SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 


PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN NĂM C VÀ NĂM LẺ

(Vào Mùa Chay - trước Thứ Tư Lễ Tro)


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật

 

 

Bài Ðọc I: Hc 27, 5-8

"Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói".

Trích sách Huấn Ca.

Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 91, 2-3. 13-14. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa! (x. c. 2a).

Xướng: 1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Ðấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm. - Ðáp.

2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông. - Ðáp.

3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Ðá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà! - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 54-58

"Người đã ban cho chúng ta sự chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, khi xác hay chết này mặc lấy sự trường sinh, thì lúc ấy ứng nghiệm lời đã ghi chép rằng: "Sự chết đã tiêu tan trong chiến thắng". "Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu? Nọc độc của sự chết là tội, thế lực của tội là lề luật". Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 6, 39-45

"Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

"Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: 'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

"Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

SUY NIỆM

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật VIII Thường Niên Năm C là bài Phúc Âm tiếp theo hai bài lần trước cho Chúa Nhật VI và VII Thường Niên Năm C, theo chiều hướng của giáo huấn sống trọn lành như Chúa Giêsu khuyên dạy các tông đồ, thành phần môn đệ chứng nhân tiên khởi của Người sau này. Người đã dạy các vị sống trọn lành, sống trổi vượt trên thế gian, trên tầm mức tầm thường, đến độ trên thực tế hoàn toàn sống ngược với hay nghịch với thế gian, như 4 mối phúc thật và 4 cái khốn nạn ở bài Phúc Âm Chúa Nhật VI hai tuần trước, và yêu thương kẻ thù như ở bài Phúc Âm Chúa Nhật VII mới tuần vừa rồi.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không nói đến phương diện tích cực nữa mà là tiêu cực, một phương diện tiêu cực liên quan, bề ngoài, chẳng những đến đức bác ái yêu thương, mà còn, bên trong, liên quan đến chính bản thân của mỗi người cần phải biết mình và hạ mình nữa, bằng không, không thể nào có thể sống trọn lành được, hay có sống trọn lành cũng là "giả hình" như Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay.

"Giả hình" ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ chẳng biết mình mà lại lên mặt khinh người và dạy đời: "'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi?", trong khi thành phần sống trọn lành và công chính không bao giờ dám lên mặt tự phụ và tự mãn, đến độ dám khinh thường, phê phán, chỉ trích hoặc đả kích ai, có thành kiến với bất cứ ai. Căn cứ vào hành vi cử chỉ, thái độ và phản ứng của họ là biết ngay bộ mặt thật của họ, có trọn lành thật hay chăng, có công chính đúng hay chăng? Quả đúng như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Cứ xem trái thì biết cây.... Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra".

Sách Huấn Ca trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng công nhận nguyên tắc lòng đầy thì trào ra ngoài miệng, ra hành vi cử chỉ, ra thái độ phản ứng, hay nói cách khác, tất cả những gì con người tác hành, tiêu biểu nhất là ngôn từ, biểu hiệu nội tâm sâu xa bên trong không ai thấy của họ, tỏ hiện cái bản chất tốt lành hay gian tà của họ: "Nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. ... Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Ðừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người".

Một con người hay khoe khoang và thường phê bình chỉ trích và đả kích người khác thì chẳng cần phải là thành phần nạn nhân của họ mới xếp họ vào loại người kiêu căng tự ái, mà chính những ai có khuynh hướng kiêu căng tự ái như họ cũng thấy ngay điều đó, nhưng chỉ khác nhau là ở chỗ, cho nhau là kiêu căng tự ái đấy mà chính mình họ cũng chẳng kém gì hay còn hơn nữa thì lại không thấy, cứ tiếp tục trở thành đối tượng của những gì mình nhận thấy nơi một con người kiêu căng tự ái giống hệt như mình. Những con người biết người mà không biết mình thì chẳng khác gì như đang bị mộng du hay say rượu, nói hay làm mà chẳng biết mình nói gì hay làm gì, thậm chí như người mất trí, như người mù: "'Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh', trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi?"

Nếu người mù là người không thấy gì hết ngoài bóng tối, mà bóng tối lại tiêu biểu cho gian dối và sự chết, thì người mù về tâm linh và tu đức là kẻ sống trong gian dối - ở chỗ "giả hình", và trong sự chết - ở chỗ phạm đến đức bác ái yêu thương: "Ai không yêu thương thì ở trong sự chết" (1Gioan 3:14). Tuy nhiên, trong Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng cuộc Vượt Qua của Người, thì những ai được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy tái sinh cũng đã chiến thắng nhờ Người và bởi Người, đúng như Thánh Phaolô Tông Đồ xác tín trong Bài Đọc II hôm nay: "Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

Một khi chúng ta đã "chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" như thế, chúng ta không thể tiếp tục sống "giả hình" theo con người cũ của chúng ta, mà là con người mới, ở chỗ được mặc lấy Chúa Kitô, do đó Thánh Phaolô đã khuyên giáo đoàn Corinto cũng là khuyên Kitô hữu chúng ta trong cùng Bài Đọc II hôm nay rằng: "Cho nên, hỡi anh em thân mến, anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa". "Thăng tiến trong công trình của Chúa" đây có nghĩa là luôn nhớ và tác hành như một kẻ đã thực sự "Nhờ Đức Giêsu Kitô" mà "chiến thắng" tội lỗi và sự chết.

Những tâm hồn nào cảm nghiệm thần linh được rằng mình đã "chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" và "luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa", thì mới thấy cái chí lý nơi cảm nhận của Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay: "lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm", có nghĩa là "dù chúng ta có bất trung thì Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình Ngài" (2Timotheu 2:13). Thậm chí Ngài còn biến sự dữ thành sự lành cho chúng ta, chẳng hạn để cho chúng ta bị xét đoán y như chúng ta xét đoán người khác, nhờ đó chúng ta biết mình và biết người, không dám khinh ai, trái lại biết cảm thương hết mọi người. Nhờ đó, họ càng ngày càng tiến trên đường nhân đức trọn lành một cách vững vàng, như được Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả (câu 2 và 3), và như thế, những gì được cảm nhận và xác tín trong Bài Đáp Ca hôm nay cũng là của chính họ vậy:

 

1) Thiện hảo thay việc khen ngợi Chúa, và đàn ca danh Ngài, ôi Ðấng Tối Cao, hầu loan truyền tình thương Ngài vào buổi sớm, và lòng trung tín Ngài vào lúc ban đêm.

2) Người hiền đức như cây chà là nở hoa tươi tốt, vươn mình lên như cây hương bá đất Liban. Họ được vun trồng trong nhà Chúa, trong hành lang nhà Thiên Chúa chúng tôi họ nở bông.

3) Ngay trong tuổi già họ còn sinh trái, họ đầy nhựa sống và họ sống xanh tươi, để họ loan truyền Chúa nhường bao công chính, Chúa là Ðá Tảng của tôi, nơi Chúa chẳng có gian tà!




Thứ Hai sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 1, 3-9

"Anh em yêu mến Ðức Kitô, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết.

Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải buồn sầu một ít lâu, giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự, khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài, bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 5-6. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. - Ðáp.

2) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.

3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. - Ðáp.

 

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 10, 17-27

"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao". Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa".

Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

"Chúa Giêsu trìu mến nhìn người ấy": "Ngươi chỉ còn thiếu một điều"
SUY NIỆM

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (10:27-37) cho Thứ Hai Tuần 8 Thường Niên hôm nay là câu Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn đầy khắc khoải của một con người giầu có nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc làm sao ấy nên đã thành khẩn tin tưởng hỏi Chúa Giêsu: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?".
Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy, trước hết, sự sống đời đời được chất chứa ngay trong Thập Giới, nghĩa là ai tuân giữ các giới răn, ít nhất tránh được những gì là tiêu cực thì cũng được rỗi, như Chúa Giêsu đã liệt kê: "đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ".
Ở đây, chúng ta chỉ thấy 7 điều trong Thập Giới mà thôi, từ điều 4 tới điều 10: điều 4 - "thảo kính cha mẹ", điều 5 - "chớ giết người", điều 6 và 9 - "chớ ngoại tình", điều 7 và 10 - "chớ lấy của người" hay "chớ lường gạt" cũng có nghĩa là "chớ tham của người", và điều 8 - "chớ làm chứng dối", hoàn toàn không thấy 3 điều đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa đâu. 
Vậy chẳng lẽ không cần 3 điều đầu tiên và chính yếu hết sức quan trọng trong 10 điều răn Chúa thì cuối cùng cũng được cứu rỗi, cũng được sống đời đời hay sao?
Có thể, đối với Chúa Giêsu, 3 điều đầu tiên trong Thập Giới chưa được Người nhắc đến liên quan đến vấn đề thứ hai như Người đặt ra cho kẻ đặt vấn đề "được sống đời đời", đó là: "ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".
Đúng thế, vấn đề thứ hai được Chúa Giêsu nêu lên sau khi liệt kê 7 điều tối thiểu trong Thập Giới thật sự là liên quan đến 3 điều đầu tiên của Thập Giới. Vì một khi thực hành được vấn đề thứ hai này thì, con người ta nói chung và con người giầu có trong bài Phúc Âm nói riêng, đúng là "thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự" (điều 1 trong Thập Giới).
Tuy nhiên, trong trường hợp của con người giầu có trong bài Phúc Âm này cũng rất đặc biệt, ở chỗ, cho dù không thể làm theo lời khuyên của Chúa Giêsu trên đây, để có thể sống trọn lành hơn, nhưng người này vẫn không tham lam quá độ, hay vì tham lam mà lường gạt và gian lận sản vật của ai, thậm chí coi tiền bạc hơn mạng người, hay giầu có mà sinh tật trai gái ngoại tình, hoặc khinh thường bất kính với cha mẹ v.v. 
Đó là lý do, như Phúc Âm thuật lại, "Chúa Giêsu trìu mến nhìn người ấy", sau khi nghe người này cho biết là "Lạy Thày, những điều ấy tôi đã giữ từ nhỏ". Và đó cũng là lý do Chúa Giêsu mới nhắc nhở con người đã đủ điều kiện tối thiểu để "được sống đời đời" ấy rằng "Ngươi chỉ còn thiếu một điều", đó là sống trọn lành hơn, một đời sống, trước hết, mang đến cho chính bản thân của đương sự cái lợi đầu tiên đó là được bình an vui sống, chứ không còn cảm thấy băn khoan khắc khoải và bất an nữa, dù bản thân và đời sống của đương sự "có nhiều của cải", một tâm trạng mà đương sự đã không thể nào che giấu ở ngay vấn đề được đương sự thoạt tiên đặt ra hỏi Chúa Giêsu "tôi phải làm gì để được sống đời đời", nhất là qua thái độ cuối cùng của đương sự "bỏ đi với nét mặt u buồn", sau khi nghe lời khuyên sống trọn lành của Người.

Trong lời khuyên của Chúa Giêsu "ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta", chúng ta thấy Người không bảo người giầu có đem bố thí gia tài của anh ta, mà bán trước rồi bố thí sau. "Bán" tr
ước đây có nghĩa là gia tài này có giá trị chứ không phải đồ bỏ, và "bố thí" sau đó "cho người nghèo khó" có nghĩa là trao tặng những gì quí báu của mình cho thành phần có thể hiểu là nghèo khó thật sự về vật chất cần được chia sẻ giúp đỡ, mà cũng có thể nghèo khó về tinh thần bởi lòng tham vô đáy của con người cần ý thức lại trước gương từ bỏ của nghĩa cử "bố thí" rộng lượng của những ai muốn theo Chúa.

Và cũng chỉ sau khi "bán" và "bố thí" "tất cả gia tài" của mình đi, con người mới được "kho báu trên trời", ngay cả trước khi "theo" Chúa, ch
ứ không phải chỉ sau khi theo Chúa mới được. Bởi vì "kho tàng của các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó" (Mathêu 6:21). Như thế, so với "kho báu trên trời" thì "tất cả gia tài" của con người trên trần gian này chẳng có là gì, vậy mà chỉ cần "bán" và "bố thí" đi "tất cả gia tài" chẳng bao nhiêu của mình thì họ như thể đổi 1 xu lấy hằng tỉ bạc vậy.

Vì cho dù "tất cả gia tài" của con người ở trên đời này có giá trị đến đâu chăng nữa, cũng không quí bằng "kho báu trên trời" vốn l
à những gì vô giá và không gì có thể so sánh được. Nghĩa là chỉ khi nào lòng của con người không còn quyến luyến một sự gì trên thế gian này nữa, dù tự bản chất của chúng là tốt và cần, ngoài một mình Thiên Chúa, họ mới có thể theo Chúa, mới có thể "tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước hết" (Mathêu 6:33) mà thôi: "Không ai có thể làm tôi hai chủ... Các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa và làm tôi tiền của được" (Mathêu 6:24). 

CẢM NGHIỆM

Trong đời sống đạo, đời sống thiêng liêng, đời sống đức tin, vì còn nguyên mầm mống nguyên tội trong bản thân, được lưu truyền từ nguyên tội và bởi nguyên tội ngay từ ban đầu qua bản tính loài người của mình, mà cuộc đời của Kitô hữu trên trần gian này mới trở thành, hay mới được gọi là, một cuộc hành trình đức tin, một cuộc sống theo đức tin hướng dẫn và trung thành với đức tin cho đến cùng, một cuộc sống siêu nhiên cao cả, ở ngay trong thế gian mà không thuộc về thế gian, một cuộc sống siêu thoát, hoàn toàn làm chủ thế gian, chẳng khác gì như "muối đất... (và như) ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:13-14), bất chấp mọi chước cám dỗ của ma quỉ, mọi quyến rũ của thế gian, nhất là liên quan đến lòng tham lam của cải sản vật thế gian như người thanh niên giầu có đạo hạnh trong bài Phúc Âm hôm nay, thậm chí còn thắng vượt mọi gian nan khốn khó bởi dám bơi ngược giòng đời.

Tuy nhiên, cũng chính vì mầm mống nguyên tội mà tự mình con người chỉ hướng hạ và thích đi vào con đường rộng dẫn đến diệt vong mà thôi (xem Mathêu 7:13) không thể nào nên trọn lành được, không thể nào, như người thanh niên giàu có trong bài Phúc Âm hôm nay, tự động và vui vẻ mau mắn bỏ đi những gì mình có, như của cải hay quyền lợi của mình là những gì vừa chính đáng vừa cần thiết, cho một lý tưởng mơ hồ nào đó, nếu họ không có đức tin và không được tác động bởi Trời Cao, không được "tuyển chọn" (Gioan 15:16), như các tông đồ ngày xưa.

Đúng thế, đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phêrô tông đồ đã cho chúng ta thấy được những gì vô cùng cao quí chúng ta đã nhưng không lãnh nhận và cần phải bảo tồn bằng đức tin của mình: "Vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết".

Có như thế, Kitô hữu chúng ta mới không còn cảm thấy băn khoăn khắc khoải đến độ buồn sầu bất an như con người giầu sang nhưng vẫn không cảm thấy thỏa mãn trong Bài Phúc Âm hôm nay, trái lại, như Thánh Phêrô khẳng định trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta vẫn cảm thấy an toàn và vui sống bất chấp tất cả mọi gian nan khốn khó tự nhiên do bởi sống đức tin:

"Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải buồn sầu một ít lâu, giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự, khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài, bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn".

 

Chính vì sống đức tin mà Kitô hữu chúng ta mới cảm nghiệm thấy được những gì chúng ta đạt được bởi đức tin đều là do bởi ân sủng, bởi LTXC, và do đó không thể nào không vang lên tâm tình của Bài Thánh Vịnh 110 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

2) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.

3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời.



Thứ Ba sau Chúa Nhật 8 Quanh Năm

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Pr 1, 10-16

"Các ngài tuyên báo các ân sủng dành cho anh em, vậy anh em hãy ăn ở tiết độ và hoàn toàn hy vọng".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.

Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Ðức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, Vì có lời Kinh Thánh chép: "Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3c-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 10, 28-31

"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".

Ðó là lời Chúa.

 

Mark 10:28-31(05/03/2019) - YouTube

"Bỏ mọi sự mà theo Thầy": "được gấp trăm" bao gồm cả bị "bắt bớ". 

SUY NIỆM

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco (10:28-31) cho Thứ Ba Tuần 8 Thường Niên hôm nay liên quan đến việc "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau" như câu Chúa Giêsu trả lời cho Thánh Phêrô.
Thật thế, bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Nếu bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến vấn đề "tôi phải làm gì để được sống đời đời" của một con người giầu có đã tuân giữ các giới răn từ nhỏ nhưng vẫn cảm thấy bất an bởi "còn thiếu một điều" là sống trọn lành, thì bài Phúc Âm hôm nay (Marcô 10:28-31) liên quan đến đời sống trọn lành hơn nơi thành phần môn đệ theo Chúa Kitô, tiêu biểu là Tông Đồ Phêrô qua câu hỏi của ngài: "Phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì sao?" 
Tất nhiên, nếu người giầu có trong bài Phúc Âm hôm qua, một con người đã giữ các giới răn đàng hoàng tử tế đối với tha nhân thì cũng hội đủ điều kiện tối thiểu để được cứu rỗi, "để được sống đời đời", thì thành phần bỏ mọi sự theo Chúa Kitô như chàng Simon Phêrô và các môn đệ khác lại càng bảo đảm "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau" hơn nữa. 
Thế nhưng, vấn đề khác nhau ở đây giữa hai trường hợp cũng được rỗi, "được sống đời đời" và "được sự sống vĩnh cửu ở đời sau", giữa người không sống trọn lành (như trong bài Phúc Âm hôm qua) và người sống trọn lành hơn (trong bài Phúc Âm hôm nay), đó là ngay "ở đời này", trong khi người không sống trọn lành (như người giầu có trong bài Phúc Âm hôm qua) luôn cảm thấy khắc khoải bất an buồn sầu, thì người sống trọn lành hơn (như trường hợp các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay) "được gấp trăm về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ".
Đúng vậy, thành phần theo Chúa Kitô để sống trọn lành hơn, không phải đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Giảng Trên Núi về Phúc Đức Trọn Lành, một bài giảng cho chính các vị tông đồ theo Chúa (xem Mathêu 5:1-2), thành phần được cho là "hiền như ma-sơ" là "ai hiền lành ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất làm của mình vậy" (Mathêu 5:5) - "Đất" đây phải chăng Chúa muốn ám chỉ "thế gian", ám chỉ "đời này", ngược lại với "Nước Trời" ở Phúc Thứ 1. Mà "thế gian" hay "đời này" đây bao gồm những gì nếu không phải là "nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ". 
Đối với phàm nhân thì "bắt bớ" "ở đời này" là một bất hạnh, là một sự dữ, thế nhưng, đối với thành phần theo Chúa Kitô sống trọn lành hơn thì lại là một vinh phúc: "Phúc cho những ai bị bắt bớ vì sự công chính vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi họ xỉ nhục các con và bách hại các con cùng lăng nhục các con vì danh Thày. Hãy hân hoan vui sướng, vì phần thưởng lớn lao của các con ở trên trời" (Mathêu 5:9,10-11).

Chi tiết trong lời hứa "gấp trăm" theo Thày đây là một yếu tố then chốt và là một điều kiện bất khả thiếu để "được gấp trăm". Bởi vì, người đàn bà chỉ sinh son trong cơn đau đớn (xem Gioan 16:21), cành nho càng sai trái hơn khi bị cắt tỉa đi (xem Gioan 15:2), và hạt lúa miến cần phải mục nát đi mới trổ sinh nhiều hoa trái (xem Gioan 12:24) thế nào thì muốn "được gấp trăm" thành phần môn đệ của Chúa Kitô không thể nào chỉ thực hiện việc "bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm", mà còn phải sẵn sàng chấp nhận mọi "bắt bớ" "vì Thầy và vì Phúc Âm" nữa.

Đó là lý do điều kiện để theo Chúa và mới xứng đáng để làm môn đệ của Chúa Kitô, như Người đã khẳng định dứt khoát bao gồm 2 điều kiện - bỏ mình và chịu khổ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mathêu 16:24).

CẢM NGHIỆM

Đời sống trên trần gian này của Kitô hữu là thành phần môn đệ của Chúa Kitô không phải chỉ ở chỗ làm sao để sống đạo cho ngoan, hằng ngày đi thờ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện, hằng tuần ăn chay kiêng thịt, hằng tháng xưng tội hòa giải, hằng năm tĩnh tâm hành hương, khi cần thì ăn chay bố thí v.v. nhờ đó mà được rỗi, được lên thiên đàng, khỏi sa hỏa ngục, trái lại, họ còn phải có tinh thần tông đồ truyền giáo nữa, qua những việc làm trong tầm tay của mình, làm sao để mang lại phần rỗi cho anh chị em đồng loại, đồng hương và đồng đạo của mình, nhờ đó họ mới thực sự là sống trọn ơn gọi và sứ vụ của mình là thành phần môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đã phục sinh và trước khi thăng thiên về trời đã truyền cho các môn đệ của Người hãy loan truyền tin mừng sự sống cho muôn dân cho tới tận cùng trái đất (xem Mathêu 28:19; Marco 16:15; Tông Vụ 1:8), và cũng nhờ đó họ mới "được gấp trăm ngay ở đời này và hạnh phúc đời sau", như Chúa Kitô khẳng định với riêng Tông Đồ Phêrô và chung các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay.

Cho dù là Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, ai trong chúng ta vẫn thấy rằng có những lúc hay nói đúng hơn là nhiều lúc chúng ta đã không sống đúng với ơn gọi môn đệ và sứ vụ tông đồ chứng nhân của mình, thậm chí còn trở thành những tên phản kitô, tác hại nhiệm thể Chúa Kitô và càng khiến cho thế gian đã tối tăm lại càng trở nên tăm tối. Đó là lý do, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phêrô đã khuyên dạy chúng ta rằng:

"Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Ðức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, Vì có lời Kinh Thánh chép: 'Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh'".

Có như thế, Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô chúng ta mới có thể và xứng đáng cùng với Thánh Vịnh 97 ở Bài Đáp Ca hôm nay, chẳng những thực sự cảm nhận được ơn cứu độ của Chúa nơi bản thân mình mà còn trở thành tin mừng cứu độ cho muôn dân qua chứng từ cuộc sống của chúng ta nữa:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.