NHẬN ĐỊNH 

Bối-Cảnh Giáo-Dục Tuổi Trẻ Hôm Nay 

 

Giáo dục chưa bao giờ lại bị khủng hoảng như hiện nay, đặc biệt ở tại xã hội Mỹ Quốc này. Đối với những người đến từ

vùng trời luân lý Á Đông, với một bầy con chớm lớn, lại càng kinh nghiệm một cách sâu xa, nhiều khi đến tang thương chua xót, hơn ai hết, cái tác dụng của cuộc khủng hoảng giáo dục ở vào thời điểm và địa điểm mà họ đã chọn để làm nơi sinh sống cho kiếp đời tha hương của mình!

Thật ra, trước năm 1975, khi còn ở quê hương, chúng ta cũng đã cảm thấy phần nào ảnh hưởng của cơn lốc giáo dục này, được ồ ạt thổi đến từ vùng trời Âu Mỹ. Như những lối sống cowboy ngang tàng, hippie ngổ ngáo, và à la mode lang loàn v.v., do phim ảnh, xuất ngoại, viện trợ, nhập cảng v.v. tác dụng trên tuổi trẻ vốn sẵn máu hung hăng, hiếu kỳ, ganh đua, cách mạng v.v. Bấy giờ, chúng ta đã cảm thấy giáo dục như đang bị mắc nghẹn ở cổ của mình, khó mà nuốt trôi. Thế mà, hôm nay đây, có ngờ đâu, chúng ta lại bị lọt vào giữa trận lốc mỗi ngày một cuồng loạn ấy...Và, dù muốn dù không, một khi bị

cơn lốc kinh hoàng này, như cơn bão lốc (Tornado) thỉnh thoảng vẫn xẩy ra ở Mỹ, cuốn hút, chúng ta khó lòng mà tránh khỏi bị choáng váng, mất thăng bằng, rồi mất chỗ đứng, thậm chí, quay cuồng trong gió. 

 

NHỮNG HOẠT CẢNH: HỘI NHẬP VÀ ĐỒNG HÓA 

 

Trước hết, chúng ta không choáng váng là gì, khi những quan niệm luân lý và đạo đức về đúng sai, tốt xấu, lợi hại, lành dữ của chúng ta từ trước đến nay hầu như phải xét lại toàn bộ, để rồi nhiều khi không còn biết đâu mà theo? Sau nữa, chúng ta không mất thăng bằng là gì khi bắt đầu thấy quen thuộc và coi thường tất cả những gì mà trước kia, lúc mới nhập cuộc, đã làm cho chúng ta lấy làm chướng tai, gai mắt, khó chịu? Tiếp theo đó, chúng ta không mất thế đứng là gì khi, vì bản năng

bảo tồn và định luật sống còn, chúng ta thật sự đã hoàn toàn hội nhập vào hệ thống sinh hoạt của cuộc sống mới? Sau hết, chúng ta đã không tiến tới giai đoạn quay cuồng theo chiều gió là gì, một khi, dù vô tình hay chủ ý, để cho những gì là căn tính làm nên cá thể cũng như quốc thể của mình bị lai căng bởi phong hoá ngoại lai; nhất là bị nó đồng hoá khi chúng ta lấy làm hãnh diện vì cả mình lẫn con cái của mình biết sống theo lối sống mới, nhất là khi chúng ta thấy mình hợp thời đâm ra khinh chê đồng hương của mình, những người không biết lột xác để thích nghi như mình?

Thật vậy,

Hội nhập vào cơ cấu tổ chức và sinh hoạt của xã hội Tây phương này là một việc sống còn và khẩn thiết, không ai dám và có thể phủ nhận. Bởi vì, đó chỉ là một phản ứng theo định luật bảo tồn và là nhu cầu thích nghi của chung sinh vật và của riêng con người là một con vật có lý trí. Chẳng hạn, học và nói thông thạo ngoại ngữ để giao tiếp và làm việc, đó là một

trong những hình thức và cách thức hội nhập căn bản và thiết thực nhất để một người tha hương như chúng ta có thể sinh sống. Mặc dù ngoại ngữ là tốt, nói ngoại ngữ là cần và lợi như thế, tuy nhiên, nếu chỉ vì vậy mà chúng ta loại bỏ hay quên mất tiếng mẹ đẻ của mình đi, bằng cách, không bao giờ, cả mình cũng như con cái của mình, nói đến, đọc đến, viết đến nó

nữa, hay, có bất đắc dĩ phải sử dụng đến quốc ngữ của mình cũng ngượng ngùng, ngượng ngập như một người ngoại quốc xa lạ nào đó..., thì, không phải hay sao, chúng ta, như nhiều người nói, là môt con người mất gốc mất rồi? Bởi vì, trong trường hợp này, chúng ta đã tự để cho một đặc tính riêng biệt chính yếu làm nên quốc thể của chúng ta là tiếng Việt dấu yêu vô tội bị đồng hoá một cách oan uổng bởi ngoại ngữ!

Từ việc tự chối bỏ hình thức văn hoá Việt Nam là tiếng mẹ đẻ của mình đó, chúng ta mặc nhiên, nếu không muốn nói là minh nhiên, chấp nhận và đón nhận lấy tinh thần của văn hoá ngoại quốc như là của mình, khi lấy làm hãnh diện và thoải mái được có cùng một ý thức hệ như họ, được giống một lối suy tưởng, phát ngôn, tác hành và phản ứng như họ, bất kể ý thức hệ đó đúng hay sai, bất chấp lối sống đó tốt hay xấu. Với tinh thần hòa đồng như thế, không phải là chúng ta đã nhập gia tùy tục, mà là đã tống cựu nghinh tân, đã có mới nới cũ, đã biến thể hơn là nhập thể. 

 

BỐI CẢNH: TÌNH NGHĨA GIA ĐÌNH 

 

Tùy tục ở đây có nghiã là tùy tục mà theo, chứ không phải tục nào cũng theo. Chẳng hạn, tục không được đối xử với vợ, với con bằng những luật rừng như đánh đập một con vật, vì họ, dù yếu đuối hơn mình hoặc nhỏ bé hơn mình và có thuộc về mình đi nữa, cũng là một con người có nhân phẩm đáng kính như mình, nhất nữa, lại là ruột thịt đáng yêu, đáng

qúi của mình (tại sao lại hành hạ và đầy đọa bản thân mình). Một tục hợp tình và hợp lý

để làm người như thế, dù có không đúng hay không hợp với tính cách đế quốc làm chồng đã có như một truyền thống không trái luật của xứ sở chúng ta đi nữa, cũng cần phải nhập gia tùy tục với người thật. Thế nhưng, ngược lại, không phải tục nào cũng theo. Chẳng hạn, tục động một tí là bà đem ông ra toà xin ly dị. Bởi vì, làm như thế, tình yêu nên một xương một thịt, linh thiêng cao quí giữa hai vợ chồng sẽ chẳng khác gì như một mời mọc ở

ngoài đường và như một trao đổi trong quán trọ (motel/hotel) vậy thôi, tan cuộc sẽ không còn nặng nợ gì với nhau cả. Tình nghĩa vợ chồng như thế cũng giống hệt như một hợp đồng làm ăn, không có lợi nữa thì rút lui một cách hợp pháp, anh đi đường anh, tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Và, nhất là, hậu qủa của một tình nghĩa hời hợt và lỏng lẻo như vậy sẽ là những đứa con của họ, những đứa con giống hệt như những con búp bê, có được là do sự trao đổi thuần túy xác thịt giữa vợ chồng như việc trao tiền lấy của ở ngoài chợ, sau đó, đem chúng về nhà, rồi, nếu thích thì ôm hôn, khi chán thì bỏ bê hay vứt vào xó nhà! Thử hỏi, đối với bản chất vốn hiền thục của người đàn bà Việt Nam nói

chung, nhất là, đối với một người vợ, khi còn ở bên quê hương vẫn được tiếng là dâu ngoan vợ hiền, dù chồng có bê bối đến đâu đi nữa, sang đến đây, trong khi chàng không làm chi nên tội, ngoài một tội duy nhất là đã lỗi thời so với một thần tượng khác của

nàng, thế thôi, liền bị nàng đọan tuyệt đơn phương một cách đắc thắng trước toà, như thế, không phải là căn tính làm nên cá nhân của người vợ và của người đàn bà Việt Nam đó đã bị phong hoá nơi đây đồng hoá mất rồi là gì?!

Phải,

Bối cảnh thứ nhất cũng là môi trường để hiện hữu, sống động và phát triển của tuổi trẻ

ở mọi thời đại, đó là gia đình. Thế mà, ở tại mảnh đất an sinh xã hội nhất thế giới này, tuổi trẻ lại bị hoang mang hơn nơi nào hết. Bởi vì, chúng không biết được lúc nào chúng sẽ trở thành con cái của chính phủ, hơn là con cái của chính cha mẹ ruột thịt của chúng, và, bởi vì chúng cũng không có thẩm quyền can thiệp vào tình yêu hôn nhân của bố mẹ mình, một khi các ngài chán nhau, không muốn sống với nhau nữa, và đem nhau ra toà xin ly dị. Để rồi, sau đó, không sớm thì muộn, chúng sẽ tự động trở thành những đứa trẻ mồ côi

bất đắc dĩ, trong cảnh còn cha, còn mẹ mà không được chung sống với nhau trong cùng một mái ấm yêu thương như trước, mà lại phải làm con nuôi của cha ghẻ, người chồng mới

của mẹ mình, hay của mẹ ghẻ, người vợ mới của bố mình, và làm anh em ghẻ với những đứa con mới của bố hay mẹ mình. Mục đích của giáo dục là đào tạo cho tuổi trẻ trở nên những con người tốt lành, biết mình và biết người, để tôn trọng và yêu thương nhau cho xứng đáng. Nếu tuổi trẻ ở trong một môi trường bất hoà của cha mẹ mình, những người giáo dục chúng và là mô phạm của chúng, đến nỗi, các ngài không thể sống chung với nhau nữa, để rồi, mỗi đấng cảm thấy cần phải lập một tổ ấm khác, khác, khác cho đến khi nào như ý mới thôi, thì, thử hỏi công việc giáo dục tuổi trẻ cho chúng làm sao có thể đạt được thành qủa mỹ mãn, nhờ đó, chúng sẽ trở nên những nhà giáo dục gương mẫu của con cái và cho con cái chúng sau này. Cứ thế, nền tảng của xã hội loài người là gia đình bị băng hoại. Thế rồi, cả một thế giới văn minh mỗi ngày một cao hơn, vĩ đại hơn, lại không có nền móng vững chắc được xây bằng những con người có tinh thần làm người do gia đình đào tạo nên như thế, thử hỏi, nó có thể tránh khỏi những hậu qủa tai hại sẽ xẩy ra cho nó không?

Bằng chứng đầu tiên và rõ ràng nhất, chứng tỏ xã hội loài người đang băng hoại tận gốc rễ của mình, đó là những luật cho phép ly dị để được lập gia đình khác, và luật cho phép phá thai. Những luật này bởi đâu mà có, nếu không phải bởi chính loài người tự tạo dựng nên chúng như những đứa con tinh thần, kết qủa của ý thức hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, và là hậu qủa của nền giáo dục theo chủ nghiã cá nhân mà ra. Phải, người ta, những con người lập luật mà tuổi trẻ của họ đã được hình thành trong một môi trường giáo dục sao đó, đã có đủ lý do chính đáng và mục đích tốt lành khi cùng nhau đẻ ra

những luật vô tiền khoáng hậu như thế. Lý do của họ là bảo vệ quyền lợi của con người khỏi bị nhau bắt nạt (abuse); và, mục đích của họ là để cho con người được hạnh phúc (happy). Những lý do và mục đích có tính cách công cộng và công ích này, cũng chẳng khác gì như việc viện lý để làm một việc gì đó, của bất cứ một con người nào đã biết sử dụng lý trí và cảm thấy trách nhiệm trước lương tri của mình vậy thôi. Để rồi, dù có lý trước khi hành động như vậy, hậu qủa mà họ vẫn phải chịu đó là những ray rứt không yên, vì, hình như, có một cái gì không ổn (something wrong) sao đó nơi việc làm của

họ. Cũng thế, từ ngày những đạo luật thời trang này được vào đời, thế giới như ở trong một tình trạng bất an lạ lùng. Một trong những hiện tượng bất an điển hình nhất của con người là những phong trào chống phá thai nổi lên khắp nơi trên đất Mỹ hiện nay. Để bảo vệ sự sống thể lý của con trẻ, người ta đã có những thái độ phản kháng công khai như thế, nhưng, để bảo vệ sự sống tâm linh của tuổi trẻ khỏi bị tác hại bởi luật cho phép ly dị, tuổi trẻ đã không biết làm gì cả, ngoài việc chịu trận cho việc của người lớn muốn làm gì thì làm. Người lớn bảo cần phải lập ra luật ly dị để bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc cho con người, mà tuổi trẻ cũng là con người, lại là những con người đa số, những con người vô tội đáng thương hơn hết, quyền lợi và hạnh phúc của chúng lại bị coi thường và chà đạp hơn ai hết và hơn bao giờ hết, lại ở trong một xã hội tự hào là văn minh nhất, mà tác nhân là chính cha mẹ sinh ra chúng. Vì là những nhà giáo dục của chúng, cha mẹ chúng dĩ nhiên phải khôn hơn chúng, nhất là trong trường hợp phải giải quyết hạnh phúc riêng tư cho họ. Trong trường hợp này, theo luật pháp, cách riêng ở tại tiểu bang California, chỉ cần nại lý: những sự bất đồng không thể giải quyết giữa vợ chồng với nhau, mà không cần chứng cớ để chứng minh sự thật như những vụ kiện cáo khác, cũng đủ cho họ đơn phương đẩy lui đối phương, cho dù đối phương đã một thời ngụp lặn ân ái với mình, và bất chấp đối phương có đồng ý hay không, có lỗi thật và đáng bị ly dị hay không!

  

BỐI CẢNH: CƠ CHẾ XÃ HỘI 

 

Bối cảnh gia đình của tuổi trẻ là thế. Bối cảnh thứ hai của chúng là xã hội, một môi trường mà chúng đang sống với và sống trong, ở Âu Mỹ nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng, là nơi được tổ chức với những luật lệ bảo vệ tối đa nhân quyền của con người, và những thể thức đề cao hết cỡ tinh thần tự lập của con người.

Về những luật lệ bảo vệ tối đa nhân quyền của con người, phải kể đến, về mặt tích cực, luật cha mẹ không được bắt nạt

con cái (child abuse), dù chúng có lầm lỗi đến đâu đi nữa, bằng những hành động vũ phu có thể gây ra vết tích (mark) cho chúng; về mặt tiêu cực, luật cha mẹ cũng không được bỏ bê con cái (child neglect) làm cho chúng bị nạn vì bất cứ lý do gì. Thế nhưng, cũng theo luật, một khi đứa trẻ chưa đến 18 tuổi, cha mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bất cứ hành động phạm pháp nào của chúng gây ra trong xã hội. Đối với những người làm cha, làm me vốn đã quen với tính cách giáo dục theo kiểu nhà binh, thì thật là một cực hình khi phải nuốt hận mà tuân hành những khoản luật như vậy. Bởi vì, ở bên Việt Nam, đâu có cảnh con cái đi tố bố mẹ với chính quyền, khi bị bố mẹ sửa phạt nặng tay một chút; trong khi bố mẹ, cũng chỉ vì thương con mới cho roi cho vọt, vì nghĩ rằng, cũng chỉ có cách bất đắc dĩ đó, mới may ra trị được những đứa con ưa nặng như chúng, bằng không, chúng sẽ là những đứa trẻ phá làng, phá xóm. Mà thật, nếu ở quê hương con hư tại mẹ, cháu hư tại bà vì được mẹ chiều chuộng, được bà bênh chữa thế nào, sang đây,"con hư tại luật, cháu hư tại lệ vì cũng được luật lệ đề cao và bảo vệ như vậy. Tâm lý tự nhiên là thế. Vì được đề cao và bảo vệ như vậy, con cái, nhất là những đứa bản chất vốn thấp kém, lại càng lên mặt và coi thường mẹ cha, đụng đến chúng là chúng không tha, để rồi lộng hành trong gia đình và tung hoành ngoài xã hội. Có bị chính quyền làm khó dễ vì những phạm pháp của mình, đã có cha mẹ đỡ đòn trước luật pháp. Bằng nếu có vào khám, cũng được đối xử tử tế về mọi mặt, nên đối với chúng, cũng kể việc nằm trong lao và ở trong thời gian cải huấn (probation) như là một cuộc nghỉ xả hơi để nghĩ thêm mưu kế, hay học thêm thủ đoạn của nhau mà trả thù đời, một cuộc đời mà chúng có thể lại là những đứa con của những cuộc ghét bỏ và ly dị nhau của bố mẹ của chúng. Vậy, nếu luật bảo vệ con cái được lập ra với mục đích để bảo vệ con người nói chung mà giới trẻ là hiện thân, tại sao xã hội cũng bao gồm biết bao con người khác đang sinh hoạt để xây dựng cộng đồng nhân loại lại phải hứng chịu hậu qủa của những khoản luật này nơi những con người trẻ tuổi mất dậy vì được luật pháp bảo vệ như thế!?

 

Trong một thể chế như thế ở xã hội này, tuy cha mẹ có bổn phận phải tôn trọng con cái một cách kính sợ quyền bính của công lực, nhưng, về phương diện quyền lợi, cũng nhờ chúng còn là vị thành niên dưới 18 tuổi, mà, chẳng may cha mẹ của chúng không thể tự lực mưu sinh để nuôi dưỡng chúng, vẫn có thể được hưởng chương trình trợ cấp xã hội (welfare). Ở xã hội này, con cái trả ơn và nuôi cha, dưỡng mẹ ngay từ bé là vậy. Lệ thuộc con cái ở hoàn cảnh bất lực này để mà tạm thời sinh sống khi chúng còn nhỏ cũng được đi. Thế nhưng, chỉ khổ cho cha mẹ nào, vì bất đắc dĩ hay vì ham nhàn đã tìm mánh khóe để tiếp tục hưởng chương trình trợ cấp này cho đến cùng, nghĩa là, cho đến khi con cái đủ 18 tuổi mới thôi, hậu qủa của sự hưởng thụ này sẽ rất nguy hại đến việc giáo dục con cái của họ. Tại sao? Tại vì, một khi con cái đã biết rằng chúng không được cha mẹ chúng nuôi, mà là chính phủ nuôi, chúng sẽ không biết ơn cha mẹ chúng mấy nữa. Và, một khi không lệ thuộc vào cha mẹ của mình về phần xác, tự nhiên chúng cảm thấy có khuynh hướng coi thường thế giá của bố mẹ và tỏ ra không phục tùng bố mẹ là bao. Nhất là, trong hoàn cảnh của những bố mẹ nghèo nàn, dù hưởng trợ cấp xã hội hay không, sẽ khó lòng mà đáp ứng được nhu cầu hay đòi hỏi của tuổi trẻ đang lớn của con cái của mình, đành phải để cho chúng đi làm khi chúng đủ tuổi như luật cho phép, hầu đỡ lo cho được đứa nào hay đứa ấy. Nhiều khi, gặp những đứa con biết điều, gia đình lại còn nhờ tiền lương do chúng mang về đóng góp mới bớt chật vật phần nào về tài chánh. Thế nhưng, một khi tuổi trẻ tự kiếm được tiền để gỡ bí cho cha mẹ nghèo nàn của chúng, chẳng nhẽ chúng lại không có quyền định đoạt và sử dụng trên những gì chúng đã công phu kiếm được đó hay sao? Với số tiền lĩnh được hằng tháng, chúng có thể mua sắm hoặc làm bất cứ cái gì chúng thích mà nhiều khi lại không đúng ý với bố mẹ của chúng, chẳng hạn, hớt đầu kiểu punk, hút bạch phiến, xem phim X (con heo), ăn mặc úp úp mở mở v.v. Cha mẹ có bảo, chúng không nghe cũng chẳng làm gì được chúng, vì là tiền của chúng; nếu chúng bất ngờ bỏ nhà ra đi (run away), kể như gia đình lại mất một nguồn viện trợ đáng tiếc. Rồi, cũng vì nhà nghèo, cha mẹ đã không đủ tiền tiêu xài cho con, thì nói gì đến tiền đài thọ chương trình đại học của chúng. Phần chúng, cha mẹ càng nghèo, chúng càng tiện và hợp lệ để hưởng những chương trình cho học (basic grant) hay chương trình mượn học (student loan) của chính phủ, nếu chúng không có khả năng để hưởng chương trình thưởng học (scholarship)

được ban cho những tuổi trẻ có trí khôn xuất sắc.

Tuy nhiên, không phải chỉ có những gia đình nghèo khổ ở đất nước này mới gặp những khó khăn trong vấn đề chủ quyền giáo dục con cái như thế, một chủ quyền có tiếng mà không có miếng vì những bất lực trong việc nuôi con ăn ở, ăn tiêu và ăn học của những người làm cha, làm mẹ đang hoàn toàn bị thất the giữa xã hội chỉ thích hợp với con cái và cho con cái họ

hơn là thích hợp với họ và cho họ. Đúng thế, trong môi trường xã hội qúa tối tân và kỹ nghệ hóa này, kể cả những cha mẹ có khả năng hội nhập và tự nuôi con bằng sự nghiệp của mình, nghĩa là, những người vẫn còn toàn chủ quyền giáo dục trên con cái của mình, nếu không khéo, để những giờ làm ăn phụ trội, dù làm công hay làm tư, lấn át hết những giờ sống với con và cho con, thì, kể như, họ chỉ đóng vai là một người giám hộ con cái cho chính phủ, cho xã hội, nếu không muốn nói, cho cả băng đảng mà chúng thuộc về lúc nào đó, họ không hề hay biết, chỉ vì qúa tin cậy vào nhà trường và qúa ham mê làm ăn.Tóm lại, những tổ chức của chính phủ nâng đỡ tuổi trẻ trong vấn đề sinh sống cũng như học vấn thay thế cho những cha mẹ không có đủ khả năng như thế, thật là chính đáng và hữu ích, nhưng, có lợi hay không là do những kẻ hưởng dùng chúng. Nói chung, theo nguyên tắc giáo dục, cha mẹ chỉ có uy thế dậy bảo con cái của mình, một khi chúng còn lệ thuộc vào mình, đặc biệt về vấn đề thực tế nhất là vấn đề thể chất. Để cho chúng ăn riêng trong thời gian mình còn trách nhiệm trên chúng, vì bất cứ lý do nào, ngoài ý muốn hay không, kể như cha mẹ đã phó mặc con cái cho định mệnh của chúng rồi đó, may thì nhờ, rủi thì chịu. 

 

BỐI CẢNH: HUẤN LUYỆN XÃ HỘI 

 

Bối cảnh xã hội có tính cách hành chánh và quyền lợi của tuổi trẻ ở đất nước này là thế. Ngoài ra, xã hội còn có một bối cảnh thiết thực và hấp dẫn hơn nữa đối với tuổi trẻ nhờ ở sinh hoạt của nó, những sinh hoạt trực tiếp động chạm đến chính

việc hình thành lý trí và tác hành của chúng, đó là môi trường học đường và phương tiện truyền thông xã hội.

Tại học đường, môi trường hình thành lý trí của tuổi trẻ, ở xứ sở khoa học đệ nhất thiên hạ và chủ trương bình đẳng này, tuổi trẻ được giáo dục một cách hoàn toàn cởi mở (open), cởi mở cả về phương diện các môn học lẫn cách đối xử với nhau. Về phương diện các môn học, tuổi trẻ có thể học và được dậy cho biết tất cả những gì cần hiểu biết, kể cả những gì chưa nên hiểu biết hay chưa đến lúc cần hiểu biết đối ở lứa tuổi của chúng, như vấn đề tình dục (sexual), hay liên quan đến tình dục, như vấn đề hội chứng băng hoại kháng thể (Aids) và phương pháp dùng bao cao xu (condom) khi làm tình để đề phòng ... Thêm vào đó, về phương diện giao tiếp (social), tuổi trẻ được khuyến khích và huấn luyện sống độc lập (independent), chủ động (active), dạn dĩ (assertive), tham gia (involved) và thực nghiệm (experience) bao nhiêu có thể. Thế nên, chẳng lạ gì, tuổi trẻ ở đất nước này sống rất là mình (identity), rất tự nhiên (feeling), rất cho mình (enjoy) và rất thoải mái (happy) theo ý nghĩ và ý thích tự do của chúng. Với những gì được nhà trường dậy cho biết về tình dục, nhân với

tinh thần cởi mở, dạn dĩ, tham gia, thực nghiệm, cũng do nhà trường huấn luyện cho như thế, làm thế nào tuổi trẻ đang tò mò và sôi nổi, khi có dịp, lại không làm một hay nhiều màn đùa giỡn với nhau xem sao, ngay trong tuổi trung học (high school), nhất là khi chúng được tự do lưu trú với nhau trong đại học (dorm). Ngoài ra, cũng với tinh thần cởi mở, tự nhiên, thoải mái, chủ động, tham gia, và thực nghiệm được nhà trường huấn luyện cho đó, tuổi trẻ tò mò và sôi nổi lại đi tìm những cảm giác mới lạ nơi việc hút sách (drug), đến nỗi, bất chấp thủ đoạn, kể cả gia nhập băng đảng (gang) để bảo đảm nhu cầu mê mẩn hút sách đến bỏ cả học hành (drop out) của mình. Thế là, ở nơi đây, một mảnh đất cơ hội (opportunity land), với nhân quyền được luật pháp bảo vệ tối đa và với nhân vị được bình đẳng hết cỡ, nếu người lớn có tự do ly dị nhau, thì tại sao tuổi trẻ lại không có tự do liên kết với nhau để làm mọi cái chúng muốn, chẳng hạn, làm tình, hút sách, cướp giật v.v.

Phải chăng, mức độ cân bằng (balance) tương xứng nơi xã hội này, giữa người lớn và tuổi trẻ, ở đây và bây giờ, là thế. Là: nếu người lớn ly tán (separate) thì tuổi trẻ hợp quần (join). Là: người lớn ngừa thai (contraception) và phá thai (abortion) thì tuổi trẻ thụ thai (pregnant) và giữ thai. Là: người lớn tạo nên những bào thai trong ống nghiệm (tube) hay những bào thai mướn thì tuổi trẻ tạo nên những bào thai thật sự, những bào thai nơi chính mình. Những sự kiện thực tế không thể tránh khỏi và chối cãi như hiện nay đó, phải chăng, giống như những phản ứng hóa học, có tính cách phản hồi (feadback) của hiện tượng, hay phản kháng (reaction) của tuổi trẻ, hoặc trả lẽ (response) của người lớn ? Có thể nói, tuổi trẻ hôm nay, nhất là ở đất nước này, <B>chẳng những đang là nạn nhân của xã hội mà còn là tại họa của xã hội nữa. Nạn Tuổi Trẻ này chẳng qua chỉ là hoa trái của người lớn trong xã hội, những bậc làm cha, làm mẹ của chúng, cũng la những người đã coi thường và bỏ bê chúng để bảo toàn hạnh phúc cá nhân của mình. Chúng cũng cần có những lối thoát để có thể tồn tại và xây dựng xã hội mà chúng đã được người lớn cho vào đời, dạy bảo và làm gương, một xã hội được vây chặt bằng một hàng rào luật pháp mà mỗi ngày lại tự động quấn chặt lấy mình bởi những rối loạn (crisis) không thể giải quyết cho hoàn toàn thảo đáng,

nếu không đào lên và đặt lại nền tảng của nó... 

 

BỐI CẢNH: TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI 

 

Ngoài ra, còn một bối cảnh nữa, ngoài học đường, mà người lớn vừa là chuyên viên phối cảnh thật hấp dẫn, vừa là nhà sáng tác thật tâm lý, lại còn là một đạo diễn thật tài tình, đến nỗi, có thể lôi cuốn tuổi trẻ hôm nay thành những minh tinh màn bạc sống động nhất trên màn bạc cuộc đời thực tế như những gì chúng đã trông thấy, đó là phương tiện truyền thông xã hội. Trong số những phương tiện truyền thông xã hội tối tân, tiện lợi và hấp dẫn nhất hiện nay, đó là, vô tuyến truyền hình (television), cũng gọi là màn ảnh nhõ, hay phim ảnh được chiếu trên màn ảnh lớn (cinema). Hai phương tiện truyền thông rõ ràng và sống động này, phải công nhận là có hấp lực mạnh nhất, có tác dụng chính xác nhất, trên tác hành của tuổi trẻ hôm nay. Bởi vì, cũng với tinh thần cởi mở truyền thống của xã hội này hầu như được áp dụng trong mọi phương diện của cuộc sống chung, nên, từ người cống hiến và trình diễn, đến người thưởng thức và phỏng theo, nhất là những con người tuổi trẻ, chẳng khác gì như có cùng một tần số để có thể tiềm mật thông đồng với nhau. Phần người cống hiến và trình diễn thì đồng loã với nhau từ những cảnh cởi mở trên những đài công cộng (public broadcast) đến những cảnh cởi bỏ ở những đài riêng biệt (cable T. V.), hay ở những cuộn băng hình (video tape) thuộc loại một X, hai X, ba X, được phổ biến rất ư là mời mọc và hợp pháp ở các tiệm người lớn (adult bookstore). Ngoài ra, nếu tuổi trẻ bồng bột lại hung hăng cần đến những màn mạnh máu (strong feeling), những cách thức và mánh khóe để sống ngoài vòng pháp luật, cũng không thiếu những tuồng truyền hình (T.V. show), hay những băng hình (video tape) hoặc những cuốn phim (movie) hết sức độc ác và sát máu, để chúng có thể tập làm anh hùng bắt giặc hoặc anh hùng làm giặc. Chưa hết, còn những màn quảng cáo rất ngắn song cũng rất ư là thuận tai người nghe, được phát biểu bằng hình thức đề cao mình và đả phá người một cách mánh khóe mà hợp pháp để dụ khách và chiếm khách, cũng có thể đi vào tim óc hiếu thắng của tuổi trẻ cái tinh thần cá nhân chủ nghĩa, tự cao, tự đại, chỉ có mình là nhất.

Được thấy những mẫu mực cởi mở trên màn ảnh nhỏ (T.V.) hay màn ảnh lớn (ciné) như thế, nhân với những gì đã được giáo dục cởi mở trong trường, tuổi trẻ khó lòng mà tránh được những gì đã, đang và sẽ xẩy ra về vấn đề tình dục (như đã

đề cập đến ở trên). Thêm vào đó, vấn đề tình cảm của chúng cũng bị chi phối không ít, bởi tinh thần tranh thủ (competition) trong mọi lãnh vực của đời sống Mỹ quốc này. Tranh thủ khi đi kiếm việc làm, bằng những đề cao mình hết cỡ (sell oneself the best) trong những cuộc phỏng vấn xin việc (job interview) mới hy vọng được việc. Tranh thủ để làm sao được A hay toàn A (straight A) trong việc học hành. Tranh thủ để được yêu, dù được yêu bởi một người đã từng ly dị (divorce history), mà không sợ mình cũng cùng chung số phận, chỉ vì cảm thấy mình có giá hơn (better) người trước. 

 

Tóm lại,

Tuổi trẻ Việt Nam đang ở trong xã hội Âu Mỹ, nhất là ở một nơi mà chỉ có đất nước chứ không có dân tộc là Hiệp Chủng Hoa Kỳ này, qua những bối cảnh gia đình và xã hội như thế, lớn lên, chúng sẽ thành một con người nhân bản thuần túy hơn là một con người nhân ái cao cả; một con người coi trọng nhân quyền hơn là nhân nghiã; một con người sống theo luật làm

người hơn là đạo làm người. Bởi vì, trí óc của chúng đã trở thành như một bộ máy điện toán (computer) với đầy những chi

tiết (information) và dữ kiện (data) được học đường chủ trương cởi mở cho vào (input). Bởi vì, tâm tưởng của chúng như một hệ thống điện tử (electronic) được kết cấu bởi chi chít luật lệ xã hội liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, đến nỗi, lỏng lẻo một cái, toàn bộ đều bị ảnh hưởng ngay. Bởi vì, tác hành của chúng bộc phát hoàn toàn theo tự nhiên như tính chất của điện lực (electric), hễ kị nhau là toé lửa, chỉ có đúng lý và hợp nhau mới chịu nhau mà thôi. Và, bởi vì được chạy bằng điện lực lý sự và tự ái như thế, cả con người của tuổi trẻ, kể cả bộ óc hiểu biết hoạt động như bộ máy điện toán và huyết mạch quyền lợi liên kết như hệ thống điện tư của chúng, đều bị chi phối bởi động lực (motivation) có tính cách điện lực đó. Ngoài ra, bộ máy tuổi trẻ này còn bị điều khiển xa xa (remote control) bởi phương tiện truyền thông xã hội (media) để làm theo những gì kích thích thị hiếu và sở thích của chúng.Vậy, là phụ huynh của tuổi trẻ hôm nay nói riêng, và là những nhà giáo

dục, những người còn có những quan hệ hay quan tâm đến tuổi trẻ nói chung, phải làm sao đây để huấn luyện cho tuổi trẻ, con cháu của chúng ta, mầm non tương lai của dân tộc ở nơi xứ lạ quê người đang quay cuồng trong cơn bão lốc giáo dục này? Để rồi, dù mang tên gọi (first name) theo tiếng Mỹ đi nữa, dù nói tiếng Anh hệt như người Mỹ đi nữa, dù có được bảo vệ tối đa bởi luật pháp và nâng đỡ hết cỡ bằng cơ chế của xã hội Mỹ đi nữa, dù ở học đường có được huấn luyện theo kiểu Mỹ và phải giao tiếp với những đồng bạn (peer) đang sống buông thả đi nữa, và dù được thưởng thức những phương tiện truyền thông (nhất là T.V.) thường xuyên đi nữa, chúng vẫn không phải là những con người máy móc được tạo nên và bị điều khiển bởi tinh thần kỹ thuật thuần nhân bản trong việc sản xuất (production) cho xã hội vật chất nặng tư bản này, và vẫn không trở thành nạn tuổi trẻ cho gia đình và cho xã hội, trái lại, còn có những tâm tưởng, tính nết và tác hành y hệt của một con người Việt Nam và như một người Việt Nam thuần túy, nhất là của một con người quốc tế với một lương tâm chân

chính, tốt lành và khôn ngoan.Cuốn sách này là một chút chia sẻ hoàn toàn có tính cách thực nghiệm cá nhân, được kinh nghiệm từ những năm trực tiếp coi sóc tuổi trẻ ở một túc xá với tư cách giám thị và dạy một số kiến thức trung học cho tuổi trẻ ở một số trường, nhất là từ những năm làm phụ huynh của tuổi trẻ. Những chia sẻ này có tính cách vừa phổ quát, có thể áp dụng ở bất cứ nơi nào và lúc nào, vừa chi tiết, có thể thích hợp cho từng trường hợp của người làm giáo dục hay được giáo dục, nghĩa là, chúng cố gắng trình bày đại quan về những gì quan thiết liên quan đến việc làm sao để có thể sống với tuổi trẻ và sống cho tuổi trẻ. Hy vọng, nó sẽ là những gợi ý không đến nỗi vô bổ đối với tất cả những ai đang gặp khó khăn, hay đang ham ước việc cưu mang và sinh hạ tuổi trẻ hôm nay