Chứng Nhân Đức Kitô Á Châu

Trước ‘các thực tại Á Châu’ khó khăn và đầy thử thách như thế, Kitô hữu Công Giáo Á Châu chúng ta phải làm gì? Nếu không phải chúng ta càng cần phải “là những chứng nhân của Thày” hơn, ở cả lãnh vực chia sẻ giáo thuyết cũng như chia sẻ sống đạo.
            Về vấn đề chia sẻ giáo thuyết, bản Instrumentum Laboris cho thấy:
“Có một số câu trả lời rằng, các Kitô hữu ở Á Châu có thể gặt hái được kết qủa từ việc để ý đến những yếu tố mà những tín đồ của các tôn giáo khác cũng như các văn hóa khác ở Á Châu cũng có như mình, chẳng hạn: việc chú trọng đến ý muốn của Thiên Chúa nơi tín đồ Hồi Giáo; việc thực hành tịnh niệm, chiêm niệm, từ bỏ ý muốn con người và tinh thần bất bạo động nơi tín đồ Aán Giáo; việc thoát tục và nhân hậu nơi tín đồ Phật Giáo; việc con cái thảo kính và nhân bản nơi Khổng Giáo, tính đơn thành và khiêm tốn nơi Lão Giáo; và lòng kính cẩn và tôn trọng đối với thiên nhiên nơi các Tôn Giáo Truyền Thống. Giáo Hội ở Á Châu có nhiều thứ để hiến cho những tín đồ theo các niềm tin khác, thí dụ như: giá trị của việc hòa giải và hòa bình, việc tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, phẩm giá linh thiêng nơi mỗi một con người, lòng yêu thương và phục vụ tha nhân, học thuyết  xã hội của Giáo Hội, việc cổ võ về nhân bản dưới nhiều hình thức, giá trị của đau khổ và việc phục vụ là trọng tâm mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô” (đoạn 33).

Về vấn đề chia sẻ sống đạo, bản Instrumentum Laboris cũng ghi nhận có hai cách. Cách thứ nhất  như sau:
“Vì ở Á Châu luôn luôn đặt nặng vấn đề cảm nghiệm đạo giáo hơn là vấn đề giáo thuyết, nhiều câu trả lời đã cho rằng Đức Kitô cần phải được truyền đạt hiệu nghiệm hơn, không phải ở mức độ thuần lý thuyết hay bằng ngôn từ, qua một cuộc trình bày đạo lý gẫy gọn, mà là ở tại việc cảm nghiệm được đạo lý của mình. Ở Á Châu, môi trường để tiến tới Tuyệt Đối Thể hay Thần Linh không phải là ngôn từ mà là tĩnh lặng. Việc công bố hiệu nghiệm nhất và có giá nhất về Chúa Phục Sinh là chứng tá không cần phát ngôn của một con người đã trải qua cảm nghiệm Thần Linh sâu xa, được tỏ hiện nơi đời sống biến đổi của họ” (đoạn 47)

Cách thứ hai của vấn đề chia sẻ sống đạo tại Á Châu là:
“Ngoài những luận chứng theo lý trí, việc làm chứng thật sự cho Chúa Kitô nơi dân Á Châu sẽ mang lại kết qủa, khi khoảng cách giữa đạo giáo và việc phục vụ được vượt lấp, tức là khi các tín hữu thực sự trở nên những dấu chứng sống động của Chúa Giêsu Kitô, bằng việc thực thi những công cuộc tình thương về tinh thần cũng như về thể lý. Có như thế, đối với người dân Á Châu là thành phần vẫn đặt nhiều ưu tiên cho những ý niệm về cộng đồng, về hòa hợp, về an bình và về việc thoát khỏi sự dữ, thì cuộc sống của Kitô hữu sống niềm tin Kitô giáo này mới là một cách thức tác động trong việc làm chứng cho Chúa Kitô” (đoạn 30).

Tuy nhiên, việc chúng ta càng cần phải “là những chứng nhân của Thày” hơn, ở cả lãnh vực chia sẻ đạo lý cũng như chia sẻ sống đạo, cũng chỉ là những đường lối đối thoại tôn giáo mà thôi, nghĩa là cũng có thể mang lại kết qủa toại nguyện, song cũng có thể không hoàn toàn được như ý, như kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội từ trước đến nay đã từng cho thấy. Do đó, trong khi tìm kiếm và thực hiện bất cứ đường lối truyền giáo nào, dù khôn khéo và hay ho đến đâu đi nữa, “những chứng nhân của Thày” ở Á Châu hiện nay còn cần phải trở về chính nguồn mạch của việc truyền giáo là niềm hy vọng vào chính Đấng đã tuyên bố: “Ngoài Thày ra các con không thể làm gì được” (Jn.15:5), nghĩa là phải trở về với chính Đấng “được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt.28:18), hay trở về với Quyền Năng Phục Sinh của Chúa Kitô.
            Thật vậy, Chúa Giêsu đã khẳng định với người Do Thái: “Tôi còn những chiên khác chưa thuộc về đàn chiên này. Tôi phải đem chúng về nữa, và chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Rồi sẽ chỉ có một đàn chiên, một chủ chiên” (Jn.10:16), tức là đàn chiên của Chúa Kitô bao gồm cả dân Do Thái (“đàn chiên này”) lẫn dân ngoại (“những chiên khác”). Vì dân ngoại cũng là chiên của mình, Chúa Kitô cũng “phải đem chúng về nữa”, bấy giờ, vào thời điểm của Người, “chúng sẽ nghe tiếng” Người.
            Ở đây, nếu chúng ta chú ý kỹ tới lời Chúa Giêsu nói, chúng ta sẽ thấy rằng, trước khi “chúng sẽ nghe tiếng” Người, thì “những chiên khác chưa thuộc về đàn chiên” đã là chiên của Người rồi. Và chính vì là chiên của Người rồi mà chúng mới có thể nghe được tiếng Người gọi, đúng như Người đã nói với nhóm người Do Thái không tin Người rằng: “Tôi đã nói với qúi vị song qúi vị không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi đều làm chứng thuận lợi cho Tôi, nhưng qúi vị vẫn không chịu tin vì qúi vị không phải là chiên của Tôi” (Jn.10:26). Bởi vì, như Người minh xác cho họ biết bản chất đặc thù và khuynh hướng tự nhiên nơi thành phần chiên của Người là nghe tiếng Người: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Jn.10:16,27).
            Như thế, bất kỳ ai trên thế gian này, nhất là khối dân Á Châu qúa đông mà vẫn chưa nhận biết Vị Chủ Chiên đích thực của mình, với lòng đạo sẵn có, như Thực Tại Á Châu 2 nhận định: “Bản chất sâu nặng tín ngưỡng là một trong những đặc tính chính yếu của người dân Châu Á”, tức là đặc tính dễ hướng về chân thiện mỹ, đặc tính ăn ngay ở lành, sẽ càng làm cho họ dễ nghe tiếng “Vị Chủ Chiên nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên” (Jn.10:11).
            Phải, tiếng của “Vị Chủ Chiên nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên” kêu gọi đàn chiên của mình đây, nhất là “những con chiên khác chưa thuộc về đàn” đây chính là tiếng của tình yêu. Mà tình yêu là một ngôn ngữ quốc tế, ai nghe cũng hiểu, một ngôn ngữ của Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Theo chiều hướng này, bản Instrumentum Laboris đã ghi lại:
“Có một số câu trả lời nêu lên rằng cần phải tỏ cho thấy Đức Giêsu Kitô nhân ái và khoan hậu đối với người nghèo. Những câu trả lời đó nhấn mạnh rằng hình ảnh Chúa Giêsu như là một người anh em chia sẻ đời sống của mình với người đau khổ sẽ thu hút dân chúng Á Châu hơn hết... Nhiều câu trả lời cho rằng việc Giáo Hội thực hiện phục vụ theo gương của Thày mình, Đấng trở nên nghèo vì tất cả để đem người ta về với Thiên Chúa, là một hình thức chứng nhân cảm kích và uy tín hơn hết mà Giáo Hội có thể mang lại ở lục địa Á Châu”. (đoạn 29)
Thế nhưng, như bản Instumentum Laboris tường trình nhận định:
“Ở một số quốc gia, nơi mà Kitô hữu chỉ có 2% tỉ số, mà những cơ cấu tổ chức liên quan đến Giáo Hội lại lên đến 30% trong số các tổ chức của chính quyền cũng như thiện nguyện thuộc ngành xã hội” (đoạn 17).

Vậy mà tại sao “những chứng nhân của Thày” ở Á Châu vẫn còn qúa ư là thiểu số?
            Phải chăng, vì “những chứng nhân của Thày” chưa hoàn toàn làm nổi bật tình yêu trọn hảo của Thày, chưa trọn vẹn lột tả được chân dung của “Vị Chủ Chiên nhân lành”, như trường hợp của Mẹ Têrêsa Calcutta giữa lòng Aán Giáo đã hiển nhiên cho thấy?
            Bằng không, tại sao chỉ có một số, (từ hằng trăm đến hàng ngàn), rất ít vị thừa sai Tây Phương trước đây, không có một chút gì gọi là Á Châu, tiêu biểu nhất là thánh Phanxicô Xaviê, lại có thể gieo mầm hạt giống đức tin vào một mảnh đất đã đâm sâu rễ các đạo giáo lớn lâu đời khác, từ đó chúng ta mới có một Giáo Hội ở Á Châu như bây giờ, trong khi đó, Kitô hữu thuần túy Á Châu chúng ta, thành phần từ lòng Á Châu mà ra, ngày nay đã chiếm được cả trăm triệu người, tuy vẫn còn khiêm tốn, gần bằng 3% dân số Châu Á, lại không thể hay sao: “viết lên một chương chứng nhân Kitô giáo mới ở Á Châu”!?!...
            Nếu “việc rao giảng sứ điệp ở địa hạt Á Châu” đã được Thần Linh rõ ràng can thiệp, bằng việc Ngài bấy giờ “ngăn cản” hay “không cho phép” (Acts 16:6-7) thực hiện, thì một “khi tới thời điểm án định” (Gal.4:4), như qua Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đây, thì chỉ cần Kitô hữu Á Châu chúng ta biết “lắng nghe tiếng Thần Linh nói với các Giáo Hội” (Rev.3:22).