Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

 

Năm Thánh Giuse 


Các Thánh về Thánh Giuse

 

Lm. Gs. Trần Đình Thụy

Năm Thánh Giuse - Để Hiểu và Yêu Mến Thánh Giuse hơn


Chúng ta sẽ lần lượt đọc được tư tưởng của các vị sau đây:

·       THÁNH VINH SƠN PHÊRIÔ

·       ĐẤNG ĐÁNG KÍNH GERSON

·       THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA

·       THÁNH PHANXICÔ SALÊ

·       THÁNH ANPHONGSÔ LIGUÔRI



      I.           THÁNH VINH SƠN PHÊRIÔ: BÀN VỀ VỤ THÁNH GIUSE NGHI NAN BỐI RỐI

Thánh Vinh Sơn Phêriô (1350-1419), quen được giáo hữu xưng tụng là ông Thánh hay làm phép lạ, vì Thiên Chúa đã ban vô vàn ơn phước nhãn tiền bởi lời ngài cầu bầu. Ngày nay, ngài vẫn còn hiển linh như vậy.

Còn ngài thì tự xưng mình là “Thiên thần sách Khải huyền”, vì ngài thường giảng về tận thế và chung thẩm cách hùng hồn mãnh liệt, lại có nhiều phép lạ đi kèm; nên lay động lòng người sâu sắc, kết quả là hàng trăm ngàn linh hồn cải quá tự tân, giữa một thế kỷ sa đọa, nhiễu nhương cả việc đời lẫn việc đạo.

Mặc dầu ngài chỉ nói về thánh Giuse khi giảng về thời thơ ấu của Chúa Cứu Thế, nhưng những tư tưởng ngài đưa ra thật là sâu sắc như ta thấy.

1.    Phải có thiên khải mới biết được các mầu nhiệm

Thánh Tôma dạy rằng: “Các mầu nhiệm chỉ có thể biết được khi thánh ý Ngài muốn tỏ ra”.

Những hiện tượng tự nhiên, ta có thể đoán trước được, khi ta biết nguyên nhân. Như thầy thuốc đoán được giờ chết của con bệnh, vì tương lai chưa thấy rõ, nhưng nhờ nguyên nhân ta có thể đoán ra.

Nhưng ý muốn và tự do của Thiên Chúa thì khác. Thánh Kinh chép: Thánh ý Chúa ai hiểu được, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, nếu Ngài không phái Thánh Linh từ trời xuống?

Giuse thấy rõ tình trạng của bà, nhưng không có phương tiện tự nhiên nào giúp ông tìm ra sự thực. Việc hoài thai Chúa Con không phải là một hậu quả tự nhiên do một nguyên nhân tự nhiên, bởi Thiên thần hay nhân loại. Vậy: chỉ do thiên khải mới biết được.

2.    Giuse được mạc khải

Khi Giuse đang suy nghĩ về dự định rút lui, thì Thiên thần Chúa hiện ra với ông trong giấc mộng và bảo:

“Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,20-21).

Mọi sự xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi vị tiên tri: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.’” (Mt 1,23).

(Trích dịch bài giảng: “Áp lễ Giáng Sinh” Phần 2)

   II.          ĐẤNG ĐÁNG KÍNH GIOAN GERSON: TÁN TỤNG THÁNH GIUSE

Tiến sĩ Gioan Gerson (1362-1428) là một linh mục nhân đức, một nhà thần học lừng danh trong thế kỷ XV. Cùng với thánh Vinh Sơn Phêriô, ngài là linh hồn của Đại Công Đồng Constantia (1414), tại đó, ngài đã đọc bài thuyết trình lịch sử tán tụng Thánh Cả Giuse, và yêu cầu các nghị phụ lập lễ Thánh Giuse thành hôn cùng Đức Mẹ, hầu xin Thánh Cả đem lại hòa bình và hiệp nhất cho Giáo hội.

Chính ngài đã nói lên thế giá về lời cầu của Thánh Cả Giuse trước tòa Chúa bằng câu bất hủ: “Thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin” (Non impetrate, sed imperat).

Câu này thoạt nghe, xem như có phần quá đáng. Thực ra Gerson có ý đề cao thế lực lời cầu nguyện của thánh Giuse trước tòa Chúa Giêsu bằng một kiểu nói “cường điệu”, chứ thánh Giuse có bao giờ dám truyền lệnh cho Chúa.

Đức Piô XI, ngày 19-03-1938, đã không ngần ngại áp dụng vào thánh Giuse kiểu nói dành riêng cho Đức Mẹ “là Đấng toàn năng bởi lời cầu nguyện”. Ngài nói: “Vì thánh Giuse thực là gia trưởng, nên sự can thiệp của ngài không thể không toàn năng”.

1.    Nhân đức thánh Giuse so với nhân đức của Mẹ Maria

Điều thích đáng là Trinh nữ Maria rạng ngời trong trắng thể nào thì cũng phải có một người chồng gần trong trắng như vậy, để kết duyên với Đức Nữ đồng trinh, mà trước sau ông vẫn giữ mình thanh tịnh.

Cả hai đấng đều sang trọng bởi dòng vương đế. Cả hai đấng đều nên thánh từ trong lòng mẹ. Maria đã khấn đức đồng trinh, Giuse cũng giữ mình thanh tịnh.

Mầu nhiệm Nhập thể giữ kín từ bao nhiêu thế kỷ, bà Maria đã được thông báo nhờ sứ điệp của Thiên thần. Ông Giuse cũng được Thiên thần thông báo trong giấc chiêm bao.

Nghe lời thiên sứ chào, Maria bối rối, nhưng không nghi nan. Giuse cũng bối rối trước một phép lạ phi thường đến nỗi toan bỏ mà đi, nhưng không nghi hoặc. Bởi thế, Thiên thần bảo ông đừng sợ rước Maria, chứ không bảo ông đừng hoài nghi nữa.

2.    Công lao của Giuse

Ông bà vâng chiếu chỉ Hoàng đế Augustô. Thánh Kinh chép rằng: Giuse đi Bêlem cùng với Maria sắp đến ngày sinh (x.Lc 2,4tt).

Ông Giuse thi hành lệnh thần truyền đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập. Bà Maria dầu mới sinh con còn non nớt, cũng một dạ phục tùng, lên đường giữa đêm khuya. Trong cuộc hành trình vất vả, ông bà có thể thưa với Chúa: “Luật Chúa là bài ca hát lên nơi khách địa” (x.Mt 2,13-15).

3.    Sự cao cả của thánh Giuse

(…) Nếu bà Isave được Mẹ Maria chào hỏi có một lần mà được ơn nói tiên tri, và Gioan con bà nhảy mừng trong dạ, thì Thánh Cả Giuse thường xuyên chung sống và chuyện vãn với Đức Mẹ, biết ông được an ủi, soi sáng đến chừng nào?

Ai sẽ cho tôi nghe giọng du dương của Trinh Nữ hát thánh ca nơi lưu địa? Ai sẽ cho tôi ngắm bà bồng trên tay Đấng đẹp nhất loài người, hôn kính khi con cười, thảm não khi con khóc, rồi trao cho Giuse bồng bế vuốt ve?

Nếu sự vâng phục ấy nói lên đức khiêm nhường thẳm sâu nơi Ấu Chúa thì cũng đem lại cho cha mẹ Ngài một phẩm cách vô song!

Cha lập luận rằng: Thánh Giuse là gia trưởng ở Nazareth, và được Đức Maria và Chúa Giêsu suy phục. Uy tín này vẫn còn được duy trì ở trên trời. Cha Gerson, một nhà thần học bênh vực tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cũng muốn cho Thánh Giuse được thánh hoá từ lòng mẹ giống như Thánh Gioan Tiền hô. Đường hướng thần học của cha là học hỏi Thánh Giuse dựa theo thần học về Đức Maria, xét về các nhân đức và đặc ân. Một hình ảnh khác cũng được phổ biến nhờ Cha Gerson là “tam vị ở dưới trần” (Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse) được trình bày như phản ánh mầu nhiệm “tam vị ở trên trời”.

(Trích dịch bài thuyết trình: “Tán tụng Đức Mẹ và thánh Giuse” do tiến sĩ Gioan Gerson đọc tại Đại Công Đồng Constantia ngày 08-09-1416)

 III.          THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA: TÔNG ĐỒ THÁNH CẢ GIUSE

Thánh nữ Têrêxa Giêsu (1515-1582) sinh tại làng Avila nước Tây Ban Nha.

Thắng vượt nhiều gian lao thử thách, bà đã cải tổ dòng nữ Cát Minh, đưa trở lại luật phép nhiệm nhặt nguyên thủy. Lập được 17 nữ tu viện, bà đã dâng kính thánh Giuse 13 nhà. Bà cũng giúp đỡ thánh Gioan Thánh Giá lập 13 dòng nam nhặt phép.

Bà đạt đến bậc chiêm niệm cao sâu và nổi tiếng về nhng thị kiến và xuất thần. Tác phẩm của bà khá nhiều, có giá trị văn chương và nhất là giá trị tu đức, thần bí. Vì thế, năm 1970 bà được phong làm Tiến sĩ Giáo hội, cùng với thánh nữ Catarina, là hai Nữ Thánh Sư đầu tiên của Giáo hội.

Bà đáng được kể vào hàng đệ nhất tông đồ của Thánh Cả Giuse, không phải bằng lời giảng, mà bằng kinh nghiệm và hành động. Trong các sách của bà, bà đều nói nhiều đến ơn lạ Thánh Cả đã xin cùng Chúa cho bà và cho tu hội.

Vì thế, sự sùng ái Thánh Cả Giuse vinh hiển là một gia bảo lưu truyền cho các nhà dòng Cát Minh cho tới ngày nay.

1.    Khỏi chứng bất toại

Năm hai mươi tuổi, nữ tu Têrêxa bị bệnh bất toại đã lâu ngày không khỏi, liền lấy lòng trông cậy chạy đến cùng thánh Giuse vinh hiển. Bà thuật lại như sau:

“Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, các thầy thuốc trần gian đưa tôi đến một tình trạng đáng buồn, tôi quyết định kêu đến các thánh trên trời. Tôi xin thánh Giuse vinh hiển làm trạng sư bảo hộ, và ngài đã cứu tôi nhãn tiền.

Cha đáng mến của linh hồn tôi kíp chữa tôi khỏi mọi đau đớn bệnh tật phần xác, cũng như sau này ngài cứu tôi khỏi những nguy hiểm trầm trọng phần hồn, có thể khiến tôi hư mất.

Tôi nhớ không có bao giờ ngài từ chối tôi điều gì, trái lại ngài luôn luôn ban quá sự tôi ao ước. Nơi tôi, Ngài đã làm chói rạng quyền thế và từ tâm của ngài.

Nhờ ngài tôi được hồi phục, tôi đứng lên, tôi đi lại và tôi khỏi hẳn bệnh tê liệt.”

2.    Tông đồ Thánh Cả

Vì lòng cảm mến tri ân, bà trở thành tông đồ truyền bá sự tôn sùng Thánh Cả, bà viết:

“Thật là kỳ diệu các ơn phước đủ loại Chúa đã ban dư dật cho tôi, cũng như các nguy hiểm hồn xác Chúa đã giải cứu tôi, bởi công nghiệp của thánh Quan Thầy đáng mến! Dường như Chúa ban cho mỗi Đấng thánh được ơn cứu giúp ta trong một loại vấn đề nào đó. Trái lại, thánh Giuse có thế lực giúp ta trong tất cả mọi trường hợp, kinh nghiệm đã chứng minh như vậy.

Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, muốn dùng sự kiện ấy để ta biết rằng: như xưa dưới thế Ngài đã vâng phục thánh Giuse trong mọi sự thế nào, thì nay trên trời, Chúa cũng hạ cố chiều theo mọi ước muốn của thánh nhân như vậy.

Nhiều người, tôi khuyên chạy đến cùng thánh nhân cũng nhận thấy như thế. Các ơn phước lớn lao họ nhận được đã khiến họ thấm nhuần lòng hiếu thảo thâm trầm và tri ân sâu sắc đối với thánh Quan Thầy.”

3.    Chết rồi còn tôn vinh Thánh Cả

Bà dâng kính Ngài 13 tu viện trong số các tu viện mà bà thiết lập, đặt tượng ngài trên cổng chính nhà dòng, mỗi tối đem chìa khóa đặt dưới chân tượng, có ý xin ngài canh giữ tu viện và chị em trong nhà.

Sau khi bà qua đời, chị em muốn lấy tên Mẹ sáng lập mà đặt cho nhiều tu viện. Mẹ liền hiện về với Mẹ Đôminica, bề trên nhà Avila mà truyền rằng: “Con hãy trình Bề trên Tỉnh dòng gỡ ngay tên mẹ đi, mà trả cho Thánh Cả các tu viện mẹ đã dâng kính ngài”.

Như vậy, sau khi qua đời, bà còn nhiệt thành làm vinh danh Thánh Cả, mà khi sinh tiền bà đã hết dạ kính yêu.

4.    Lời thách đố đáng yêu

Ngày lễ Mông Triệu 1561, trong nhà thờ dòng Đaminh tại Avila, bà bỗng xuất thần và nhận thấy mình mặc một áo trắng tinh ngời sáng. Lại thấy Đức Mẹ đứng bên phải, thánh Giuse đứng bên trái, hai đấng bảo cho biết bà đã được tinh sạch mọi tội lỗi.

Rồi Đức Mẹ cầm lấy tay bà mà nói: “Con ơi, Mẹ rất vui mừng về lòng sùng kính của con đối với thánh Giuse vinh hiển. Điều gì con nhờ ngài xin với Mẹ, sẽ được ban cho hết”.

Ai không tìm được thầy dạy dỗ đường nguyện ngắm, xin hãy chọn ông thánh kỳ diệu này làm thầy hướng dẫn, chắc chắn sẽ không sợ bị lạc đâu!

(Trích trong “Tiểu sử lập dòng” và “Tự truyện” của thánh nữ)

 IV.          THÁNH PHANXICÔ SALÊ:  BÀN VỀ ĐỨC VÂNG LỜI CỦA THÁNH GIUSE

 

Thánh Phanxicô Salê (1567-1626) làm giám mục thành Genève và sáng lập Dòng nữ Thăm viếng.

Ngài là tác giả cuốn “Dẫn đường mộ đạo” và cuốn “Luận về tình mến Chúa”. Ngài cũng để lại nhiều bài giảng về thánh Giuse, mà ngài rất sùng kính theo gương bà thánh Têrêxa Avila.

Giọng điệu tâm thành, lời văn uyển chuyển của ngài khiến người nghe, người đọc dễ động lòng cảm mến, nên người ta tặng ngài tước hiệu “Tiến sĩ mật ong”.

1.    Thánh Gia gặp nhiều gian khổ

Thánh Gioan Kim Khẩu nói với chúng ta:

“Hỡi bạn, bạn bực mình khi mọi chuyện không xảy ra như ý muốn, sao bạn không biết hổ ngươi, khi thấy sự đó cũng chẳng có được ngay cả nơi gia đình của Chúa?”

Đức Mẹ vừa được truyền tin sẽ cưu mang bởi Chúa Thánh Thần và sinh ra Chúa Cứu Thế, biết vui mừng hoan hỷ dường nào! Nhưng Giuse thấy sự tình mà chẳng biết tự đâu thì ông buồn bã khổ cực biết bao!

Chưa hết đâu. Cách ít lâu, thiên thần lại hiện ra với Giuse trong giấc mộng và bảo: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Ôi! Đó là một vấn đề đau khổ cho Đức Mẹ và thánh Giuse.

Đứng vào địa vị thánh Giuse, chắc ta còn có nhiều điều hơn nữa để chất vấn thiên thần, vậy mà ông không nói lấy nửa lời để tự bào chữa cho khỏi vâng mệnh.

2.    Trật tự trong Thánh Gia

Hãy suy ngắm trật tự lạ lùng trong Thánh gia. Người ta nói: loài chim ưng, con mái mạnh hơn con trống. Không ai hồ nghi rằng: Đức Mẹ trổi vượt hơn, khôn ngoan tài cán hơn ông thánh Giuse. Vậy mà thiên thần không tiếp xúc với bà trong vụ Ai Cập, khi đi cũng như khi về!

Phêrô là người già nua thô thiển, còn Gioan thì lịch sự trẻ trung, vậy mà Chúa muốn Phêrô làm thủ lãnh hướng dẫn mọi người, còn Gioan thì làm thuộc hạ của ông.

“Vậy ta hãy lấy làm đủ khi biết Chúa muốn ta vâng lời, mà không cần xét nét tài cán bề trên. Nhưng hãy bắt trí khôn đi vào con đường khiêm nhượng, đầy phúc lộc, thánh thiện và bình an, con đường khiêm nhường làm cho ta được đẹp lòng Chúa vô hạn”.

(Trích dịch bài huấn đức “Trốn qua Ai Cập” phần 3 cho nữ tu dòng Thăm Viếng)

 

    V.          THÁNH ANPHONGSÔ LIGUÔRI:  BÀN VỀ QUYỀN CHỨC THÁNH GIUSE

Thánh Anphongsô Liguôri (1696-1778) làm giám mục thành Napoli, sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, tác giả nhiều sách thần học và tu đức, tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ, và cũng là tông đồ của thánh Giuse, theo gương bà thánh Têrêxa Avila.

1.    Chức vị làm cha của Chúa Cứu Thế

Phúc Âm không ngần ngại tặng ông tước hiệu đó. Thánh Luca chép: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).

Chính Đức Maria cũng nói với Chúa Con: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”(Lc 2,48). Vậy Thiên Chúa đã tôn phong ngài lên chức vị cao sang như thế thì ta cũng phải kính tôn ngài hết lòng.

Có thiên sứ nào, có thánh nhân nào đáng gọi là cha của Con Chúa không? Thiên Chúa suy tôn thánh Giuse hơn các thánh Tổ tông, các thánh Tiên tri, các thánh Hiển tu, vì các đấng ấy chỉ là tôi tớ của Chúa Giêsu; còn thánh Giuse là cha của Ngài cơ mà!

2.    Chức vụ gia trưởng Thánh gia

Trong nhà này, Giuse ngỏ ý và Con Thiên Chúa vâng nghe. Theo lời Tiến sĩ Gerson, sự tùng phục ấy chứng minh đức khiêm nhường của Chúa Cứu Thế, thì cũng tỏ cho thấy phẩm giá cao trọng của Giuse.

3.    Đấng cầu bầu mạnh thế

Thánh Bênađô nói: “Các thánh, mỗi đấng có thế lực về một số trường hợp, còn thánh Giuse thì có quyền cứu giúp trong tất cả mọi khó khăn, và bênh vực hết mọi kẻ thành tâm chạy đến cùng ngài”.

Bà thánh Têrêxa Avila, theo kinh nghiệm cũng khẳng định: “Dường như Chúa ban cho mỗi đấng thánh được ơn cứu giúp ta trong một loại vấn đề. Trái lại, thánh Giuse có thế lực giúp ta trong tất cả mọi trường hợp. Kinh nghiệm đã chứng minh như vậy.”

(Trích dịch bài giảng “Sùng kính thánh Giuse”)