lấn át với sự hỗ trợ của truyền thông và những cơ chế hữu hiệu của thị trường.

III. Hoán cải môi sinh học [216-232]

216. Di sản phong phú của linh đạo Kitô giáo, hoa trái của kinh nghiệm cá nhân và cộng đoàn trong suốt 20 thế kỷ, góp phần quý báu trong việc đổi mới nhân loại. Ở đây, tôi muốn đề nghị một vài điểm của nền linh đạo sinh thái cho người Kitô hữu dựa trên những xác tín của chúng ta, vì những giáo huấn của Tin Mừng tác động trực tiếp đến cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của chúng ta. Không phải là ý tưởng hay khái niệm, điều tôi quan tâm là nền linh đạo ấy thúc đẩy chúng ta nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế giới. Sự dấn thân cao cả này không thể được duy trì bởi học thuyết mà không có nền linh đạo gợi hứng, một “động lực nội tâm khích lệ, động viên, nuôi dưỡng và mang lại ý nghĩa cho hoạt động cá nhân và cộng đoàn của chúng ta”. Phải nhìn nhận rằng, các Kitô hữu đã không luôn trân trọng và phát triển những kho tàng thiêng liêng được Thiên Chúa phú ban cho Hội Thánh, trong đó đời sống tinh thần không tách lìa khỏi thân xác, khỏi thiên nhiên hay những thực tại thế giới, nhưng sống cùng và sống với, trong sự hiệp thông với tất cả mọi sự xung quanh chúng ta.

217. “Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la”. Vì lý do này, cuộc khủng hoảng sinh thái đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc. Phải chân nhận rằng có một số Kitô hữu chuyên tâm dấn thân và cầu nguyện, nhưng họ lại viện cớ chủ nghĩa thực tế và thực dụng nên có khuynh hướng coi thường mối bận tâm đến môi trường. Những người khác thì thụ động; họ không chịu thay đổi thói quen và do đó trở nên bất nhất. Điều mà tất cả họ cần là “sự hoán cải sinh thái”, nhờ đó hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh. Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình tay Chúa dựng nên là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức; chứ không phải là một chọn lựa hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo.

"Sống ơn gọi làm người bảo vệ công trình tay Chúa dựng nên là yếu tố thiết yếu của đời sống nhân đức; chứ không phải là một chọn lựa hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo". Về "đời sống nhân đức" liên quan đến hệ sinh thái đây có thể kể đến 2 nhân đức tiêu biểu và quan trọng, đó là nhân đức khó nghèo được trời làm của mình và hiền lành được đất làm của mình.

219-... Các vấn đề xã hội phải được các mạng lưới cộng đồng quan tâm, chứ không chỉ bởi một tổng thể các cá nhân có hành vi tốt... Việc điều hành thế giới mời gọi một sự kết hợp các nguồn lực và thành tựu phát xuất từ một thái độ khác”. Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng... 

220. Sự hoán cải này bao gồm nhiều thái độ để có thể cùng nhau nuôi dưỡng tinh thần chăm sóc đại lượng, dịu dàng. Trước hết là lòng biết ơn và sự nhưng không, nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi cách âm thầm để noi theo lòng quảng đại của Người trong sự tự hiến và điều thiện hảo... Sự hoán cải này cũng bao hàm một nhận thức trìu mến về sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ tuyệt vời. Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức về các mối dây mà Chúa Cha đã liên kết chúng ta với tất cả mọi hữu thể... Chúng ta đừng hiểu sự ưu việt của chúng ta là một lý do tôn vinh cá nhân hay thống trị cách vô trách nhiệm, nhưng nó là một trách nhiệm nghiêm túc xuất phát từ niềm tin của chúng ta.

"Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong", ở chỗ, chúng ta tác hành với tư cách là một phần tử trong thiên nhiên vạn vật, nên phải liên kết và hòa hợp với trật tự chung - dấu hiệu chứng tỏ chúng ta nhìn thế giới tư bên trong, chứ không phải từ bên ngoài; hay chúng ta nhìn tất cả và từng tạo vật bằng chính ánh mắt của Vị Thiên Chúa Hóa Công là Đấng đã tạo dựng nên chúng, có thể chúng ta mới biết được giá trị đích thực của nó và trân trọng nó, thánh hóa nó bằng việc sử dụng nó theo ý muốn của Chúa. Câu 221 dưới đây cũng cho thấy chúng ta nhìn thế giới từ bên trong, bằng con mắt của Thiên Chúa Hóa Công.

221- ... Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về các loài chim trời mà “không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). Vậy làm sao chúng ta có thể đối xử tệ với chúng hoặc gây nguy hại cho chúng? Tôi mời gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy nhận biết và sống trọn vẹn chiều kích này của sự hoán cải...

IV. Vui mừng và hòa bình [222-227]

222. Linh đạo Kitô giáo đề xuất một cách nhìn khác về phẩm chất cuộc sống, khích lệ một lối sống ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng vui hưởng cách sâu xa sự tự do thoát khỏi nỗi ám ảnh về tiêu thụ. Chúng ta cần học lấy bài học cổ xưa trong các truyền thống tôn giáo cũng như trong Kinh Thánh, xác tín nguyên tắc “ít là nhiều” (less is more). Cơn lũ liên tục của những hàng hóa tiêu dùng mới có thể làm hư hỏng tâm hồn và cản trở chúng ta trân trọng mỗi sự vật và mỗi khoảnh khắc. Hiện diện cách thanh bình với mỗi thực tại, cho dù nó nhỏ bé thế nào, đều mở ra cho chúng ta những chân trời hiểu biết và hoàn thiện bản thân. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự trưởng thành mang dấu ấn tiết độ và hạnh phúc với những gì bé nhỏ. Trở về với sự giản dị giúp chúng ta biết dừng lại và trân quý những điều nhỏ bé, biết ơn vì những cơ hội cuộc sống mang lại cho chúng ta, không dính bén với những thứ chúng ta đang sở hữu,không đau buồn vì những điều chúng ta không có. Nó đòi hỏi phải xa tránh khuynh hướng thống trị và tích lũy các thú vui.

"Nguyên tắc 'ít là nhiều' (less is more), một mâu thuẫn nhưng lại thật chí lý. Đó là lý do, trong Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt I - 2016 với Nhóm TĐCTT (Tông Đồ Chúa Tình Thương), ở Kontum, khi vào thăm một số gia đình tở một giáo điểm nó, nơi căn chòi của họ, nếu so sánh về mức độ sạch sẽ và giá trị các thứ đồ đạc trong nhà, không bằng garage của nhà mình, tôi đã nghe thấy vị gia chủ đã hân hoan nói cùng tôi rằng: "nghèo mà vui", nghĩa là "less is more", trong khi có những con người thật giầu mà vẫn thật nghèo, bởi cứ kiếm tìm và vơ vét mãi vẫn chẳng vừa với cái lòng tham vô đáy của họ, nghĩa là họ luôn nghèo nàn, túng thiếu, more is less - nhiều là ít", giầu mà kẹt, giầu mà ham v.v.

223. Tiết độ khi được sống cách tự do và ý thức là sự giải thoát. Không phải là một cuộc sống kém hơn hay cường độ thấp hơn, nhưng hoàn toàn ngược lại, đó một cuộc sống tròn đầy...Hạnh phúc có nghĩa là biết giới hạn một số nhu cầu làm hạ giá chúng ta, và biết mở ra với nhiều khả năng khác mà cuộc sống có thể mang lại. 

"Tiết độ khi được sống cách tự do và ý thức là sự giải thoát". Ở chỗ con người biết làm chủ bản thân mình, không để cho tạo vật làm chủ mình, sai khiến mình như là nô lệ của chúng, trái lại, làm chủ tạo vật, hoan hưởng như không hoan hưởng, sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian, sống theo con đường hẹp dẫn đến sự sống "less is more", trong khi đường rộng dẫn đến diệt vong "more is less".

224. Tiết độ và khiêm nhường không được ưa thích trong thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, khi có sự sụp đổ trên diện rộng của việc thực hành nhân đức trong đời sống cá nhân và xã hội, thì nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng, trong đó có cả mất cân bằng môi trường. Đó là lý do cho thấy chỉ nói về sự toàn vẹn của các hệ sinh thái thôi thì không đủ. Chúng ta phải dám nói về sự toàn vẹn của đời sống con người, của nhu cầu cổ võ và hiệp nhất tất cả các giá trị cao cả. Một khi chúng ta đánh mất sự khiêm nhường và say sưa với khả năng chi phối vô hạn trên mọi sự, chắc chắn chúng ta sẽ gây tổn hại cho xã hội và môi trường. Không dễ đạt được thái độ khiêm nhường lành mạnh hay tiết độ vui tươi này nếu chúng ta trở nên tự tôn, nếu chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống chúng ta hay thay thế Ngài bằng cái tôi của riêng mình, cho rằng những cảm giác chủ quan của chúng ta có thể xác định được điều gì là đúng và điều gì là sai.

225. Mặt khác, không ai có thể xây dựng một đời sống tiết độ và vui tươi mà lại không bình an với chính mình. Hiểu biết đầy đủ về linh đạo cũng bao gồm hiểu được ý nghĩa của bình an, không chỉ là vắng bóng chiến tranh... Thiên nhiên đầy tràn những lời của tình yêu, nhưng làm thế nào chúng ta có thể nghe được ngay giữa tiếng ồn liên tục, mất tập trung thường xuyên và căng thẳng thắn kinh, hoặc sùng bái hình thức bên ngoài? Nhiều người ngày nay cảm thấy mất cân bằng sâu sắc, dẫn họ đến hoạt động điên cuồng, luôn cảm thấy bận rộn, vội vã triền miên đến độ chỉ lo thực hiện các kế hoạch riêng và coi thường mọi thứ xung quanh. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách họ đối xử với môi trường. Sinh thái học toàn diện bao gồm việc dành thời gian để khôi phục sự hoà hợp thanh bình với công trình tạo dựng, suy tư về lối sống và lý tưởng của chúng ta, chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa đang sống giữa chúng ta và xung quanh chúng ta, sự hiện diện của Ngài “không phải được tạo ra mà phải tìm kiếm, khám phá”.

227. Một biểu hiện của thái độ này là dừng lại và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước và sau bữa ăn. Tôi mời gọi tất cả mọi tín hữu hãy trở về với tập quán đẹp và ý nghĩa này. Thời khắc phúc lành ấy, dù là vắn vỏi, cũng nhắc nhớ chúng ta về sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa của sự sống; củng cố tâm tình biết ơn của chúng ta về những món quà của công trình tạo dựng; giúp nhận biết công lao của những người làm ra của ăn; và tái khẳng định tình liên đới của chúng ta với những người đang cần trợ giúp.

V. Tình yêu dân sự và chính trị [228-232]

228. Chăm sóc thiên nhiên là một phần của đời sống chung và hiệp thông...  Tình huynh đệ mang tính nhưng không; nó không bao giờ là phương tiện để trả lại cho người khác điều họ đã hoặc sẽ làm cho chúng ta... Sự nhưng không ấy khơi lên trong chúng ta tình yêu, biết đón nhận ngọn gió, mặt trời và đám mây, ngay cả khi chúng ta không thể kiểm soát chúng. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói về một “tình huynh đệ hoàn vũ”.

229. Chúng ta phải trở lại niềm xác tín cần có nhau, chúng ta chia sẻ trách nhiệm với nhau và với thế giới, sống tốt và đoan chính là giá trị xứng đáng. Đã quá lâu chúng ta xem đạo đức, sự tốt lành, niềm tin và sự trung thực như một trò đùa. Đã đến lúc phải nhận biết rằng sự nông cạn hời hợt đó chẳng mang lại điều gì tốt cho chúng ta. Khi những nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, điều tiếp theo sẽ là xung đột vì lợi ích riêng, những hình thức bạo lực và tàn ác mới, những trở ngại cho sự phát triển nền văn hoá đích thực của việc chăm sóc môi trường.

230- ... Sinh thái học toàn diện cũng được tạo nên từ những nghĩa cử đơn giản mỗi ngày, chúng phá vỡ lý luận của bạo lực, khai thác và ích kỷ. Cuối cùng, một thế giới tiêu thụ trầm trọng đồng thời cũng là một thế giới đối xử tệ với mọi hình thức của sự sống.

231. Tình yêu, tuôn trào từ những nghĩa cử chăm sóc lẫn nhau nhỏ bé, cũng mang tính dân sự và chính trị, và thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tình yêu xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của lòng bác ái, không chỉ ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa các cá nhân mà còn đến “các mối quan hệ vĩ mô, xã hội, kinh tế và chính trị”.Đó là lý do vì sao Hội Thánh đề xuất cho thế giới lý tưởng về một “nền văn minh tình yêu”. Tình yêu xã hội là chìa khoá cho sự phát triển đích thực: “Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng hợp với con người hơn, tình yêu trong đời sống xã hội – chính trị, kinh tế, và văn hoá – phải mặc lấy giá trị mới, trở thành chuẩn mực thường hằng và tối cao cho mọi hoạt động”...

"Tình yêu xã hội là chìa khoá cho sự phát triển đích thực" Thực tế đã cho thấy rõ như vậy, một khi biết yêu thương thì trân trọng nhau, quí báu nhau và hiệp thông với nhau, chưa không khinh dể nhau, tẩy chay nhau và lạm dụng nhau v.v. "Đoàn kết thì sống", là phát triển, là nối vòng tay lớn: "ba cây chụm lại nên hòn núi cao" là vậy.

232. Không phải mọi người đều được mời gọi để tham gia cách trực tiếp vào đời sống chính trị. Xã hội đua nở vô số các tổ chức đang cổ võ cho thiện ích chung và bảo vệ môi trường tự nhiên hay đô thị... Do đó, một cộng đồng có thể phá vỡ sự vô cảm do chủ nghĩa tiêu thụ tiêm nhiễm...

VI. Các dấu chỉ bí tích và nghỉ lễ [233-237]

233. Vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Người sẽ đem nó đến thành toàn. Vì vậy, có ý nghĩa nhiệm mầu trong từng chiếc lá, trên vách núi, trong giọt sương, trên khuôn mặt của người nghèo. Lý tưởng không phải chỉ là vượt qua bên ngoài đi vào nội tâm để khám phá hành động của Thiên Chúa trong tâm hồn, nhưng còn là khám phá Thiên Chúa trong mọi sự...

234- ... Ngỡ ngàng trước ngọn núi hùng vĩ, một người không thể tách lìa kinh nghiệm này khỏi Thiên Chúa, người đó quy hướng kinh nghiệm thán phục nội tâm về Thiên Chúa...

235. Các Bí tích là một con đường ưu biệt, trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa nâng lên thành phương thế trung gian cho đời sống siêu nhiên. Thông qua việc thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ôm lấy thế giới trong một cấp độ khác. Nước, dầu, lửa và các sắc màu được nâng lên thành sức mạnh biểu tượng và được tháp nhập trong lời ngợi khen của chúng ta. Bàn tay chúc lành là khí cụ của tình yêu Thiên Chúa và phản ánh sự gần gũi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến để đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống. Nước đổ trên thân thể của em bé trong Phép Thánh Tẩy là dấu chỉ của một sự sống mới. Gặp gỡ Thiên Chúa không có nghĩa là thoát khỏi thế giới này hay quay lưng lại với thiên nhiên... Đối với các Kitô hữu, tất cả mọi loài thụ tạo của vũ trụ vật chất đều có ý nghĩa thực sự trong Ngôi Lời nhập thể, vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy một phần thế giới vật chất vào trong con người của Ngài, gieo vào đó hạt giống của sự biến đổi cánh chung. “Kitô giáo không chối bỏ vật chất, trái lại nó có giá trị lớn lao trong cử hành phụng vụ, nơi đó thân xác con người bày tỏ bản chất sâu xa là đền thờ của Chúa Thánh Thần và được hiệp nhất với Chúa Giêsu, Đấng đã mặc lấy xác phàm để cứu độ thế giới”

236. Chính trong Thánh Thể mà mọi thụ tạo tìm thấy đỉnh điểm của hạnh phúc. Ân sủng, có khuynh hướng bày tỏ cách hiển nhiên, tìm được cách thể hiện tuyệt vời trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và trao ban chính Ngài làm của ăn cho các thụ tạo. Trong đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa chạm đến chiều sâu tận cùng của chúng ta qua xác thể. Ngài không đến từ trên cao, nhưng từ bên trong, Ngài đến để chúng ta có thể tìm thấy Ngài trong thế giới của chúng ta. Trong Thánh Thể, sự viên mãn đã thành toàn; đó là trung tâm sống động của vũ trụ, tràn đầy tình yêu và sự sống bất diệt. Dự phần vào Chúa Con nhập thể đang hiện diện trong Thánh Thể, toàn thể vũ trụ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa...  Thánh Thể kết nối trời với đất; Thánh Thể ôm lấy và bao bọc toàn thể công trình tạo dựng. Thế giới vốn xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa được trở về với Ngài trong sự thờ phượng bất phân ly: trong bánh Thánh Thể, “tạo thành hướng về sự thần hoá, hướng đến tiệc cưới thánh, hướng đến sự hiệp nhất với chính Đấng Tạo Hóa”. Do đó, Thánh Thể cũng là một nguồn ánh sáng và động lực cho chúng ta quan tâm đến môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành người quản lý toàn thể tạo thành.

Những gì rất tuyệt với được vị tác giả giáo hoàng suy diễn, ở đoạn 235 và 236 trên đây, về mầu nhiệm tạo vật nơi mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta thấy ở ngay trong phụng vụ Thánh Thể. ở phần dâng lễ, "bánh là hoa mầu ruộng đất và alo công của con người" và "rượu từ cây nho và lao công của con người", đã được thần linh hóa, đã được biến đổi bởi lời Chúa và Thánh Thần, để trở thành Mình Thánh và Máu Thánh vô cùng châu báu, có giá trị cứu độ vô giá.

237- ... Nghỉ ngơi là một cách làm việc khác, hình thành nên một phần yếu tính của chúng ta. Nó ngăn cản con người khỏi rơi vào tình trạng hoạt động trống rỗng; nó ngăn ngừa lòng tham không đáy và cảm giác cô lập khiến chúng ta chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân đến mức loại bỏ tất cả mọi thứ khác. Luật nghỉ ngơi hàng tuần cấm làm việc vào thứ Bảy, “để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức” (St 23,12). Nghỉ ngơi mở tầm mắt chúng ta đến bức tranh rộng lớn hơn và canh tân sự nhạy bén của chúng ta với quyền lợi của người khác. Vì thế ngày nghỉ ngơi, mà trung tâm là Thánh Lễ, dọi chiếu ánh sáng trên cả tuần, và thúc đẩy chúng ta quan tâm hơn đến thiên nhiên và người nghèo.

VII. Chúa Ba Ngôi và tương quan giữa các thụ tạo [238-240]

238. Chúa Cha là nguồn mạch tối hậu của mọi sự, là nền tảng yêu thương và thông truyền của tất cả mọi sự đang hiện hữu. Chúa Con, phản chiếu hình ảnh Chúa Cha, nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, đã hội nhập vào trái đất này khi Ngài được thành hình trong cung lòng Mẹ Maria. Thánh Thần, mối liên kết vô biên của tình yêu, đang hiện diện thiết thân trong trung tâm của vũ hoàn, Ngài khơi dậy và mở ra những nẻo đường mới. Vũ hoàn được tác tạo bởi Ba Ngôi hành động như một nguyên lý thánh thiêng duy nhất, mỗi ngôi vị thực hiện công việc chung này theo bản chất riêng biệt. Do đó, “khi chúng ta chiêm ngắm vũ trụ vĩ đại và tươi đẹp, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi”.

239. Đối với các Kitô hữu, tin kính một Thiên Chúa hiệp thông ba ngôi vị dẫn đến niềm xác tín Ba Ngôi đã để lại dấu ấn trên mọi thụ tạo. Thánh Bônaventura đi rất xa khi nói rằng: trước khi phạm tội, con người có thể nhìn thấy mỗi thụ tạo “minh chứng Thiên Chúa là Ba ngôi”. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được phản chiếu trong thiên nhiên “khi cuốn sách ấy được mở ra cho con người và đôi mắt của chúng ta chưa ra tối tăm”. Vị Thánh dòng Phanxicô dạy chúng ta rằng mỗi loài thụ tạo có cấu trúc cụ thể theo khuôn mẫu Ba Ngôi, hiển nhiên đến nỗi con người có thể chiêm ngắm bất cứ lúc nào nếu cái nhìn của con người đừng quá nửa vời, tăm tối và mỏng manh. Theo đó, ngài thách đố chúng ta phải nỗ lực đọc thực tại bằng chìa khoá Ba Ngôi.

240. Các Ngôi Vị Thiên Chúa là mối tương quan hỗ tương, và thế giới, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, là một mạng lưới các mối tương quan. Các thụ tạo hướng về Thiên Chúa, và lần lượt mọi sinh vật đều hướng về hữu thể khác, để trong toàn thể vũ trụ chúng ta có thể tìm thấy vô vàn mối tương quan thường hằng và đan quyện vào nhau cách âm thầm. Điều này làm cho chúng ta không chỉ thán phục trước những kết nối đa dạng giữa các loài thụ tạo, mà còn khám phá ra chìa khoá cho sự thành toàn của chúng ta. Con người ngày càng phát triển, trưởng thành và được thánh hoá cho đến tầm mức con người đi vào các mối tương quan, ra khỏi chính mình để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác và với mọi loài thụ tạo. Theo đó, con người chiếm hữu được năng động Ba Ngôi là điều Thiên Chúa ghi dấu trong họ khi tạo thành. Mọi sự đều có liên hệ với nhau, và điều này mời gọi chúng ta phát triển nền linh đạo của tình liên đới toàn cầu phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

VIII. Nữ Vương toàn thể thụ tạo [241-242]

241. Mẹ Maria, người mẹ đã từng chăm sóc Chúa Giêsu, giờ đây đang chăm sóc thế giới bị thương tích này bằng tình yêu và lòng thương cảm. Cũng như trái tim bị đâm thâu của Mẹ đau đớn trước cái chết của Chúa Giêsu thế nào, thì giờ đây Mẹ đang đau đớn trước nỗi khốn khổ của người nghèo bị đóng đinh và trước các loài thụ tạo bị sức mạnh con người phá huỷ như vậy. Được biến hình hoàn toàn, giờ đây Mẹ đang sống với Chúa Giêsu, và tất cả mọi thụ tạo đều ca khen Mẹ tuyệt mỹ. Mẹ là người nữ “khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Được rước về trời, Mẹ trở thành Mẹ và là Nữ Vương của toàn thể vũ trụ. Nơi thân xác vinh hiển của Mẹ, cùng với Đức Kitô Phục Sinh, một phần của tạo thành đạt tới vẻ đẹp viên mãn...

242. Bên cạnh Mẹ trong gia đình Thánh Gia Nazareth là hình ảnh của Thánh Giuse. Ngài đã chăm sóc và bảo vệ Mẹ Maria và Chúa Giêsu qua công việc và sự hiện diện quảng đại, đã cứu thoát các Ngài khỏi tình trạng bạo lực, bất công bằng cách đưa các Ngài trốn sang Ai Cập... Ngài cũng có thể dạy chúng ta cách thể hiện sự quan tâm; Ngài có thể tạo cảm hứng cho chúng ta làm việc với lòng quảng đại và dịu dàng để bảo vệ thế giới đã được Thiên Chúa uỷ thác cho chúng ta.

IX. Ði xa hơn mặt trời [243-246]

243. Sau cùng, bản thân chúng ta sẽ diện đối diện với vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa (x.1 Cr 13,12), và với sự thán phục và niềm hạnh phúc, chúng ta có thể đọc hiểu được mầu nhiệm bí ẩn của vũ trụ sẽ cùng tham dự với chúng ta sự viên mãn bất tận. Thậm chí ngay bây giờ, chúng ta đang trên hành trình tiến về ngày Sabat vĩnh cửu, thành Giêrusalem mới, hướng về ngôi nhà chung của chúng ta trên thiên đàng. Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ đổi mới mọi sự” (Kh 21,15). Sự sống vĩnh cửu sẽ là một trải nghiệm chung về sự kinh ngạc, trong đó mỗi thụ tạo được biến đổi huy hoàng, sẽ có được vị trí đúng nhất và có điều gì đó để trao ban cho những người nghèo khó cuối cùng đã được giải thoát mãi mãi.

244. Trong khi chờ đợi điều đó, chúng ta cùng nhau chịu trách nhiệm về ngôi nhà này đã được uỷ thác cho chúng ta, biết rằng tất cả mọi điều thiện hảo đang tồn tại ở đây sẽ được đưa vào bàn tiệc thiên đàng. Trong sự hiệp nhất với mọi loài thụ tạo, chúng ta đi trên hành trình ngang qua mảnh đất này để tìm kiếm Thiên Chúa, vì “nếu thế giới có khởi đầu và nếu nó được dựng nên, thì chúng ta phải tìm hiểu ai đã cho nó sự khởi đầu ấy, và ai là Đấng Tạo Hóa của nó”. Chúng ta hãy ca tụng và bước đi. Ước gì những đấu tranh và quan tâm của chúng ta dành cho hành tinh này không bao giờ làm cho chúng ta mất niềm hy vọng.

245. Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta dấn thân quảng đại và trao ban tất cả, sẽ ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục cuộc hành trình. Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn luôn hiện diện ở trung tâm của thế giới này. Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước. Xin chúc tụng Chúa!

 

Cảm Nhận Đúc Kết:

Đọc xong Chương VI của Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si này, một thông điệp mở đầu và kết thúc đều bằng chính nhan đề của mình: "Xin chúc tụng Chúa! - Praise be to him! (khoản 245) “LAUDATO SI’, mi’ Signore – Praise be to you, my Lord” (khoản 1). Vị giáo hoàng Phanxicô của chúng ta luôn  đặc biệt tỏ ra tính cách tích cực nơi các văn kiện của ngài, chẳng hạn như văn kiện đầu tiên là Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm Evangelii Gaudium (24/11/2013), một văn kiện có thể nói tổng tóm tất cả chủ trương và đường hướng của giáo triều vị giáo hoàng Nam Mỹ Châu đầu tiên này; Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương Amoris Laetitia về hôn nhân gia đình trong thế giới ngày nay (19/3/2016), Tông Huấn Vui Mừng Hớn Hở Gaudete et Exultate về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay (19/3/2018), và chính bức Thông Điệp Đầu Tay "Chúc Tụng Chúa Laudato Si'" (24/5/2015) này của ngài.

Bởi thế, cho dù cảm giác "nguy đến nơi", như ở trong các chương 1, 3 và 5, nhất là các câu tiêu biểu như: "Có những khu vực giờ đây đang ở trong tình trạng nguy cơ cao, ngoài tất cả những dự báo về ngày tận thế" (khoản 61 Chương 1); "Không còn có thể coi thường và mỉa mai những lời tiên báo về tận thế nữa". (khoản 161 Chương 4); "giờ đây chúng ta sẽ nỗ lực để vạch ra những con đường chính của việc đối thoại, có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự huỷ diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta" (khoản 163 Chương 5)... vị tác giả giáo hoàng vẫn khéo léo cho thấy một chân trời tươi sáng, nhất là 3 câu ở trong tiết I của chương VI này như sau:

"Tuy nhiên tất cả sẽ không hư mất. Con người, trong khi có thể làm điều tồi tệ nhất, cũng có khả năng vượt lên trên chính mình, trở lại để chọn lựa điều tốt đẹp, và thực hiện một sự khởi đầu mới, bất kể điều kiện tinh thần và xã hội của họ". (Khoản 205).

"Hiến Chương Trái Đất mời gọi chúng ta bỏ lại phía sau giai đoạn tự huỷ diệt để bắt đầu lại, nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển một ý thức phổ quát cần thiết để đạt được điều này. Lúc này đây tôi muốn đề nghị lại một thách đố quả cảm: “Như chưa từng có trước đây trong lịch sử, định mệnh chung đang mời gọi chúng ta tìm kiếm một khởi đầu mới... Hãy làm cho thời đại của chúng ta được công nhận trong lịch sử là thời đại đánh thức lòng kính trọng đối với sự sống, quyết tâm mạnh mẽ để đạt được sự bền vững, tăng tốc đấu tranh cho công lý và hoà bình, hân hoan cử hành đời sống” (Khoản 207).

"Chúng ta luôn có khả năng đi ra khỏi chính mình để đến với người khác. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng nhận biết giá trị thực của các thụ tạo khác; chúng ta không bận tâm chăm sóc mọi sự vì lợi ích của người khác; chúng ta không đặt ra giới hạn cho chính mình để tránh gây đau khổ cho người khác hoặc làm suy thoái môi trường xung quanh". (Khoản 208)

Theo chiều hướng tích cực này mà người học hỏi bức thông điệp này tự nhiên nghĩ đến lệnh truyền của Chúa Kitô trong Phúc Âm Thánh Marco: "Các con hãy đi khắp thế giới loan truyền tin mừng cho mọi tạo vật" (16:15) - "mọi tạo vật" chứ không phải chỉ có thế giới loại người, nghĩa là bao gồm toàn thể thiên nhiên tạo vật.

Thế nhưng, thiên nhiên tạo vật không có trí khôn như con người làm sao có thể tiếp nhận được "tin mừng" cứu độ? Đúng thế, và bởi thế mà việc cứu độ "mọi tạo vật", toàn thể thiên nhiên tạo vật hoàn toàn lệ thuộc vào Kitô hữu, thành phần "tư tế vương giả" (1Phêrô 2:9), "vương giả" để làm chủ trái đất, và "tư tế" để thánh hóa trái đất bằng việc sử dụng trái đất theo ý Chúa và cho công ích, biết trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.

Thật ra trái đất cùng với tất cả mọi sự thiên nhiên tạo vật đã được tái tạo trong cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô rồi, như chính loài người cũng đã được tái tạo, một loài vì nguyên tội đã làm cho "toàn thể tạo vật phải quằn quại rên xiết không do chúng" (xem Roma 8:22) đầy thánh linh và sự sống viên mãn của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã phục hồi mọi sự trên trời dưới đất, bao gồm cả "tạo vật những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người" (Roma 8:19).

Tất cả mọi sự được Thiên Chúa dựng nên Ngài sẽ không bao giờ hủy diệt chúng mà là biến đổi chúng và kiện toàn chúng, như Ngài đã thực hiện nơi Con của Ngài và nhờ Con của Ngài, cũng như qua Giáo Hội của Con Ngài, nhất là khi Giáo Hội cử hành Thánh Thể, một Thánh Thể bao gồm bánh miến và rượu nho, và cả hai chất bánh miến và rượu nho này được biến đổi trên bàn thờ thành Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô.

Cuối cùng toàn thể thiên nhiên tạo vật tiến đến chỗ "trời cũ và đất cũ và biển đã qua đi, đến biển cũng chẳng còn" (Khải Huyền 21:1), vì đã tới "ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người" (Roma 8:19), ở chỗ: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." (Khải Huyền 21:5). 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL