Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Mùa Xuân Muôn Thuở Maria

 

Mùa Xuân Trước Nguyên Tội
Mùa Xuân Sau Nguyên Tội
Mùa Xuân Maria
Mùa Xuân Viên Mãn

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

(Toàn bộ bài viết 4 phần này đã được phổ biến trên các Nguyệt San Công Giáo hải ngoại:

Trái Tim Đức Mẹ 1/1995, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 2/2000, Hiệp Nhất 2/2000, và Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu số kép 1-2/2012)

Tác giả xin phổ biến lại bài viết 27 năm về trước này vào dịp mừng tân xuân âm lịch 2021 này,

vì cảm thấy rất thích hợp với thời điểm vẫn còn trong Năm Chúc Tụng Chúa Laudato Si', 24/5/2020-2021,

kỷ niệm 5 năm ĐTC Phanxicô ban hành Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudasto Si' về hệ sinh thái của Trái Đất là Ngôi Nhà Chung của nhân loại chúng ta.

 

Immaculate Conception of the Blessed Virgin Mary | USD Copley Library

 

3.- MÙA XUÂN MARIA

 

"Maria": "Người nữ" mà Thiên Chúa đề cập đến trong Lời Hứa với con người ngay trong Bản Án Nguyên Tội chính là mầm hy vọng vươn lên ngay "từ ban đầu" và "bắt đầu" lịch sử của con người sa đoạ. Chính mầm hy vọng làm cho con người sống "vui vẻ" trong lầm than này đã biến "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người. "Người nữ" của "Lời Hứa" trở thành niềm hy vọng cho con người và của con người này, theo Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo, chính là: "Trinh Nữ Maria, Đấng đã mang đến cho thế gian bình minh của niềm hy vọng và của ơn cứu rỗi" (Lễ Sinh Nhật Mẹ Maria: Lời Nguyện Sau Hiệp Lễ).

"Maria": "Người nữ" của "Lời Hứa" vươn lên ngay "từ ban đầu" trong lịch sử của con người sa đoạ như một mầm hy vọng ấy chẳng những hội đủ ngay nơi mình ba yếu tố chính làm nên Mùa Xuân đích thực, Mùa Xuân Nguyên Thủy, "Mùa Xuân Trước Nguyên Tội", mà còn chính là Mùa Xuân Viên Mãn, Mùa Xuân Muôn Thuở, cho chung mọi tạo vật, cũng như cho riêng thế giới ngày nay đang ở vào mùa đông của lịch sử nhân gian.

"Mùa Xuân Maria": "Mới Mẻ". "Mới mẻ" là bản chất nội tại làm nên Mùa Xuân. "Mới mẻ" của Mùa Xuân nói lên thời gian khởi đầu trong thiên nhiên. "Ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên trời đất" (STK 1:1) mang tính chất "mới mẻ" của thời gian khi trời đất còn tinh nguyên. Do đó, lúc ngay "ban đầu" của đất trời, của mọi tạo vật đây chính là Mùa Xuân Nguyên Thủy.

Tiếc thay, Mùa Xuân Nguyên Thủy này đã bị "tên sát nhân từ ban đầu" (Gioan 8:44), cùng với sự cộng tác của hai nguyên tổ "muốn nên bằng Thiên Chúa" (STK3:5), làm cho tàn úa thảm thương. Thế nhưng, theo "dự án mà (Thiên Chúa) có ý ấn định trong Đức Kitô, được thực hiện khi thời gian nên trọn, đó là, đem mọi sự trên trời dưới đất đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô" (Eph 1:9-10), lịch sử nhân loại đã trở thành Lịch Sử Cứu Độ ngay "từ ban đầu".

Tuy nhiên, trong Lịch Sử Cứu Độ này, theo thời gian, cả trước khi và ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ Maria cũng là nhân vật có trước nhất. Trước khi "thời gian nên trọn", qua hình ảnh "người nữ", Mẹ được Thiên Chúa nhắc đến "trước nhất", trước cả Chúa Giêsu là "giòng dõi người nữ". Ngay khi "thời gian nên trọn", Mẹ cũng là nhân vật mà Tân Ước chân nhận: "Khi thời gian ấn định đến, Thiên Chúa sai Con mình sinh bởi người nữ" (Gal 4:4), trở thành "giòng dõi người nữ", Đấng "tỏ mình ra là để phá hủy công việc của ma qủi" (1Gioan 3:8).

Giáo Hội mừng lễ Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngay ngày 1-1, ngày đầu năm dương lịch hằng năm, từ năm 1969, cũng không ngoài ý nghĩa này. ĐTC Phaolô VI như đã xác nhận như thế trong tông huấn "Marialis Cultus": "Việc cử hành này, được đặt vào ngày 1-1 hợp với sự ấn định cũ của phụng vụ Thành Rôma, là để tưởng nhớ đến vai trò Mẹ Maria đã thực hiện trong mầu nhiệm cứu chuộc này" (đoạn số 5).

"Mùa Xuân Maria": "Tươi Trẻ". "Tươi trẻ" là hình thức, là bóng dáng, là hiện thân của Mùa Xuân, làm cho Mùa Xuân sống động trong thiên nhiên. Thế gian bị "tội lỗi cùng với chết chóc đột nhập" (Rm 5:12), càng ngày càng trở nên tàn tạ xấu xa, cả về tinh thần "tội lỗi" lẫn thể chất "chết chóc". Đến nỗi, Thiên Chúa hối tiếc vì đã dựng nên con người trên mặt đất" (STK 6:6) và đã "thanh trừng khỏi mặt đất" (STK 6:7) hầu hết cả con người lẫn con vật bằng trận Đại Hồng Thủy.

Trong khi ấy, nơi Mẹ Maria lại "đầy ơn phúc" (Lc 1:28), cả trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác của Mẹ. Tâm hồn Mẹ Maria tuyệt đối "tươi trẻ", ở chỗ, "Vô Nhiễm Nguyên Tội", như chính Mẹ đã tỏ mình ra tại Lộ Đức ngày 25-3-1858, tức "khỏi mọi tì vết của nguyên tội", như Đức Thánh Cha Piô IX định tín trong trọng sắc Ineffabilis Deus.

Thân xác Mẹ Maria hoàn toàn "tươi trẻ", ở chỗ, trọn đời đồng trinh, "không hề biết đến nam nhân" (Lc 1:34). Nhan sắc tự nhiên của Mẹ Maria tuyệt vời "tươi trẻ", ở chỗ, không già, tầm vóc và hình dung luôn ở mức độ hoàn hảo nhất, như Mẹ đã tỏ cho nữ Đáng Kính Maria D'Agreda vào thế kỷ 17: "Điều kiện và vóc dáng tự nhiên nơi thân xác đồng trinh thánh hảo của Mẹ vẫn như hồi Mẹ 33 tuổi" (Thiên Đô cuốn 4, số 736), cho dù Mẹ sống trên thế gian thiếu 26 ngày là đủ 70 tuổi (cùng sách, số 742).

Hữu thể của Mẹ đời đời "tươi trẻ", ở chỗ, cả "linh hồn vô nhiễm và thân xác trinh trong của Mẹ" (Tông Huấn Marialis Cultus số 6), như tông hiến Munificentissimus Deus của Đức Thánh Cha Piô XII định tín, được Thiên Chúa đem về trời vinh hiển.

"Mùa Xuân Maria": "Vui Vẻ". "Vui vẻ" là tác dụng của Mùa Xuân trên mọi sinh vật nói chung và nhân gian nói riêng, làm nên ý nghĩa của Mùa Xuân. Thế mà, "Sau Nguyên Tội", "tất cả mọi tạo vật quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22), trừ duy nhất tạo vật "đầy ơn phúc" (Lc 1:28) là Trinh Nữ Maria.

Nơi "Maria đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội", như hàng chữ trong thị kiến của chị thánh Catarina Labuarê ngày 27-11-1830, niềm "vui vẻ" là "được tự do" (STK 2:16) như hai nguyên tổ trong Vườn Địa Đường "trước Nguyên Tội" vẫn còn đó. Niềm "vui vẻ" này của Mẹ đạt đến mức độ tuyệt đỉnh khi "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) ngay trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Đến nỗi, niềm "vui vẻ" này đã tuôn tràn ra ngoài, qua ca vịnh "Ngợi Khen" (Magnificat), "bài ca của thời cứu tinh, hòa trộn niềm vui vẻ của cả cựu lẫn tân Yến-Duyên" (Marialis Cultus số 18): "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hân hoan (mừng rỡ, hoan lạc, 'vui vẻ') trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi" (Lc 1:46-47).

Niềm "vui vẻ" của Mẹ Maria được thể hiện, trước hết, qua tác động nhận biết của Mẹ: "Ngài đã đoái trông đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài (và) đã làm cho tôi những sự trọng đại, danh Ngài là thánh" (Lc 1:48-49). Niềm "vui vẻ" của Mẹ, đồng thời, cũng được bộc lộ qua tác động chúc tụng của Mẹ: "Lòng thương xót Ngài trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những người kính sợ Ngài... như Ngài đã phán hứa... đến muôn đời" (Lc 1:49-50,55).

 

(Chân thành đa tạ - Xin đón xem tiếp phần 4: Mùa Xuân Viên Mãn)

 

Annunciation To The Blessed Virgin Mary Metal Print by Svitozar Nenyuk