Vũ khí nguyên tử hiện nay trên thế giới

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, dịch theo tài liệu của CNN

xin xem cả

Bắc Hàn: Nguy Cơ Nguyên Tử

ran: Các Thứ Vũ Khí Đại Công Phá

 

Vào năm 1998, quyền lực nguyên tử trên thế giới đã từ con số 5 tới 7 quốc gia, tức sau khi Ấn Độ rồi tới Pakistan tuyên bố mình đã thành công trong việc thí nghiệm vũ khí nguyên tử dưới lòng đất. Sau đây là thống kê thứ tự thời gian các lực lượng nguyên tử trên thế giới.

Hiệp Chủng Quốc (US):    Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1945; lần cuối cùng: 1992; tổng số lần thử: 1030 (815 lần dưới lòng đất). Hoa Kỳ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử khi xẩy ra chiến tranh (với Nhật Bản trong Thế Chiến II). Hoa Kỳ đã ký vào Bản Hiệp Ước Cấm Mọi Thử Nghiệm Nguyên Tử (CTBT: Comprehensive Test Ban Treaty), nhưng vẫn chưa được Thượng Viện thông qua.

Nga:     Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1949; lần cuối cùng: 1990; tổng số lần thử: 715 (496 lần dưới lòng đất). Nga là nước thứ hai trên thế giới thử nghiệm vũ khí nguyên tử.

Hiệp Vương Quốc (United Kingdoms of Great Britain):    Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1952; lần cuối cùng: 1991; tổng số lần thử: 45 (24 lần dưới lòng đất). Cuộc thử nguyên tử lần đầu tiên của nước này ở Quần Đảo Monte Bello, Úc Đại Lợi. Nước này đã thông qua CTBT. Những cuộc thử nghiệm về khí quyển được thực hiện ở đó mãi cho tới năm 1956.

Pháp:    Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1960; lần cuối cùng: 1996; tổng số lần thử: 210 (160 lần dưới lòng đất). Pháp cũng đã thực hiện 6 cuộc thử nghiệm nguyên tử phá lệ vào những năm 1995-1996.

Ấn Độ:     Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1974; lần cuối cùng: 1998; tổng số lần thử: 5. Vào năm 1966, Ấn Độ tuyên bố rằng mình có thể sản xuất vũ khí nguyên tử trong vòng 18 tháng. Tám năm sau, Ấn Độ đã thử cho thực hiện một “cuộc nổ nguyên tử an toàn”. Vào tháng 5/1988, Ấn Độ đã thử nghiệm nguyên tử 5 lần dưới lòng đất.

Pakistan:     Thử nguyên tử lần đầu tiên: 1998; lần cuối cùng: 1998; tổng số lần thử: 6. Vào năm 1972, sau cuộc chiến với Ấn Độ, nước này đã ngấm ngầm quyết định bắt đầu chương trình chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử để theo kịp Ấn Độ về khả năng này. Nước này đã cho Ấn Độ biết là họ cũng đã thử nghiệm vũ khí nguyên tử dưới lòng đất thành công ở miền Chagai (sát biên giới Iran).

Mặc dù chỉ có 7 quốc gia được nhìn nhận là có các thứ vũ khí nguyên tử, còn một số nữa đã cố gắng xây dựng hay tìm kiếm các thứ vũ khí này, kết quả là một số đã thành công. Chúng ta hãy theo dõi lịch sử của nguyên tử lực đi liền với các thứ vũ khí nguyên tử sau đây. Thế kỷ 20 được đánh dấu bằng những thành đạt về kỹ thuật cùng với tình trạng bùng lên bạo lực giữa các dân nước. Hai vấn đề đã đi liền với nhau trong thế kỷ này đó là việc phát triển năng lực nguyên tử và việc sáng chế các thứ vũ khí nguyên tử, những gì có thể hủy diệt tất cả loài người trong mấy tiếng đồng hồ.

12/1938:     Fermi và việc phân hạch nguyên tử. Enrico Fermi chiếm được Giải Nobel về Vật Lý vì ông là nhà vật lý học đầu tiên thực hiện việc tách phân nguyên tử. Cuộc nghiên cứu sau đó của ông đã đi tiên phong trong việc làm phát sinh nguyên tử lực. Cũng trong cùng năm 1938, hai nhà vật lý học người Đức là Lise Meitner và Otto Frisch đã thành công trong việc tách phân một nguyên tử chất uranium và gọi tiến trình tách phân này là việc phân hạch nguyên tử.

8/1939:     Bức thư của nhà bác học Einstein. Nhà vật lý học Albert Einstein gửi một bức thư cho Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, cảnh giác rằng các nhà nghiên cứu Đức quốc đang thực hiện một trái bom nguyên tử. Vị tổng thống này liền thành lập một tiểu ban đặc biệt để bàn đến việc nghiên cứu nguyên tử cho lãnh vực quân sự.

12/1941:     Trận Trân Châu Cảng. Hoa Kỳ nhẩy vào Thế Chiến II sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.

9/1942:     Dự án Manhattan. Dự án Manhattan được hình thành, với mục đích chế tạo vũ khí nguyên tử trước người Đức.

7/1945:     Thử Nguyên Tử lần đầu tiên. Hoa Kỳ cho nổ bom nguyên tử lần đầu tiên gần Alamogordo, Tiểu bang New Mexico.

8/1945:     Thả Nguyên Tử ở Nhật. Hoa Kỳ thả những trái bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật, Hiroshima trước và Nagasaki sau đó 3 ngày. Tổng số vong mạng bởi hai trái bom nguyên tử này là 110 ngàn người, và hàng chục ngàn người bị chết sau đó bởi xạ độc tuyến. Nhật đã đầu hàng sau đó mấy ngày, chấm dứt Thế Chiến II.

7/1946:     Bikini Atoll. Hoa Kỳ đã thử một vũ khí nguyên tử ở Bikini Atoll Thái Bình Dương. Bốn ngày sau, những bộ áo tắm Bikini đã xuất hiện ở một cuộc trình diễn thời trang ở Paris.

8/1949:     Bom Nguyên Tử của Liên Sô Nga. Liên Bang Nga cho nổ nguyên tử lần đầu tiên, chấm dứt độc quyền nguyên tử của Hoa Kỳ.

6/1950:     Chiến Cuộc Đại Hàn bắt đầu bùng nổ.

11/1952:     Bom Khinh Khí. Hoa Kỳ thử trái bom khinh khí đầu tiên, khi lực lượng cộng sản Bắc Hàn do Nga Sô cung cấp vũ khí để xâm chiếm Nam Hàn.

1/1954:     Trả đũa xả láng. Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ John Foster Dulles nói rằng Hoa Kỳ phải sẵn sàng để đương đầu với thách đố Cộng Sản. Ông loan báo một qui chế được gọi là “trả đũa xả láng”, tức bất cứ cuộc tấn công chính yếu nào của Nga đều bị đáp lễ bằng nguyên tử tàn sát.

9/1957:     Thử nguyên tử dưới lòng đất. Lần đầu tiên Hoa Kỳ thử nguyên tử dưới lòng đất ở một sa mạc gần Las Vegas.

10/1957:     Sputnik. Khối Sô Viết Nga phóng Sputnik là chiếc phi thuyền đầu tiên trên thế giới. Cũng vào tháng 10 năm nay, Lò Nguyên Tử Windscale ở Hiệp Vương Quốc bị cháy, làm xì ra chất phóng xạ.

9/1961:     Những chỗ lánh trú. Qua bức thư được tờ nguyệt san Life phổ biến, Tổng Thống Kennedy khuyên người Hoa Kỳ nên xây cất những chỗ trú hơi phóng xạ nguyên tử.

10/1961:     Bom Maga của Nga. Nga cho nổ nguyên tử nặng 58 megatons, tương đương với 50 triệu tấn TNT, hay hơn tất cả mọi thứ chất nổ được dùng trong Thế Chiến Thứ II. Đó là một thứ vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới chưa từng thấy vào lúc bấy giờ.

10/1962:     Cuộc khủng hoảng phi đạn ở Cuba. Nga dùng tầu chở các phi đạn nguyên tử tới Cuba. Khám phá ra điều này, Hoa Kỳ yêu cầu Nga chuyển những thứ phi đạn nguyên tử ấy đi. Trong hai tuần lễ, thế giới ở trên bờ vực chiến tranh nguyên tử, cho đến khi Moscow đồng ý đáp lời yêu cầu của Hoa Kỳ.

8/1963:     Hiệp Ước Cấm Thử Nguyên Tử. Hiệp Chủng Quốc, Hiệp Vương Quốc và Liên Bang Nga ký vào bản Hiệp Ước Cấm Thử Nghiệm Hạn Chế trên không trung, dưới lòng đất và ngoài không gian. Hơn 100 quốc gia đã thông qua bản hiệp ước này từ năm 1963.

10/1964:     Trung Cộng thử bom nguyên tử lần đầu tiên.

1/1966:     Một chiếc phản lực B-52 của Hoa Kỳ chở các thứ vũ khí nguyên tử bị nạn ở ngoài duyên hải Tây Ban Nha. Ba trái bom khinh khí chạm đất; một rơi xuống Địa Trung Hải. Không một trái nào nổ, và từ từ đã lấy lại được tất cả 4 trái, song chất plutonium phóng xạ bị xì ra trên mảnh đất Tây Ban Nha, khiến quân đội Hoa Kỳ phải thu dọn đủ thứ.

7/1968:     Hiệp Ước Không Leo Thang Nguyên Tử. Hiệp Vương Quốc, Hiệp Chủng Quốc và Liên Bang Sô Viết ký vào bản Hiệp Ước Không Leo Thang Nguyên Tử. Họ đồng ý với nhau rằng họ không chuyển các thứ vũ khí nguyên tử cho các nước khác, hay giúp đỡ hoặc khích lệ các nước khác sáng chế những thiết bị nguyên tử. Bản hiệp ước này có công hiệu vào năm 1970. Vào năm 1986 có hơn 186 quốc gia thông qua bản hiệp ước này.

11/1969:     SALT (Strategic Arms Limitation Treaty). Giai đoạn một của những bàn luận về SALT (Hiệp Ước Giới Hạn Vũ Khí Chiến Thuật) bắt đầu ở Helsinki, Phần Lan. Những cuộc bàn luận này dần dần đến việc ký kết bản SALT I vào tháng 5/1972.

5/1974:     Ân Độ Thử Nguyên Tử. Lần đầu tiên với trái bom nặng từ 10 đến 15 kiloton, bên lòng sa mạc Rajasthan.

11/1974:     Giới Hạn Vũ Khí Nguyên Tử. Hiệp Chủng Quốc và Liên Bang Sô Viết, trong cuộc họp ở Vladivostok, đồng ý với nhau về việc giới hạn các lò nguyên tử của họ. Mỗi bên đồng ý với nhau không có hơn 2400 loại bắn phóng chiến thuật (như các phi đạn tấn công).

3/1979:     Hải Đảo 3 Dặm. Khu Nguyên Tử Lực Hải Đảo Ba Dặm gần Harrisburg, Pennsylvania, bị chảy một phần tâm điểm. Chất phóng xạ bị xì ra rất ít.

3/1983:     Chiến Tranh Tinh Tú. Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan loan báo Sáng Kiến Chiến Thuật Phòng Vệ SDI (Strategic Defense Initiative) được gọi là Star Wars, một phương sách đề phòng nguyên tử bằng vệ tinh là hệ thống có thể phá hủy những phi đạn được bắn tới cũng như những đầu đạn trong không gian.

8/1985:     Hoãn thử nguyên tử. Liên Bang Sô Viết Nga công bố việc đồng ý hoãn thử bom nguyên tử.

4/1986:     Lò nguyên tử Nga Chernobyl. Lò nguyên tử Chernobyl ở Ukraine thuộc Liên Bang Nga bị cháy, làm nhiều chất phóng xạ tỏa ra ảnh hưởng đến phần lớn Âu Châu.

12/1987:     Hiệp Ước INF. Tổng Thống Mikhail Gorbachev Liên Bang Nga và Tổng Thống Reagan Hoa Kỳ ký vào bản Hiệp Ước INF (Intermediate-Range Nuclear Forces), bản hiệp ước đầu tiên được ký kết giữa Nga và Mỹ yêu cầu loại bỏ tất cả các loại vũ khí phi đạn cỡ trung.

7/1991:     START. Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết ký vào bản hiệp ước START (Strategic Arms Reductions Talks), những bàn luận đã được bắt đầu từ năm 1982, liên quan đến vấn đề giảm bớt vũ khí nguyên tử. Các nước cộng hòa thuộc Liên Bang Nga là Belarus, Kazakhstan và Ukraine đồng ý trên nguyên tắc của START này một năm sau đó.

1992:     Vấn đề Bắc Hàn. Bị nghi ngờ đang sáng chế vũ khí nguyên tử, Bắc Hàn đã công bố vào năm 1993 rằng nước này xin rút lại việc đồng ý bản Hiệp Ước Thôi Leo Tháng Nguyên Tử, nhưng sau đó rút lời lại và bắt đầu nói chuyện với Hoa Kỳ. Năm 1994, nước này đồng ý hủy bỏ việc sáng chế các thứ vũ khí nguyên tử để nhận được việc trợ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng đồng ý xây hai lò nguyên tử điện nước cho nước này để thay cho những gì do Nga xây trước đó.

5/1995:     Những cuộc thử nguyên tử của Tầu. Trung Hoa thực hiện cuộc thử nguyên tử đầu tiên trong hai cuộc thử dưới lòng đất.

8/1995:     Hoa Kỳ loan báo việc cấm hoàn toàn tất cả mọi việc thử nghiệm các thứ vũ khí nguyên tử.

9/1995:     Bất chấp cộng đồng thế giới phản đối, Pháp cứ thực hiện việc thử nguyên tử ở Nam Thái Bình Dương.

9/1996:     Liên Hiệp Quốc chấp thuận Hiệp Ước Cấm Hết Mọi Cuộc Thử Nguyên Tử CTBT (Comprehensive Test Ban Treaty), một hiệp ước cấm các cuộc thử cho nổ nguyên tử nhưng không cấm việc thử thí nghiệm. Ấn Độ không chấp nhận bản hiệp ước này, làm cho Pakistan cũng không ký theo và chỉ ký nếu Ấn Độ ký trước.

5/1998:     Những cuộc thử nguyên tử của Ấn Độ và Pakistan, Ấn Độ 5 lần dưới lòng đất, Pakistan đáp lại bằng một loạt thử nguyên tử sau đó mấy hôm.

10/2002:     Bắc Hàn cho Hoa Kỳ biết rằng nước này có dự án chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử bí mật và chủ động được bắt đầu từ năm 1994, vi phạm đến hiệp ước ký kết với Hoa Kỳ. Các viên chức cao cấp Hoa Kỳ cho rằng Bắc Hàn chỉ thú nhận sau khi phải đối diện với chứng cớ về việc có đủ chất liệu để chế hai qủa bom nguyên tử.

5+12/2003:     Từ sau cuộc chiến giải giới Iraq, Iran đã trở thành mục tiêu cho thế giới để ý dò xét vấn đề chế tạo bom nguyên tử của nước này. Sau nhiều tháng nói chuyện mật với các viên chức Hiệp Chủng Quốc (US) và Hiệp Vương Quốc (UK), nước Libya đã nhìn nhận là họ đang phát triển chương trình chế tạo nguyên tử. Tuy nhiên, theo ông Giám Đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA (International Atomic Energy Agency) ElBaradei, đã cùng với nhân viên của mình tốn khoảng 3 tiếng đồng hồ để thực hiện cuộc thanh tra vũ khí ở 4 địa điểm trong tỉnh Tripoli của nước Libya, cho biết chương trình chế tạo vũ khí này còn đang ở trong tình trạng sơ khởi, còn xa (từ 3 tới 7 năm nữa) mới tiến tới chỗ sản xuất nổi vũ khí này nhưng hiện đang trong thời gian đi đến chỗ bãi bỏ.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nghiên cứu và chuyển dịch theo tài liệu của CNN được phổ biến ngày 21/10/2003 dưới tựa đề ”World Nuclear Powers” (Các Lực Lượng Nguyên Tử Trên Thế Giới).
 

Bom nguyên tử Bắc Hàn:

 

Sau khi bị lộ tẩy, Bắc Hàn mới tự thú nhận đã ngầm chế tạo bom nguyên tử và muốn nói chuyện với Hoa Kỳ. Việc thú nhận này xẩy ra trong cuộc họp hôm Thứ Sáu mùng 4-10-2002 giữa phái đoàn của Hoa Kỳ do ông James Kelly, phụ tá thứ trưởng nội vụ về Á Châu Vụ và viên chức cao cấp nhất của Bắc Hàn (được cho như cánh tay phải của Kim Jong II) là ông Kang Suk Ju.

 

Trong buổi gặp gỡ cao cấp lần đầu tiên giữa hai nước trong hai năm vừa qua, ông Kelly nói với ông Kang là Hoa Kỳ đã biết được rằng Bắc Hàn đã thực hiện một chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử với “kỹ thuật khác” với những kỹ thuật được sử dụng trước năm 1994, năm Bắc Hàn đồng ý với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn là sẽ hủy bỏ dự án chế tạo nguyên tử và Hoa Kỳ đồng ý giúp Bắc Hàn về năng lực, và Bắc Hàn đã có đủ chất Plutonium cho ít nhất là hai trái bom nguyên tử.

 

Bấy giờ viên chức cao cấp của Bắc Hàn đã làm cho ông Kelly giật mình khi viên chức ấy nhìn thắng vào ông mà nói:

 

“’Tổng thống của quí vị đã cho chúng tôi là một phần tử của cái trục gian ác’… Quân quốc của quí vị đang dàn trận trên đảo Đại Hàn…. Dĩ nhiên là chúng tôi có một chương trình chế tạo bom nguyên tử”. Quả thực đầu năm nay tổng thống Bush ghép Đại Hàn với Iraq và Iran như cái trục gian ác. Một bản tường trình của Tình Báo Hoa Kỳ trong Tháng Giêng 2002 đã cho biết là vào cuối nửa năm vừa rồi Bắc Hàn “đã tiếp tục nỗ lực thu thấp kỹ thuật khắp thế giới để thực hiện chương trình chế tạo nguyên tử của họ…. Chúng tôi ước lượng là Bắc Hàn đã sản xuất đủ chất Plutonium cho ít là một, có thể hai trái bom nguyên tử”.

 

Tháng 8/1988, Bắc Hàn đã bắn một phi đạn bay sang Nhật Bản làm cho Nhật Bản bắt đầu chuyện làm thuẫn chống phi đạn, một dự án đã được Hoa Kỳ đồng ý. Theo vị trưởng phái đoàn đại biểu của Nam Hàn là ông Jeong Sehyun, sau ngày họp với Bắc Hàn, thì Bắc Hàn đã sẵn sàng để nói chuyện với Hoa Kỳ về việc họ vi phạm những gì họ đã thỏa hiệp năm 1994. Ông Kim đã phát biểu là “Chúng tôi thấy tình hình vừa rồi nghiêm trọng. Nếu Hoa Kỳ sẵn sàng rút lại chính sách thù hận của mình đối với Bắc Hàn thì Bắc Hàn sẵn sàng giải quyết những quan tâm về an ninh bằng việc đối thoại”.

 

Thượng Nghị Sĩ Bob Graham, D-Florida, chủ tịch ủy ban tình báo của thượng viện, đã cho đài truyền hình CBS hôm Chúa Nhật 20/10/2002 biết rằng ông coi những tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn và khả năng về phi đạn của họ là một mối đe dọa cho Hoa Kỳ còn lớn hơn cả Iraq nữa, nên ông khuyên Tòa Bạch Ốc hãy xét lại những ưu tiên của mình.

 

Thế nhưng bà Rice, cố vấn của tổng thống Bush cho rằng: “Hai tình trạng này không thể nào so sánh với nhau được. Cả hai đều nguy hiểm. Thế nhưng chúng ta tin rằng chúng ta có các phương cách khác nhau thành công ở Bắc Hàn mà lại rõ ràng là đã không và sẽ không thành công ở Iraq”.

 

Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc Với Vấn Ðề Hoàn Toàn Tổng Giải Giới

Ngày Thứ Tư 8/10/2003, về vấn đề hoàn toàn tổng giải giới, trước Đệ Nhất Tiểu Ban của Tổng Hội Đồng LHQ tại Nữu Ước, ĐTGM Celestino Migliore đã lên tiếng thế này:

…….

Nếu các quốc gia không thể nào hạ vũ khí xuống trong hiện tình liên hệ quốc tế lúc này đây thì có lẽ là vì chúng ta chưa đủ sẵn sàng để cống hiến cho các quốc gia cũng như cho những vị lãnh đạo của các quốc gia ấy niềm tin tưởng là có thể tiến đến chỗ an ninh mà không cần phải tiếp tục phát triển và sản xuất các loại vũ khí. Điều này có nghĩa là những điều kiện xây dựng hòa bình cần phải có trước đã, trước khi chúng ta có thể hoan hưởng các hoa trái của hòa bình. Đất đai cần phải được chăm bón trước khi gặt hái mùa màng.

Đó là lý do tại sao việc Liên Hiệp Quốc cùng với các cơ quan của tổ chức này xây dựng một nền văn hóa hòa bình là một việc rất quan trọng. Nếu chúng ta mong muốn thấy được một cuộc tổng giải giới hoàn toàn, trước hết chúng ta phải gieo rắc lòng tôn trọng sự sống và phẩm vị cũng như các quyền lợi của con người, loại trừ bạo lực, cổ võ tự do, công lý, đoàn kết, nhân nhượng và chấp nhận những khác biệt, tăng thêm sự hiểu biết và hòa hợp hơn nữa giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và xã hội. Chương trình thực hiện này thật sự là rộng lớn, thế nhưng cộng đồng thế giới nếu không theo đuổi nó, chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng những tàn phá của chiến tranh.

Mục đích chính yếu của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế có thể được hiện thực bằng nhiều cách thức khác nhau, vì nó là một mục đích bị đe dọa và thử thách từ nhiều phía. Trong bài khai từ của mình cho khóa họp Tổng Nghị này, Ông Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan đã nói đến những thứ đe dọa “cứng” và “mềm” đối với hòa bình mà Liên Hiệp Quốc đang phải đương đầu. Trong số những mối đe dọa cứng có nạn khủng bố và nạn leo thang các thứ vũ khí đại công phá, trong khi đó, những thứ đe dọa mềm bao gồm tình trạng liên lỉ bần cùng, tình trạng cách biệt về lợi tức giữa và trong các xã hội, tình trạng lan tràn các thứ bệnh lây nhiễm, và tình trạng suy đồi môi trường. Cả hai loại đe dọa này có thực và được tất cả mọi quốc gia công nhận như thế.

Ngoài ra, vị tổng thư ký còn nhấn mạnh là Liên Hiệp Quốc không được chọn đương đầu với mối đe dọa này và loại trừ mối đe dọa kia; LHQ thực sự không thể làm như thế. Nhu cầu và mối quan tâm đối với một nhãn quan tổng hợp về hòa bình và an ninh thế giới này là những gì Giáo Hội hoàn toàn chia sẻ, rõ ràng nhất qua các giáo huấn của Giáo Hội về bản chất của con người, của phẩm giá con người cũng như của một trật tự xã hội chính đáng. Chính từ khởi điểm này mà vai trò đại biểu của tôi bao giờ cũng chia sẻ với tiểu ban này.

…………

Chúng ta cũng phải chú trọng ngay tới những thứ võ trang nhỏ nữa, vì các thứ võ trang nhỏ và các loại vũ khí nhẹ sát hại hơn nửa triệu mạng người hằng năm, bao gồm 300 ngàn ở những cuộc đánh nhau và 200 ngàn bởi giết nhau và tự tử, 90% là thường dân. Trong suát thập niên 1990, có từ 47 tới 49 cuộc xung đột chính bằng các thứ võ trang nhỏ. Để nói đến tận cùng về vấn đề các thứ võ trang nhỏ, cần phải nhìn nhận hơn nữa vấn đề liên thuộc giữa luật lệ trong nước và các qui chế quốc tế, cũng như vấn đề liên hệ giữa các thị trường buôn bán các thứ võ trang nhỏ hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều cuộc buôn bán bất hợp lệ được bắt đầu bằng những cuộc buôn bán hợp lệ. Về khía cạnh này, vai trò đại biểu của tôi xin lập lại quan điểm của mình về hai vấn đề quan trọng cần phải được chú trọng, đó là vấn đề trách nhiệm của quốc gia đối với nạn buôn bán bất hợp pháp cũng như vấn đề hiệp ước buộc phải giữ theo pháp lý về việc buôn bán quốc tế các thứ võ trang.

Vấn đề leo thang các thứ võ trang nhỏ làm tăng thêm các cuộc xung đột bằng võ lực và làm suy yếu đi những cơ hội phát triển con người. Dân chúng ở các nước đang phát triển bị chết vị các thứ võ trang nhỏ gấp đôi những vụ như thế này ở các quốc gia phát triển…
……….
Việc chấm dứt tình trạng Chiến Tranh Lạnh được cho là tình trạng chấm dứt các qui chế về vấn đề hủy hoại được bảo đảm với nhau MAD (mutual assured destruction) đã làm cho thế giới lo sợ, thế nhưng những biến cố trong năm qua đã làm bùng lên một cái gì đó trong tâm tưởng con người. Đó là những gì cho thấy tình trạng suy yếu của qui chế về Hiệp Ước Không Leo Thang Nguyên Tử NPT (Nuclear Non-Proliferation Treaty) cùng với những nỗ lực giải giới và ngăn chặn việc leo thang này. Bằng việc khai thác một số lỗ hổng trong NPT cũng như bằng việc dính dáng đến những hoạt động leo thang bí mật, một số quốc gia lại đầu tư nền an ninh của mình vào việc chiếm hữu và sử dụng những thứ vũ khí nguyên tử rùng rợn. Những đường lối này cần phải báo động cho mọi người biết. Vai trò của tôi đã từng nhấn mạnh trong nhiều dịp trước đây là các thứ khí giới nguyên tử không xứng hợp với hòa bình của thế kỷ 21 này.

Các chính quyền đang sửa soạn cho Việc Kiểm Tra Bản Hiệp Ước Không Leo Thang Năm 2005 cần phải nói lên tất cả mọi khía cạnh của vấn đề leo thang các thứ vũ khí nguyên tử. Trong một thời đại mới với nạn khủng bố mà thế giới tội nghiệp tiến vào đây, làm phát sinh mối lo sợ bị khủng bố tấn công bằng các vũ khí nguyên tử, thì cộng đồng thế giới cần phải làm sống động những lời được chất chứa trong bản Văn Kiện Đúc Kết của Việc Kiểm Tra NPT Năm 2000, những gì đã được tất cả mọi Quốc Gia Phần Tử NPT tỏ ra đồng ý với nhau rằng “việc hoàn toàn loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử là bảo đảm chắc chắn duy nhất để chống lại việc sử dụng hay de đọa sử dụng các thứ vũ khí nguyên tử này”.

Các thứ vũ khí đại công phá khác, các thứ vũ khí hóa chất và sinh trùng, cũng cho thấy những vấn đề trầm trọng. Như những việc sử dụng ôn hòa nguyên tử lực, nhiều tác nhân hóa chất và sinh trùng đã được sử dụng cho những mục đích hợp lệ và thậm chí sinh lợi, song một số các tác nhân này có thể dễ dàng biến thành chất liệu được sử dụng làm các thứ vũ khí được mua, bán và di chuyển không cần phải tìm tòi. Những cơ quan thanh tra từ nhiều phía như IAEA về các thứ chất liệu nguyên tử và OPCW về các thứ hóa chất rất cần thiết cho việc tuân hành và kiểm chứng, và vấn đề thiếu mất một cơ quan như vậy đối với Qui Ước Các Thứ Khí Giới Sinh Trùng cần phải mau chóng giải quyết. Việc khó kiểm soát vấn đề xuất cảng nơi các quốc gia sản xuất các thứ chất liệu ấy sẽ góp phần vào những thứ buôn bán bất hợp pháp và buộc các quốc gia này phải có trách nhiệm hơn nữa về những cuộc buôn bán hợp pháp.
………
Việc cần phải thực hiện mọi nỗ lực trong tiến trình giải giới này có nhiều lúc xem ra quá sức. Thế nhưng, nếu những nỗ lực này được nhìn theo khía cạnh xây dựng một nền văn hóa hòa bình thì chúng có lẽ không quá quan ngại, với chủ trương đương đầu với cả hai thứ đe dọa cứng và mềm cho nền hòa bình và an ninh chung của chúng ta cũng như cho việc bảo đảm sự sống còn của nhân loại. Cái thiết yếu để hoàn thành chương trình hòa bình này đó là thay đổi thái độ nơi cả quốc gia cũng như cá nhân. Chúng ta phải nhìn nhận rằng bạo lực không phải là một số phận bất khả tránh của loài người. Chúng ta đã thiết lập được nội dung rộng lớn của luật lệ quốc tế, và có nơi Liên Hiệp Quốc khí cụ về chính trị để áp dụng luật lệ ấy. Ý thức về những gì con người đã thành đạt này phải làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng, ở chỗ, việc sử dụng võ lực và chiến tranh có thể được thắng vượt bằng cách tái dấn thân chính trị hoạt động theo chiều hướng đa phương căn cứ vào các thứ giá trị của trách nhiệm, của tình đoàn kết và của đối thoại. Việc vững vàng áp dụng vấn đề giải giới này thực sự có thể khai sáng con đường trước mắt.
…………

(Ngoài ra, cũng liên quan đến vấn đề giải giới trên đây, tại Hội Nghị Lần Thứ Năm về Việc Cấm Gài Mìn Nổ được tổ chức ở Băng Cốc Thái Lan vào những ngày 15-19/9/2003, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh đã bày tỏ chủ trương của Tòa Thánh là “không gì có thể biện minh cho việc sử dụng những thứ vũ khí sát hại, gây tàn tật hay thương tích bất kể”. Bài phát biểu này được phổ biến trên tờ Quan Sát Viên Rôma ấn bản tiếng Ý ngày 2/10/2003).
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 10/10/2003