w

 Tuyệt Đỉnh Fatima

Trái Tim Vô Nhiễm

 

  

N

ếu, theo chương “Tuyệt Đỉnh Fatima – Đức Bà Mân Côi”, việc “hãy cầu kinh Mân Côi hằng ngày” là mệnh lệnh Fatima duy nhất, và việc “cầu kinh Mân Côi hằng ngày” cần phải thực hiện vì nó trực tiếp và sâu xa liên quan tới tước hiệu và vai trò “Mẹ là Đức Bà Mân Côi”, một tước hiệu và vai trò, như lịch sử Giáo Hội cho thấy, liên hệ mật thiết tới đức tin cứu rỗi và hòa bình thế giới. Thế nhưng, nếu đặt vấn đề tại sao Mẹ Maria lại xuất hiện ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima với vai trò “Mẹ là Đức Bà Mân Côi” thì câu trả lời phải là và chỉ có thể là vì “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”.

Phải, nếu tất cả Biến Cố Thánh Mẫu Fatima 1917 được chất chứa nơi Bí Mật Fatima, thì tất cả Bí Mật Fatima lại nằm ngay ở Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

 

Vấn đề thứ nhất được đặt ra ở đây là tại sao Thiên Chúa lại muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ trên thế giới như thế, đã được Mẹ Maria cho biết ngay câu sau đó: “Nếu điều Mẹ nói với các con được thi hành thì nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình”. Tức đó là vì Thiên Chúa muốn dùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để cứu độ tội nhân và ban hòa bình thế giới, hay nói ngược lại, phần rỗi tội nhân (liên quan tới sự sống thiêng liêng) và hòa bình thế giới (liên quan tới sự sống tự nhiên) đều hoàn toàn lệ thuộc vào việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Nghĩa là nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria được tôn sùng, hay nói một cách dễ hiểu và thực tế hơn, nếu Mẹ Maria được nhận biết và yêu mến thì chắc chắn nhiều linh hồn sẽ được cứu độ và cả thế giới sẽ được thái bình thịnh vượng. Đó là tất cả Bí Mật Fatima và tất cả Bí Mật Fatima là thế.

 

Thật vậy, chính vì phần rỗi nhân loại và hòa bình thế giới mà Thiên Chúa đã muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, tức muốn làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến khắp hoàn cầu. Đó chính là lý do, qua lời Mẹ Maria tiết lộ cho chị Lucia biết vào lần hiện ra ngày 13/9/1929 tại Thành Tuy nước Tây Ban Nha, thời điểm Stalin lên thay thế Lenin lãnh đạo khối cộng sản ở Liên Bang Sô Viết, Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha phải hiệp với toàn thế các vị giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nhờ đó, Ngài hứa sẽ ra tay cứu Nước Nga, nghĩa là Ngài sẽ làm cho Nước Nga trở lại, cho nước này từ bỏ chủ nghĩa cộng sản vô thần là những gì sai lầm hết sức nguy hiểm đang được họ bấy giờ tuyên truyền khắp thế giới, hầu nhuộm đỏ loài người, nhất là ở Âu Châu và từ Âu Châu.

 

Vấn đề thứ hai được đặt ra ở đây là tại sao Thiên Chúa không muốn thiết lập lòng tôn sùng Thánh Tâm hay Thánh Thể trên thế giới mà lại là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria? Hay nói cách khác, phải chăng chỉ cần nhận biết và yêu mến Mẹ Maria, hơn là hay thay vì nhận biết và yêu mến Chúa trước, thì con người chắc chắn được cứu độ và thế giới chắc chắn có hòa bình? 

 

Vấn đề liên quan tới thần học này đã được Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), trong cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, ở các số 14 và 15, đã giải quyết như thế này: Thiên Chúa là Đấng toàn hữu và toàn mãn tuyệt đối không cần đến Mẹ Maria chỉ thuần túy là một tạo vật (số 14). Tuy nhiên, đường lối mà Ngài là Đấng vô cùng khôn ngoan thượng trí đã sử dụng thì Ngài không bao giờ thay đổi, như trường hợp Ngài đã sử dụng Mẹ Maria trong việc khởi sự và hoàn thành những công cuộc cả thể của Ngài (số 15).

 

Bởi thế, ngay câu đầu tiên mở màn cho tác phẩm Thánh Mẫu nổi tiếng này của mình, Thánh Long Mộng Phố đã xác quyết như sau: “Nhờ rất thánh Trinh Nữ Maria mà Chúa Giêsu đã đến thế gian thế nào thì cũng nhờ Mẹ mà Người cần phải cai trị thế giới như thế” (số 1). Thánh nhân còn nói rõ hơn về mục đích của ý định nhiệm mầu này nơi Thiên Chúa là: “Vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria cần phải được nhận biết và tỏ hiện bởi Thánh Linh, để nhờ Mẹ, Chúa Giêsu Kitô được nhận biết, mến yêu và phụng sự” (số 49).

 

Ở đây chúng ta thấy Thánh Long Mộng Phố (1673-1716), từ đầu thế kỷ 18, đã nói tiên tri một cách nào đó về Biến Cố Thánh Mẫu Fatima xẩy ra vào đầu thế kỷ 20. Ở chỗ, như số 49 trên đây cho thấy, Mẹ Maria chẳng những sẽ được Thiên Chúa làm cho “nhận biết” và “tỏ hiện”, với mục đích để nhờ Mẹ Chúa Giêsu Kitô được “nhận biết, mến yêu và phụng sự”.

 

Ở Fatima, Mẹ Maria đã chẳng được Thiên Chúa làm cho “nhận biết” và “tỏ hiện” là gì, vì “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Và nhờ Mẹ Chúa Giêsu Kitô cũng không được “nhận biết, mến yêu và phụng sự” là gì, vì Mẹ hiện ra ở Fatima là để dắt con người về với Chúa, như trên đã dẫn chứng. Vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, Mẹ đã xác quyết với Thiếu Nhi Lucia rằng: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”.

Đúng thế, “nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ” là con người tỏ ra nhận biết Chúa và yêu mến Chúa, vì họ cùng với Mẹ cảm tạ ngợi khen Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những sự lạ lùng (x Lk 1:49). Lời khen ngợi trước một pho tượng tuyệt kỷ chính là lời ngợi khen tác giả của pho tượng ấy vậy.

 

Hơn thế nữa, “nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ” họ còn làm cho Chúa được hiển vinh. Nếu nhóm gia nhân giúp tiệc cưới Cana không nghe theo lời Mẹ căn dặn “Người bảo làm gì các anh hãy làm theo như thế” (Jn 2:5), tức tỏ ra không nhận biết và mến yêu Mẹ, thì Chúa Giêsu có thực hiện dấu lạ đầu tiên để tỏ mình ra cho các môn đệ của Người hay chăng (x Jn 2:11)?

 

Phải chăng chính vì không “nhận biết và yêu mến Mẹ” là một tạo vật thấp hèn hơn mình về bản tính mà con khủng long, qua thái độ chống đối Thiên Chúa, ở chỗ rình chực trước người nữ sắp sinh con để nuốt sống con trẻ, đã vĩnh viễn mất chỗ đứng đệ nhất của mình trên trời? (x Rev 12:4, 8).

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thời Đức Gioan Phaolô II, trong cuốn The Ratzinger Report (ấn bản Anh ngữ, Ignatius Press, 1985, trang 106), đã cho chúng ta thấy một lý do nữa trong việc chúng ta cần phải “nhận biết và yêu mến Mẹ”, như ngài nói, đó là:

 

Cần phải trở về với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn quay về với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo Hội’, và sự thật về con người“. Phải, cần phải trở về với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn trở lại với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo Hội’, và ‘sự thật về con người’ là những gì được Đức Gioan Phaolô II đề ra như một chương trình thực hiện cho toàn thể Kitô Giáo vào năm 1979, thời điểm ngài khai mạc hội đồng giám mục Mỹ Châu Latinh ở Puebla. Các vị giám mục đã đáp lại dự án này của vị Giáo Hoàng ấy bằng việc bao gồm trong các bản văn kiện đầu tiên (những văn kiện đã được một số người đọc một cách thiếu sót) ước muốn và mối quan tâm nhất trí của các vị, đó là: ‘Hơn bao giờ hết Mẹ Maria cần phải trở thành một khoa sư phạm để loan báo Phúc Âm cho con người ngày nay’”.

 

Vì nơi Mẹ phản ảnh tất cả những sự thật trọng yếu ấy. Tức là, con người chúng ta không thể sống đẹp lòng Thiên Chúa nếu chúng ta không sống như Mẹ, nếu chúng ta không sống với Mẹ và nhờ Mẹ. Quả thực, “‘Hơn bao giờ hết Mẹ Maria cần phải trở thành một khoa sư phạm để loan báo Phúc Âm cho con người ngày nay’”.

 

Như thế, “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới” là để con người càng ngày càng pro choice, càng bị choáng váng đảo điên với cuồng phong văn hóa sự chết, có thể biết đường mà về với Ngài, Con Đường Maria, một nữ tỳ Xin Vâng của Thiên Chúa (x Lk 1:38), một tạo vật thấp hèn nhận biết và ca tụng (Magnificat) tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài (x Lk 1:46-55).

 

Đó là lý do, ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria liên quan tới nhân loại hơn là Thiên Chúa, và dù có liên quan với Thiên Chúa thì cũng qui về loài người.

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria liên quan tới nhân loại. Nếu Trái Tim Đau Thương của Mẹ, được phác họa với một trái tim bị một lưỡi gươm đâm thâu, như lời vị tư tế lão thành Simêon tiên báo (x Lk 2:34), đau khổ bởi chính Chúa Giêsu Kitô khổ nạn và tử giá gây ra thế nào, thì  Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, như Mẹ Maria đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima lần đầu tiên thấy vào lần hiện ra thứ hai ngày 13/6/1917, bị cuốn một vòng gai, cũng chịu khổ đau bởi tội lỗi loài người thời đại gây ra như vậy. Ý nghĩa Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bị cuốn một vòng gai đã được hoàn toàn sáng tỏ khi Mẹ Maria cùng với Chúa Hài Đồng hiện ra với riêng chị Lucia ngày 10/12/1925 tại Thành Pontevedra nước Tây Ban Nha rồi cùng Chúa kêu gọi chị hãy làm việc đền tạ để rút những gai nhọn vô ơn và lộng ngôn hằng liên lỉ đâm vào Trái Tim Mẹ bởi thành phần vong ân bạc nghĩa.

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria dù có liên quan với Thiên Chúa thì cũng qui về loài người. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria liên quan tới Thiên Chúa, ở chỗ, nếu Ơn Vô Nhiễm là thực tại cho Ơn Cứu Độ trọn vẹn và tuyệt hảo của Thiên Chúa thì Trái Tim Mẹ là biểu hiện cho đức tin tuân phục đầy ơn phúc của Mẹ, của một tạo vật luôn đáp ứng tất cả mọi tác động thần linh của Thiên Chúa, tác động cựu độ của Thiên Chúa, bằng tâm tình Magnificat của Mẹ. Chính vì Mẹ Maria đã đáp ứng tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho Mẹ nơi Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, nhất là trong cuộc khổ nạn vô cùng đau thương ô nhục và tử giá bất lực của Người, qua hình ảnh Mẹ đứng kề bên thập giá Con Mẹ (x Jn 19:25), mà Mẹ đã chẳng những Đồng Công cứu chuộc loài người với Chúa Kitô, mà còn trở thành mô phạm cho thành phần môn đệ chứng nhân trung thực của Chúa Kitô Phục Sinh nữa.

 

Tước hiệu “Mẹ là Đức Bà Mân Côi” Mẹ Maria tự xưng ở Fatima vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917 đã gói ghém ý nghĩa Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ấy. Vì Kinh Mân Côi đươc kết cấu bởi hai phần, phần tâm nguyện liên quan tới Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Mầu Nhiệm Cứu Độ, và phần khẩu nguyện liên quan tới đức tin tuân phục đầy ơn phúc của Mẹ Maria trong việc Mẹ chấp nhận, đáp ứng và cộng tác vào công cuộc và mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Đó là lý do khi chúng ta “cầu kinh Mân Côi hằng ngày”, như lời Mẹ kêu gọi vào mỗi lần hiện ra trong cả 6 lần ở Fatima, là chúng ta chiêm ngưỡng và hoan hưởng tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Cứu Độ, nơi Chúa Kitô, bằng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, bằng đức tin tuân phục của Mẹ, bằng tâm tình Magnificat của Mẹ. Chính vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria dù có liên quan với Thiên Chúa thì cũng qui về loài người như thế mà, như Mẹ đã cho Thiếu Nhi Fatima Lucia biết “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đêán cùng Thiên Chúa”.

 

Lời Mẹ Maria nói riêng với Thiếu Nhi Fatima Lucia vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917 này có thể nói là lời Mẹ dẫn giải lý do tại sao “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên thế giới”, đặc biệt từ đầu thế kỷ 20, một thời đại thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn, nhất là từ hậu bán thế kỷ 20 và sang đầu thế kỷ 21.

 

Thực tế cho thấy chính vì Thiên Chúa quả thực muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, mà Ngài đã muốn toàn thể hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo, hiệp với vị thủ lãnh tối cao của mình là Đức Giáo Hoàng Rôma để hiến dâng Nước Nga là quốc gia bấy giờ đang dẫn đầu thế giới cộng sản, chống lại thế giới tư bản, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Cuối cùng, cho dù Nước Nga quả thực đã trở lại, đã từ bỏ chủ nghĩa và chế độ cộng sản ngày 25/12/1991, Mẹ vẫn chưa được thế giới nhận biết và yêu mến, trái lại, thế giới càng ngày càng tiến tới bờ vực thẳm tự diệt vong, vô cùng nguy hiểm và vô cùng đáng thương.

 

Thật vậy, “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4:24) đã tỏ mình ra cho chung nhân loại thế nào nơi “Lời hóa thành nhục thể” (Jn 1:14) là Chúa Giêsu Kitô, nhưng chỉ có một thiểu số mới được Con đặc biệt tỏ cho biết về Cha mà thôi (x Jn 17:6, 14:22; Lk 10:21-22; Mt 13:11). Cũng thế, dù Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, muốn thế giới nhận biết và yêu mến Mẹ, nhưng cũng chỉ có một thiểu số nào đó thực hiện được mà thôi, để nhờ họ, như men trong bột, thế giới sẽ nhận biết và yêu mến Mẹ.   

 

Đúng thế, nếu Chúa Kitô là “mầu nhiệm của Thiên Chúa” (Col 2:2) thì Mẹ Maria cũng là bí mật của Thiên Chúa, được Thánh Long Mộng Phố gọi là “Bí Mật Maria”, danh xưng của một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của ngài. Nếu Mẹ Maria là một bí mật Thần Linh thì cần phải được Thần Linh tỏ ra loài người mới biết được. Thực tế cho thấy, như trên đã nhận định, cho dù Bí Mật Maria có được tỏ ra đi nữa, cũng chỉ có một số nhỏ biết được và thấy được Bí Mật này mà thôi. Đó là lý do, vào lần hiện ra thứ hai 13/6, Mẹ chỉ tỏ cho riêng 3 Thiếu Nhi Fatima thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và nói với riêng Lucia là Thiếu Nhi Fatima ở lại thế gian lâu hơn rằn g: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa”.

 

Vâng, đối với Thiếu Nhi Fatima Lucia, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một trái tim nhức nhối đau thương bởi tội lỗi loài người được 3 Thiếu Nhi Fatima thấy bị quấn một vòng gai nhọn hằng liên lỉ đâm vào, quả thực là nơi nương náu cho em, không phải chỉ vì em phải ở lại thế gian lâu hơn (Phanxicô và Giaxinta) để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, mà vì em sẽ phải gánh chịu rất nhiều đau khổ bởi chính Biến Cố Fatima năm 1917, gây ra bởi nội bộ gia đình em cũng như bởi chính Cha xứ của em, cũng như bởi những đau khổ trục trặc trong sứ mệnh làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến sau đó nữa, khi em đã trở thành nữ tu Dòng Đôrôthêu.

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria chẳng những là nơi nương náu mà còn là đường dẫn đến với Thiên Chúa nữa. Ở chỗ, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trở thành mẫu gương đức tin tuân phục trọn hảo cho thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Nếu Mẹ được đầy ơn phúc, được nên một với Chúa, được nên giống Chúa nhất, không phải vì được Chúa ở cùng, được làm Mẹ Thiên Chúa, một người nữ có lòng dạ được cưu mang và vú cho Con Thiên Chúa bú (x Lk 11:27-28), mà còn nhờ Mẹ đã liên lỉ tin tưởng xin vâng (x Lk 1:45), trung thành đáp ứng mọi tác động thần linh nơi đời sống của Mẹ, cho đến khi đứng bên thập giá Chúa Kitô (x Jn 19:25), thì thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, muốn sống Chúa Kitô, muôán trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người, cũng phải có Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

 

Chính vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là nơi nương náu và là đường đến cùng Thiên Chúa như thế, một Trái Tim Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới, một Trái Tim Thiên Chúa muốn thế giới nhận biết và yêu mến, mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô, thành phần Tông Đồ Thánh Mẫu, cần phải tận hiến cho Mẹ Maria, như được Thánh Long Mộng Phố phác họa trong tác phẩm lừng danh của ngài là Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Một mẫu gương cho thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô, thành phần chứng nhân sống động của Người, đã sống đời tận hiến cho Mẹ Maria, đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng duy nhất trong lịch sử Giáo Hội đã lấy khẩu hiệu Thánh Mẫu cho giáo triều của mình: Totus Tuus, một khẩu hiệu được ngài cho biết chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm trên đây của Thánh Long Mộng Phố.

 

Trong cuốn “Tặng Ân Và Mầu Nhiệm” (ấn bản Anh Ngữ, 1996, trang 28-30), ngài tự thuật rằng:

 

“Khi tôi còn ở Cracow, Debniki, tôi đã gia nhập nhóm ‘Kinh Mân Côi Sống’ thuộc giáo xứ Thánh Salesiô. Tại đây, đặc biệt là lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ở Debrini, vào lúc ơn gọi linh mục đang triển nở trong tôi, thì, như tôi đã đề cập tới, chịu ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi đã đổi thay việc hiểu biết của mình về lòng tôn sùng Người Mẹ của Thiên Chúa. Tôi vốn đã thâm tín rằng Mẹ Maria là vị dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, thế nhưng, vào lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng Chúa Kitô dẫn chúng ta tới với Mẹ của Người nữa. Có dạo tôi đã bắt đầu đặt vấn đề về lòng tôn sùng Mẹ Maria, với ý nghĩ rằng, nếu lòng tôn sùng này trở nên quá trớn thì có thể dẫn tới chỗ làm loãng đi tính cách thượng tôn của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô. Bấy giờ, tôi đã được trợ giúp rất nhiều bởi một tác phẩm của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, tựa đề là Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ. Ở đó, tôi đã tìm thấy những giải đáp cho các vấn nạn của tôi. Phải, Mẹ Maria thực sự mang chúng ta lại gần hơn với Chúa Kitô; Mẹ thực sự dẫn chúng ta tới với Người, nếu chúng ta sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Kitô. Luận phẩm này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort có thể là một cái gì hơi chướng, vì kiểu cách đánh bóng và kỳ dị của nó, thế nhưng, không thể chối cãi được rằng nó chất chứa những chân lý thần học thiết yếu. Tác giả là một thần học gia nổi tiếng. Tư tưởng về khoa Thánh Mẫu Học của ngài được bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa…                                                                                                Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu này xuất phát từ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort. Nó là hai chữ viết tắt của toàn thể mẫu tận hiến cho Mẹ Thiên Chúa như thế này: Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi Tuum, Maria. Bởi thế, nhờ Thánh Louis, tôi đã bắt đầu khám phá ra những kho tàng dồi dào của lòng tôn sùng Thánh Mẫu theo các quan điểm mới…”

 

Trong Tông Thư đề ngày 8/12/2003 gửi Gia Đình các Hội Dòng do Thánh Long Mộng Phố thành lập, nhân dịp kỷ niệm 160 năm xuất bản tác phẩm Thánh mẫu thời danh của vị thánh này, một tác phẩm đã ảnh hưởng sâu xa đến lòng sùng kính Thánh Mẫu của mình, Đức Gioan Phaolô II đã dẫn giải thêm cho rõ về việc ngài chọn câu khẩu hiệu Thánh Mẫu Totus Tuus của ngài như sau:

 

“Từ khi được hạ sinh, nhất là vào những lúc khó khăn nhất của mình, Giáo Hội đã thiết tha chiêm ngưỡng biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô được Thánh Gioan đề cập tới, đó là: ‘Đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người, và chị của Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas, cùng với Maria Mai Đệ Liên. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ của mình và môn đệ Người yêu đứng gần thì Người nói với Mẹ mình rằng: Hỡi Bà, này là con của bà! Đoạn Người nói với người môn đệ rằng: Này là người mẹ của con! Và từ lúc đó người môn đệ ấy mang Người về nhà mình’ (Jn 19:25-27). Qua giòng lịch sử của mình, Dân Chúa đã cảm nghiệm được tặng ân này của Chúa Giêsu tử giá, đó là tặng ân Mẹ Người. Mẹ Maria Rất Thánh thực sự là Mẹ của chúng ta, vị đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến, tiến tới chỗ càng được hiệp nhất nên một hơn với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Trung Gian cứu độ duy nhất (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, các số 60, 62). Như đã quá rõ, cầu vai áo choàng giáo phẩm của tôi cho thấy một cách tượng trưng câu Phúc Âm được trích dẫn trên đây; câu khẩu hiệu Totus tuus là câu được gợi hứng bởi giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (cf. Gift and Mystery, pp. 42-43; Rosarium Virginis Mariae, n. 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Montfort đã viết như thế và ngài chuyển dịch sang ngôn từ của mình như sau: ‘Tất cả con là của Chúa, và tất cả những gì con có là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu rất dấu yêu, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa’ (Treatise on True Devotion, n. 233)”.

 

Đối với linh đạo Totus Tuus này của Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Trưởng Hồng Y Đoàn kiêm Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin, đã nhận định trong bài giảng cho lễ an táng ngài tại Quảng Trường Thánh Phêrô, một lễ an táng tràn đầy niềm vui hơn thương tiếc, với những tràng pháo tay vang rền và những lời hoan hô chúc tụng một vĩ nhân thế giới của Giáo Hội Công Giáo vừa vĩnh viễn nằm xuống, như sau: “Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 16/10/2005 về Ngày Kỷ Niệm Được Bầu Làm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một lần  nữa, cũng đã đề cập tới Linh Đạo Thánh Mẫu Totus Tuus của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của mình như sau: "Chúng ta có thể diễn tả Đức Gioan Phaolô II như là vị Giáo Hoàng hoàn toàn hiến thân cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria, như khẩu hiệu của ngài tỏ tường cho thấy: 'Totus tuus'".

 

Trong Bài Giảng Thánh Lễ ngày 25/3/2006, Lễ Mẹ Thai Lời, Đức Thánh Cha Biển Đức còn nhận định như sau:  "Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’. Trong linh đạo của ngài, cũng như trong thừa tác vụ liên lỉ của ngài, sự hiện diện của Mẹ Maria như là Người Mẹ và là Nữ Vương của Giáo Hội đã trở thành hiển nhiên trước mắt mọi người. Nhất là ngài đã quảng bá sự hiện diện từ mẫu của Mẹ nơi vụ ám sát ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Để tưởng nhớ biến cố bi thương này, ngài đã đặt một bức ảnh Đức Trinh Nữ bằng vi thạch ghép trên cao Tông Dinh Giáo Hoàng, nhìn xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, để hỗ trợ những giây phút chính yếu và diễn tiến hằng ngày cho giáo triều dài lâu của ngài".

 

Cuối cùng, vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu Totus Tuus của chúng ta, mô phạm cho thành phần Tông Đồ Fatima Thế Giới, đã vĩnh viễn ra đi vào chính ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, 2/4, áp lễ Chúa Tình Thương, Chúa Nhật II Phục Sinh 3/4/2005. Đối với ngài, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim được ngài đã hiến dâng Nước Nga, quả thực là đường đến cùng Thiên Chúa vậy!