CON NGƯỜI ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA:
HOÁN CẢI VÀ TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

Nếu “Thiên Chúa là Thần Linh”, Ngài đã phải hạ mình xuống, đến nỗi “đã hư không hóa bản thân” (Phil.2:7) để có thể tỏ mình ra cho con người như thế, thì con người không thể nào đưa mình lên mà có thể nhận biết Ngài, trừ phi họ khiêm hạ, nghèo khó và tinh tuyền như Mẹ Maria, đệ nhất tạo vật trong cấp trật ân sủng của Thiên Chúa, một trinh nữ tôi tớ xin vâng của Thiên Chúa, như chính Mẹ đã sống và xác tín trong ca vịnh “Ngợi Khen” của Mẹ: “Chúa đã ra tay uy quyền đánh tan những thâm ý của người kiêu ngạo. Chúa đã hạ người thế lực xuống khỏi ngai vương, và đã nâng người hèn mọn lên. Chúa đã cho người đói khó nó đầy thiện hảo và khiến người giầu có trở về tay không” (Lk.1:51-53).
            Và nếu “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:8,16), Ngài chẳng những đã phải “hư không hóa bản thân, mặc lấy thân phận tôi đòi” (Phil.2:7) để có thể đến gặp thân phận vô cùng bất xứng của con người, mà còn “đã lấy khăn quấn quanh mình” (Jn.13:4) cúi xuống rửa chân cho con người là biểu hiệu cho thân phận vô cùng bất hạnh của họ, thì con người không thể “yêu sự sống mình” (Jn.12:25), hay “giữ sự sống mình” (Mt.16:25), mà có thể gặp được Ngài, “có thể dự phần với (Ngài)” (Jn.13:8), trừ phi họ “ghét sự sống mình ở đời này” (Jn.13:25), hay “bỏ sự sống mình vì (Ngài)” (Mt.16:25), tức hoàn toàn sống theo tất cả những gì Thiên Chúa muốn, hoàn toàn để Ngài “tự do yêu” (Hos.14:5) sao thì yêu, dù ý muốn tối cao và tình yêu toàn thiện của Ngài hầu như bao giờ cũng hết sức vô lý, thậm chí bất lợi cho cuộc đời họ, thật trái với ý nghĩ, ý thích và ý muốn của họ mấy đi nữa, như gương của Đấng “đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil.2:8).
            Nếu con người chỉ hạ mình xuống khiêm nhượng như Mẹ Maria trinh nguyên mới có thể nhận biết “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn.4:24), Đấng đã tỏ mình ra nơi “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn.1:14), và nếu con người “biết vâng phục nơi những gì phải chịu” (Heb.5:8) như Đức Giêsu Kitô, mới có thể gặp được “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:8,16), tức “được nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Jn.17:21), nghĩa là “được vào Nước Thiên Chúa” (Mt.18:3), tức được thông phần vào Sự Sống Thần Linh, Sự Sống của Thiên Chúa, thì con người đã đi đúng Con Đường Bé Nhỏ Phúc Aâm, một đường lối chắc chắn nhất để con người có thể gặp Chúa, vắn tắt nhất để họ có thể vào Nước Trời, và dễ dàng nhất để họ có thể thành đại thánh, thành con cưng của Chúa, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy để cho các trẻ nhỏ đến cùng Thày. Đứng ngăn cản chúng. Vì Nước Thiên Chúa thuộc về thành phần giống như chúng” (Mt.19:14); “Trừ phi các con hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ, bằng không các con không được vào Nước Thiên Chúa. Ai hạ mình xuống giống như những con trẻ này là thành phần cao trọng nhất trong Nước Trời” (Mt.18:3-4).
            Thật vậy, trong toàn thể thụ tạo, kể cả thiên thần, còn ai cao trọng hơn Mẹ Maria trong Nước Trời, tức không có thụ tạo nào được gần Thiên Chúa như Mẹ, hay không có một thụ tạo nào được đầy tình yêu Thiên Chúa như Mẹ. Bởi thế cũng chỉ có một mình Mẹ Maria mới đáng được sứ thần Thiên Chúa nghiêm cẩn chào mừng “đầy ơn phúc” (Lk.1:28) mà thôi. Thế nhưng, lý do tại sao Mẹ Maria “đầy ơn phúc” không phải là vì đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa, theo như quan điểm trần gian nơi người đàn bà kia chúc tụng Mẹ trước mặt Con Mẹ: “Phúc cho lòng đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú” (Lk.11:27), cho bằng “nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ lời Ngài” (Lk.11:28), đúng như nhận định “đầy Thánh Thần” (Lk.1:41) về Mẹ của  thánh nữ Isave: “Phúc cho Người vì đã tin tưởng rằng những lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện” (Lk.1:45).
            Như thế, Tinh Thần Hồn Nhỏ Phúc Aâm không là gì khác ngoài việc “tin tưởng vào những lời của Chúa”, tức tin tưởng vào những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, cũng là tin tưởng vào những gì “Ngài nói với chúng ta qua Con Ngài” (Heb.1:2), hay tin tưởng vào chính Con Ngài là Đức Giêsu Kitô cũng thế, vì Người chính là Đấng “tỏ Cha ra” (Jn.1:19), Đấng “đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật” (Jn.18:37). Bởi vậy, sống Tinh Thần Hồn Nhỏ Phúc Aâm cũng không là gì khác ngoài việc chấp nhận “Đức Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Jn.17:3), Đấng mà “không ai biết ngoài Cha” (Mt.11:27), và vì thế Người cũng là Đấng “nếu không được Cha ban phép” (Jn.6:65) và “lôi kéo” (Jn.6:44), như chính Người tuyên bố, “không ai có thể đến được với Thày” (Jn.6:44,65), tức không ai có thể “chấp nhận Người” (Jn.1:12). Đúng thế, Đức Giêsu Kitô chính là “những gì Cha đã giấu kẻ thức giả và khôn lanh mà tỏ cho những con trẻ bé mọn nhất biết” (Mt.11:25).