NHỮNG GIÁO HOÀNG CUỐI THỜI

 

Theo tôi, nếu sấm truyền của tiên tri Malachi không sai, và theo ngài ba vị giáo hoàng còn lại có những đặc điểm được diễn tả qua những mật hiệu là “Gloria Olivae”, “De Labore Solis” và “Petrus Romanus”, thì, căn cứ vào tình hình đã, đang và có thể xẩy ra, tôi đã suy diễn như sau trong cuốn Hận Thù Quyết Thắng, (Cao-Bùi 1996), trang 48-49:

            “‘Gloria Olivae’: nghĩa là ‘Vinh Quang của Cây Ô-Liu’.
            Phải chăng câu này ám chỉ về tột đỉnh vinh quang của Đức Gioan-Phaolô II trước lịch sử thế giới trong một giai đoạn đầy những biến động và đổi thay từ sau Công Đồng Vatican II. Điển hình là biến cố Đông Aâu xẩy ra vào cuối năm 1989 và khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết sụp đổ năm 1991, mà những hoạt động trong phạm vi thuần túy tôn giáo của ngài chẳng khác gì cành Ô-Liu được chim câu tha về con tầu Noe cứu rỗi (x.Gn.8:11). Nhờ đó, như Chúa Giêsu từ trên núi Ô-Liu xuống (x.Lk.19:37) vinh quang tiến vào thành Gia-Liêm thế nào, vị lãnh đạo tối cao đương thời của Giáo Hội Công Giáo cũng được toàn thế giới ngưỡng mộ và nghênh đón như vậy.

            “‘De Labore Solis’: câu này có hai nghĩa, một là ‘về cuộc nhật thực’, hai là ‘từ cuộc khổ ải của vầng dương’.
            Nếu sau khi Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Gia-Liêm là giai đoạn Người bắt đầu đi vào cuộc tử nạn vượt qua của Người thế nào, vị lãnh đạo của Giáo Hội sau thời ‘vinh quang của cây Ô-Liu’ cũng sẽ là vị lãnh đạo, đối ngoại, thì chịu ‘khổ ải’ bởi quyền bính thế gian, và đối nội thì bị ‘nhật thực’ bởi lực lượng chống đối của thành phần Phản Kitô lấn át. Biết đâu vị giáo hoàng áp cuối sẽ mang danh hiệu Phêrô-Phaolô: Phêrô biểu hiệu cho quyền bính Giáo Hội (đối nội) bị ‘nhật thực’ bởi con cái phản bội, như Chúa Giêsu đối với dân của Người và môn đệ của Người, và Phaolô biểu hiệu cho sứ mệnh Giáo Hội (đối ngoại) bị ‘khổ ải’ bởi thế lực ‘new world order’ do dân ngoại và âm mưu của nhóm Do Thái, như Chúa Giêsu và Thánh Phaolô bị Do Thái nộp cho quân Rôma hành quyết.

            “‘Petrus Romanus’: có nghĩa là ‘Phêrô người Rôma’.
            Về vị lãnh đạo sau hết mang cùng danh với vị lãnh đạo đầu tiên này, theo lời sấm truyền kết thúc thì: ‘Trong cuộc bắt bớ cuối cùng của Hội Thánh Rôma, vị sẽ chăn nuôi đàn chiên mình giữa những tai biến; sau đó, thành đô có 7 ngọn đồi sẽ bị phá hủy và có Vị Thẩm Phán đáng sợ sẽ xét xử nhân gian. Đúng thế, theo Thánh Kinh, ngày tận thế có liên quan trực tiếp đến số phận của Giáo Hội. Tiên tri Đa-Niên đã được thị kiến thấy cho biết: ‘khi quyền lực của kẻ phá hoại dân thánh bị kết liễu thì tất cả những điều này được chấm dứt’ (Dan.12:7). Không phải hay sao, hình ảnh đền thờ Gia-Liêm mà Chúa Giêsu nói ‘sẽ không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào - tất cả sẽ bị tan nát’ (Mt.24:2), tức là ‘Người thực sự đang nói về đền thờ thân thể Người’ (Jn.2:21)? Thật ra, ‘không ai có thể lấy được mạng của Tôi (Chúa Kitô)’ (Jn.10:18), nhưng thực tế lại cho thấy ‘Tôi tự bỏ mạng sống mình. Tôi có quyền thí mạng sống mình’ (Jn.10:18). Cũng thế, ‘cho dù cửa miệng sự chết cũng không thắng nổi’ (Mt.16:18) Giáo Hội, nhưng thực tế lại xẩy ra là ‘khi Con Người đến không biết có còn đức tin trên thế gian’ (Lk.18:8). Đó là lý do chính đáng khiến ‘Người đã khóc’ (Lk.19:41), khóc thương Giáo Hội bạn mình (x.Jn.15:15), như Người đã khóc Lazarô (x.Jn.11:35). Qua Bí Mật La Salette, từ năm 1846, Mẹ Maria đã tiết lộ cho con cái Giáo Hội biết: ‘Vị Đại Diện Con Mẹ sẽ chịu nhiều đau khổ, vì Giáo Hội sẽ chịu đựng bắt bớ khủng khiếp một thời, thời tối tăm, và Giáo Hội sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng rùng rợn... Rôma sẽ mất đức tin và sẽ trở nên ngai toà của Phản Kitô’”