ĐHY Phaolô Phạm Đình Tụng, Chủ Tịch HĐGMVN,
Tổng Giám Mục Hà Nội:
“Tìm kiếm, chiêm ngưỡng và thấm nhiễm những dấu chỉ
sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa”

            Với niềm vui mừng và cảm động, tôi muốn chào tất cả các nghị phụ, nhất là các anh em giám mục đại diện các Giáo Hội và các dân tộc thuộc đại lục Á Châu mênh mông. Những nhận định của tôi bàn về những đoạn sau đây của Tài Liệu làm việc: 12 tới 14, 20, 23 tới 29, 32-33, và 47 tới 50.
            Tôi xin đi thẳng vào vấn đề cốt yếu: tôi không nghĩ rằng THĐGM chúng ta phải đi vào những tinh tế trong các cuộc tranh luận lịch sử và cả thần học nữa. Sứ mạng của Công nghị này là chỉ cho các Kitô hữu và các vị chủ chăn con đường rất cụ thể cần theo ngày nay để Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa muốn ban cho mọi người, được đông đảo nhân loại tại Á Châu nhận biết, và để nhiều người có thể vui mừng vì ánh sáng của ngài, và tự nguyện đi theo con đường ngài đã vạch ra. Tôi xin nói về 3 điểm sau đây:

            I) Đức tin của các dân tộc Á Châu:
            Dân tộc Việt Nam, và toàn thể các dân tộc Á Châu, có tâm tình tôn giáo sâu xa. Trong qúa khứ, chắc chắn người ta đã coi nhẹ sự chân chính và giá trị kinh nghiệm tôn giáo mà đại đa số những đồng bào của chúng tôi đã sinh sống. Vì thế, hậu quả là các cộng đoàn Kitô Á Châu sống bên lề các xã hội và các nền văn minh trong đó họ phải làm chứng cho các giá trị Tin Mừng.
            Vì vậy, chúng ta cần phải mở mắt tâm hồn chúng ta nhìn những anh chị em tín hữu đang sống trong chúng ta. Với lòng tôn trọng và thiện cảm, chúng ta phải đề cập trước tiên tới những giáo lý và triết lý khác với chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận khám phá trong đó những sự phong phú lạ lùng và vui mừng vì những điều ấy.
            Tôi không muốn chỉ nói về những trào lưu tư tưởng lớn rất gần chúng ta, như Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, và ở nơi khác, có Aán giáo hoặc Hồi giáo. Các dân tộc chúng tôi không sống quan hệ với những thực tại vô hình qua những giáo lý lớn ấy mà thôi. Vô số nông dân Á Châu biết đến các thần của họ như thần đất, các thần thiên nhiên, các thần bảo vệ làng... Các Giám Mục Việt Nam chúng tôi xác tín rằng không thể tiên thiên (a priori) bác bỏ những tín ngưỡng là mê tín. Đối với những người thực hành chúng, các tín ngưỡng ấy là một con đường cụ thể và hằng ngày giúp họ dần dần đến gần mầu nhiệm Thiên Chúa - mầu nhiệm bao phủ và thấm nhập mọi sự. Việc thờ cúng tổ tiên, rất phát triển nơi chúng tôi cũng như trong thế giới Trung Hoa, cũng là một cách hùng hồn và mạnh mẽ liên kết với Nguồn Gốc đích thực của vạn vật, Nguồn Gốc mà không ai không biết và từ đó phát sinh mọi cuộc sống một cách hòa hợp.

            II) Đức tin Kitô trong bối cảnh Á Châu.
            Các vấn đề vô tín ngưỡng và vô thần không phải là những ưu tiên của chúng tôi. Để Tin Mừng thấp nhập vào Á Châu, khó khăn không phải là vô tín ngưỡng hoặc dửng dưng: khó khăn hệ tại sức mạnh và sự phong phú về ý thức tôn giáo của những người đồng hương chúng tôi. Những anh chị em không Kitô, hầu hết đều hài lòng về tình trạng tôn giáo của họ, và họ tự hỏi xem Kitô giáo có thể mang lại cho họ điều gì hơn nữa.
            Đó chính là điều chúng tôi phải nhấn mạnh, để có một cuộc đối thoại thực sự được khơi mào trong lãnh vực mà các anh em không Kitô đang chờ đợi chúng tôi. Một cuộc đối thoại chủ trương chỉ dựa trên những lý luận triết học và thần học thông thái sẽ không có ích gì. Người ta hỏi chúng tôi: “Vậy kinh nghiệm tôn giáo của các bạn thế nào? Các bạn hãy chỉ cho chúng tôi thấy làm sao bạn có thể gần mầu nhiệm khôn tả mà chúng sinh đều phải lệ thuộc!”
            “Chúng ta, các tín hữu Kitô Á Châu, qúa nhiều khi chúng ta không biết một kinh nghiệm độc nhất và sinh tử, làm cho con tim chúng ta được rung động vì vui mừng, và làm cho chúng ta có thể sống hoàn toàn hòa hợp với chính mình, với anh em và với vũ trụ. Đối với chúng ta, điều khôn tả có một danh xưng và một khuôn mặt. Oâng Trời rất vô danh và trừu tượng của các tổ tiên chúng ta đã trở thành Người Cha mà chỉ có tình yêu thương của Ngài mới có thể làm cho chúng ta hiện hữu. Người Cha ấy, chưa hề có ai được thấy, nhưng tình yêu của Ngài đã mặc một thân thể và một khuôn mặt trong con người của Đức Giêsu, Con của Ngài, Người Anh Cả của chúng ta, là Thày và là Đường đi của chúng ta”.

            III) Rao giảng Tin Mừng cho các anh chị em chúng ta ở Á Châu.
Á Châu cần được biết tôn nhan đó của Thiên Chúa, vừa rất gần gũi vừa rất nhân loại, cao cả và đầy tình thương dường nào. Á Châu cần khám phá sự khôn ngoan mới mẻ ấy được biểu lộ trong các Mối Phúc Thật và trong mầu nhiệm phục sinh. Nhưng làm sao Á Châu có thể thực hiện được điều đó nếu Chúa Kitô mà chúng ta đang sống, không hiện diện và trở nên hữu hình trong con người chúng ta, trong các cộng đoàn và trong các hành vi của chúng ta? Làm sao Á Châu có thể qúi chuộng tôn nhan Thiên Chúa nếu kinh nguyện và suy niệm Kitô của chúng ta chỉ hời hợt, không đạt tới chiều sâu như các đại nhân vật của Phật giáo...? Phụng vụ của chúng ta dù được hội nhập văn hóa sâu xa nhất cũng chỉ là những trò hề nếu người ta không cảm thấy cụ thể trong đó sự hiện diện linh hoạt của Thiên Chúa Tình Thương, của Thánh Thần Sự Sống.

            Tóm lại, thật là vô ích khi tìm kiếm trong chúng ta những lời nói hoặc những lễ nghi có sức thuyết phục hoặc hoán cải đồng bào chúng ta, hoặc chờ đợi người ta mách cho chúng ta những lời ấy. Thậm chí chúng tôi thấy gợi lại những tranh luận do qúa khứ để lại là điều tai hại. Điều quan trọng là tìm kiếm nơi những tín hữu các tôn giáo khác và nơi chính chúng ta, những dấu chỉ sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng những dấu chỉ ấy, và để cho những dấu chỉ đó thấm nhiễm vào chúng ta. Theo ý tôi, Mẹ Têrêxa Calcutta đã chỉ cho chúng ta con đường phải theo. Do lòng kính trọng sâu xa và do tình yêu sống động đối với mọi người, Mẹ đã dạy một cách hữu hiệu thế nào là Thiên Chúa Tình Thương của các tín hữu Kitô, đâu là Đấng Cứu Thế hạ mình cho đến chết, bị mọi người loại bỏ, nhưng đã trở thành anh cả của nhiều người. Mặc dù là người ngoại quốc, Mẹ Têrêxa đã được dân tộc Aán Độ bất luận thuộc tôn giáo nào, nhìn nhận như một người của họ và như một người mang lại kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa. Cũng vậy, chúng ta phải chu toàn nỗ lực căn bản là canh tân đức tin và đời sống Kitô chúng ta. Chỉ sau đó chúng ta mới có thể bắt đầu cuộc đối thoại thực sự bằng cuộc sống với mọi người thiện chí, dù họ thuộc tín ngưỡng hoặc thuộc chân trời triết lý nào đi nữa. Thần học trong bối cảnh Á Châu, không ai chối cãi sự cần thiết của nó, là điều sẽ xẩy đến ở cuối hành trình. Nhưng thứ thần học đó chỉ là một ảo ảnh nếu không có đại giới răn yêu thương mọi người, được sống trong chúng ta và với tất cả mọi người; thần học ấy sẽ vô hiệu nếu không có một quyết tâm hằng ngày phục vụ những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi nhất.