"giòng sông chảy nước ban sự sống"

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Phần Hai

"Nước Ban Sự Sống": Đức Tin

 

 

18. Mô Phạm Đức Tin: Đức Maria

 

 

Nếu Mạc Khải là việc "Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài" (Heb.1:2) thì "Lời đã hố thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn.1:14) là "tất cả sự thật" (Jn.16:13) Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người chúng ta biết. Bởi thế, ai có "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy chân lý" (Jn.1:14), "Đấng tỏ Cha ra" (Jn.1:18) này là có "tất cả sự thật", tức có tất cả những gì "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của hữu thể Cha" (Heb.1:3). Mà ai trong cả nhân loại nói riêng và toàn thể tạo vật nói chung, kể cả các thiên thần, có Con Thiên Chúa bằng Đấng được miệng lưỡi đầy Thánh Linh chúc tụng "Người có phúc vì đã tin những lời của Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện" (Lk.1:45).

 

Và nếu Mạc Khải là việc Thiên Chúa tỏ ra yêu thương nhân loại chúng ta, qua việc Ngài "yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài để ai tin Con thì không phải chết song được sự sống đời đời" (Jn.3:16), thì ai có "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng" (Jn.1:14), Đấng là chính "sự sống đời đời hằng ở nơi Cha đã trở nên hữu hình cho chúng ta" (1Jn.1:2) này "là có sự sống" (1Jn.5:12), cho bằng vị Trinh Nữ đã được sứ thần Thiên Chúa kính chào "đầy ơn phúc" (Lk.1:28) và báo tin "sẽ thụ thai và hạ sinh... Con Đấng Tối Cao" (Lk.1:31,32).

 

Như thế, tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Người Nữ tự nhận và chúc tụng "Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm những sự trọng đại" (Lk.1:49) cho mình là Mẹ Maria ở đây là tình trạng và mức độ đầy "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14). Căn cứ vào thời điểm của lời sứ thần chào kính, Mẹ Maria thực sự đã đầy "Người Con duy nhất đến từ Cha" trước khi Mẹ được "thụ thai và hạ sinh... Con Đấng Tối Cao".

 

Tuy nhiên, vì là một tạo vật thuần túy, tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ không giống như và không phải là tình trạng và mức độ "đầy ân sủng" theo bản tính của Lời nhập thể, Con Mẹ. Thế nhưng, cũng không phải vì thế mà tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" nơi Mẹ Maria chỉ "đầy" khi Mẹ bắt đầu thụ thai Lời nhập thể, mà là ngay giây phút Mẹ được đầu thai, một tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" cũng không phải một khi đã được bắt đầu từ giây phút đầu thai như thế sẽ không còn có thể "đầy" hơn được nữa.

 

Sau đây là phần trình bày về Mẹ Maria: Mô Phạm Đức Tin, một Đức Tin Ân Phúc và là một Đức Tin Cứu Độ. Cũng giống như các phần khác trong cuốn sách này, thể thức trình bày mỗi vấn đề sẽ theo thứ tự như sau:

1- Xác Tín vấn đề (giáo lý).

2- Mạc Khải vấn đề (Lời Chúa).

3- Nhận Thức vấn đề (diễn giải).

 

 

XXXVIII- Đức Maria: Đức Tin Ân Phúc

 

 

Xác Tín 42          

 

 

                Mẹ Maria là Mô Phạm Đức Tin vì Mẹ có một Đức Tin Ân Phúc, ở chỗ, Mẹ luôn lắng nghe lời Chúa và giữ lời của Ngài, được gieo vào lòng Mẹ là một mảnh đất hết sức phì nhiêu và mầu mỡ, như một Hạt Giống Thần Linh đã trổ sinh hoa trái gấp trăm.

 

 

 

Mạc Khải

 

"'Phúc cho lòng đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú'. Người (Chúa Giêsu) đáp: 'Phúc hơn cho kẻ nghe lời của Thiên Chúa và giữ lấy lời của Ngài'" (Lk.11:28).

               

 

Nhận Thức

 

 

Đúng thế, như trang 358 đã nhận định, không phải chỉ vào lúc được thụ thai Con Đấng Tối Cao Mẹ Maria mới được "đầy ơn phúc", như lời sứ thần kính chào Mẹ trong ngày truyền tin Lời nhập thể cho Mẹ. Trái lại, Mẹ đã được "đầy ơn phúc" ngay từ giây phút vừa đầu thai trong lòng mẹ của mình.

 

Không phải hay sao, nếu "Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống đời đời này ở nơi Con của Ngài. Ai có Con là có sự sống, ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống" (1Jn.5:11-12), thì ngay từ khi vừa được đầu thai trong lòng mẹ mình, Mẹ Maria mà không "có" "Đức Kitô, Con Thiên Chúa" (Mt.16:16) tức khắc thì Mẹ đã bị ở trong sự chết như "tất cả mọi người" (Rm.3:23), nghĩa là Mẹ đã bị ở trong tình trạng được sinh bởi "cha mình là ma qủi... tên sát nhân ngay từ ban đầu" (Jn.8:44). Chẳng lẽ Lời nhập thể là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa (x.Jn.1:1) lại được thụ thai và hạ sinh bởi một người mẹ là "giòng dõi" (Gen.3:15) của "con cựu xà" (Rev.12:9) thì làm sao có thể "tỏ mình ra để phá hủy các công việc của ma qủi" (1Jn.3:8) được.

 

Bởi thế, Mẹ Maria phải được hưởng trước công ơn cứu chuộc của "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Jn.1:14), khi Mẹ được Thiên Chúa ban cho đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ giây phút thoạt đầu thai trong lòng mẹ mình. Bởi "có" Chúa Kitô ngay từ giây phút vừa đầu thai trong lòng mẹ mình như thế mà Mẹ Maria đã "có" sự sống đời đời, nghĩa là trở thành một tạo vật đầu tiên đã "được tái sinh bởi trên cao" (Jn.3:3). Và cũng chính vì là một tạo vật đầu tiên "được tái sinh từ trên cao" khi Lời chưa hố thành nhục thể mà Mẹ phải nhận được "sự sống đời đời" ở một mức độ trọn vẹn nhất và "đầy" nhất, nghĩa là Mẹ phải "có" Con Thiên Chúa hoàn toàn, hay phải "có" "đầy" Chúa Kitô, "quả phúc của lòng Mẹ" (Lk.1:42).

 

Nói rằng Mẹ Maria được "đầy" Chúa Kitô, "đầy" sự sống đời đời ngay từ giây phút thoạt đầu thai trong lòng mẹ của mình, thì không có nghĩa là "sự sống đời đời" nơi Mẹ từ đó không còn "hơn" được nữa, và Chúa Kitô nơi Mẹ không cần lớn lên trong Mẹ nữa. Bởi vì, mức độ và tình trạng đầy sự sống đời đời, đầy Chúa Kitô của Mẹ ngay từ giây phút thoạt đầu thai trong lòng thai mẫu của Mẹ này mới chỉ là mức độ và tình trạng "đầy ơn phúc" được hưởng trước của Mẹ mà thôi, nghĩa là đầy tất cả những gì Thiên Chúa đã và đang  ban cho Mẹ, và về phần Mẹ, mức độ và tình trạng "đầy" này cứ tăng lên theo đà Thiên Chúa sẽ tỏ mình cho Mẹ.

 

Bởi thế, nơi trường hợp của Mẹ Maria, tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ được hiểu về phía Thiên Chúa và về phía Mẹ Maria. Về phía Thiên Chúa, Ngài đã ban tất cả bản thân Ngài là chính Con Ngài cho Mẹ, và về phía Mẹ, Mẹ cũng đã "chấp nhận" (Jn.1:12) Ngài như Ngài ban cho, không khi nào và không mất đi một chút nào, đúng như lời mẹ của thai nhi Gioan Tiền Hô đã nói: "Phúc cho chị vì đã tin rằng những lời Chúa nói cũng chị sẽ được thực hiện" (Lk.1:45).

 

Mà việc Thiên Chúa ban Con Ngài cho Mẹ đây là gì, khi Mẹ chưa chính thức được thụ thai Con Ngài trong cung lòng toàn trinh của Mẹ, nếu không phải là Ngài đã hoàn toàn tỏ mình ra cho Mẹ, tức đã mạc khải cho một mình Mẹ "tất cả sự thật" (Jn.16:13). Nói như thế không có nghĩa là Mẹ Maria đã hoàn toàn thấu triệt "tất cả sự thật" được Thiên Chúa tỏ ra cho Mẹ ngay từ giây phút đầu thai trong lòng thai mẫu, vì sau này, lúc Mẹ tìm thấy Hài Nhi Giêsu trong đền thánh Gia-Liêm qua 3 ngày lạc mất, Mẹ cũng không hiểu lời Con Mẹ nói với Mẹ và thánh Giuse bấy giờ (x.Lk.2:50). Đó là lý do cho thấy rằng tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ Maria là một tình trạng và mức độ cứ "đầy đặn" và không bao giờ vơi, ở chỗ, về phía Thiên Chúa, Ngài luôn luôn tỏ mình ra cho Mẹ cho đến khi Mẹ có thể biết được "tất cả sự thật", hay cho đến khi Ngài tỏ hết mình ra cho Mẹ, và về phía Mẹ, Mẹ hằng liên lỉ không bao giờ thôi lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa từng li từng tí (x.Lk.11:28), bằng cách Mẹ luôn luôn có một thái độ tỉnh thức để suy niệm trong lòng tất cả những gì xẩy ra cho Mẹ hay liên quan đến cuộc đời của Mẹ (x.Lk.2:19,3:51).

 

Thật ra Thiên Chúa không chỉ tỏ cho một mình Mẹ Maria biết "tất cả sự thật" mà thôi, Ngài còn tỏ "tất cả sự thật" là Lời nhập thể và nơi Chúa Giêsu Kitô cho chung loài người biết nữa. Thế nhưng, vì Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, tức không bị ngăn trở gì trước Mạc Khải Thần Linh là "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Jn.1:5), do đó, chỉ có một mình Mẹ trong cả loài người mới được "đầy ơn phúc", mới "có phúc hơn mọi người nữ" (Lk.42). Mẹ Maria "có phúc hơn mọi người nữ" ở đây có thể hiểu là Mẹ "có phúc hơn" tất cả mọi tạo vật nói chung và loài người nói riêng, vì "người nữ" ở đây nói lên thân phận đích thực của tạo vật cũng như của loài người được Thiên Chúa dựng nên để Ngài có thể thông ban sự sống của Ngài cho họ là chính mạc khải của Ngài, như người chồng thiết tha yêu thương bạn mình (x.Is.54:5' Hos.2:18). Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội được Thiên Chúa ban riêng cho này, Mẹ Maria nhờ đó mới có thể hoàn toàn phản ánh "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5).

Đó là lý do cuốn Hận Thù Quyết Thắng ở trang 410 đã nhận định: "Có thể nói Thiên Chúa ban cho Mẹ Maria đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là để Ngài có thể hoàn toàn tỏ mình Ngài ra cho chung tạo vật qua con người của Mẹ. Bởi đó, nơi Mẹ Maria, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là tấm gương thần linh phản ảnh 'Thiên Chúa là Thần Linh' (Jn.4:24), là khả năng siêu nhiên để Mẹ có thể 'nhận biết và chấp nhận' (Jn.1:10,11) mạc khải của Ngài. Thế nên Mẹ Maria tỏ ra 'có phúc vì đã tin' (Lk.1:45), đến nỗi, cả thân xác của Mẹ được 'thụ thai và hạ sinh' (Lk.1:31) 'Lời đã hố thành nhục thể' (Jn.1:14)".

 

Như thế phải chăng hai nguyên tổ trước khi sa ngã phạm tội cũng đã được đầy ơn phúc như Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội? Không sai, khi còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, hai nguyên tổ cũng được đầy ơn phúc. Tuy nhiên, tình trạng và mức độ đầy ơn phúc ngay từ ban đầu nơi nguyên tổ loài người so với tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" nơi Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội hoàn toàn khác nhau. Bởi vì tình trạng và mức độ đầy ơn phúc nơi nguyên tổ loài người ngay từ ban đầu là tình trạng và mức độ của một thứ ánh sáng phát ra từ một cây đèn còn đầy dầu, trong khi tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" nơi Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội khi Mẹ vừa đầu thai trong lòng thai mẫu là tình trạng và mức độ của ánh sáng bình minh, một thứ "ánh sáng thật chiếu soi cho tất cả mọi người (sẽ) đến trong thế gian" (Jn.1:9), tức là một thứ ánh sáng phát quang từ "Mặt Trời công chính sẽ mọc lên" (Mal.3:20) là Chúa Giêsu Kitô.

 

Vậy, nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5) không thể nào không tỏa sáng, tức không thể nào không tỏ mình ra, không mạc khải chính mình, và một khi đã tỏ mình ra, đã mạc khải chính mình, thì Thiên Chúa sẽ mạc khải, sẽ tỏ mình ra hết cỡ, chứ không chỉ tỏ một phần mình. Cũng thế, nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn.4:8,16) không thể nào không yêu, và một khi đã yêu thì phải "yêu cho đến cùng" (Jn.13:1), yêu cho đến giọt máu cuối cùng, cho đến khi "máu cùng nước chảy ra" (Jn.19:34), chứ không phải chỉ yêu một chút hay yêu một lúc. Bằng chứng là "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình" (Jn.3:16), Đấng là tất cả bản thân Ngài (x.Heb.1:3), là tất cả những gì Ngài muốn nói với tạo vật (x.Heb.1:2), tức là tất cả mạc khải Ngài muốn tỏ ra cho tạo vật biết nơi nhân tính loài người của Con Ngài.

 

Như thế tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" nơi Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là tình trạng và mức độ của một "sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10) tình trạng và mức độ đầy ơn phúc nơi nguyên tổ ngay từ ban đầu. Chính vì tình trạng và mức độ chưa trọn đầy ơn phúc nơi nguyên tổ, mà "Thiên Chúa là ánh sáng" đã lợi dụng việc sa ngã của nguyên tổ để "chiếu soi trong tăm tối", bằng việc "Lời hố thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn.1:14), mà thông ban Sự Sống Thần Linh của Ngài "cho chiên được sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10). Và chỉ khi nào "sự sống viên mãn hơn" này được trọn vẹn thông ban, "Thiên Chúa là tình yêu" mới hoàn toàn thỏa nguyện, "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn.4:24) mới thấy tương xứng với bản tính của Ngài, và "Thiên Chúa là ánh sáng" mới được tỏ hiện qua dự án của Ngài (x.Eph.1:5,10) nơi "mầu nhiệm Chúa Kitô" (Eph.3:4).

 

Thế nhưng, không phải vì được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội thì Mẹ Maria "đầy ơn phúc" ngay từ lúc vừa đầu thai trong lòng thai mẫu sẽ không bao giờ còn có thể phạm tội được nữa, nghĩa là không bao giờ còn có thể làm giảm đi mức độ "đầy ơn phúc" của mình nữa. Trái lại, càng đầy lại càng dễ tràn và đổ ra ngoài thế nào, thì tình trạng và mức độ đầy ơn phúc của nguyên tổ loài người đã xẩy ra đúng như vậy. Không phải hay sao, ngay từ ban đầu, với bản tính còn hết sức tốt lành, hết sức ngây thơ trong trắng, hoàn toàn không biết đến tội lỗi là gì, thế mà nguyên tổ loài người, với tự do Thiên Chúa ban cho để có thể nhận biết và yêu mến Ngài là Đấng đã dựng nên họ theo hình ảnh và tương tự như Ngài (x.Gn.1:26-27), cũng đã phạm tội được, chỉ vì họ muốn tự động lên bằng Thiên Chúa (x.Gn.3:5-6), tức đã làm nghiêng lệch trật tự Thiên Chúa đã an bài, nên cũng làm đổ mất tình trạng và mức độ đầy ơn phúc của mình ngay từ ban đầu.

 

Trường hợp của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng thế. Nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, về phương diện tích cực, Mẹ đã nhận biết Thiên Chúa ngay từ khi vừa được thụ thai trong lòng thai mẫu, và về phương diện tiêu cực, Mẹ không có đam mê nhục dục, tức không bị phần hạ lấn át và chi phối phần thượng như nơi tất cả mọi người sinh ra trên thế gian bị quyền lực sự chết thống trị. Tuy nhiên, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ vẫn không giữ Mẹ khỏi mọi cám dỗ, mà trái lại, đặc ân này càng làm cớ cho Mẹ bị cám dỗ nhiều hơn nữa bởi "Satan là tên cám dỗ cả thế gian" (Rev.12:9), ở chỗ hắn có thể cám dỗ Mẹ kiêu căng đưa mình lên và khinh người khác vì họ không "có phúc" như Mẹ, "được ơn nghĩa với Thiên Chúa" (Lk.1:30) như Mẹ, được thụ thai và sinh hạ Con Đấng Tối Cao như Mẹ. Với tự do sẵn có, Mẹ cũng có thể "sa chước cám dỗ" (Mt.6:13) trong việc đưa mình lên, như con khổng long hay Evà.

 

Thế nhưng, trong suốt cuộc đời trần gian của mình, Mẹ Maria đã không bao giờ làm hao hụt đi một chút nào tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ. Trái lại, Mẹ đã sống tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ và làm cho nó càng ngày càng "viên mãn hơn" (Jn.10:10), chẳng khác gì như ánh sáng càng lúc càng nóng nẩy hơn, càng rực rỡ hơn, từ lúc bình minh cho đến chính ngọ. Bởi thế Mẹ Maria đã được Thánh Kinh Cựu Ước ngỡ ngàng chiêm ngưỡng thấy: "đang tiến lên như rạng đông... rực rỡ như mặt trời" (Sgs.6:10), và trong Thánh Kinh Tân Ước Mẹ "như một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên không trung... mặc áo mặt trời" (Rev.12:1).

 

Và Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã sống tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ cho đến tuyệt đỉnh của cấp trật ân sủng, đến được tận biên giới của Thần Tính Thiên Chúa như thế nào, nếu không phải Mẹ đã sống bằng một tinh thần đức tin của một tôi tớ xin vâng (x.Lk.1:38), một tinh thần được Mẹ diễn tả trong ca vịnh "Ngợi Khen" tuyệt vời của Mẹ, đó là tinh thần kính sợ Thiên Chúa (x.Lk.1:50) trong nỗi hèn mọn của mình (x.Lk.1:52) và không khao khát gì hơn là Đấng cứu chuộc của mình (x.Lk.1:53,47).

 

Với tinh thần đức tin là tôi tớ xin vâng này, Mẹ Maria chẳng những đã bù đắp lại "những ý nghĩ kiêu căng" (Lk.1:51) và ham hố lăng loàn (x.Lk.1:52-53) của Evà cũng như Satan  đã tỏ ra ngay từ ban đầu, Mẹ còn thực hiện được cả giấc mộng lên bằng Thiên Chúa của Evà nữa, khi Mẹ trở thành con đường thông thương để Thiên Chúa từ Mẹ đến với loài người cũng như với "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:16). Như thế, tinh trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ là tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" cho "tất cả mọi tạo vật" nữa vậy.

 

 

XXXIX- Đức Maria: Đức Tin Cứu Độ

 

 

Xác Tín 43          

 

 

                Mẹ Maria là Mô Phạm Đức Tin vì Mẹ chẳng những có Đức Tin Ân Phúc, Mẹ còn có cả một Đức Tin Cứu Độ nữa, ở chỗ, Lời nhập thể là Đức Kitô, Con Mẹ, chẳng những được Mẹ cưu mang và hạ sinh vào thế gian về thể lý mà còn được Mẹ cưu mang và hạ sinh cho loài người một cách thần linh nữa.

 

 

 

Mạc Khải

 

                "Ai làm theo ý Cha trên trời của Tôi là anh chị em và là Mẹ đối với Tôi" (Mt.12:50)

                "Thấy mẹ mình đứng đó (kề bên thập giá) cùng với người môn đệ Người thương, Chúa Giêsu nói với Mẹ Người rằng: 'Này bà, đấy là đứa con của bà'. Đoạn nói cùng người môn đệ rằng: 'Người Mẹ của con đó'" (Jn.19:26-27).

               

 

 

Nhận Thức

 

Nếu tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" nơi Mẹ Maria  hoàn toàn phản ánh trung thực "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn.1:5), "là tình yêu" (1Jn.4:8,16), "là Thần Linh" (Jn.4:24), Đấng muốn tỏ mình cho "tất cả mọi tạo vật" nói chung và cho con người nói riêng, thì đức tin của Mẹ phải là một đức tin chân thực nhất, tuyệt đối nhất, và tinh tuyền nhất. Bởi thế, Mẹ Maria "đầy ơn phúc" chẳng những là một trinh nữ hoàn toàn trong trắng về thể lý trước con mắt thế gian, Mẹ còn là một trinh nữ hoàn toàn tinh tuyền về tu đức trước Thánh Nhan Thiên Chúa nữa. Mẹ Maria đã chứng thực vai trò trinh nữ lưỡng diện này của Mẹ khi Mẹ trình bày cùng sứ thần Ga-Biên đến truyền tin Lời nhập thể cho Mẹ rằng: "Tôi không hề biết đến nam nhân" (Lk.1:34).

 

Phải, Mẹ Maria "không hề biết đến nam nhân" tức là, về thể lý, Mẹ vốn giữ mình đồng trinh, dù Mẹ đã đính hôn với thánh Giuse (x.Lk.1:27), và về tu đức, Mẹ chỉ biết đến Thiên Chúa qua việc Mẹ gắn bó tuân giữ tất cả những gì Ngài truyền dạy, điển hình nhất là qua "lời sứ thần truyền" (Lk.1:38). Việc Mẹ Maria liên lỉ trung thành tuân giữ tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy đây chẳng những nói lên lòng yêu mến của Mẹ đối với "Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho (Mẹ) những sự trọng đại" (Lk.1:49), mà còn nói lên đức tin của Mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng một cách hết sức tương xứng tất cả những tác động Thần Linh, tức tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho Mẹ và nơi Mẹ.

Chính vì đức tin tuyệt đối vào "những gì Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện" (Lk.1:45) này mà Mẹ Maria đã cưu mang Con Thiên Chúa, "Đấng tỏ Cha ra" (Jn.1:18) đồng thời cũng là chính mạc khải của Cha, trong linh hồn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, ngay từ khi Mẹ vừa đầu thai làm người, tức ngay cả trước khi Mẹ chính thức được thụ thai Người trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ. Phải, nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa là chủ ruộng gieo vào linh hồn Mẹ Lời của Ngài như một Hạt Giống Thần Linh cần phải được nẩy mầm và mọc lên để sinh muôn vàn hoa trái gấp trăm. Và Hạt Giống Thần Linh là Lời "hằng ở nơi Cha" (Jn.1:18) "được gieo vào mảnh đất tốt" (Mt.13:8) là Maria "đầy ơn phúc" này đã thực sự phát triển và nẩy sinh được "quả phúc của lòng (Mẹ)" (Lk.1:45) "là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian" (Jn.11:27).

 

Tuy nhiên, không phải vì đã thực sự "được thụ thai và sinh hạ... Con Đấng Tối Cao" (Lk.1:31-32), hay là khi "sự sống hằng ở nơi Cha đã trở nên hữu hình" (1Jn.1:2) như thế với Mẹ để làm con của mình mà Mẹ Maria không còn cần đức tin nữa, tức không còn phải sống đức tin nữa. Trái lại, để được thụ thai và hạ sinh Con Đấng Tối Cao Mẹ Maria phải có một đức tin tinh tuyền thế nào thì để sống với Người, Mẹ càng phải có một đức tin tuyệt đối như vậy. Bằng không, vào một lúc nào đó, Mẹ cũng có thể hồ nghi không biết con mình sinh ra có phải là Con Thiên Chúa thực sự hay không? Chẳng hạn như trường hợp Mẹ thấy Con Thiên Chúa, cũng là Con của Mẹ, khi lên 12 tuổi đã tỏ ra thái độ khác thường, ở chỗ, cố ý ở lại đền thờ 3 ngày mà không xin phép trước hay ít là báo cho cha mẹ biết ngay bằng cách nào đó, để "cha mẹ buồn khổ tìm con" (Lk.2:48).

 

Đức tin của Mẹ Maria còn bị thử thách hơn nữa khi Con của Mẹ tỏ ra hoàn toàn bất lực hơn bao giờ hết và hơn ai hết trong việc không thể "xuống khỏi thập giá" (Mk.15:30), "cứu được những người khác mà không thể cứu được mình" (Mk.15:31), như Người bị nhóm dân chúng và các thượng tế thách thức và chế nhạo. Thế nhưng, vì tình trạng và mức độ "đầy ơn phúc" của Mẹ không bao giờ bị hao hụt một chút nào, tức là Mẹ đã trung thành với Thiên Chúa trong hết mọi sự và trong tất cả mọi lúc, do đó, không như "tất cả (các môn đệ) đã bỏ Người mà tẩu thốt" (Mk.14:50), Mẹ vẫn theo sát và gắn bó với Con Mẹ cho đến khi "đừng kề bên thập giá" (Jn.19:25) của Người, nơi mà Mẹ đã chính thức được Con Mẹ trao quyền làm mẹ thiêng liêng của Gioan (x.Jn.19:26), người môn đệ Người yêu, biểu hiệu cho Giáo Hội nhiệm thể của Người.

 

Nếu trước khi tắt thở, Chúa Giêsu trao môn đệ Người yêu là tông đồ Gioan, vị tông đồ là biểu hiệu và là đại diện cho Giáo Hội hiền thê của Người bấy giờ, thì không phải hay sao, Người muốn cho riêng Gioan cũng như cho chung Giáo Hội của Người biết rằng Mẹ Maria đã sinh ra họ dưới cây thập giá của Người, bằng đức tin "đầy ơn phúc" của Mẹ.

 

Thật ra, Giáo Hội đã được cứu chuộc bởi Chúa Kitô chứ không phải bởi Mẹ Maria, nghĩa là Giáo Hội "được sự sống và được sự sống viên mãn hơn" (Jn.10:10) chính thức và trực tiếp từ Vị Mục Tử Tối Cao nhân lành của mình là Chúa Kitô, Đấng "tự hiến cho họ được thánh hố trong chân lý" (Jn.17:19), chứ không phải từ Mẹ Maria, một con người cũng được thừa hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, dù được thừa hưởng trước Giáo Hội. Thế nhưng, Đấng Cứu Thế của Giáo Hội này lại là người con thực sự của Mẹ Maria, và giá máu để Người có thể tự hiến cho Giáo Hội là do từ đức tin tinh tuyền của Mẹ Maria đáp ứng lời Chúa mà có. Bởi thế, theo đường lối vô cùng khôn ngoan trọn lành của Thiên Chúa, công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô không phải chỉ có một mình Người thực hiện, mà là có cả sự cộng tác của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nữa.

 

Nếu mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Chúa Kitô là mô thể chính yếu làm nên Ơn Cứu Độ, thì đức tin tuyệt đối của Mẹ Maria trong ngày truyền tin cho đến khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu chính là chất thể thiết yếu để Người thực hiện Ơn Cứu Độ. Và nếu Chúa Kitô là "sự sống" (Jn.11:25,14:6' 1Jn.1:2) được Thiên Chúa ban cho nhân loại nói riêng và cho "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15) nói chung, thì linh hồn Vô Nhiễm Nguyên Tội và cung dạ Trinh Nguyên của Mẹ Maria chính là thửa ruộng được Thiên Chúa chôn giấu kho tàng (x.Mt.13:44) sự sống vô cùng qúi giá này của Ngài.

 

Thật vậy, Mẹ Maria đã thụ thai và hạ sinh Con Đấng Tối Cao về thể lý thế nào, Mẹ cũng thụ thai và hạ sinh Người cách thiêng liêng như vậy. Bởi vì, nếu ai làm theo ý Cha trên trời là mẹ cưu mang và hạ sinh Chúa Kitô cách thiêng liêng (x.Mt.12:50), thì còn ai xứng đáng cưu mang và hạ sinh Chúa Kitô cách thiêng liêng bằng Mẹ Maria, Đấng đã hằng liên lỉ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa (x.Lk.11:28), Đấng có phúc vì đã tin vào lời Thiên Chúa sẽ được thực hiện (x.Lk.1:45), cho đến khi đứng bên thập giá Chúa Giêsu, Con Mẹ.

 

Như thế, việc Mẹ Maria cưu mang và hạ sinh Chúa Kitô cách thiêng liêng cho riêng Giáo Hội cũng như cho chung nhân loại dưới chân thập giá Chúa Giêsu là do đức tin của Mẹ tuyệt đối gắn bó với Người cho đến cùng, hơn là do quyền linh thánh hố như ở nơi Giáo Hội, một quyền linh được Chúa Kitô ban cho các thánh Tông Đồ (x.Jn.20:22-23' Mt.28:18-20), cũng như cho các vị được các ngài đặt tay truyền chức thánh, để các đấng có thể nhân danh Chúa Kitô và đóng vai Chúa Kitô mà rao giảng tin mừng và ban các phép Bí Tích, nhất là phép rửa tái sinh cho những ai tiếp nhận tin mừng của Người do các đấng rao giảng để được cứu rỗi (x.Mk.16:15-16).

 

Mang thân phận người nữ, Mẹ Maria không có chức thánh để làm thừa tác viên ơn cứu chuộc như các Thánh Tông Đồ và các vị linh mục, nhờ đó, như các ngài, Mẹ có thể tái sinh Chúa Kitô nơi các linh hồn bằng việc rao giảng tin mừng, cũng như có thể hạ sinh các linh hồn trong Chúa Kitô bằng việc ban phép rửa cho họ. Tuy nhiên, ơn cứu chuộc mà các Thánh Tông Đồ cùng các vị tư tế thừa tác ban phát qua các bí tích có được là do Mẹ Maria đã đồng công cứu chuộc với Chúa Kitô bằng đức tin tuyệt đối xin vâng của Mẹ.

 

Bởi thế, con cái được Giáo Hội sinh ra trong Chúa Kitô bằng quyền linh thánh hố của Giáo Hội cũng là con cái của Mẹ Maria, Đấng đã cưu mang Chúa Kitô trong linh hồn Vô Nhiễm Nguyên Tội của mình trước khi chính thức thụ thai và hạ sinh Người theo thể lý thế nào, cũng là Đấng, trước khi họ được chính thức tái sinh nhờ Bí Tích Rửa Tội, đã cưu mang họ trong Chúa Kitô như vậy, ngay từ lúc Mẹ được đầu thai làm người cho đến khi Mẹ đứng kề bên thập giá Chúa Kitô. Trong ý định của Đấng tiền định cho những ai được làm nghĩa tử của Ngài trong Đức Kitô (x.Eph.1:5) thì Mẹ Maria đã là Mẹ của họ bằng đức tin cứu độ của Mẹ.

 

Mẹ Maria chẳng những là Mẹ của Kitô hữu mà còn là Mẹ của cả Giáo Hội Chúa Kitô nữa. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội trong Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21-11-1964 như sau: "Maria Mẹ của Giáo Hội, nghĩa là Mẹ của toàn Dân Chúa, của cả giáo dân cũng như các Vị Mục Tử. Bởi thế Đức Trinh Nữ phải được tất cả dân Kitô giáo tôn kính và kêu cầu bằng tước hiệu này". Theo Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, một hiến chế được công bố ngày 21-11-1964, ở chương 8, đoạn 53, Mẹ Maria cũng chỉ là một trong những chi thể của Giáo Hội. Tuy nhiên, Công Đồng đã công nhận Mẹ là một "phần thể siêu đẳng" trong Giáo Hội, và "Giáo Hội Công Giáo được Chúa Thánh Linh dạy tôn kính Người bằng tình con thảo sùng mộ như là một người mẹ yêu dấu nhất của mình".

 

Thật vậy, Mẹ Maria cũng chỉ là một phần thể trong Giáo Hội, vì Mẹ cũng nhận lãnh ơn cứu chuộc từ cùng một Đầu của Giáo Hội là Chúa Kitô. Thế nhưng, Mẹ lại là một "phần thể siêu đẳng" của Giáo Hội, vì Mẹ đã được hưởng trước ơn cứu độ này một cách trọn đầy nhất và đã là một phần thể gương mẫu cho riêng Kitô hữu cũng như cho chung Giáo Hội về vai trò trinh nữ và làm mẹ. Nếu Mẹ Maria có thể vừa là con của Thiên Chúa và là Mẹ Thiên Chúa thế nào, thì Người cũng có thể vừa là phần thể của Giáo Hội vừa là Mẹ của Giáo Hội như vậy.

 

Tuy nhiên, Mẹ là Mẹ của Giáo Hội không phải vì Mẹ chỉ là gương mẫu cho Giáo Hội về đức tin, mà chính nhờ đức tin "đầy ơn phúc" của mình, một đức tin đã hoàn toàn phản ảnh tất cả những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chung nhân loại cũng như riêng Giáo Hội, một mạc khải đã "viên trọn" (Jn.19:30) trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô trên thập giá, nơi Mẹ đứng kề bên, Mẹ còn thực sự thụ thai, cưu mang và hạ sinh Giáo Hội một cách thiêng liêng nữa, như Mẹ đã thực sự thụ thai và hạ sinh Con Đấng Tối Cao là Chúa Giêsu Kitô về thể lý vậy. Trong loạt bài Giáo Lý về Mẹ Maria, bài 63, vào các ngày thứ tư hằng tuần, ngày 17-9-1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã diễn giải mối liên hệ Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội theo Tân Ước như sau:

 

"Từ Ngày Truyền Tin, Mẹ Maria đã được kêu gọi để đồng ý với việc thiết lập vương quốc thiên sai là vương quốc sẽ hiện thực bằng cuộc hình thành của Giáo Hội. Ở Cana, khi Mẹ Maria xin Con thực thi quyền năng thiên sai của Ngài, Mẹ đã thực hiện một đóng góp cần thiết trong việc gieo mầm đức tin vào cộng đồng tiên khởi các môn đệ, và Mẹ đã cộng tác trong việc xướng suất nên vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc có 'mầm mống' và 'khởi sự' nơi Giáo Hội (x.Lumen Gentium, 5). Trên Canvê, Mẹ Maria đã hiệp nhất chính mình với hy sinh của Con Mẹ và đã thực hiện một đóng góp từ mẫu của mình vào công cuộc cứu độ, một công cuộc mặc hình thức tập hợp tất cả những ai tản mác các nơi lại thành con cái của Thiên Chúa (x.Jn.11:52), chứng tỏ việc sinh ra của Giáo Hội như hoa trái của hy sinh cứu độ mà Mẹ Maria đã hợp tác với tính cách là một người mẹ. Thánh Ký Luca đề cập đến việc hiện diện của Mẹ Chúa Giêsu trong cộng đoàn đầu tiên ở Gia-Liêm (x.Acts 1:14). Như thế, mặc dầu không có rõ ràng về mặt chữ nghĩa, thánh ký cũng muốn nhấn mạnh đến tính cách làm mẹ của Mẹ Maria trong công cuộc của Chúa Kitô và vì thế trong cả công cuộc của Giáo Hội nữa. Theo thánh Irênêô, Mẹ Maria 'đã trở nên nguồn mạch cứu độ cho toàn thể giòng giống loài người'... Điều này được vang vọng nơi lời thánh Ambrôsiô: 'Một Trinh Nữ đã sinh hạ ơn cứu độ cho thế giới, một Trinh Nữ đã ban sự sống cho tất cả mọi sự', và các vị Giáo Phụ khác gọi Mẹ Maria là 'Mẹ ơn cứu rỗi'". (L'Ósevatore Romano, bản Anh Ngữ, số 39, 24-9-1997). 

 

 

 

 

INDEX