Tông Thư

Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến
Tertio Millennio Adveniente

(Trích dịch từ The Pope Speaks, Vol.40, No.2, 3-4/1995)

 

Bố cục của bức tông thư "Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến" của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II ban hành ngày 10-11-1994 được chia ra làm 5 phần rõ rệt như sau:

            1- "Một Chúa Giêsu Kitô: hôm qua và nay..."
            2- Việc Mừng Năm 2000
            3- Việc Sửa Soạn Mừng Trọng Thể
            4- Việc Sửa Soạn Gần
            5- "Một Chúa Giêsu Kitô: ...đến muôn đời"

Nhìn vào bố cục của bức tông thư này, người ta thấy ngay được tâm diểm của nó là Đức Giêsu Kitô, như tiêu đề phần 1 mở đầu và phần 5 kết thúc chỉ là một câu Thánh Kinh được khai triển thành hai phần: phần 1 về một Đức Giêsu Kitô lịch sử, và phần 5 về một Đức Giêsu Kitô vượt thời gian.
Phân tách bố cục của bức tông thư này, người ta còn thấy được tầm quan trọng nhất của bức tông thư, đó là phần thứ bốn, phần "Việc Sửa Soạn Gần". Phần này còn được phân chia rõ rệt như sau:

            Giai đoạn sửa soạn thứ nhất: đoạn 31-38.
            Giai đoạn sửa soạn thứ hai: đoạn 39-54.
            Giai đoạn tiến đến việc cử hành: đoạn 55.

Trong ba giai đoạn của "Việc Sửa Soạn Gần" này, giai đoạn thứ hai là giai đoạn quan trọng nhất, vì là giai đoạn tập trung vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Giai đoạn này được phân chia ra như sau:
           
            Năm một (1997): Chúa Giêsu Kitô (40-43)
            Năm hai (1998): Chúa Thánh Thần (44-48)
            Năm ba (1999): Thiên Chúa Cha (49-54)


Thứ tự của 3 năm này là thứ tự theo 3 thần đức: tin vào Chúa Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa, cậy trông Chúa Thánh Thần là Tặng Ân Thiên Chúa và kính mến Chúa Cha là Đấng Yêu Thương con người.

Nếu chiều hướng di sản của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngàn năm thứ ba Kitô giáo, trước hết là ở "việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, thì phản ảnh rõ nét và chính xác nhất là chương 1 và 5 của Tông Thư. Bởi đó, trong tập sách này chỉ trích dịch hai chương liên hệ này mà thôi.

"Một Chúa Giêsu Kitô duy nhất Hôm Qua và Hôm Nay..." (Heb.13:8) 

1- Trong lúc mà Ngàn Năm Thứ Ba của một tân thiên niên gần đến, thì tâm tưởng của chúng ta tự nhiên nghĩ đến những lời của thánh tông đồ Phaolô: "Khi thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, được hạ sinh bởi một người nữ" (Gal.4:4). Thời gian viên trọn này trùng hợp với mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, của Con, Đấng là một với Cha và với mầu nhiệm cứu chuộc trần gian. Trong đoạn thư này, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: Con Thiên Chúa được hạ sinh bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật, và đến thế gian để cứu chuộc tất cả những ai lệ thuộc lề luật, để họ nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa nữ. Rồi thánh nhân thêm: "Vì anh em là những người con, Thiên Chúa đã sai Thần Linh của Con Ngài vào tâm hồn của chúng ta, kêu lên 'Abba! Lạy Cha!'" Và lời ngài kết luận thật là an ủi: "Thế nên, do Thiên Chúa anh em không còn là nô lệ mà là con cái, và nếu là con cái thì anh em là kẻ thừa tự" (Gal.4:6-7).

Việc thánh Phaolô trình bày mầu nhiệm Nhập Thể bao gồm mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi, và về công cuộc của Con được tiếp tục nơi sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Việc nhập thể của Con Thiên Chúa, việc Người được thụ thai và hạ sinh, là điều kiện tiên quyết cho việc Chúa Thánh Thần được sai đến. Như thế, đoạn văn này của thánh Phaolô đã làm sáng tỏ sự viên trọn của mầu nhiệm Nhập Thể cứu rỗi. 
2- Trong Phúc Âm của mình, thánh Luca đã truyền lại cho chúng ta một trình thuật trọn gọn về trường hợp giáng sinh của Chúa Giêsu: "Vào những ngày ấy, hoàng đế Cêsa Augustô ban sắc lệnh truyền cho toàn cõi đế quốc của mình phải khai tên làm sổ... Nên tất cả mọi người đã đi khai tên làm sổ tại quê qúan của mình. Giuse cũng từ thành Nazarét xứ Galilêa xuống Giuđêa, đến thành Đavít là Bêlem, vì người là giòng dõi của nhà Đavít, để khai tên làm sổ với Maria, người bạn đính hôn đang có thai của mình. Khi các ngài đang ở đó thì ngày sinh nở của Maria đã đến. Maria đã sinh con trai đầu lòng, bọc Người trong khăn và đặt Người nằm trong máng cỏ, vì các ngài không có chỗ nào để trọ" (2:1,3-7).
         
Như thế là điều Thiên Thần Ga-Biên báo trước vào lúc truyền tin đã được nên trọn. khi thiên thần nói cùng Trinh Nữ Nazarét những lời này: "Kính mừng đầy ơn phúc, Chúa ở cùng trinh nữ" (Lk.1:28). Maria bối rối khi nghe thấy những lời này, vì thế, vị sứ giả thần linh liền thêm: "Hỡi Maria, đừng sợ, vì trinh nữ đã được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và cưu mang một người con trai, Đấng trinh nữ sẽ gọi tên là Giêsu. Người sẽ là một Đấng cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao... Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trinh nữ; bởi thế con trẻ sinh ra sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa" (x.Lk.1:30-33,35). Maria đã không ngần ngại đáp lại lời thiên thần: "Này tôi là nữ tì của Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi theo như lời của ngài" (Lk.1:38). Chưa bao giờ lịch sử loài người, như lần này, lại tùy thuộc vào việc đồng ý của một tạo vật đến như vậy (x.thánh Bênađô).

3- Thánh Gioan, trong phần Mở Đầu Phúc Âm của mình, chỉ bằng một câu, đã gói trọn tất cả ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngài viết: Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha (1:14). Đối với thánh Gioan, việc nhập thể của Lời hằng hữu làm một với Cha được thực hiện nơi cuộc đầu thai và hạ sinh của Chúa Giêsu. Thánh ký nói về Lời ở nơi Cha ngay từ ban đầu, và nhờ Người mà mọi vật hiện hữu được tạo thành; trong Người là Ngôi Lời có sự sống, một sự sống là ánh sáng soi con người (x.1:1-4). Về Người Con duy nhất là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa này, thánh tông đồ Phaolô viết rằng: Người là "trưởng tử của mọi tạo vật" (Col.1:15). Bởi Ngôi Lời, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian này. Ngôi Lời là sự khôn ngoan đời đời; là tư tưởng và là hình ảnh chính yếu của Thiên Chúa; "Người phản ảnh vinh hiển của Cha và là hiện thân đích thực của bản tính Cha" (Heb.1:3) Từ đời đời được Cha sinh ra và yêu mến, như Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Người là nguyên lý và là mẫu thức của mọi sự Thiên Chúa dựng nên trong thời gian. 
         
Sự thật xẩy ra là, vào lúc thời gian viên trọn, Lời hằng hữu đã nhận lấy thân phận của một tạo vật, làm cho biến cố xẩy ra ở Bê-Lem 2000 năm trước đây có một giá trị đặc biệt theo vũ trụ quan. Nhờ Ngôi Lời mà thế giới tạo vật hiện lên như một "khu vườn muôn mầu", một vũ trụ lớp lang. Và cũng chính Ngôi Lời, bằng việc mặc lấy xác thể, đã canh tân lại trật tự vũ trụ của tạo vật. Bức Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô nói về mục đích mà Thiên Chúa đã phác họa nơi Chúa Kitô "một dự án cho thời điểm viên trọn, đó là để hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất" (1:9-10).

4- Chúa Kitô, đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: "Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt... mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất" (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô "hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ" (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha.
5- Việc "trở nên một người trong chúng ta" (hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, đoạn 22) nơi phần của Con Thiên Chúa đã xẩy ra hết sức khiêm hèn, nên không lạ gì các sử gia đời, chỉ chú trọng vào những biến cố náo động và những nhân vật danh tiếng, đã lấy Người, cho dù có quan trọng, cũng chỉ là những viện dẫn (references) mà thôi. Những viện dẫn về Chúa Kitô được tìm thấy trong "Các Truyện Cổ Về Dân Do Thái", một tác phẩm do sử gia Flavius Josephus tổng hợp ở Rôma vào giữa những năm 93 và 94, và nhất là trong "Annals" của Tacitus, được viết vào giữa những năm 115 và 120, một tài liệu mà khi tường thuật lại vụ thành Rôma bị cháy năm 64, Nêrô đã tưởng lầm là do những người Kitô giáo làm, nhà viết sử đã tỏ tường dẫn chứng về Chúa Kitô "bị hành xử theo lệnh của quan tổng trấn Phongxiô Philatô trong triều đại Tibêriô". Cả Suetonius nữa, trong cuốn truyện viết quãng năm 121 về đời của hoàng đế Claudiô, cho chúng ta biết rằng, những người Do Thái bị đuổi khỏi thành Rôma vì "họ thường gây nên những cuộc phiến loạn theo xúi giục của một số Chrestus" (Vita Claudii 25:4). Đoạn văn này thường được cắt nghĩa như ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên căn nguyên tranh cãi trong những cộng đồng Do Thái ở Rôma. Việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo cũng là một chứng cớ quan trọng, như đã được Tiểu Pliny, vị tổng trấn ở Bithynia, tường trình cho hoàng đế Trajan, vào giữa những năm 111 và 113, về tình hình có một số đông dân chúng thường hay tụ họp nhau "vào một ngày ấn định, trước hừng đông, để luân phiên hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô như là một vị Thiên Chúa" (Epist.10:96).
         
Thế nhưng, biến cố vĩ đại mà những sử gia ngoài Kitô giáo chỉ đề cập đến qua loa ấy lại có một tầm vóc hết sức quan trọng nơi những bản văn của Tân Ước. Những bản văn này, cho dù có là những văn kiện về đức tin đi nữa, nếu chúng ta để ý đến mối iên hệ toàn diện của chúng, thì chúng cũng là những chứng cớ lịch sử không phải không đáng tin. Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là "Alpha và Omega" (Rev.1:8;21:6), là "nguyên thủy và là cùng đích" (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: "Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con" (Heb.1:1-2).

 6- Chúa Giêsu được sinh ra từ dân tuyển chọn để hoàn tất lời hứa mà Abraham đã lãnh nhận và các tiên tri liên tục nhắc nhớ. Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài mà nói. Thật vậy, công cuộc của Cựu Ước được sắp xếp chính là để sửa soạn và loan truyền cho việc Đức Kitô đến, Đấng cứu chuộc hoàn vũ, cũng như cho vương quốc mà Người thiết lập. Bởi thế, những cuốn sách của Cựu Ưùớc mãi mãi là một chứng cớ cho một giáo thuyết thần linh xác thực (x. hiến chế Mạc Khải  đoạn 15). Giáo thuyết này đã đạt mục tiêu của nó nơi Đức Kitô: đúng thếø Chúa Giêsu không chỉ "nhân danh Chúa" mà nói như các vị tiên tri, mà Người chính là Thiên Chúa nói bằng Lời hằng sống nhập thể của mình. Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài. Đó là điều đã được công bố trong Phần Nhập Đề của Phúc Âm thánh Gioan: "Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Người đã tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Như thế, Lời nhập thể làm thỏa nguyện ước vọng nơi tất cả các đạo giáo của nhân loại. Chính Thiên Chúa đã làm cho con người được thỏa nguyện, ngoài mọi ước mong của con người. Đó là một mầu nhiệm của ân sủng.
         
Nơi Chúa Kitô, tôn giáo không còn là một "cuộc kiếm tìm Thiên Chúa một cách mù quáng" (Acts 17:27) nữa, mà là một đáp ứng của đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó là một đáp ứng mà con người nói với Thiên Chúa như với Hóa Công, với một Người Cha, một đáp ứng đã thành hiện thực nhờ một con người cũng chính là Ngôi Lời, mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói với từng người, và nhờ Người mỗi người có thể đáp lại Thiên Chúa. Còn nữa, cũng ở nơi con người này mà mọi tạo vật đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự. Nơi Người, tất cả mọi sự có; chúng được thăng hóa rồi được trả về cho Hóa Công là Đấng dựng nên chúng. Như thế, Đức Kitô là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới, nên Người làø tầm mức viên trọn đích thực duy nhất của họ. Thiên Chúa nói thẳng với con người nơi Đức Kitô thế nào, tất cả loài người và toàn thể tạo vật cũng tự mình nói với Thiên Chúa trong Đức Kitô như vậy, thực sự đó là việc tự hiến mình cho Thiên Chúa. Mọi vật trở về với cội nguồn của mình là vậy. Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn giáo có nền tảng nơi Đức Kitô là một tôn giáo vinh quang; nó là một tầm vóc mới mẻ của sự sống để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa (x.Eph.1:12). Tất cả mọi tạo vật thực sự là một biểu hiện của vinh quang Người. Đặc biệt con người (vivens homo) là sự hiển linh của vinh quang Thiên Chúa, một loài được kêu gọi để sống bằng sự sống viên trọn trong Thiên Chúa.

7- Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.

Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gn.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gn.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gn.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. "Làm cho họ rời bỏ" những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc. Điều này đã được thực hiện nơi việc hy sinh của Đức Kitô, nhờ đó loài người được cứu cho khỏi nợ nần tội lỗi và được hòa giải cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người, nhận lấy một thân xác và một linh hồn trong cung lòng một Trinh Nữ, chính vì: để trở nên một hy tế cứu độ hoàn hảo. Tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể là một tôn giáo của ơn cứu thế, nhờ hiến tế của Đức Kitô, một hiến tế chiến thắng sự dữ, tội lỗi và chính sự chết. Chấp nhận cái chết trên thập giá là Đức Kitô cùng một lúc vừa tỏ bày sự sống vừa thông ban sự sống, vì Người đã sống lại và sự chết không còn làm gì được Người nữa.

"Một Chúa Giêsu Kitô ... Đến Muôn Đời" (Heb.13:8)

56- Giáo Hội đã kéo dài 2000 năm. Như hạt cải được nhắc đến trong Phúc Âm, Giáo Hội đã phát triển và trở thành một cây to lớn, có thể bao phủ cả nhân loại bằng các cành lá của mình (x.Mt.13:31-32). Bởi thế, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cập đến vấn đề làm phần tử trong Giáo Hội và về ơn gọi của tất cả mọi người thuộc về dân của Thiên Chúa: "Tất cả mọi người được kêu gọi để làm thành phần của cuộc hiệp nhất Công Giáo này trong nhóm dân mới của Thiên Chúa đây... Nên tín hữu Công Giáo cũng như tất cả những ai tin vào Chúa Kitô, thật ra là toàn thể nhân loại, nhờ ơn Thiên Chúa, được kêu gọi tham hưởng ơn cứu rỗi, đều thuộc về Giáo Hội hay có liên hệ với Giáo Hội bằng nhiều cách thức khác nhau" (Lumen Gentium, đoạn 13). Trong thông điệp Ecclesiam Suam (công bố ngày 6/8/1964), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày cách thức mà tất cả nhân loại được bao gồm trong dự án của Thiên Chúa và đã nhấn mạnh đến những tiến trình đối thoại khác nhau về ơn cứu độ.
         
Tiếp tục theo cách thức này, chúng ta còn có thể thấu hiểu hơn dụ ngôn về men trong Phúc Âm (x.Mt.13:33): Chúa Kitô, như men thần linh, luôn luôn và càng ngày càng thấm nhập vào đời sống nhân loại, qua việc loan truyền công cuộc cứu chuộc được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua. Còn nữa, trong quyền năng cứu rỗi của Người, Người ôm lấy toàn thể lịch sử quá khứ của nhân loại, được bắt đầu từ Adong thứ nhất (Gaudium et Spes, đoạn 2). Tương lai cũng thuộc về Ngưôøi: "Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một" (Heb.13:8). Về phần mình, Giáo Hội "không tìm kiếm gì ngoài một mục đích duy nhất: đó là tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, theo như Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi hướng dẫn. Chúa Kitô nhập thế để làm chứng cho sự thật, để cứu vớt chứ không phải để ngồi mà luận xét, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ" (Gaudium et Spes, đoạn 3).

57- Bởi thế, ngay từ thời các tông đồ, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã tiếp tục, không hề bị ngưng trệ, trong cả gia đình nhân loại. Công cuộc truyền bá phúc âm trước hết diễn tiến tại vùng Địa Trung Hải. Trong thời gian ngàn năm đầu, những nhà truyền giáo từ Rôma và Contantinôpôli đã đem Kitô giáo đến toàn thể lục địa Âu Châu. Đồng thời, các ngài cũng tiến vào tâm điểm của Á Châu, đến tận Ấn Độ và Trung Hoa. Cuối thế kỷ 15, chẳng những đánh dấu việc khám phá ra Châu Mỹ, mà còn cả việc bắt đầu truyền bá phúc âm cho lục địa rộng lớn này, cả Bắc lẫn Nam. Cũng vào lúc ấy, trong khi những vùng ven biển nằm phía dưới sa mạc Sahara ở Phi Châu nhận lãnh ánh sáng của Chúa Kitô, thì thánh Phanxicô Xaviê, quan thày của các nhà truyền giáo, đến Nhật bản. Vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một số bổn đạo đã mang Kitô giáo đến Đại Hàn. Vào thời kỳ này, việc loan báo Phúc Âm tiến đến Đông Nam Á cũng như Úc Châu và những hòn đảo ở Thái Bình Dương.
         
Thế kỷ 19 đã chứng kiến hoạt động truyền giáo rộng lớn nơi các dân tộc ở Phi Châu. Tất cả những nỗ lực này đã trổ sinh hoa trái cho tới ngày hôm nay. Công Đồng Chung Vaticanô II đã ghi nhận điều này trong sắc lệnh Ad Gentes về hoạt động truyền giáo. Sau Công Đồng, vấn đề công việc truyền giáo đã được thông điệp Redemptoris Missio bàn đến, căn cứ vào những vấn nạn của các cuộc truyền giáo trong những năm cuối cùng của thế kỷ chúng ta. Cả trong tương lai nữa, Giáo Hội phải tiếp tục là một cuộc truyền giáo: Thật vậy, dấn thân truyền giáo là một phần của chính bản tính Giáo Hội. Từ việc sụp đổ của những thể chế chống Kitô giáo, trước hết là Nazi rồi đến cộng sản, một lần nữa, việc mang sứ điệp giải phóng của Phúc Âm đến cho những con người nam nữ ở Âu Châu là một nhu cầu khẩn thiết (tuyên ngôn của Hội Nghị Công Đồng Giám Mục Âu Châu, đoạn 3). Hơn thế nữa, như thông điệp Redemptoris Missio (x. đoạn 57) xác nhận, thế giới tân tiến ngày nay đang hiện lên một tình trạng như Arepagus ở Nhã Điển, nơi mà thánh Phaolô đã diễn giảng. Ngày nay có nhiều areopagi, chúng rất khác nhau: Chúng là những khu vực lớn lao trong nền văn minh và văn hóa hiện đại, trong lãnh vực chính trị và kinh tế. Tây phương càng trở nên xa lìa với những cội gốc Kitô giáo, nó càng trở nên một địa sở truyền giáo, dưới hình thức của nhiều areopagi khác nhau.

58- Tương lai của thế giới và của Giáo Hội thuộc về thế hệ trẻ, về những người mà sinh vào thế kỷ này sẽ trưỏng thành ở thể kỷ sau, thế kỷ đầu của một thiên niên mới. Chúa Kitô mong đợi những điều trọng đại nơi giới trẻ, như Người đã trông đợi nơi con người trẻ hỏi Người: "Tôi phải làm việc lành nào để được sự sống đời đời?" (Mt.19:16). Tôi đã bàn giải câu trả lời đáng ghi nhận mà Chúa Giêsu đáp lại này trong thông điệp Veritatis Splendor (công bố ngày 6-8-1993) mới đây, cũng như Tôi đã làm trước đây vào năm 1985, trong bức tông thư gửi cho giới trẻ thế giới. Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi miền đất trên thế giới, giới trẻ không thôi hỏi Chúa Kitô những vấn nạn. Họ gặp Ngưòi và họ vẫn tìm kiếm Người để lại hỏi Người. Nếu tiếp tục theo con đường mà Người chỉ cho mình, họ sẽ vui mừng trong việc góp sức để làm Người hiện diện ở thế kỷ tới cũng như ở những thế kỷ sau đó, cho đến tận cùng thời gian: "Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một".

59- Để kết luận, cũng nên nhớ lại những lời của hiến chế mục vụ Gaudium et Spes: "Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại vì tất cả, nhờ Thần Linh của Người, có thể ban cho loài người ánh sáng và sức mạnh để đạt đến định mệnh siêu việt của họ. Không có một danh hiệu nào dưới gần trời được ban cho con người để nhờ đó họ xứng đáng được cứu rỗi. Giáo Hội cũng chủ trương rằng, chìa khóa để mở, điểm để tập trung và mục đích của tất cả lịch sử nhân loại, chỉ có thể tìm thấy nơi Chúa và nơi vị thầy rất dịu dàng của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội cũng vẫn nghĩ rằng bên dưới tất cả những đổi thay cũng có rất nhiều những thực tại không thay đổi và là những thực tại đâm rễ sâu trong Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và muôn đời vẫn là một. Bởi thế, trong ánh sáng của Chúa Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của mọi tạo vật, Công Đồng muốn nói với tất cả mọi người để soi sáng mầu nhiệm về con người và để cộng tác trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn nạn đặc biệt trong thời điểm của chúng ta" (đoạn 10).

Chiều hướng di sản của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho ngàn năm thứ ba Kitô giáo, trước hết là ở "việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, sau đó còn “việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Ngườinữa, như đoạn 43 của bức Tông Thư này cho thấy:

“… Chính ở trong lòng dạ của Người mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể! Bởi thế, việc xác nhận vị trí then chốt của Chúa Kitô không thể nào tách lìa khỏi việc nhận biết vai trò mà người mẹ rất thánh của Người đã nắm giữ. Việc tôn kính Mẹ, nếu hiểu một cách đúng đắn, không hề làm mất đi 'phẩm vị và công hiệu của Chúa Kitô trung gian' (hiến chế Lumen Gentium, đoạn 52). Thật ra, Mẹ Maria luôn luôn chỉ cho tín hữu đến với Con Thần Linh của Người, và đối với tất cả mọi tín hữu Mẹ được coi như mẫu gương sống đức tin. 'Sốt sắng suy niệm về Mẹ và chiêm ngưỡng Mẹ trong ánh sáng của Lời làm người, Giáo Hội cung kính tiến vào sâu hơn mầu nhiệm tối cao của việc nhập thể, và càng giống như Người trong việc trở nên một hiền thê' (hiến chế Lumen Gentium, đoạn 65)" (đoạn 43).