Yêu Thương: Biến Thể Con Người

 

 Dù vô thần hay hữu thần, dù Phật tử hay Kitô hữu, dù tín đồ Ấn Độ giáo hay Do Thái giáo, Hồi giáo hay Nhật giáo, Khổng giáo hay Lão giáo v.v., trong bạn vẫn có Mầm Mống Thần Linh, đó là Yêu Thương.

 

Yêu Thương là Mầm Mống Thần Linh nơi con người ở chỗ, nó không phải là yếu tính làm nên con người, như linh hồn và thân xác làm nên bản tính của con người, nhưng, đối với linh hồn của con người, nó là cái nhân ở trong một hạt giống, như sự sống của cả hạt giống, cần phải được nẩy mầm, và đối với thân xác của con người, cùng với linh hồn của con người, nó như hạt giống tiềm ẩn trong một mảnh đất, sẽ làm cho đất đai phì nhiêu nhờ hoa trái của nó. 

 

Yêu Thương là Mầm Mống Thần Linh nơi con người còn ở chỗ, một khi thuận lợi, nó sẽ biến đổi con người, thành những sự mà theo tính tự nhiên họ không có, như từ bi nhân hậu, và làm được những việc mà theo sức tự nhiên họ không thể, như yêu người hơn mình, yêu kẻ thù mình.

 

Nếu tất cả những gì phản nghịch với Yêu Thương đều là sai trái, gian ác và xấu xa, thì không gì chân thật, thiện hảo và mỹ lệ bằng Yêu Thương.

 

Bản chất của Yêu Thương chính là Chân, Thiện, Mỹ. Khả năng của Yêu Thương thì vô địch, mạnh hơn sự

chết, có thể biến ác thành thiện.

 

Khi hai người nam và nữ bắt đầu yêu thương nhau là lúc họ tỏ ra trở nên như nhau. Hay, lúc hai người nam và nữ trở nên như nhau là họ bắt đầu yêu thương nhau. Đó là lý do tình yêu san bằng tất cả và bù đắp tất cả, để

trở nên như nhau mà yêu thương nhau hay tỏ lòng yêu thương nhau.

 

Tình yêu san bằng tất cả. San bằng tất cả những khác biệt, dị biệt, bất đồng, bất xứng. Cho thời gian (già

lấy trẻ) hiện thực. Cho không gian (Âu lấy Á) tụ hợp. Cho giai cấp hòa đồng. Cho mầu da hòa hợp. Cho hận

thù hòa giải. Cho ngôn ngữ hiệp thông. Cho tâm tính cảm thông v.v.

 

Tình yêu bù đắp tất cả. Tất cả những thiếu sót của nhau. Những khuyết điểm của nhau. Những lầm lỡ của nhau. Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. (Ca dao Việt Nam). 

 

Nếu không trở nên bình đẳng với nhau, bằng nhau, như nhau, không thể nào yêu nhau. Hay yêu nhau mà còn phân biệt, phân cách, phân rẽ, kỳ thị thì chưa phải là yêu nhau hay chỉ chơi nhau thì đúng hơn.

 

Thánh Kinh Kitô giáo đã định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu (1Gioan 4:8,16). Hằng năm, chung thế giới cùng với Kitô giáo mừng ngày Thiên Chúa Giáng Sinh, 25/12, tức ngày Tình Yêu Giáng Sinh.

 

Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu-Giáng-Sinh là gì, nếu không phải là Thiên Chúa đã trở nên giống như con người, ngang hàng với con người và bình đẳng với con người, qua mầu nhiệm đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta (Gioan 1:14), loài thụ tạo mà Ngài đã yêu thương dựng nên theo hình ảnh của Ngài hay sao?

 

Yêu Thương: Trở Nên Của Nhau 

 

Khi hai người nam và nữ lấy nhau là họ đã từ tình trạng như nhau trở nên của nhau, được biểu hiệu và liên kết

mật thiết qua tác động vợ chồng nên một thân thể với nhau.

 

Do đó, trước khi chính thức đoan hứa sống đời vợ chồng với nhau theo một nghi thức hợp pháp được chấp nhận nào đó, theo lý, hai người nam và nữ vẫn chưa phải là của nhau. 

 

Một khi đã trở nên của nhau trong đời sống vợ chồng, cá nhân người vợ hay người chồng sẽ không còn là của mình nữa. Đến nỗi, Thánh Kinh Kitô giáo dạy:

 

Người vợ không còn thuộc về chính mình nữa mà là thuộc về chồng, cũng thế, người chồng không còn thuộc về chính mình nữa, mà là thuộc về vợ. (1Côrintô 7:4).

 

Để thực hành nguyên tắc chính yếu tối quan trọng của đời sống vợ chồng này, Thánh Kinh Kitô giáo còn dạy:

 

- Về việc giao hợp vợ chồng:

 

 Đừng từ chối nhau, trừ khi có sự đồng ý chung tạm dành thời gian cho việc cầu nguyện. Sau đó hãy chung sống với nhau, để Satan khỏi lợi dụng sự thiếu tự chủ của anh em (1Côrintô 7:5). 

 

- Về mối liên hệ vợ chồng:

 

 Người vợ phải tuân phục chồng mình trong mọi sự... Người chồng phải yêu thương vợ như chính bản thân mình. (Êphêsô 5:24,28).

 

- Về việc sống đời vợ chồng:

 

 Vợ không được ly thân với chồng. Nếu cô nàng muốn thực sự ly thân với chồng, cô nàng hoặc phải sống một mình hay phải làm hòa với chồng. Cũng thế, người chồng không được ly dị vợ mình. (1Côrintô 7:10-11).

 

Sở dĩ ngày nay hiện tượng ly dị càng ngày càng nâng cao tỉ số trên trung bình nơi các cặp vợ chồng là vì họ không biết đến, hay không muốn biết đến, hoặc biết mà không thực hành nguyên tắc vợ chồng là của nhau này.

 

Lấy nhau rồi mà họ vẫn nghĩ và cứ phây phây sống như còn là của riêng mình. Với đủ thứ đòi hỏi cho thỏa mãn cái của mình. Với không thôi bất mãn khi bị đụng chạm đến cái của mình v.v.

 

Do đó, thay vì nên một thân thể trọn vẹn, họ lại trở nên một thân thể (theo sinh lý) có bốn chân (theo tâm lý), sống theo bản năng và khuynh hướng tự nhiên, cũng biết chộp bắt và cắn xé nhau, vô tình, vô nghĩa, vô luân. 

 

Yêu Thương: Trở Nên Cho Nhau

 

 Là tình nhân, hai người nam và nữ trở nên như nhau. Là vợ chồng, hai người nam và nữ trở nên của nhau. Là cha mẹ, hai người nam và nữ trở nên cho con cái.

 

Là cha mẹ, hai người nam nữ sống đời vợ chồng nên một thân thể với nhau phải là một con tim đầy tràn yêu thương, mà tình yêu tràn lan đó chính là con cái của họ, hoa trái yêu thương. Bằng không, họ sẽ không đủ khả năng, thậm chí không đủ cả tư cách để giáo dục con cái của mình.

 

Bất hạnh thay những đứa con vào đời từ những đôi trai gái yêu cuồng sống loạn, từ những cặp vợ chồng rỗng tuếch yêu thương.

 

Chúng có thể là những thai nhi tật nguyền thể xác, hậu quả của người mẹ nghiện ngập trong khi cưu mang chúng hay của người cha mang một thể xác bệnh hoạn hoang đàng trong việc tạo nên sự hiện hữu của chúng.

 

Chúng cũng có thể là những đứa trẻ sơ sinh người ta nhặt được trong thùng rác ở ngoài trên lề đường vào một buổi sáng nào đó...

 

Nếu yêu thương là nguyên tố thăng hóa con người, làm cho con người nên hoàn thiện, và cũng là dấu chứng thực tầm vóc trọn lành của con người thế nào, thì đời sống hôn nhân gia đình, một đời sống được kết hợp bởi

yêu thương, tồn tại nhờ yêu thương và kiện toàn trong yêu thương, sẽ làm cho chung con người và riêng từng

đơn vị gia đình, bao gồm cả cha mẹ lẫn con cái, thực sự và hoàn toàn thành nhân như vậy.

 

Đời sống vợ chồng trong trách vụ làm cha mẹ, tự nó, là một cuộc đời ý nghĩa nhất nói lên bản chất chính yếu của yêu thương, và là một phản ảnh trung thực nhất cho khuynh hướng tự nhiên của yêu thương, đó là sống cho người khác.

 

Bởi thế, vợ chồng nào, cha mẹ nào đi ngược giòng yêu thương gia đình sẽ không thể nào tìm thấy hạnh phúc hôn nhân, mà chỉ đụng đầu với bản thân mình, một con người với tất cả ý nghĩa homeless (vô gia cư) đích thực nhất: cô độc, gầy mòn, bệnh hoạn, quằn quại, hấp hối...

 

Yêu Thương: Ngõ Tắt Nhiệm Mầu 

 

 Nói như thế không có nghĩa là các bậc chân tu sống độc thân không lập gia đình không thể nào nên hoàn thiện được, không thể nào thành nhân được.

 

Trái lại, đời tu chính là một ngõ tắt để đạt đến tột đỉnh thành nhân.

 

Thật sự, nếu chỉ vì khinh thường thân xác hèn hạ và ghê tởm sinh lý là những gì nhờ đó và từ đó con người nói chung và vị tu sĩ nói riêng được phát xuất, mà tìm cách xa lánh chúng bằng đời sống tu trì, thì đời tu của các vị này quả là một ngõ cụt...

 

Đi vào "ngõ cụt" (dead end) này, chẳng những đời tu không làm cho họ thanh thoát, mà còn làm cho họ trở

nên tàn tạ, cho đến khi họ trở về với giá trị chân chính đích thực tự nhiên của vật thể từ nguyên thủy, lúc chưa bị con người phóng uế.

 

Ngoài ra, nếu chỉ vì chán đời mà đi tu để tìm thanh thoát cho riêng mình, hay để trốn tránh vì sợ trách nhiệm gia đình, thì cuộc đời của những vị tu sĩ này không đáng gọi là tu, mà phải gọi là tù, không sớm thì muộn họ sẽ bị chết nghẹt, nếu họ không mau mau nhận ra ý nghĩa đích thực và giá trị cao cả của đời sống tu trì.

 

Thật vậy, đời tu chắc chắn sẽ là một ngõ tắt đưa con người đến tuyệt đỉnh thành nhân viên mãn yêu thương, tràn đầy hạnh phúc, nếu con người biết bỏ mình để trở nên mọi sự cho mọi người.

 

Các vị chân tu sở dĩ đáng kính và dễ dàng lên đến tuyệt đỉnh yêu thương là vì, các vị ấy không phải đi qua ranh giới gia đình, vướng víu với vợ chồng, con cái.

 

Yêu Thương: Chân Trời Lý Tưởng

 

 Nếu so sánh con người chân tu với những con chim tung cánh trên cao, bay nhanh về Chân Trời Chân-Thiện-Mỹ, thì cũng có thể ví đời sống gia  đình như những con thuyền chuyên chở những con người cùng một Mái Ấm Yêu Thương lênh đênh trên biển cả, hướng đến cùng một Chân Trời Chân-Thiện-Mỹ ấy.

 

Chân Trời Chân-Thiện-Mỹ, chân trời viên mãn yêu thương, đời đời hạnh phúc ấy, khi còn sống trên đời này, sẽ là đích điểm ở ngay trước mặt và trong hướng nhìn, nhưng không bao giờ đạt tới được.

 

Chim bay cũng có lúc đậu lại, thuyền trôi cũng có lúc dừng lái. Nhưng, những chỗ ấy không phải là chính chân trời, hơn là bờ tạm, là bến mê. Bờ tạm của tình cảm yêu thương. Bến mê của ảo giác yêu thương.

 

Đời là bể khổ nổi cơn giông tố. Cả một cuộc khủng hoảng yêu cuồng sống loạn. Cá nhân và hưởng thụ chủ nghĩa dồn dập gầm thét. Sấm xét ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái v.v. kinh hoàng chớp giật, tung nổ khắp nơi. Động lực yêu thương, làm cho chim bay, làm cho thuyền chạy, trở thành bất lực. Có những con chim đã gẫy cánh mất tích. Có những con thuyền đã chìm đắm mất tiêu.

 

Nếu bến bờ không phải là chân trời thế nào, giống tố cuộc đời cũng không thể xóa nhòa chân trời như vậy. Chân trời không thể đạt tới được, nhưng nó thực sự có, ngay trước mắt, chân thật như mặt trời, tỏ tường như

ánh sáng.

 

Không gì khuất lấp được mặt trời thế nào, cũng không gì có thể xóa mờ chân trời như vậy. Mặt trời còn chiếu sáng thì chân trời còn phương hướng. Ánh sáng sẽ xua tan bóng tối. Yêu Thương sẽ chiến thắng tử thần. Là vì kỷ. Là ích kỷ. Giận nhau. Ghét nhau. Thù nhau. Bỏ nhau.

 

Những biến động kinh hoàng từ bên ngoài đang hăm dọa cuộc sống hôn nhân gia đình ngày nay là như thế. Ngoài ra, chính trong nội bộ hôn nhân gia đình, còn có năm nguyên do thường làm cho các cuộc hôn nhân đổ vỡ nát tan. Đó là những bất đồng về sinh lý, về cá tính, về tài chính, về việc giáo dục con cái và về tâm linh.

 

Yêu Thương: Sinh Lý Bất Đồng.

 

 Có thể nói rằng, sau khi được chính thức hóa trở thành vợ chồng với nhau theo pháp luật và lễ nghi, hai người nam nữ chỉ thực sự làm vợ chồng của nhau, tức trở nên một thân thể, trong đêm tân hôn, đêm động phòng, đêm ân ái về nhục thể nhưng lại hết sức linh thiêng về tình nghĩa.

 

Nếu để ý, hai người nam và nữ lần đầu tiên thực hiện tác động ái ân vợ chồng ấy sẽ thấy một cách xúc động thế nào là tình đồng loại, thế nào là yêu nhau như bản thân mình.

 

Đối với mỗi người trong họ bấy giờ không còn một đồng loại nào khác có thể gắn bó và thân

 

mật với họ bằng cả tâm hồn và thể xác như vậy. Người bạn đời của họ bấy giờ chính là một tha nhân, hiện thân sống động nhất cho cả nhân loại, đã trở nên một với họ, nên chính bản thân của họ.

 

Thế nhưng, trên thực tế, dầu sao họ vẫn là một tha nhân, một con người khác, khác phái. Chính vì cái khác phái đó mà mỗi người có một độ, một cách, một kiểu rung cảm cũng như nhu cầu khác nhau trong đời sống nói chung và trong việc ái ân nói riêng.

 

Vấn đề tế nhị và khó ở chỗ này là làm sao để cả hai thân thể khác phái trong khi giao hợp với nhau có thể đạt đến mức kích ngất nhất cùng một lúc. Đừng để cho người bạn chăn gối với mình, sau một số lần đầu đụng chạm với mình, đâm ra cảm thấy sợ gần mình, rồi ngại gần mình, và cuối cùng tránh gần mình.

 

Cho đến lúc việc ái ân vợ chồng là việc chính yếu của hôn nhân bị trục trặc, thì kể như đời sống vợ chồng cũng bắt đầu đi vào cuộc khổ nạn rất hiểm nghèo.

 

Muốn tránh những trục trặc về việc ái ân vợ chồng này, nên để ý những điểm sau đây:

 

- Làm sao cho việc ái ân bao giờ cũng phản ảnh thực sự lòng yêu thương vợ chồng, chứ đừng trở nên những tác động điên cuồng của nhục thể mà thôi, về cả động lực cũng như kiểu cách tạo nên những tác động này.

 

- Bởi đó, nên tránh những lúc một trong hai, về tâm lý, (đang buồn phiền, tức bực, giận dỗi v.v. chẳng hạn), không cảm thấy hứng thú ái ân, hay về thể lý và sinh lý, (đang mệt mỏi hay có kinh chẳng hạn), không thuận tiện ân ái.

 

- Thêm vào đó, trong khi thực hiện tác động ái ân, hãy chú ý đến kiểu cách và thời điểm dễ làm cho nhau kích thích nhất, (nhiều khi phải thay đổi từng lần), để cùng nhau hoan lạc thưởng thức hương vị đậm đà của yêu thương thấm vào từng làn da thớ thịt của nhau, chứ đừng tham ăn hay vội ăn, ăn mất phần của nhau, hay biến nhau trở thành đồ chơi của nhau một cách bất xứng với phẩm giá con người.

 

- Đừng bao giờ coi việc ái ân vợ chồng là một nhu cầu thuần túy, (như nhu cầu vệ sinh, nhu cầu ăn uống), ần phải được thỏa mãn, mà ai mót hay đòi sẽ trở thành một khách ăn chơi (chồng), hay khách ăn sương (vợ), tìm đến với nhau và phải lệ thuộc vào sự ưng thuận có điều kiện của nhau.

 

- Phải ý thức một cách ý chí, trước hết, tác động ân ái vợ chồng là một tác động yêu tương cao qúi cần phải được tỏ hiện; sau nữa, việc vợ chồng là một nhiệm vụ linh thiêng, cần phải được chu toàn một cách đàng hoàng, đừng vì ngại, vì không hứng ...

 

(xin xem tiếp trong sách. Đa tạ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL