SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XIX Thường Niên

Năm A (Chúa Nhật) và Năm
Lẻ (Trong tuần)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi. - Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

 

Reflection on Matthew 14:22-33 | New Life Narrabri


Suy Nghiệm Lời Chúa

 

 

Một khi tiến tới chỗ "gặp gỡ nhau" đến độ "hôn nhau âu yếm" thì...



Trong suốt cuộc đời trần thế của mình, "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) là để tỏ mình "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), để "ai tin vào Người thì không bị chết song được sự sống đời đời" (Gioan 3:16), "ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ được quyền làm con Thiên Chúa" (Gioan 1:12), đúng như câu Alleluia hôm nay xướng lên trước Bài Phúc Âm.

Thế nhưng, về ngôn từ, Người không bao giờ tự động tự xưng mình "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", vì liên quan đến giáo quyền Do Thái giáo, cũng như Người không bao giờ tự mình công khai xưng mình rằng "Ta là vua dân Do Thái", vì liên quan đến chính quyền của đế quốc Roma. Đó là lý do chẳng lạ gì Người hay ngăn cấm cả thành phần được Người chữa lành lẫn ma quỉ tiết lộ về Người!

Tuy nhiên, về việc làm, Người liên lỉ tìm cách và lợi dụng mọi sự để ngấm ngầm chứng thực Người "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", chẳng những chính yếu ở chỗ Người không bao giờ làm theo ý riêng của Người mà là ý Đấng đã sai Người: "Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá" (Philiphê 2:8); "cho dù là Con nhưng Người đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu để khi thành toàn Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9), mà còn bằng giáo huấn siêu việt đầy uy thế của Người cũng như bằng quyền năng chữa lành của Người, bao gồm cả quyền năng của Người trên thiên nhiên tạo vật nữa, như trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy.

Đúng thế, sau khi tỏ mình cho chung dân Do Thái và riêng các môn đệ tông đồ của mình bằng phép lạ bánh hóa ra nhiều, như được Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật tuần trước thuật lại, Chúa Giêsu còn muốn tỏ mình ra cho riêng thành phần môn đệ tông đồ của Người một cách đặc biệt hơn nữa, khiến cho các vị nói chung và tông đồ Phêrô nói riêng càng tin vào Người hơn.

Người tỏ mình ra cho chung các môn đệ tông đồ, như Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:
 

"Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: 'Ma kìa!', và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!'... Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: 'Thật, Thầy là Con Thiên Chúa'".

 

Người tỏ mình ra cho riêng tông đồ Phêrô, cũng được cùng Bài Phúc Âm thuật lại ngay sau đó như thế này:

"Phêrô thưa lại rằng: 'Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy'. Chúa phán: 'Hãy đến!' Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu con!' Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: 'Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?' Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng".

Sở dĩ tông đồ Phêrô lúc đầu tin tưởng vào Chúa, nhưng sau đó "khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống", là vì ngay lúc bấy giờ vị tông đồ hăng hái này, như Chúa Giêsu sau đó cho biết lòng chàng đã tỏ ra "nghi ngờ", ở chỗ chàng bị ngoại cảnh chi phối, không còn nhìn thẳng vào Chúa nữa, mà chỉ nhìn vào tạo vật hay vào chính biến cố xẩy ra quanh mình. Thực tế sống đạo cũng cho thấy như vậy, ở chỗ, nếu chúng ta là nạn nhân mà chỉ nhìn vào phạm nhân thì chỉ muốn trả thù, cho đến khi nhìn lên Thiên Chúa mới cảm thấy bình an và có thể tha thứ.

Thật vậy chàng tông đồ Phêrô vì bị ngoại cảnh chi phối, đến độ đã lấn át được cả đức tin ban đầu của chàng, nên chẳng lạ gì chàng đã bị mất bình an nội tâm, là chính nơi Chúa tỏ mình ra cho từng tâm hồn như "tiếng gió hiu hiu" mà Tiên Tri Êlia "vừa nghe thấy, liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang" ở Bài Đọc 1 hôm nay. Các hiện tượng đáng sợ bên ngoài (như "gió bão", "động đất" và "lửa" trong Bài Đọc I) chỉ là hiện tượng hay dấu báo Chúa đến, chứ không phải dấu hiệu Chúa hiện diện, Chúa ở trong, Chúa tỏ mình ra, như nơi "tiếng gió hiu hiu" mà tâm hồn nào biết "đóng cửa lại" (Mathêu 6:6) mới có thể nghe thấy "những gì thì thầm bên tai" (Mathêu 10:27).

Sự kiện "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) tỏ mình ra nơi Người Con hóa thành nhục thể của Ngài, "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) và việc con người "thuộc hạ giới" tin tưởng chấp nhận Người là tất cả mạc khải thần linh của Ngài, đã được cảm nghiệm thấy và diễn tả một cách rất chính xác như là một cuộc "gặp gỡ nhau" và như là một tác động "hôn nhau âu yếm", được Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả ở câu thứ 2:

"Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống". "Lòng nhân hậu" và "đức công minh" là những gì thuộc về thượng giới "từ trời nhìn xuống", còn "đức trung thành" và "sự bình an" là những gì từ con người, ở nơi con người, nên thuộc hạ giới - "từ mặt đất".

Một khi cuộc "gặp gỡ nhau" giữa Thiên Chúa là thần linh, Đấng đã tỏ hết mình ra nơi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài và tâm hồn hết lòng tin tưởng vào Ngài cũng như vào Đấng Thiên sai của Ngài lên tới tột đỉnh, đến độ như thể "hôn nhau âu yếm" thì tâm hồn lên tới bậc hiệp sinh chất ngất của linh đạo Kitô giáo này có thể dám hy sinh tất cả, thậm chí hy sinh cả chính phần rỗi của mình nữa cho ơn cứu độ của Chúa Kitô vì tha nhân, như chính cảm nghiệm tận tuyệt này của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đối với dân riêng Do Thái của ngài trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma  Bài Đọc 2 hôm nay:

"Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen".



Thứ Hai

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 10, 12-22

"Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.

"Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.

"Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Ðấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.

"Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20

Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.

2) Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 17, 21-26

"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

Ðó là lời Chúa.


Related image

Cảm Nghiệm Suy Niệm



Nộp Thuế là Nộp Mạng (cả 2 thày trò)



Hôm nay, Thứ
 Hai Tuần XIX Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho chúng ta 2 sự kiện liên quan đến lời Chúa Kitô tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người và liên quan đến vấn đề nộp thuế đền thờ của Người.

Lời Chúa Kitô 
tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người: "Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilêa, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại'. Các môn đệ buồn phiền lắm".

Vấn đề 
nộp thuế đền thờ của Người: "Khi thầy trò tới Caphanaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi Phêrô: 'Thầy của các anh không nộp thuế sao?' Ông đáp: 'Có chứ!' Ông về tới nhà, Chúa Giêsu đón hỏi ông: 'Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?' Phêrô đáp: 'Thưa, người ngoài'. Chúa Giêsu liền bảo: 'Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh'".

C
ó thể nói 2 sự kiện này có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không phải là hai sự kiên hoàn toàn tách biệt chẳng nhắm nhò gì với nhau. Sự kiện thứ nhất là một sự kiện lịch sử và thực hữu. Còn sự kiện thứ hai là một sự kiện cụ thể nhưng mang tính cách của một dụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa ám chỉ sâu xa liên quan tới sự kiện thứ nhất.

Thật vậy, sự kiện chính yếu trong bài Phúc Âm hôm nay là lời Chúa Giêsu tiên báo lần đầu tiên 
về cuộc vượt qua của Người tử khổ giá tới phục sinh, và sự kiện thứ hai về vấn đề nộp thuế đền thờ của cả Chúa Giêsu và Tông Đồ Phêrô là sự kiện ám chỉ đến cuộc vượt qua của riêng Chúa Giêsu, thậm chí bao gồm cả Tông Đồ Phêrô nữa.

Kh
ông phải hay sao, nếu đền thờ là nhà Cha của Người (xem Gioan 2:16), mà Người là Con của Cha, thì Người tất nhiên được ở free, tức là "con cái được miễn" không phải đóng thuế như những "người ngoài", đúng như Người đã nói với tông đồ Phêrô. 

Đền thờ ở đây đồng thời còn ám chỉ đến thân xác của Chúa Kitô (xem Gioan 2:19,21) sẽ bị trao "
nộp" (chữ "nộp" trong Việt ngữ ở đây được sử dụng 2 lần cho 2 sự kiện khác nhau trong bài Phúc Âm: "nộp" thuế và "nộp" mạng) cho 
thành phần giáo quyền trong dân để họ ra tay phá hủy đi. Vậy việc Chúa Giêsu nộp thuế đền thờ ám chỉ việc Người tự nguyện nộp mình vào tay thành phần âm mưu sát hại Người, cho dù Người có dư quyền năng tránh thoát.

Phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu bảo tông đồ Phêrô "
ra biển thả câu" để bắt "", một 
sinh vật ám chỉ đến cái chết của Người trong ngôi mồ, một cái chết đã được tiên báo ở sự kiện Tiên Tri Giona ở trong bụng cá 3 ngày đêm, và nhờ cái chết này của Người mà Người mới có thể trả thuế đền thờ, ám chỉ Người mới có thể xây lại đền thờ thân thể Người bằng cuộc phục sinh của Người?

Chúng ta chắc không thắc mắc về vấn đề làm sao Chúa Giêsu lại biết được con cá đầu tiên Tông Đồ Phêrô câu được lại có "
một đồng tiền bốn quan", 
vừa đủ trả tiền thuế đền thờ cho cả Người lẫn tông đồ Phêrô, cho bằng thắc mắc về vấn đề tại sao số tiền ấy lại chỉ được sử dụng để trả thuế đền thờ cho "phần của Thầy và phần của anh", nghĩa là chỉ cho tông đồ Phêrô mà không cho các tông đồ khác nữa. 

Xin th
ưa, là vì trong các tông đồ chỉ duy mình tông đồ Phêrô là được Chúa Kitô báo cho biết trước số phận sẽ được kết thúc ra sao (xem Gioan 21:18), một số phận không khác gì của Người và như Người, nên Người đã kêu gọi vị tông đồ thủ lãnh này là "hãy theo Thày" (Gioan 21:19), nghĩa là ngài sẽ "được dự phần với Thày" (Gioan 13:8), ở chỗ ngài cũng sẽ trở thành một vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên như Người (xem Gioan 10:11). 

Việc Chúa Kitô, trong bài Phúc Âm hôm nay, là con cái trong nhà Cha của mình, được ám chỉ Đền Thờ Giêrusalem, không cần phải nộp thuế đền thờ mà Người vẫn làm như một người xa lạ, đã trở thành gương mẫu cho thành phần dân Chúa, một dân được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn hơn hết trong các dân tộc trên thế giới và trong trời đất này, nhưng không phải vì thế mà họ được châm chước cho việc tuân giữ các giới luật Ngài truyền, như Moisen trong Sách Đệ Nhị Luật ở Bài Đọc 1 hôm nay đã nhắc nhở họ như sau:

 

"Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay. Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa... Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời".


Nếu Đền Thờ ám chỉ nơi Thiên Chúa ngự giữa dân của Ngài thì Thành Giêrusalem ám chỉ chính dân của Ngài, một thành phần dân đã được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, cần phải nhận biết Ngài, chúc tụng Ngài, bằng việc tuân giữ các thánh chỉ và huấn lệnh của Ngài, như Thánh Vịnh 147 ở bài Đáp Ca hôm nay cảm nhận và xác tín:

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.

2) Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo.

3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.



THÁNH MAXIMILIÊN KOLBE

(1894-1941)

 

Militia Immaculata – Clarifying Catholicism

 

 

Maximilian Kolbe sinh ngày 7 tháng 1 năm 1894 tại Zdunska Wola, Ba Lan với tên cha mẹ đặt là Raymond Kolbe. Em Raymond Kolbe là đứa con trai thứ 2 trong 3 người con trai của một gia đình nghèo nhưng đạo đức vào thời Balan đã bị Nga xâm chiếm. Cha mẹ của ngài đều thuộc về dòng ba Phanxicô, làm thợ dệt tại nhà. Cha ngài là Julius về sau mở tiệm sách đạo, rồi đầu quân chiến đấu cho quyền độc lập của Balan, cuối cùng đã bị người Nga treo cổ như một tên tội đồ phản quốc năm 1914. Mẹ ngài là Marianne Dabrowska, sau trở thành một nữ tu dòng Biển Đức. Anh ngài là Alphonso đã trở nên một vị linh mục.

Ngài là một đứa trẻ ma lanh, đôi khi phá phách, khiến cha mẹ điên đầu. Tuy nhiên, vào năm 1906 khi gia đình ngài ở Pabianice, bấy giờ ngài 12 tuổi và gần đến biến cố Rước Lễ Lần Đầu của ngài, thì ngài được thị kiến thấy Mẹ Maria, để rồi từ đó đời của ngài đã được hoàn toàn biến đổi. Ngài kể lại rằng, "Tôi đã hỏi Mẹ Thiên Chúa rằng sau này tôi sẽ ra sao. Thế là Mẹ đã hiện ra với tôi mang theo với Mẹ 2 triều thiên, một trắng và một đỏ. Mẹ đã hỏi tôi rằng tôi muốn triều thiên nào trong 2 triều thiên này. Triều thiên trắng nghĩa là tôi phải kiên trì sống tinh khiết, và triều thiên đỏ nghĩa là tôi sẽ trở thành một vị tử đạo. Tôi nói rằng tôi xin chấp nhận cả 2 triều thiên".

 

Ngài đã vào tiểu chủng viện Dòng Thánh Phanxicô ở Lwow Balan năm 1907, và ngài đã tuyệt giỏi về toán học và vật lý. Có lúc ngài muốn từ bỏ theo học linh mục để gia nhập quân ngũ chiến đấu, nhưng lại thôi. Ngài đã vào tập viện của dòng này vào ngày 4/9/1910 ở tuổi 16. Ngài đã nhận tên dòng là Maximilian, rồi khấn lần đầu ngày 5/9/1911, và khấn trọn đời ngày 1/11/1914. Ngài theo học triết lý tại Học Viện Gregory Dòng Tên ở Roma vào năm 1912-1915, và học thần học tại Học Viện Phanxicô Serafico ở Roma từ 1915-1919. Vào ngày 16/10/1917, khi còn là chủng sinh, ngài và 6 người bạn của ngài đã thành lập Phong Trào Vô Nhiễm / the Immaculata Movement (Militia Immaculatae, Crusade of Mary Immaculate), dấn thân cho việc hoán cải tội nhân, chống lại tam điểm (cực lực chống phá Giáo Hội thời bấy giờ), truyền bá Ảnh Mẹ Ban Ơn (như áo dòng của mình), và lòng tôn sùng Đức Mẹ là đường đến cùng Chúa Kitô.

 

Ngài bị bệnh lao phổi gần chết, và sau đó ngài bị kiệt sức suốt cuộc đời còn lại của ngài. Ngài được thụ phong linh mục ngày 28/4/1918 ở Roma vào tuổi 24, và nhận cấp bằng tiến sĩ thần học ngày 22/7/1922. Cái minh thức của ngài về thần học Thánh Mẫu còn vang vọng cho đến ngày nay, qua ảnh hưởng mà các minh thức này nơi Công Đồng Chung Vatican II đầu thập niên 1960.

 

Ngài đã trở về Balan ngày 29/7/1919 để dạy lịch sử ở Chủng Viện Krakow. Ngài đã phải nghỉ bệnh từ 10/8/1920 đến 21/4/1921 để chữa bệnh lao phổi tại bệnh viện Zakpane ở Tatra Mountains. Vào tháng 1/1922, ngài bắt đầu phát hành nguyệt san Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm / the magazine Knight of the Immaculate để chiến đấu với tình trạng lãnh đạm, và vào năm 1927 nguyệt san này đã có một ấn bản trên 70 ngàn số. Ngài lại phải nghĩ bệnh một lần nữa, từ ngày 18/9/1926 đến 13/4/1927, những vẫn tiếp tục hoạt động.

 

Không thỏa mãn với những hoạt động của mình ở Balan, ngài và 4 thày cùng dòng đã đến Nhật bản năm 1930. Trong vòng 1 tháng, chẳng có tiền bạc gì và chẳng biết tiếng Nhật, mà ngài đã in nguyệt san Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm bằng ấn bản Nhật ngữ. Nhưng không ngờ vào năm 1936 đã có 65 ngàn ấn bản. Vào năm 1931, ngài lập một đan viện Phanxicô ở Nagasaki, và tu viện này đã tồn tại bất chấp bom nguyên tử ngày 9/8/1945, và ngày nay đã trở thành trung tâm của dòng Phanxicô ở Nhật bản. Vào giữa năm 1932, ngài đã rời Nhật bản để đến Malbar, Ấn Độ và thành lập thành phố thứ ba, như thành phố đầu tiên là Niepokalanow ở Balan, và thành phố thứ 2 là Nagasaki ở Nhật bản, để phát hành tờ Nguyệt San Hiệp Sĩ Mẹ Vô Nhiễm vậy, nhưng rất tiếc vì thiếu nhân  lực nên thành phố thứ ba này sau đó đã không còn tồn tại.

Vị sức khỏe yếu kém, ngài đã phải cắt bớt hoạt động truyền giáo, và trở về Balan năm 1936. Vào ngày 8/12/1938, đan viện Phanxicô của ngài bắt đầu trở thành một đài phát thanh. Vào năm 1939, đan viện này đã có gần 800 tu sĩ, lớn nhất thế giới vào thời ấy, và hoàn toàn tự lập, bao gồm cả việc phục vụ các bệnh xá nữa.

 

Cùng với một số anh em dòng, ngài đã bị bắt nhốt vào ngày 19/9/1939, sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm Balan lần thứ hai từ ngày 1/9 cùng năm. Các tu sĩ khác ở đan viện này bị đi đầy một thời gian ngắn, còn ngài và một số anh em bị đi tù được thả về ngày 8/12/1939. Mọi hoạt động lại được phục hồi. Trở lại thành phố Niepokalanow, ngài đã tiếp tục thừa tác vụ linh mục của ngài, ở đó ngài đã chất chứa 3 ngàn người Balan tị nạn, mà 2/3 là người Do Thái, đồng thời ngài tiếp tục hoạt động ấn hành tờ nguyệt san ở đó, bao gồm cả những bài viết chống lại Nazi Đức Quốc xã. Chính vì thế mà tờ báo đã bị đình bản, tu viện bị trấn át và tu sĩ bị tản mát, và ngài bị giam nhốt ở nhà tù Pawiak, thủ đô Warsaw Balan vào ngày 17/2/1941.

 

Vào ngày 28/5/1941, ngài được chuyển đến lò diệt chủng Auschwitz với số hiệu tù nhân 16670. Ngài được chỉ định vào nhóm làm việc đặc biệt do các vị linh mục đặc trách, và bị giám sát bởi các viên canh ngục đồi bại và tệ hại. Việc âm thầm sống đức tin khiến ngài phải làm những công việc tệ nhất khi cần đến ngài, và bị đánh đập hơn ai hết. Có lúc ngài đã bị đánh đập, quất bằng roi, gần như chết vậy. Các tù nhân đã phải lén lút đem ngài đến bệnh viện của trại tập trung, nơi ngài bỏ giờ ra giải tội cho những ai cần đến bí tích này. Khi ngài trở lại trại, ngài thi hành thừa tác vụ với các tù nhân khác, bao gồm cả việc cử hành Thánh Lễ và trao Mình Thánh Chúa từ bánh và rượu được lén đưa vào cho ngài.

 

       Sau đây là câu chuyện chính về biến cố đã biến ngài thành một vị thánh tử đạo năm 1941, vào giữa Thế Chiến Thứ II (1939-1945). Hôm ấy là ngày 30/7/1941, trong nhà giam số 14 tại trại tập trung Auschwitz, nơi mấy tháng trước đó, một nhóm tù nhân vừa được dẫn tới, trong đó có cha Maximilien Kolbe, tu sĩ dòng Phanxicô Balan. Hôm ấy thiếu mất một tù nhân. Các tử tù biết rằng cứ một tù nhân đào thoát là hai mươi tù cùng trại phải nhịn ăn cho đến chết. Đêm ấy không ai trong khu nhà giam chợp mắt được. Mọi người đều sợ hãi, mặc dù nhiều lúc họ vẫn mong chờ cái chết đến để giải thoát họ.

       Chết dưới làn đạn, có lẽ còn chịu đựơc, nhưng chết đói chết khát thật là một cái chết kinh sợ nhất. Từ căn nhà hành hình, phát ra những tiếng la rú rùng rợn. Đêm ấy, cha Kolbe lo an ủi đồng bạn và giải tội cho những ai cần. Sáng hôm sau khi điểm danh, tên cai ngục đã báo tin người ta đã không tìm lại được kẻ đào thoát. Cả trại 14 đứng im như trời trồng và hồi hộp chờ án lệnh. Viên cai ngục dừng lại trước hàng những tù nhân và tuyên bố: “Mười đứa trong tụi bay sẽ chết thay nó. Lần sau sẽ là 20 đứa”. Tuyên bố xong hắn ta chậm rãi đi ngang qua hàng đầu, có vẻ suy nghĩ, rồi nói : “Tên này... tên này... tên này. Tất cả 10 người. 10 người bị tử hình”. Lúc đó một trong số những người ấy kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!”. Những người còn đứng trong hàng ngũ thở ra nhẹ nhõm.

       Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra: Có một người tù không thuộc nhóm những người bị chỉ định, mạnh dạn bước ra khỏi đám người đang xếp hàng im lặng trong sợ hãi, nhìn thẳng vào người cai ngục. Tên này kinh ngạc lùi lại một chút rồi hô to: “Đứng lại!”

       Cha Maximilien Kolbe dừng lại trước mặt y. Thế rồi một cuộc đối thoại chưa từng nghe đã diễn ra. Một cuộc đối thoại điên khùng mà những người sống sót đã kể lại thật chính xác:

- Xin ông cho phép tôi được chết thay cho một trong những người bị lên án này!

Viên cai tù kinh ngạc nhìn cha.

- Anh là ai  ?

- Là một linh mục công giáo.

- Anh muốn chết thế cho ai ?

- Người này. Cha Kolbe chỉ vào người vừa mới la khóc.

- Tại sao ?

- Bởi vì đời tôi không còn giúp ích gì mấy. Trong khi ông này còn có gia đình.

Viên cai trại suy nghĩ, rồi đưa tay ra hiệu đồng ý. Cha Kolbe nhập bọn với đám tử tội.

Một phút im lặng. Không ai hiểu rõ sự việc vừa xảy ra.

Các tù nhân bị lột hết quần áo, nhốt vào một căn hầm. Kể từ giây phút đó, người tù không còn gì để ăn và điều kinh khủng là không có gì để uống gì nữa.

Trước kia căn nhà hầm này luôn vang lên những tiếng kêu la thảm thiết. Thật là một địa ngục nhỏ. Nhưng lần này có cái gì đã thay đổi. Mấy người lính Đức quốc xã rất đỗi ngạc nhiên. Đám tử tù cầu nguyện và ca hát. Vẫn có tiếng rên rỉ, nhưng không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng nữa.

Ngày thứ 12, tức ngày 14-08-1941 cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân mình tàn rũ. Cha ngồi giữa đất, đầu tựa vào tường, thân mình ngay thẳng và khuôn mặt rạng rỡ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đem đi. Như bao nhiêu người khác, xác cha bị hoả thiêu trong lò và nắm tro tàn bị ném tung trong gió bốn phương.

       Trong Bài giảng của mình ở lễ tuyên phong chân phước cho vị tử đạo Balan thời Thế Chiến Thứ II năm 1941 này, người ta thấy có sự hiện diện của cụ Giasowniczek, người mà trước kia cha Maximilien Kolbe đã chết thay cho, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói:

       “Lịch sử sẽ không thể quên được trang sử ghê tởm này (của thời Đức quốc xã) nhưng giữa sự kinh hãi, người ta vẫn không thể không nhận ra những tia sáng tố giác bóng tối và đồng thời lướt thắng bóng tối. Một trong những tia sáng ấy, và có lẽ là tia sáng rực rỡ hơn hết, được ban cho chúng ta trong khuôn mặt tiều tụy và bình thản của cha M. Kolbe, vị anh hùng luôn bám chắc vào một niềm hy vọng nghịch lý nhưng có suy nghĩ. Tên tuổi Ngài mãi mãi lớn lao và sẽ nhắc nhở cho ta thấy rằng giữa những con người khốn khổ, vẫn có thể tồn tại những năng lực và giá trị luân lý phong phú biết bao !”

       Về phần mình, Đức Hồng Y Karol Wojtyla, người đồng hương Balan với vị chân phước tử đạo 1941 này, vị hồng y vào ngày 16/10/1978, đã trở thành Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, tại phòng họp báo toà thánh Vatican ngày 14-10-1971, đã bày tỏ cảm nhận của ngài như sau:

       “Chân phước Maximilien Kolbe không biết hận thù là gì. Trong nhà tù Pawiak, ở Vacsava, trong trại tập trung Auschwitz Ngài nhìn người hành hình cũng như kẻ bị hành hình cùng với một cái nhìn trong sáng, đến nỗi những kẻ tàn bạo nhất phải quay mặt đi: “Đừng nhìn bọn tao như thế”. Con người mang bản số 16670 ấy đã dành được một cuộc chiến thắng khó khăn nhất: ấy là cuộc chiến của tình yêu biết xá tội, biết thứ tha. Ngài đã đi vào trong cái vòng luẩn quẩn hiểm ác của hận thù với một cõi lòng nóng bỏng tình yêu và lập tức cái 'ngón trù ếm' quỉ quái của nó bị giải độc. Tình yêu đã mạnh hơn sự chết".

 

(Tiểu sử trên đây của Thánh Maximilian Maria Kolbe được TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, nghiên cứu và tổng hợp, bao gồm cả phần tử đạo từ website của TGP Sài Gòn)

 

Hãy đem nhiệt tâm tông đồ giúp các linh hồn được cứu độ và được thánh hoá

Kinh Sách Phụng Vụ Giờ Kinh ngày 14/8 - Bài đọc 2

 

Trích thư của thánh Mắc-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo.

 

Anh thân mến, tôi rất vui mừng vì thấy anh hăng hái nhiệt thành làm vinh danh Thiên Chúa. Ở thời đại chúng ta, không phải là không đáng buồn khi thấy chủ trương lãnh đạm - như người ta gọi - đang lan tràn dưới nhiều hình thức khác nhau. Chủ trương ấy giống như một cơn dịch lây lan không chỉ nơi giáo dân, mà cả trong các cộng đoàn tu trì nữa. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa đáng được vinh quang vô tận, nên bổn phận trước hết và trên hết của chúng ta là đem trọn khả năng yếu kém của mình mà dâng lên Người vinh quang cao cả nhất, cho dù chúng ta không bao giờ có thể dâng cho Người như Người đáng được, vì chúng ta chỉ là những thụ tạo tha hương yếu hèn.

Nhưng vinh quang Thiên Chúa được rạng ngời đặc biệt nơi ơn cứu độ các linh hồn, các linh hồn đã được Đức Ki-tô đổ máu mình ra mà cứu chuộc, nên lòng nhiệt thành hoạt động tông đồ, trước hết và trên hết, chính là làm sao cho thật nhiều linh hồn được cứu độ và được thánh hoá hơn nữa. Nhưng đâu là con đường thích hợp nhất để đạt tới mục đích này, tức là để Thiên Chúa được tôn vinh và nhiều linh hồn được thánh hoá ? Tôi xin nói ít lời như sau : Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan thượng trí, Người biết rõ chúng ta phải làm gì để Người được thêm vinh quang, nên đã bày tỏ ý muốn của Người cho chúng ta, nhất là qua những vị đại diện của Người trên trần gian.

Vì vậy, chính sự vâng phục, và chỉ có sự vâng phục mà thôi, mới cho ta biết chắc ý muốn của Thiên Chúa. Thật ra bề trên cũng có thể lầm lẫn, nhưng không thể có chuyện chúng ta sống theo đức vâng phục mà lại vấp phải sai lầm. Một ngoại lệ duy nhất : chúng ta không phải vâng phục khi bề trên truyền làm một điều rõ ràng vi phạm luật Chúa, dầu là một vi phạm rất nhỏ, vì lúc đó, bề trên không còn là người chuyển đạt ý Chúa một cách trung thực nữa.

Thiên Chúa, và chỉ một mình Người, là Đấng vô biên, thượng trí và chí thánh, chí nhân. Chỉ một mình Người là Chúa, là Đấng tạo dựng và là Cha chúng ta, là khởi nguyên và cùng đích, là Đấng khôn ngoan, quyền năng và là tình yêu. Thiên Chúa là tất cả. Những sự vật ở ngoài Thiên Chúa càng được quy chiếu về Người thì càng thêm giá trị. Người là Đấng tạo dựng muôn loài, là Đấng cứu chuộc nhân loại và là cùng đích của toàn thể tạo thành. Vì thế, chính Người bày tỏ cho chúng ta ý muốn đáng tôn thờ qua những vị đại diện của Người trên trần gian. Người lôi kéo chúng ta đến với Người, để qua chúng ta mà lôi kéo những tâm hồn khác và liên kết họ với Người trong một tình yêu trọn vẹn hơn.

Anh thân mến, hãy coi địa vị của chúng ta cao trọng chừng nào nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ vâng phục, có thể nói là chúng ta vượt qua được những giới hạn hẹp hòi của chúng ta mà sống phù hợp với ý Thiên Chúa, Đấng đang dùng sự khôn ngoan thượng trí vô biên để hướng dẫn chúng ta hành động cho đúng. Hơn nữa, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn mọi sự khi gắn bó với ý Thiên Chúa, ý muốn mà không thụ tạo nào có thể cưỡng lại được. Đây là nẻo đường sáng suốt khôn ngoan, là con đường duy nhất giúp chúng ta có thể tôn vinh Thiên Chúa hơn cả.

Nếu có con đường nào khác thích hợp hơn thì chắc chắn Đức Ki-tô đã dùng lời nói và gương sáng của Người mà chỉ vẽ cho chúng ta rồi. Nhưng Kinh Thánh đã tóm lược thời gian dài Người sống ở Na-da-rét trong những lời này : Người hằng vâng phục các ngài. Rồi có thể nói Kinh Thánh đã lấy đức vâng phục làm đường nét chính để phác hoạ quãng đời còn lại của Người : rải rác nhiều nơi, Kinh Thánh cho thấy Người xuống thế gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha.

Vì vậy, thưa anh em, chúng ta hãy yêu mến, hãy hết lòng yêu mến Cha trên trời là Đấng rất mực yêu thương. Ước chi dấu chứng của lòng yêu mến tận tình này sẽ là đức vâng phục. Chừng nào chúng ta phải hy sinh ý riêng, chừng đó lòng yêu mến được thể hiện rõ ràng hơn cả. Thật thế, chúng ta biết rằng để giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa mỗi ngày mỗi hơn, không có cuốn sách nào thế giá bằng chính Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh.

Tất cả những điều đó, chúng ta sẽ xin được dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Thiên Chúa đã muốn uỷ thác việc ban phát lòng thương xót của Người cho Đức Ma-ri-a. Điều hiển nhiên là Đức Ma-ri-a chỉ muốn cho chúng ta những gì chính Thiên Chúa muốn. Khi chúng ta hiến mình cho Mẹ, thì trong tay Mẹ, chúng ta sẽ trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để thi thố lòng thương xót của Người, như chính Mẹ là khí cụ trong tay Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy để Mẹ hướng dẫn, hãy đưa tay cho Mẹ dắt dìu, hãy sống yên hàn dưới sự dẫn dắt của Mẹ ; chính Mẹ sẽ chăm sóc và tiên liệu mọi sự cho chúng ta, sẽ mau mắn cứu giúp, đáp ứng những nhu cầu hồn xác, đẩy lui những khó khăn phiền toái cho chúng ta.



Thứ Ba

Ngày 15 tháng 8

Parent Volunteers Required at Our Lady of the Assumption Parish ...

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

lễ trọng

Tiểu sử 
“Kết thúc cuộc đời dương thế, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác.” Với những lời đó, năm 1950, đức giáo hoàng Pi-ô XII đã xác định tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời. Đặc ân này xuất phát từ ơn được làm Đức Mẹ Chúa Trời và là hy vọng chắc chắn cho toàn thể nhân loại, là lời hứa cho toàn thể nhân loại sẽ được phục sinh.

Ôi Trinh Nữ, khoác ánh hồng rực sáng,
Mười hai sao là mũ ngọc tinh tuyền,
Mảnh trăng ngà làm bệ đặt gót sen,
Rực rỡ quá, vinh quang Ngài chói lọi !

Ngài chiến thắng tử thần và tội lỗi,
Lên ngự ngai vàng cạnh Đức Ki-tô,
Làm trạng sư cho chúng tử cậy nhờ,
Trời cùng đất tung hô : tâu Bà Chúa !

Xin bênh vực những thiện nam tín nữ,
Và dẫn đưa bầy chiên lạc trở về,
Cả loài người, nguyên tội đã phân ly,
Xin quy tụ tất cả thành một mối.

Ơn tha tội đổ xuống lòng sám hối,
Đỡ nâng người đang nghèo khổ ốm đau,
Lẽ cậy trông, xin bừng sáng lên nào,
Cho con cái vững tin ơn cứu độ.

Lời vinh tụng dâng Ba Ngôi Thiên Chúa
Đã tặng Ngài một vương miện cao sang,
Lại tôn phong lên tước vị Nữ Hoàng,
Và Thân Mẫu muôn người muôn thế hệ.

 

 

Thân xác Mẹ thánh thiện và thật vinh hiển

Bài đọc 2 phụng vụ giờ kinh sách

Trích tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng của đức giáo hoàng Pi-ô XII.

Khi giảng dạy hay diễn thuyết cho dân ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa Hồn Xác Lên Trời, các thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ vẫn nói về sự kiện Đức Ma-ri-a được đưa lên trời như một chân lý đã được các Ki-tô hữu hiểu biết và tin nhận. Các ngài đã giải thích rõ hơn về sự kiện đó, dựa vào những lý lẽ sâu sắc hơn để trình bày ý nghĩa và bản chất của sự kiện, nhất là cho mọi người thấy rõ hơn rằng : lễ này không phải chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Mẹ.

Thánh Gio-an Đa-mát là vị giảng thuyết trổi vượt về chân lý vẫn được lưu truyền này. Khi so sánh hồng ân Mẹ Thiên Chúa được đưa về trời cả thân xác với các ân huệ và đặc ân khác Mẹ đã nhận được, thánh nhân đã nói rất hùng hồn như sau : “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và phải được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người.”

Còn theo thánh Giê-ma-nô Con-tan-ti-nô, nếu thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa : “Theo Kinh Thánh, Mẹ kiều diễm ; thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết và đích thực là nơi Thiên Chúa ngự. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể tan thành bụi đất. Nhưng, vì là thân xác con người, nên phải được biến đổi mới có thể đạt tới cuộc sống tuyệt vời bất hoại. Tuy nhiên, vẫn chính thân xác ấy nay sống động, vinh hiển rạng ngời, toàn vẹn và được thông chia sự sống hoàn hảo.”

Một tác giả cổ thời quả quyết : “Vì Đức Ma-ri-a là Mẹ hiển vinh của Đức Ki-tô, mà Đức Ki-tô chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh bất tử, nên Mẹ phải được Đức Ki-tô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống thân xác Người, nghĩa là không bao giờ bị hư hoại. Chính Người là Đấng đã cho Mẹ được trỗi dậy, ra khỏi mồ và là Đấng đã đưa Mẹ lên với Người, bằng cách nào thì chỉ một mình Người biết.”

Tất cả những lập luận suy tư của các thánh giáo phụ đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng cuối cùng, mà Kinh Thánh lại trình bày rõ ràng như đặt ngay trước mắt chúng ta một Đấng Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa. Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người Con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Người Con ấy.

Nhất là phải nhớ rằng : ngay từ thế kỷ II, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được các thánh giáo phụ trình bày như E-và mới, mặc dầu lệ thuộc A-đam mới, nhưng lại liên kết hết sức chặt chẽ với A-đam mới trong cuộc chiến chống lại địch thù từ hoả ngục xông lên. Cuộc chiến ấy, như “tiền phúc âm” đã tiên báo, sẽ dẫn đến chiến thắng trọn vẹn trên tội lỗi và tử thần. Trong các tác phẩm của vị Tông Đồ dân ngoại, tội lỗi và tử thần luôn đi đôi với nhau. Vì thế, cuộc trỗi dậy vinh hiển của Đức Ki-tô là phần cốt yếu và chiến lợi phẩm sau cùng trong chiến thắng đó thế nào, thì cuộc chiến mà Đức Trinh Nữ cùng tham gia với Con mình cũng phải kết thúc bằng việc tôn vinh thân xác đồng trinh của Mẹ như thế. Thánh Tông Đồ cũng nói : Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Tử thần đã bị chôn vùi trong chiến thắng.

Thế nên, ngay từ thuở đời đời, do cùng một quyết định tiền định duy nhất, Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời đã được kết hợp một cách huyền nhiệm với Đức Giê-su Ki-tô, được ơn vô nhiễm khi thành thai, được ơn đồng trinh vẹn tuyền khi làm Mẹ Thiên Chúa, được hết lòng cộng tác với Chúa Cứu Chuộc, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi, thì cuối cùng Mẹ cũng được chiến thắng tội lỗi và tử thần. Chiến thắng này là phần thưởng rất cao quý giữa những đặc ân Mẹ đã được. Nhờ đó, Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng tử thần và cả hồn lẫn xác được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là hoàng hậu sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời.

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

"Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: "Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng (c. 10b).

Xướng: 1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. - Ðáp.

2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. - Ðáp.

3) Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. - Ðáp.

4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

"Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 39-56

"Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".

Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.

Ðó là lời Chúa.

 

Our Lady of the Assumption | Our Lady of the Assumption Cath… | Flickr

 

Suy Niệm

Đặc Ân Mông Triệu: Niềm Tin và Tín Điều

Là Kitô hữu Công Giáo, nhờ được học hỏi hay tự nghiên cứu, nhất là về Thánh Mẫu Học, ai cũng biết rằng Mẹ Maria đã có 4 tín điều được Giáo Hội đã tuyên tín, trong giòng lịch sử của mình, theo thứ tự thời gian, đó là:

1- Tín điều Thánh Mẫu Maria là Mẹ của Thiên Chúa, được tuyên tín bởi Công Đồng Chung Epheso năm 431;

2- Tín điều Thánh Mẫu Maria trọn đời trinh nguyên, cả trước, trong và sau khi sinh Con, được tuyên tín bởi Công Đồng Latêrano năm 649;

3- Tín điều Thánh Mẫu Maria vô nhiễm nguyên tội, ngay từ giây phút đầu tiên được hoài thai trong lòng thai mẫu, do Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX công bố ngày 8/12/1854;

4- Tín điều Thánh Mẫu Maria mông triệu về trời, cả thân xác lẫn linh hồn, sau cuộc đời trần gian này của Mẹ, do Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngày 1/11/1950.

Sở dĩ 4 đặc ân trở thành 4 tín điều Thánh Mẫu là vì cả 4 đặc ân và từng đặc ân trực tiếp liên quan đến Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, cũng như đến chính Ơn Cứu Chuộc của Người. Trong Tông Hiến Thiên Chúa Hào Phóng - Munificentissimus Deus để tuyên bố tín điều thứ 4 này, Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã khẳng định niềm tin bất khả sai lầm này như sau:

"Người Mẹ Thiên Chúa trọng kính này, từ đời đời, đã kín ẩn liên kết với Chúa Giêsu Kitô, trong cùng một mức độ tiền định, mà tình trạng vô nhiễm lúc Mẹ được hoài thai, tình trạng đồng trinh tuyệt hảo nơi vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ, việc liên kết cao quí với Đấng Cứu Chuộc thần linh, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi cùng với những hậu quả của tội lỗi, cuối cùng cũng đã đạt được, như tột đỉnh về các đặc ân của Mẹ, do đó Mẹ cần phải được gìn giữ cho khỏi tình trạng bị băng hoại trong mồ mả, và, như Người Con của mình, Đấng đã chiến thắng sự chết, Mẹ cần phải được đưa cả xác lẫn hồn vào vinh quang thiên quốc, nơi, với vai trò làm Nữ Vương, Mẹ ngự trị trong vinh quang bên hữu Con Mẹ, Đức Vua bất tử của các Thế Hệ" (khoản 48).

Theo lập luận tự nhiên, chúng ta cũng thấy rất hợp tình hợp lý nơi 4 Đặc Ân Thánh Mẫu đã trở thành 4 Tín Điều Thánh Mẫu này: Vì Thánh Mẫu Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, mà Mẹ, về phần hồn, không thể nào lại bị nhiễm lây nguyên tội, một tình trạng bị ma quỉ thống trị, và về phần xác, không thể nào thụ thai và hạ sinh Vị Thiên Chúa Nhập Thể này như một con người thuần túy, hoàn toàn theo huyết nhục và tình dục tự nhiên (xem Gioan 1:13), mà phải "bởi quyền phép Thánh Linh" (Mathêu 1:20; Luca 1:35), và cuối cùng, chính vì linh hồn của Mẹ vô nhiễm, và thân xác của Mẹ trọn đời trinh nguyên như thế, mà chung nhân tính của Mẹ không thể nào bị tử thần phân rẽ bằng cái chết, và riêng thân xác của Mẹ không thể nào bị băng hoại như một tội nhân. Trong cùng một Tông Hiến tuyên bố Tín Điều Mông Triệu của mình, Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã minh định theo chiều hướng này:

"Chúa Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng chính cái chết của Người, và ai được tái sinh một cách siêu nhiên nhờ Phép Rửa, cũng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết bởi Đức Kitô ấy. Tuy nhiên, theo luật chung, Thiên Chúa không muốn ban cho kẻ công chính trọn vẹn hiệu quả của cuộc chiến thắng chết chóc này, cho đến ngày cùng tháng tận. Đó là lý do thân xác của ngay cả kẻ công chính cũng bị hư nát sau khi chết, và chỉ vào ngày tận thế thân xác ấy mới được liên kết với linh hồn hiển vinh của nó (khoản 4). Vậy Thiên Chúa miễn trừ qui luật chung này cho Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ đặc ân hoàn toàn chuyên biệt, đặc ân Hoài Thai Vô Nhiễm của Mẹ đã chiến thắng tội lỗi, do đó mà Mẹ không bị chi phối bởi luật về tình trạng băng hoại trong mồ mả, và Mẹ không cần phải đợi cho đến tận thế cho việc cứu chuộc thân xác của Mẹ (khoản 5)".

Niềm tin về đặc ân Mẹ Maria được mông triệu về trời cả thân xác lẫn linh hồn này đã có từ lâu trong Giáo Hội, đến độ đã trở thành một phong trào thỉnh nguyện thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố thành tín điều. Như chính Đức Thánh Cha Piô XII đã xác nhận: "Tất cả mọi thỉnh nguyện về đặc ân Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria về trời, đã được gửi về Tòa Thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Piô IX... cho tới ngày nay" (Cùng Tông Hiến khoản 10). Để rồi, sau khi đã "thu thập lại với nhau và cẩn thận cứu xét" (cùng nguồn vừa trích), Đức Thánh Cha Piô XII đã đi đến thẩm định quan trọng đưa đến việc ngài công bố Tín Điều Mông Triệu này, như sau:

"Tất cả những chứng cứ này, cùng với những cứu xét của các thánh Giáo Phụ và các thần học gia, đều được căn cứ vào các Sách Thánh như là nền tảng tối hậu của các vị. Những chứng cứ cùng với những cứu xét ấy, đã cho thấy rằng, Người Mẹ yêu dấu của Thiên Chúa, ở ngay trước mắt của chúng ta, thực sự đã hết sức mật thiết liên hợp với Người Con thần linh của Mẹ, và luôn chia sẻ với số phận của Người. Bởi thế, không thể nào nghĩ về Mẹ, Vị đã thụ thai Chúa Kitô, đã hạ sinh Người, đã nuôi dưỡng Người bằng sữa của mình, và đã ôm ấp Người nơi ngực của mình, lại tách rời khỏi Người nơi thân xác, cho dù không ở nơi linh hồn, sau cuộc đời trần thế này. Vì Đấng Cứu Thế là Con của Mẹ Maria, Người không thể nào làm khác đi được, với tư cách là một vị tuân thủ trọn hảo nhất lề luật của Thiên Chúa, ngoài việc tỏ lòng tôn kính, chẳng những với Ngôi Cha hằng hữu của Người, mà còn với cả Người Mẹ rất yêu dấu của Người nữa. Vì Người có quyền năng ban cho Mẹ đại vinh dự này, trong việc gìn giữ Mẹ khỏi tình trạng bị hư hoại trong mồ, mà chúng ta cần phải tin rằng Người thực sự đã làm như thế" (khoản 38).

Đó là lý do, vào Lễ Trọng Các Thánh 1/11/1950, thời điểm được thẩm quyền của Giáo Hội công bố Tín Điều Mông Triệu, loài người mới trải qua Thế Chiến Thứ II (1939-1945), nhưng nạn cộng sản vô thần vẫn còn tiếp tục gieo rắc lầm lạc và bách hại Giáo Hội, như Mẹ Maria đã tiên báo trong Bí Mật Fatima phần thứ 2 ngày 13/7/1917, đến độ chính vị Giáo Hoàng Piô XII này, vị được tấn phong giám mục vào chính ngày giờ Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên 13/5/1917, vị cảm thấy mình có một thiên duyên đặc biệt với Thánh Mẫu Fatima, đã quan tâm cứu xét và đáp lại bức thư của Nữ Tu Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải 1917 còn sống sót, đệ trình ngài ngày 24/10/1940, và ngài đã hiến dâng toàn thể loài người lần đầu tiên cho Mẹ Maria ngày 31/10/1942, mừng kỷ niệm 25 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima. Ngài hy vọng Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu sẽ mang lại ích lợi cho xã hội loài người, như ngài đã bày tỏ như sau:

"Chúng tôi, người đã đặt giáo triều của mình dưới sự bảo hộ đặc biệt của Đức Trinh Nữ rất thánh, Đấng chúng tôi đã rất thường chạy đến trong những lúc trầm trọng rắc rối, chúng tôi cũng là người đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, bằng những nghi thức công khai, và chúng tôi đã nhiều lần cảm thấy việc chở che bênh đỡ quyền năng của Mẹ, tin tưởng rằng việc long trọng công bố và định tín về đặc ân Mông Triệu này, sẽ góp phần không nhỏ vào việc thăng tiến xã hội loài người, vì việc công bố và định tín này góp phần vào vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, một vinh quang mà Người Mẹ Thánh của Thiên Chúa cũng được tham hưởng, nhờ những mối liên hệ đặc thù" (cùng Tông Hiến khoản 42).

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng công bố Tín Điều Mông Triệu của Mẹ Maria bằng những lời lẽ chính thức như thế này: 

"Vì thế, sau khi chúng tôi đã trào dâng lên những lời nguyện cầu thỉnh xin nhiều lần cùng Thiên Chúa, và đã kêu van ánh sáng của Thần Chân Lý, vậy vì vinh quang của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã tỏ ra đặc biệt ưu ái Trinh Nữ Maria, vì vinh quang Con của Mẹ, Đức Vua bất tử qua Muôn Thế Hệ, và là Đấng Chiến Thắng tội lỗi và sự chết, để tăng thêm vinh hiển của cùng Người Mẹ uy nghi cao cả này, cũng như để cho toàn thể Giáo Hội được hân hoan hớn hở; bằng thẩm quyền của Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, của Các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, cũng như bằng thẩm quyền của mình, chúng tôi xin thông báo, tuyên bố và minh định là một tín điều được mạc khải thần linh, đó là Người Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria trọn đời, khi đã hoàn tất hành trình trần thế của mình, đã được đưa cả thân xác và linh hồn vào vinh quang thiên quốc" (Cùng Tông Hiến khoản 44).

 

Đặc Ân Mông Triệu: Ý Nghĩa và Giá Trị

Tóm lại, căn cứ vào chính văn kiện Tông Hiến về Tín Điều Thánh Mẫu Mông Triệu này, thì đặc ân Mông Triệu của Mẹ Maria nói riêng, cũng như các đặc ân khác của Mẹ nói chung, là nhờ mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly giữa Mẹ và Chúa Kitô Con Mẹ. Không phải chỉ ở nơi dự án thần linh của Thiên Chúa, mà còn ở nơi chính bản thân của Mẹ nữa. Thật vậy, chỉ vì Mẹ "đầy ơn  phúc" mà Mẹ được các đặc ân đã trở thành Tín Điều Thánh Mẫu trên đây.

Không phải hay sao, nếu Mẹ "đầy ơn phúc", trước hết và trên hết, là vì Mẹ được "Thiên Chúa ở cùng" (Luca 1:28), được Thiên Chúa ưu ái trên hết mọi tạo vật của Ngài; thế nhưng, ngược lại, về phần mình, chính Mẹ cũng cần phải ở lại với Thiên Chúa, bằng đức tin có phúc của Mẹ (xem Luca 1:45), đức tin tuân phục của Mẹ, như một tỳ nữ xin vâng (xem Luca 1:38), nhờ đó Mẹ "được ơn nghĩa với Chúa" (Luca 1:30), đẹp lòng Chúa, từ lúc Mẹ vừa hoài thai trong lòng thai mẫu, cho đến khi Mẹ ra khỏi trần gian Mông Triệu về Trời!

Chính đặc ân Mông Triệu này, một đặc ân liên quan đến lúc kết thúc cuộc đời trần gian này của Mẹ Maria, đã cho thấy tột đỉnh "đầy ơn phúc" của Mẹ (Luca 1:28), một mức độ đã được bắt đầu từ khi Mẹ hoài thai trong lòng thai mẫu, và là một mức độ được gia tăng từng giây từng phút không ngừng nghỉ, chứ không phải đã "đầy" rồi thì không thể "đầy" hơn được nữa. Đúng thế, không phải như một cái ly, cái chậu, cái bình, cái chum, thùng phi, hay một thứ chứa đựng nào đó to hơn, đã "đầy" thì không thể tăng thêm, trừ khi thay đổi cái chứa đựng to lớn hơn.

Nơi Mẹ Maria thì không phải vậy, hoàn toàn không phải. Ở chỗ, tình trạng "đầy ơn phúc" nơi Mẹ, từ lúc Mẹ hoài thai, càng ngày càng đầy thêm, càng tăng thêm, như chính "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) "ở cùng Mẹ" (Luca 1:28), càng ngày càng rạng ngời hơn trong Mẹ và qua Mẹ, đến độ, Mẹ nhờ đó đã như Sách Khải Huyền ở Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy "mặc mặt trời" (Khải Huyền 12:1), và trở nên "rực rỡ như mặt trời" (Diễm Tình Ca 6:10). Chính ánh sáng mặt trời đã làm cho Mẹ trở thành tinh khiết hơn pha lê, Mẹ mới chói lọi như mặt trời.

Về phần mình, Mẹ "đầy ơn phúc" còn ở chỗ "vì đã tin" nữa (Luca 1:45), con người của Mẹ như quả bong bóng, càng ngày càng căng phồng, nhờ hơi thổi thần linh, ở chỗ, mỗi tác động thần linh của Thiên Chúa nơi Mẹ đều được Mẹ đáp ứng một cách tương xứng, như quả bong bóng dãn nở theo hơi thổi thần linh. Do đó, cho đến khi quả bong bóng nhân tính "đầy ơn phúc" của Mẹ Maria đã căng hết cỡ chịu đựng theo bản chất hạn hẹp nhân tính này, thì Thiên Chúa thả bàn tay chiếm đoạt của Ngài ra, cho Bóng Bay Maria "đầy ơn phúc", nhờ hơi thổi thần linh, đã căng phồng từ trần gian lên tới tận sát giới tuyến thần tính của Thiên Chúa, bay thẳng về trời!

Mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ có thể nói là bao trùm cả trời đất, ngoại trừ chính Thiên Chúa. Bởi thế mới nói mức độ này đạt tới giới tuyến thần tính của Thiên Chúa. Chính vì mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ bao trùm chẳng những cả trái đất này mà, trong Chúa Kitô Con Mẹ, Mẹ đã trở nên Mẹ của nhân loại và Mẹ của Giáo Hội, mà còn cả các tầng trời mà Mẹ đã trở thành Nữ Vương Các Thiên Thần. Chính ĐTC Piô XII, vị đã tuyên tín Mẹ Mông Triệu cả xác lẫn hồn về trời ngày 1/11/1950, cũng là vị giáo hoàng, 4 năm sau, vào năm 1954, đã thiết lập Lễ Mẹ Nữ Vương, kính ngày 31/5, cuối Tháng Hoa Mẹ hằng năm bấy giờ, ngày nay, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, đã chuyển sang ngày 22/8, sau Lễ Mẹ Mông Triệu 1 tuần.

Về phần Thiên Chúa, qua biến cố Ngài đưa cả thân xác trinh nguyên và linh hồn vô nhiễm của Mẹ về trời chứng tỏ Ngài đã công nhận mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ và nơi Mẹ đã đạt tới tận giới tuyến thần tính của Ngài. Thật thế, nếu Thiên Chúa là CÓ (xem Xuất Hành 3:14), thì nơi biến cố nhập thể trong cung dạ trinh nguyện của Mẹ, đã trở thành KHÔNG (xem Philiphe 2:6) thế nào, thì nơi biến cố Mông Triệu của Mẹ, Mẹ từ Không đã trở thành Có như vậy, như Mẹ đã từng là nữ tỳ xin vâng (xem Luca 1:38) trở thành Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ Maria Mông Triệu, Thiên Chúa như muốn tuyên bố rằng: Ta là CÓ chẳng những nơi chính bản thân mình, mà còn, qua Maria, CÓ trong tất cả mọi tạo vật hữu hình và vô hình Ta đã tạo dựng nên nữa; và "tất cả mọi tạo vật đang ngong ngóng mong chờ tình trạng tỏ hiện của con cái Thiên Chúa" (Roma 8:19) đã hiện thực ở nơi Maria Mông Triệu! Bởi thế, Maria chính là niềm hân hoan vinh dự của tạo vật, và là niềm hy vọng cậy trông của loài người!

Our Lady of the Assumption Roman Catholic Church – Strafford ...

Chính vì thế mà Giáo Hội mới tiếp tục dâng lên Mẹ lời Kinh Lạy Nữ Vương, nhất là vào ban đêm, như vẫn được thực hiện ở các dòng tu, trước khi ngủ đêm, kết thúc một ngày sống, như thể, cùng với lời kinh và qua lời kinh này, cùng nhau hướng về quê trời vĩnh cửu, một Thực Tại Mẹ được cả hồn xác Mông Triệu đang được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần:

Salve, Regina, Mater misericordiae, vita, dulcedo, et spes nostra, salve. 
ad te clamamus exsules filii Evae, ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle.

Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte;
et Jesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende.
O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.”

                                                            Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

                                                              Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

                                                                        Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

                                                                 Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con.

                                                        Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Assumption of the Blessed Virgin Mary - Our Lady of the Mountain ...

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL




Thứ Ba

(Nếu năm nào ngày Thứ Ba này không bị lễ trọng Đức Mẹ Lên Trời át đi)
Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 31, 1-8

"Giosuê, anh hãy dũng mạnh và can đảm: anh sẽ đem dân vào Ðất Nước".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê đến nói với toàn dân Israel tất cả những lời này: "Tôi hôm nay đã một trăm hai mươi tuổi. Tôi không còn đi đứng được nữa, nhất là khi Chúa đã phán cùng tôi rằng: "Ngươi sẽ không qua sông Giođan này". Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi".

Ông Môsê gọi ông Giosuê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Israel rằng: "Hãy dũng mạnh và can đảm: vì anh sẽ đem dân này vào Ðất Nước Chúa đã thề hứa sẽ ban cho cha ông chúng; chính anh sẽ bắt thăm phân chia phần đất ấy. Chúa là Ðấng dẫn đàng cho anh, chính Người sẽ ở với anh. Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi anh. Anh đừng sợ và đừng kinh hãi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Ðnl 32, 3-4a. 7. 8. 9 và 12

Ðáp: Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa. Các ngươi hãy mang sự uy linh lại cho Chúa chúng ta. Các công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, và mọi đường lối của Người đều chính trực. - Ðáp.

2) Ngươi hãy nhớ lại những ngày xa xưa, hãy tưởng nghĩ lại mỗi thế hệ: Hãy hỏi cha ngươi, và người sẽ loan báo cho ngươi; hãy hỏi tổ phụ ngươi, và các ngài sẽ chỉ dạy ngươi. - Ðáp.

3) Khi Ðấng Tối Cao phân chia các dân tộc, khi Người tách biệt con cái của Ađam, Người đã thiết lập ranh giới của các nước, chiếu theo số con cái Israel. - Ðáp.

4) Nhưng Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình, chọn Giacóp làm dây đo cơ nghiệp của Người. Chỉ có một Chúa là Ðấng dẫn đưa nó, và chẳng có Chúa nào khác ở với nó. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.

"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 18, 1-5. 10. 12-14

Image result for Mt 18, 1-5. 10. 12-14

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Như Trẻ Nhỏ: vừa Thánh Nhân vừa Tội Nhân


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XIX hôm nay chất chứa câu trả lời của Chúa Giêsu được các môn đệ đặt ra về vấn đề "ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Câu trả lời của Người như thế này: "Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời'".

H
ành động "gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông" của Chúa Giêsu cho thấy Người rất quí yêu con trẻ, và con trẻ là mô phạm cho cả thành phần môn đệ của Người, thành phần chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng của Giáo Hội được Người thiết lập. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là mô phạm cho các vị về tinh thần mà thôi, chứ không phải về thể lý. Bởi thế, Người không bảo các vị rằng "nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ này...", mà là bảo các vị: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này...", nghĩa là việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" chính là việc "hạ mình xuống". 

Đúng thế, nếu 
"Nước Trời" đây là chính bản thân Người, mà Người đã "hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi v.v." (Philiphê 2:6), thì chỉ có "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này..." mới có thể nhận ra Người, chấp nhận Người và đáp ứng Người mà thôi, nghĩa là mới có thể "vào Nước Trời". Ý nghĩa sâu xa của cụm từ "vào Nước Trời" là như vậy, là đến được với Chúa Giêsu, bằng không, không thể nào, như trường hợp của thành phần luật sĩ và biệt phái vừa kiêu kỳ vừa giả hình không đơn sơ chân thật như trẻ nhỏ trong dân Do Thái, nên họ không thể nào nhận biết và chấp nhận Người, tức không được vào Nước Trời vậy. 

Ch
ưa hết, việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là "hạ mình xuống" này chẳng những giúp cho con người "vào Nước Trời" là nhận biết Chúa Kitô, mà còn trở thành "kẻ lớn nhất trong Nước Trời" nữa. Ở chỗ được Chúa Kitô yêu thích nhất, được hiệp nhất nên một với Người nhất, như một Con Trẻ Maria "đầy ân phúc" (Luca 1:28), vì Con Trẻ Maria này liên lỉ sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự - quả thực Con Trẻ Maria "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). 

Tuy nhi
ên, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dường như nói đến "trẻ nhỏ" ở hai ý nghĩa trái nghịch nhau. Ý nghĩa thứ nhất là tính cách bé nhỏ "khiêm nhượng" của "trẻ nhỏ" để có thể chẳng những "vào Nước Trời" là gặp gỡ Chúa Kitô mà còn trở nên cao trọng nhất trong Nước Trời là được hiệp nhất nên một với Người. Ý nghĩa thứ hai về "trẻ nhỏ" đó là tính chất "dại dột" vụng về của chúng.

Phải chăng đó là lý do ở phần sau của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã cảnh giác các môn đệ là đừng khinh dể "trẻ nhỏ" ở tính chất dại khờ vụng dại của chúng: "
Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này"? Bởi vì, ngay sau đó Người nói đến tình trạng con chiên lạc: "Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao?"

S
ở dĩ các môn đệ không được khinh dể thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu này là vì 2 lý do: Lý do thứ nhất đó là "kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy", và lý do thứ hai đó là: "vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời".  

Thật vậy, trước nhan Thiên Chúa hằng được các thiên thần chiêm ngưỡng trên trời
, biết đâu những kẻ tầm thường trên thế gian này, thậm chí những con người tội lỗi đáng khinh bỉ lại được Thiên Chúa tuyển chọn để làm những việc cả thể cho Ngài, như đã từng xẩy ra trong giòng lịch sử loài người nói chung và Giáo Hội nói riêng. Biết đâu thành phần bé mọn yếu hèn này lại biết nhận lỗi và hối lỗi trước nhan Chúa, như người thu thuế trong đền thờ mà lại nên công chính hơn người Pharisiêu cũng cầu nguyện với người thu thuế này bấy giờ (xem Luca 18:13-14).

N
ếu thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu chẳng khác gì như "một con chiên lạc" (chứ không phải con dê), được Thiên Chúa chú ý và tìm kiếm cho đến cùng và cho bằng được như thế thì quả thực từng "con chiên lạc" là những gì rất quí báu trước nhan Thiên Chúa, đến độ "kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy" - Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật, chúng ta không thể nào lại khinh thường những gì được Thiên Chúa yêu thương quí chuộng, nhất là thành phần tội nhân vô cùng đáng thương của Ngài. 

Theo chiều hướng của bài Phúc Âm hôm nay, đó là lý do muốn làm lớn thì hãy trở nên bé nhỏ, ở chỗ biết mình và tin tưởng vào Thiên Chúa toàn năng và vô cùng khôn ngoan quan phòng thần linh cho lợi ích của con người, nhờ đó Thiên Chúa mới có thể tỏ mình ta nơi họ và qua họ, nhà giải phóng Moisen, trong Sách Đệ Nhị Luật ở Bài Đọc 1 hôm nay mới khuyên bảo và trấn an chung dân Do Thái cũng như riêng Gioduệ là nhân vật trẻ trung sẽ thay ông dẫn dân Chúa vào chiếm Đất Hứa hãy tin tưởng vào Thiên Chúa của mình như sau:

"Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi".

Bài Đáp Ca hôm nay không được trích từ Thánh Vịnh mà là từ chính Sách Đệ Nhị Luật, đoạn 32, ngay sau đoạn 31 của cùng cuốn Sách Đệ Nhị Luật này ở Bài Đọc 1 hôm nay, như thể tiếp theo chiều hướng của Bài Đọc 1, đã nhắc nhở dân Chúa hãy nhận biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, Đấng họ cần tin tưởng vào danh thánh của Ngài, như sau:

1) Tôi sẽ kêu cầu thánh danh Chúa. Các ngươi hãy mang sự uy linh lại cho Chúa chúng ta. Các công trình của Thiên Chúa đều hoàn hảo, và mọi đường lối của Người đều chính trực.

2) Ngươi hãy nhớ lại những ngày xa xưa, hãy tưởng nghĩ lại mỗi thế hệ: Hãy hỏi cha ngươi, và người sẽ loan báo cho ngươi; hãy hỏi tổ phụ ngươi, và các ngài sẽ chỉ dạy ngươi.

3) Khi Ðấng Tối Cao phân chia các dân tộc, khi Người tách biệt con cái của Ađam, Người đã thiết lập ranh giới của các nước, chiếu theo số con cái Israel.

4) Nhưng Chúa lấy dân Người làm phần riêng mình, chọn Giacóp làm dây đo cơ nghiệp của Người. Chỉ có một Chúa là Ðấng dẫn đưa nó, và chẳng có Chúa nào khác ở với nó.




Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 34, 1-12

"Môsê qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng lên nữa".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: "Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: "Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi". Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó".

Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.

Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 5 và 8. 16-17

Ðáp: Chúc tụng Chúa là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống (c. 20a & 9a).

Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. - Ðáp.

2) Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca khen Người. - Ðáp.

3) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa.

 

Vatican News - Gospel of the Day (Matthew 18,15-20) Jesus... | Facebook

 


Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Quyền Bính Vô Ngộ - Chân Lý Yêu Thương



Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên, dường như có nội dung liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua. Ở chỗ, sau khi nói về thành phần "
trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu như "một 
con chiên lạc", Chúa Giêsu liền nói với các môn đệ về vấn đề sửa lỗi cho nhau khi có ai lầm lỡ vấp phạm:

"Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế".

Căn cứ vào lời truyền dạy này của Chúa Kitô, trước hết chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có phận sự phải sửa lỗi cho nhau, phải giúp nhau cải tiến hơn, giúp nhau nên hoàn thiện hơn, chứ không được khách quan đến 
dửng dưng, như thể tội ai người nấy chịu, không mắc mớ gì tới tôi, ai dại gì đụng vào nhau để họ ghét và chửi cho v.v. Nếu chúng ta có phận sự phải sửa bảo nhau, nhất là những ai có trách nhiệm phục vụ trong một đoàn thể, mà không dám lên tiếng thì chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa.

Sau nữa, về cách thức sửa lỗi cho nhau, cũng theo lời Chúa dạy, chúng ta cần phải đi từ từ, từ chỗ riêng tư, đến chỗ thêm nhân chứng, sau cùng mới tới chung cộng đồng, thậm chí cho dù bất thành chăng nữa cũng mặc kệ họ, đừng khinh thường họ, cố gắng tránh đừng động một cái là làm toáng lên, làm mất mặt nhau, khiến nạn nhân cảm thấy bị chạm tự ái, đến độ
 cho dù có lỗi thật đấy họ cũng trở nên bất cần và bất chấp. Như thế, thay vì chúng ta giúp nhau nên hoàn thiện hơn lại đẩy nhau vào chỗ tệ hại hơn, mất mục đích của chúng ta, hoàn toàn trái với ý muốn của Chúa.

Đường lối sửa lỗi này được Giáo Hội vẫn thường áp dụng, nhất là đối với các thần học gia chủ trương những điều về tín lý hay luân lý hoặc cả hai trái với giáo huấn của Chúa Kitô và 
huấn quyền truyền thống của Giáo Hội. Chẳng hạn bề trên hay giám mục địa phương của một thần học gia nào đó nói chuyện riêng với thần học gia ấy. Nếu không xong bề trên hay vị giám mục địa phương mời thêm các chuyên gia trong dòng hay trong giáo phận đến tham dự với thần học gia này để cùng nhau giải quyết vấn đề. Nếu vẫn bất thành thì vị bề trên hay giám mục địa phương sẽ trình sự vụ lên Tòa Thánh qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Sau cùng, nếu đương sự vẫn cương quyết không chấp nhận sửa sai thì buộc lòng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đành phải công khai thông báo về những sai lầm của thần học gia ấy, để bảo vệ đàn chiên của mình, trong đó có những biện pháp ngăn nga bao nhiêu có thể để tình trạng sai lầm không thể lan rộng và kéo dài hơn được nữa, như không cho vị thần học gia này giảng dạy v.v.

Dường như ở đây Chúa Giêsu áp dụng việc sửa bảo nhau này, hay trách nhiệm cần phải hoàn chỉnh nhau ấy, đặc biệt cho riêng các vị có 
thẩm quyền trong Giáo Hội. Bởi vì, sau đó Người còn nói thêm như thế này với các tông đồ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

Ở đây, qua câu này, 
Chúa Giêsu như muốn bổ túc thêm về quyền bính trong Giáo Hội, một quyền bính tối thượng đã được Người trước hết trao cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 16:19): "Những gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, sự gì con tháo cởi dưới đất trên trời cũng tháo cởi", và giờ đây Người trao cho chung tông đồ đoàn, trong đó có cả Tông Đồ Phêrô, một cơ cấu được gọi là hàng giáo phẩm của Giáo Hội hoàn vũ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

S
ở dĩ quyền bính tối thượng này được Chúa Giêsu trao cho riêng Tông Đồ Phêrô cũng như cho chung Tông Đồ Đoàn ấy trong việc phục vụ Giáo Hội của Người trên trần gian có tính cách như thể "bất khả sai lầm" như vậyđến độ dưới đât phán quyết thế nào thì trên trời cũng chấp nhận y như vậy, là vì Người vẫn tiếp tục ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nơi tinh thần hiệp nhất nguyện cầu của các vị, như Người đã khẳng định ở câu kết bài Phúc Âm hôm nay: 

 

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".


Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã trao cho tông đồ đoàn quyền bính thay Người để quản trị Hội Thánh của Người sau này thế nào, thì trong Sách Đệ Nhị Luật ở Bài Đọc 1 hôm nay, nhân vật Moisen cũng là được Thiên Chúa sử dụng để giải phóng dân của Ngài khỏi Ai Cập, đã luôn ở với ông và qua ông điều khiển dân Chúa, cho đến khi ông qua đi như vậy:

 

"Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: 'Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: 'Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi'.... Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel".

 

Bởi thế, thành phần được Thiên Chúa chọn gọi và sử dụng để làm việc của Ngài, để Ngài có thể tỏ mình ra nơi họ và qua họ, những việc được gọi là "sự nghiệp" của Ngài, cần phải có được tâm tình của Thánh Vịnh 65 ở bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.

2) Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca khen Người.

3) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Người.

 

Thánh Stêphanô Vua Nước Hung Gia Lợi (16/8)

Stephano-Hungary-628x1097

Đọc hạnh các thánh, con người sẽ không ngớt đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Mỗi vị thánh là một viên gạch, mỗi vị thánh mang một nét đặc thù riêng biệt, tất cả họ đều có một mẫu số chung là: ” …mặc lấy Chúa Giêsu “ ( Rm 13, 14) và sống như  Ngài. Việc lạ lùng nơi các thánh là các Ngài thuộc mọi lớp, mọi chủng tộc, mọi màu da, mọi ngôn ngữ ; Chúa đã tuyển chọn các Ngài để chính các Ngài làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một bộ mặt nổi, Giáo Hội tôn kính một số vị thánh có thể nói là nổi bật nhất, nhưng còn biết bao vị thánh, Hội Thánh không nhận ra hoặc chưa tôn vinh trên bàn thờ vì số này đông vô kể, họ vẫn đang trên Nước Trời chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng với Đức Mẹ và triều thần thánh trên Trời.

Thánh Tê-Pha-nô Hung-ga-ri là một trường hợp đặc biệt trong muôn vàn trường hợp mà Hội Thánh nhận ra công đức và những công việc của Ngài làm ở dưới thế gian này dù rằng Ngài ở trên ngai tòa cao nhất của đất nước Hung-ga-ri, thánh nhân vẫn thực hiện được những điều làm vinh danh Chúa. Thánh Tê-pha-nô Hung-ga-ri sinh vào khoảng năm 975 và được lãnh nhận phép rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội năm 985. Năm 997, thánh nhân lên kế vị Vua Cha. Ngài đã trị vì trên ngôi Vua, lãnh đạo đất nước Hung-ga-ri được 42 năm. Lên ngôi được 3 năm, thánh nhân được Đức Giáo Hoàng Sylvestre II phong vương với tước hiệu :” Vị Vua loan báo Tin Mừng của nước Hung-ga-ri “vào ngay dịp lễ Chúa giáng sinh năm 1000. Thánh nhân có thân hình nhỏ bé chứ không cao ráo, quắc thước như những vị Vua khác, nhưng tấm lòng của Ngài thật bao la, quảng đại. Ngài có con tim rộng mở, nhạy bén, tiên đoán chính xác thời cuộc, Ngài có rất nhiều khả năng lãnh đạo, điều khiển đất nước và tấm lòng nhiệt thành, quả cảm đối với mọi công việc của đất nước Hung-ga-ri. Thánh nhân đã xây dựng đất nước Hung-ga-ri với tất cả tấm lòng, với tất cả đức tin vững chắc, sâu xa của mình vì Ngài thấm nhuần lời thánh Phaolô dậy: “ Anh em là thân thể của Đức Kitô, anh em là các chi thể của Ngài “( 1 Co 12, 27 ). Ngài coi  các thần dân của Ngài như là những người anh em trong Chúa đã” được thanh tẩy, nên cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô “. Được phong Vương với tước hiệu: “ Vua truyền giáo của đất nước Hung-ga-ri “, thánh nhân đã nỗ lực sống tình yêu của Chúa Kitô đối với thần dân, đối với đất nước của Ngài. Suốt 42 năm trên ngai Vua, thánh nhân đã xây dựng đất nước Hung-ga-ri với đôi bàn tay vững chắc, với con tim yêu thương, với tấm lòng quảng đại bao la của Ngài. Trên ngai Vua, thánh nhân đã tổ chức Hội Thánh thấm nhuần đức tin sâu xa trên quê hương, đất nước của Ngài : Ngài đã thiết lập các giáo phận và xây dựng nhiều nhà thờ nguy nga, hoành tráng, lộng lẫy và đồ sộ trên đất nước Hung-ga-ri. Thánh nhân đã từ giã cõi đời, từ bỏ ngôi Vua trần thế vào chính ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời và dân chúng Hung-ga-ri thường gọi ngày đó là ngày lên trời của đất nước Hung-ga-ri.

Thánh Tê-pha-nô Hung-ga-ri đã sống đúng lời thánh Phaolô dạy : ”Các bạn hãy vui mừng, tôi nói lại một lần nữa các bạn hãy vui mừng”( Philip 4, 4 ). Thánh nhân đã hoàn toàn tín thác cho Chúa, đã đáp lại lời mời gọi nên thánh của Chúa. Làm Vua có nghĩa là được tận hưởng mọi vinh dự và vinh quang do chức vị Vua mang lại, nhưng thánh Tê-pha-nô Hung-ga-ri đã sống như một Vua hiền từ, khiêm nhượng và phục vụ như lời Vua Giêsu đã nói : “…đến để phục vụ chứ không phải để được hầu hạ “.

Lạy thánh Tê-pha-nô Hung-ga-ri  xin giúp chúng con luôn có tấm lòng quảng đại và khiêm tốn để chúng con làm chứng nhân truyền giáo cho Chúa với tất cả tình yêu của Chúa. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT 

https://davangvn.wordpress.com/2018/08/16/16-8thanh-stephano-o-hung-gia-loi-975-1038/

 

Giáo Hội là của chung mọi người, nhưng sự biểu hiện của Giáo Hội luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương – có thể tốt hoặc có thể xấu. Không ai được gọi là Kitô Hữu “thuần chủng”; nhưng là Kitô Hữu Việt Nam, Kitô Hữu Hoa Kỳ, Kitô Hữu Mễ Tây Cơ. Sự kiện này rất hiển nhiên trong cuộc đời của Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.

Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 tuổi cùng với người cha, là tù trưởng của sắc tộc Magyar, một bộ lạc chuyên nghề cướp bóc chiếm đóng vùng Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi lên nối ngôi cha, Stêphanô đã thay đổi hẳn đường lối cai trị, đưa sắc tộc Magyar theo tinh thần Kitô Giáo và dồn mọi nỗ lực để quảng bá đức tin. Ngài bảo trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội, giúp xây dựng các nhà thờ, và là một phần tử ủng hộ quyền lợi của Tòa Thánh.

Nhưng sự đối xử của ngài đối với người ngoại giáo có phần nào quá cứng rắn. Ngài đưa Kitô Giáo trở thành quốc giáo và trừng phạt nặng nề các thói tục dị đoan phát xuất từ ngoại giáo. Ngài cũng ra lệnh mọi người phải kết hôn, ngoại trừ hàng giáo sĩ, và cấm người Kitô giáo không được lấy người ngoại giáo.

Stêphanô cũng dẹp tan nhiều cuộc nổi loạn của các phe quý tộc ngoại giáo nổi lên chống với Kitô Giáo. Ðể thừa nhận công trạng của ngài, vào năm 1000, Stêphanô được Ðức Giáo Hoàng Sylvester II xức dầu tấn phong làm vua Hung Gia Lợi và được nhận vương miện cũng như thánh giá từ tay đức giáo hoàng.

Tuy là vua nhưng đời sống cá nhân của Stêphanô là một bài học thầm lặng cho những người biết đến ngài. Ai ai cũng có thể đến với ngài và mọi người, nhất là người nghèo được ngài đối xử cách công bằng. Ngài dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo, nhiều khi ngài ngụy trang để giúp đỡ họ và có lúc tưởng đã thiệt mạng vì hoạt động này.

Stêphanô làm vua Hung Gia Lợi trong bốn mươi hai năm. Ngài từ trần năm 1038 và được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII phong thánh năm 1083.

Lời Bàn

Ðể nên thánh cần có lòng yêu thương Thiên Chúa và tha nhân như Ðức Kitô. Ðức ái đôi khi mang một bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì mục đích thiện hảo. Ðức Kitô đả kích sự giả dối của người Pharisiêu, nhưng khi từ trần Ngài đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông một người loạn luân ở Côrintô “để hy vọng linh hồn của họ được cứu rỗi.” Một số Kitô Hữu chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với sự hăng say cao quý, dù rằng có nhiều người tham gia với động lực bất chính. Ngày nay, sau các cuộc chiến vô nghĩa, và với sự hiểu biết sâu đậm hơn về các động lực phức tạp của con người, chúng ta dường như không dám dùng đến bất cứ hình thức bạo lực nào. Sự hiểu biết tốt đẹp này vẫn còn tiếp tục mỗi khi người ta tranh luận rằng, một Kitô Hữu thì có nên là người tuyệt đối yêu chuộng hòa bình, hoặc đôi khi sự dữ cần phải được dẹp tan bằng võ lực.

https://dongten.net/2019/08/15/hanh-cac-thanh-16-08-thanh-stephano-vua-nuoc-hungary/

 


Thứ Năm

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 3, 7-10a. 11. 13-17

"Hòm giao ước của Thiên Chúa sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy. Phần ngươi, ngươi hãy truyền lệnh này cho các thầy tư tế mang hòm giao ước rằng: "Khi các thầy đã đến sông Giođan, các thầy hãy đứng giữa lòng sông".

Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: "Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi". Và Giosuê nói: "Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Ðó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối".

Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 113A, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Alleluia.

Xướng: 1) Hồi Israel ra khỏi Ai-cập, nhà Giacóp thoát xa dân mọi, Giuđa đã trở nên cung thánh, Israel biến thành vương quốc của Người. - Ðáp.

2) Biển khơi xem thấy và chạy trốn, Giođan thì bước lại đàng sau. Núi non nhảy chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con. - Ðáp.

3) Biển ơi, can chi tới ngươi mà chạy trốn, Giođan hỡi, can chi mà bước lại đàng sau? Núi non, can chi mà chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con? - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21 - 19, 1

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Chúa Tha Thứ nhưng vẫn không quên... tùy ở con nợ chúng ta!



Từ trách nhiệm sửa lỗi cho nhau trong bài Phúc Âm hôm qua 
sang đến bổn phận tha thứ cho nhau trong bài Phúc Âm hôm nay, hai bài Phúc Âm liên tục ở cuối đoạn 18 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu. 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay bao gồm câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Tông Đồ Phêrô: 
"'
Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?' Chúa Giêsu đáp: 'Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy'". 

Ngh
ĩa là bao giờ cũng tha, không bao giờ chấp nhất, dù có thế nào chăng nữa, dù có nhiều đến đâu chăng nữa, dù có nặng đến mấy chăng nữa, thậm chí dù có cố tình chăng nữa, chứ không phải chỉ tha khi đương sự vô tình, không có ý gì. Và còn phải tự động tha nữa, chứ không cần phải được xin lỗi mới tha, như Người đã dạy trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành đối với những ai phạm đến chúng ta trước khi chúng ta dâng của lễ cho Thiên Chúa (xem Mathêu 5:24). 

T
ất cả tinh thần nhân hậu và thái độ bao dung của chúng ta như thế mới trung thực phản ảnh Đấng được Chúa Giêsu kêu gọi "hãy thương xót như Cha là Đấng xót thương" (Luca 6:36), một Đấng được Người ám chỉ trong dụ ngôn về vị vương chủ tha nợ cho người bầy tôi của mình trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả'. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y". 


Ở đây chúng ta thấy vị vương chủ này quảng đại bao dung đến độ chỉ cần người bầy tôi van xin ông, không phải là van xin tha nợ mà chỉ van xin khất nợ để rồi từ từ trả sau, cho dù không biết phải trả đến bao giờ mới hết món nợ kếch sù ấy và cũng chẳng biết có thể trả nổi món nợ ấy hay chăng, nhưng vị vương chủ vẫn "động lòng thương" tự tha hết món nợ khổng lồ ấy cho người bầy tôi khốn khổ van xin của mình. 

Th
ế nhưng, cho dù được tha bổng món nợ khổng lồ ấy, đến độ giá trị của món nợ này bằng cả nhà của người bầy tôi mắc nợ: "Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", vẫn còn nguyên đó, chứ chưa hoàn toàn được xóa sổ, tùy theo thái độ của con nợ bầy tôi này với chính con nợ của hắn. 

Thật vậy, con nợ bầy tôi này đã đối xử
 hoàn toàn ngược lại với những gì hắn được hưởng từ vị vương chủ của hắn, như dụ ngôn Chúa tiếp tục cho biết như sau:

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: 'Hãy trả nợ cho ta'. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong".

Con n
ợ của người bầy tôi này cũng có cùng một cử chỉ và lời van xin khất nợ như hắn đã tỏ ra với vị vương chủ của hắn, nhưng hắn vẫn không tha cho con nợ của hắn là người chỉ nợ hắn chẳng là bao so với món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn, đến độ, trong khi hắn được vị vương chủ này tha hẳn cho cả món nợ, không phải trả nữa, thì hắn lại "bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong", nghĩa là lòng của hắn vẫn thù hằn chấp nhất con nợ của hắn cho đến khi hắn trả thù cho bằng được, cho đến khi hắn lấy lại công bằng, "mắt đền mắt, răng đền răng" (Mathêu 5:38).

Chính vì thế, món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn vẫn chưa hoàn toàn xóa sổ là như thế. Tóm lại, vấn đề xóa sổ nợ của chúng ta với Thiên Chúa là ở chúng ta hơn là ở nơi Thiên Chúa, Đấng lúc nào cũng tha cho chúng ta và mong chúng ta cũng tha cho nhau như Ngài tha cho chúng ta, bằng không, tự chúng ta làm khổ mình, ở chỗ bị chính bản thân mình là "
lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ"

Chúng ta không tha cho nhau nghĩa là chúng ta mặc nhiên không muốn được Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, không chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, ở chỗ chúng ta muốn lấy được vài đồng bạc nợ nần của nhau chẳng đáng là bao để trả nợ cả tỉ bạc với Thiên Chúa hay sao. Tại sao chúng ta điên khùng đến như thế nhỉ?! Bài 
Phúc Âm hôm nay đã kết thúc dụ ngôn với những lời của chính vị vương chủ cũng là lời của Chúa Giêsu sau đó như thế này:  

 

"Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".


Giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay là phải tha thứ cho những ai phạm đến bản thân chúng ta luôn mãi, như chính Thiên Chúa đã thứ tha cho bản thân mỗi người, một Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, được tỏ ra ngay trong lịch sử cứu độ của dân Do Thái, thành phần dân chính vì luôn phản loạn với Chúa của mình, đáng lẽ đã bị Ngài hủy diệt 2 lần, khi họ thờ bò vàng khi mới vượt qua Biển Đỏ chẳng bao lâu, và khi họ đòi trở về Ai Cập khi gần vào Đất Hứa, mà Ngài vẫn nhẫn nại với họ, vẫn trung thành với họ, vẫn hoàn thành được lời hứa của Ngài với tổ phụ họ, là đem họ vào tận Đất Hứa, qua trung gian Gioduệ, như chính nhân vật thay Moisen này đã thuật lại trong Sách Gioduệ ở Bài Đọc 1 hôm nay về biến cố vượt qua Sông Dược Đăng (Jordan) như sau:

 

"Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: 'Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy... Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: 'Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi'. Và Giosuê nói: 'Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Ðó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối'. Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn".

 

Thật vậy, chính trong tình trạng dân Chúa phản loạn mà Thiên Chúa vẫn thực hiện được những lời Ngài hứa cho họ, mục đích chính yếu là để thánh hóa họ xứng với Ngài là Đấng Thánh, như được chính các dân tộc chung quanh và thiên  nhiên tạo vật chứng kiến thấy vinh quang của Ngài nơi những gì Ngài làm cho dân Ngài, như Thánh Vịnh 113 ở bài Đáp Ca hôm nay diễn tả:

 

1) Hồi Israel ra khỏi Ai-cập, nhà Giacóp thoát xa dân mọi, Giuđa đã trở nên cung thánh, Israel biến thành vương quốc của Người.

2) Biển khơi xem thấy và chạy trốn, Giođan thì bước lại đàng sau. Núi non nhảy chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con.

3) Biển ơi, can chi tới ngươi mà chạy trốn, Giođan hỡi, can chi mà bước lại đàng sau? Núi non, can chi mà chồm lên như bầy dê đực, các ngọn đồi như đàn chiên con?

 


 


Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 24, 1-13

"Ta đã đem tổ phụ các ngươi từ Mêsôpôtamia về, đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập, đã đem các ngươi vào đất nước".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này:

Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Thuở xưa tổ tiên các ngươi là Tharê, cha của Abraham và Nacor, đã ở bên kia sông, và đã thờ các thần ngoại. Bấy giờ Ta đã đem Abraham, tổ phụ các ngươi, từ bên kia sông và đã dẫn đưa ông vào đất Canaan. Ta lại làm cho con cháu ông trở nên đông đúc, đã ban cho ông được Isaac. Ta lại ban cho Isaac được Giacóp và Êsau. Trong hai người này, Ta đã ban cho Êsau miền núi Sêir làm sản nghiệp. Còn Giacóp và con cái thì xuống Ai-cập.

Sau đó, Ta đã sai Môsê và Aaron, và trừng phạt Ai-cập bằng những phép lạ. Rồi Ta đã dẫn các ngươi và cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập, và các ngươi đã đi tới Biển. Người Ai-cập đuổi theo cha ông các ngươi với chiến xa binh mã cho đến Biển Ðỏ. Bấy giờ con cái Israel kêu cầu Chúa và Người đã khiến sự tối tăm ngăn giữa các ngươi và quân Ai-cập, và làm cho biển tràn ra mà vùi lấp chúng. Chính mắt các ngươi đã thấy tất cả những gì Ta đã làm ở Ai-cập, rồi các ngươi đã ở lâu trong hoang địa.

Sau đó, Ta đã đưa các ngươi vào xứ Amorê, bên kia sông Giođan. Chúng đã giao chiến với các ngươi và Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm được đất đai của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mặt các ngươi. Rồi Balac, con Sêphor, vua xứ Moab, dấy lên giao chiến với Israel. Vua ấy đã cho mời Balaam, con của Bêor, đến để chúc dữ các ngươi. Ta không muốn nghe Balaam. Nhưng trái lại Ta đã dùng nó chúc phúc cho các ngươi và Ta đã cứu các ngươi thoát khỏi bàn tay nó.

Sau đó, các ngươi đã qua sông Giođan và đến Giêricô, dân thành này, cũng như các người Amorê, Phêrêsê, Canaan, Hêthê, Gergêsê, Hêvê, Giêbusê, đã giao chiến với các ngươi. Nhưng Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Ta đã cho ong bò vẽ đi trước các ngươi, và Ta đuổi hai vua xứ Amorê ra khỏi các địa hạt của họ mà không cần nhờ đến cung kiếm của các ngươi. Ta đã ban cho các ngươi một vùng đất mà các ngươi không mất công đánh chiếm. Ta đã cho các ngươi được ở những thành mà các ngươi không phải xây cất, Ta đã cho các ngươi những vườn nho và vườn ôliu mà các ngươi không vun trồng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 135, 1-3. 16-18. 21-22 và 24

Ðáp: Bởi đức từ bi Người muôn thuở.

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca ngợi Chúa, vì Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Hãy ca ngợi Thiên Chúa của chư thần, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Chỉ mình Người làm những việc kỳ diệu vĩ đại, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

2) Người đã dẫn đưa dân Người qua sa mạc, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã đánh dẹp các đại vương đế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giết các vua quyền thế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

3) Người đã ban đất chúng để làm gia sản, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Làm gia sản của Israel tôi tớ Người, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quân thù địch, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 3-12

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

 

Chồng theo vợ hơn là vợ theo chồng?

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên đưa chúng ta đến bài Phúc Âm về vấn đề chồng ly dị vợ, một bài Phúc Âm ngay sau bài Phúc Âm hôm qua về lòng quảng đại thứ tha như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

Vấn đề chồng ly dị vợ này được "
những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: 'Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?'", một vấn đề đã được Chúa Giêsu dứt khoát giải quyết một cách thẳng thắn hoàn toàn có tính cách chính thống như sau:

"Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly".

Theo văn hóa đại đồng của chung loài người thì thường vợ theo chồng chứ không phải là chồng theo vợ, ngoại trừ văn hóa theo mẫu hệ vốn còn cái lệ "đi bắt chồng", như ở thành phần dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo tâm lý tự nhiên thì người nam theo người nữ trước khi trở thành vợ chồng. Bởi thế nên mới có chuyện trai tán gái chứ không bao giờ hay ít khi thấy gái tán trai, cho dù cũng không hiếm chuyện gái theo trai, nhưng thường xẩy ra sau khi bị trai dụ dỗ v.v.

Câu Chúa Giêsu khẳng định "người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình" đã chứng thực là chồng theo vợ hơn là vợ theo chồng, đúng hơn là trai theo gái hơn là gái theo trai, bởi vì bản chất và khuynh hướng của thành phần nam nhân làm chồng, như Adong, là tìm kiếm bản thân mình, cho đến khi thực sự cảm nhận được bản thân mình nơi một người nữ nào đó tự nhiên có duyên với mình, để rồi tự nhiên cảm thấy hết sức gắn bó với nàng, đến độ chàng sống không thể không có nàng: "Cuối cùng thì đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi" (Khởi Nguyên 2:23).

Bởi thế chồng yêu vợ là yêu bản thân mình: "Ai yêu thương vợ mình là yêu thương chính bản thân mình" (Epheso 5:28). Bởi "cả hai đã nên một thân xác... họ không còn là hai, nhưng là một thân xác", như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, và vì thế khi vợ chồng ly dị nhau thì họ chẳng những "phân ly những gì Thiên Chúa đã ràng buộc nối kết" họ lại với nhau mà tự họ cũng phản bội lẫn nhau nữa, nhất là khi chính bản thân họ không bị ràng buộc bởi cổ tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy như xưa, trái lại, họ hoàn toàn tự do yêu nhau và lấy nhau... như văn hóa của thời đại quá văn minh tân tiến về cả khoa học kỹ thuật lẫn nhân quyền hiện nay, đến độ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó khi chính chúng nó tự quyết lập gia đình với nhau và làm đám cưới với nhau theo kiểu của chúng, kể cả chuyện đồng tính hôn nhân.

C
ó lẽ thành phần đặt vấn nạn với Chúa Kitô đã đoán trước được câu trả lời của Người rồi nên đã từ đó đi thẳng vào vấn đề họ muốn thử Người, với vấn nạn chính yếu thứ hai: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?", một vấn nạn cũng được Chúa Kitô không ngần ngại vạch trần sự thật cho họ biết về chính bản thân họ rằng:

"Vì lòng chai đá của các ông mà Moisen đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Kh
ông ngờ vấn đề Người quả quyết như vậy đã đụng đến chính thành phần bỏ mọi sự mà theo Người, kể cả vợ con của các vị, nên các vị đã bồi thêm một câu vừa như để hỏi Người vừa như để than thân trách phận thay cho thành lập lập gia đình như sau: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". 

Th
ế nhưng, Chúa Giêsu đã lợi dụng ngay câu than vãn này của các vị để nói đến chính đời sống độc thân theo Người của các vị: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Qua b
ài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy giáo huấn của Chúa Kitô về vấn đề hôn nhân gia đình là thế này: 1- hôn nhân theo dự án thần linh của Thiên Chúa chỉ xẩy ra giữa một người nam và một người nữ mà thôi; 2- hôn nhân là do chính Thiên Chúa xe duyên kết nghĩa nên đôi phối ngẫu không được tự ý ly dị nhau, trừ trường hợp ngoại tình; 3- ai tự ý ly dị vợ chồng mình mà lấy người khác là phạm tội ngoại tình và ai lấy người ly dị cũng phạm tội ngoại tình; 4- ly dị vợ chồng là do con người gây ra chứ tự bản chất của hôn nhân là những gì bất khả phân ly. Đó là lý do chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo cứu xét rất kỹ lưỡng và cẩn thận giúp thực hiện việc học hỏi dự bị hôn nhân trước khi ban bí tích hôn nhân, cũng như trong việc giải hôn hay tiêu hôn khi cần

Tuy lu
ật lệ về đời sống hôn nhân ngặt nghèo như thế, đến độ người ta cảm thấy "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ", nghĩa là đừng lập gia đình, nhưng theo bản tính tự nhiên và phái tính xu hướng về nhau hầu như bất khả chống cưỡng, liên quan đến cả tình cảm lẫn tình dục của mình, con người, hầu hết vẫn không thể nào, không sớm thì muộn, không trước thì sau, không tiến tới đời sống lứa đôi trong hôn nhân gia đình, nếu chính thức, bằng không cũng khó lòng mà tránh được cảnh ăn ở với nhau ngoài hôn nhân một cách nào đó. 

D
ầu sao thực tế cũng cho thấy 3 trường hợp ngoại lệ được Chúa Giêsu kể đến trong bài Phúc Âm, đó là: thứ nhất, tự bẩm sinh là hoạn nhân (như sinh ra mang giới tính ái nam ái nữ, hoặc tự nhiên bị bất lực về sinh dục v.v.), thứ hai là bị trở thành hoạn nhân (như đã xẩy ra cho thành phần nam nhân được hầu cận gần gũi hoàng hậu hoặc công chúa hay cung phi của vua chúa ngày xưa), và thứ ba là tự ý làm hoạn nhân vì lý tưởng phụng vụ cao cả (như nam nữ tu sĩ khấn đồng trinh hoặc hàng giáo sĩ Công giáo hứa sống độc thân v.v.). 

Giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay về vấn đề hôn nhân cho thấy ngay từ nguyên thủy không có vấn đề ly dị, mà là hiệp nhất nên một bất khả phân ly. Chính vì thế, giáo lý của Giáo Hội Chúa Kitô về hôn nhân chủ trương hôn nhân là "một mầu nhiệm cao cả" (Epheso 5:32) về Chúa Kitô và Giáo Hội, và về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân của Ngài, một Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân Ngài trong giòng lịch sử cứu độ của họ là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ở chỗ, bất chấp họ tỏ ra liên lỉ bất trung và phản loạn với Ngài, Ngài vẫn hoàn thành được, thậm chí lợi dụng cả chính tình trạng tiêu cực và ngược ngạo của họ, để tỏ mình ra, qua những gì Ngài làm cho họ, như được nhân vật thay Moisen dẫn họ vào Đất Hứa nhắc lại cho họ trong Sách Gioduệ ở Bài Đọc 1 hôm nay về Lời Chúa "Ta đã đem tổ phụ các ngươi từ Mêsôpôtamia về, đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập, đã đem các ngươi vào đất nước", theo lịch trình thời gian như sau:

"Ta đã đem Abraham, tổ phụ các ngươi, từ bên kia sông và đã dẫn đưa ông vào đất Canaan... Sau đó, Ta đã sai Môsê và Aaron, và trừng phạt Ai-cập bằng những phép lạ. Rồi Ta đã dẫn các ngươi và cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập... Sau đó, Ta đã đưa các ngươi vào xứ Amorê, bên kia sông Giođan... Sau đó, các ngươi đã qua sông Giođan và đến Giêricô...Ta đã ban cho các ngươi một vùng đất mà các ngươi không mất công đánh chiếm. Ta đã cho các ngươi được ở những thành mà các ngươi không phải xây cất, Ta đã cho các ngươi những vườn nho và vườn ôliu mà các ngươi không vun trồng".

Qua Thánh Vịnh 135 ở bài Đáp Ca hôm nay, dân Chúa tỏ ra đã nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình ở cảm thức sâu xa về "đức từ bi muôn thuở của Người", một điệp khúc xác tín được lập đi lập lại như sau:

 

1) Hãy ca ngợi Chúa, vì Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Hãy ca ngợi Thiên Chúa của chư thần, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Chỉ mình Người làm những việc kỳ diệu vĩ đại, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

2) Người đã dẫn đưa dân Người qua sa mạc, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã đánh dẹp các đại vương đế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giết các vua quyền thế, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

3) Người đã ban đất chúng để làm gia sản, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Làm gia sản của Israel tôi tớ Người, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quân thù địch, bởi đức từ bi Người muôn thuở.

 


Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 24, 14-29

"Hôm nay các ngươi hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn".

Trích sách ông Giosuê.

Trong những ngày ấy, Giosuê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây, các ngươi hãy kính sợ Chúa và tôn thờ Người với tâm hồn thiện hảo và chân thành. Hãy loại bỏ những thần cha ông các ngươi đã tôn thờ trong xứ Mêsôpôtamia và ở Ai-cập, mà tôn thờ Chúa. Còn nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tùy ý chọn phải tôn thờ ai hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa".

Dân trả lời rằng: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào. Vậy chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi".

Bấy giờ Giosuê nói với dân chúng rằng: "Các ngươi không thể tôn thờ Chúa được, vì Người là Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa ghen tương, sẽ không tha thứ những tội ác và lỗi lầm của các ngươi. Nếu các ngươi bỏ Chúa mà tôn thờ các thần ngoại, Người sẽ trở lại giáng hoạ trên các ngươi và tiêu diệt các ngươi, sau khi đã thi ân cho các ngươi".

Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Không phải như ông nói đâu, nhưng chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Giosuê liền bảo dân chúng rằng: "Vậy các ngươi hãy tự làm chứng rằng: chính các ngươi đã chọn Chúa để tôn thờ Người". Họ đáp: "Chúng tôi xin làm chứng". Ông nói: "Vậy thì hãy loại bỏ những thần ngoại ra khỏi các ngươi và hướng lòng về Chúa là Thiên Chúa Israel". Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, và sẽ tuân phục các mệnh lệnh của Người".

Hôm ấy, Giosuê lập giao ước, ấn định quy chế và luật lệ cho dân ở Sikem. Giosuê ghi chép các lời đó vào sách Luật của Chúa, rồi lấy một tảng đá thật lớn và dựng lên dưới cây sồi ở trong nơi thánh của Chúa, và nói với toàn dân rằng: "Ðây, tảng đá này sẽ làm chứng cho các ngươi, vì nó đã nghe mọi lời Chúa phán với các ngươi, kẻo sau này các ngươi chối bỏ và lừa dối Chúa là Thiên Chúa các ngươi". Sau đó, Giosuê giải tán dân chúng và ai nấy trở về với phần đất của mình. Sau những sự việc đó, Giosuê, con ông Nun, tôi tớ Chúa, qua đời, hưởng thọ một trăm mười tuổi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con (x. c. 5a).

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con! Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con; chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. - Ðáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo. Ðó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 13-15

"Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mt 19, 13-15

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Trẻ nhỏ - Linh đạo hôn nhân và trách nhiệm giáo dục


Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày hôm nay, Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên, vẫn tiếp tục bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu từ các ngày trước trong tuần. 

N
ếu bài Phúc Âm cho Thứ Ba tuần này "trẻ nhỏ" được Chúa Giêsu đặt giữa các môn đệ để làm mô phạm linh đạo theo Chúa cho các vị, thì bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau bài Phúc Âm hôm qua là bài về vấn đề ly dị trong đời sống hôn nhân gia đình giữa vợ chồng với nhau, dường như cũng có một ý nghĩa sâu xa nào đó, như thể hôn nhân gia đình bao gồm cả con cái và liên quan đến cả con cái nữa chứ không phải chỉ có chuyện vợ chồng với nhau mà thôi, và "trẻ nhỏ" cũng là mô phạm linh đạo cho cả ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình bao gồm cả trách nhiệm giáo dục nữa vậy.

"
Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Ng
ười, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng. Nhưng môn đồ quát rầy chúng. Song Chúa Giêsu nói: 'Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế'. Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".

B
ài Phúc Âm tuy ngắn, chỉ vỏn vẹn có 3 câu 13-15 ở đoạn 19 của Thánh ký Mathêu nhưng rất sâu xa về ý nghĩa. Chúng ta hãy lưu ý đến từng chi tiết của bài Phúc Âm sẽ thấy:

"Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Ng
ười, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". 

Chúng ta không biết trẻ nhỏ được người ta mang đến cho Chúa Giêsu ở đây bao nhiêu tuổi. Có thể là còn đang được bế trên tay, tức khoảng độ trên dưới 1 tuổi, hay đã có thể
 tự mình bước đi, khoảng độ 3-4 tuổi, nhưng được dìu đến với Chúa.

D
ầu sao cũng cho thấy sự kiện rất thực tế đó là trẻ nhỏ cần phải được dẫn đến với Chúa Giêsu chứ tự chúng không thể nào đến với Người, bởi có thể là về thể lý chưa biết đi. Nhất là vì các em chẳng hề biết Người là ai, và thường trẻ con lại hay sợ người lạ mặt nữa. Ở đây chúng ta thấy gợi lên vấn đề giáo dục con cái trong gia đình đó là trước hết và trên hết hãy dạy cho các con về Thiên Chúa, hãy dẫn chúng đến với Đấng đã dựng nên chúng qua cha mẹ chúng.

Trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy mục đích của những người mang trẻ em, có thể là con cái của họ, không biết là bao nhiêu em, đến với Chúa Giêsu với mục đích là "
để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". Những người này, thường là cha mẹ của các em, quả thực đã hiểu Chúa Giêsu hơn ai hết, nên mới mang con cái của mình đến với Người, không phải để Người dạy dỗ chúng, vì chúng chưa hiểu được những gì Người nói, cho bằng để cho chúng được gần Người và để chúng được Người chúc lành cho, thế là đủ. Và chính họ cũng được diễm phúc lây, như trường hợp con cái của thành phần Kitô hữu Công giáo ở Quảng Trường Thánh Phêrô thường được Đức Thánh Cha Phanxicô ẵm bế và ôm hôn vậy. 

"Nhưng môn đồ quát rầy chúng". 

Th
ế nhưng, không ngờ, thành phần được gần Chúa Giêsu nhất là các môn đệ của Người lại không hiểu Người bằng thành phần đem con trẻ đến cùng Người trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi đó, các vị thay vì tỏ ra vui mừng hớn hở giúp cho các em đến với Chúa Giêsu Thày mình một cách dễ dàng hơn thì lại ra tay ngăn cản và xua đuổi chúng đi bằng thái độ "quát rầy chúng". 

Các vị có lẽ không ghét bỏ trẻ em đâu. Các em có tội tình gì đâu mà ghét bỏ chúng. Thế nhưng có thể các vị nghĩ rằng Thày của các vị 
là Đấng cao trọng, không giao tiếp với trẻ con, hay trẻ con không đáng được giao tiếp với Người, vì trẻ con biết gì mà đến với người, trái lại còn làm mất giờ quí báu của Người, chỉ làm phiền Người hơn là làm vui lòng Người. Thái độ của các môn đệ trong trường hợp này quả là còn nặng tính cách quan liêu và duy giáo sĩ (clericalism) lắm vậy.

Tuy nhi
ên, hành động của các vị đã cho thấy là các vị đã hoàn toàn quên rằng Chúa Giêsu Thày của các vị mới trước đó ít lâu đã đặt một em bé ở giữa các vị để chẳng những khuyên các vị là hãy "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ", mà nhất là còn khẳng định với các vị rằng: "Ai tiếp nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thày là tiếp nhận Thày... Đừng bao giờ khinh thường một trong những trẻ nhỏ này" (Mathêu 18:5,10). Đó là lý do Chúa Giêsu đã phải lên tiếng nói với các vị như sau:

"Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế". 


Ở đây, trong câu nói này, Chúa Giêsu đã lập lại những gì Người đã khẳng định với các môn đệ ở lần trước rằng
 "trừ phi các con hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con mới được vào Nước Trời" (Mathêu 18:3). 

Trong l
ần này, Người còn nhấn mạnh hơn nữa, ở chỗ, nếu Nước Trời là chính bản thân Người, mà "Nước Trời thuộc về những người như thế", tức thuộc về thành phần sống như trẻ nhỏ, thì Người thuộc về những người sống cuộc đời thơ ấu thiêng liêng vậy.

Đó là lý do chỉ có t
âm hồn nào sống bé nhỏ mới đến được với Chúa Kitô, mới nhận biết Chúa Kitô, mới tin tưởng vào Người, mới để Người nâng niu yêu thương ấp ủ, nhờ đó mới được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, mới là thành phần cao trọng nhất trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4).

   

"Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".

 

Cử chỉ Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em không phải chỉ đáp ứng lòng mong ước của thành phần người lớn mang các em đến với Người, mà chính các em xứng đáng lãnh nhận phép lành đầy ân sủng của Người. 

 

Nếu việc đặt tay vẫn bao gồm việc thông ban Thánh Linh thì việc Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em bé ở đây còn có ý nghĩa là Người xác nhận tâm hồn ngây thơ vô tội của các em xứng đáng là nơi Thánh Linh ngự trị.

 

Việc đặt tay của Chúa Kitô trên đầu các em "trước khi Người rời khỏi nơi đó" còn có nghĩa là Người luôn ở cùng các em, vì Người thuộc về các em, như "Nước Trời thuộc về những người như thế", nhờ Thánh Linh được Người thông ban cho các em qua việc đặt tay của Người trên đầu của các em.  

 

Tác động Chúa Kitô đặt tay lên đầu các trẻ nhỏ và cầu nguyện cho chúng trong bài Phúc Âm hôm nay chứng tỏ Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn nào đơn sơ trong trắng và tin tưởng vào Ngài. Bài Đọc 1 hôm nay, dân Chúa, sau khi được vào Đất Hứa, và thấy được tất cả những gì Vị Thiên Chúa của tổ phụ họ đã làm cho họ, bất chấp mọi ngỗ nghịch, bất trung và phản loạn của họ, đã cương quyết tôn nhận Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, điều Thiên Chúa hằng mong đợi ở nơi họ và cũng chính là mục đích Ngài tỏ mình ra cho họ:

 

"Trong những ngày ấy, Giosuê nói với dân chúng rằng: 'Giờ đây, các ngươi hãy kính sợ Chúa và tôn thờ Người với tâm hồn thiện hảo và chân thành. Hãy loại bỏ những thần cha ông các ngươi đã tôn thờ trong xứ Mêsôpôtamia và ở Ai-cập, mà tôn thờ Chúa..... Dân trả lời rằng: 'Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào. Vậy chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi...Chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, và sẽ tuân phục các mệnh lệnh của Người'".

 

Đối với một trẻ nhỏ thì cha mẹ của chúng cùng với tất cả những gì cha mẹ chúng làm cho nó đều trở thành gia nghiệp của chúng thế nào thì dân Chúa, qua Thánh Vịnh 15 ở bài Đáp Ca hôm nay, cũng có một tâm tình như vậy đối với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, như sau:

 

1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa tể con! Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con; chính Ngài nắm giữ vận mạng của con.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo. Ðó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

3) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời.

 

Thánh Gioan Eude (19/8)

 

Vietnamese Catholic Community Sydney | Cộng đồng Công Giáo Việt Nam | Tổng  Giáo Phận Sydney

Thánh Gioan Euđê là một trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê, cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.

Gioan có tính nóng nảy, nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.

15 tuổi Gioan theo học các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.

Sau ngày thụ phong, Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy. Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng, khiến lúc đó cánh đồng được gọi là “cánh đồng của thánh nhân”. Các nữ tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người “Samaritanô nhân hậu” tái xuất hiện.

Bây giờ bắt đầu công trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào: 15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme.Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công trường để đốt bỏ.

Cha Gioan Euđê đã giảng thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở thánh thiện của Saint – Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết. Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng tại Sain-Lô.

Suốt 40 năm, cha Gioan đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài. Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện. Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc họ.

Giữa bao nhiêu công chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Euđê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm. Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.

Ngày 19 tháng năm 1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được tôn phong hiển thánh.     

https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-19-8-thanh-gioan-eude-linh-muc-42318

 

Mỗi thánh đều có một nét đặc biệt. Ơn gọi của mỗi vị đều có những sắc thái khác nhau, không ai giống ai, không ai như ai cả. Tựu trung, tất cả các vị thánh đều có một mẫu số chung là muốn trở nên trọn lành và họa lại càng giống bao nhiêu càng tốt hình ảnh của Đức Giêsu Kitô.

THÁNH GIOAN ÊUĐÊ LÀ AI ?

Thánh Gioan Êuđê sinh tại miền Normandie nước Pháp, thuộc địa phận Sées ngày 14 tháng 11 năm 1601 ở làng Ri. Thoạt đầu, thánh nhân theo học với các cha Dòng Tên tại Caen và sau đó đi vào Đại Học. Được gần gũi các cha Dòng tên, được hun đúc về tình yêu Chúa và phục vụ tha nhân, thánh Gioan Eâuđê muốn đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nhưng gia đình Ngài ngăn cản Ngài trở thành linh mục. Ý Chúa thật nhiêm mầu, Ngài không bao giờ nản chán và quyết tâm theo đuổi lý tưởng trở thành linh mục của Chúa, Ngài gia nhập hội dòng giảng thuyết do Đức Hồng y Bérulle vào năm 1623 và rất hăng say với công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân nhiệt thành với công việc, chuyên cần học triết học và thần học, Ngài được gọi lãnh sứ vụ linh mục và sau đó được chỉ định làm cha xứ ở Aubervillier, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ giảng dậy ở nhiều nơi trong nước Pháp. Đời sống đạo đức, lối sống thánh thiện, gương mẫu đi đôi với lời giảng dậy có sức thu hút, lôi cuốn nhiều linh hồn. Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ, khi trong vùng có dịch bệnh hoành hành, lan rộng khắp nơi, thánh nhân đã tình nguyện đi săn sóc bệnh nhân và an táng những người qua đời.

NHỮNG CÔNG VIỆC NỔI BẬT CỦA THÁNH NHÂN:

Thánh nhân có đời nội tâm sâu sắc, chính Ngài đã chấn chỉnh lại đời sống đạo đức và uy thế của các giáo sĩ bị sa sút, và thánh Gioan Eâuđê đã thiết lập nhiều chủng viện để thực hiện dự tính tốt lành của Ngài trong việc chấn hưng đạo đức và đào tạo giáo sĩ. Năm 1662, thánh nhân đã lập Hội sùng kính trái tim Chúa Giêsu, sau này được  đổi tên là Dòng Đấng Chăn Chiên Lành để giáo dục các thiếu nữ trụy lạc, hư đốn, sa đọa.

CHÚA THƯỞNG CÔNG VÀ GIÁO HỘI TÔN VINH THÁNH NHÂN:

Với cố gắng tận lực, với lòng hy sinh, nhiệt thành cao độ, thánh Gioan Eâuđê đã được Chúa gọi về vào ngày 19 tháng 8 năm 1680. Đức thánh Cha Piô X đã cất nhắc Ngài lên bậc chân phước. Đức Giáo Hoàng Piô XII, vào dịp năm thánh 1925, đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh, và truyền cho Giáo Hội kính Ngài trên toàn thế giới vào năm 1928.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Gioan linh mục làm người rao giảng sự phong phú khôn lường của Đức Kitô. Xin cho chúng con cũng biết theo gương sáng của thánh nhân và nghe lời Người dạy dỗ để ngày càng thêm hiểu biết Chúa và trung kiên sống theo Tin Mừng( Lời nguyện nhập lễ,lễ thánh Gioan Eâuđê).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

http://giaophanthaibinh.org/ngay-19-8-thanh-gioan-eude-st-john-eudes-linh-muc.html

 

Thật không thể nào biết được ơn Chúa sẽ đưa dẫn đến đâu. Thánh Gioan sinh ngày 14 tháng 11 năm 1601 tại Ri, Normandy, miền bắc nước Pháp. Ngài là một tu sĩ, một tông đồ tuần đại phúc, sáng lập hai tu hội và là người cực lực cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

 

Ngài gia nhập dòng Ôratôriô và thụ phong linh mục năm 24 tuổi. Trong thời kỳ dịch hạch tấn công Normandy năm 1627 và 1631, ngài tình nguyện chăm sóc bệnh nhân trong giáo phận. Ðể khỏi lây bệnh cho các tu sĩ trong dòng, ngài phải sống trong một cái thùng thật lớn ở giữa cánh đồng.

 

Vào năm 32 tuổi, Cha Gioan trở thành vị tông đồ tuần đại phúc. Tài rao giảng và ơn khuyên bảo người hối nhân đã khiến ngài nổi tiếng. Ngài rao giảng tuần đại phúc trên 100 giáo xứ, có khi kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

 

Trong sự lưu tâm đến linh đạo của hàng giáo sĩ, ngài nhận thấy trước hết cần phải thăng tiến tâm linh các chủng sinh. Với sự cho phép của bề trên, là giám mục và Hồng Y Richelieu, ngài bắt đầu việc canh tân, nhưng vị bề trên kế tiếp lại không tán thành. Sau khi cầu nguyện và hội ý, Cha Gioan quyết định từ bỏ dòng và sáng lập một tổ chức mới, được gọi là Tu Hội Ðức Giêsu và Mẹ Maria (Dòng Thánh Gioan Eudes), chuyên đào tạo các giáo sĩ qua việc thiết lập và trông coi các chủng viện. Công việc táo bạo này, trong khi được sự tán thành của các giám mục địa phương, lại bị chống đối kịch liệt bởi phe Jansen và chính các linh mục dòng Ôratôriô. Cha Gioan thành lập được một vài chủng viện ở Normandy, nhưng không đạt được sự phê chuẩn của Rôma (người ta nói, một phần là vì ngài không biết khéo đối xử).

 

Trong việc tổ chức tuần đại phúc giáo xứ, Cha Gioan thật lo âu khi thấy các phụ nữ nghèo đói tìm cách thoát ra khỏi đời sống khó khăn qua nghề làm điếm. Lúc bấy giờ, bà Madeleine Lamy, đang chăm sóc một số phụ nữ hoàn lương, đến nói với Cha Gioan: “Ðầu óc cha đang ở đâu vậy? Có lẽ cha đang nghĩ đến nhà thờ là nơi cha chiêm ngắm các ảnh tượng và nghĩ mình đạo đức. Trong khi đó, những gì cần nơi cha là một căn nhà tử tế cho những người khốn cùng này.” Những lời lẽ ấy, và có lẽ những tiếng nhạo cười đã thức tỉnh ngài. Kết quả là một tu hội mới được thành lập, mang tên Nữ Tu Bác Ái của Nơi Nương Tựa để chăm sóc các phụ nữ bất hạnh hoàn lương.

 

Có lẽ Cha Gioan nổi tiếng nhất là vì các sáng tác của ngài về chủ đề: Ðức Giêsu là nguồn thánh thiện, Ðức Maria là gương mẫu đời sống Kitô Hữu.

 

Cha Gioan qua đời ngày 19 tháng 8 năm 1680 tại Caen, Normandy, Nước Pháp. Cha được Đức Thánh Giáo Hoàng Pius X tôn phong Chân Phước ngày 25/4/1909 và Đức CP Giáo Hoàng Pius XI đã nâng Cha Gioan lên hàng hiển thánh năm 1925 và tuyên xưng ngài là cha đẻ việc sùng kính Thánh Tâm Ðức Giêsu và Mẹ Maria.

Lời Bàn

Thánh thiện là mở lòng cho tình yêu của Thiên Chúa và được tỏ lộ qua nhiều hình thức, nhưng các hình thức ấy đều có một đặc điểm chung: lưu tâm đến nhu cầu của tha nhân. Trong trường hợp của Thánh Gioan Eudes, những người có nhu cầu là các bệnh nhân dịch hạch, các giáo dân trong xứ, những người chuẩn bị làm linh mục, các người gái điếm và mọi Kitô Hữu được mời gọi để bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu và mẹ của Người.

Lời Trích

Sự khao khát của chúng ta, mục tiêu của chúng ta, sự bận tâm của chúng ta phải là việc uốn nắn chính mình để trở nên giống Chúa Giêsu, để thần khí của Người, sự tận tụy của Người, lòng thương mến của Người và ý định của Người sống động và ngự trị trong chúng ta. Mọi luyện tập nhân đức phải hướng đến cùng đích này. Ðó là công việc mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta để thi hành một cách không ngừng nghỉ” (Thánh Gioan Eudes, “Ðời Sống và Sự Ngự Trị của Ðức Giêsu trong Tâm Hồn Kitô Hữu”).

https://dongten.net/2019/08/18/hanh-cac-thanh-19-08-thanh-gioan-eudes/