SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

"Thày là Sự Sống"

 

Liên Hệ Thần Linh

 

Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần V Phục Sinh

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

  Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh

(cho các Chúa Nhật)

 


Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

 

Vậy, nếu chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho các ngày trong tuần lễ  II của Mùa Phục Sinh liên hệ tới chiều kích Tái Sinh Thần Linh, trong tuần lễ III tới chiều kích Bánh Sự Sống và trong tuần lễ IV đến chiều kích Mục Tử Thần Linh, thì các ngày trong tuần của tuần lễ Thứ V của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho cả các tuần lễ VI và VII còn lại nữa, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần V Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Liên Hệ Thần Linh.

 

 

 

Chúa Nhật V Phục Sinh: Sự Sống - Liên Hệ Thần Linh




Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Phục Sinh vẫn theo Phúc Âm Thánh Gioan, tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của 4 Tuần cuối của Mùa Phục Sinh, nhưng ở khía cạnh liên hệ thần linh: trước hết là mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Cha của Người (Năm A), sau đó là mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Năm B), và sau hết là mối liên hệ thần linh giữa nội bộ Giáo Hội với nhau (Năm C).

Năm A 

S
ự sống nơi mối liên hệ thần linh giữa Chúa Kitô và Cha của Người.
Phúc Âm (Gioan 14:1-12): "Ai thấy Thày là thấy Cha... Những điều Thày nói với các con không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thày, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 6:1-7) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Thiên Chúa qua sứ vụ chứng nhân: "Anh em hãy chọn lấy 7 người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa".  

Bài đọc 2 
(1Phêrô 2:4-9) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Thiên Chúa qua sứ vụ chứng nhân: "Anh em là giòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Đấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người".


Bài Ðọc I: Cv 6, 1-7

"Họ chọn bảy người đầy Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, số môn đồ gia tăng, nên xảy ra việc các người Hy-lạp kêu trách các người Do-thái, vì trong việc phục vụ hằng ngày, người ta khinh miệt các bà goá trong nhóm họ. Nên Mười hai Vị triệu tập toàn thể môn đồ đến và bảo: "Chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa mà lo đi giúp bàn, thì không phải lẽ. Vậy thưa anh em, anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan, để chúng tôi đặt họ làm việc đó. Còn chúng tôi, thì sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa".

Cả đoàn thể đều tán thành lời các ngài, và chọn Têphanô, một người đầy đức tin và Thánh Thần, và chọn Philipphê, Prôcô, Nicanô, Timon, Parmêna, và Nicôla quê ở Antiôkia. Họ đưa mấy vị đó đến trước mặt các Tông đồ. Các ngài cầu nguyện và đặt tay trên các vị đó.

Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 4-9

"Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi đến cùng Chúa là tảng đá sống động, bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và tôn vinh, chính anh em như những tảng đá sống động, xây dựng toà nhà thiêng liêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô. Vì thế, có lời Thánh Kinh rằng: "Ðây Ta đặt tại Sion tảng đá góc tường, được tuyển chọn và quý giá, ai tin Người, sẽ không phải hổ thẹn". Vậy, vinh dự cho anh em là những kẻ tin; nhưng đối với những kẻ không tin, thì tảng đá mà thợ xây loại bỏ, đã trở thành đá góc tường, đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Chúa, và số phận của họ là thế. Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 6

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 1-12

"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi". Ông Tôma thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người". Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư, Philipphê? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha, sao con lại nói "Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha"? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for john 14:1-12



Suy Nghiệ
m Lời Chúa

 

Chủ đề "Thày là sự sống" sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh được tiếp tục ở Tuần thứ V Phục Sinh, từ Chúa Nhật đầu tuần. Thật vậy, nếu Tuần II (4 ngày đầu trong tuần), chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến việc "tái sinh bởi trời", "bởi nước và Thần Linh", Tuần III Phục Sinh liên quan đến "Bánh Sự Sống từ trời xuống cho thế gian được sự sống", và Tuần IV Phục Sinh "Thày là sự sống" liên quan đến "Vị Chủ Chiên nhân lành hiến mạng sống mình cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn", thì Tuần V Phục Sinh "Thày là sự sống" liên quan đến mối Liên Hệ Thần Linh giữa Chúa Kitô và thành phần môn đệ tông đồ.

 

Và đó là lý do các bài Phúc Âm cho Chúa Nhật Năm B và C được Giáo Hội chọn đọc đều về mối hiệp thông thần linh trong yêu thương, giữa thày trò với nhau như cành nho với cây nho (Năm B), và giữa các môn đệ với nhau (Năm C), như họ được Thày yêu thương thế nào họ cũng yêu nhau như vậy. Các bài Phúc Âm cho các ngày thường trong Tuần V Phục Sinh cũng thế, cũng theo chiều hướng (nên một với Chúa và với nhau) của 3 bài Phúc Âm Chúa Nhật (A-B-C) mở đầu Tuần V Phục Sinh này.

 

Vậy trong Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A này cho thấy chiều kích hiệp thông nên một ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ "Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó". Thế nhưng, đâu là ý nghĩa hiệp thông Chúa Kitô muốn nói đến qua câu nói vắn gọn chứa đầy những bí mật ấy? Đó là lý do chúng ta cần phải nắm bắt được toàn câu Người nói: "Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó".

 

Thường chúng ta hiểu câu này về biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên về cùng Cha là Đấng đã sai Người để dọn chỗ cho các thánh tông đồ. Không sai. Bởi vì, ngay trước câu này, Người đã khẳng định với các tông đồ rằng: "Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở". Tuy nhiên, nếu đọc trọn vẹn đoạn 14 của Phúc Âm Thánh Gioan mà bài Phúc Âm hôm nay chất chứa những câu mở đầu, thì câu Người nói mà chúng ta vốn nghĩ rằng liên quan đến biến cố Thăng Thiên của Người còn một ý nghĩa cũng hợp tình, hợp lý và hợp thời nữa. Bởi ở câu cuối cùng của đoạn 14 này còn nói đến một chi tiết trực tiếp liên quan đến câu chúng ta đang tìm hiểu nữa, đó là câu: "tên thủ lãnh thế gian này đang đến..." (Gioan 14:30).

 

Như thế, "Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con" đây ám chỉ việc Người ra đi để chịu khổ nạn và tử giá, bởi nếu Người không "đi trước chiên" (Gioan 10:4), không nêu gương cho chiên như vậy, các vị không thể theo Người, và do đó, cho dù tông đồ Phêrô có cố gắng thử sức xem sao, ngài, cuối cùng, sau 3 lần chối Thày như đã được Ngưới báo trước (xem Gioan 13:37-38), đã phải công nhận rằng Bậc Thày của ngài quá chí lý: "Nơi Thày đi, hiện giờ con không thể tới được, sau này con mới tới được" (Gioan 13:36,33).

 

"Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó". Thật vậy, sau khi Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết, Người đã "trở lại" với các tông đồ của mình, và truyền cho các vị phải "đi khắp thế gian" (Marco 16:16), "cho đến tận cùng thế giới" (xem Tông Vụ 1:8), để "làm chứng về những điều đó" (Luca 24:48), về Đấng Vượt Qua (xem Luca 24:47). Trong số các tông đồ, Người đã "trở lại" riêng với Thánh Phêrô, báo cho ngài biết rằng ngài cũng sẽ phải chịu chết như Người: "để Thày ở đâu thì các con cũng ở đó", và bấy giờ Người lên tiếng kêu gọi ngài "hãy theo Thày" (Gioan 21:22), và chỉ sau đó, lời ngài thưa cùng Chúa Kitô: "con sẽ thí mạng sống vì Thày" (Gioan 13:37) mới được nên trọn mà thôi.

 

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A hôm nay, bởi thế, đã được Chúa Kitô cho các tông đồ biết rằng, điều kiện tiên quyết và tối yếu để có thể sống liên kết mật thiết với Người, có thể "theo Thày" cho đến cùng, đó là "Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Tin vào cả 2 chứ không phải chỉ tin vào một trong hai. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn: đó là hãy tin vào Cha qua Con, hay hãy tin vào Con để có thể đến được với Cha: "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". "Thày là đường, là sự thật và là sự sống".

 

"Thày là đường" ở chỗ "các việc Thày đã làm", nghĩa là Thày "từ trời xuống không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai" (Gioan 6:38). Bởi thế mà tất cả "những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc", và cũng chính vì thế cho thấy quả thực "Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy". Đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha", để rồi nhờ đó, "nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy".

 

"Thày là sự thật" ở chỗ "ai thấy Thày là Thấy Cha": Thấy Thày qua "các việc Thày làm", để nhờ đó mà nhận biết rằng Thày đã được Cha sai, chứ "Thày không tự mình mà đến... chính Người đã sai Thày" (Gioan 7:28-29), nên "Ngài làm mọi việc" trong Thày và qua Thày, nghĩa là "qua các việc Thày làm" chỉ hoàn toàn theo ý Ngài, chứ không phải và không bao giờ theo ý của Thày một chút nào.

 

"Thày là sự sống" ở chỗ "ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha". Thật vậy, nhờ nhận biết được "sự thật" về Thày là Đấng Thiên Sai, qua "Thày là Đường", ở "các việc Thày làm", mà họ đã được hiệp nhất nên một với Người: "Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó". Nghĩa là họ cũng bị thế gian hận thù ghen ghét và sát hại như Thày (xem Gioan 15:18-21; 16:1-2). Thế nhưng, chính vì họ đã được "Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy", mà cuối cùng họ cũng chiến thắng thế gian như Thày "đã thắng thế gian" (Gioan 16:33).

 

Chính vì Chúa Kitô Vượt Qua, đã "về với Cha", những vẫn tiếp tục "thắng thế gian" nơi các tông đồ của Người như thế mà các vị, thành phần "chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa", mới có thể "làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn", nên mới xẩy ra sự kiện lịch sử vào thời Giáo Hội mới khai sinh, sau biến cố Thánh Thần Hiện Xuống, đó là sự kiện, như được Sách Tông Vụ thuật lại ở Bài Đọc 1 hôm nay: "Lời Chúa lan tràn, và số môn đồ ở Giêrusalem gia tăng rất nhiều. Cũng có đám đông tư tế vâng phục đức tin", một sự kiện chưa hề xẩy ra ngay khi Chúa Kitô còn sống!

 

Tuy nhiên, tất cả những hoa trái thiêng liêng gặt hái được, còn hơn thời của Chúa Kitô nữa, không phải tự các vị tông đồ mà có và làm được, không phải là do "con hơn cha nhà có phúc", mà là do chính các vị đã "tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày", tức đã được hiệp nhất nên một với Người, nhờ đó, các ngài đã, như Thánh Pherô trong Bài Đọc II hôm nay cho biết, "là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi (các ngài cũng như những ai tin vào Người qua các vị) ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ diệu của Người", để xứng đáng "hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô".

 

Chính vì các tông đồ "tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày" mà các vị đã trở nên phương tiện để trao ban ơn cứu độ là tất cả lòng thương xót Chúa cho nhân loại, một lòng thương xót đã được Thánh Vịnh gia cảm nhận cùng chúc tụng ngợi khen ở bài Thánh Vịnh 32, được Giáo Hội lập lại trong Bài Đáp Ca hôm nay, nhất là ở câu họa chung: "Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, như chúng con đã trông cậy Chúa (c. 22)", và được bày tỏ ở 3 câu xướng sau đây:

 

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa! Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.

2) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.





Năm B
  

Tổng Quan


Sự Sống nơi mối liên hệ thần linh 
giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Bài đọc 1 (Tông Vụ 9:26-31) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Giáo Hội: "Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần".

Bài đọc 2 (1Gioan 3:18-24) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh với Chúa Kitô và Giáo Hội: "Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau như Người đã ban giới răn cho chúng ta".

Phúc Âm
 (
Gioan 15:1-8): "Thày là cây nho các con là cành. Ai ở trong Thày và Thày ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thày các con không thể làm gì được".


Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

"Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội (c. 26a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: "Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời". - Ðáp.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa. - Ðáp.

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: "Ðiều đó Chúa đã làm". - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

"Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

"Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

 

Image result for john 15:1-8


Suy Nghiệ
m Lời Chúa

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật thứ V Phục Sinh này vẫn tiếp tục chủ để "Thày là sự sống" như các tuần III và IV. Tuy nhiên, ý nghĩa "Thày là sự sống" ở Chúa Nhật thứ V Phục Sinh này là ở chỗ liên hệ thần linh
, như chính Chúa Kitô khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì", một liên hệ giữa Thày và trò, giữa Sư Phụ và môn đệ (môn đồ, môn sinh).

Thế nhưng, nếu các tông đồ đã là thành phần môn đệ chính qui, thân cận và liên lỉ (full time) của Người rồi, khi Người tuyển chọn các vị sau cả một đêm cầu nguyện và vị nào cũng có tên gọi đàng hoàng (xem Luca 6:12-16), chứ không phải gần như vô danh như các môn đệ khác theo Người một cách bán thời (part time),
thì tại sao ở cuối bài Phúc Âm hôm nay Người lại bảo các vị môn đệ ở cấp bậc tông đồ đặc biệt này rằng: "Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy"?

Đúng thế, thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, Đấng Vượt Qua, không phải chỉ là thành phần "hữu danh vô thực", "có tiếng mà không có miếng", nghĩa là không "sinh nhiều trái" với Người và cho Người, và chính thành quả "sinh nhiều trái" này mới chứng tỏ họ thực sự là môn đệ của Người là Đấng đã "đến không phải để phục vụ nhưng phục vụ và hiếm mạng sống mình cho phần rỗi của nhiều người" (Mathêu 20:28), thành phần môn đệ được hiệp nhất nên một với Người và nên giống Người nhất, Đấng sống trong các vị để "sinh nhiều trái".

Thật vậy, thành quả "sinh nhiều trái" là những gì chứng thực nhất cho thấy thành phần tông đồ môn đệ này chính là chứng nhân tiên khởi sẽ được Người, sau khi sống lại từ trong kẻ chết, sai đi khắp thế giới để mang tin mừng cứu rỗi đến cho "tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19), "cho tất cả mọi tạo vật" (Marco 16:16), "đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), thành phần môn đệ đã có một liên hệ sâu xa mật thiết với Người, như cành nho dính liền với thân nho: "Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy".

Tình trạng "ở trong Thày" nhờ đó được "Thày ở trong các con" xẩy ra như thế nào và ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ giữ lời Thày (xem Gioan 14:15-31), như chính Chúa Kitô nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được". Và chính tác giả của Bài Phúc Âm hôm nay cũng lập lại tư tưởng ấy ở Bài Đọc 2 hôm nay: "Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người".

Mà việc "giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người" là gì cũng đã được chính vị tác giả này xác định trong cùng Bài Đọc I như sau: "Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta".


Thậm chí càng dính liền với thân nho hay cây nho là Chúa Kitô mới càng "sinh nhiều trái", không phải chỉ ở chỗ thực hiện năng quyền trong vai trò của hàng giáo phẩm hay giáo sĩ của mình, qua việc giảng dạy và ban các Bí Tích Thánh, mà nhất là ở chỗ sống nội tâm mật thiết gắn bó với "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), để Thày sống trong bản thân của mình như vị tông đồ dân ngoại Phaolô (Galata 2:20), nhờ đó Người có thể tiếp tục mang ơn cứu độ của Người đến cho từng con chiên lạc trên trần gian này cho đến tận thế, qua chính những gian nan thử thách khốn khó họ phải chịu như các tông đồ thuở Giáo Hội sơ khai: "Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn".

Điển hình nhất của cành nho chẳng những "sinh nhiều trái" mà còn được "tỉa sạch để nó sai trái hơn" ở đây còn ai khác hơn vị tông đồ dân ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay, vị sau này, trong cuộc hành trình truyền giáo của mình phải trải qua biết bao nhiêu là gian khổ gây ra bởi chính dân của mình, như đã được báo trước ngay từ ban đầu, trước khi ngài được lãnh nhận phép rửa (xem Tông Vụ 9:15-16), mà bắt đầu xẩy ra ở ngay giáo đô Giêrusalem và với chính các môn đệ của Chúa Kitô trong Giáo Hội sơ khai của Người, đúng như Bài Đọc I hôm nay thuật lại: Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ.... Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê".

Đó là lý do, trong Bài Đọc II hôm nay, vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu là Gioan khuyên thành phần tín hữu môn đệ của Chúa Kitô trong thời Giáo Hội sơ khai, cũng như cho tất cả mọi môn đệ của Người trong giòng thời gian cho đến tận thế đừng sống ơn gọi và sứ vụ môn đệ của Chúa Kitô theo kiểu "hữu danh vô thực", "có tiếng mà không có miếng rằng" rằng: "đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật". Và chỉ có thành phần môn đệ "sinh nhiều trái" và được "Người tỉa sạch để nó sai trái hơn", nhờ đó, "Cha Thầy được vinh hiển" này mới được một tâm tình hân hoan hớn hở của Bài Đáp Ca hôm nay

1) Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: "Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời".

 

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

 

3) Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: "Ðiều đó Chúa đã làm".


PVLC hôm nay có thể tóm gọn như thế này theo chiều hướng chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh đó là:

1- Cây Nho Giêsu thông ban sự sống thần linh của mình cho cành nho Kitô hữu bằng các bí tích:
    Người thông ban sự sống thần linh là Thánh Linh của Người cho chúng ta nơi Bi Tích Thánh Thẩy và Bí Tích Thêm Sức;
    Người thông ban sự sống thần linh là đức ái trọn hảo của Người cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hòa Giải;
    Người thông ban sự sống thần linh là Lời Chúa "là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63) cho chúng ta nơi Phụng Vụ Lời Chúa khi Cử Hành Thánh Thể và Các Bí Tích;
    Người thông ban sự sống thần linh là Thánh Giá cứu độ của Người cho chúng ta nơi Mình Thánh, nhất là Máu Thánh chúng ta uống, một Máu Thánh từ rượu nho của cây nho.

2- Cành Nho Kitô hữu chúng ta, bởi thế, muốn tiếp nhận sự sống thần linh của Cây Nho Giêsu này, để có thể trổ sinh nhiều hoa trái là đức ái trọn hảo, cần phải có đức tin,
    như chính câu trong Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy: "Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau"
   
Có tin Chúa trước chúng ta mới yêu nhau sau được, nhất là mới có thể "yêu nhau như Thày yêu các con" (Gioan 13:34);
    Vì tin Chúa là để cho Người thương, nhất là lúc Người "cắt tiả" chúng ta là những cành nho đã sinh trái cho cành nho chúng ta càng sai trái hơn.

3- Điển hình của cành nho sai trái này là Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay, vị đã được chính Chúa Kitô tỏ mình và thông mình ra cho, đã tận tình "cắt tỉa" ngài,
    nhờ đó mà ngài đã có thể xứng đáng vang lên câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay: "Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội"
    Thật vậy, chính "bởi Chúa"
mà ngài mới xứng đáng và có thể rao giảng "trong đại hội" Do Thái ở Giêrusalem trong Bài Đọc 1 hôm nay,
    cũng như "trong đại hội" Dân Ngoại ở các cộng đoàn ngài được sai đến rao giảng và thành lập ở Tiểu Á và Trung Đông cho tới tận cùng trái đất bấy giờ là Roma Tây phương.
    Chính "bởi Chúa" làì "Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20) mà ngài là cành nho sai trái hơn ai hết, tràn đầy Sự Sống: Thánh Linh, Lời Chúa, Đức Ái Trọn Hảo và Thánh Giá,


Năm C 

Sự sống nơi mối liên hệ thần linh giữa nội bộ Giáo Hội với nhau.


Phúc Âm 
(
Gioan 13:31-33a, 34-35): "Thày ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy".
Bài đọc 1 (Tông Vụ 14:20b-26) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh trong Giáo Hội: "Các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin". 
Bài đọc 2 (Khải Huyền 21:1-5a) - sự sống nơi mối liên hệ thần linh của Giáo Hội: "Tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa, tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình".

 

Bài Ðọc I: Cv 14, 20b-26

"Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a

"Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: "Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự".

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 13, 34

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35

"Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

Ðó là lời Chúa.

 

 


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Đề tài "Thày là sự sống" cho Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh Năm C ở đây có thể nói là mối liên hệ thần linh nơi Giáo Hội Chúa Kitô, một mối liên hệ được gắn bó và thể hiện bằng một đức ái trọn hảo "như Thày đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau", một đức ái trọn hảo chẳng những kết hợp nội bộ mà còn là yếu tố chính yếu bất khả thiếu của chung Giáo Hội cũng như của riêng Kitô hữu trong sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô, để nhờ đó thế gian có thể nhận biết Chúa Kitô hầu trở về với Người hầu được cứu độ: "Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".

 

Sách Tông Vụ ở Bài Đọc 1 hôm nay đã cho thấy sự phát triển của Giáo Hội vào lúc ban đầu, một sự kiện phát triển sẽ không thể nào xẩy ra nếu các vị tông đồ thừa sai chia rẽ nhau, không đoàn kết yêu thương nhau, nghĩa là không có sự sống của Chúa Kitô nơi các vị, một sự sống viên mãn, một đức ái trọn hảo, đối với nhau cũng như đối với những ai được Thiên Chúa đưa đến cùng các vị:

 

"Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: 'Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa'. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo. Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin".

 

Đúng thế, "giới răn mới" là một trong 3 điều chính yếu, (cùng với Bí Tích Thánh Thể và Thiên Chức Linh Mục), Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Người qua các tông đồ trong Bữa Tiệc Ly. Tuy nhiên, đối với "giới răn mới" này, Chúa Giêsu ban cho Giáo Hội của Người như là một di chúc, một thứ trăn trối của một vị Thày chẳng bao lâu nữa sẽ không còn trực tiếp ở với Giáo Hội của Người. Bởi thế Người mới nói: "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau". Như thế có nghĩa là "Thày ở cùng các con cho tới tận thế" (Mathêu 28:20) khi các con yêu thương nhau: "Ở đâu có 2-3 người họp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Mathêu 18:20). - "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời - Ubi caritas et amor, Deus ibi est".

 

Thật vậy, đức ái trọn hảo của Giáo Hội là tất cả những gì chứng thực quyền năng phục sinh của Chúa Kitô, Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết gây ra bởi những gì là vị kỷ, hận thù, ghen ghét, chia rẽ, phá hoại, một đức ái trọn hảo phản ảnh một tình "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1) của Đấng chẳng những  "hiến mạng sống mình vì người yêu" (Gioan 15:13), mà còn yêu cả kẻ thù mình: "Xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Có thể nói đức ái trọn hảo của Giáo Hội và nơi Giáo Hội "như Thày đã yêu thương các con" đây chính là "sự sống viên mãn" (Gioan 10:10) Chúa Kitô Chủ Chiên nhân lành đã ban cho đàn chiên Giáo Hội của Người.

 

Và phải chăng đó là tất cả ý nghĩa liên quan đến "vinh hiển" trong lời Chúa Kitô đã khẳng định ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển". Chúng ta có thể phân tích cầu Chúa Kitô nói này thứ tự như sau:

 

"Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người": "Bây giờ Con Người được vinh hiển" đây là lúc nào, phải chăng vào chính "khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán" về vinh hiển của Người. Có nghĩa là đã đến giờ khổ giá và tử nạn của Người theo đúng dự án cứu độ của Cha Người, để nhờ đó Cha Người là Đấng đã sai Người nhờ Người mà tỏ hết tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ra. "Con Người được vinh hiển" đây là được chịu khổ giá và tử nạn để làm cho "Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người" ở chỗ làm cho thế gian nói chung và Giáo Hội nói riêng thấy được dung nhan thương xót của "Cha là Đấng xót thương" (Luca 6:36).

 

"Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài. "Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài" ở chỗ nào, nếu không phải là Ngài đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết: "Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"." (Philiphe 2:9-11).

 

"Và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển": Thiên Chúa chẳng những "đã" làm "cho Người được vinh hiển nơi chính mình Ngài", khi làm cho Người sống lại từ trong kẻ chết mà còn "sẽ" làm "cho Người được vinh hiển" nữa. Nếu không phải ở chỗ làm cho Người được tỏ hiện nơi đức ái trọn hảo của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người, cho đến khi Người hoàn toàn tỏ rạng nơi Giáo Hội của Người, một Giáo Hội, cuối cùng, như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 2 hôm nay cho thấy như một: "Thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay mới có câu họa chung là: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời". "Danh Chúa" đây là ở chỗ "Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa" (câu xướng 1). Bởi thế cho nên "mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài" (câu xướng 2). Cũng thế, "con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ" (câu xướng 3).

 


 

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17

"Chúng tôi rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận, và rao giảng Tin Mừng ở đó.

Lúc ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được. Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: "Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân lên". Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la to bằng tiếng Lycaonia rằng: "Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với chúng ta". Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.

Nghe tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân chúng mà la lên rằng: "Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ". Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế các ngài.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 113B, 1-2. 3-4. 15-16

Ðáp: Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người ta nói: "Thiên Chúa của bọn này ở đâu?" - Ðáp.

2) Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo. - Ðáp.

3) Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người. - Ðáp.

 

Alleluia: Cl 3, 1

Alleluia, alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 21-26

"Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy".

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?" Chúa Giêsu trả lời: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

Ðó là lời Chúa.

 
 

 

Chiều kích Liên Hệ Thần Linh trong chủ đề "Thày là Sự Sống" cho chung Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh được tỏ hiện rất rõ ràng trong bài phúc âm Thứ hai Tuần V Phục Sinh hôm nay:

"Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy... Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy". 


Trong bài phúc âm hôm nay, sự sống liên quan đến mối liên hệ thần linh ở đây xẩy ra giữa chung loài người và riêng thành phần môn đệ của Chúa Kitô với Người cũng như với Cha của Người. Ở chỗ "yêu mến", tác động duy nhất tạo nên mối hiệp nhất thần linh giữa con người tạo vật và Thiên Chúa Tạo Hóa. 

Để tỏ lòng yêu mến của mình, về phần con người, họ phải "giữ các điều răn của Thày" hay "giữ lời Thày" cũng thế, bằng không, không làm theo ý muốn của người mình yêu thì họ đâu có thực lòng yêu mến nhau hay chưa tỏ lòng yêu nhau thực sự.

Tác dụng thần linh của việc con người yêu mến Thiên Chúa, đó là họ chẳng những được Thiên Chúa yêu thương mà còn được Ngài tỏ mình ra cho và ở với nữa. Có nghĩa là được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, có cùng một tâm tưởng như Thiên Chúa, bởi được Ngài chiếm đoạt, làm chủ và điều hành toàn thể con người của họ hoàn toàn theo ý muốn toàn hảo và toàn năng của Ngài.

Về câu tông đồ Giuđa không phải Íchca hỏi "Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?", Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp như thế nào. Nhưng qua những gì Người nói sau vấn nạn này, chúng ta thấy dường như Người trả lời như sau: 

Sở dĩ Thày không tỏ mình ra cho thế gian mà chỉ tỏ mình ra cho riêng các con mà thôi vì các con là bạn hữu Thày (xem Gioan 15:14-15, bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần này), và sở dĩ Thày tỏ mình ra cho riêng các con là thành phần bạn hữu thân mật của Thày chứ không cho chung thế gian là để các con sinh hoa trái (cùng đoạn phúc âm câu 16-17). Nhưng muốn sinh hoa trái là phần rỗi các linh hồn, là thay Thày và cùng Thày tiếp tục ban phát ơn cứu độ của Thày cho thế gian thì các con cần phải “yêu mến Thày” bằng cách “giữ lời Thày”, nhờ đó các con mới được hiệp thông thần linh với Ba Ngôi là nguồn sự sống thần linh, một nguồn sự sống thần linh được Chúa Cha là Đấng đã sai Thày thông ban từ Thày sang các con, để rồi sau đó qua các con tới thế gian và cho đến tận thế. 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 14:5-18)

Mối liên hệ thần linh càng mật thiết càng cho thấy con người được Thiên Chúa chiếm ngự có một thần lực phi thường như thần linh, như trường hợp của Thánh Tông Đồ Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay, vị tông đồ dân ngoại đã "chữa cho một người bại chân" ở Lystra, "bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào", thế mà sau lời truyền của thánh nhân, "anh đã đứng ngay dậy mà bước đi", khiến cho dân chúng ở đó bàng hoàng sửng sốt tỏ ra sùng bái ngài như là một thần linh giáng thế vậy.

"Thấy việc ông Phao-lô làm, đám đông hô lên bằng tiếng Ly-cao-ni-a: 'Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta!'... Thầy tư tế đền thờ thần Dớt ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế..."

Tuy nhiên, không phải ai làm được phép lạ cũng là những vị thánh, cũng có một liên hệ thần linh mật thiết với Thiên Chúa, cũng có một sự sống viên mãn nhờ được Thiên Chúa chiếm đoạt và sống động trong họ, nếu họ không tỏ ra khiêm tốn để chứng thực cho thấy chính họ chỉ là dụng cụ thần linh của Đấng toàn năng hoạt động trong họ mà thôi, như Thánh Phaolô đã phải vội vàng phân trần với đám dân địa phương đang tuốn đến để thần thánh hóa ngài:

"Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Trong những thế hệ đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."  

Đúng thế, hành động của Thánh Phaolô chẳng những can ngăn dân chúng địa phương tôn vinh ngài như thần linh theo họ tưởng trước quyền năng chữa lành từ ngài xuất phát, mà còn qui họ về chính nguồn quyền năng của ngài là "Thiên Chúa hằng sống", như thể ngài tuyên xưng cùng Chúa, đúng như câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay rằng: "Lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng".

 

Câu họa ở trong Bài Đáp Ca hôm nay từ Thánh Vịnh 113B, một Thánh Vịnh tuyên xưng "Danh Ngài rạng sáng" ở chỗ "đức từ bi" "lòng trung tín của Ngài", hay nói cách khác, Thiên Chúa tỏ danh của Ngài ra làm cho "Danh Ngài rạng ngời" khi Ngài tỏ lòng từ bi nhân hậu của Ngài cho loài người cùng khốn, nhất là trong tình trạng khốn cùng của con người, một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất hằng tỏ mình ra trong Lịch sử cứu độ của dân Do Thái, hoàn toàn ngược lại với các thứ ngẫu tượng do trí óc lầm tưởng của loài người nghĩ ra và bàn tay của họ tạo ra theo ảo tưởng của họ, đúng như câu thứ hai của Bài Đáp Ca hôm nay đã nhận định: "Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo".

1) Không phải cho chúng con, lạy Chúa, không phải cho chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng sáng, vì đức từ bi, vì lòng trung tín của Ngài. Tại sao Chúa để chư dân người ta nói: "Thiên Chúa của bọn này ở đâu?"

2) Thiên Chúa chúng tôi ngự trên trời, phàm điều chi Ngài ưng ý, Ngài đã thực thi. Thần tượng của họ bằng bạc với vàng, đó là sự vật do tay loài người tác tạo.

3) Anh em đã được Chúa ban phúc lành, Chúa là Ðấng đã tạo thành trời đất. Trời là trời của Chúa, còn đất thì Chúa đã tặng con cái loài người.

 

 

 

                                                                                                                  

Thứ Ba sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 14, 18-27

"Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Ðerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21

Ðáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

2) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.

3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 27-31a

"Thầy ban bình an của Thầy cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh theo chiều kích Liên Hệ Thần Linh của Tuần Lễ thứ 5 vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong bài Phúc Âm Thứ ba hôm nay. Ở chỗ tâm hồn cảm thấy đưc bình an nhờ được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, đến độ, tràn đầy niềm vui thần linh ngay khi không còn điểm tựa thiết yếu nhất của mình nữa, bởi đã như thể đạt được cùng đích của mình rồi vậy:

"Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: 'Thầy ra đi và đến cùng anh em'. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin".

"Bình an" của Thiên Chúa đây, như bài Phúc Âm cho thấy, trước hết không phải "theo kiểu thế gian", ở chỗ trấn an lương tâm để hành ác, hay thứ bình an vắng bóng chiến tranh hay không có khủng hoảng hoặc không bị thử thách, không có sợ hãi và buồn chán, như thực tế rõ ràng cho thấy ngày nay, ngay tại xã hội văn minh nhất thế giới là Hoa Kỳ này vẫn không biết chết lúc nào vì luật cho phép dùng súng, nghĩa là gán tiếp cho phép khủng bố, một thứ luật khủng bố ở ngay cả thế giới Ả Rập Hồi giáo vốn bị mang tiếng khủng bố cũng không hề có v.v., vẫn thường xẩy ra những hiện tượng xuống đường chống đối những gì không hợp với mình hay bất lợi cho mình v.v., mà là ngay trong lúc gian nan khốn khó vẫn không xao xuyến sợ hãi gì. Bởi luôn tin tưởng vào Thiên Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.  

 

"Bình an" của Thiên Chúa đây không phải con người đã nhiễm lây nguyên tội tự mình mà có được, cho dụ họ "thiện tâm", mà chỉ có những ai được Thiên Chúa ở cùng, được Thiên Chúa thương thôi, đúng như lời các thiên thần từ trời xuất hiện ở cánh đồng Belem trong Đêm Thánh Vô Cùng đã vang lên: "Vinh danh Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương" (chứ không phải "cho người thiện tâm" - Luca 2:14), một "bình an" con người đã tự đánh mất khi bất tuân lệnh Chúa nghe theo ma quỉ ăn trái cấm, và là một "bình an" vì thể chỉ có thể được phục hồi sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, toàn thắng tội lỗi và sự chết nơi chính bản thân Người để nhờ đó Người có thể thông ban cho loài người, trước hết là Giáo Hội của Người nơi các vị tông đồ vào tối ngày thứ nhất trong tuần và vào một tuần sau đó (xem Gioan 20:19,26).

 

Đó là "bình an" của Thiên Chúa, còn "bình an của Thày" là của chính Chúa Kitô thì sao, "bình an" Người muốn ban cho các môn đệ của Người thì như thế nào, nếu không phải là Thày bình an cho dù "buồn đến chết được" (Mathêu 26:38) trong Vườn Cây Dầu vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, vì Người vẫn "bình an" sẵn sàng tuân theo Thánh Ý Cha tối cao của Cha Người!? Nếu không phải là Thày vẫn "bình an" khi tỏ ra vô cùng hiền lành nhân hậu chỉ biết thương cảm và tha thứ cho thành phần lên án tử cho Người, hành khổ Người và sát hại Người: "Lạy Cha xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34)?! Nếu không phải Người vô cùng "bình an" "xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha" (Luca 23:46), cho dù Người có cảm thấy "Chúa Trời của Tôi ơi, Chúa Trời của Tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi Tôi?" (Mathêu 27:46).

Tại sao Chúa Giêsu lại nói đến bình an với các môn đệ trong lúc này, nếu không phải vì ngay sau đó Người báo trước cho các vị biết về thân phận theo Người của các vị, ở chỗ “Thày đi rồi Thày sẽ trở lại cùng các con” như Người đã nói trước ở đầu đoạn 14 cũng phúc âm Thánh Gioan. “Thày đi” đây là đi chịu chết, “để dọn chỗ cho các con” (Gioan 14:2-3), tức làm gương cho các vị, và “Thày sẽ trở lại cùng các con” đây là để “Thày ở đâu các con cũng ở đó với Thày” (Gioan 14:3), vì tôi tớ không trọng hơn chủ và sứ giả không trọng hơn vị sai đi (xem Gioan 13:16), nghĩa là các tông đồ cũng sẽ chịu gian nan khốn khó như Người, nhưng nhờ Người ở với các vị mà các vị vẫn bình an như thường, vẫn không sợ chết mà còn chiến thắng sự dữ như Người và với Người.  

Hai chi tiết trong bài phúc âm hôm nay cũng cho thấy là Chúa Giêsu nói với các môn đề về bình an liên quan đến thân phận theo Người là Đấng khổ nạn và tử giá đó là: Thứ  nhất, “Thày về cùng Cha vì Cha trọng hơn Thày”, ở chỗ, Cha muốn Người hy sinh cho phần rỗi các linh hồn thì Người cũng cần phải tuân theo như vậy; và thứ hai,Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy”, nghĩa là quyền lực sự dữ có sát hại Người đi nữa cũng là cơ hội để Người chu toàn sứ vụ cứu độ của Người mà thôi, chứ không phải là quyền lực hỏa ngục thắng được Người “là sự sống lại và là sự sống” (Gioan 11:25). 

Riêng chi tiết về mạc khải thần linh "Cha trọng hơn Thày", đã được vị giáo sĩ Arius khởi xướng lên lạc thuyết chủ trương Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng với Thiên Chúa, mà chỉ là một tạo vật siêu việt mà thôi, một lạc thuyết đã bị vị giáo phụ Athanasia kịch liệt phản chống, bằng giáo thuyết về mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Ba Ngôi, một vị khi mới là phó tế đã được tham dự Công Đồng Chung Nicea năm 325 nhưng đã có uy tín và thế giá trước công đồng toàn giám mục này, để rồi cùng với Công Đồng Chung Contantinople năm 381, lạc thuyết Arius đã bị lên án tuyệt thông, và Bản Tuyên Xưng Đức Tin (Kinh Tin Kính) chính thức của Giáo Hội cho tới bây giờ đã xác tín về Chúa Kitô là Lời Nhập Thể như sau:

"Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành". Nghĩa là, về Ngôi Vị thì Cha trước Con sau, Cha trên Con dưới, nhưng về bản thể thì bằng nhau, ngang nhau, như nhau, không hơn không kém, nên mới "được sinh ra mà không phải được tạo thành", không phải chỉ là một tạo vật siêu việt, mà còn là chính nguyên lý của mọi sự trên trời dưới đất: "nhờ Người mà muôn vật được tạo thành".

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 14:19-28)

Điển hình cho những tâm hồn được thừa hưởng bình an đích thực của Thiên Chúa nhờ sống mật thiết Liên Hệ Thần Linh với Ngài bằng một lòng tin tưởng cậy trông phó thác nơi Ngài, hoàn toàn bình an không hề nao núng sợ sệt, đó là Tông đồ Phaolô, vị đã bị ném đá mà vẫn còn sống sót và vì thế vẫn còn tiếp tục hăng say với sứ vụ "loan báo Tin Mừng":

"Bấy giờ có những người Do-thái từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô đến, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phao-lô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba. Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: 'Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa'. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin". 

 

Câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay: "Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa" rất chính xác nơi trường hợp của Vị Tông đồ Dân ngoại là Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay. Còn ai, sau khi Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên, hơn ngài trong việc "nhận biết vinh quang Nước Chúa", nghĩa là làm cho Nước Chúa được trị đến nơi dân ngoại, không phải chỉ ở nơi những lời ngài rao giảng và huấn dụ, mà còn nhất là ở nơi những khổ đau chống đối ngài liên tục trải qua với dân Do Thái của ngài, thành phần cực đoan theo Do Thái giáo như ngài khi còn là chàng Saolê ngông cuồng bách hại Kitô hữu ngay từ thuở ban đầu của Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem.

 

Như thế, Thánh Vịnh 114:13, "Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ", ở trong câu Đáp Ca thứ 2 đã thực sự và hoàn toàn ứng nghiệm nơi bản thân và cuộc đời của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô này, như chúng ta đọc thấy nguyên trọn trong Bài Đáp Ca hôm nay sau đây:


1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

2) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.

 


                                                                                                                

Thứ Tư sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-6

"Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.

Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: "Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê". Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa"(c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 28

Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

Ðó là lời Chúa.


 

Chiều kích "Liên Hệ Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" cho Thứ Tư của Tuần lễ V Phục Sinh càng tỏ hiện hết sức rõ ràng nơi những gì Chúa Kitô nói với các tông đồ về cây nho và cành nho trong bài Phúc Âm hôm nay, một liên hệ thần linh phát sinh sự sống một khi cành nho dính liền với thân nho.

"Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.... Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy".


Nếu bài Phúc Âm hôm qua sự sống thần linh liên quan đến bình an Thày ban cho các con không như thế gian ban, tức là một sự sống nội tâm, sự sống ở chỗ chẳng những tự chủ không chiều theo cám dỗ của ma quỉ và thu hút của thế gian, mà còn thắng vượt được gian nan thử thách đau khổ chứ không bị chìm đắm, như chính Chúa Kitô trong Vườn Cây Dầu trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh hay trên Thánh Giá chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì sự sống thần linh nội tâm tràn đầy bình an của Chúa Kitô Phục Sinh ấy phải sinh hoa trái tông đồ nữa mới được và mới trọn vẹn.

 

Vì chỉ có như thế họ mới thực sự làm vinh danh Cha trên trời, Đấng "muốn cứu độ mọi người" (1Timotheu 2:4), và trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô, Đấng đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư vong" (Luca 19:10). Bằng không, không sinh hoa trái, cho dù họ có đạo đức tốt lành mấy chăng nữa, hằng ngày đi lễ rước lễ, hằng tuần chay tịnh, hằng tháng xưng tội và hằng năm tĩnh tâm, kèm theo việc bác ái xã hội khi có thể, (có cặp vợ chồng phục vụ homeless mà vẫn ly dị!), họ cũng chỉ là một cây vả tốt tươi um tùm những lá mà không có trái cũng sẽ bị đốn đi (xem ,Luca 13:6-7; Mathêu 7:19), như cành nho không dính liền với cây nho sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa vậy.

 

Tuy nhiên, cành nho nào đã sinh trái, hoa trái đạo đức tốt lành kèm theo việc bác ái ấy, theo kinh nghiệm và thực tế sống đạo, lại là những tâm hồn hay gặp gian nan khốn khó hoạn nạn hơn nhưng người khô khan và tội lỗi. Nếu bấy giờ họ không cảm thấy chán nản bởi đời sống đạo đức và bác ái của mình không được bù đắp xứng đáng, nghĩa là họ sống đạo chỉ có lợi cho họ hơn là vì Chúa thật, trái lại, họ biết lợi dụng chính những khốn khó họ phải chịu, không gây ra bởi tội lỗi của họ, mà bởi chính đời sống đạo của họ, thì bấy giờ họ mới thực sự càng sai trái hơn, ở chỗ nhờ họ tin vào Chúa hơn, họ được Chúa chiếm đoạt, Đấng sống trong họ (xem Galata 2:20), tiếp tục ơn cứu độ của Người qua họ.

 

Trong bài Phúc Âm về mối Liên hệ Thần Linh giữa cây nho là Chúa Kitô và cành nho là chung Giáo Hội hay các môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta thấy: 1- trước hết, trái nho chỉ ở cành nho chứ không ở ngay chính thân nho, tức là thân nho không sinh hoa trái mà là cành nho; 2- thế nhưng, cành nho không thể nào sinh hoa kết trái nếu không dính liền với thân nho, tức là nếu không có nhựa sống của thân nho; 3- "ở lại trong Thày", như cành nho dính liền với thân nho đây nghĩa là Kitô hữu đã được Chúa Kitô ở cùng khi lãnh nhận Phép Rửa thì phải sống sự sống của Người hơn là sống sự sống tự nhiên của mình, nhờ đó Chúa Kitô mới có thể sống trong họ và sinh hoa kết trái nơi họ qua các chứng từ trung thực và sống động của họ về Người. 

Thật vậy, theo tu đức, thì mối liên hệ thần linh giữa Kitô hữu và Chúa Kitô được bắt đầu từ Phép Rửa. Nhờ Thánh Sủng, Chúa Kitô ở trong họ với Thánh Thần của Người, một mối liên hệ thần linh được Người ví như: "Thày là cây nho các con là cành".  

Thế nhưng, Người ở trong Kitô hữu không phải chỉ ở với một mình họ thôi, như thể Người đến trần gian để cứu một mình họ, mà là nhờ họ và qua họ tiếp tục áp dụng công ơn cứu chuộc vô giá của Người cho đến tận cùng trái đất nữa, bằng chứng từ trung thực và sống động của họ. Nhưng họ không thể sinh hoa trái, không thể trở nên chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người nếu họ không "ở trong Thày và Thày ở trong người ấy".  

Thực tế cho thấy nhiều Kitô hữu "ở lại trong Thày" đấy, nhưng chẳng sinh hoa trái thiêng liêng là bác ái yêu thương gì hết, chỉ như cây vả um tùm hoa lá cành mà chẳng có trái nên đã bị nguyền rủa cho chết đi, ở chỗ, Kitô hữu rất đạo đức tốt lành, um tùm hoa lá đạo đức: nào là dự lễ và cầu nguyện hằng ngày, nào là ăn chay hằng tuần, nào là xưng tội hằng tháng, nào là tĩnh tâm hằng năm, nào là hoạt động tông đồ, nào là làm việc bác ái xã hội v.v. Nhưng, đụng trận gian nan thử thách và đau khổ trái ý một cái, chân tướng của họ mới lộ ra, nhưng ai khâm phục họ và khan tặng họ bấy giờ mới biết được trình độ thánh thiện của họ ra sao và tới đâu. Bỏ cuộc liền. Chán nản ngay. Bất mãn nặng. Chống đối dữ v.v.

Tại sao thế? Tại vì họ chỉ thực hiện có một vế là ở trong Thày, bằng những việc đạo dức thôi, nhưng lại không để cho Thày ở trong họ, ở chỗ lắng nghe Lời Thày và sống Lời Thày, như Chúa Giêsu đã cảnh giác trong chính bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được".

Vậy họ ở trong Người như thế nào để Người tiếp tục ở trong họ, tức là lớn lên trong họ, cho đến độ chiếm đoạt họ, làm chủ họ và qua họ tỏ mình cho thế gian, nhờ đó thế gian nhận biết Người, nếu không phải nhờ Thánh Thể của Người mà họ thường xuyên nhận lãnh khi cử hành Thánh Thể, và đặc biệt là bằng Thánh Giá của Người, nghĩa là bằng những đau khổ thứ thách Người cho họ chia sẻ với Thánh Giá của Người, như phương thức tỉa cắt cho họ là cành nho đã sinh trái càng sinh hoa trái dồi dào hơn.

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:1-6)

Nếu cành nho Kitô hữu dính liền với thân nho Chúa Kitô sinh hoa kết trái là do Chúa Kitô thông ban sự sống của Người cho Kitô hữu nhờ lòng tin của họ nơi Người, thì việc sinh hoa kết trái của họ không phải là do chính tự cành nho, đúng như Bài Đọc 1 hôm nay đã trình thuật về hoa trái truyền giáo của tông đồ Phaolô và Barnabê như sau: 

"Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông". 

 

Những câu Đáp Ca được trích từ Thánh Vịnh 121 rất thích hợp với trường hợp của Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay như sau:

 

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. -

     - "Tới Giê-ru-sa-lem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón,và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông"" 

 

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên.

 - " Khi đi qua miền Phê-ni-xi và miền Sa-ma-ri, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng.

 

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

- "Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này".

 

 

 


 Thứ Tư - Ngày 10 tháng 5

KÍNH THÁNH ĐA-MIÊN Ở MOLOKAI (1840 – 1889) – TÔNG ĐỒ NGƯỜI CÙI

 

Thánh Damien, tên thật là Giuse “de Veuster”, sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.

Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khỏe và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.

Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Ðại Ðảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.

Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.

Có thể nói, ngài sống với người cùi — ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.

Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.

Thánh Đamiên trên giường bệnh, vị tông đồ tận hiến đời mình cho Chúa và cho người cùi tại đảo Molokai, Honolulu, Hawaii, U.S.A.

 

Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và Sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các Sơ trong tu hội.

Theo lời yêu cầu, ngài được chôn cất ở Kalaupapa, nhưng vào năm 1936, chính phủ Bỉ đã thành công trong việc đưa thi hài của ngài về Bỉ. Một phần thân thể của Cha Damien được đưa về Hạ Uy Di sau lễ phong chân phước năm 1995.

Khi Hạ Uy Di trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, tiểu bang này đã chọn Cha Damien là một trong hai đại diện của quốc gia có tượng đặt trong Statuary Hall ở trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Lời Trích: Trong bài giảng lễ tuyên chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sự thánh thiện không phải là sự tuyệt hảo theo tiêu chuẩn con người; sự thánh thiện cũng không dành riêng cho một ít người đặc biệt. Sự thánh thiện là cho mọi người; chính Chúa là người đưa chúng ta đến sự thánh thiện khi chúng ta sẵn sàng cộng tác trong công trình cứu độ thế giới vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta hay tính khí bất thường của chúng ta.”

Nguồn: https://www.facebook.com/gxchinhtoa/posts/g%C6%B0%C6%A1ng-th%C3%A1nh-nh%C3%A2n-ng%C3%A0y-10-th%C3%A1ng-5th%C3%A1nh-damien-%E1%BB%9F-molokai-1840-1889th%C3%A1nh-damien-t%C3%AAn/1378418555637159/

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

https://davangvn.wordpress.com/2019/05/10/10-5-kinh-thanh-da-mien-o-molokai-1840-1889-tong-do-nguoi-cui/

https://www.phimconggiao.com/hanh-cac-thanh-thang-4/xem-phim/6845

Giuse “Jép” Vơstơ sinh năm 1840, là con trai của một gia đình nông dân gốc Bỉ. Ngài và người anh trai, Pamphilê, đi tu dòng Hai Thánh Tâm. Công việc của các vị thừa sai này là rao giảng đức tin Công giáo trên vùng đảo Hawai. Jép lấy tên là “Đamien”. Dung mạo thầy Đamien cao to và lực lưỡng. Những năm phụ giúp gia đình chăm lo công việc đồng áng đã tạo cho Đamien có một vóc dáng khỏe mạnh như vậy. Mọi người đều quý mến Đamien vì ngài sống tốt lành và nhân hậu.

Người ta đang cần thêm nhiều nhà truyền giáo tại lãnh địa Hawai. Năm 1863, một nhóm linh mục và tu sĩ dòng Hai Thánh Tâm được cử đi. Pamphilê, anh trai của Đamien, được chọn. Ngay trước ngày lên đường, Pamphilê bị sốt thương hàn nên không thể thực hiện được sứ mệnh truyền giáo. Thầy Đamien đang học làm linh mục đã xin thay thế vào chỗ của người anh. Cha bề trên tổng quyền chấp thuận lời thỉnh cầu của Đamien. Sau đó, Đamien trở về nhà và âu yếm từ biệt gia đình của ngài. Rồi, Đamien vượt tàu từ Bỉ đến Hawai, một cuộc hành trình kéo dài 18 tuần lễ. Ít lâu sau, Đamien hoàn tất việc học hành và được thụ phong linh mục tại Hawai. Ngài trải qua 8 năm sống giữa những cư dân thuộc ba huyện. Cha Đamien dùng ngựa hoặc thuyền nhỏ để làm phương tiện đi lại.

Dân chúng yêu quý vị linh mục cao to và giàu lòng quảng đại này. Đamien cũng nhận thấy họ năng thưa đáp kinh nguyện trong các nghi lễ. Sau đó, Đamien dùng một số tiền nhỏ quyên góp được để xây cất những nguyện đường. Chính Đamien và các bổn đạo đã tự xây lấy những nguyện đường này. Nhưng chẳng mấy chốc, phần đời đặc biệt nhất của Đamien được khai mở. Đức Giám mục xin một linh mục tình nguyện tới đảo Môlôkai. Chỉ ngay cái tên thôi cũng đủ làm cho người ta khiếp hãi. Họ biết rằng một khu của hòn đảo tên Kalagao chính là một “bãi tha ma sống” của những người chết vì bệnh phong hủi. Họ chẳng hiểu gì về căn bệnh và rất sợ bị lây nhiễm đến nỗi phần lớn những bệnh nhân phong ở đay đã bị bỏ rơi. Nhiều người đã tuyệt vọng hoàn toàn. Không có linh mục, không có cơ quan đại diện thi hành luật pháp Môlôkai, không có những phương tiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe. Chính phủ Hawai có gởi một ít thực phẩm và thuốc men tới đây nhưng chẳng đáng kể gì! Cũng chẳng có những phương tiện tổ chức phân phát thực phẩm hàng hóa!

Cha Đamien đi Môlôkai. Ngài quyết đương đầu với sự nghèo khổ, hư hóa và thất vọng. Lắm lúc, Đamien dường như bị sốc, nhưng rồi Đamien quyết không bao giờ quay về. Dân chúng đang rất cần sự giúp đỡ. Đamien đi tới Honolulu để gặp những thành viên trong Ủy ban Chăm sóc sức khỏe. Họ nói với Đamien rằng ngài không thể trở lại Môlôkai nữa vì có thể sẽ bị lây bệnh. Chủ đích thật của họ chỉ là không muốn cho Đamien đến Môlôkai vì ngài đang gây ra quá nhiều vấn đề khó khăn cho họ. Vì vậy, Đamien phải chọn : Nếu trở về Môlôkai, ngài sẽ không thể đi được nữa! Nhưng Ủy ban Chăm sóc sức khỏe không hiểu Đamien. Ngài đã chọn đi Môlôkai.

Đamien làm việc suốt 18 năm cho tới khi qua đời tại Môlôkai. Với sự trợ giúp của các bệnh nhân phong hủi và các anh chị em thiện nguyện quảng đại, Môlôkai đã được biến đổi hoàn toàn. Tên “Môlôkai” giờ đây mang một ý nghĩa mới. Nó trở thành hòn đảo của lòng bác ái Kitô giáo.

Rồi, chính cha Đamien cũng bị lậy bệnh. Cha qua đời ngày 15/04/1889 vào độ tuổi 49, và cha được chôn cất tại đó.
Đến năm 1994, Đamien Môlôkai được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng chân phước, và ĐTC Biển Đức XVI đã tôn phong hiển thánh cho ngài năm 2009.

Chúng ta hãy nài xin chân phước Đamien Môlôkai ban cho chúng ta một chút lòng can đảm và hào hiệp của ngài. Còn có quá nhiều người đang cần đến tình yêu và sự nâng đỡ của chúng ta. Chân phước Đamien Môlôkai sẽ giúp chúng ta hành động với niềm vui tươi và với trái tim nhân ái của ngài.

https://thanhcavietnam.net/ThieuNhi/showthread.php?t=3307&page=3

Chan Phuoc Damien

- Tên khai sinh: JOSEP DE VEUSTER.

- Sinh: ở Tremelo, Belgique, ngày 3/01/1840.

- 1859: gia nhập Dòng Sacrés-Coeurs (gọi là Picpus).

- 1863: được sai đi Hawai.

- 1864: thụ phong Linh Mục ở Honolulu.

- 10/05/1873: đến trại phong Molokai, và ở đó cho tới khoảng cuối năm 1884 thì ngài phát hiện mình bị lây bệnh khi chăm sóc các bệnh nhân cùi.

- Về với Chúa: 15/04/1889 ở Molokai (Hawai)

- Ðược Ðức Gio-an Phao-lô 2 phong Chân Phước ngày 4/06/1995 tại Bruxelles, Bỉ.

- Lễ kính: ngày 10 tháng 5 hàng năm.

 

JOSEPH DE VEUSTER sinh trong một gia đình người Bỉ nói tiếng Flamand, tại làng Tremelo, năm 1840. Song thân ngài vừa là nông dân, vừa làm nghề buôn bán. Ngài là con thứ bảy trong 8 người con, mà sau này có bốn người đi tu. Ngài theo chân một trong các anh của ngài vào Dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a (Les Sacrés Coeurs de Jésus et de Marie) và lấy tên là DAMIEN.

Ngài có lòng yêu mến tôn thờ Thánh Thể và tôn sùng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Với ngài, truyền giáo chính là làm cho mọi người biết và yêu mến Chúa Giê-su Tình Yêu. Từ nhiệt tâm truyền giáo, vị Tu Sĩ trẻ đã gửi thỉnh nguyện trực tiếp tới Bề Trên Tổng Quyền và nhận được phép đi đến một Ðiểm Truyền Giáo mới lập ở Hawai, thay cho anh ngài bị bệnh. Ngài không chờ thụ phong Linh Mục, mà lên đường ngay.

Ở Honolulu, chính quyền tập trung tất cả những bệnh nhân phong ở đảo Molokai và Cha Damien (thụ phong Linh Mục năm 1864) được chọn giữa những người tình nguyện khác để bảo đảm sự hiện diện của Linh Mục trong hoả ngục tuyệt vọng và khốn khổ ấy, như "một nhà tù lộ thiên" (Thời đó, người ta vẫn nghĩ bệnh cùi dễ lây và phải cách ly các bệnh nhân). Ngài không chịu nổi cảnh đau khổ của các bệnh nhân. Ngài tổ chức đời sống đạo đức, xã hội và huynh đệ trong hòn đảo bị xã hội khai trừ này. Ngài xây dựng một bệnh viện phong, một trường học và một Nhà Thờ. Dần dần, khắp nơi biết đến và gửi cho ngài nhiều hỗ trợ vật chất. Một mình ở giữa các bệnh nhân phong, ngài đau khổ vì không thể xưng tội. Ngài liên đới với các bệnh nhân phong (mà ngài thích xưng là: "Những Người Cùi Của Chúng Tôi") và mặc dầu đã cẩn thận phòng ngừa, đến lượt ngài cũng bị lây bệnh phong.

 

Ngài mất vào ngày thứ 2 Tuần Thánh, 15/04/1889, trong khi ngài những ước ao có thể chết vào ngày mừng Chúa Sống Lại. Ngài rất nổi tiếng ở Châu Âu và ở Mỹ. Ngay Mahatma Gandhi cũng rất ngạc nhiên và thán phục tinh thần yêu mến và xả thân của ngài cho người phong cùi. Ngài được Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 tuyên phong Chân Phước ngày 4 tháng 6 năm 1995 tại Bruxelles, Bỉ và thi hài của ngài được mai táng ở Cung Thánh Thánh Ðường Les Sacrés Coeurs ở Louvain, Bỉ. Ngài xứng đáng được gọi là "Tông Ðồ Của Người Cùi".

 

http://vntaiwan.catholic.org.tw/thanh/10thanh5.htm


 

                                                                                                           

Thứ Năm sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 7-21

"Tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi đã cứu xét kỹ càng, Phêrô đứng lên nói: "Hỡi anh em, anh em biết rằng từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi để dân ngoại được nghe lời Phúc Âm do miệng tôi và tin. Thiên Chúa đã thấu biết các tâm hồn và đã minh chứng bằng cách ban Thánh Thần cho họ, như đã ban cho chúng ta; Người không phân biệt chúng ta với họ, vì dùng đức tin thanh tẩy tâm hồn họ. Vậy giờ đây sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi? Nhưng chúng ta tin rằng nhờ ơn của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được cứu độ cùng một thể thức như họ". Tất cả đám đông đều im lặng, rồi họ nghe Barnaba và Phaolô kể lại bao nhiêu phép lạ, và việc kỳ diệu Thiên Chúa đã nhờ các ngài mà thực hiện giữa các dân ngoại.

Khi hai ngài dứt lời, Giacôbê lên tiếng nói rằng: "Hỡi anh em, hãy nghe tôi. Simon đã thuật lại cách thức Thiên Chúa trước tiên đã thương chọn cho danh Người một dân giữa chư dân. Lời các tiên tri cũng phù hợp như vậy, như đã chép rằng: "Sau đó Ta sẽ trở lại và tái thiết lều của Ðavít đã sụp đổ. Ta sẽ tu bổ những chỗ hư hại và sẽ dựng nó lên, để các kẻ còn lại và tất cả dân ngoại kêu cầu danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán và thực hành các việc đó. Từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm". Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa, nhưng truyền cho họ kiêng những ô uế của tượng thần, đừng gian dâm, và kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng máu. Vì chưng từ thời xưa người ta đã rao giảng Môsê trong mỗi thành, họ đọc sách của người mọi ngày Sabbat trong các hội đường".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 10

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.

3) Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 16, 17 và 13

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 9-11

"Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".

Ðó là lời Chúa.


 

Chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh theo chiều kích Liên Hệ Thần Linh cho Tuần Lễ V Phục Sinh tiếp tục càng được thể hiện trong bài Phúc Âm Thứ Năm hôm nay: 

 

"Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn".

Mối Liên Hệ Thần Linh trong bài Phúc Âm hôm nay chẳng những giữa Chúa Kitô và các tông đồ, mà còn giữa các tông đồ và Cha trên trời qua trung gian của Chúa Kitô nữa. Ở chỗ: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy".


Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô còn cho các tông đồ biết cách thức các vị có thể "ở lại trong tình thương" của Người, đó là "giữ các điều răn" của Người, nghĩa là làm theo ý muốn của Người, hay nói ngược lại, để cho ý muốn của Người trở thành hiện thực trong đời sống của Kitô hữu, hay để cho Người sống trong Kitô hữu, nhờ đó họ mới có thể suy tưởng, ước muốn, phát biểu, tác hành và phản ứng như Chúa Kitô và với Chúa Kitô, Đấng, qua họ và nhờ chứng từ của họ, tiếp tục tỏ mình ra cho những ai nhìn thấy họ, lắng nghe họ và gần gũi họ!

Nếu việc "ở lại trong tình thương" của Chúa Kitô là ở chỗ “giữ các giới răn” của Người, mà giới răn cao cả  nhất Người dạy đó là “các con hãy yêu nhau như Thày đã yêu thương các con” (Gioan 13:34, 15:12), thì việc "ở lại trong tình thương" của Chúa Kitô nghĩa là để cho Người yêu thương tha nhân trong chúng ta và qua chúng ta. Như thế, theo những gì Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm hôm nay, thì mối liên hệ thần linh ở chỗ tình yêu từ Cha qua Chúa Kitô sang nhiệm thể Giáo Hội và từng phần thể của Giáo Hội đến toàn thể nhân loại vậy. 

Bài Phúc Âm hôm nay vẫn tiếp tục chiều hướng sự sống thần linh như các bài Phúc Âm trong tuần Phục Sinh thứ V này. Nếu bài Phúc Âm Thứ Ba hôm kia cho thấy sự sống thần linh chính là sự sống nội tâm của Kitô hữu, ở nơi bình an đích thực họ cảm nghiệm thấy như Chúa Kitô Phục Sinh ban cho họ, và nếu bài Phúc Âm Thứ Tư hôm qua cho thấy sự sống thần linh cũng bao gồm cả sự sống tông đồ, sự sống sinh hoa trái thiêng liêng là phần rỗi của các linh hồn bằng đức ái trọn hảo như Thày và của Thày (như bài Phúc Âm Chúa Nhật đầu tuần), thì bài Phúc Âm thứ năm hôm nay cho thấy sự sống thần linh ấy phải được tỏ hiện bằng một "niềm vui... trọn vẹn", một niềm vui như của một người đàn bà sinh nở (xem Gioan 16:21) sau cơn đau, một niềm vui của cành nho "được cắt tỉa cho càng sai trái hơn" (Gioan 15:2).

Chỉ có những tâm hồn nào "ở lại trong tình yêu của Thày", một tình yêu Thày đã yêu họ như Cha đã yêu Người, và là một tình "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1), bằng cách "giữ các giới răn của Thày", nhất là "giới răn mới" là giới răn "các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (Phúc Âm Chúa Nhật đầu tuần), mới thực sự cảm nghiệm được "niềm vui ... trọn vẹn" này như Thày và với Thày mà thôi. Bởi vì họ, như cành nho được "cắt tỉa cho càng sai trái hơn", đã diễm phúc "được thông phần với Thày" (Gioan 13:8) trong cuộc Khổ Nạn và Tử Giá của Thày, như Mẹ Maria đứng kề bên Thánh Giá Con Mẹ (xem Gioan 19:25). Bởi thế nên, chỉ có họ mới cảm nghiệm thấy lời Chúa Kitô đã nió một cách ngược đời rằng: "Nỗi sầu thương của các con sẽ trở thành niềm vui" (Gioan 16:20), như hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Giaon đã "vui vì được chịu khổ vì danh Thày" (Tông Vụ 5:41).

Các vị "được thông phần với Thày" không phải chỉ ở nơi "niềm vui... trọn vẹn", mà còn ở chỗ "buồn đến nỗi chết được" (Mathêu 26:38) với Người, mỗi khi các vị thấy anh chị em các vị  sa ngã phạm tội; bấy giờ, các vị  chẳng những không khinh bỉ, nói xấu hay xa lánh họ, mà còn, trái lại, cầu nguyện cho họ, hy sinh đền tội thay cho họ, để họ có thể ăn năn thống hối trở về cùng Chúa, như Chúa Kitô trên Thánh Giá: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Cuộc đời của các vị có thể nói là một cuộc hành trình Chúa Kitô tìm kiếm con chiên lạc của Người vậy. Và vì thế, "niềm vui... trọn vẹn" của các vị chính là niềm vui thiên đường khi tìm được con chiên lạc: "trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Luca 15:7), và là niềm vui của người cha "hôn lấy hôn để" (Luca 15:20) đứa con phung phá trở về như nó "đã chết mà sống lại vậy" (Luca 15:32).

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:7-21)


Vn đề "giữ các điều răn của Thày" trong bài phúc âm hôm nay cũng được tỏ hiện trong bài đọc 1 hôm nay, qua quyết định tối hậu của công đồng Giêrusalem về vấn đề không cần cắt bì theo nghi thức Do Thái giáo xưa mới trở thành Kiô hữu, mới được cứu rỗi, mà việc cứu rỗi là do ân sủng của Chúa Kitô được chấp nhận bởi những ai tin vào Người, kèm theo những việc làm tương xứng với đức tin Kitô giáo của họ: 


"Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phê-rô đứng lên nói: 'Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.... Chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ."

 

Quyết định của thẩm quyền Kitô giáo ở Giêrusalem là Giáo đô Do Thái giáo về vấn đề cốt lõi của Do Thái giáo, một vấn đề gây khủng hoảng và rối loạn ở các cộng đoàn Kitô hữu dân ngoại do bởi thành phần Kitô hữu Do Thái giáo chỉ muốn muốn đổ rượu mới là Thánh Linh cùng với đức bác ái yêu thương vào bình cũ duy luật của họ, với chủ trương Phép Rửa của Chúa Kitô vẫn chưa đủ tác dụng cứu rỗi con người tin tưởng lãnh nhận, mà còn cần phải kèm theo cả phép cắt bì nữa Kitô hữu mới được cứu độ, và quyết định không cần phải chịu phép cắt bì đã ứng nghiệm câu Thánh Vịnh 95:10 về lời Tông đồ Giacôbê đã nói trong Bài Đọc 1 hôm nay: "từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm", Đấng được Thánh Vịnh 95 này tuyên xứng là "Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính", như ở câu Đáp Ca thứ 3 hôm nay:

 

1) Hãy ca mừng Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

3) Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.


                                                                                                         

Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31

"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên buộc thêm cho anh em gánh nặng nào khác".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: "Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an".

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 56, 8-9. 10-12

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân (c. 10a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất! - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 28, 19 và 20

Alleluia, alleluia! - Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 12-17

"Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau".

Ðó là lời Chúa.


 

Chủ đề "Thày là sự sống" về chiều kích Liên Hệ Thần Linh cho Tuần Lễ V Phục Sinh tuần này tiếp tục được bài Phúc Âm hôm nay cho thấy không thể tách rời với đức bác ái yêu thương nhau nữa, một đức ái trọn hảo như chính Người đã nói đến trong Bữa Tiệc Ly với các tông đồ ở Bài Phúc Âm Chúa Nhật V đầu tuần, cũng theo Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 13 (hơn là đoạn 15 như hôm nay), chứ không phải chỉ Liên Hệ Thần Linh với Chúa Kitô thôi:

 

"Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình". 

Tuy nhiên mối Liên Hệ Thần Linh theo hàng ngang là yêu thương nhau này lại hoàn toàn lệ thuộc vào mối Liên Hệ Thần Linh theo hàng dọc giữa các tông đồ hay các môn đệ với Chúa Kitô, bằng không, họ không thể nào "yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em".


Như thế, bác ái yêu thương giữa các môn đệ với nhau và với tha nhân đồng loại chính là hoa trái của mối Liên Hệ Thần Linh giữa họ và Chúa Kitô, một mối Liên hệ Thần Linh thân mật như giữa bạn hữu với nhau, chứ không phải giữa chủ và tớ, một mối Liên Hệ Thần Linh bằng hữu hiệp nhất nên một đến độ có gì cũng cho nhau biết để cùng thông hưởng, nhờ đó có thể tác hành một cách thích đáng và mang lại tác dụng tối đa

"Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau".

 

Căn cứ vào toàn bộ bài Phúc Âm hôm nay về đức bác ái yêu thương, dường như chúng ta không thấy chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh hậu Tuần Bát Nhật đâu hết. Tuy nhiên, nếu tình yêu là sự sống hiệp thông và yêu là sống hiệp thông, ngược lại, nếu không yêu thương thì ở trong sự chết và ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân, như Thánh Gioan đã khẳng định (xem 1 Gioan 3:14-15).

 

Bởi thế, sự sống ở đây chính là bác ái yêu thương, và trong bài Phúc Âm này sự sống là chính đức ái trọn hảo - perfect love / perfectae caritatis, ở chỗ: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con". Mà Người yêu mến thành phần môn đệ của Người như thế nào, nếu không phải cho đến hy sinh chính mạng sống mình cho họ, coi họ còn cao quí và cao trọng hơn cả mạng sống mình nữa: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình". Chưa hết, Người còn yêu họ "đến cùng" (Gioan 13:1), đến con chiên lạc cuối cùng là tông đồ Giuđa Íchca trong việc Người rửa chân cho cả người môn đệ đáng thương này. Còn nữa, Người còn yêu thương cả kẻ thù của Người là thành phần lên án tử cho Người và ra tay hành khổ, xỉ nhục cùng sát hạt Người: "Lạy Cha xin Cha tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Tóm lại, tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu cứu độ, một tình yêu đến gánh lấy tất cả tai vạ của tội nhân nhân loại để đền tội cho họ và nhờ đó họ có thể "được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10).

 

"Bạn hữu" đây không phải hiểu theo nghĩa thường, ngoài liên hệ ruột thịt, mà là theo nghĩa thân thiết, như vợ chồng không ruột thịt với nhau nhưng lại là bạn trăm năm của nhau. Và chính vì thân thiết trong tình bạn bè mới tỏ cho nhau biết hết bầu tâm sự của mình, một bầu tâm sự không thể bạ ai cũng chia sẻ, như người lạ mặt ngoài đường hay người "đầy tớ" đối với chủ được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

Bầu tâm sự của Chúa Giêsu muốn tỏ cho thành phần môn đệ bạn hữu của Người, thành phần được Người coi trọng hơn chính sự sống của Người, đó là "tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết", ám chỉ "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy" (Gioan 15:9). Chúa Giêsu thực sự là hiện thân của tình yêu vô cùng thương xót của Thiên Chúa đối với chung loài người và riêng Giáo Hội của Người, hay nói đúng hơn Người chính là Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa vậy, một tình yêu tự mình không một tạo vật nào xứng đáng nếu Ngài không tự tỏ ra trước, bất chấp thân phận bất xứng hay bất cân xứng của đối tượng được Ngài yêu.

 

Đó là ý nghĩa sâu xa ở câu Chúa Giêsu đã nói tiếp ngay sau đó: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con". Chính vì được Thiên Chúa yêu thương nhưng không và yêu cho tới cùng như vậy nơi Chúa Giêsu Kitô (xem Gioan 13:1), mà thành phần bạn hữu môn đệ của Con Ngài, thành phần thật ra thân phận chỉ là đầy tớ của Ngài và của Con Ngài, nhưng được thăng hóa thành bạn hữu của Con Ngài nhờ tình yêu của Ngài, phải đáp ứng tình yêu của Ngài, hay đúng hơn để cho Ngài yêu thương, bằng việc hoàn toàn tin tưởng phó thác vào tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, cho đến độ Người chiếm đoạt họ và làm chủ họ, để nhờ đó họ có thể yêu nhau và yêu tha nhân như: "Thày đã yêu" (Gioan 13:34; 15:12). Đó là lý do trong cùng bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã nói đến mục đích của việc "Thày đã chọn các con" đó là: "để các con đi, và mang lại hoa trái" - Hoa Trái yêu thương: "các con hãy yêu mến nhau", như Người lập lại ở cuối bài Phúc Âm hôm nay.

 

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 15:22-31)

Mối Liên Hệ Thần Linh giữa Chúa Kitô và các tông đồ của Người ngay từ khi Giáo Hội còn sơ khai đã cho thấy Người luôn ở cùng các vị, cũng như các vị luôn ở cùng Người, do đó các vị đã có những quyết định đúng như những gì Người mong muốn, hoàn toàn ngược lại với những ai có tinh thần khác biệt với các vị, gây rắc rối trong Giáo Hội bấy giờ. Đoạn thư được các vị gửi để công bố quyết định "đồng tâm nhất trí" của các vị đã thực sự phản ảnh Mối Liên hệ Thần linh của các vị với Chúa Kitô, Đấng sống trong từng cá nhân họ và chung cộng đồng Giáo Hội bằng Thánh Thần của Người, Đấng "đã quyết định" với các vị:


"Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi ủy nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."

 

Tông đồ đoàn lần đầu tiên họp nhau ở Giêrusalem đế hiệp nhất với nhau, trong Chúa Thánh Thần, để giải quyết dứt khoát vấn đề rượu mới là Thánh Linh cùng với giới răn mới phải được đựng trong bình mới là lòng tin vào LTXC của Kitô giáo, là những gì đã được chất chứa ý nghĩa, liên quan đến mối liên hệ mật thiết của các vị tông đồ với Chúa (câu Đáp ca 1), cũng như đến lòng thương xót Chúa (câu Đáp Ca 2), được trích từ Thánh Vịnh 56 và được Giáo Hội sử dụng cho Bài Đáp Ca hôm nay, nguyên văn như sau:

               

1) Lòng con bền vững, lạy Chúa, lòng con bền vững; con sẽ hát xướng, con sẽ đàn ca. Hãy thức dậy, linh hồn tôi ơi, hãy thức dậy, hỡi đàn sắt với đàn cầm, tôi sẽ làm cho bình minh thức giấc.

2) Lạy Chúa, con sẽ ngợi khen Chúa giữa chư dân; con sẽ hát mừng Ngài trong các nước: vì đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây. Lạy Chúa, xin Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài trên toàn cõi đất!

                                           

 

Thứ Sáu - Ngày 12 tháng 5

BA THÁNH  Tử ĐẠO  NÊRÊÔ, ACHILÊÔ VÀ PANCRATIÔ

 

Ngày 12/05: Thánh Nêrêrô, Achilêô và Pancratiô tử đạo

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

Những gì chúng ta biết về hai vị tử đạo Nêrêô, Achilêô của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ các ngài. Và sự việc này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.

Ðức Damasus kể rằng Nêrêô và Achilêô là binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ các ngài chẳng có lý do gì để chống đối đạo và cũng chẳng muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.

Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một “phép lạ đức tin.” Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.

Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitianô, và đã bị lưu đày và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.

Còn thánh Pancratiô sinh tại Phygia, trong một gia đình quý tộc. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ngài về chung sống với một người cậu tại Rome. Năm 14 tuổi, ngài trở thành tín hữu và đem hết của cải cho người nghèo khổ. Do ngài sống đức tin Công giáo nên hoàng đế Diocletianô đã chém đầu thánh nhân vào năm 304. Xác ngài được đem về chôn cất trên đường Aurelianô. Ðức Giáo Hoàng Symmacô đã xây một thánh đường tại đó để tôn vinh danh ngài. Thánh Grêgôriô thành Tours gọi ngài là “Ðấng trừng phạt những kẻ bội thề”, bởi ai đứng trước mộ ngài mà thề gian thề dối đều bị Chúa phạt.

II. BÀI HỌC.

Bài học rõ nét nhất về cuộc đời của các ngài là lòng can đảm dám hy sinh vì niềm tin của mình.

Cuộc sống đức tin đã đến với các ngài như một phép lạ. Phải nói đúng là một phép lạ vì trước đó các ngài là những người hoàn toàn thuộc về thế gian, thậm chí tay các ngài còn nhúng chàm khi nghe theo những mệnh lệnh của thế gian mà gây ra những sự chết chóc đau thương cho những người tin Chúa. Các ngài đã có kinh nghiệm rất cụ thế về sự đau đớn các vị tử đạo đã phải chịu.Thế nhưng khi đã tin Chúa thì vì tình yêu đối với Chúa các ngài đã nhìn những đau khổ khi phải chịu vì Chúa trở nên nhẹ nhàng và đáng quí đến nỗi các ngài dám chấp nhận mọi hy sinh để được trung thành với đức tin của mình.

Vào cuối năm 1949, trong một nhà nguyện của một đại chủng viện ở Nam Kinh, thủ đô Trung Hoa Dân quốc của tổng thống Tưởng Giới Thạch, lúc đó có một buổi diễn tập đám cưới: Đây chưa phải là đám cưới thật, nhưng hôm trước đám cưới, cô dâu chú rể, phù dâu, phù rể tham dự buổi diễn tập để khi làm lễ chính thức họ không bị lúng túng, ngượng nghịu.

Nhưng ngay tối hôm đó, Hồng quân của Mao Trạch Đông tiến vào Nam Kinh, chiếm đóng đại chủng viện và bắt nhiều sinh viên, trong số đó có chú rể, đem giam vào trại tập trung với một lý do đơn giản là những người này có tội với nhà nước vì tin nhận Chúa Cứu Thế và đi học đại chủng viện để truyền bá Phúc âm.

Từ đó, cứ mỗi năm một lần, chính quyền cho phép cô dâu vào thăm chú rể ít phút. Sau khi cho cô dâu vào thăm chú rể, nhân viên cơ quan công lực đến nói với chú rể rằng: “Anh có thể được trả tự do ngay bây giờ và được chính quyền cho phép làm đám cưới nếu anh bằng lòng chối bỏ Chúa của anh”. Thanh niên này không ngần ngừ và chỉ trả lời bằng một tiếng ngắn gọn: “Không!”.

Cảnh đó diễn ra suốt 30 năm trời. Cứ mỗi năm một lần cô dâu được vào thăm chú rể ít phút, rồi cô câu hỏi:

- Anh có bằng lòng bỏ Chúa anh không? Nếu anh bỏ, anh sẽ được tự do, được cưới vợ...

Và lần nào cũng chỉ có một câu trả lời là “không!”.

Trong 30 năm đó, chú rể từ một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, đã trở thành một người già, lưng đã còng xuống vì liên tục lao động, vì điều kiện sinh sống kham khổ, nhưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế của ông vẫn không lay chuyển.

Đến năm 1979, chính sách của Trung Hoa lục địa thay đổi chú rể già này được trả tự do, được phép qua Hong Kong sinh sống và một đám cưới đã được tổ chức ở Hong Kong. Có người đến thăm, hỏi ông:

- Tại sao ông có thể trung kiên với Chúa suốt 30 năm trời bị ngược đãi, áp bức, đau khổ như vậy?.

Ông đáp: - Chúa Cứu Thế đã hy sinh chịu chết vì tôi, làm sao tôi có thể phản bội Ngài được?. (ĐTPA).

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện :

Lạy Chúa

Đã hai ngàn năm nay, lượn sóng tình thương của Chúa đã lôi kéo biết bao nhiêu người về với Chúa, nào có ai đã được người ta yêu mến bằng Chúa?

Hàng triệu Đấng Tử đạo đổ máu mình trong những hình khổ quái gở, miệng vẫn tươi cười, lòng vẫn hớn hở, vì họ được phước kể vào hàng ngũ kẻ xứng đáng chịu đau khổ vì danh Thánh Chúa.

Hằng triệu thầy cả, thầy dòng, thừa sai đã hy sinh tất cả để được nên giống Chúa và đã hy sinh trót mình họ một cách hoàn toàn như Chúa đã hy sinh vì Chúa Cha và cho các linh hồn.

Và biết bao nhiêu giáo hữu luôn cương quyết xông pha trong cuộc chiến đấu hằng ngày của đời sống Công giáo. Chỉ vì họ yêu mến Chúa.

Trung thành với lời thề hứa ngày rửa tội, họ đã từ bỏ tội lỗi, đã đóng đinh mọi khuynh hướng tội lỗi hầu sống trong ơn thánh và Phục sinh với Chúa.

Ở Giêsu Kitô, con thấy Chúa còn tự đắc lắm, vì không ai dưới trần thế này được người ta yêu mến quá như vậy, yêu mến với một mối tình sống động phát hiện ở việc làm, lời nói, cách ăn ở, với một tấm lòng mạnh hơn mọi cơn cám dỗ, mạnh hơn mọi sự đau khổ và mạnh hơn cả sự chết nữa.

Giêsu, xin hãy lôi cuốn con theo lượn sóng tình yêu ấy. Xin Chúa nói trong tâm hồn con: Chúa đáng mọi sự ấy và còn đáng hơn nữa bội phần…

E. Maraux

https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-12-05-thanh-nereroakileo-va-pancrasio-tu-dao-39973

 

 

Thánh Nêrô và thánh Akilêô là những binh sĩ Rôma qua đời khoảng năm 304. Có thể các ngài là những vệ sĩ của hoàng đế Rôma dưới thời vua Trajanô. Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về các ngài. Thế nhưng những điều chúng ta biết được là do hai vị giáo hoàng Sirisiô và Đamasô sống vào thế kỷ thứ tư kể lại. Vào năm 398, đức giáo hoàng Sirisiô đã xây một ngôi thánh đường ở Rôma để tôn kính các ngài. Đức giáo hoàng Đamasô thì soạn một bài viết tóm tắt cuộc đời của hai vị tử đạo này. Ngài giải thích rằng Nêrô và Akilêô được ơn trở lại với đức tin Công giáo. Các ngài đã vĩnh viễn từ bỏ vũ khí lại đằng sau. Các ngài là những môn đệ đích thực của Đức Chúa Giêsu dù phải trả giá cả mạng sống mình. Nêrô và Akilêô bị đày ra đảo Têraxina và bị xử trảm tại đó. Vào thế kỷ thứ bốn, ngôi thánh đường thứ hai đã được xây cất tại một nơi khác trong thành Rôma để tôn kính hai vị tử đạo này.

 

Thánh Pancrasiô, một trẻ mồ côi mười bốn tuổi, cũng sống vào thời gian này. Ngài có lẽ cũng bị giết chết cùng ngày với hai vị thánh trên. Pancrasiô không phải là người bản xứ Rôma. Người cậu trông coi Pancrasiô đã đưa ngài tới đó. Pancrasiô được chịu phép Thanh tẩy và trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Dù mới chỉ là một cậu bé, nhưng Pancrasiô cũng bị bắt giữ vì lý do là Kitô hữu. Pancrasiô nhất định không chịu chối bỏ đức tin của mình. Vì vậy, ngài đã bị kết án tử hình. Pancrasiô bị trảm quyết. Pancrasiô là vị thánh tử đạo rất được sùng mộ và kính phục trong thời Giáo hội sơ khai. Người ta ngưỡng mộ Pancrasiô vì tuy tuổi đời non trẻ nhưng đã rất can đảm và anh dũng. Vào năm 514, người ta xây cất một ngôi thánh đường lớn tại Rôma để tôn kính thánh Pancrasiô. Đến năm 596, một vị thừa sai danh tiếng, thánh Augustinô Cantơbơri, đến đem đức tin Công giáo cho đất nước Anh. Ở đó, thánh nhân đã lấy danh thánh Pancrasiô để đặt tên cho ngôi thánh đường đầu tiên của mình.

 

Các thánh tử đạo Rôma nhắc nhớ chúng ta ý nghĩa quan trọng của đức tin Công giáo. Mỗi người chúng ta hãy biết quý mến, đề cao cũng như thực hành đức tin này. Nếu muốn kiện toàn đức tin của mình, chúng ta hãy nài xin các thánh Nêrô, Akilêô và Pancrasiô giúp đỡ.

 

https://dongten.net/2019/05/12/hanh-cac-thanh-12-05-thanh-nero-akileo-va-pancrasio/

 

 

Hai thánh Nêrêô và Akileo là những binh sĩ, nhưng khi trở lại đạo các Ngài đã rời bỏ quân ngũ rồi sau đó đã lãnh triều thiên tử đạo. Câu chuyện tử đạo của các Ngài có lẽ đã là giả tưởng. Theo bản văn của đức giáo hoàng Damas, thì các Ngài đã sống dưới triều hoàng đế Nêrô. Chính thánh Phêrô đã rửa tội cho các Ngài. Được phái về phục vụ thánh nữ Đômôtilla, sau đó các Ngài cũng bị đi đày và được phúc tử đạo với bà chủ.

 

Một tài liệu khác cho rằng thánh Nêrêô và Akileo là lính cận vệ của chính Đức Giáo hoàng Damas.

 

Có người lại cho rằng thánh Nêrêô là con tinh thần của thánh Phaolô.

 

Như vậy các tài liệu về cuộc đời hai thánh tử đạo không được chắc chắn. Tuy nhiên, lòng tôn kính dành cho các Ngài rất cổ kính. Thánh đường lưu giữ hài cốt các Ngài ở đường Ardeatina đã được tái thiết tới ba lần.

 

Thánh Pancraxiô sinh tại Phrygia trong một gia đình danh giá giàu có. Nhưng cha mẹ Ngài mất sớm và ký thác Ngài cho ông cậu là Denis. Ba năm sau, Denis đến lập nghiệp ở Rôma. Chúa quan phòng đã xếp đặt để họ ở gần nơi trốn tránh của Đức Giáo hoàng Marcelionô trong cơn bách hại của Diocletianô và Maximianô. Cảm kích trước sự khiêm tốn, nhân hậu đạo đức cùng đức nhẫn nại của vị thánh Giáo hoàng, họ đã xin theo đạo và được đức giáo hoàng ưng thuận. Ong Denis chỉ sống thêm ít ngày sau khi trở lại. Nhưng Pancraxiô mới 14 tuổi, bị bắt sau khi ông cậu qua đời. Vì quen với cha Ngài Hoàng đế Diôcletianô đến gặp và dùng hết cách để đưa Ngài trở về với cuộc sống lương dân, Ngài đã can đảm trả lời nhà vua: Một Kitô hữu không màng tới của cải và thú vui trần thế. Họ chỉ ao ước những gia sản trên trời. Cái chết chỉ làm cho hạnh phúc của họ tới mau hơn. Ngài cứ hành hình tôi và đừng tìm cách bắt tôi thờ lạy các tượng thần làm gì.

 

Hoàng đế giận dữ ra lệnh chém đầu Ngài. Một phụ nữ đạo đức đã đến lấy xác Ngài và chôn cất ở đường Aurelia. Đức Giáo hàong Symmacho đã xây cất một thánh đường tại đây cho Ngài.

 

Thánh Pancrasiô, một trẻ mồ côi mười bốn tuổi, cũng sống vào thời gian này. Ngài có lẽ cũng bị giết chết cùng ngày với hai vị thánh trên. Pancrasiô không phải là người bản xứ Rôma. Người cậu trông coi Pancrasiô đã đưa ngài tới đó. Pancrasiô được chịu phép Thanh tẩy và trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu. Dù mới chỉ là một cậu bé, nhưng Pancrasiô cũng bị bắt giữ vì lý do là Kitô hữu. Pancrasiô nhất định không chịu chối bỏ đức tin của mình. Vì vậy, ngài đã bị kết án tử hình. Pancrasiô bị trảm quyết. Pancrasiô là vị thánh tử đạo rất được sùng mộ và kính phục trong thời Giáo hội sơ khai. Người ta ngưỡng mộ Pancrasiô vì tuy tuổi đời non trẻ nhưng đã rất can đảm và anh dũng. Vào năm 514, người ta xây cất một ngôi thánh đường lớn tại Rôma để tôn kính thánh Pancrasiô. Đến năm 596, một vị thừa sai danh tiếng, thánh Augustinô Cantơbơri, đến đem đức tin Công giáo cho đất nước Anh. Ở đó, thánh nhân đã lấy danh thánh Pancrasiô để đặt tên cho ngôi thánh đường đầu tiên của mình.

 

https://www.giaophandanang.org/ngay-12-05-thanh-nerero-akileo-va-pancrasio-tu-dao.html

 

Các vị thánh là những người đã sống tới mức anh hùng của các nhân đức,các ngài cố gắng hết sức họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu. Như một tảng đá các Ngài phấn đấu gọt dũa sống hết mình vì Đức Kitô. Hai thánh Nêrê và Achillêô đã để lại mẫu gương tuyệt vời về lòng trung kiên đối với Chúa Giêsu Kitô.

 

HAI THÁNH NÊRÊ và ACHLLÊÔ ANH HÙNG

Hai thánh nhân trước khi được phúc chết vì đạo đều là những binh sĩ  ngoại giáo. Quả thực, Chúa muốn tuyển chọn ai là do sự tự do, tấm lòng quảng đại, hoàn toàn vô vị lợi của Chúa. Một tiếng gọi, một lời mời vang lên: Chúa có con đường và có cách của Ngài. Tiếng của Chúa có thể ngỏ trực tiếp với một người, nhiều người, con người có sẵn sàng đáp trả hay không tùy thuộc tự do của mỗi người.

Thường khi Chúa kêu mời ai, người đó mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ngài.Trường hợp của Nêrê và Achillêô ghi đậm lời sách khải huyền:” Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống, trồng ở trên thiên đàng của Thiên Chúa”( Kh 2, 7 ). Thánh Nêrô và thánh Achillêô đều phục vụ trong quân đội như thánh Sêbastianô dưới thời Hoàng Đế Điôclêtianô. Cơn bách hại đạo xẩy ra vào năm 304, các Ngài còn là người ngoại giáo,nhưng trước những mẫu gương sáng chói của các vị tử đạo, các Ngài đã có đức tin và xin quay trở về với Chúa Giêsu Kitô. Vì lòng can đảm, đức tin sắt đá của các Ngài, hai thánh nhân đã bị bắt, bị tra tấn và bị giết vì danh Chúa Kitô. Ngày nay khi tới Roma, người ta sẽ được viếng, được chiêm ngưỡng hai vương cung thánh đường dâng kính thánh Nêrê và thánh Achillêô: một được xây cất vào thế kỷ thứ IV ở đường Ardéatina và một thánh đường do Đức Thánh Cha Lêô III xây dựng và cung hiến vào những năm 795-816 tại đường Appia.

 

 CHÚA THƯỞNG CÔNG CHO CÁC NGÀI

Vì lòng mến Chúa và hy sinh cuộc đời, hy sinh mạng sống của mình cho Chúa như lời Chúa nói:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Thánh Nêrê và thánh Achillêô đã nói lên cái cuối cùng của mình là hy sinh chết vì tình yêu. Các Ngài đã có một giấc mơ như M. Luther King đã nói:” Tôi có một giấc mơ”( I have a dream ).Hai thánh Nêrê và Achillêô đã có một giấc mơ, không phải một giấc mơ được giầu sang, phú quí,  mà là một giấc mơ hiến trọn đời mình cho Chúa bằng chính cái chết của các Ngài.

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con mừng hai thánh Nêrê và Achillêô tử đạo đã anh dũng tuyên xưng đức tin. Xin cho chúng con luôn được các Ngài bênh vực chở che trước tòa Chúa”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Nêrê và Achillêô ).

 

      Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

http://www.simonhoadalat.com/SuyNiem/Saints/Thang5/Ngay12.htm

 

                                       

Thứ Bảy sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 

Bài Ðọc I: Cv 16, 1-10

"Xin đi sang Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô đến Ðerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.

Các ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: "Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi".

Vừa thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5

Ðáp: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người. - Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 16

Alleluia, alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 15, 18-21

"Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy".

Ðó là lời Chúa.


 

Chiều kích "Liên Hệ Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" cho Tuần Lễ Thứ V Mùa Phục Sinh là ở nơi việc hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, nhờ đó các môn đệ của Người mới có thể sinh hoa kết trái yêu thương như Người yêu thương họ, như các bài Phúc Âm trong tuần đã cho thấy, cũng là mối Liên Hệ Thần Linh nhờ đó làm cho các vị nên giống Người nơi thân phận bị thế gian ghét bỏ và sát hại, chỉ vì danh của Người, như lời Người khẳng định và tiên báo cho các tông đồ trong bài phúc âm hôm nay:

"Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy".

Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần V theo Thánh Gioan hôm nay là bài Phúc Âm chất chứa những lời Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ của Người về thân phận chịu khổ của các vị trong thế gian nay, bị thế gian thù ghét, chỉ vì các vị đã được Người "chọn" "tách ra khỏi thế gian". Nghĩa là những ai thuộc về Người và theo Người thì phải chịu chung số phận với Người và như Người: "Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em".

 

Chính thân phận bị thế gian ghét bỏ và bách hại như Thày và vì Thày của thành phần môn đệ Chúa Kitô là những gì chứng tỏ họ thực sự thuộc về Chúa Kitô, hoàn toàn ở trong Chúa Kitô và Chúa Kitô hằng ở trong họ hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Đúng thế, chính những gian nan khốn khó gặp phải trong cuộc hành trình đức tin trần thế nói chung và nhất là trong sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô đã chứng thực ai là môn đệ đích thực của Chúa Kitô và ai không/chưa.

 

Mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung, sau thời các thánh tông đồ, được Người tuyển chọn khi nào và ra sao? Nếu không phải khi Người gọi họ trở thành môn đệ Kitô hữu của Người qua các chứng nhân của Người (xem Mathêu 28:20), hay hơn thế nữa, khi Người gọi một số môn đệ Kitô hữu của Người theo sát Người hơn nữa theo 3 lời khuyên của Phúc Âm, nhất là khi Người gọi họ trở thành linh mục thừa tác của Người; và chính họ cũng đã đáp lại bằng việc lãnh nhận phép rửa, lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh, cũng như bằng việc tuyên khấn các lời khấn sống đời thánh hiến trọn lành hơn theo tinh thần và gương sống của Người.

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những môn đệ Kitô hữu nào được "Thày đã chọn, đã tách ra khỏi thế gian", và cũng đã theo Người như thế, mà chỉ tìm kiếm và theo đuổi một Chúa Kitô Phục Sinh chẳng có các dấu thánh trên thân xác sống lại từ trong kẻ chết của Người, thì thực tế cho thấy họ vẫn tiếp tục "thuộc về thế gian", vì thế họ được "thế gian yêu thích cái gì là của nó". Chẳng hạn như những người môn đệ thuộc về một thứ Giáo Hội Nhà Nước trong thế giới cộng sản, hay những môn đệ có biệt tài nào đó trở thành nổi tiếng, được dân chúng mộ mến đến bất chấp Giáo Quyền, hoặc những môn đệ mị dân không dám khuyên bảo hay giảng dạy dân chúng "vào qua cửa hẹp" (Mathêu 7:13), bởi sợ bị dân ghét bỏ, hay những môn đệ chỉ vì danh tiếng, vì nghề nghiệp, mà về chính trị đã bỏ phiếu chấp thuận hay ủng hộ các đạo luật phản tín lý và luân lý Công giáo của mình v.v.

 

Trái lại, những môn đệ bị bách hại vì lẽ công lý (xem Mathêu 5:11) chính là các cành nho tốt lành đã sinh hoa kết trái trong đời sống thiêng liêng, ở chỗ họ càng ngày càng được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, qua việc thương xuyên tham dự các Bí Tích Thánh và thiết tha lắng nghe cùng đáp ứng Lời Chúa, và vì thế, họ còn được cắt tỉa thêm cho càng sai trái (xem Gioan 15:2), cho càng được nên giống Chúa Kitô là Thày của mình hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Đến độ sự sống đã chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô Phục Sinh nơi họ đã trở thành như một ngọn lửa thần linh bừng lên thiêu đốt bụi gai bản thân thấp hèn yếu đuối của họ, nhưng bụi gai là bản thân của họ đầy thương tích đớn đau ấy chẳng những vẫn không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2), trái lại, chính bụi gai ấy lại còn thần hiển "rạng ngời chân lý - veritatis splendor" (Thông Điệp của ĐTC GP II ngày 6/8/1993) như một Chúa Kitô Tử Giá!

 

Đến đây, chúng ta thấy, căn cứ vào chính Lời Chúa dạy, có 3 dấu hiệu chứng thực Kitô hữu chúng ta là môn đệ thật sự của Chúa Kitô, chứ không chỉ "hữu danh vô thực", là thành phần chứng nhân trung thực và sống động của Người, đó là: đức ái trọn hảo (1), sinh nhiều hoa trái (2) và bị đời thù ghét (3).

 

1- Đức ái trọn hảo: "Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy ở điểm này, đó là các con yêu thương nhau." (Gioan 13:34-35);

 

2- Sinh hoa kết trái: iều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy" (Gioan 15:8); "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái" (Gioan 15:16);

 

3- Bị đời thù ghét: "Tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Gioan 15:20).

 

 

Bài Đọc 1 (Tông Vụ 16:1-10)

Mối Liên Hệ Thần Linh tràn đầy sự sống còn có thể được thấy nơi trường hợp của phái đoàn môn đệ Chúa Kitô, trong đó chính yếu là Tông Đồ Phaolô, những vị luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, Đấng ở với họ, sống trong họ và hướng dẫn họ bằng Thánh Thần của Người trong công cuộc truyền giáo chứng nhân của họ, thậm chí hướng dẫn họ đến những nơi Người muốn họ tới, như bài đọc 1 hôm nay cho thấy:


"Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a. Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép. Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a. Ban đêm, ông Phao-lô thấy một thị kiến: một người miền Ma-kê-đô-ni-a đứng đó, mời ông rằng: 'Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!' Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ".

 

Tác động của Thánh Thần "ngăn cản" ý muốn của Thánh Phaolô tính sang "Á Châu rao giảng Lời Chúa", đồng thời cũng "không bcho phép" ngài "vào miền Bithynia" sau đó, nhưng laị muốn ngài "đi Macêdônia" qua một thị kiến, đã cho thấy, đúng như những lời Thánh Vịnh 99 trong Bài Đáp Ca hôm nay: "Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời", và Ngài sử dụng loài người chúng ta theo ý định từ bi nhân ái của Ngài, bao gồm toàn thể nhân loại, cũng hư từng người, từng đoàn thể, từng vùng miền (như miền Maceđônia trong Bài Đọc 1 hôm nay), khi tới thời điểm của Ngài, vì Ngài là Đấng "đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Ngài".


1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người.

3) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn muôn thế hệ.

 

Lễ Đức Mẹ Fatima 13/5

 

 

God's Grace and Mercy for Our Times

 

 

Fatima là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa.

 

Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima không phải chỉ là Biến Cố Thánh Mẫu và Sứ Điệp Thánh Mẫu, mà là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa. Đó là lý do 3 Thiếu Nhi Fatima đã được thị kiến thấy hỏa ngục ngày 13/7/1917, và cũng trong cùng lần hiện ra thứ ba này, Đức Mẹ đã kêu gọi các em sau mỗi chụ Kinh Mân Côi hãy đọc: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con. Xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.

 

Chưa hết, đúng như lời hứa vào lần hiện ra trên “Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và xin rước lễ đền tạ các ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”, Đức Mẹ đã thực sự hiện ra với chị Lucia vào ngày 13/6/1929, tại tu viện dòng Đôrôthêô của chị ở thành Tuy nước Tây Ban Nha khi chị chầu Thánh Thể ban đêm, và cho chị thấy một thị kiến được chị kể lại như sau:

 

·         Bỗng nhiên, cả nhà nguyện bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: ‘Ân Sủng và Tình Thương’".

 

(Như Mẹ Maria hiện ra ở Fatima là để đem loài người về với Lòng Thương Xót Chúa, qua lời Mẹ kêu gọi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, ngay trước khi biến đi để chấm dứt Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917, đó là: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, và như gương 3 Thiếu Nhi Fatima tiên khởi đã sống ơn gọi của mình, bằng cả một đời hy sinh cho các tội nhân và đền tạ Chúa, Thiếu Nhi Fatima TGP/LA cũng cố gắng để làm tông đồ cho Lòng Thương Xót Chúa, bằng việc cử hành Đường Thánh Giá trong Ngày Thánh Mẫu tại Missouri (4-7/8/2005), vào chiều Thứ Sáu 5/8/2005, như đã thực hiện trong năm 2003, một biến cố đã được cả giáo dân lẫn nhà dòng tổ chức Ngày Thánh Mẫu hoan hô và mong TNF tiếp tục công việc chẳng những mang lại lợi ích thiêng liêng cho người tham dự mà còn tăng thêm ý nghĩa cho Ngày Thánh Mẫu nữa).

 

Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là một biến cố và là một sứ điệp hướng về và dẫn đến Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì, cốt lõi của Biến Cố Fatima và Sứ Điệp Fatima là Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Thánh Thể mở đầu Biến Cố Fatima và là tột đỉnh của Sứ Điệp Fatima.

 

Trước hết, Thánh Thể mở đầu Biến Cố Fatima, ở chỗ, Thiên Thần Hòa Bình đã hiện ra với 3 em Thiếu Nhi Fatima 3 lần, một vào Mùa Xuân, 1 vào Mùa Hè và 1 vào Mùa Thu, đều về Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Lần thứ nhất, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Xuân năm 1916 ở trong hang Loca do Cabeco, để kêu gọi và dạy các em cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con trông cậy Chúa và con yêu mến Chúa. Xin Chúa thứ tha cho những người không tin kính Chúa, không thờ lạy Chúa, không trông cậy Chúa và không yêu mến Chúa".

 

Lần thứ hai, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào Mùa Hè cùng năm, sau giờ nghỉ trưa, ở dưới bóng cây bên một giếng nước, để kêu gọi các em hy sinh cầu nguyện và dạy cho các em biết cách hy sinh đền tạ Chúa mà cứu rỗi các tội nhân: "Hãy biến mọi sự có thể thành những hy sinh dâng lên Chúa như một việc để đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm mà cầu cho tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 

Lần thứ ba, Thiên Thần Hòa Bình hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima vào một buổi chiều Mùa Thu cũng năm ấy, trên đường các em từ Pregueira về Lapa, để cho các em rước Mình Thánh (Lucia) và Máu Thánh (Phanxicô và Giaxinta), sau khi kêu gọi các em đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể như sau: "Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh là Cha và Con và Thánh Thần, con sấp mình thờ lạy Chúa. Con xin dâng lên Chúa Mình Máu châu báu, linh hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã phải chịu. Xin vì công nghiệp vô cùng của Thánh Tâm Chúa Giêsu và của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin Chúa ban cho các tội nhân ơn ăn năn hối cải".

 

Sau nữa, Thánh Thể là tột đỉnh của Sứ Điệp Fatima, ở chỗ, trong 3 Mệnh Lệnh Fatima, mệnh lệnh chính yếu đó là Mệnh lệnh Cải Thiện Đời Sống, một mệnh lệnh kêu gọi con người tội nhân hãy hoán cải trở về cùng “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, như lời Mẹ Maria kêu gọi loài người vào lần hiện ra ở Fatima cuối cùng 13/10/1917 ngay trước khi biến đi để kết thúc Biến Cố Fatima. “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi đây chính là Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã mở đầu cho Biến Cố Fatima, cũng là Đấng đã được nữ tu Lucia thị kiến thấy vào ngày 13/6/1929, tại Tuy nước Tây Ban Nha, qua hình ảnh “Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL