Cảm Nhận của Diễn Viên Hồi Giáo đóng phim
Cuộc Khổ Nạn Chúa Kitô;
và Cuốn Sách về Các Phép Lạ của Phim Khổ Nạn
Trong cuộc phỏng vấn ở Paris với ông Francois Vayne, giám đốc tờ Nguyệt San Lộ
Đức, diễn viên người Pháp duy nhất trong phim Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô do
đạo diễn kiêm tác giả Mel Gibson thực hiện là Abel Jafri, 38 tuổi, một người
Hồi Giáo gốc Tuareg. Với vai trò là thủ lãnh đám vệ binh đền thờ có trách
nhiệm đến bắt giam Chúa Giêsu, diễn viên này đã bày tỏ cảm nhận của mình về
cuốn phim này và trong thời gian tập dượt đóng phim như sau.
Vấn Ông Mel Gibson đã liên lạc với anh ra sao về việc đóng cuốn phim này?
Đáp Trong một cuộc lễ hội về phim ảnh ở Geneva, có một vị giám đốc Hoa Kỳ phụ trách việc tuyển diễn viên đã gọi điện thoại cho tôi biết rằng ông Mel Gibson muốn gặp tôi để xin tôi đóng một vai trong cuốn phim tới của ông ta.
Tôi đã đến Rôma để dự thính, vì ông Gibson muốn tuyển các diễn viên cho cuốn phim “Cuộc Khổ Nạn” mang một tầm vóc hoàn toàn có tính cách quốc tế. Được đồng ý của các diễn viên đóng phim, ông thích có cả các diễn viên thuộc các lãnh vực khác nữa, nhất là lãnh vực kịch trường, như trường hợp của tôi.
Trong những lần gặp gỡ đầu tiên của tôi với vị giám đốc này, chúng tôi đặc biệt đã nói về vấn đề sa mạc, vì ông ta hào hứng về miền đất quê hương bản xứ Algeria của tôi. Tôi có gia đình 11 đứa con; ông có 7 đứa. Điều này làm chúng tôi gần gữi nhau hơn.
Thế rồi chúng tôi dự tính cùng nhau đi tới khu làng của cha tôi là khu ốc đảo Alouef, và theo vết chân của Cha Charles de Foucauld, chúng tôi đến cả vùng Tamanrasset và Assekrem. Con người của Chúa (Cha Charles de Foucauld) đang trở thành hợp thời hiện nay, bởi thế, ông giám đốc Yves Boisset đã liên lạc với tôi về việc thực hiện một cuốn phim về đời sống của con người trong sa mạc ấy.
Vấn Cuốn phim Cuộc Khổ Nạn được phát âm bằng tiếng Aramic và Latinh. Anh đã sửa soạn đóng phim ra sao?
Đáp Sau cuộc phân phối các vai đóng phim, tôi đã trở lại Rôma để học phát âm tiếng Aramaic với các chuyên viên về ngôn ngữ này.
Chúng tôi đã học trong vòng mấy tháng, rồi chúng tôi thực hiện một cuộc đại tổng dượt chung, với các diễn viên đến từ tất cả các quốc gia, để làm quen với nhau. Ông Mel Gibson muốn chúng tôi phải làm sao rất xác thực và tự nhiên trong vai của chúng tôi, có thể ứng khẩu, như trong trường hợp 800 diễn viên ngoại lệ tiêu biểu cho đám quần chúng hô hoán bạo loạn.
Vấn Vai trò của anh đã làm cho anh cảm thấy có những tâm tưởng như thế nào?
Đáp Tôi là lãnh binh nhóm vệ quân đền thờ có phận sự dẫn nhóm này đến bắt giam Chúa Giêsu để lên án Người sau khi Người bị Giuđa phản nộp. Tôi đã vả mặt Chúa Giêsu, tôi đã hành hạ Người.
Điều làm tôi cảm kích nhất đó là nỗi đau thương về thể xác cũng như về luân lý của con người vô tội này. Như một cơn bão tố, cuộc bạo lực mù quáng và vô lý đã đánh Người ngã gục.
Ngày nay người ta tiếp tục chạy theo những phán đoán vội vàng, không suy nghĩ, vô lương tâm, bị lèo lái bởi áp lực của những phái nhóm muốn bênh vực cho các lợi lộc của riêng những phái nhóm ấy.
Vấn đề hiện nay trên thế giới có thể được tóm gọn ở câu hỏi này, đó là tại sao lại xẩy ra quá nhiều thù ghét như thế? Tại sao tình yêu lại không được mộ mến? Ở những xã hội tân tiến phát triển của chúng ta đây thì hình như vẫn có những phản ứng giống như 2 ngàn năm trước. Cuốn phim này muốn nói với chúng ta trực tiếp về thời điểm hiện đại.
Vấn Trong 5 tháng tập dượt đóng phim, bắt đầu từ mùa thu năm 2002, anh đã sống cảm nghiệm về nghệ thuật này ra sao?
Đáp Việc đóng phim diễn ra khó khăn, có những trục trặc về thời tiết khí hậu, nhưng tất cả chúng tôi đều bị thu hút vào câu truyện của Chúa Giêsu một cách đặc biệt, như là những chứng nhân của biến cố này vậy.
Việc bạo động của cuốn phim này là những gì phản ảnh cuộc bạo động trong tâm can con người. Tất cả chúng ta đều, ở một mức độ nào đó, đồng lõa với cái gian ác này, với mầu nhiệm của sự dữ, và nếu chúng ta ý thức được nó, sẽ chẳng bao giờ quá trễ để quay đầu trở lại, để yêu thương.
Chỉ có sức mạnh của yêu thương mới có thể chiến thắng cái vô lý mà thôi. Chúng ta có thể đoàn kết lại trong việc hành thiện để quyết tâm chiếu sáng tối tăm bằng các hành động thường nhật của chúng ta.
Vấn Anh là một người Hồi Giáo. Anh nghĩ sao về Chúa Giêsu?
Đáp Chúa Giêsu là của mọi người; Ngài là mô phạm cho tất cả mọi người; sứ điệp của Ngài vượt trên những giới hạn của các niềm tin.
Cuôc tranh luận về cuốn phim này cũng là một dấu hiệu tốt, vì cuộc tranh luận ấy chứng tỏ là Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gây nhức nhối cho chúng ta, như vào thời Người còn bước đi qua những nẻo đường Palestine. Tôi cảm thấy rất sung sướng được góp phần lần nữa vào cái hợp thời trong việc kêu gọi sống tình huynh đệ đại đồng.
Trong cuộc tập dượt đóng phim, tôi đã bị đám đông làm bị thương ở lưng và ở xương chân. Tôi đã bị đấm đá cùng một lúc với vai chính Jim Caviezel, và chúng tôi đã được đưa vào bệnh xá. Tôi đã bị bầm dập khắp nơi.
Bấy giờ tôi mới cảm thấy hơn nữa, thấm thía hơn nữa với những gì Chúa Giêsu phải chịu. Đó là một cảm nghiệm sâu xa, khó có thể diễn tả bằng lời nói.
Vấn Trong cuộc tập dượt đóng phim, điều gì đã đánh động anh nhất?
Đáp Chúng tôi đã được cô lập không còn liên lạc gì với thế giới bên ngoài, hoàn toàn chú trọng tới câu truyện đã qui tụ chúng tôi lại với nhau, làm việc 18 tiếng 1 ngày.
Ông Mel Gibson thường yêu cầu tôi ở bên cạnh ông ta; ông ta tin tưởng tôi. Vào các ngày Chúa Nhật, ông đã mời tôi ăn uống với ông cùng gia đình của ông; quả là một vinh dự.
Ông đã gửi con cái của ông trong năm ấy đến học Trường Mỹ ở Ý. Tôi cảm phục con người của ông ấy, lòng nhân ái sâu xa của ông và việc ông tỏ ra kính trọng con người.
Ông ta đã thực hành đức tin của ông ta. Ông không phải là một tay cực thủ hay cuống tín như một số người nghĩ tưởng. Ông là một con người đầy nhân hậu; một con người hiên ngang, sống niềm tin của mình, bất chấp miệng đời bình phẩm phê phán.
Vấn Theo anh thì tạii sao Giuđa lại phản bội Chúa Giêsu? Động lực nào đã đưa đến việc phạn nộp này?
Đáp Tiền bạc và hành động gian ác luôn đầu độc đời sống con người. Ngày nay quyền lực về tiền bạc dồi dào đang sát phạt trái đất và nhân loại của chúng ta. Đây là lúc cần phải quan tâm đến tình trạng lan tràn gây thiệt hại này cũng như cần phải sát cánh với nhau để thay đổi tình trạng ấy.
Đức hiền lành của Chúa Giêsu là những gì mở đường cho thấy tương lai. Vẫn còn có thể thực hiện được một cuộc phục sinh nếu chúng ta cùng nhau chứng tỏ cho thấy lòng can trường chúng ta và việc chúng ta chăm sóc người khác.
Vấn Có câu nói nào trong cuốn phim anh cho rằng có thể tóm gọn sứ điệp của Chúa Giêsu hay chăng?
Đáp Việc bạo động của cuốn phim này có ý nghĩa của nó. Nó làm cho chúng ta phải suy nghĩ, khác với tính cách bạo động mù quáng thường hiện lên màn ảnh trong ngày.
Làm sao chúng ta có thể dửng dưng được trước lời Chúa Giêsu nói trên cây thập tự giá, khi Ngài thưa cùng Thiên Chúa rằng: “Xin thứ tha cho họ”? Nơi những lời này, Ngài đã cống hiến cho chúng ta chìa khóa hạnh phúc và bình an. Tất cả đều được bộc lộ nơi việc thứ tha này.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Ba
27/4/2004
Cuốn Sách về “Những Phép Lạ của Phim Cuộc Tử Nạn”
Cuốn sách mới xuất bản ở Ý, với nhan đề trên đây, của Giancarlo Padula, do LER,
Piccoloa, Opera della Redenzione xuấn bản 7/2004, đã cho biết cuốn phim Cuộc Khổ
Nạn đã làm biến đổi nhiều tâm hồn. Zenit đã phỏng vấn vị phóng viên tác giả 51
tuổi này về “những phép lạ” ấy và phổ biến ngày 14/7/2004 như sau:
Vấn: Làm sao ông lại quyết định xuất bản một cuốn sách
khác về “Cuộc Khổ Nạn”, sau 4 tháng viết cuốn “Những Bí Mật về ‘Cuộc Khổ Nạn
Chúa Kitô’?”
Đáp: Cuốn trước nhắm vào khía cạnh về thần học và
thiêng liêng; về mầu nhiệm của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải chịu đựng
cuộc khổ đau khủng khiếp để có thể cứu độ từng người chúng ta cũng như toàn thể
nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Nó là một cuốn sách tập trung vào Chúa Kitô,
song cũng khảo sát một số khía cạnh về công việc của Gibson.
Cuốn “Các Phép Lạ của Phim Cuộc Khổ Nạn” hoàn toàn khác hẳn. Nó là một bản tường
trình có tính cách phóng viên thời sự về những tác dụng khắp nơi trên thế giới
qua việc trình chiếu cuốn phim này. Nó chất chứa cuộc nói chuyện về các cuộc trở
lại, về các phép lạ thực sự, tức cuộc trở lại tự bản chất là một phép lạ, về các
biến cố, những trường hợp, những nhận định, những phản ứng.
Vấn: Cuốn sách này đã kể lại những phép lạ nào?
Đáp: Phép lạ vĩ đại nhất Chúa có thể làm nơi một người
không phải chỉ là việc chữa lành về thể lý hay thiêng liêng mà trước hết là một
cuộc hoán cải: chẳng hạn một con người hết sức vô thần đã chấp nhận Chúa Kitô và
ơn cứu độ; một con người sát nhân chai đá ở Texas đã thống hối nộp mình cho cảnh
sát; một tay khủng bố ở Oslo đã thú tội về những cuộc tấn công gây ra; một em
gái người Mỹ chết trong bồn tắm nhưng đã hồi sinh một cách lạ lùng khi cha của
em công bố những lời của tiên tri Isaia được cuốn phim này sử dụng: “các ngươi
được chữa lành bởi những thương tích của Người”.
Cũng có cả những sự lạ xẩy ra cho một trong những người thực hiện cuốn phim ấy,
một người bị sát đánh hai lần.
Vấn: Theo ý của ông thì phải chăng những lời nhận định
tích cực qua mặt những lời bình phẩm chê bai?
Đáp: Chắc chắn là như thế rồi, những gì tích cực thì
dồi dào. Nói chung, khắp thế giới, bao gồm cả ở những quốc gia Hồi Giáo, dĩ
nhiên là với những điểm khác nhau, cuốn phim của Mel Gibson đã được công nhận là
một công trình vĩ đại về nghệ thuật và niềm tin.
Công việc nghệ thuật này đã mang lại nơi nhiều người những đổi thay cuộc sống
thực sự. Đó là dấu hiệu cho thấy ý Chúa muốn, như Lời Chúa quá rõ ràng và không
thể sai lầm về vấn đề này: “Cứ xem hoa trái của họ mà các con nhận biết họ”, như
Phúc Âm Thánh Mathêu, Marcô và Luca đã nhấn mạnh.
Những hình thức nghệ thuật này, đặc biệt là những nghệ thuật về thị giác và âm
nhạc, là những phương tiện lạc quan và là những hỗ trợ cho việc Tân Truỳ6n Bá
Phúc Âm Hóa, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh.
Vấn: Ngoài ra còn những tình tiết đặc biệt nào khác
nữa trong tác phẩm này hay chăng?
Đáp: Ngoài những gì được đề cập tới đã được nhắc đến
trong cuốn sách, tôi có thể nói tới cuộc hoán cải của một người vô thần, khi
nghe người con gái kể lại những gì cô rất cảm xúc về cuốn phim, đã đích thân đi
xem và sau cuốn phim đã khóc bằng cả tấm lòng đớn đau.
Vấn: Riêng bản thân ông, ông đã phản ứng ra sao
về cuốn phim này?
Đáp: Tôi được mời xem cuốn phim ấy trước khi nó
được trình chiếu ở các rạp chiếu bóng. Bấy giờ vẫn còn chưa đầy đủ hết mọi hình
ảnh. Tôi không cảm thấy bị xác động trước cảnh bạo lực, cảnh bạo lực thực sự đi
kèm theo những biến cố xẩy ra, mà là bởi cử chỉ hiền lành và tinh thần của diễn
viên đương đầu trước cơn sóng bạo động đổ xuống trên Người Con của Thiên Chúa
muốn giải cứu con người khỏi tội lỗi.
Tôi cảm thấy rùng mình trước bàn tay đóng đanh của Gibson . Nó cũng là bàn tay
của tôi mỗi lần tôi vấp phạm tội lỗi.