Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương

 

Vấn Đề Cốt Lõi

 

Dẫn nhập và chuyển dịch - Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

Dẫn Nhập 

Nếu vị giáo hoàng đương kim Phanxicô của chúng ta là vị giáo hoàng được Thiên Chúa tuyển chọn cho Thời Điểm Thương Xót thì vị giáo hoàng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội mở Năm Thánh Thương Xót này, vừa bắt tay vào việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ, đã bày tỏ cảm nhận của mình (từ lâu) về chung thế giới loài người văn minh theo chiều hướng văn hóa tận số (terminal culture), và riêng thế giới Kitô giáo, trong Thời Điểm Thương Xót này, đang bị đầy những thương tích, cần Giáo Hội phải trở thành một bệnh viện lưu động hay bệnh viện dã chiến (the field hospital) để chữa lành cho họ. 

Thành phần bị thương tích nhiều nhất và trầm trọng nhất, đối với ngài, cần phải gấp rút chữa trị, đó là các tâm hồn sống đời hôn nhân gia đình nói chung, cách riêng những tâm hồn đang sống hôn nhân gia đình một cách ngang trái (ngang: ly dị, trái: tái hôn) đối với luật Chúa và truyền thống của Giáo Hội. Phải chăng đó là lý do vừa lên làm giáo hoàng (13/3/2013), ngài đã triệu tập ngay một Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III (5-19/10/2014), không thể chờ đợi (dù chỉ 1 năm sau đó) Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV (4-25/10/2015), cả hai đều về vấn đề hôn nhân gia đình. 

Đúng thế, vào ngày Thứ Sáu 8/4/2016 Tòa Thánh Vatican đã phổ biến Tông Huấn được nao nức trông chờ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về gia đình, một văn kiện được góp phần tham vấn gần 3 năm trời từ tín hữu Công giáo ở các xứ sở trên khắp thế giới. Văn kiện dài này khẳng định giáo huấn của Giáo Hội rằng các gia đình vững chắc là những khuôn đá xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi để con cái học biết yêu thương, tôn trọng và giáo tiếp với người khác.  

Văn kiện này đồng thời cũng cảnh giác việc lý tưởng hóa nhiều thách đố mà đời sống gia đình đang phải đối đầu, thôi thúc các tín hữu Công giáo hãy chăm sóc hơn là lên án tất cả những ai đang sống một cuộc đời không phản ảnh giáo huấn của Giáo Hội. Văn kiện đây đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải làm sao "nhận thức một cách riêng tư và theo mục vụ" đối với những cá nhân, nhìn nhận rằng "cả Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lẫn Tông Huấn này cũng không thể nào có thể cung cấp được một bộ qui tắc chung chung mới mẻ, tự nó có tính cách ràng buộc theo giáo luật và có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp".


Nội Dung

Không phải là tình cờ mà Tông Huấn Amoris Laetitia (AL), "Niềm Vui Yêu Thương", Tông Huấn hậu thượng nghị giám mục thế giới "về Tình Yêu Thương trong Gia Đình", được ký vào ngày 19/3, Lễ Trọng kính Thánh Giuse. Văn kiện này tổng hợp thành quả hai Thượng Nghị về gia đình được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập vào năm 2014 và 2015. Bản văn thường trích lại Những Tường Trình Tổng Kết; các văn kiện và giáo huấn từ những vị tiền nhiệm của ngài; và nhiều bài giáo lý của ngài về gia đình. Chưa hết, như trong các văn kiện huấn quyền trước, vị Giáo Hoàng này cũng sử dụng các đóng góp của những Hội Đồng Giám Mục khác nhau trên khắp thế giới (Kenya, Australia, Argentina...), và trích dẫn những nhân vật quan trọng như Martin Luther King và Erich Fromm. Vị Giáo Hoàng này thậm chí còn trích dẫn cả phim Babette's Feast để diễn giải quan niệm về công thưởng.

Tông Huấn này đặc biệt là vừa dài vừa chi tiết. Bản văn có 325 đoạn được phân chia thành 9 chương. Bảy đoạn dẫn nhập đã mở màn về tính chất phức tạp của một đề tài rất cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo. Những đóng góp của các Nghị Phụ Thượng Nghị làm nên "một viên ngọc muôn mặt" (AL 4), một khối đa diện quí báu, có một giá trị cần phải bảo trì. Thế nhưng, vị Giáo Hoàng này cảnh báo rằng: "không phải tất cả mọi thứ bàn luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ cần phải được giải quyết ổn thỏa bằng những can thiệp của huấn quyền". Thật vậy, đối với một số vấn đề, "mỗi xứ sở hay mỗi miền... có thể tìm kiếm những giải quyết tốt đẹp hơn thích hợp với nền văn hóa và cảm quan của mình đối với các truyền thống và những nhu cầu địa phương của mình. Vì 'các nền văn hóa thực sự là rất khác nhau mà hết mọi nguyên tắc chung... cần phải được hội nhập văn hóa nếu nó muốn được tôn trọng và áp dụng'" (AL 3). 


Nguyên tắc hội nhập văn hóa này áp dụng vào việc hình thành và giải quyết các vấn đề trục trặc, và trừ các vấn đề về tín lý đã được huấn quyền của Giáo Hội xác định rõ ràng, thì không có một phương sách nào có thể được "toàn cầu hóa". Trong bài nói của mình để kết thúc Thượng Nghị 2015, vị Giáo Hoàng này đã nói rất rõ rằng rằng: "Những gì có vẻ là bình thường đối với một vị giám mục ở châu lục này (chẳng hạn, theo người dịch ở đây, vấn đề hôn nhân đồng tính) thì lại bị coi là lạ lùng và hầu như tệ hại - hầu như! - đối với một vị giám mục ở châu lục khác; những gì được coi là vi phạm đến quyền lợi ở xã hội này (chẳng hạn, theo người dịch ở đây, quyền ly dị phá thai) thì lại là một qui tắc hiển nhiên bất khả vi phạm nơi một xã hội khác; những gì là tự do theo lương tâm đối với một số người thì chỉ là tình trạng lầm lẫn đối với những người khác".
Vị Giáo Hoàng này đã minh nhiên nói rằng chúng ta trước hết cần phải tránh một thứ sát cận có vẻ khô cằn giữa những đòi hỏi cần phải đổi thay với việc áp dụng tổng quát những tiêu chuẩn trừu tượng. Ngài viết: "Những cuộc tranh cãi diễn ra nơi giới truyền thông, nơi một số những ấn bản, và thậm chí giữa các thừa tác viên của Giáo Hội, cho thấy tầm mức cách biệt từ một ước vọng vô độ muốn hoàn toàn thay đổi mà không suy nghĩ đầy đủ hay thiếu nền tảng, đến một thái độ muốn giải quyết hết mọi sự bằng cách áp dụng các qui tắc chung hay bằng việc rút ra những kết luận bất tương xứng từ những nhận định thần học đặc biệt" (AL 2).

 

Bố Cục

 

Chương Một: "Theo ánh sáng của Lời Chúa" (8-30)

Chương Hai: "Những trải nghiệm và thách đố của các gia đình" (31-57)

Chương Ba: "Ơn gọi của gia đình là nhìn vào Chúa Giêsu" (58-88)

Chương Bốn: "Tình yêu trong hôn nhân" (89-164)

Chương Năm: "Tình yêu trổ sinh hoa trái" (165-198)

Chương Sáu: "Một số nhãn quan về mục vụ" (199-258)

Chương Bảy: "Hướng tới một nền giáo dục con cái tốt đẹp hơn" (259-290)

Chương Tám: "Hướng dẫn, nhận thức và hội nhập cái yếu hèn" (291-312):

Chương Chín: "Linh đạo hôn nhân và gia đình" (313-325). 

 

 

Cốt Lõi

 

(Vì chương 8 là một chương gây tranh cãi nên xin được trích lại những gì chính Tòa Thánh viết về chương này sau đây:)


Chương thứ tám là một lời mời gọi thương xót và nhận thức về mục vụ ở những trường hợp không hoàn toàn phù hợp với những gì Chúa đề ra. Đức Giáo Hoàng sử dụng 3 động từ rất quan trọng, đó là hướng dẫn, nhận thức và hội nhập, những động từ là nền tảng để giải quyết các trường hợp yếu mềm, phức tạp hay bất thường. Chương này có những tiết mục về nhu cầu chăm sóc mục vụ được diễn tiến từ từ; về tầm quan trọng của việc nhận thức; về các tiêu chuẩn và những hoàn cảnh gia giảm theo nhận thức mục vụ; và sau cùng về cái được Đức Giáo Hoàng gọi là "lý lẽ của lòng thương xót mục vụ".

Chương tám này là chương rất tế nhị. Khi đọc chương này người ta cần phải nhớ rằng "công việc của Giáo Hội thường như là công việc của một bệnh viện ngoài trời - a field hospital" (AL 291). Đến đây Đức Thánh Cha sát cận với những khám phá của các cuộc Thượng Nghị về những vấn đề tranh cãi. Ngài tái khẳng định bản chất của hôn nhân Kitô giáo và thêm rằng "một số hình thức hiệp nhất hoàn toàn trái với lý tưởng ấy, trong khi các người khác nhận thức nó một cách ít là bán phần hay tương tự".  Bởi thế Giáo Hội không coi thường những yếu tố xây dựng nơi những trường hợp chưa hay không còn hợp với giáo huấn của mình về hôn nhân ấy" (AL 292).

Về việc nhận thức liên quan đến các trường hợp "bất thường", Đức Giáo Hoàng nói rằng: "Cần phải 'tránh những phán xét không lưu ý tới tính chất phức tạp của các trường hợp khác nhau', và 'cần phải chú trọng đến tình trạng con người cảm thấy buồn chán ra sao bởi thân phận của họ" (AL 296). Rồi ngài tiếp tục: "Đó là vấn đề vươn tới với hết mọi người, vấn đề cần giúp cho từng người tìm thấy cách thức xứng hợp với họ để tham dự vào cộng đồng giáo hội, nhờ đó họ cảm thấy được tác động bởi một tình thương 'họ không xứng đáng, vô điều kiện và nhưng không'" (AL 297). Chưa hết, "người ly dị rồi đã tái hôn chẳng hạn, có thể thấy mình rơi vào các trường hợp khác nhau, những trường hợp không được liệt hạng hay hợp với các thứ phân loại quá cứng rắn không còn chỗ cho một nhận thức xứng hợp có tính cách riêng tư và mục vụ nữa" (AL 298).

Theo chiều hướng ấy, thu góp các nhận xét của nhiều Nghị Phụ Thượng Nghị, Đức Giáo Hoàng nói rằng "người lãnh nhận phép rửa ly dị và tái hôn về phần đời cần phải được hội nhập một cách trọn vẹn hơn nữa với cộng đồng Kitô hữu bằng các cách thức khác nhau có thể, trong khi ngăn tránh bất cứ cơ hội gây ra gương mù nào". "Việc tham dự của họ có thể được thể hiện bằng các dịch vụ giáo hội khác nhau... Những con người ấy không được cảm thấy như thể mình là những phần tử bị tuyệt thông của Giáo Hội, nhưng là những phần tử sống động của Giáo Hội, có thể sống và lớn lên trong Giáo Hội... Việc hội nhập này cũng cần thiết để chăm sóc và giáo dục Kitô giáo con cái của họ" (AL 299).

Một cách tổng quát hơn, Đức Giáo Hoàng đã có một phát biểu hết sức quan trọng để hiểu được chiều hướng và ý nghĩa của Tông Thư này: "Nếu chúng ta lưu ý tới tính chất đa dạng muôn vàn của những trường hợp cụ thể,... thì có thể thông cảm là không thể trông đợi nơi cả Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lẫn bức Tông Huấn này có thể cung cấp một bộ qui tắc mới phổ quát, có tính cách ràng buộc theo giáo luật và có thể áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh. Cái cần thiết ở đây chỉ là một phấn khích mới trong việc thực hiện một nhận thức cá thể và mục vụ có trách nhiệm về các trường hợp đặc biệt, ở chỗ thấy được rằng vì 'mức độ trách nhiệm không ngang bằng nhau trong tất cả mọi trường hợp' mà các hậu quả hay những công hiệu của một qui tắc không luôn nhất thiết phải tương tự như nhau" (AL 300). Đức Giáo Hoàng đã khai triển một cách sâu xa những nhu cầu và các đặc tính của cuộc hành trình hỗ trợ cùng nhận thức cần thiết cho việc đối thoại sâu xa giữa tín hữu và các vị mục tử của họ.  

Vì mục đích này Đức Thánh Cha đã nhắc lại ý nghĩ của Giáo Hội về "việc gia giảm các yếu tố và những trường hợp" liên quan đến việc qui trách và qui nhiệm đối với các tác hành; và căn cứ vào Thánh Thomas Aquinas, ngài tập trung vào mối liên hệ giữa các qui tắc và nhận thức khi nói: "Thật sự là các qui tắc chung được đặt ra là những gì tốt đẹp không bao giờ có thể coi thường hay xao lãng, thế nhưng theo công thức của mình, chúng không thể nào tuyệt đối áp dụng cho tất cả mọi trường hợp riêng biệt. Đồng thời cần phải nói rằng, chính vì lý do ấy, mà những gì thuộc về nhận thức thực tế ở những hoàn cảnh riêng biệt không thể nào được nâng lên mức độ trở thành một qui luật" (AL 304).

Tiết mục cuối cùng của chương này bàn đến "lý lẽ của lòng thương xót mục vụ". Để tránh những hiểu lầm có thể xẩy ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mạnh mẽ lập lại rằng: "Để chứng tỏ việc hiểu biết trước những trường hợp ngoại lệ thì không bao giờ được làm lu mờ đi ánh sáng của một lý tưởng toàn vẹn, hay làm giảm bớt những gì Chúa Giêsu cống hiến cho loài người. Ngày nay, quan trọng hơn nữa đối với việc chăm sóc mục vụ cho những ai thất bại là một nỗ lực mục vụ để củng cố các cuộc hôn nhân, nhờ đó ngăn chặn tình trạng đổ vỡ của những cuộc hôn nhân này" (AL 307).

Ý nghĩa tổng quan của chương này và của tinh thần mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn thông đạt cho công việc mục vụ của Giáo Hội được tóm gọn một cách đầy đủ trong những lời Ngài kết thúc sau đây: "Tôi khuyến khích thành phần tín hữu đang rơi vào những trường hợp phức tạp hãy tin tưởng nói với vị mục tử của mình hay với người giáo dân khác có đời sống dấn thân cho Chúa. Các vị ấy sẽ không luôn lấy ý nghĩ hay ước muốn của mình áp đặt nơi họ, nhưng các vị ấy chắc chắn sẽ nhận được một chút ánh sáng nào đó để giúp họ hiểu rõ hơn về trường hợp của họ và khám phá thấy con đường tăng trưởng bản thân. Tôi cũng phấn khích các vị mục tử  của Giáo Hội hãy lắng nghe họ một cách tinh tế và bình thản, bằng một ước vọng chân thành muốn hiểu được nỗi khốn khổ của họ và quan điểm của họ, để giúp họ sống một đời sống tốt đẹp hơn và thấy được vị trí xứng hợp của họ trong Giáo Hội" (AL 312).

Về "lý lẽ của lòng thương xót mục vụ", Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng: "Có những lúc chúng ta thấy khó lòng mà giành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ của chúng ta. Chúng ta đặt ra rất nhiều điều kiện lên lòng thương xót đến độ chúng ta hủy hoại ý nghĩa cụ thể và tầm quan trọng thực sự của nó. Đó là đường lối tệ hại nhất trong việc hạ giá Phúc Âm" (AL 311).

Kết Tông Huấn: Như có thể hiểu được từ một thoáng lược qua nội dung của nó, Tông Huấn Aroris Laetitia muốn xác nhận một cách nhấn mạnh không phải là "gia đình lý tưởng" mà là đến thực tại rất phong phú và phức tạp của đời sống gia đình. Các trang văn kiện này cống hiến một cái nhìn cởi mở cõi lòng, có tính cách sâu xa tích cực, được nuôi dưỡng không phải bằng những thứ trừu tượng hay những dự phóng lý tưởng, nhưng bằng việc chuyên chú về mục vụ đến thực tại. Bản văn này là một bài đọc gần gũi với đời sống gia đình, với những minh thức thiêng liêng và sự khôn ngoan thực tiễn hữu ích cho hết mọi cặp vợ chồng hay những ai muốn xây dựng gia đình. Nó trước hết là thành quả của việc chú trọng đến những gì dân chúng đã sống qua nhiều năm tháng. Tông Huấn Amoris Laetitia về Tình Yêu Thương trong Gia Đình thực sự nói bằng ngôn ngữ của kinh nghiệm và của niềm hy vọng.

(Kèm theo Kinh cầu cùng Thánh Gia)

https://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2016/04/08/160408b.html