“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”
Thoidiemmaria: Dưới đây là bài điếu văn của một người chồng tiếc thương người vợ qua đời của mình trong Thánh Lễ An Táng vào sáng Thứ Bảy 29/10/2005, ngày ở bên nhà xẩy ra hiện tượng Thánh Mẫu Châu Lệ Việt Nam. Về người quá cố, chính bản thân chúng tôi rất thân quen, và chứng thực rằng những gì được viết ra ở dưới đây đều rất chính xác. Ông không nói đến một số chi tiết đặc biệt khác nữa, đó là lời trăn trối của bà liên quan đến hậu sự cho bà: bà muốn được chôn táng trong một cái hòm rất thường, không sang trọng đắt tiền, và tất cả mọi tiền phúng điếu được sử dụng vào việc bác ái và truyền giáo. Chính tôi là người mang số tiền 1.500 Mỹ kim về Việt Nam vào đầu hè vừa rồi để biếu tặng cho các nơi cần, như Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt (nay thành Đại Chủng Viện Minh Hòa) lo việc huấn luyện chủng sinh, cho Trại Cùi Di Linh lo cho anh chị em bị phong xấu số, cho Dòng Khiết Tâm Bình Cang lo việc bác ái xã hội, cho nhà thờ ở Sapa rất ư là tang thương, cho nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội.
Trong lời phân ưu cuối lễ, đại diện cho hai đoàn thể khác nhau, tôi đã đề cập đến 3 điều: phân ưu, chúc mừng và cảm tạ.
Phân ưu cùng tang gia, cách riêng người chồng, vì ông chẳng những mất đi một người vợ về phần đời, mà còn mất đi một người chị thiêng liêng nữa, bởi chính ông nói với tôi tối hôm Thứ Năm 27/11 khi tôi đến viếng xác vợ ông rằng: “Tôi là một kẻ ngoại đạo. Nhờ bà ấy mà tôi mới có ngày hôm nay, biết mến Chúa yêu người v.v.”
|
Chúc mừng: vì chắc chắn bà đã được rỗi và sẽ được lên hưởng thánh nhan Chúa rất sớm, bởi bà đã đền tội 45 năm bằng bệnh tật của bà, đã không bao giờ buông cỗ tràng hạt, kể cả lúc hôn mê trong bệnh viện UCI ở Orange County hai tuần trước cũng không thể gỡ khỏi tay bà (phải chăng nhờ đó bà đã được chết vào chính ngày Thứ Bảy trong Tháng Mân Côi Mẹ?), đã kêu tên Giêsu Maria Giuse trước khi gục xuống tắt thở vào ngày Lễ Mẹ Mân Côi 7/10/2005 trong phòng cấp cứu ICU (sau được cứu sống), và bà đã chết như Đức Gioan Phaolô II (vào cùng năm 2005, cùng kiểu được đưa vào bệnh viện rồi về chết ở nhà, và chết vào chính ngày kỷ niệm đăng quang 27 năm của ngài 22/10).
Và cuối cùng là cảm tạ bà: vì bà đã hết sức tích cực ủng hộ cả về phần thiêng liêng lẫn vật chất cho hoạt động tông đồ giáo dân của hai nhóm chúng tôi, trong đó, người con gái út của bà, người viết những lời chia sẻ với tôi cuối bài viết này, là hoa trái sống động của gia sản sống đạo bà để lại cho chung gia đình bà là tin yêu phó thác chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa.
Sau đây là nguyên văn bài điếu văn của ông bố về cuộc đời và tinh thần sống đạo gương mẫu của vợ ông, và những lời của người con gái út liên quan tới hiện tượng lạ xẩy ra trong gia đình mà bà đã hết lòng chăm lo. Chúng tôi phổ biến bài điếu văn này vì nó rất thích hợp vớI Tháng Các Đẳng 2005 này và có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho người còn sống, vì có những người nghe xong bài điếu văn này, sau Lễ, đã cho tôi biết họ rất cảm động và cảm phục con người nằm xuống mà họ chưa bao giờ được gặp và chưa hề biết tới.
Kính thưa quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý vị trong các đoàn thể Công Giáo tiến hành, và các bạn hữu rất kính mến,
Hôm nay tôi thay mặt cho người vợ yêu quý nhất của đời tôi mà giờ đây đang nằm đây đã nỡ lìa xa cha con chúng tôi mà đành đoạn ra đi, để lại cho cha con chúng tôi và các cháu biết bao vô cùng nhớ thương thương tiếc. Đành rằng cuộc lữ hành nào cũng có điểm khởi hành và cũng phải có điểm kết thúc, con người ta sinh ly tử biệt là lẽ thường tình của trời đất, kẻ ra đi đã đi vào giấc ngủ ngàn thu, nhưng còn người ở lại làm sao quên đi được biết bao kỷ niệm mà gần nửa cuộc đời đã chung sống với nhau. Một cuộc hôn nhân trải dài 45 năm biết bao thương khó dậm trường, trèo non vượt suối, tù tội, cùng nhau hiệp lời cầu nguyện chống đỡ những trận cuồng phong, bão táp sóng dữ như muốn cuốn phăng trôi đi, thế mà gia đình nhỏ bé này đã được Chúa và Đức Mẹ gìn giữ cho chở dẫn dắt đến bến bờ tự do. Tưởng rằng rồi đây gia đình sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi, nhưng hôm nay nửa đường dứt gánh Bà đã nỡ lìa bỏ cha con chúng tôi ở lại để ra đi một mình.
Kính thưa quý Cha,
Kính thưa quý vị,
Hiến thê của tôi là Bà Maria PHẠM THỊ MÙI, nhũ danh là Thanh Gương, sinh ngày 20 tháng 11, năm 1931 tại Nam Định, Bắc Việt. Là một người con trong gia đình có 9 anh chị em, mà vợ của tôi là chị cả trong gia đình. Ông cụ thân sinh là cụ Phạm văn Giậu, sinh trưởng tại Nghệ An, hiện nay vẫn còn sống, thọ 98 tuổi. Mẹ là cụ Ngô thị Ca (đã qua đời năm 1969). Ông cụ là một công chức ngành Quan Thuế làm việc tại Sài Gòn cho đến khi về nghỉ hưu, rất là thanh liêm. Trước ngày lấy tôi, vợ tôi đã có ý định đi tu, nhưng ý Chúa chưa chọn, vì vậy khi còn ở nhà tập, nhà dòng đã cho đi dậy học một thời gian nhưng sức khỏe không được tốt nên đành trở về nhà. Sau khi lập gia đình với tôi, nhà tôi đã đi dạy học ở trường Aurore Rạng Đông một thời gian dài rồi thì vì công vụ tôi phải thuyên chuyển đi nơi xa nên từ đó chỉ lo việc nội trợ trong gia đình. Tuy thường hay đau ốm nhưng Chúa và Đức Mẹ thương vẫn ban cho được 5 người con, 2 trai 3 gái, các cháu nay đã lớn khôn và đã lập gia đình, gia đình có được 11 cháu nội ngoại.
Khi vợ tôi trong cơn hấp hốì, tôi gọi điện thoại về Việt-Nam để báo hung tin thì cậu em cho biết: Cha biết được tin anh báo cho biết Chị đã mất, Cha ngồi lặng thinh một lúc lâu rồi nói: “Tao còn ngồi đây mà nó nỡ bỏ tao đi sao? Thật đúng là: Lá vàng còn ở trên cành, mà lá xanh đã rụng làm Cụ đau lòng biết bao? Cụ hy vọng có một ngày sẽ được gặp lại người con yêu quý thì nay không còn nữa. Tôi thật xúc động thương cảm cho người Cha già khi hay hung tin con mất lại thương đến người vợ thân thương của tôi đang hiện diện trước Thánh Lễ tiển đưa hôm nay.
Từ ngày chúng tôi chung sống với nhau Chúa đã gửi Thánh giá đến cho vợ tôi. Vợ tôi bị một căn bệnh mà khi còn ở Việt-Nam cứ chạy chữa loanh quanh mà không sao dứt khỏi. Hầu như tất cả các bệnh viện từ Saigon, Chơ Lớn, Gia-Định cho đến Cao-nguyên Lâm-viên Đalat, Nha Trang đều đã trải qua, kể cả châm cứu, thuốc nam, thuốc bắc, nghe ai mách bảo có thầy hay thì đều đến để nhờ chưã trị. Cho đến khi vượt biên sang được Mã Lai và lúc chuyển ra bệnh viện ở Kuala Lumpur Bác sĩ mới khám phá ra đó là căn bệnh Myasthenia Gravis, thuộc về Neurology (tạm dịch là hệ thần kinh không xúc tác với các bắp thịt), và Bác sĩ cho biết căn bệnh nầy rất hiếm và cũng rất khó chữa. Trong suốt 45 năm dài nhận lãnh Tháng Giá Chúa trao, nhà tôi quyết một lòng làm của lễ hy sinh để dâng hiến trọn đờì mình cho Chúa, chấp nhận sự đau đớn không một lời oán than và luôn luôn trung thành với lời kêu xin: Xin Chúa cho con đủ sức chịu đựng để đón nhận mọi Thánh Giá Chúa trao hầu làm đẹp lòng Chúa.
Là một người Mẹ, người vợ thật tuyệt vời trong gia đình, thương chồng, thương con, thương cháu, lo lắng cho từng người, vỗ về yên ũi, là gạch nối trong đại gia đình khi có sự bất hòa, luôn luôn kêu gọi các con các cháu yêu thương nhau và đoàn kết, nhắc nhở các cháu cố gắng học hành, đừng bỏ lễ, nhất là các ngày lễ buộc lễ trọng. Mặc dầu ốm đau như vậy nhưng luôn luôn vẫn là tấm gương sáng trong gia đình. Lúc nào cũng có 2 hay 3 phong bì riêng đễ dành tiền tiết kiệm giúp đỡ các cơ sở từ thiện bên quê nhà, một hộp tiền cắc để giúp người phong cùi, luôn luôn nhắc nhở các con các cháu bớt xài phung phí để giúp kẻ khó nghèo, tham gia cầu nguyện trong các hội đoàn mặc dầu lúc sau nầy bịnh trầm trọng không đi ra ngoài được nữa nhưng lúc nào cũng liên lĩ cầu nguyện.
Tôi luôn thấy vợ tôi không bao giờ lìa xa chuỗi lần hạt mân côi, ngày cũng như đêm kể cả những khi sắp lâm chung. Đó là cuả ăn thiêng liêng cuả bà. Vợ tôi thường nói với tôi câu của Thánh Phanxicô Assissi: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Vì vậy sự chết là Phục sinh, vậy một mai khi Chuá gọi em về thì anh và các con các cháu đừng khóc mà hãy hát hoặc mở nhạc Thánh ca để tiển đưa Em về Nhà Cha.
Xin cám ơn quý Cha, quý cụ, quý ông bà, quý đoàn thể và toàn thể quý bạn bè thân hữu đã hiện diện trong Tang Lễ hôm nay để tiễn đưa người yêu quý nhất của đại gia đình chúng tôi sớm về nhà Cha trên trời.
Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn Maria. Amen.
Ngày 29 tháng 10, 2005
|
Sau một tuần, đứa con gái út của người quá cố đã nói với tôi rằng:
Mẹ em mà còn sống mà nghe bài điếu văn của ba chắc phải cười đến đứt ruột.
Anh Nghiêm có kể một đêm khoảng 2 giờ sáng còn đang thức khóc thì nghe tiếng lục đục ở phòng ngoài. Ảnh đi ra xem thì nhìn thấy mẹ đang ngồi trên ghế rocker, và thấy mấy lần. Anh ấy nói lúc đó có thể bị delusional thấy này thấy kia, chứ nằm mơ thì không phải, vì khi trở vào phòng thì chị dâu em còn thức.
Chị Đài thì nằm mơ thấy mẹ về, bay bay ở ngoài cửa sổ, vẻ mặt rất vui và cười rất tươi tắn, vẫn còn đang mặc chiếc áo nhà thương lúc chết. Mẹ đưa tay vào nắm lấy tay chị bóp mạnh. Chị ấy la toáng lên "mẹ về rồi", rồi chạy ra mở cửa thì mẹ đã đâu mất. Chị ấy kể giấc mơ y như thật, và khi tỉnh dậy thì thấy rất bình an.
Còn em thì biết chắc chắn ở đời này chẳng bao giờ được thấy mẹ nữa đâu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL