SỐNG HỒN NHỎ

Mừng Lễ Hồn Nhỏ Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu 1/10/2001
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



TINH THẦN HỒN NHỎ

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Luca đoạn 9 từ câu 43 đến câu 48: “Giữa lúc họ còn đang lạ lùng về tất cả những gì Người đã làm thì Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng: ‘Các con hãy nghe kỹ những gì Thày nói với các con đây, đó là Con Người phải bị nộp vào tay người ta’. Thế nhưng các vị không hiểu lời cảnh báo này; ý nghĩa của lời này quá phức tạp đối với các vị, đến nỗi các vị chẳng hiểu gì cả, mà các vị lại sợ hỏi Người về vấn đề ấy. Các vị tranh luận với nhau xem ai trong các vị là kẻ lớn nhất. Biết được tâm tưởng của các vị, Chúa Giêsu liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình mà nói với các vị rằng: ‘Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày, và ai tiếp đón Thày là tiếp đón Đấng đã sai Thày. Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em người ấy là kẻ lớn nhất’”. Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 18 từ câu 1 đến câu 4 cũng trình thuật về việc Chúa Giêsu giải quyết vấn đề các môn đệ của Người tranh chấp ngôi thứ với nhau như thế này: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thày, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’ Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các vị mà nói: ‘Thày bảo thật cho các con biết nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ trở nên như trẻ nhỏ này người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời’”.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu giải quyết vấn đề tranh chấp ngôi thứ cho các môn đệ của Người trong Phúc Âm Thánh Luca bằng một câu mở đầu chẳng ăn nhập gì cả: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày”. Tuy câu mở đầu chẳng liên hệ gì đến vấn đề tranh chấp ngôi thứ của các môn đệ song câu kết luận của Người ở cả hai Phúc Âm Thánh Luca và Mathêu lại minh định r những gì Người muốn dạy các môn đệ phải sống để được thực sự làm kẻ cả, đó là: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em người ấy là kẻ lớn nhất”, hay “ai tự hạ trở nên như trẻ nhỏ này người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Như thế, câu mở đầu của Chúa Giêsu có một ý nghĩa nào đó chứ không phải hoàn toàn vô nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa của câu này là gì, nếu không phải, “nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con sẽ chẳng được vào Nước Trời”, như lời Người nói trong Phúc Âm Thánh Mathêu.

Thật vậy, nếu câu “ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thày, là tiếp đón chính Thày” được sáng tỏ nơi câu “nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con sẽ chẳng được vào Nước Trời”, thì chúng ta có thể thứ tự chuyển dịch ý nghĩa của hai câu này như sau: nếu câu “ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thày” tức là ai “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” thì câu “là tiếp đón chính Thày” sẽ được hiểu người “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” ấy là người “tiếp đón chính Thày” hay là người “được vào Nước Trời” cũng vậy. Như thế, nếu “tiếp đón chính Thày” và “được vào Nước Trời” là một thì “Nước Trời” đây không phải là Chúa Kitô hay sao, mà Chúa Kitô là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người biết, đến nỗi, như Chúa Kitô xác định: “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9), do đó, “Nước Trời” đây cũng là và còn là “tất cả sự thật” (Jn 16:13), hay tất cả Mạc Khải Thần Linh Thiên Chúa muốn tỏ cho loài người biết nữa.

Trước hết, “Nước Trời” là Chúa Kitô, như ý nghĩa của câu Chúa Kitô nói với các môn đệ khi các vị ngăn cấm trẻ em đến cùng Người ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 19 từ câu 13 đến 15: “Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Chúa Giêsu nói: ‘Cứ để trẻ em đến cùng Thày, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng’”. Ở đây, nếu “Nước Trời” là Chúa Kitô chúng ta có thể chuyển dịch ý nghĩa của câu này như sau: “Cứ để trẻ em đến cùng Thày, đừng ngăn cấm chúng, vì Thày là của những ai giống như chúng”. Sau nữa, “Nước Trời” cũng là và còn là Mạc Khải Thần Linh nữa, như ý nghĩa của câu Chúa Kitô chúc tụng Cha trên trời ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 11 câu 25: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con chúc tụng Cha, vì những gì Cha đã giấu thành phần thức giả và khôn lanh thì Cha lại tỏ ra cho những kẻ bé mọn nhất biết”. Cũng thế, nếu “Nước Trời” ở đây là Mạc Khải Thần Linh thì chúng ta tạm dịch ý nghĩa của câu này như sau: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con chúc tụng Cha, vì Mạc Khải Thần Linh mà Cha đã giấu thành phần thức giả và khôn lanh thì Cha lại tỏ ra cho những kẻ bé mọn nhất biết”.

Trong Thông Điệp Redemptoris Missio về Việc Khẩn Thiết của Hoạt Động Truyền Giáo ban hành ngày 7/12/1990, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã định nghĩa Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là Chúa Kitô và là Mạc Khải Thần Linh như sau: “Vương quốc của Thiên Chúa không phải là một quan niệm, một tín lý hay là một hoạch định muốn cắt nghĩa sao cũng được, mà trước hết là một con người, dưới dung nhan và danh xưng Giêsu Nazarét, hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (số 18.2); “Vương quốc của Thiên Chúa là trọn vẹn dự án cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và hiện thực” (số 15.2).

Như thế, theo ý nghĩa thứ nhất, nếu Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu Kitô, thì thành phần không Sống Hồn Nhỏ không được vào Nước Trời nghĩa là không thể nào đến cùng Chúa Giêsu, không thể nào chấp nhận một Vị Thiên Chúa Nhập Thể, trái lại, chỉ có thành phần Sống Hồn Nhỏ là kẻ cả trong Nước Trời mới có thể đến với Chúa Giêsu, mới có thể nên một với Người, và mới có thể đạt đến tầm vóc viên mãn của Người (x Eph 4:13,15) mà thôi. Theo ý nghĩa thứ hai, nếu Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là Mạc Khải Thần Linh hay Dự Aùn Thần Linh, thì thành phần không Sống Hồn Nhỏ không được vào Nước Trời nghĩa là không thể nào hiểu được Dự Aùn Thần Linh hay Mạc Khải Thần Linh vô cùng sâu nhiệm của Thiên Chúa, trái lại, chỉ có thành phần Sống Hồn Nhỏ là kẻ cả trong Nước Trời mới có thể thấu hiểu mà thôi.

Mạc Khải Thần Linh cũng cho chúng ta thấy r thực tại “không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ không được vào Nước Trời” qua trường hợp điển hình của Khổng Long Satan, và thực tại “ai tự hạ trở nên như trẻ nhỏ này người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời’ nơi trường hợp mô phạm của Trinh Nữ Maria. Khổng Long Satan không Sống Hồn Nhỏ nên đã không được vào Nước Trời, ở chỗ, hắn đã tỏ ra tự kiêu và bất phục khi Thiên Chúa tỏ Dự Án Nhập Thể của mình ra cho chung các thần trời biết, một thái độ tự kiêu và bất phục được Thánh Ký Gioan thị kiến và thuật lại trong Sách Khải Huyền ở đoạn 12 câu 4 qua hình ảnh như sau: “Con Khổng Long đứng chực sẵn trước người nữ sắp sinh con để khi bà sinh xong là nuốt lấy con bà”. Ngược lại, Nữ Tỳ Maria đã Sống Hồn Nhỏ nên đã trở nên cao trọng nhất trong Nước Trời, ở chỗ, như Phúc Âm Thánh Ký Luca thuật lại ở đoạn 1 câu 38 về thái độ của Mẹ, sau khi biết được Dự Án Nhập Thể của Thiên Chúa tỏ ra cho mình, Mẹ đã hết lòng tự hạ và tùng phục thân thưa: “Này tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”.

Qua hai trường hợp điển hình về việc Trinh Nữ Maria Sống Hồn Nhỏ và Satan không Sống Hồn Nhỏ này, chúng ta thấy được hai điều: thứ nhất “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” tức là tự hạ và tuân phục; thứ hai, ai càng hết mình tự hạ và hết tình tuân phục sẽ “là kẻ lớn nhất trong Nước Trời’. Mẹ Maria đã thâm tín và cho biết về thành quả của việc Sống Hồn Nhỏ và hậu quả của việc không Sống Hồn Nhỏ, trong Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ ở đoạn 1 từ câu 51 đến 53 thế này: “Chúa đã ra tay uy quyền, đánh tan người kiêu ngạo, với những ý nghĩ kiêu căng của họ. Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và đã nâng người hèn mọn lên. Chúa đã cho người đói khó no đầy ân phúc và để người giầu có trở về tay không”.
Thật vậy, chính vì Satan không Sống Hồn Nhỏ, tức “không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, ở chỗ, “kiêu ngạo”, “với những ý nghĩ kiêu căng” bề trong, “những ý nghĩ kiêu căng” được bộc lộ qua hành động bất phục tùng bề ngoài, một hành động vượt quá quyền hạn của mình, tức muốn tự đưa mình lên một “vị cao” vượt trên thân phận thiên phú của mình, nghĩa là muốn trở nên “giầu có” một cách bất chính, do đó, đã bị Thiên Chúa làm cho “trở về tay không”, như Sách Khải Huyền cho biết ở câu 8 cùng đoạn 12: “mất chỗ đứng của mình trên trời”. Trái lại, vì Trinh Nữ Maria đã Sống Hồn Nhỏ, ở chỗ, bề trong tự hạ: “Này tôi là nữ tỳ Chúa”, và bề ngoài tuân phục: “Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”, nên Thiên Chúa đã “nâng” Mẹ là “người hèn mọn lên”, như Mẹ chân nhận cũng trong Ca Vịnh Ngợi Khen ở câu 48: “Ngài đã trông đến phận thấp hèn tôi tớ Ngài, từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc”, bằng cách, Ngài đã “cho” Mẹ là “người đói khó no đầy ân phúc”, như Mẹ cảm thấu và tuyên xưng ở câu 49 ngay sau đó: “Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trong đại, danh Ngài là thánh” (Lk 1:49).

Nếu “ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em người ấy là kẻ lớn nhất” (Lk 9:48), hay “ai tự hạ trở nên như trẻ nhỏ này người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:4), thì hai câu đồng nghĩa này trước hết và trên hết phải áp dụng vào trường hợp Trinh Mữ Maria. Và nếu “Nước Trời” là Chúa Kitô, Lời Nhập Thể, thì tạo vật “lớn nhất trong Nước Trời” là Trinh Nữ Maria đây chính là tạo vật giống Chúa Kitô nhất, phản ảnh Chúa Kitô nhất, Đấng được Thánh Phaolô Tông Đồ chiêm ngưỡng và diễn tả trong Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê ở đoạn 2 từ câu 6 đến câu 11: “Tuy thân phận là Thiên Chúa song Người không nghĩ cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã trở nên như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như loài người, sống thân phận loài người. Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Bởi thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”.

Ở đây chúng ta thấy chính Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô Con Mình, chẳng những đã dạy mà còn làm gương Sống Hồn Nhỏ cho chúng ta theo nữa. Không phải hay sao, nếu “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” là hết mình tự hạ và hết tình tuân phục, thì Chúa Kitô bề trong cũng đã chẳng hết mình tự hạ là gì: “Tuy thân phận là Thiên Chúa song Người không nghĩ mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã trở nên như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như loài người, sống thân phận loài người”, một tinh thần tự hạ được thể hiện nơi hành động tuân phục bề ngoài của Người: “Người còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”. Và nếu “Chúa đã ra tay uy quyền, đánh tan người kiêu ngạo, với những ý nghĩ kiêu căng của họ. Chúa đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi vị cao và đã nâng người hèn mọn lên. Chúa đã cho người đói khó no đầy ân phúc và để người giầu có trở về tay không”, thì không phải hay sao: “Bởi thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vư ợt trên mọi danh hiệu”, đến nỗi, Thánh Phaolô tiếp tục tuyên xưng trong cùng đoạn của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Philiphê ở câu 10 và 11 như sau: “Để khi nghe tên Giêsu thì mọi gối trên trời dưới đất và âm phủ phải qùi xuống, và mọi miệng lưỡi tuyên xưng cho vinh danh Thiên Chúa Cha rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa”.

ĐẠO BINH HỒN NHỎ

Chính vì Sống Hồn Nhỏ là đường lối “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) đã dùng để chẳng những đến với loài người bằng việc Nhập Thể, mà còn để cứu chuộc loài người bằng cuộc Vượt Qua như thế, nên loài người cũng thể nào đến với Người và nhất là cùng với Người cứu độ thế gian, nếu không họ Sống Hồn Nhỏ như Trinh Nữ Maria Mẹ Người, một Hồn Nhỏ Tiên Khởi và Tuyệt Mẫu đã “xin vâng” cho đến lúc “đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu” (Jn 19:25) để góp phần đồng công cứu chuộc nhân loại. Nếu việc Sống Hồn Nhỏ, qua lời nói và việc làm của Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, quả thực hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như được ghi nhận trong Phúc Âm nói riêng và Tân Ước nói chung như thế, thì Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu của Thánh Tâm Chúa Giêsu được Người ngỏ với chúng ta qua nữ sứ giả Magarita ở Bỉ ngay năm kết thúc Công Đồng Chung Vaticanô II (1965) quả thực là một dấu chỉ thời đại không thể bỏ qua. Tại sao?

Bởi vì, trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân hậu này, Chúa Giêsu đã ngỏ ý xin Các Hồn Nhỏ mấy điều cốt yếu, chẳng những hoàn toàn hợp với gương mẫu cứu độ của Người mà còn với hợp thời nữa, ở chỗ: thứ nhất, Người muốn Các Hồn Nhỏ hãy gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ; thứ hai, Người muốn Các Hồn Nhỏ gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ bằng việc dâng mình làm tế vật toàn thiêu; và thứ ba, Người muốn Các Hồn Nhỏ thuộc Đạo Binh Hồn Nhỏ yêu thương trong việc hy sinh chịu khổ để cứu các linh hồn.

Thứ nhất, về ý Chúa Giêsu muốn Các Hồn Nhỏ hãy gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ, Người đã kêu gọi Các Hồn Nhỏ trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu ngày 12/3/1967 như sau: “Cha kêu gọi họ tất cả hãy tham gia ‘Đạo Binh Hồn Nhỏ’”. Tại sao Chúa Giêsu lại muốn Các Hồn Nhỏ gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ trong lúc này, nếu không phải, như Người cảnh báo ngày 21/5/1967: “Màng lưới của kẻ thù các linh hồn đang rút chặt lại và cả những người đã được lựa chọn cũng bị lừa... Đó là nước của Satan thống trị”. Đây là một trong những lý do, mà vào ngày 10/10/1967, Chúa Giêsu đã ngỏ ý như sau: “Để chống lạỉi đạo binh Satan, các con hãy thành lập đạo binh hồn nhỏ”.

Đúng thế, nếu Satan là biểu hiệu cho tự kiêu và bất phục tùng là thái độ được bộc lộ qua việc phản loạn thì còn thời nào hơn thời đại chúng ta đang sống đây, nhất là kể từ thập niên 1960, thời con người bắt đầu gia tốc trong tiến trình đạt đến tuyệt đỉnh văn minh về khoa học và kỹ thuật, một tầm mức văn minh làm cho họ chẳng những ý thức được quyền lực phát minh và sáng chế của mình, mà còn ý thức được cả quyền nhân bản làm người của mình nữa, đến nỗi, họ đã và đang tự cho mình có quyền lộng hành ban bố những khoản luật phản loạn chống lại Đấng Tạo Hóa, như luật cho phép con người được quyềàn ly di, phá thai, đồng tính luyến ái, đồng tính kết hôn v.v. Trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu, Chúa Giêsu đã lên tiếng về hiện tượng Satan hay hiện tượng phản loạn, phản kitô thời đại này vào ngày 22/5/1966 như sau: “Phản loạn đang gầm thét và quyền bính bị nhạo báng”, và vào ngày 29/9/1967, Người còn nói r thêm: “Trong mọi hoàn cảnh, họ chỉ biết nghe theo ý riêng mình. Đó là một lầm lỗi lớn nhất của thời hiện đại... Hỗn loạn thay thời đại không còn nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa nữa. Người ta như những đứa con vô giáo dục”. Chính vì Đạo Binh Hồn Nhỏ chống lại đạo binh Satan, chống lại đạo binh phản loạn, phản kitô như thế, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ Các Hồn Nhỏ gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ ngày 17/2/1970 như sau: “Cha cần một số Hồn Nhỏ khiêm tốn để chống lại với tính kiêu căng... Các Hồn Nhỏ tùng phục để chống lại với việc bất phục tùng”.

Thứ hai, về ý Chúa Giêsu muốn Các Hồn Nhỏ dâng mình làm tế vật toàn thiêu, vào ngày 26/6/1966, Người đã kêu gọi nữ sứ giả của Người, nhân vật mang “sứ mệnh là nền tảng cho Đạo Binh thiêng liêng Các Hồn Nhỏ”, như Người xác định vai trò của vị nữ sứ giả này ngày 12/8/1974, như sau: “Con gái của Cha ơi, con có muốn hy sinh để làm mồi cho tình yêu không? Cha muốn con long trọng tuyên khấn phó thác trọn vẹn và trung thành cho Tình Yêu Nhân Hậu của Cha”. Thế rồi, để đáp lại lời Chúa kêu gọi, nữ sứ giả này đã long trọng tuyên khấn với Người vào chính ngày Lễ Đức Mẹ Carmêlô 16/7/1966, với lời mở đầu như sau: “Con long trọng cam kết trung thành với Chúa, và con hân hoan tận hiến làm của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu Nhân Hậu của Chúa”.

Nếu “Thông Điệp này thực sự là một nối dài và đào sâu công việc của Têrêsa nơi các linh hồn”, như Chúa Giêsu xác định với nữ sứ giả Magarita ngày 22/6/1971, thì tác động dâng mình làm tế vật toàn thiêu của bà, cũng như của Các Hồn Nhỏ tuyên hứa để gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ sau bà, quả thực là việc lập lại hay “nối dài” tác động dâng mình làm tế vật toàn thiêu của Hồn Nhỏ Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã thực hiện ngày 9/6/1895, Lễ Chúa Ba Ngôi: “Để sống tác động Yêu Thương trọn hảo duy nhất, con xin hiến dâng bản thân con để làm tế vật toàn thiêu cho Tình Yêu Nhân Hậu Chúa, xin Chúa hãy liên lỉ thiêu hủy con đi, xin Chúa hãy tràn những lớp sóng vô cùng êm ái dạt dào trong Chúa cho ngập lụt hồn con, nhờ đó con mới có thể trở thành một vị tử đạo của Tình Yêu Chúa, ôi Thiên Chúa của con”.

Thứ ba, về ý Chúa Giêsu muốn Các Hồn Nhỏ sau khi đã dâng mình làm tế vật toàn thiêu còn phải được thực sự thể hiện bằng cuộc sống yêu thương, trong việc liên lỉ hy sinh chịu khổ để cứu các linh hồn. Chúa Giêsu đã nhắn nhủ Các Hồn Nhỏ thuộc Đạo Binh Hồn Nhỏ trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu ở ngay chính câu Người ngỏ ý muốn thành lập để chống lại đạo binh Satan là: “Con cái thiên đàng chống lại con cái tối tăm. Lửa từ trời chống với lửa hỏa ngục. Khí giới của các con sẽ là tình yêu” (10/10/1967). Bởi vì: “Thế giới đang chết đi vì thiếu yêu thương mà chỉ một mình tình yêu mới có thể cứu được thế giới” (21/10/1969). Đó là lý do, “một Hồn Nhỏ phải là một linh hồn yêu thương, ngoài ra không làm được gì khác” (12/6/1972); “phải yêu thương nhiều để cứu các linh hồn. Ai không mong ước như vậy thì không thể nào thực sự là Hồn Nhỏ” (29/6/1972); “làm một Hồn Nhỏ là chiếu giãi yêu thương” (24/10/1973). Bởi vì: “Yêu thương là đủ để cứu thế giới” (8/9/1973). Mà yêu thương gắn liền với hy sinh đau khổ, do đó, Chúa Giêsu cũng đã kêu gọi Các Hồn Nhỏ gia nhập Đạo Binh Hồn Nhỏ như sau: “Là Hồn Nhỏ là gắn liền với thánh giá cứu rỗi. Hỡi những đứa con nhỏ của Cha ơi, các con là những kẻ đi tiên phong cho Công Cuộc Yêu Thương của Cha” (16/8/1972).

Về tinh thần yêu thương hy sinh chịu khổ để cứu rỗi các linh hồn, một lần nữa, chúng ta lại thấy quả thực “Thông Điệp này thực sự là một nối dài và đào sâu công việc của Têrêsa nơi các linh hồn”. Bởi vì, như chị tâm sự trong cuốn tự thuật Một Tâm Hồn của mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tha thiết nài xin Chúa một điều đó là Tình Yêu; con cố gắng hiểu biết một điều duy nhất mà thôi đó là tình yêu... Tình yêu cần phải được chứng minh bằng việc làm. Vậy thì con bé sẽ tung hoa, sẽ lấy những cánh hoa làm lễ bạc lòng thành dâng tiến Chúa, sẽ lấy hương hoa làm thơm tho tòa Chúa ngự, sẽ lấy tiếng hát trong như tiếng chuông vàng để ngân nga bài ca Tình Ái... Nghĩa là con không dám bỏ qua một dịp nhỏ mọn nào mà chẳng tế lễ Chúa ý riêng của con, dù một liếc mắt, dù một hơi thở, dù một lời nói. Con nhất quyết lợi dụng tất cả những việc rất nhỏ nhặt và làm tất cả những việc nhỏ nhắt ấy vì Yêu Thương. Con lấy Yêu Thương làm then chốt cho tất cả mọi sự: đau khổ vì Yêu, vui sướng vì Yêu”.

Nếu việc Sống Hồn Nhỏ của chị Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thực sự và hoàn toàn ăn khớp với Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu Chúa Giêsu gửi Các Hồn Nhỏ như thế, thì ý định của Chúa Giêsu muốn thành lập Đạo Binh Hồn Nhỏ vào hậu bán thập niên 1960 đã được nhen nhúm và phát khởi từ cuối thế kỷ 19, vào bán thập niên 1890, được tỏ ra qua chính ước nguyện của Hồn Nhỏ Tiên Phong cũng là Hồn Nhỏ Thời Đại Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Con chỉ tha thiết nài xin Chúa hãy đoái nhìn đến một số đông những linh hồn thơ ấu, xin Chúa hãy chọn lấy trong thế gian một đạo binh gồm hết thảy những linh hồn đơn sơ bé mọn, để làm của lễ xứng đáng dâng tế Tình Yêu hải hà của Chúa!!!” (tiết cuối cùng, chương 11, quyển một).

Bài chia sẻ của Hồn Nhỏ Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
về đề tài thứ ba “Chúa Giêsu Mong Muốn Gì Nơi Các Hồn Nhỏ”
trong Khóa Tông Đồ Hồn Nhỏ đầu tiên 11-12/8/2001, tại Trung Tâm Công Giáo Giáo Phận Orange

KINH TẬN HIẾN CHO MẸ MARIA (NQ 13a)

Lạy Mẹ Maria,/
Con là/ (tên thánh và tên gọi)_______________________
Hôm nay/ trước mặt toàn thể triều đình Thiên Quốc,/ con xin chọn Mẹ làm Mẹ và Nữ Vương của con./ Con xin hết lòng tuân phục và mến yêu,/ trao phó và hiến dâng cho Mẹ xác hồn,/ của cải trong ngoài con,/ và cả giá trị các việc lành đã qua,/ hiện thời và tương lai của con,/ để Mẹ trọn quyền định đoạt về con,/ và về tất cả những gì thuộc về con,/ chẳng trừ điều nào,/ theo Thánh Ý Mẹ,/ hầu làm sáng danh Chúa ở đời này và đời sau vô cùng./ Amen.

Lời Chúa dạy về việc tận hiến cho Mẹ Maria:
“Hãy lăn mình vào vòng tay Người Mẹ thánh hảo và hiển vinh của Cha. Chính ở nơi đó con sẽ gặp được Cha” (TĐTYNH: 12-12-1965)
“Hãy luôn luôn nhớ rằng chính Người là Đấng trao Cha vào tay con và dâng con cho Cha đó” (29-5-1966)
“Hãy kính mến Mẹ. Hãy dâng mình cho Mẹ. Cha càng hài lòng hơn khi nhận lấy các con từ đôi tay của Mẹ... Hãy phó mình cho Mẹ. Mẹ sẽ mang đến cho Cha những buồn đau của các con, những lo toan của các con, những hân hoan của các con. Hãy tin cậy nơi Mẹ. Cha sẽ không ghen tị đâu” (3-12-1966)
“Nếu con yêu mến Người Mẹ Thần Linh của Cha, Mẹ sẽ nhận lấy trách nhiệm bảo hộ con và âu yếm chỉ vẽ cho con đường lối nên thánh...Nên Cha trao cho Người việc chăm lo dẫn dắt con đến với Cha” (8-12-1966)