Chúa Nhật 25 Thường Niên 

 

Chiêm Ngắm Lời Chúa là Thần Linh

 

A.        "Chúa Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn này: Triều đại Thiên Chúa giống như ông chủ của một tài sản kia sáng sớm đi thuê thợ làm vườn nho cho mình. Sau khi đồng ý với họ về giá lương công nhật, ông sai họ đi ra vườn nho... Khi những người được thuê muộn màng đến lãnh trọn một ngày lương, và nhóm đầu tiên cứ tưởng mình sẽ lãnh được hơn song cũng giống như nhau... Ông chủ đáp lại một người trong số họ: 'Này bạn, tôi không bất công với bạn đâu. Bạn đã không đồng ý về lương hướng rồi sao?... Tôi chẳng nhẽ lại không được tự do sử dụng tiền bạc của mình ư? Hay là bạn thấy tôi rộng lượng thì đâm ra ghen tị?'": "Hãy tìm kiếm Chúa khi Ngài còn tìm được, hãy kêu cầu Ngài khi Ngài còn gần gũi. Kẻ lăng loàn hãy bỏ đường lối của mình đi, và kẻ gian ác hãy bỏ các tư tưởng của mình: Họ hãy quay về với Chúa để được xót thương' về với Thiên Chúa của chúng ta, Đấng rộng lượng thứ tha. Vì Chúa phán: những tư tưởng của Ta không phải là những tư tưởng của các ngươi, và những cách thế của Ta cũng không phải là những cách thế của các ngươi. Các tầng trời cao vượt trên trái đất thế nào thì những cách thế của Ta cũng cao vượt trên những cách thế của các ngươi, và những tư tưởng của Ta trổi vượt trên những tư tưởng của các ngươi như vậy" - "Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người"' "Dù tôi sống hay chết, Đức Kitô cũng sẽ được tôn vinh nơi tôi. Bởi vì, đối với tôi, 'sự sống' tức là Đức Kitô' do đó, chết đi là một thu lợi lớn... Thế nên, anh em hãy tác hành theo cách thế xứng hợp với phúc âm Đức Kitô".

B-        "Chúa Giêsu và các môn đệ của Người xuống núi... Người dạy các môn đệ thế này: 'Con Người đi nộp mình vào tay những kẻ sẽ sát hại Người' Chết đi 3 ngày rồi Người sẽ sống lại'. Mặc dầu không hiểu những lời Người nói, các vị cũng sợ không dám hỏi Người... Vậy Người ngồi xuống gọi 12 Vị đến quây chung quanh Người mà nói: 'Ai muốn đứng đầu, người ấy phải giữ mình là một con người cuối hết mọi người và là tôi tớ của mọi người'": "(Kẻ gian ác nói): Chúng ta hãy công hãm kẻ công chính, vì hắn đối đầu với chúng ta' hắn ra mặt chống lại những việc làm của chúng ta, trách cứ chúng ta về những sai trái luật pháp, và gán tội cho chúng ta về những vấp phạm kỷ cương. Chúng ta hãy xem các lời của hắn có chân thực hay không... Vì nếu kẻ công chính là con Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ hắn và sẽ giải cứu hắn khỏi tay thù địch..." - "Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi" (ở đây, theo Sách Lễ Tiếng Anh, câu đáp ca cũng có thể là "Chúa hộ trì sự sống của tôi" - "The Lord upholds my life")' "Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy cũng có bất nhất và đủ mọi thứ hành vi cử chỉ ghê tởm xấu xa. Ngược lại, đức khôn ngoan từ trên cao là nguyên khởi của mọi ngay lành vô tội... Mùa gặt công chính được gieo vãi trong an bình cho những ai trồng cấy an bình. Những giằng co và tranh cãi giữa anh em từ đâu mà có? Nếu không phải là từ những tham vọng nội tâm của anh em đối chọi với nhau nơi các phần thể của anh em hay sao? Điều anh em mong mà không được nên anh em quay ra sát hại. Anh em ghen tị vẫn không thể chiếm đoạt, nên anh em cải cọ và đánh nhau..."

C-        "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: '... Nếu các con không đáng tin nơi sự giầu sang qua đi thì ai sẽ tin tưởng các con nơi của vững bền... Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hay chú trọng đến chủ này mà khinh thường chủ nọ. Các con không thể hiến mình cho cả Thiên Chúa lẫn tiền của được'": "Hỡi các ngươi là những kẻ chà đạp lên những người thiếu thốn và hủy diệt người nghèo khó nơi đất nước! Các ngươi nói: '... Chúng ta sẽ giảm lường đong, tăng giá và sửa lại cán cân gian lận. Chúng ta sẽ lấy bạc mà mua người bần cùng, và sẽ lấy đôi dép mà mua kẻ nghèo túng..." - "Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu"' "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý: 'Có một Thiên Chúa. Có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc tất cả mọi người'... Bởi thế, tôi mong ở mọi nơi con người sẽ... không còn oán hận và bất hòa".

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa là Sự Sống:

 

"Thời gian đã viên trọn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến! Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" (Phúc Âm Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh năm B),  như trang 294 nhận định, "đó là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, được thể hiện qua Phụng Vụ Lời Chúa ở từng Chúa Nhật trong Mùa". Tuy nhiên, như trang 417 phân tích và nhận định: "Giai đoạn thứ ba của Mùa Thường Niên là 15 tuần nối tiếp, tức kể từ Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cho đến Chúa Nhật 33 Thường Niên Hậu Phục Sinh, một giai đoạn nhắm vào đề tài: 'Hãy cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm', để có thể đón chờ ngày Chúa Kitô đến lần thứ hai, ý nghĩa của lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật kết thúc Mùa này". Bởi thế, theo Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 25 Thường Niên tuần này, (nếu để ý sẽ thấy, trong cả ba bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đều nói riêng với các môn đệ của Người mà thôi, chứ không nói chung với dân chúng nữa), thì "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc phụng sự Chúa hoàn toàn vì Chúa, là việc phụng sự Chúa theo tinh thần của Chúa, và là việc phụng sự Chúa với một lòng trung thành với Chúa.

 

Trước hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc  phụng sự Chúa hoàn toàn vì Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm A. Điều này đã được sáng tỏ ngay trong bài Phúc Âm, qua lời Chúa Giêsu dùng miệng ông chủ đi thuê thợ vào làm vườn nho cho mình, nói với một người trong nhóm thợ bất mãn về số lương công nhật mà họ lãnh không được như lòng họ mong ước: "Này bạn, tôi không bất công với bạn đâu. Bạn đã không đồng ý về lương hướng rồi sao?... Tôi chẳng nhẽ lại không được tự do sử dụng tiền bạc của mình ư? Hay là bạn thấy tôi rộng lượng thì đâm ra ghen tị?" Đúng thế, "vườn nho" trong dụ ngôn mà bài Phúc Âm nói đến về "triều đại Thiên Chúa giống như ông chủ của một tài sản kia sáng sớm đi thuê thợ làm vườn nho cho mình" đây là gì, nếu không phải là Dân Chúa, là chung nhân loại và riêng Giáo Hội của Ngài. Không thế mà Chúa Giêsu nói dụ ngôn này không phải cho chung dân chúng vẫn theo Người, hay cho thành phần lãnh đạo trong dân Do Thái, mà chỉ, như bài Phúc Âm viết: "nói với các môn đệ dụ ngôn này" thôi. Như thế, việc "ông chủ đi thuê thợ làm vườn nho cho mình" đây không phải là việc Thiên Chúa muốn kêu gọi chung Kitô hữu cũng như riêng thành phần tu sĩ giáo sĩ, vào thời điểm của Ngài (hơn là thời điểm của kẻ được gọi), dù sớm nhất (độ 6 giờ sáng) hay muộn nhất (khoảng 5 giờ chiều là lúc gần đến giờ trả lương), đến để phụng sự Ngài hay sao! Vẫn biết, khi lên tiếng mời gọi đám thợ làm vườn nho cho mình như thế, về phía mình, ông chủ cũng phải thực tế trong việc "đồng ý với họ về giá lương công nhật (đã rồi mới) sai họ đi ra vườn nho", tuy nhiên, về phía thợ, nếu biết điều, thì sau khi đã đồng ý theo giao kèo đàng hoàng, cũng không nên và không được tỏ ra, như lời ông chủ trách khéo: "thấy tôi rộng lượng thì đâm ra ghen tị?" Loài người khác với Thiên Chúa là như thế, đúng như lời Chúa phán trong bài đọc thứ nhất: "những tư tưởng của Ta không phải là những tư tưởng của các ngươi, và những cách thế của Ta cũng không phải là những cách thế của các ngươi. Các tầng trời cao vượt trên trái đất thế nào thì những cách thế của Ta cũng cao vượt trên những cách thế của các ngươi, và những tư tưởng của Ta trổi vượt trên những tư tưởng của các ngươi như vậy". Do đó, khi được Thiên Chúa kêu gọi đến làm vườn nho của Ngài và cho Ngài, muốn phụng sự "Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người", như câu đáp ca xưng tụng, hoàn toàn vì Chúa, về mặt tiêu cực, như bài đọc thứ nhất kêu gọi, thành phần được tuyển chọn cần phải: "tìm kiếm Chúa khi Ngài còn tìm được, kêu cầu Ngài khi Ngài còn gần gũi. (Bằng cách) bỏ đường lối của mình đi, và  bỏ các tư tưởng của mình", và về mặt tích cực, họ phải có một tâm tình và tinh thần như vị Tông Đồ Các Dân Ngoại được diễn tả trong bài đọc thứ hai: "Dù tôi sống hay chết, Đức Kitô cũng sẽ được tôn vinh nơi tôi. Bởi vì, đối với tôi, 'sự sống' tức là Đức Kitô' do đó, chết đi là một thu lợi lớn... Thế nên, anh em hãy tác hành theo cách thế xứng hợp với phúc âm Đức Kitô".

 

Sau nữa, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc  phụng sự Chúa theo tinh thần của Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm B. Điều này đã được sáng tỏ ngay trong bài Phúc Âm, qua lời Chúa Giêsu nói với "12 Vị đến quây chung quanh Người": "Ai muốn đứng đầu, người ấy phải giữ mình là một con người cuối hết mọi người và là tôi tớ của mọi người". "Ai muốn đứng đầu" đây là gì, nếu không phải là người muốn lãnh đạo, muốn đứng ra lãnh trách nhiệm làm việc chung. Thế nhưng, theo tinh thần của Đấng đã tự xác nhận và tiết lộ về thân mệnh của mình cho 12 Vị trong bài Phúc Âm, "Con Người đi nộp mình vào tay những kẻ sẽ sát hại Người' Chết đi 3 ngày rồi Người sẽ sống lại", thì cai trị hay điều khiển là "phục vụ", không hơn không kém. Bởi vì, theo bài Phúc Âm năm A, "phục vụ" là một ơn gọi, một ơn gọi đến làm vườn nho cho ông chủ của mình là Thiên Chúa, chứ không phải chỉ nguyên là một "chọn lựa" theo ý thích của con người, để con người có quyền đòi Thiên Chúa phải đền đáp công lao cho mình một cách công bằng xứng hợp. Chính vì thế, "phục vụ" là một dấn thân và phải có ơn "Chúa hộ trì sự sống của tôi", như câu đáp ca cảm nhận, nữa mới có thể bền vững đến cùng mà hoàn tất trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, tinh thần của "Đức Kitô", mà chính các môn đệ của Người, như bài Phúc Âm nói, cũng "không hiểu", nhưng muốn "phục vụ" Người, muốn theo Người, các vị cần phải thể hiện nó ra, để rồi, chính tinh thần này đã trở nên một thách đố làm gai mắt thế gian, đúng như bài đọc thứ nhất đã tiết lộ: "Chúng ta hãy công hãm kẻ công chính, vì hắn đối đầu với chúng ta' hắn ra mặt chống lại những việc làm của chúng ta, trách cứ chúng ta về những sai trái luật pháp, và gán tội cho chúng ta về những vấp phạm kỷ cương. Chúng ta hãy xem các lời của hắn có chân thực hay không... Vì nếu kẻ công chính là con Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ hắn và sẽ giải cứu hắn khỏi tay thù địch...". Sở dĩ tinh thần thế gian không thể chấp nhận tinh thần của "Đức Kitô" và tìm cách tiêu diệt tinh thần của Người nơi thành phần "kẻ công chính" theo Người và "phục vụ" Người như Người đã làm gương, là vì, như bài đọc thứ hai đã vạch ra cho Kitô hữu thấy: "Đâu có ghen tương và tranh chấp, đấy cũng có bất nhất và đủ mọi thứ hành vi cử chỉ ghê tởm xấu xa... Những giằng co và tranh cãi giữa anh em từ đâu mà có? Nếu không phải là từ những tham vọng nội tâm của anh em đối chọi với nhau nơi các phần thể của anh em hay sao? Điều anh em mong mà không được nên anh em quay ra sát hại. Anh em ghen tị vẫn không thể chiếm đoạt, nên anh em cải cọ và đánh nhau..." Thế nhưng, đối với thành phần được kêu gọi đến làm vườn nho cho Chúa mà không mặc cả tính toán gì, không hề biết lương lậu ra sao, công việc nặng nhọc như thế nào, sẽ kéo dài bao lâu v.v., như nhóm thợ cuối ngày trong dụ ngôn của bài Phúc Âm năm A, thì, theo bài đọc thứ hai nhận định, "ngược lại, đức khôn ngoan từ trên cao là nguyên khởi của mọi ngay lành vô tội... Mùa gặt công chính được gieo vãi trong an bình cho những ai trồng cấy an bình".

 

Sau hết, "cải thiện đời sống và tin vào Phúc Âm" là việc  phụng sự Chúa với một lòng trung thành với Chúa, được chứng thực qua Phụng Vụ Lời Chúa năm C. Điều này đã được sáng tỏ ngay trong bài Phúc Âm, qua lời "Chúa Giêsu nói với các môn đệ: 'Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hay chú trọng đến chủ này mà khinh thường chủ nọ. Các con không thể hiến mình cho cả Thiên Chúa lẫn tiền của được'". Thật vậy, điều này chẳng những thực nghiệm về phương diện trần thế, mà còn được Thánh Kinh công nhận qua bài đọc thứ nhất về thành phần làm tôi cho ông chủ tiền bạc: "Hỡi các ngươi là những kẻ chà đạp lên những người thiếu thốn và hủy diệt người nghèo khó nơi đất nước! Các ngươi nói: '... Chúng ta sẽ giảm lường đong, tăng giá và sửa lại cán cân gian lận. Chúng ta sẽ lấy bạc mà mua người bần cùng, và sẽ lấy đôi dép mà mua kẻ nghèo túng...". Một khi đã hiến thân làm tôi cho ông chủ tiền bạc như thế, theo tâm lý chung, con người dễ trở thành tham lam đến độ bất công, từ đó, sẽ bất trung với lề lối của luân lý, của đạo lý cũng như của lương tâm, hậu qủa là họ không còn khả năng hay uy tín để làm tôi "phục vụ" Thiên Chúa nữa, đúng như lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm: "Nếu các con không đáng tin nơi sự giầu sang qua đi thì ai sẽ tin tưởng các con nơi của vững bền". Trái lại, nếu con người chỉ chuyên tâm "làm tôi Thiên Chúa", bằng tâm hồn của  câu đáp ca: "Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu", cũng là Đấng mà theo xác tín của bài đọc thứ hai "muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý", thì họ mới, như bài đọc thứ hai mong muốn, "không còn oán hận và bất hòa", là những gì đã xẩy ra cho nhóm thợ, trong bài Phúc Âm năm A, được kêu gọi làm vườn nho song không hài lòng về số lương công nhật trả cho họ. Như thế, Chúa Giêsu thật chí lý khi dứt khoát tuyên bố với các môn đệ của Người, thành phần được Người kêu gọi đến làm vườn nho chung nhân loại cũng như riêng Giáo Hội của Người là: "Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc nó ghét chủ này mà mến chủ kia, hay chú trọng đến chủ này mà khinh thường chủ nọ. Các con không thể hiến mình cho cả Thiên Chúa lẫn tiền của được".

 

            Lạy Cha chúng con ở trên trời, trong "Chúa Kitô: Sự Sống Tái Sinh", và qua Bí Tích Rửa Tội, Cha đã kêu gọi chúng con đến làm vườn nho của Cha là chung nhân loại và riêng Giáo Hội Con Cha. Xin Cha cho chúng con biết một lòng tìm Cha, đặt Cha trên hết mọi sự, trước hết mọi sự, để chúng con có thể làm cho Con Cha được tỏ hiện trước mắt thế gian, bằng tinh thần phục vụ tuyệt hảo của Người, Đấng đã "đến không phải để được hầu hạ, mà là để hầu hạ" (Mt.20:28), "để hiến mang sống mình làm giá chuộc tất cả mọi người" (bài đọc hai năm C).