Chúa Nhật

Ngày 23/4: Thánh George (? – 305)

Truyện kể rằng thánh nhân đã đả thương một con rồng,

Một con rồng làm dân Cappadocia kinh sợ đến phải lấy người tế nó.

Ngài đã mang nó về cho dân và dân đã hứa trở về Kitô giáo nếu nó bị giết.

Con rồng đã bị chết và dân chúng đã trở lại.

Là quan thày của Nước Anh…

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH



BÀI ĐỌC I: Act 4:32-35

“Họ đồng tâm nhất trí”
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu của họ.

Lời của Chúa.


Đáp Ca: (Xin mời Cộng đoàn thưa)

Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.

1.      Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Đức từ bi của Người muôn thuở”.

2.      Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa, Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

3.      Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng tôi. Đây là ngày Chúa đã thực hiện, nên chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.


BÀI ĐỌC II: Joan 5:1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu nầy chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con Cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là Người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Lời của Chúa.


(Xin mời Cộng đoàn đứng)
Alleluia, alleluia. — Chúa phán: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. — Alleluia.


PHÚC ÂM: Joan 20:19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười Hai Tông Đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách nầy. Nhưng các điều nầy đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Phúc Âm của Chúa.

 


SUY NIỆM

 

 

Chỉ có Trẻ Nhỏ mới có thể đi vào cốt lõi của Tin Mừng Phục Sinh

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh, dù khác nhau ở các bài đọc 1 và 2, cũng có cùng bài Phúc Âm, bài Phúc Âm theo Thánh Ký Gioan, bài Phúc Âm thuật lại biến cố 8 ngày sau là chính thời điểm của Ngày Chúa Nhật Thứ Hai sau Chúa Nhật Phục Sinh này. Nếu bài Phúc Âm, nhất là ở phần thứ hai, trình thuật lại việc Chúa Kitô tám ngày sau tỏ cho riêng tông đồ Tôma thấy những dấu vết tử giá của Người nhờ đó đã làm cho vị tông đồ này tin tưởng thế nào, thì bài đọc thứ hai theo Thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến đức tin như vậy, một đức tin vào Chúa Giêsu là Đức Kitô để được Thiên Chúa tái sinh, và là một đức tin làm cho con người nhờ đó chiến thắng thế gian, vì họ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến bởi nước và máu. Còn bài đọc thứ nhất theo Sách Tông Vụ cho thấy lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô đây của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi được tỏ ra nơi việc họ tin tưởng Giáo Hội, tin tưởng vào thành phần đại diện cho Giáo Hội là các vị tông đồ, bằng cách dâng hiến tất cả mọi sự của riêng mình cho các vị để các vị tùy nghi phân phối theo nhu cầu của một cộng đồng hiệp thông hoàn toàn chỉ biết “đồng tâm nhất trí” với nhau.

 

Tuy nhiên, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh này, từ ngày Chị Nữ Tu Faustina được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 30/4/2000, cũng là chính ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, đã trở thành Ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, như được Giáo Hội qua Bộ Phụng Tự Và Bí Tích chính thức tuyên bố vào ngày 5/5/2000. Đó là lý do chúng ta thấy đức tin thần linh, đức tin Kitô Giáo (faith) ở đây không phải thuần túy chỉ là một đức tin (belief) theo thần học, theo tín điều, tức chỉ tin theo những khoản được liệt kê trong Kinh Tin Kính, như tin Thiên Chúa hiện hữu, tin Ngài đã nhập thể, tử giá và phục sinh nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô v.v., mà còn là và chính là tin tưởng (trust) vào lòng thương xót Chúa nữa. Nếu Kitô hữu chúng ta chỉ tin Thiên Chúa theo các khoản của Kinh Tin Kính thì ma quỉ và thành phần đã đời đời trầm luân hư đi cũng tin nhận như vậy, cũng biết có Thiên Chúa, Đấng “đã yêu thế gian đến ban Con Một Ngài để những ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống trường sinh” (Jn 3:16). Đó là lý do chúng ta thấy, như ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói với Mai Đệ Liên trong Phúc Âm Thánh Gioan về “Cha của Thày cũng là Cha của các con, Thiên Chúa của Thày cũng là Thiên Chúa của các con” (Jn 20:17), Tin Mừng Phục Sinh không phải chỉ là tin mừng về Chúa Kitô sống lại, mà còn là tin mừng con người được cứu độ, được hiệp thông với Thiên Chúa, được tái sinh trở thành con cái của Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận Tin Mừng Phục Sinh không phải chúng ta chỉ tin rằng Chúa Kitô đã sống lại, mà còn tin rằng Người đã sống lại vì chúng ta (x 1Cor 15:13,15-16; Rm 4:25).

 

Bởi thế, chấp nhận Tin Mừng Phục Sinh thực ra chính là tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, là chấp nhận tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng chẳng những đến với con người bằng cả nước, máu và Thần Linh (x 1Jn 5:6-8): bằng nước là nhập thể, bằng máu là tử giá, nhất là bằng Thần Linh sau khi Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết, để con người có thể nhờ Thần Linh của Đấng Phục Sinh nhận biết Ngài và yêu mến Ngài, đáp lại tình yêu nhân hậu của Ngài. Đó là lý do, theo Phúc Âm Thánh Ký Gioan và Luca, tin mừng phục sinh chính là tin mừng về lòng thương xót Chúa: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì tội họ được tha…” (Jn 20:22-23); “Như có lời chép Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và sống lại vào ngày thứ ba. Nhân danh Người, lòng thống hối để được xá tội phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước” (Lk 24:46-47). Đó cũng là lý do, theo tiến trình tu đức và cảm nghiệm sống đạo, Thiên Chúa luôn tỏ mình cho con người nói chung, nhất là Kitô hữu, để, với đức tin (faith) đã được lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, họ tin tưởng (trust) vào Ngài hơn trong mọi nơi và mọi lúc, nhất là những khi gặp thử thách và trái ý, nhờ đó, họ mới có thể hoàn toàn nên giống Đức Giêsu Kitô Con Yêu Dấu đẹp lòng Ngài mọi bề (x Mt 3:17; 17:5). Và cũng chỉ khi nào con người Kitô hữu hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, họ mới thực sự và trọn vẹn hoan hưởng mối hiệp thông thần linh mà họ đã được ban cho khi họ trở nên con cái Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, nghĩa là họ mới cảm thấy Thiên Chúa và mới được Ngài bao chiếm bằng một đức ái trọn hảo, một đức ái khiến họ dám hy sinh tận tuyệt cho tha nhân.

 

Nếu “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16), một cảm nhận thần linh, một xác tín thần học cũng là một lời tuyên xưng đức tin của “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu” (Jn 13:23; 19:26; 21:20), thì tình yêu chính là bản tính của Thiên Chúa, tức nếu không phải là tình yêu thì Thiên Chúa không còn là hay không phải là Thiên Chúa nữa, mà có thể là một hung thần, một bạo chúa, một quỉ vương v.v. Bởi vì, với quyền năng tuyệt đối trong tay, vị thiên chúa không phải là tình yêu này sẽ tác hành ra sao, nếu không phải dương oai tác quái, động một tí là sát phạt liền, như thực tế cho thấy nơi trường hợp của các bạo chúa trong lịch sử loài người từ trước tới nay. Ngược lại, nếu quả thực “Thiên Chúa là tình yêu” thì Thiên Chúa chẳng những là Đấng toàn năng mà còn là Đấng toàn thiện nữa. Vì “tình yêu” bao gồm cả hai phẩm tính toàn năng và toàn thiện của Đệ Nhất Hữu Thể là Thiên Chúa. Về phẩm tính “toàn năng” của “tình yêu”, con người đã chẳng cảm nghiệm và cho rằng “tình yêu” mạnh hơn sự chết là gì. Về phẩm tính “toàn thiện” của “tình yêu”, con người cũng đã chẳng thấy rằng chỉ khi nào họ có “tình yêu” hay có đức ái trọn hảo họ mới có thể hy sinh xả kỷ và rộng lượng thứ tha hay sao, đến nỗi, họ có thể hy sinh mạng sống cho tha nhân? Nếu “toàn thiện” cho thấy một “tình yêu” có thể thắng vượt sự dữ nơi đối tượng yêu và dám chết cho đối tượng yêu như thế thì “toàn thiện” bao gồm cả phẩm tính “toàn năng”, và “toàn thiện” đây có tính cách “nhân hậu”. Vậy, nếu “Thiên Chúa là tình yêu”, một tình yêu “toàn thiện”, thì “tình yêu” “toàn thiện” này phải là và chính là “tình yêu” “nhân hậu”. Và khi Thiên Chúa tỏ mình ra, tỏ bản tính thần linh của mình ra, chính là Thiên Chúa tỏ tình yêu nhân hậu của Ngài ra cho con người hèn yếu và tội lỗi.

 

Đúng thế, nếu Chúa Giêsu Kitô “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), và là “hiện thân đích thực của bản thể Cha” (Heb 1:3), thì Người chính là tình yêu nhân hậu Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người. Và nếu Chúa Kitô đến là “để tỏ Cha ra” (Jn 1:18) thì Người đến là để tỏ cho con người biết tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng “đã chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta ở chỗ đang khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5:8), tức Ngài “đã không tiếc Con Một Ngài song đã trao nộp Người vì chúng ta” (Rm 8:32). Vị Thiên Chúa Làm Người là Chúa Giêsu Kitô đã bày tỏ tình yêu nhân hậu của một Vị “Thiên Chúa là thần linh” (Jn 4:24) đến nỗi “Người đã yêu những ai thuộc về mình thì yêu cho đến cùng” (Jn 13:1), yêu đến “thí mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11), vì mỗi một con chiên (x Lk 15:4-7), bằng cả một tấm lòng rộng lượng bao dung tha thứ, chẳng những đối với những đứa con phung phá (x Lk 15:11-32), mà còn đối với cả thành phần ác tâm, được Người cho là vô tình, đóng đanh tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa nữa (x Lk 23:34).

 

Thế nhưng, đối với kẻ mạnh, với thành phần người lớn thì dấu hiệu tột đỉnh của tình yêu nhân hậu được bộc lộ nơi tử giá là một thảm bại, bởi vì, theo lý luận thuần nhân, họ không thể nào hiểu được và chấp nhận được một vị Thiên Chúa toàn năng mà lại không thể nào xuống khỏi thập giá. Bởi vậy, tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa không phải là Bí Mật Nước Trời mà chỉ có những kẻ nào bé mọn nhất mới thấu biết và cảm nhận hay sao (x Lk 10:21)?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

 

THIÊN CHÚA TÌNH THƯƠNG

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8). Nhưng dường như tình yêu của Ngài – chính Ngài - không đủ sức thu hút và hấp dẫn con người. Điều này được chứng minh bằng chính những gì đang xẩy ra chung quanh cuộc sống, trong sinh hoạt xã hội, và Giáo Hội.

 

- SINH HOẠT XÃ HỘI:

 

Đành rằng những tệ đoan xã hội luôn có đó và xẩy ra trong mọi sinh hoạt của xã hội và của mọi nền văn hóa. Trộm cướp, giết người, đĩ điếm, gian dối, lường gạt, thù hận... là những sinh hoạt mặt trái của xã hội. Sinh hoạt của xã hội đen, của những người mà sự công bằng xã hội, đạo đức xã hội không thích hợp với những suy tư và lối sống của họ.

 

Nhưng những tệ đoan xã hội ngày nay mang nhiều sắc thái khác thường hơn, ảnh hưởng do những trào lưu tư tưởng, tâm lý sống và những đổi mới của xã hội. Ngoài những lỗi phạm thường thấy như vừa nêu trên, con người ngày nay đang phạm vào những lỗi lầm hết sức trầm trọng có khả năng làm sụp đổ nền móng xã hội. Nó biến xã hội thành một nơi mà sự an toàn, và nền luân lý, đạo đức bị đảo lộn tận gốc rễ. Những tệ đoan ấy bao gồm: Ly dị, phá thai, đồng tính, và hôn nhân đồng tính. Có thể nói đây là 4 căn bệnh xã hội của thời đại chúng ta, có tác dụng nguy hiểm và tàn phá hơn bom nguyên tử, bệnh AIDS, hoặc những chứng ung thư.

 

Lực đối kháng này còn trở thành mạnh mẽ đến nỗi nhận chìm tiếng nói lương tri của nhiều người. Những cuộc biểu tình, những cuộc xuống đường rầm rộ đây đó nhằm đòi quyền ly dị, quyền tự do phá thai, quyền hôn nhân đồng tính không những thu hút được nhiều người, mà trong số đó có cả những giáo phẩm, giáo sỹ, những chính trị gia tham dự nữa. Một hình thức nào đó, con người ngày nay đang chính-trị-hoá, tôn-giáo-hoá hành động ly dị, phá thai, đồng tính và hôn nhân đồng tính.

 

 - SINH HOẠT GIÁO HỘI:

 

Giáo Hội đã làm gì và đã có những biện pháp hữu hiệu nào nhằm giúp con người đứng vững trước sức mạnh công phá của những căn bệnh xã hội như vừa nêu trên.

 

Trước hết chúng ta phải thâm tín rằng Giáo Hội luôn luôn thánh thiện, tuy nhiên sự thánh thiện ấy cũng phần nào bị lu mờ và bị tổn thương do những hành động của một số thành phần trong Giáo Hội.

 

Thực tế cho thấy Giáo Hội một mặt cố giúp giải quyết những tệ trạng xã hội nhằm đem lại cho con người niềm tin để sống. Nhưng mặt khác, nhiều phần tử của Giáo Hội lại tiếp tay với Satan và đồ đệ của hắn làm méo mó bộ mặt của Giáo Hội, khiến Giáo Hội mất đi sức thu hút, và vẻ thánh thiện.

 

Giáo Hội Hoa Kỳ cho đến nay vẫn đang gồng mình trả hàng tỷ đô-la cho những trường hợp lạm dụng tình dục của một số giáo phẩm và linh mục.

 

Giáo Hội Ba Lan đang phải trả lời với các tín hữu mình và cả thế giới về 10% tổng số các linh mục hoạt động cho Cộng Sản trong thời gian Cộng Sản nắm chính quyền tại quốc gia này.

 

Quyền lực và dục vọng đã làm cho nhiều giáo phẩm và giáo sỹ mất đi tính linh thánh của ơn gọi mình, và trở thành thù địch của Tin Mừng mà chính họ rao giảng.

 

Riêng Giáo Hội Việt Nam qua những tiếng đồn đãi, than van, xem như cũng đang dính dấp vào cả 2 những lỗi lầm mà Giáo Hội Hoa Kỳ và Giáo Hội Ba Lan đã và đang vấp phải.  

 

- THẾ GIỚI HÔM NAY:

 

Đi vào những sinh hoạt chính trị của các quốc gia trên thế giới, chúng ta cũng thấy rằng, thế giới mà chúng ta đang sống thực sự không còn là nơi đem lại cho con người hạnh phúc, an toàn, và là phần đất hứa nữa. Ngược lại, thế giới này đang bị đe dọa, tấn công về mọi mặt.

 

Ô nhiễm môi trường. Nhân quyền bị lạm dụng, chà đạp, và khống chế. Xuống đường, biểu tình, chống đối, và khủng bố, bạo loạn khắp nơi.

 

Tất cả hệ quả trên đã cho thấy sự vắng bóng của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì sự thiếu vắng tình yêu, mà tình yêu chỉ được trao ban từ nơi Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Đấng đã đổ đến giọt máu cuối cùng vì yêu thương nhân loại. Đấng mà “dù có người mẹ nào quên con mình,” thì Ngài “cũng không quên con người và từng người” chúng ta được. Và cũng là Đấng đã dám nói và dám làm: “Không ai có tình yêu cao quí hơn kẻ thí mạng mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).    

 

- TÌNH YÊU THIÊN CHÚA:

 

Vậy đã đến lúc nhân loại phải tôn kính tình yêu của Thiên Chúa. Phải đón nhận và đặt đời mình và mọi sinh hoạt của mình trong tình yêu thương ấy.

 

Tình yêu Thiên Chúa như thế nào thì các Kitô hữu và những ai chăm chỉ đọc và suy niệm Thánh Kinh đều nhận thấy rõ điều này. Đó là một tình yêu tuy rất cao vời, khôn ví, nhưng cũng lại rất gần gũi và thấm nhập vào đời sống của con người. Và vì thế, tuy gọi là tình yêu Thiên Chúa nhưng nó lại rất dễ cảm, dễ hiểu và dễ chấp nhận nếu như chúng ta không dùng trí óc của mình để phân tích tình yêu này, mà dùng con tim của mình để cảm nhận.

 

1. Quan tâm đến tình yêu Thiên Chúa: Tuy vẫn biết Thiên Chúa yêu mình, nhưng dường như con người vẫn thờ ơ và xa dời tình yêu ấy. Thật vậy, trong sinh hoạt thường ngày của con người, và ngay cả sinh hoạt tôn giáo, chúng ta ít khi đề cao giá trị tình yêu của Thiên Chúa trong tâm tình tôn thờ, yêu mến, và cảm ơn.

 

Dường như hầu hết những lần chúng ta đến với Ngài, ngay cả trong các thánh lễ Chúa Nhật cũng là đến với thái độ bắt buộc và miễn cưỡng. Sợ không tham dự thánh lễ sẽ có tội. Mà có tội thì phải sa địa ngục. Và vì thế, những hành động tôn giáo của chúng ta mang nhiều hình thức lễ nghi, bên ngoài, hoặc chú trọng vào việc đề cao uy quyền của Thiên Chúa, hơn là dẫn dắt con người tìm về và nhìn vào tâm tình của một Thiên Chúa đầy tình yêu, người cha nhân lành để yêu mến. Chúng ta thấy nào là Giáo Luật, nào là luân lý thần học, nào là tu đức học, nào là lễ nghi. Tất cả như rào đón, như răn đe, hoặc như cảnh cáo. Ngay cả việc suy diễn và cảm nhận Thánh Kinh, nhiều khi chúng ta cũng vẫn được nghe nói về bộ mặt công thẳng, uy nghiêm, và phẫn nộ của Thiên Chúa, hơn là sự thu hút và hấp dẫn yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bị hiểu lầm. Tình yêu Ngài đã bị cắt nghĩa lệch lạc, và hướng dẫn sai lầm.  

 

Có lẽ vì vậy, nên Đức Bênêđíctô XVI, đương kim giáo hoàng đã bắt đầu thông điệp đầu tiên của giáo triều mình bằng phản ảnh tình yêu Thiên Chúa, thông điệp “Deus Caritas est” – Thiên Chúa là tình yêu – và qua đó, ngài đã dẫn giải cách đầy đủ, thấm thía tình yêu Thiên Chúa. Một tình yêu vô bờ bến, yêu đến chết, và ngay trước khi chết vẫn còn xin tha cho những kẻ thù của mình: “Lậy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Luca 23:34). Hơn ai hết, Đức Giáo Hoàng cảm thấy rằng nhân loại ngày nay đang xa dần nhau, và trở thành kình chống nhau không tạo được cuộc sống hoà bình, hạnh phúc, vì nhân loại đã bỏ xa tình yêu Thiên Chúa. Hoặc lợi dụng Thiên Chúa để tạo sự thù hận và chia rẽ.  

 

2. Đặt tình yêu Thiên Chúa làm trung tâm đời mình: Bởi đó, chúng ta cần phải đặt tình yêu Thiên Chúa làm tâm điểm của đời mình. Chỉ khi nào chúng ta nhìn đón nhận tình yêu ấy thì chúng ta mới thấy mình hạnh phúc. Chỉ khi nào nhân loại nhìn nhận tình yêu ấy, nhân loại mới hạnh phúc.

 

Tại sao con người ngày nay đau khổ và khủng hoảng đến thế? Mặc dầu sống trong những tiện nghi và khám phá của khoa học, nhưng nhân loại hôm nay vẫn không thoát khỏi những bàng hoàng sợ hãi. Chiến tranh và bạo loạn. Khủng bố và độc tài. Những tranh chấp ngấm ngầm giữa các quốc gia trên thế giới vẫn như nồi nước sục sôi có thể xì hơi bất cứ lúc nào.

 

Bệnh tật thay nhau hoành hành mặc dù con người hôm nay có đầy đủ phương tiện phòng ngừa và chữa trị với những khám phá mới mẻ về y khoa và dược phòng.

 

Nhiều nơi trên thế giới nhiều người thiếu ăn và chết đói. Vẫn có nhiều người đau khổ. Và vẫn có nhiều người tự kết liễu đời mình bằng cách này hay cách khác, vì sự bất an, căng thẳng, và sợ hãi. Tâm con người bất ổn. Trí con người không ngừng hoang mang, mất niềm tin vào chính mình và những người quanh mình. Một hình thức khủng hoảng và tra tấn tâm hồn do Satan và những tay sai của hắn khuấy động và đem vào cuộc sống của con người.

 

Tất cả vì thiếu vắng tình yêu. Thiếu vắng bóng dáng của Thiên Chúa trong cuộc đời. Trong khi Thiên Chúa yêu thương con người, lo lắng cho con người đến nỗi không nỡ để một con sẻ rơi xuống vì đói ăn, và đến nỗi nếu “có người mẹ nào đó quên con mình” thì Ngài “cũng không quên ta được”, thì nhân loại lại cố tình chối bỏ. Ngược lại, rước Satan, đồ đệ hắn vào ngự trị trong tâm hồn, trong gia đình, và trong cuộc đời mình.

 

3. Sống với tình yêu Thiên Chúa: Một điều không thể phủ nhận là nhân loại ngày nay đang sống trong một tâm trạng trống vắng và thiếu thốn tình yêu. Một tâm trạng dẫn đến hoang mang, lo lắng, và bấn loạn.

 

Và một điều xem như vô nghĩa, đó là Thiên Chúa tình yêu đáng yêu mến, tôn thờ như Thiên Chúa chúng ta đang có, lại ít được người nhận biết và yêu mến. Ngược lại Satan và những đồng bọn là kẻ cầm đầu gây ra sự dữ, bất công, đau khổ và chết chóc thì lại được con người chạy theo tôn làm chúa tể. Chính ở điểm này mà Thánh Gioan đã cho biết Thiên Chúa - sự sáng - đã đến trong thế gian nhưng thế gian yêu thích Satan - tối tăm-  hơn sự sáng. Và đó cũng là điều mà những ai được phúc đón nhận tình yêu Thiên Chúa – tin nhận Chúa - là một hạnh phúc lớn lao mà không phải ai muốn cũng được.

 

Nhưng phải chăng đón nhận tình yêu Thiên Chúa, đặt trọng tâm đời mình vào sự nhận biết, yêu mến và phổ biến tình yêu ấy là một việc làm đòi hỏi hy sinh và thử thách. Đúng vậy, chính Chúa Giêsu để làm cho tình yêu Thiên Chúa được con người nhận biết, ngài cũng đã phải chấp nhận mọi thách đố, và sự thách đố cuối cùng là sự chết. Ngài là người đã ra tiêu chuẩn của cuộc chơi “tình yêu” này, và ngài đã theo đúng qui luật của cuộc chơi: “Không ai có tình yêu lớn lao hơn người thí mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Ngài đã nói và đã làm. Bí Tích Thánh Thể là một nối dài của tình yêu Núi Sọ vẫn còn đó như một chứng minh tình yêu không biết mỏi mệt của Thiên Chúa. Phần con người, để đáp ứng tình yêu ấy thì phải làm gì?

 

Cũng không ngoài những gì mà Thiên Chúa đã làm, là hy sinh và chấp nhận thử thách. Nhưng có lẽ sự hy sinh lớn lao nhất là thứ tha cho người làm mất lòng mình, cho người xúc phạm đến mình. Và sau cùng là thí mạng mình vì những người anh chị em mình, tức là chấp nhận vì tình yêu Thiên Chúa đành thí bỏ, hy sinh con người tự ái để duy trì và làm sáng tỏ đức ái của Thiên Chúa. Vì không thể nói đến yêu thương mà lại quên không nói đến tha thứ, hy sinh và chấp nhận.


Tóm lại, việc ca ngợi, tôn vinh và đón nhận tình yêu Thiên Chúa không những là việc làm cần thiết và chính đáng của Kitô hữu chúng ta, mà còn là phương thuốc tâm linh chữa lành những thương tật tâm hồn, và những khủng hoảng, suy đồi, và mất hạnh phúc của thế giới chúng ta đang sống. Vì như Thánh Gioan đã nói: “Những ai nói mình yêu Thiên Chúa mà lại thù ghét anh chị em mình là kẻ nói láo” (1 Gioan 4:20). Và kết quả là “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”, có thiên đàng, và có bình an.

 

 

 

“QUÀ TẶNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH!”

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ       

          Tin Mừng Phục Sinh đã được loan báo! Tin Mừng Phục Sinh đã được chúng ta đón nhận! Đấng Phục Sinh đem đến cho những kẻ tin một QUÀ TẶNG cao quý và hiệu quả khôn lường làm thay đổi cả chiều sâu lẫn chiều rộng tâm hồn và cuộc sống kẻ tin. Chúng ta - cá nhân và cộng đoàn - sẽ trở thành và phải trở thành những con người / cộng đoàn mới, hoàn toàn mới. Chìa khóa của sự biến đổi ấy là việc các chúng ta đón nhận QUÀ TẶNG mà Chúa Ki-tô Phục Sinh ban cho là chính Thánh Thần của Người!

 

         Vậy chúng ta hãy mở rộng tấm lòng, mở rộng cuộc sống để đón nhận Thánh Thần của  Đấng Phục Sinh và hãy để cho Người tự do thực hiện công trình riêng của Người là canh tân đổi mới mọi thực tại trên địa cầu này.

           

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh

(1) Bài đọc 1: Cv 4, 32-35: Cộng đoàn tín hữu đầu tiên.

     (32) Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

     (33) Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

     (34) Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, (35) đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.

 

(2) Bài đọc 2: 1 Ga 5,1-6:

     (1) Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. (2) Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. (3) Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, (4) vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. (5) Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? (6) Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.

 

(3) Bài Tin Mừng: Ga 20,19-31: Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ (Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49).

     (19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"  (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.  (21) Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

    (24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

    (26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." (27) Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (28) Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29) Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

     (30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

2.2 Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?    

(1) Trong bài đọc 1 (Cv 4, 32-35),

           Thánh Lu-ca mô tả những nét đặc trưng trong đời sống cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Đây là một nhóm những người tin theo Đức Giê-su Na-da-rét và nhận Người làm Chúa. Cộng đoàn này được hình thành ở Giê-ru-sa-lem ngay sau ngày Lễ Ngũ Tuần tức Lễ Hiện Xuống, bên cạnh cộng đoàn Do Thái giáo. Cách sống của cộng đoàn với những nét nổi bật như: dồi dào ơn Chúa, tích cực làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh, một lòng một ý và yêu thương san sẻ giữa các thành phần trong cộng đoàn, khiến mọi người no đủ.

          

            Thánh Lu-ca không mô tả Thiên Chúa là Đấng ở giữa cộng đoàn và làm nên cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Nhưng chúng ta có thể hình dung một Thiên Chúa vừa quyền năng vừa yêu thương. Thiên Chúa quyền năng vì Người đã làm cho mọi người trong cộng đoàn biến đổi, sống một cách khác thường, thậm chí có thể nói là phi thường. Thiên Chúa yêu thương vì Người đã gắn kết mọi người với nhau và khiến ai nấy đều mở lòng, mở tay chia sẻ của cải với người khác hơn cả với những người ruột thịt.

 

(2) Trong bài đọc 2 (1 Ga 5,1-6),

           Thánh Gio-an mô tả đời sống của những kẻ tin Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh với những nét đặc thù: được Thiên Chúa sinh ra, kính mến Thiên Chúa, yêu thương tha nhân, tuân giữ các giới răn của Chúa và chiến thắng thế gian. Tất cả những điều ấy là lẽ đương nhiên, vì người tín hữu có sức mạnh của Niềm Tin Ki-tô và có Thần Khí của Thiên Chúa là Đấng luôn hỗ trợ và chứng giám.

(3) Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-31),  

         Thánh Gio-an tường thuật lại hai lần hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh: lần trước thiếu ông Tô-ma; lần sau có đầy đủ các môn đệ, kể cả ông Tô-ma. Thánh Gio-an làm nổi bật chân dung của ông Tô-ma với đòi hỏi phải được chứng kiến tận mắt tận tay dấu tích bị đóng đinh thập giá và bị lưỡi đòng đâm lủng trái tim” của Đức Giê-su là Thầy của mình. Và ông Tô-ma đã được toại nguyện đến mức không còn dám nghi ngờ gì nữa mà thốt lên: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"

           Nhưng nhân vật chính của câu truyện phải là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh: Người xuất hiện giữa các môn đệ mà không qua cửa mà vào; Người ân cần, yêu thương mà ban ơn bình an: “Bình an cho anh em!” và cho các ông xem tay và cạnh sườn nơi giữ lại những dầu tích của cuộc Thương Khó mấy ngày trước; Người tin tưởng và thủy chung với các môn đệ mà giao sứ mạng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”; Người ban Thánh Thần của Thiên Chúa để giúp các môn đệ làm chứng cho Người và thi hành sứ vụ Người trao: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

           Với riêng Tô-ma ở lần hiện ra lần sau, Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh cũng có thái độ và cử chỉ ân cần, dễ thương và  tế nhị như thế: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."

            Tất cả những điều vừa kể: sự ân cần và tinh tế trong đối xứ, ơn bình an và sứ mạng được sai đi  và nhất là Thánh Thần là QUÀ TẶNG của Đấng Phục Sinh dành cho các môn đệ, trong đó có cả chúng ta.  

 2.3 Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi s điệp gì cho chúng ta?    

      Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh Chúa Nhật II Phục Sinh này là:

      Đức Giê-su Na-da-rét đã Phục Sinh và hiện ra với các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông và để (lại) sai các ông đi làm chứng cho Người giữa lòng thế giới. 

 

      Bảo chứng của việc hệ trọng ấy là việc trao ban (phía Chúa Ki-tô Phục Sinh) và đón nhận Thánh Thần (phía các môn đệ):

      “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em!”  

III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY

Sống sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là mỗi người / mỗi cộng đoàn Giáo hội (giáo xứ, giáo phận, hội đoàn tông đồ, dòng tu) soi lại tâm hồn và đời sống mình:

* xem mình đã trân trọng đón nhận QUÀ TẶNG của Đấng Phục Sinh như thế nào?

* và xem Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã tác động hay biến đổi mỗi người / mỗi cộng đoàn đến mức nào?

 Mấy câu hỏi cụ thể:

a. tôi / cộng đoàn tôi có một lòng một ý theo / trong Thánh Thần không?

b. tôi / cộng đoàn tôi có siêu thoát của cải, coi thường danh vọng, chức quyền thế gian để mở rộng tâm hồn và bàn tay chia sẻ tài năng, thời giờ và của cải mình có với người khác không?

c. tôi / cộng đoàn tôi có làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh không? làm chứng bằng cách nào?

 

IV. CẦU NGUYỆN  

            Lạy Thiên Chúa Cha từ ái, chúng con xin dâng Cha lời cảm tạ: vì Cha đã ban  cho nhân loại nói chung và cho chúng con nói riêng, QUÀ TẶNG tuyệt vời của Cha là Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.          

 

           Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh là QUÀ TẶNG của Cha, chúng con xin dâng Chúa lời cảm tạ: vì Chúa đã ban cho chúng con Chúa Thánh Thần là QUÀ TẶNG của riêng Chúa.

 

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh là QUÀ TẶNG của Cha, chúng con xin dâng Chúa lời cảm tạ: vì Chúa đã ban cho chúng con ơn bình an và đã chia sẻ với chúng con sứ mạng được sai đi mà Chúa đã nhân từ Chúa Cha.

 

Lạy Chúa Thánh Thần là QUÀ TẶNG của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, chúng con dâng Chúa lời cảm tạ: vì Chúa đã được ban cho chúng con và vì Chúa đã đến cư ngụ trong tâm hồn chúng con và hướng dẫn chúng con sống theo lệnh truyền “hãy ra khơi” của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh! Amen.

 

                 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.                                               

       Sàigòn ngày 18.04.2006