Những tư tưởng này không phải là thiếu thực tế. Là Mục Tử của đoàn chiên của mình ở Đức, Quí Huynh cũng đã cảm nghiệm được, nhất là trong những năm gần đây, nhiều đòi hỏi cần đến sức mạnh và nghị lực trong vai trò lãnh đạo của mình, khi có những nhóm đặc biệt liên kết hành động với nhau liên tục áp đảo Quí Huynh để đẩy mạnh việc thay đổi Giáo Hội không hợp với ý muốn của Chúa Kitô. Trong tình trạng này, công việc của Vị Giám Mục là ra mặt, là giải quyết, là làm sáng tỏ, là làm lắng dịu và luôn luôn mang người ta lại với nhau – tất cả được thực hiện bằng việc đối thoại. Tôi xin Quí Huynh đừng thất đảm! Trong khi lắng nghe và tác hành, Quí Huynh đừng để cho bất cứ một quyền lực nhân loại nào làm lỏng lẻo những mối giây liên kết bất khả phân ly giữa Quí Huynh và Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! (đoạn 7)

 

·        Việc hiệp nhất với Giám Mục là một thái độ thiết yếu không thể thiếu của người tín hữu Công Giáo, vì người ta không thể cho rằng mình ở về phía Giáo Hoàng mà lại không đứng bên các Vị Giám Mục hiệp thông với Giáo Hoàng. Người ta cũng không thể cho rằng mình hợp với các Vị Giám Mục mà lại không đứng về bên Vị Lãnh Đạo của Giám Mục Đoàn. (đoạn 7)

 

·        Phải loại trừ bất cứ một nỗ lực nào muốn giáo sĩ hóa giáo dân hay giáo dân hóa giáo sĩ. Nó không xứng hợp với cấp trật mầu nhiệm của Giáo Hội theo ý muốn của Đấng Sáng Lập Giáo Hội. Cũng phải loại trừ cả những khuynh hướng xóa bỏ cái khác nhau chính yếu giữa giáo sĩ và giáo dân để làm mồi thu hút ơn kêu gọiCho dù có phải chờ đợi lâu đi nữa vì hiện trạng thiếu hụt linh mục, cũng không được đưa cộng đồng của mình đến chỗ chấp nhận một tình trạng cấp cứu như là một qui luật. Linh mục và giáo dân cần lẫn nhau. Họ không thể thay thế nhau mà là bổ túc cho nhau. (đoạn 9)

 

·        Nơi phần đất của Quí Huynh càng ngày càng xẩy ra tình trạng không đồng ý với thái độ của Giáo Hội đối với vai trò của nữ giới… Phẩm vị của phụ nữ cao cả là điều chắc và mỗi ngày cần phải cảm nhận được điều ấy hơn nữa! Tuy nhiên, người ta không để ý gì mấy đến tính cách khác nhau giữa các quyền lợi nhân bản và dân sự nơi con người với các quyền lợi, nghĩa vụ và những phận sự liên hệ của họ trong Giáo Hội. Chính vì lý do này mà trước đây ít lâu, bằng thừa tác vụ củng cố cho anh em của mình, Tôi đã nhắc nhở là ‘Giáo Hội không có quyền gì cả trong việc phong chức linh mục cho nữ giới và phán quyết này phải được tất cả mọi tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách dứt khoát’ (Ordinatio sacerdotalis, đoạn 4). (đoạn 10)

 

(Tuần san L’O sservatore Romano, ấn bản Anh ngữ  8/12/1999, trang 5 và 8)

 

Ngày nay, đạo lý Kitô giáo còn bị cả trào lưu “văn hóa tử vong”, văn hóa duy nhân bản, tức trào lưu sống theo đạo làm người, mà là đạo làm người vô thần, nghĩa là đạo thờ thần tôi, đạo thờ nữ thần tự do, nổi lên chống đối nữa, càng ngày càng quyết liệt, nhất là về mặt luân lý liên quan đến quyền làm người tuyệt đối, quyền tự quyết hết mọi sự theo ý mình, kể cả sự sống của con người. Điển hình nhất là Hội Nghị Về Dân Số ở Cairô nước Ai Cập vào năm 1994. Để có thể cảm nhận được sức bung phá và hận thù như thế nào phát ra từ những con người văn minh đang có thế hoạt động trên bình diện quốc tế qua Hội Nghị này, trước hết chúng ta hãy nghe cảm tưởng của Đức Tổng Giám Mục Renato Martino, vị đại biểu của Tòa Thánh tham dự Hội Nghị, cho biết như sau:

 

·        Tôi lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh ở Cairô (năm 1994). Tôi có thể cho quí vị (phóng viên nguyệt san Inside The Vatican 8-9/1999, trang 67) biết là ở Hội Nghị Cairô chúng tôi có rất nhiều người, nhiều vị đại biểu, nhiều phái đoàn đại biểu và nhiều người khác nữa chống lại chúng tôi. Chúng tôi thật là đau khổ khi thấy được tình trạng hận thù này. Tôi sẽ không đề cập đến thành phần thù hận chúng tôi làm gì, mà chỉ cho quí vị biết những gì đã xẩy ra tại Hội Nghị Cairô thôi.

 

“Trong việc thương thuyết vào lúc cuối cùng của cuộc Hội Nghị Cairô, nhóm phác họa vấn đề đã đi đến kết luận thiên về việc phá thai, và vị chủ tọa của nhóm này bắt đầu kêu gọi các phái đoàn đại biểu mà ông biết là thích phá thai. Thế rồi, chỉ vào phút cuối cùng – chỉ vào phút cuối cùng mà thôi – ông mới nhường lời cho Tòa Thánh. Dĩ nhiên là Tòa Thánh nói ‘Không đồng ý!’ – chống lại việc phá thai.

“Sau đó, ông ta cho giải tán phiên họp. Thế nhưng ông đã không thèm đếm xỉa gì tới 17 chữ ký của các phái đoàn đại biểu cùng chí hướng với Tòa Thánh yêu cầu được trình bày để chống lại việc phá thai. Và cái gì đã xẩy ra? Ngày hôm sau, các đầu đề của tất cả mọi tờ báo trên thế giới đăng là ‘Toàn Thánh Vatican Cản Trở Hội Nghị Cairô’, ‘Tòa Thánh Vatican Bị Cô Lập’, ‘Tòa Thánh Vatican Đơn Thân Độc Mã’ v.v… v.v.

 

“Hôm sau, vị chủ tọa ấy đã xin lỗi về đường lối ông điều khiển buổi họp cũng như về việc ông phải cho các phái đoàn đại biểu yêu cầu đêm hôm trước được phát biểu. Đây là những mưu mô và là những phương pháp – những mưu mô bẩn thỉu – họ chơi chúng tôi. Từ bấy giờ họ đã cố gắng cho tới cùng, trong các cuộc họp khác, để đẩy mạnh ý tưởng phá thai.

 

“Một mình chúng tôi phải chịu trận, nếu cần, để chỉ cần bảo vệ những gì Đức Giáo Hoàng đã nói. Chúng tôi thấy có một số nước, mặc dù đồng ý với những nguyên tắc được chúng tôi bênh vực, song vào phút chót, đã rút lui khỏi vị thế bênh vực của Tòa Thánh, chỉ vì những ý tứ về chính trị, mặc dù họ hoàn toàn chấp nhận nguyên tắc được Tòa Thánh bênh vực. Thế nhưng, vào giây phút cuối cùng họ lại nói: ‘Này, chúng tôi không muốn làm phiền đến người này, người kia hay người nọ’.

 

“Thế là, vì ý tứ chính trị, họ chấp nhận đứng ở vị thế mập mờ, và họ bảo vệ một vai trò mập mờ.”

 

Để theo dõi kỹ lưỡng hơn tiến trình chống lại “Phúc Âm Sự Sống” (tên của bức thông điệp Evanglium Vitae ban hành ngày 25/3/1995 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) cũng là chống lại Giáo Hội, thẩm quyền bảo vệ lề luật Thiên Chúa, chúng ta hãy theo dõi bài tường thuật “Những Gì Đã Xẩy Ra Ở Hội Nghị Cairô” của Dale O’Leary được phổ biến trong tờ Nguyệt San Inside The Vatican 2/1999 (trang 85-87) sau đây.

 

·        “Hội Nghị Quốc Tế Liên Hiệp Quốc về Vấn Đề Dân Số và Phát Triển năm 1994 đã được tổ chức tại Cairô trong việc đối đầu với những đe dọa của nhóm Hồi Giáo cực đoan và trách Tòa Thánh Vatican đã hợp tấu việc đàn áp nữ giới. Các tham dự viên chia rẽ nhau một cách dữ dội về vấn đề phá thai. Bên được dẫn đầu bởi phái đoàn đại biểu Hoa Kỳ thì tranh đấu về từ ngữ có thể đưa đến việc chấp nhận phá thai như một phần của vấn đề sức khỏe sinh sản. Bên kia chống lại bất cứ một áp đặt nào về việc phá thai đối với các nước đang coi phá thai là việc bất hợp pháp. Các vị đại biểu của Tòa Thánh đóng vai trò chủ động trong cuộc tranh luận, bênh vực sự sống và gia đình, bênh vực người nghèo và các quyền lợi đích thực của nữ giới.

 

“Hội Nghị Cairô không phải là hội nghị đầu tiên về vấn đềø dân số. Năm 1974 Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một hội nghị về dân số tại Bucharest chấp nhận một Dự Án Thực Hiện Dân Số Thế Giới, đến năm 1984, hội nghị về dân số ở Thánh Phố Mễ-Tây-Cơ đẩy mạnh 88 đề nghị để thực hiện dự án này hơn nữa.

 

“Ở Hội Nghị Mễ-Tây-Cơ, phái đoàn đại biểu Hoa Kỳ dẫn đầu tranh đấu việc thêm chữ nghĩa vào các đề nghị để làm cho sáng tỏ vấn đề không được cổ võ phá thai như là một phương tiện kế hoạch hóa gia đình.

 

“Trong thập niên giữa Hội Nghị Mễ Tây Cơ và Cairô, Liên Hiệp Quốc Tế Hoạch Định Vai Trò Phụ Huynh (IPPF International Planned Parenthood Federation), các nhóm muốn kiểm soát dân số, và các nhóm phụ nữ cố gắng gây thêm ảnh hưởng của mình ở Liên Hiệp Quốc. Thay thế chính phủ Reagan và Bush, chính phủ Clinton đã ủng hộ vấn đề phá thai. Nắm được cơ hội này, những nhóm ấy chống lại ‘ngôn ngữ của Hội Nghị Mễ Tây Cơ’, thứ ngôn ngữ cần phải được bãi bỏ ở Hội Nghị Cairô.

 

“Ngoài ra, còn có những thay đổi thật nhiều trong giới những người để ý tới vấn đề kiểm soát dân số. Thành phần nữ giới ở các nước đang phát triển đã chống lại những chương trình kiểm soát dân số do các viên chức chính quyền bắt buộc họ nỗ lực đạt tới chỉ tiêu về việc thực hành ngừa thai hay hủy hoại bộ phận sinh sản. Những chương trình mới đã đề cao sức khỏe và quyền lợi phụ nữ. Theo bản tin tức chính thức của Hội Nghị Cairô thì ‘những mục tiêu của hội nghị này là tăng thêm quyền cho nữ giới – một tiến trình bao gồm việc cải tiến các khía cạnh về vị thế, sức khỏe, kiến thức và công ăn việc làm của họ – và bảo đảm quyền chọn lựa đối với vấn đề kế hoạch hóa gia đình’.

 

“Các cuộc hội nghị của Liên Hiệp Quốc được sửa soạn bằng những phiên họp dọn đường để soạn thảo sẵn các dự án thực hiện. Một cuộc họp như thế đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước vào tháng Ba năm 1994. Như đã dự định, ngôn ngữ được sử dụng trong Hội Nghị Mễ Tây Cơ đã được loại bỏ. Trong khi bản thảo không minh nhiên kêu gọi quyền phổ quát trong việc phá thai, nó cũng nói đến ‘vai trò làm mẹ an toàn’, đến ‘vấn đề phá thai không an toàn’, đến ‘vấn đề sức khỏe sinh nở và sinh dục’, đến ‘những quyền sinh sản và sinh dục’, đến ‘việc điều hòa thai nghén’ và đến ‘những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình toàn diện’ – những từ ngữ có trường hợp được xác định bao gồm cả trường hợp được phép phá thai. Có đoạn trong bản thảo viết như sau: ‘Những chương trình chăm sóc sức khỏe sinh dục và sinh sản, bao gồm cả các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, phải giúp cho việc tự do chọn lựa tối đa bao nhiêu có thể’. Một đoạn khác viết: ‘Để giúp cho các cặp vợ chồng và cá nhân đạt được mục tiêu sinh sản’. Cụm từ ‘các cặp vợ chồng và cá nhân’ gợi lên cho thấy bản chương trình này khích lệ sinh hoạt dục tính ngoài hôn nhân. Bản văn cũng có các câu ‘các hình thức khác nhau của gia đình” và “các cuộc phối hợp khác” là những gì được một số nước Hồi Giáo cho rằng đó là nỗ lực của Tây phương trong việc cổ động vấn đề đồng tính luyến ái.

 

“Một bản văn thẩm quyền mang tựa đề ‘Việc Hoạch Định Sức Khỏe Sinh Sản và Gia Đình là Quyền Lợi của Con Người’ do Văn Phòng Tổng Thư Ký chính thức của Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số và Phát Triển viết: ‘bước đầu tiên để tiến đến việc cải tiến sức khỏe của thành phần vị thành niên là cất đi những ngãng trở về pháp lý cũng như về qui lệ làm cản bước đường của họ đến với những dịch vụ ấy’. Điều này được coi như là một cuộc tấn công quyền làm cha làm mẹ.

 

“Chính quyền Clinton hết lòng ủng hộ chủ trương của bản thảo ấy. Năm 1994, chính quyền Hoa Kỳ đã tăng ngân khoản tài trợ cho các chương trình dân số quốc tế lên tới 600 triệu Mỹ kim. Trong cuộc họp sửa soạn cho Hội Nghị, các đại biểu Hoa Kỳ làm áp lực bắt các đại biểu Châu Mỹ Latinh không được chống đối. Marta Casco, một đại biểu ở Honduras, đã đứng lên phản đối áp lực của Hoa Kỳ và tỏ ra không ưng thuận với việc dùng từ ngữ của bản thảo.

 

Trong khi chờ đợi, Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ cho phổ biến một tập tổng hợp các bài viết mang tựa đề ‘Dân Số, Phát Triển và Vai Trò Nữ Giới: Cần Được Đồng Lòng Thỏa Thuận’, với lời giới thiệu của Tổng Thống Bill Clinton và Phó Tổng Thống Al Gore. Hai trong các bài viết này được trích từ cuốn ‘Vượt Ra Ngoài Những Con Số: Một Dẫn Giải về Dân Số, về Việc Tiêu Thụ và Môi Sinh’ (Island Press, 1994), do Laurie Ann Mazur duyệt thảo. Một trong những bài viết ấy, ‘Cứu Xét Các Vấn Đề Đạo Lý’, Ruth lập luận rằng, việc từ chối không cho nữ giới có thể phá thai một cách an toàn hợp pháp vì những ‘niềm tin và thói tục lâu đời’ là điều bất nhân vô đạo’. Một bài viết khác, ‘Việc Cân Bằng Những Mức Độ: Chính Sách về Dân Số và Sức Khỏe của Phụ Nữ’, Adrienne Germain và Jane Ordway lập luận: ‘Việc ngăn ngừa trẻ vị thành niên có thai đòi phải được xã hội chấp nhận vấn đề giáo dục về tình dục và các dịch vụ về ngừa thai đối với đám tuổi từ 13 tới 19’ và ‘các dịch vụ hoạch định gia đình, bao gồm cả việc phá thai an toàn, phải làm sao cho thuận lợi, tính chất của nó phải được cải tiến và mục tiêu của nó phải được mở rộng’.

 

“Điều đáng để ý ở đây là chính phủ Hoa Kỳ xuất bản  những bài viết chọn lọc này, những bài viết ăn rễ sâu vào trào lưu nữ giới, vào văn từ phản lại gia đình, tức là chính phủ Clinton đã tự đặt mình vào tư thế tương khắc đối nghịch với những quan tâm của Tòa Thánh.

 

“Ủy ban chính phát xuất ra việc sử dụng từ ngữ được bàn cãi này lại nằm dưới quyền chủ tọa của Fred Sai ở Ghana, chủ tịch của cơ quan Liên Hiệp Quốc Tế Kế Hoạch Hóa Vai Trò Phụ Huynh, một tổ chức đã hết mình vận động cho việc hợp thức hóa vấn đề phá thai.

 

Ngày 30 tháng 6 năm 1994, trên nhật báo Thời Điểm Trái Đất, tờ tổng hợp các cuộc hội nghị của Liên Hiệp Quốc, đã xuất hiện một nhan đề ‘Tòa Thánh Vatican Cương Quyết Giữ Vững Lập Trường Đối Với Hội Nghị Dân Số’. Trong số nhật báo này, Carla Shea, tay viết của tờ New York, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Sai, mang tựa đề ‘Việc Sửa Soạn Cho Hội Nghị Cairô Bị Trầm Trọng’. Shea hỏi Sai: ‘Tôi có sai hay không khi đi đến kết luận rằng mục tiêu của hội nghị này là đặt lại vấn đề với chính những giả thiết và nền tảng ý hệ nơi trật tự xã hội cổ kính?’ Sai đã trả lời: ‘Đúng. Xác nhận ấy đúng. Đúng là như thế’…

 

“Việc Đức Thánh Cha phê phán về bản thảo (theo tác giả lần 1 ngày 19/3/1994, qua bức thư riêng gửi cho mọi vị quốc trưởng, và 3 lần sau qua các Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin hay Triều Yết Chung vào tháng 3, 4 và 8) đã làm bùng lên hàng loạt cuộc tấn công Tòa Thánh Vatican cũng như tấn công giáo huấn Công Giáo đối với vấn đề tính dục, sự sống và nữ giới. Mặc dầu Đức Thánh Cha đã kêu gọi nhiều lần việc tôn trọng nữ giới và việc bênh vực nữ giới, Tòa Thánh cũng vẫn bị tố cáo là chống lại việc giải phóng nữ giới.

 

“Trong khi có một số người ửng hộ bản thảo cho rằng Tòa Thánh Vatican đã hiểu lầm nó và cho rằng văn kiện này không tấn công gia đình hay vấn đề phá thai, thì lần nào các vị đại biểu yêu cầu các câu định nghĩa loại trừ vấn đề phá thai ra cần phải cho vào bản thảo họ đều bị chống đối kịch liệt.

 

“Ngày 5 tháng 9 năm 1994, ngày khai mạc hội nghị, Gro Brundtland, Thủ Tướng nước Na-Uy, kêu gọi ‘việc tha phép cho phá thai’ như là ‘một phương thế cần thiết trong việc bảo vệ sự sống của nữ giới’.

 

“Những phần tử của Các Tổ Chức Ngoài Chính Quyền (NGO: Non-Government Organizations) được phép phát biểu trong hội nghị cũng như được phép vận động các đại biểu. Một số đã cổ võ ‘quyền’ cho nữ giới phá thai. Francis Kissling, chủ tịch tổ chức Các Người Công Giáo Tự Do Chọn Lựa, một nhóm bị các giám mục Hoa Kỳ cho de, đã lợi dụng vị thế là một tổ chức ngoài chính quyền của mình để tấn công Tòa Thánh Vatican. Muthgard Toewe, thuộc nhóm Linh Động Truyền Thông với Nữ Giới theo Văn Hóa của Họ, tuyên bố rằng: ‘Mọi người phụ nữ đều có quyền – vì đó là một phần thuộc phẩm vị cũng như nhân quyền của họ – trong việc phá bất cứ một cái thai nào không cần thiết’.

 

“Tuy nhiên, có một vài đại diện của các tổ chức ngoài chính quyền thuộc các Đệ Tam Quốc Gia đã phê bình việc Liên Hiệp Quốc đang nhấn mạnh đến vấn đề ngừa thai đối với người nghèo. Margaret Ogla, một bác sĩ nhi đồng ở Kenya, đã nói đến những nạn ở xứ sở của mình: ‘Chúng tôi đang hết cả thuốc chính ngừa. Chúng tôi không có lấy cả ống tiêm, cả mũi chích, cả thuốc khử trùng, cả thuốc trụ sinh, thế mà các Trung Tâm An Sinh Gia Đình của chúng tôi lại không bao giờ thiếu các đồ dự trữ cho việc kiểm soát sinh sản. Nữ giới chết  xuất huyết bởi các thứ thuốc IUD’

 

“Zainab Sa’id Kabir, một giáo sư của Đại Học Bayero ở Nigeria, cũng phàn nàn rằng việc quá chú trọng tới ‘sức khỏe sinh sản’ đã đưa đến việc chểnh mảng chăm sóc sức khỏe căn bản: ‘Ở Châu Phi chúng tôi không chăm sóc về y tế cho lắm, chúng tôi không có các thứ thuốc kháng tố, song lại có đầy những thứ ngừa thai… Chúng tôi không thể nào không nghĩ rằng các thành phần viện trợ đã có những mưu đồ bí ẩn nào đó’.

 

“Henri Boulad, Giám Đốc của tổ chức Caritas Ai Cập, đã thách thức thuyết chủ trương dân số tăng gây ra nghèo khổ rằng: ‘Các trường hợp ở Ai Cập, Ấn Độ và Trung Hoa cho thấy việc tăng nhân số thực sự giúp cho các xứ sở ấy thoát được cảnh nghèo khổ. Vì tình trạng phong phú của một xứ sở là chính dân chúng của mình, nên việc tăng dân số lên thực sự không nguy hiểm bằng việc giảm dân số xuống… nạn dân số tăng quá nhiều là chuyện hoang đường, một chuyện vì được lập đi lập lại và tuyên truyền mới trở thành một tín điều vậy thôi’.

 

“Cuộc tranh cãi giữa những vị đại biểu xẩy ra dữ dội. Đến lúc căng thẳng nhất thì Dr. Sai đã đổ lỗi cho Tòa Thánh Vatican là gây cản trở cho việc đồng lòng thỏa thuận với nhau. Vào ngày 8 tháng 9 năm 1994, nhật báo Terra Viva, tờ tường thuật về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, đăng một đầu đề: ‘Các quyền của nữ giới bị giữ làm con tin: Nạn nhân của tình trạng thiếu đồng ý về việc phá thai’. Một bức tranh hí họa vẽ một đấng bậc Công giáo đang cau mày giữ chặt lấy cây thập giá và quay lưng lại với một đám đông đa văn hóa đang cầm các bảng hiệu yêu cầu ‘cùng nhau đồng thỏa thuận lòng’ và ‘dung hòa’.

 

“Thật ra, không có một sự thỏa thuận nào cả, vì các đại biểu của các nước Hồi Giáo và Công Giáo lo ngại là, nếu ngôn từ đang tranh luận về sức khỏe sinh dục và sinh sản được chấp nhận, thì việc ngoại quốc viện trợ sẽ dính liền với việc chấp nhận các chương trình cổ võ phá thai hay làm băng hoại các giá trị tôn giáo. Hội nghị đã đi đến chỗ tắc nghẽn.

 

“Bấy giờ phái đoàn đại biểu Ai Cập mới đề nghị dung hòa: vấn đề ngôn từ về sức khỏe sinh dục và sinh sản vẫn để nguyên trong bản văn, nhưng sẽ được thêm vào ở đầu văn kiện một chapeau (đoạn rào đón) là vấn đề thực hiện Chương Trình Thực Hiện là quyền tối hậu của mỗi quốc gia đối với việc hoàn toàn tôn trọng các giá trị đạo giáo và luân thường khác nhau của dân chúng.

 

“Bản Chương Trình Thực Hiện cũng nói rõ ràng là hội nghị không có thẩm quyền ban bố các thứ nhân quyền mới, như thế là phủ nhận chủ trương ‘các quyền sinh sản và sinh dục’. Ngôn từ của Hội Nghị ở Mễ Tây Cơ không bị bãi bỏ. Thay vào đó, thành ngữ đã được chấp nhận ở Hội Nghị Mễ Tây Cơ – ‘không có một trường hợp phá thai nào được cổ võ như phương pháp kế hoạch hóa gia đình’ – xuất hiện ở hai phần tách biệt. Chương Trình Thực Hiện cũng xin tài trợ 17 tỉ rưỡi Mỹ kim cho các chương trình kiểm soát dân số.

 

“Cả hai phía đều cho rằng mình thắng. Một nữ phát ngôn viên cho Tổ Chức Đại Đa Số Nữ Giới cho rằng Bản Chương Trình Thực Hiện được chấp thuận là ‘cái tát vào nỗ lực của Tòa Thánh Vatican trong việc làm trật đường rầy tình trạng phát triển của giới phụ nữ’.

 

“Olivia Gans, đại diện tổ chức Liên Hiệp Quyền Sống Quốc Tế cho rằng bên mình thắng, vì ngôn từ của Hội Nghị ở Mễ Tây Cơ vẫn còn giữ nguyên.

 

“Một số người ủng hộ bản thảo nguyên thủy công nhận là họ không thắng nổi ở những vấn đề then chốt. Jan Pronk, một đại biểu ở Nertherlands phàn nàn rằng: Câu ‘quyền sinh dục’ bị loại bỏ thật là đáng tiếc”.

 

Tuy nhiên, theo George Weigel, một trong những bình luận gia hàng đầu về tình hình luân lý và xã hội ở Hoa Kỳ, cũng là tác giả viết cuốn tiểu sử chân thực nhất về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua cuốn “Witness to Hope” (Cliff Street Books, 1999), thì:

 

·        Việc thảm bại của chính quyền Clinton cũng như của nhóm liên minh quốc tế ở hội nghị dân số Cairô chắc chắn không phải là thành quả của riêng một mình Tòa Thánh… Tất cả những yếu tố này (được tác giả cho biết là do khối các quốc gia đệ tam thực hiện từ hai hội nghị dân số trước đó cho tới hội nghị lần ba đây), cộng với những can thiệp của Tòa Thánh (như những lần Đức Thánh Cha chính thức công khai liên tục lên tiếng chống lại tinh thần và hình thức của bản thảo đề ra cho hội nghị dân số ở Cairô vào tháng 9, qua các Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật  hằng tuần hay các Buổi Triều Kiến Chung mỗi ngày Thứ Tư hằng tuần, được tác giả liệt kê ở trang 723-724, chẳng hạn các ngày 12/6, 19/6, 22/6, 26/6, 3/7, 10/7, 17/7, 24/7, 31/7, 7/8, 14/8, 28/8/1994, nhất là lời Ngài viết gửi cho mọi vị quốc trưởng ngày 19/3/1994, trong đó, cả tác giả cuốn sách này, ở trang 718, và tác giả của bài viết trên đây, trang 86, đã trích lại cùng câu: ‘Có lý do để mà sợ rằng bản thảo ấy có thể gây ra một tình trạng suy thoái về luân lý khiến cho nhân loại bị thụt lùi một cách trầm trọng’), đã giúp vào việc chuyển hướng mẫu thức kiểm soát của hội nghị dân số ở Cairô từ ‘việc kiểm soát dân số’ đến ‘việc cho quyền nữ giới’… Nếu mẫu thức trao quyền cho nữ giới được phối hợp với việc tái sinh hóa đời sống gia đình cũng như việc tái xác nhận quyền năng làm mẹ của nữ giới, hơn là với cuộc cách mạng dục tính như đang diễn tiến nơi thế giới các nước phát triển, thì trên cầu trường chính trị quốc tế ở thế kỷ 21 sẽ xẩy ra khác hẳn

 

Hội nghị Cairô đã diễn tiến như thể hoàn toàn không đếm xỉa gì tới cuộc vận động của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong những tháng trước đó…

“Ai cũng nắm chắc được là trong tương lai vẫn không thể nào thoát được những cuộc đối chọi tương tự như thế xẩy ra… Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã đẩy mạnh cái chính yếu của luân lý trong lập luận về dân số lên chính tâm điểm của khấu trường thế giới, đã làm thay đổi được bản chất của cuộc tranh luận chung này, và đã giúp vào việc chuyển hướng cái bố cục của cuộc bàn luận từ ‘việc kiểm soát’ dân số sang việc cho quyền nữ giới.

 

Tiến trình hội nghị dân số ở Cairô đã được thay đổi là như thế”.

 

(Witness to Hope trang 726-727)

 

Trường hợp điển hình cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối tại Hội Nghị Cairô năm 1994 trên đây đã chứng thực là “bóng tối không át được ánh sáng” (Jn 1:5). Nói như thế không có nghĩa là hoàn toàn phủ nhận “quyền thống trị của tối tăm” (Col 1:13) trên thế gian này, một quyền thống trị đến nỗi có thể có thể “át được” (Jn 1:5) cả chính “ánh sáng thực” (Jn 1:9) là Chúa Kitô: “Đây là giờ của các người – giờ chiến thắng của tối tăm!” (Lk 22:53), tất nhiên cũng sẽ “át được” cả “các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14) khi tới thời điểm “được phép” (Rev 13:7; cũng xem 20:3,7) của nó, đến nỗi, như Người cảnh báo trước “lúc Con Người tới không biết Người có còn thấy đức tin trên thế gian này nữa chăng?” (Lk 18:8).

 

Tuy nhiên, cũng chính “trong tăm tối ánh sáng đã chiếu soi” (Jn 1:5) thế nào và ánh sáng mới cần phải chiếu soi cũng như mới là môi trường thuận lợi để chiếu soi thế nào, (bởi vậy không phải vô cớ Lễ Chúa Giáng Sinh được Giáo Hội cử hành vào một đêm tăm tối của mùa đông trần thế, và không phải ngẫu nhiên Chúa Kitô đã phục sinh từ âm u cõi chết), thì Đấng “đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33), cũng chính là Đấng sẽ đến phán xét “tất cả mọi dân nước” thế gian trong ngày chung thẩm (xem Mt 25:31-32), mới mạnh mẽ khẳng định với đại diện cho thẩm quyền thế gian bấy giờ là quan tổng trấn Philatô rằng: “Ai tìm kiếm chân lý sẽ nghe thấy tiếng Tôi” (Jn 18:37).

 

Chẳng hạn như những vị đại sứ của một số nước, khi bắt đầu sứ vụ của mình tại Vương Quốc Vatican, đã bày tỏ với Vị Lãnh Đạo Thế Giới Công Giáo các lời lẽ sau đây.

 

·        Là một phụ nữ Phi Luật Tân đầu tiên làm đại sứ ở Tòa Thánh Vatican, tôi thấy công việc của mình thật là một thách đố lớn lao… Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tinh thần của Bức Thư Đức Thánh Cha gửi cho phụ nữ khắp thế giới, cũng như lời Đức Thánh Cha kêu gọi hãy làm cho phụ nữ hiện diện nhiều hơn nữa nơi tất cả mọi lãnh vực của xã hội. Những năm qua, phụ nữ Phi Luật Tân càng ngày càng chiếm được chỗ đứng trong chính mạch phát triển, chẳng những như là những thừa hưởng viên mà còn như tác nhân chính và là những người cầm quyền quyết định tại xứ sở của chúng tôi, nhiều người trong họ nắm vai trò cao cấp trong Chính Quyền và ở vị trí sáng giá trong lãnh vực riêng tư”.

 

(Bà Đại Sứ Henrietta Tambunting de Villa, Cộng Hòa Phi Luật Tân,

ngỏ lời với Đức Thánh Cha ngày 9/7/1996,

tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 17/7/1996)

·        Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến thấy việc hoàn toàn sụp đổ của các ý thức hệ cũng như các thể chế đã cố gắng đè nén và hủy hoại những giá trị ấy (Bài Giảng Muôn Thuở của Chúa Kitô). Chúng tôi công nhận vai trò của Tòa Thánh cũng như việc đóng góp riêng của Đức Thánh Cha vào các biến cố lịch sử thực sự đã dẫn đến cuộc tái sinh tình trạng tự do và dân chủ nơi đại lục của chúng ta đây. Chúng tôi hết lòng cảm phục trước việc Đức Thánh Cha liên lỉ quan tâm đến con người và phẩm vị của họ, cũng như quan tâm đến việc tôn trọng các quyền lợi của con người, và các nỗ lực không mỏi mệt của Đức Thánh Cha trong việc tranh đấu cho công lý và hoà bình trên thế giới”.

 

(Ông Đại Sứ Nikolaos Kalantzianos, Cộng Hòa Hellenic

ngỏ lời với Đức Thánh Cha ngày 3/6/1996,

tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 12/6/1996)

 

·        Tòa Thánh, trong thế giới tân tiến, cũng như trong quá khứ, đã đóng vai trò như là một lực lượng tranh đấu cho các giá trị luân lý và thiêng liêng, cũng như cho các quyền làm người và các quyền tự do căn bản. Việc tôn trọng các quyền của kẻ khác là việc trở về với các giới răn cao cả của Tân Ước – đó là yêu thương tha nhân như bản thân mình. Chúng ta đang đứng ở biên giới của ngàn năm thứ ba thuộc kỷ nguyên Kitô giáo, vai trò của Tòa Thánh trong việc cổ võ các giá trị phổ quát này lại càng quan trọng hơn trước nữa

 

Tòa Thánh cũng là một tay xây cất những cây cầu liên kết. Nếu tiếng Latinh của tôi không sai, thì đó là ý nghĩa của khẩu hiệu Pontifex Maximus, một khẩu hiệu xưa hơn cả chính Ngôi Giáo Hoàng nữa. Việc xây cất những cây cầu liên kết giữa các Chính Quyền và dân chúng, giữa những chi nhánh khác nhau của gia đình Kitô giáo, cũng như giữa Kitô hữu với các người ngoài Kitô giáo, là một việc làm rất quan trọng trong việc bảo trì hòa bình và nền tảng vững chắc. Đức Thánh Cha đã thực hiện những nỗ lực to tát, đặc biệt là bằng việc du hành tới rất nhiều xứ sở – gần đây nhất là đến Croat – để gặp gỡ rất nhiều quốc gia và các dân tộc khác nhau, hầu có thể nắm chắc được việc xây cất lên những cây cầu liên kết, và một khi đã được xây cất lên thì các cây cầu ấy phải vững vàng chắc chắn”.

 

(Ông Đại Sứ Eamon Ó Tuathail, Ái Nhĩ Lan

ngỏ lời với Đức Thánh Cha ngày 23/10/1998,

tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 28/10/1996)

 

Những ai tìm kiếm chân lý” chẳng những sẽ nghe tiếng Chúa Kitô qua Vị Mục Tử Tối Cao mà còn qua các con chiên trong đàn Giáo Hội nữa, như trường hợp của vị thủ tướng Hồi Giáo Pakistan, ông Nawaz Sharif, (theo tường thuật của Fr. James Channan, O.P., tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ 21-1-1998) đã khoản đãi một bữa tiệc Giáng Sinh đặc biệt tại Phủ Thống Đốc ngày 22/12/1997, để tỏ lòng cảm tạ cộng đồng Kitô hữu. Ông đã hết lòng cảm mến cộng đồng Kitô hữu đã đóng vai trò tích cực và xây dựng trong những lãnh vực khác nhau để phát triển đất nước Pakistan. Ông cũng ca ngợi những việc phục vụ của các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã vì nhân dân Pakistan hỗ trợ trong phong trào tự do. Ông nói rằng những người Kitô hữu đã đóng góp vào việc kiến tạo đất nước Pakistan cũng tương đương như là các anh em Hồi giáo vậy.