GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Ý Chỉ của Đức Thánh Cha cho Tháng 5/2003

 

 

Ý Chung: “Xin cho trẻ em gặp khốn khó và những ai dấn thân phục vụ các em được luôn tìm thấy nơi Mẹ Maria, Mẹ sự sống, sự nâng đỡ và trợ giúp”.

Ý Truyền Giáo: “Xin Thánh Linh thắp lên lòng nhiệt thánh mới nơi các Giáo Hội địa phương ở Á Châu trong việc truyền bá phúc âm cho toàn Lục Địa này”.

 

 

___________________________________________

 26/4-2/5/2003

2/5 Thứ Sáu

ĐTC tiếp Ủy Ban Thánh Kinh Tòa Thánh: ‘Thánh Kinh và các vấn đề Luân Lý’

Ngày Thứ Ba 29/4/2003, ĐTC đã tiếp các phần tử của Ủy Ban này nhân dịp đại hội hằng năm, nhất là vào năm mừng kỷ niệm bách chu niên thành lập. Chủ tịch của Uỷ Ban này là chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Và đề tài cho đại hội năm nay là “Thánh Kinh và Luân Lý”. Trong cuộc mừng kỷ niệm thành lập này, Đức Thánh Cha đã nói với các phần tử của ủy ban này như sau:

“Ủy Ban Thánh Kinh Tòa Thánh phục vụ cho Lời Chúa theo những mục tiêu được các vị tiền nhiệm của Tôi là Đức Lêô XIII và Phaolô VI thiết định. Ủy Ban này đã tiến bước trong các thời điểm, khó khăn lẫn âu lo, để lấy từ sứ điệp Mạc Khải những lời giải đáp được Thiên Chúa cống hiến cho các vấn đề trầm trọng làm bối rối con người qua các thế hệ. Một trong những vấn đề rắc rối này là đối tượng được các vị đang nghiên cứu. Quí vị đã tóm lại nơi đều đề ‘Thánh Kinh và các vấn đề Luân Lý’. Mọi ngươi có thể thấy có một cái gì đó ngược đời, đó là, con người ngày nay, bị đánh lừa bởi quá nhiều những câu giải đáp bất thỏa nguyện, dường như đang mở lòng lắng nghe tiếng nói phát xuất từ Siêu Việt Thể và đang được bày tỏ nơi sứ điệp Thánh Kinh. Tuy nhiên, đồng thời con người cũng dường như không thể chấp nhận được vấn đề yêu cầu họ tác hành hợp với các giá trị Phúc Âm được Giáo Hội không ngừng trình bày cho thấy. Bởi đó chúng ta mới thấy có những nỗ lực hết sức khác nhau trong việc tách lìa mạc khải khỏi những điều khoản đòi buộc nhất của sự sống. Câu giải đáp cho tình trạng này có thể được tìm thấy nơi việc chuyên chú lắng nghe Lời Chúa là những gì được hoàn toàn bày tỏ nơi giáo huấn của Chúa Kitô”.

"Ở vào lúc Iraq đang sang trang và bắt đầu một chương sử mới cho cuộc sống tương lai phúc hạnh…”

Chiều ngày Thứ Tư 30/4/2003, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã phổ biến bản tuyên ngôn bằng hai thứ tiếng Ý và Pháp đề ngày 29/4/2003 của Các Vị Thượng Phụ và Giám Mục Iraq nguyên văn như sau:

Ở vào lúc Iraq đang sang trang và bắt đầu một chương sử mới cho cuộc sống tương lai phúc hạnh, chúng tôi, những vị thượng phụ và giám mục thuộc các Giáo Hội Kitô Giáo ở Iraq, cũng được thúc đẩy bởi thành phần tín hữu của chúng tôi, muốn bày tỏ nỗi miềm thao thức của chúng tôi liên quan đến tương lai của xứ sở này, hy vọng rằng nhân dân Iraq đã từng trải qua một lịch sử dài với những thua bại và thành đạt, sẽ được sống, không phân biệt tôn giáo và sắc tộc, trong tự do, công lý và tôn trọng việc chung sống liên tôn và liên tộc.

“Khi Hammurabi đã ghi khắn Lề Luật của ngài trên đá ở mảnh đất này thì lề luật đã là nền tảng cho việc phát triển văn minh.

“Khi Abraham nhìn lên các tầng trời cao ở Ur thì các tầng trời này đã mở ra trước mắt ông, và qua mạc khải này, Abraham đã trở nên cha của một dân tộc đông đúc.

“Khi Kitô Giáo và Hồi Giáo gặp nhau, thì ‘những đấng thánh’ đáng kính của hai tôn giáo này đã bắt đầu hai tôn giáo trong một cuộc chung sống tương kính và tương trợ.

“Ngoài ra, vì quyền lợi gốc gác được thuộc về thành phần dân tộc cổ kính nhất nơi mảnh đất này đây, chúng tôi đòi hỏi cho chính bản thân mình cũng như cho tất cả những ai đang sống ở nơi đây hôm nay, dù thuộc về đa số hay thiểu số, liên kết với nhau qua một lịch sử chung sống dài lâu, được toàn quyền sống trong một Quốc Gia có lề luật, trong hòa bình, tự do, công lý và bình đẳng, hợp với Bản Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Tóm lại, chúng tôi, những người Chaldeans, Assyrians, Syrians, Armenians, Greeks và Latins, làm nên một cộng đồng Kito â Giáo duy nhất, yêu câu bản hiến pháp mới của Iraq:

• Nhìn nhận các quyền lợi về tôn giáo, văn hóa, xã hội và chính trị;
• Tiên liệu một thứ luật pháp chú ý tới từng người theo khả năng của họ chứ không kỳ thị, nhờ đó mỗi người có quyền tích cực tham dự vào chính quyền và phục vụ quê hương xứ sở đây;
• Công nhận những người Kitô hữu như là những người công dân Iraq với tất cả quyền lợi của họ;
• Bảo đảm quyền được tuyên xưng niềm tin của chúng tôi theo các truyền thống và luật lệ đạo giáo của chúng tôi, quyền được giáo dục con em của chúng tôi theo các nguyên tắc Kitô giáo, quyền được tự do hội họp, được tự do xây dựng các nơi thờ phượng, cũng như các trung tâm văn hóa và xã hội theo nhu cầu của chúng tôi.

“Sau hết, chúng tôi xin nêu lời kêu gọi này lên với mọi người nhân dân Iraq phong phú về sắc tộc và tôn giáo, với các vị có thẩm quyền về chính trị và tôn giáo, cũng như với hết mọi người còn tha thiết tới thiện ích của đất nước này, và các vị lãnh đạo của cộng đồng quốc tế”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu được phổ biến bởi OP/STATEMENT IRAQI BISHOPS/... VIS 20030430 [430])
 

Hôm Thứ Hai 28/4/2003, các viên chức Hoa Kỳ nói với CNN rằng ông nguyên phó thủ tướng Iraq là Tariq Aziz hiện đang bị giam giữ đã cho các thẩm vấn viên biết rằng sau cuộc dội bom ngay lúc mở màn cuộc chiến tranh giải giới Iraq để triệt hạ tổng thống Iraq bấy giờ, ông vẫn trông thấy Sađam Hussein, nhưng sau lần dội bom thứ hai vào Tháng Tư với cùng mục đích thì ông không thấy vị tổng thống này đâu nữa.

Còn ông Ahmad Chalabi, vị lãnh đạo của Hội Nghị Toàn Quốc Iraq, đã nói với CNN rằng các viên chức tình báo Iraq đã nói với nhóm của ông rằng nguyên tổng thống Sađam Hussein và viên bí thư riêng của tổng thống này là Abid Hamid, đã được huấn luyện để sử dụng áo khoác bùng nổ, nhưng ông Chalabi cho biết: “Tôi không biết ông ta đã quyết định ra sao. Tôi cố ý nói là ông ta có khả năng làm điều ấy song liệu ông ta có muốn tự sát hay cùng chết với những ai đến bắt ông ta hay chăng”.

Ngoài ra, về vấn đề các thứ vũ khí đại công phá, vị nguyên phó thủ tướng này cho biết là Iraq đã hủy hoại các thứ này khi quân đội Hoa Kỳ đến vùng Trung Đông. Tuy nhiên, chính vì những lời cung khai này không hợp với ý nghĩ của mình nên cả Hoa Kỳ lẫn Thủ Tướng Tony Blair đều cảm thấy hồ nghi không biết những lời nói ấy có thật hay chăng. Phần Thủ Tướng Balir hôm Thứ Hai đã cho các phóng viên báo chí biết rằng: “Tôi vẫn tin rằng sẽ tìm thấy những thứ này”.

Riêng về vấn đề các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq, Hoa Kỳ, cũng vào hôm Thứ Hai, đang cố thử lại ở cả Hoa Kỳ lẫn Iraq, những gì đã tìm thấy ở phía bắc Iraq trước đây, những thứ mà trước đây đã được thử tại chỗ hai lần cho thấy có chứa những hóa chất, song vào cuộc thử lần ba thì lại không thấy gì. Ông Mohamed ElBaradei, tổng giám đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA cũng cho CNN biết hôm Chúa Nhật 27/3/2003 biết rằng các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc là “những người hay nhất để làm việc ấy”, việc tìm kiếm các thứ vũ khí đại công phá ở Iraq và cần phải được trở lại để làm việc ấy sớm bao nhiêu có thể.

Tuy nhiên, Nassi Hindawi, con người được coi là làm đầu chương trình chế tạo các thứ vũ khí này đã cho CNN biết hôm Thứ Hai là việc chế tạo đã được chấm dứt nhiều năm trước như chế độ Sađam Husêin đã công bố, nên các nhóm truy lùng của Hoa Kỳ sẽ không thể tìm thấy chứng cớ về những thư ù ấy. Ông cho biết ông đã bỏ chương trình chế tạo các thứ vũ khí này từ năm 1989, và cuộc cấm vận kinh tế sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait vào năm 1990 đã làm cản trở chương trình chế tạo ấy, vì những chất liệu Iraq có được trước cuộc xâm chiếm Kuwait không đủ để tiếp tục chương trình này.

Thoidiemmaria.net: Như thế là lời của ông Nassi và Aziz ăn khớp với nhau: Ông Aziz nói Iraq đã hủy hoại các thứ vũ khí đại công phá từ khi Hoa Kỳ đặt chân đến vùng Trung Đông, tức từ khi được dịp ra tay cứu Kuwait khỏi bị Iraq xâm chiếm, đúng như ông Nassi cho biết. Phần phe chủ chiến, nếu chấp nhận những lời lẽ ăn khớp với nhau của hai vị chức sắc Iraq có uy thế này thì không phải là phe chủ chiến tự phản hay sao, vì họ cố ý qua mặt Liên Hiệp Quốc trong việc đơn phương tự động sử dụng bạo lực để giải giới Iraq chẳng lẽ lại không đạt được mục đích, bằng không phe của họ sẽ bị bẽ mặt với thế giới, bị mang tiếng là xâm chiếm, bị cho là lớn ăn hiếp bé, bị mang tiếng là lấy lý để chiếm dầu hỏa, bị mang tiếng là tình báo của hai đệ nhất siêu cường là đồ bỏ v.v.

 

1/5 Thứ Năm, Ðầu Tháng Hoa Mẹ

Thông Điệp “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”

(tiếp theo hôm Thứ Hai tuần này)

3.     Giáo Hội được hạ sinh bởi mầu nhiệm vượt qua. Chính vì lý do ấy, Thánh Thể, bí tích đặc biệt của mầu nhiệm vượt qua, ở ngay tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Điều này hiển nhiên từ những hình ảnh sơ khai của Giáo Hội như Sách Tông Vụ cho thấy: “Họ chuyên chú vào giáo huấn và việc hiệp thông của Các Tông Đồ, vào việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2:42). “Việc bẻ bánh” liên quan đến Thánh Thể. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục sống lại hình ảnh nguyên thủy ấy của Giáo Hội. Ở mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, chúng ta được sống lại một cách linh thiêng Tam Nhật vượt qua, sống lại các biến cố của tối Thứ Năm Tuần Thánh, của Bữa Tiệc Ly cũng như của những gì xẩy ra sau đó. Việc thiết lập Thánh Thể hướng đến một cách bí tích những biến cố sắp sửa xẩy ra, bắt đầu từ cuộc khổ tâm trong Vườn Gethsemane. Một lần nữa chúng ta Chúa Giêsu như đang rời Căn Thượng Lầu Tiệc Ly, cùng với các môn đệ đi xuống thung lũng Kidron để tới Vườn Cây Dầu. Thậm chí cho tới ngày nay Ngôi Vườn đó vẫn còn một số chính những cây dầu ngày xưa. Có lẽ chúng đã chứng kiến thấy những gì đã xẩy ra ở dưới bóng của chúng vào buổi tối hôm ấy, khi mà Chúa Kitô nguyện cầu với đầy những buồn đau “và Người đã toát cả mồ hôi như những giọt máu nhỏ xuống đất” (x Lk 22:44). Thứ máu mà trước đó ít lâu Người vừa ban cho Giáo Hội làm của uống cứu độ nơi bí tích Thánh Thể bắt đầu đổ ra; việc đổ máu này sau đó sẽ được hoàn tất trên đồi Gongôta hầu trở nên phương tiện cứu chuộc cho chúng ta: “Chúa Kitô… với tư cách là vị thượng tế của những gì tốt lành sau này…, đã tiến vào Nơi Thánh một lần dứt khoát, không phải bằng máu chiên bò mà bằng chính máu của Người, nhờ đó mang lại ơn cứu chuộc trường sinh” (Heb 9:11-12).

4.     Đó là giờ khắc cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù hết sức khổ tâm, Chúa Giêsu cũng không bỏ chạy trước “giờ khắc” của Người. “Biết nói sao đây? ‘Lạy Cha, xin hãy cứu con khỏi giờ khắc này?’ Thế nhưng, chính vì để làm điều này mà con đã đến với giờ khắc ấy” (Jn 12:27). Người đã muốn các môn đệ của Người ở với Người, song Người vẫn cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi: “Thì ra các con không thể thức với Thày một giờ đồng hồ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện hầu các con khỏi bị sa chước cám dỗ” (Mt 26:40-41). Chỉ có một mình tông đồ Gioan là có mặt dưới chân cây Thập Giá, bên cạnh Mẹ Maria và các người nữ trung thành. Cuộc khổ tâm ở vườn Diệtsimani là mở màn cho cuộc khổ nạn Thập Giá của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là giờ thánh, giờ khắc cứu chuộc thế giới. Bất cứ khi nào Thánh Thể được cử hành tại ngôi mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem đều cho thấy một dấu hiệu rõ ràng nhất trong việc trở lại với “giờ khắc” này của Người, một giờ khắc Thập Giá và vinh quang. Hết mọi vị linh mục cử hành Thánh Lễ, cùng với cộng đồng Kitô hữu tham dự, theo tinh thần, đều trở về với nơi chốn ấy và giờ khắc ấy.

“Người đã bị đóng đanh, Người đã chịu chết và được mai táng; Người đã xuống với kẻ chết; vào ngày thứ ba Người đã sống lại”. Những lời tuyên xưng đức tin làm vang vọng những lời lẽ chiêm niệm và công bố: “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Đó là lời mời gọi Giáo Hội muốn gửi đến tất cả mọi người vào những giờ phút ban chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Thế rồi Giáo Hội tiếp tục bài ca của mình trong mùa Phục Sinh để công bố rằng: “Chúa đã sống lại từ trong mồ đá, Người đã vì chúng ta mà bị treo lên cây Thập Giá, Alleluia”.

5.     “Mysterium fidei! – Mầu Nhiệm Đức Tin!”. Khi vị linh mục đọc hay hát những lời này, thì tất cả mọi người hiện diện liền hô lên: “Ôi Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Bằng những lời này hay những lời tương tự, Giáo Hội, trong khi hướng đến mầu nhiệm khổ nạn của Người đồng thời cũng tỏ ra cho thấy chính mầu nhiệm của mình: Ecclesia de Eucharistia. Nhờ tặng ân Thánh Linh vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội đã được hạ sinh và bắt đầu ra đi trên mọi nẻo đường thế giới, nhưng giây phút quyết liệt nhất trong việc hình thành của mình phải là việc thiết lập Thánh Thể trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly. Nền tảng và nguồn mạch của Giáo Hội là tất cả Tam Nhật vượt qua, thế nhưng tam nhật này đã được vĩnh viễn qui tụ, tiên báo và “tập trung” nơi tặng ân Thánh Thể. Ở tặng ân này, Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho Giáo Hội của Người việc thường trực hiện thực hóa mầu nhiệm vượt qua. Nhờ đó Người làm nên “mối hiệp nhất về thời gian” một cách huyền nhiệm giữa Tam Nhật Thánh với các niên đại thời gian.

Ý nghĩ ấy làm cho chúng ta cảm thấy ngất ngây và cảm mến. Trong biến cố vượt qua và Thánh Thể làm cho biến cố vượt qua hiện thực qua các thế kỷ, có một “khả năng” thực sự lớn lao có thể bao gồm tất cả một thứ lịch sử đóng vai lãnh nhận ân sủng cứu chuộc. Giáo Hội qui tụ lại để cử hành Thánh Thể bao giờ cũng phải cảm thấy tràn đầy nỗi ngất ngây ấy. Vì chính vị được ban cho thẩm quyền nơi bí tích truyền chức linh mục đã làm tác hiệu việc thánh hiến này. Chính vị ấy nói bằng quyền được ban cho mình từ Chúa Kitô trên Căn Thượng Lầu Tiệc Ly: “Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con. Đây là chén máu Thày đổ ra cho các con…”. Vị linh mục nói những lời ấy, hay đúng hơn ngài dùng tiếng nói của mình thay cho Đấng phán những lời ấy ở Căn Thượng Lầu Tiệc Ly và là Đấng muốn các lời ấy phải được lập lại qua mọi thế hệ bởi tất cả những ai thông phần thừa tác vụ chức vị tư tế của Người trong Giáo Hội.
 

30/4 Thứ Tư

Giáo Triều ĐTC Gioan Phaolô II là Giáo Triều dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh

Ngày Thứ Tư 30/4/2003 là ngày đánh dấu giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dài thứ tư trong lịch sử Hội Thánh. Ngài được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16/10/1978 và đăng quang Giáo Hoàng ngày 22/10/1978, trở thành vị thứ 263 Thừa Kế Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi. Cho tới ngày hôm nay, giáo triều của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, kể từ ngày đăng quang 22/10/1978 bắt đầu thừa tác vụ chủ chiên của Giáo Hội hoàn vũ, đã được 24 năm 6 tháng và 8 ngày, vừa hơn giáo triều của Đức Piô VI. Ba đời Giáo Hoàng dài hơn Ngài là Đức Lêô XIII 25 năm 5 tháng, Đức Piô IX 31 năm 7 tháng 21 ngày, và Thánh Phêrô từ năm Chúa Giêsu qua đời 33 tuổi tới năm vị Giáo Hoàng đầu tiên này tử đạo ở Rôma vào năm 66 tức được 33 năm.

Trong đời giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thực hiện những việc phá kỷ lục như sau: 98 chuyến tông du 133 quốc gia ngoài nước Ý (chuyến sang Tây Ban Nha vào ngày 3-4/5/2003 tới đây là chuyến thứ 99), 142 chuyến viếng thăm trong nước Ý, không kể những chuyến viếng thăm các giáo xứ thuộc Giáo Phận Rôma của Ngài, tổng cộng khoảng cách lên tới gần ớ triệu dặm đường đi. Ngài đã viết 14 bức Thông Điệp, 13 Tông Huấn, 11 Tông Hiến, 42 Tông Thư và 28 văn kiện Motu proprio. Ngài đã phong chân phước cho 1314 vị trong 138 lễ nghi, và kể từ ngày 4/5/2003 tới đây, Ngài phong thánh cho 469 vị trong 48 lễ nghi. Ngài đã triệu tập 8 mật nghị hồng y và phong tước cho 201 vị, lần cuối cùng vào tháng 2/2001. Tổng số hồng y hiện nay là 168 vị, trong đó có 120 vị hợp lệ về tuổi tác để được bầu làm giáo hoàng thay Ngài. Ngoài ra, Ngài đã ban 1083 cuộc triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần, kể cả hôm nay, và đã tiếp gần 17 triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự những buổi triều kiến chung này. Ngài còn ban trên 1500 buổi triều kiến riêng với các nhóm khác nhau, nhất là với các vị lãnh đạo các nước trên thế giới.

Chưa hết, Đức Giáo Hoàng đương kim của chúng ta còn dẫn đầu về những sự việc chưa từng xẩy ra trong Giáo Hội từ trước đến nay: chẳng hạn Ngài đã đến thăm hội đường Do Thái ở Rôma vào tháng 4/1986; đến thăm đền thờ Hồi Giáo Omayyah Great ở Damascô vào tháng Năm 2001; thực hiện các cuộc họp báo trên các chuyến máy bay tông du và một cuộc họp báo ở Văn Phòng Báo Chí của Tòa Tháng ngày 24/1/1994; phát hành các sách vở văn xuôi cũng như văn vần; ở tại khách sạn thay vì ở tại tòa khâm sứ trong các chuyến tông du như tại khách sạn Irshad ở Baku, Azerbaijan tháng 5/2002; thêm 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Ánh Sáng (10/2002); dâng Thánh Lễ trên máy bay vào tháng 12/1992 (Rome's Leonardo da Vinci Airport); kêu gọi Ngày Tha Thứ trong Năm Thánh 2000; vào khám thăm tù nhân, như thăm người ám sát hụt Ngài là Ali Agca vào tháng 12/1983; sử dụng chữ M hoa cho Mẹ Maria vào huy hiệu giáo hoàng của Ngài.

ĐTC tiếp nhận vị tân lãnh sự Nước Cộng Hòa Czech: Văn Hóa Âu Châu - Gia Sản Kitô Giáo

Nói bằng tiếng Anh với ông tân lãnh sự Pavel Jajtner hôm Thứ Hai 28/4/2003.
Mở đầu, ĐTC chào hỏi và nhắc lại cuộc tông du của Ngài tới đất nước của vị tân lãnh sự này.

“Những liên hệ ngoại giao của Giáo Hội làm nên một phần sứ vụ của Giáo Hội trong việc phục vụ gia đình nhân loại. Trong khi sứ vụ này hoàn toàn về tinh thần do đó cũng tách khỏi lãnh vực chính trị, nhưng Giáo Hội vẫn tha thiết muốn nuôi dưỡng những mối liên hệ tốt đẹp với xã hội dân sự bằng kinh nghiệm lâu đời của mình trong việc tìm cách áp dụng những giá trị phổ quát liên quan đến chân lý và tình yêu đối với chiều hướng bao rộng của văn hóa làm nên thế giới của chúng ta đây.

“Thật vậy, điều thúc đẩy Giáo Hội hoạt động ngoại giao chính là vì Giáo Hội muốn cổ võ việc ý thức phẩm vị của con người, cũng như việc duy trì nền hòa bình nơi các dân tộc, những điều kiện thiết yếu cần thiết cho việc thực sự phát triển cá nhân cũng như các dân nước. Đối với mục tiêu này, Tôi hoan nghênh mức tiến bộ khả quan đã đạt được liên quan tới qui tắc về mối liên quan với nhau giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Czech, và Tôi tha thiết mong đợi thấy được việc ký thuận Bản Hòa Ước xứng hợp ấy.

“Như Ngài đã đề cập, dù quyền tự do về chính trị nhân dân Czech giờ đây đang hoan hưởng, cũng không được coi thường những hậu quả kéo dài của những chế độ chuyên chế độc tài. Lịch sử đã dạy cho chúng ta rằng cuộc hành trình đi từ tình trạng bị đàn áp đến tự do là một cuộc hành trình gay go vất vả, thường được đánh dấu bằng một thứ ảo tưởng về những hình thức sai lầm về tự do với những hứa hẹn hy vọng trống rỗng. Trong khi việc phát triển về kinh tế cùng với việc biến đổi xã hội vẫn từng làm lợi cho nhiều ngượi ở xứ sở của ngài, thì những phần tử yếu thế trong xã hội, nhất là thành phần nghèo khổ, thành phần sống bên lề cũng như thành phần bệnh tật, già yếu cũng cần phải được bảo vệ nữa.

“Việc phát triển thực sự không bao giờ có thể đạt được chỉ bằng phương tiện kinh tế. Thật vậy, những gì đã được cho là một thứ ‘ngẫu tượng thị trường’, hậu quả của một thứ được gọi là ‘văn minh tiêu thụ’, có khuynh hướng biến con người thành những sự vật và hạ cái là xuống dưới cái có (cf. "Sollicitudo Rei Socialis," 28). Tình trạng này làm sai lệch một cách trầm trọng phẩm giá của con người và khiến cho việc cổ võ tình đoàn kết nhân loại khó khăn hơn bao giờ hết.

“Ngược lại, việc nhìn nhận bản tính thiêng liêng của con người cùng với việc tái cảm nhận tính chất luân lý nơi tình trạng phát triển về xã hội và kinh tế phải được coi như là những điều kiện tiên quyết trong việc biến đổi xã hội trở thành một nền văn minh yêu thương chân thực. Một dự án như vậy cần đến vai trò lãnh đạo của cả các vị có thẩm quyền về chính trị lẫn tôn giáo, miễn là cái linh hồn của quốc gia này mạnh đủ để có thể hướng dẫn thành phần công dân của mình đến chỗ hiểu biết nguồn mạch chân lý và yêu thương là mục tiêu cho việc phát triển và tiến bộ của một quốc gia.

“Những thách đố Cộng Hòa Czech đang phải đương đầu cũng là những gì các nước Âu Châu khác đang phải đối diện. Khi mà các quốc gia khắp Lục Địa này cử hành việc tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo, thì nhiều con người cũng như phái nhóm đã tỏ ra suy nghĩ về vai trò trọng yếu và rõ ràng của Kitô Giáo nơi các nền văn minh riêng biệt của các quốc gia ấy. Thật vậy, chính ngài đã ghi nhận là các sự thật và giá trị của Kitô giáo đã từng là nền tảng của chính tấm vải làm nên xã hội Âu Châu, hình thành các cơ cấu dân sự và chính trị của lục địa này.

“Cái gia sản cao cả được bắt nguồn và hình thành bởi Phúc Âm này cảnh giác chúng ta về sự kiện là niềm hy vọng trong việc tiếp tục xây dựng một thế giới chân chính hơn cũng phải bao gồm việc nhìn nhận rằng những nỗ lực của con người tách khỏi mối liên hệ xác thực của họ với sự trợ giúp thần linh sẽ không mang lại kết quả lâu bền, vì ‘trừ phi Chúa xây nhà, bằng không những ai xây dựng chỉ luống công vô ích’ (Ps 127:1). Vì lý do này giáo huấn Kitô giáo mạnh mẽ khẳng định và bênh vực nguồn mạch của phẩm vị con người cũng như vị thế của con người theo dự án của Thiên Chúa: ‘Con người nhận lãnh từ Thiên Chúa phẩm vị chính yếu của họ và cùng với phẩm vị này cả khả năng trổi vượt trên hết mọi lãnh vực xã hội, nhờ đó tiến tới sự thật và sự thiện’ ("Centesimus Annus," 38).

“Đối với vấn đề ấy, chúng ta không thể nào không quan tâm tới tình trạng lu mờ cảm quan về Thiên Chúa đã đưa đến tình trạng lu mờ cảm quan về con người (cf. "Evangelium Vitae," 21) cũng như cảm quan về cái tuyệt vời cao quí của sự sống họ được kêu gọi tiến tới. Trong lúc những tai ương về chiến tranh và độc tài tiếp tục mạnh mẽ làm nhòe nhoẹt đi dự án yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người, thì những thứ sai lệch tinh xảo hơn nữa nơi tình trạng tăng triển chủ nghĩa duy vật, trào lưu duy thực dụng và loại trừ đức tin dần dần làm tiêu hao đi bản chất đích thực của sự sống là quà tặng của Thiên Chúa. Đang lúc các quốc gia Âu Châu tiến đến một hình thức mới, thì ước vọng đáp ứng những thách đố của một thứ trật tự thế giới đang biến đổi cần phải được hướng dẫn bởi việc Giáo Hội liên tục loan báo một thứ chân lý giải phóng con người và làm cho các cơ cấu tổ chức về văn hóa cũng như dân sự đạt được tiến bộ thực sự.

“Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo sẽ tiếp tục cầu nguyện và hoạt động cho sự phát triển hơn nữa của nhân dân và đất nước Czech. Như Ngài đã tốt bụng nhìn nhận, Giáo Hội đã tích cực dấn thân huấn luyện về tinh thần cũng như tri thức cho giới trẻ, nhất là qua các cơ cấu giáo dục của mình. Bao lâu có trong tay các nguồn lợi là bấy lâu Giáo Hội tiếp tục vươn rộng sứ vụ bác ái của mình, đặc biệt nhất là việc nâng đỡ đời sống gia đình là con đường nhân loại tiến bước (cf. "Familiaris Consortio," 86), cũng như qua các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cán sự xã hội.

(ĐTC kết thúc bằng lời cầu chúc và xin Chúa ban phép lành cho ông cùng nhân dân ông)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (chuyển dịch theo VIS do Zenit phổ biến ngày 29/4/2003)
 

29/4 Thứ Ba

ĐTC nhắn nhủ hướng đạo và các nhà quản trị ngân hàng

Sáng Thứ Bảy 26/4/2003, tại Sảnh Đường Phaolô VI, ĐTC đã gặp 3 nhóm khác nhau, nhóm thứ nhất là 300 phần tử của Hiệp Hội Hướng Đạo Công Giáo Ý Quốc, 800 viên chức của một nhóm quản trị ngân hàng Tây Ban Nha, và 1250 phần tử của Phong Trào Giáo Dân Balan.

Trước hết, Ngài nhắn nhủ hướng đạo như sau: “Hướng đạo được phát xuất như một đường lối giáo dục theo phương pháp của mình làm say mê trẻ em, thiếu niên và thanh niên, cũng như cống hiến cho người lớn những cơ hội cụ thể để trở thành các vị giáo huấn”. Ngài còn cho biết Giáo Hội hy vọng vào hiệp hội này, “vì nó cần thiết trong việc cống hiến cho các thế hệ mới cơ hội có được những cảm nghiệm tư riêng về Chúa Kitô (trong cuộc đời của họ)”. ĐTC thúc giục các vị lãnh đạo của hiệp hội này hãy kiến tạo “những mối liên hệ sinh động và xây dựng với nhiều nhóm giáo dân là thành phần làm thăng tiến cộng đồng giáo hội. Các bạn có thể chủ động hợp tác với họ để xây dựng một xã hội mới được đặt nền tảng trên công lý, tự do, sự thật và yêu thương”. Ngài khuyên họ “đừng bao giờ thôi làm cho các sinh hoạt hướng đạo thu hút chất sinh dưỡng hằng ngày là lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và năng chịu các phép bí tích”.

Đối với nhóm quản trị ngân hàng đến Rôma từ Tây Ban Nha và Mỹ Châu Latinh, Ngài nhắc nhở họ những nguyên tắc của học thuyết xã hội Kitô giáo khi bảo họ rằng hoạt động của họ trong việc hợp tác vào việc phát triển kinh tế, “một khi được ý thức rõ ràng, thì hướng chiều về cuộc sống chúng thuận hòa với thành phần công dân và giúp cho đời sống hợp với phẩm vị con người”. Ngài còn nhấn mạnh thêm con người phải luôn luôn “là tác giả, là tâm điểm và là mục đích của tất cả mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội. Tôi muốn nhắc nhở quí vị là vấn đề lợi lãi tiền bạc, dù hợp lý, vẫn không thể là động lực chính hay thậm chí là một hoạt động duy nhất của việc giao dịch hay thương vụ, vì hoạt động này phải có nhũng yếu tố nhân bản và lệ thuộc vào những chỉ dẫn luân lý hợp với tất cả mọi tác hành nhân bản”. Ngài thôi thúc họ "hãy thực hiện việc dấn thân Kitô giáo trong lãnh vực của quí vị, làm chứng bằng lời nói và việc làm cho các giáo huấn của Huấn Quyền Giáo Hội về các vấn đề xã hội”.

ĐGH xin Tổng Thống Fidel Castro hãy tỏ ra nhân ái trong vấn đề trừng phạt thành phần chống đối

Thứ Bảy 26/4/2003, Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh cho phổ biến lời giới thiệu và bức thư của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano viết thay cho Đức Thánh Cha để gửi cho Tổng Thống Fidel Castro về việc ông trừng phạt thành phần chống đối như sau:

“Được tin về những hình phạt nặng nề đối với một nhóm đông những người Cuba chống đối, trong đó có ba người bị án tử, Đức Thánh Cha đã nhờ Đức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh của Tòa Thánh, bày tỏ cùng tổng thống Cộng Hòa Cuba Fidel Castro nỗi đau đớn sâu xa của Ngài về một hình phạt dữ dội như thế. Trong bức thư chúng tôi phổ biến hôm nay đây, vị quốc vụ khanh này đã nói lên niềm đớn đau sâu xa của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về ba án tử hình cũng như ‘nỗi buồn khổ sâu xa’ của Đức Thánh Cha về ‘các hình phạt giáng xuống trên nhiều người công dân Cuba’, để xin vị tổng thống Cộng Hòa Cuba tỏ ‘cử chỉ nhân ái đặc biệt đối với những ai bị kết tội’”. Sau đây là bức thư của ĐHY Sodano:

“Trọng kính Tổng Thống,

“Trong Mùa Phục Sinh, trước hết, tôi hân hoan gửi đến tổng thống và toàn thể đất nước Cuba những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi.

“Ngoài ra, tôi đang thi hành một nhiệm vụ quan trọng cho tổng thống biết là Đức Thánh Cha hết sức đau buồn khi biết được những hình phạt dữ dội mới xẩy ra cho nhiều người công dân Cuba cũng như cho một số bị kết án tử hình.

Trước sự kiện này, Đức Thánh Cha đã sai tôi xin Ngài hãy hoàn toàn nghĩ đến cử chỉ nhân ái đầy ý nghĩa đối với những ai bị án tử hình, với niềm tin tưởng là hành động như vậy sẽ góp phần vào việc tạo nên một bầu khí đỡ căng thẳng hơn cho lợi ích của nhân dân Cuba thân yêu.

Tôi tin rằng tổng thống cũng xác tín như tôi là chỉ khi nào giữa người công dân và những vị có thẩm quyền gặp gỡ nhau một cách chân tình và xây dựng thì bấy giờ mới bảo đảm cho việc phát triển một Quốc Gia tân tiến và dân chủ ở một nước Cuba càng liên kết và huynh đệ hơn.

“Thưa Ngài Tổng Thống, tôi muốn lợi dụng dịp này để bảo đảm với ngài về lòng cảm mến trân trọng nhất và đặc biệt nhất của tôi”.


28/4 Thứ Hai

Thông Điệp

“ECCLESIA DE EUCHARISTIA”

của
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
gửi
Các Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế,
Tu Sĩ Nam Nữ

Tất cả mọi Tín Hữu Giáo dân
về
Bí Tích Thánh Thể Liên Hệ Với Giáo Hội

 


Dẫn Nhập

1. Giáo Hội kín múc sự sống của mình từ Thánh Thể. Chân lý này không chỉ nói lên một thứ cảm nghiệm đức tin thường ngày mà còn nhắc lại trọng tâm của mầu nhiệm Giáo Hội nữa. Bằng những cách thức khác nhau, Giáo Hội hoan hỉ cảm nghiệm thấy việc liên lỉ hoàn tất lời hứa “Này Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20), thế nhưng, nơi Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành mình và máu Chúa, Giáo Hội hoan hưởng nơi sự hiện diện này một cách say sưa chuyên nhất. Ngay từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mà Giáo Hội, thành phần Dân Tân Ước, bắt đầu cuộc hành trình lữ thữ của mình hướng về quê hương thiên quốc, thì Bí Tích Thần Linh này đã tiếp tục đánh dấu thời gian trôi qua của Giáo Hội, làm cho thời gian này tràn đầy tin tưởng hy vọng.

Công Đồng Chung Vaticanô II đã có lý công bố rằng hy tế Thánh Thể là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô giáo” (1). “Vì Bí Tích Thánh Thể tuyệt hảo chất chứa tất cả nguồn phong phú linh thiêng của Giáo Hội đó là chính Chúa Kitô, cuộc vượt qua và là bánh sự sống của chúng ta. Bằng xác thịt của mình, một xác thịt giờ đây được Thánh Linh làm cho sống động và ban sự sống, Người cống hiến sự sống cho con người” (2). Bởi thế, Giáo Hội luôn gắn mắt vào Chúa của mình là Đấng hiện diện nơi Bí Tích trên Bàn Thờ, một bí tích trong đó Giáo Hội nhận ra được tất cả những gì tình yêu vô biên của Người muốn bộc lộ.

2.     Trong Đại Năm Thánh 2000, Tôi đã có dịp cử hành Thánh Thể tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, nơi mà, theo truyền thống, là nơi đã được chính Chúa Giêsu cử hành đầu tiên. Căn Thượng Lầu đó đã là nơi thiết lập Bí Tích rất thánh này. Chính ở nơi đó Chúa Kitô đã cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà phán: ‘Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn: này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (x Mk 26:26; Lk 22:19; 1Cor 11:24). Đoạn Người cầm lấy chén rượu mà phán với họ: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống: này là chén máu Thày, máu tân ước vĩnh cửu. Máu sẽ đổ ra cho các con cũng như cho tất cả mọi người hầu thứ tha tội lỗi” (x Mk 14:24; Lk 22:20; 1Cor 11:25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho Tôi được lập lại điều này ở cùng một nơi đó để đáp lại lệnh truyền của Người: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19), những lời Người đã nói hai ngàn năm trước.

Các vị Tông Đồ tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói hay chăng? Có lẽ không. Những lời ấy chỉ có thể hoàn toàn sáng tỏ ở vào lúc kết thúc Tam Nhật thánh mà thôi, thời điểm từ tối Thứ Năm tới sáng Chúa Nhật. Những ngày này bao hàm mầu nhiệm vượt qua myste-rium paschale; chúng cũng bao hàm cả mầu nhiệm thánh thể mysterium eucharisticum nữa.

còn tiếp

(Nếu cần xin xem bài tổng quan "Mầu Nhiệm Thánh Thể - Ơn Gọi Làm Người" ngày 19/7/2003)

(Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch theo VIS do Zenit phổ biến ngày 17/4/2003)


“Chúng tôi cảm thấy phải dấn thân cho các xứ sở này…”

Phó Thủ Tướng Iraq 67 tuổi là ông Aziz, vị đã gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày Thứ Sáu 14/2/2003 và đã đến cầu nguyện ở Assissi hôm sau, đã tự ra đầu hàng chiều Thứ Năm 24/4/2003 sau những ngày, như gia đình của ông cho CNN biết, điều đình với phe giải giới. Cũng theo gia đình của ông thì việc ông tự đầu hàng là vì ông muốn giữ danh dự chứ không muốn bị bắt nhục nhã. Ngôi biệt thư sang trọng của vị phó thủ tướng này đã bị cướp giật sau ngày giải phóng. Ông phải trú ngụ ở một nhà họ hàng gần thủ đô Baghdad. Ông phó thủ tướng này đã chung vai sát cánh với Tổng Thống Sađam Hussein cả 50 năm trời và là những tay năng động của Đảng Baath. Ông là một Kitô hữu và là một trường hợp rất đặc biệt trong hàng ngũ hầu hết thuộc sắc tộc Sunni. Tuy nhiên, việc ông vốn thuộc về tay trong của Tổng Thống Sađam Hussein trở thành phó thủ tướng là dấu hiệu cho thấy ông đã không được trọng dụng. Bởi thế, chưa chắc ông đã biết tất cả những bí mật của chế độ cũ, như các thứ khí giới đại công phá hay nơi ẩn nấp của vị lãnh đạo Iraq.

Trường hợp của vị phó thủ tướng qui hàng này chưa được giải quyết, vì gia đình cho biết họ được các viên chức liên minh bảo là ông Aziz chỉ cần trả lời một số câu hỏi thôi chứ không cần phải vào tù, vì ông được liệt kê thứ 43 trong danh sách 55 nhân vật bị lực lượng liên minh lùng bắt. Tướng Tommy Franks, Tổng Tư Lệnh lực lượng Hoa Kỳ tấn công Iraq đã bay từ tổng hành dinh ở Qatar tới Abu Dhabi để nói chuyện với vị phó thủ tướng đã bị bắt giữ từ hôm Thứ Năm, nhưng vị tướng này vẫn cảm thấy những câu trả lời của vị phó thủ tướng không biết có đúng hay chăng. Vị phó thủ tướng tuyên bố trước khi cuộc chiến xẩy ra là ông thà chết chứ không chịu để cho Hoa Kỳ bắt, vừa bị bệnh tim tấn công hai lần liền. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của Quốc Hội Quốc Gia Iraq là Nabil Musawi, một nhóm chống đối lâu đời, cho biết là việc giam giữ Aziz và các viên chức cao cấp của chế độ cũ sẽ làm giảm bớt sợ hãi nơi người Iraq về việc đảng viên Baath sẽ trở về nắm quyền hành. Hôm Thứ Bảy 26/4, các ký giả của tờ Sunday Telegraph đã tiết lộ họ đã tím thấy các giấy tờ về những móc nối ở Baghdad giữa Iraq và al-Qaeda cho thấy cả hai rất thù ghét Hoa Kỳ và Saudi Arabia.

Còn vấn đề Hoa Kỳ sẽ ở lại Iraq bao lâu và cho tới khi nào, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld đã cho các phóng viên báo chí ở Ái Nhĩ Lan biết hôm Thứ Bảy 26/4/2003 trên đường ông đến Trung Đông thăm cả Iraq và A Phú Hãn, là: “Chúng tôi cảm thấy phải dấn thân cho các xứ sở này. Chúng tôi có ý định ở đó và cùng với các quốc gia hoạt động trợ giúp họ trong việc chuyển tiếp… từ guồng máy độc quyền ở mỗi trường hợp, từ hệ thống đàn áp ở mỗi trường hợp, đến một điều gì đó hướng về một tổ chức dân chủ hơn”. Trong khi đó, hôm Chúa Nhật 27/4/2003, Vua nước Jordan là ông Abdullah đã nói với CNN rằng lực lượng liên minh cần phải rời bỏ Iraq sớm bao nhiêu có thể và để lại xứ sở này cho nhân dân Iraq tự lo lấy.

Vị thứ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Wolfowitz cũng cho biết hôm Thứ Bảy là quân đội Hoa Kỳ quyết tâm ở lại Iraq cho tới khi nước này có một tân chính phủ hoạt động và vững vàng cũng như cho tới khi Iraq được hoàn toàn giải giới. Để đạt mục đích này, những người Iraq lưu vong từ thập niên 1970 và 1980 đang tổ chức một Hội Đồng Tái Thiết và Phát Triển Iraq để cung cấp chuyên môn về kỹ thuật cho các hoạt động của chính phủ được tái hoạt động trước khi để cho chính phủ lâm thời kiêm nhiệm những hoạt động đó.

Ngoài ra, vào Thứ Hai, 28/4/2003, sẽ có một cuộc họp cho đủ mọi thành phần Iraq, bao gồm cả những người Kurds và Quốc Hội Quốc Gia Iraq. Cuộc họp này là để kiểm điểm cuộc họp hôm 15/4 ở Nasiriyah, một cuộc họp đã đồng ý về 13 nguyên tắc, trong đó có vấn đề Iraq là một quốc gia dân chủ, đảng Baath phải được giải tán và nước Iraq được tổ chức thành liên bang. Các viên chức Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 150 tham dự viên cuộc họp này, gần gấp đôi phiên họp trước. Phiên họp Thứ Hai sẽ có cả những đại diện của Hội Đồng Tối Thượng Cách Mạng Hồi Giáo ở Iraq, một nhóm người Shiite có trụ sở ở Iran, thành phần nói rằng cuộc họp này phải do chính người Iraq mời chứ không phải Hoa Kỳ. Vị lãnh đạo của Hội Đồng này là Mohammed Baqir al-Hakim đã được mời cùng với năm nhà chính trị Iraq khác cũng được mời. là Ayad Alawi, lãnh đạo Iraqi National Accord, một nhóm Sunni Muslim, Ahmad Chalabi thuộc Iraqi National Congress, một nhóm Shiite, Jalal Talabani thuộc Patriotic Union của người Kurdistan, vị lãnh đạo Kurdistan Democratic Party là Massoud Barzani, và Adnan Pachachi thuộc Iraqi Independent Democrats Movement. Hôm Chúa Nhật, 27/4/2003, sau ba ngày họp tại Maní Tây Ban Nha, những đảng phái Iraq chống đối chế độ cũ đã phổ biến một bản tuyên ngôn kêu gọi một “chế độ dân chủ liên bang đa đảng ở Iraq” và yêu cầu Sađam Hussein phải được xử án về tội ác phãm đến nhân loại.

Cũng vào Ngày Thứ Bảy 26/4/2003, tại miền nam thủ đô Baghdad, cả hàng trăm người Iraq đã xuống đường chống lại Hoa Kỳ sau vụ nổ của những thứ khí giới chôn dấu làm thiệt mạng 6 người (theo Hoa Kỳ) hay 14 người (theo dân địa phương), và 4 người bị thương (theo Hoa Kỳ) hay 30 người (theo dân địa phương). Những người địa phương Zafraniya này cho biết họ rất tức giận vì họ đã cảnh giác lính Hoa Kỳ về bãi thải quân liệu nguy hiểm này rồi. Thế nhưng bên Hoa Kỳ lại bảo một người lính Hoa Kỳ bị thương trong một cuộc đụng độ với “một số người” tấn công lực lượng canh gác bãi thải quân liệu này và bắn “một thứ bom đạn gì đó” vào bãi ấy mới làm bùng nổ như vậy.

Trong khi đó, thế giới đang lo âu về số tử vong do SARS gây ra mỗi ngày một tăng, đến nỗi phải đóng cửa các trường học, phải lắp những máy lọc khí ở các phi trường, ngăn chặn ở các bệnh viện, biệt lập những người có bệnh v.v. Nơi bị nặng nhất trên thế giới hiện nay là Hồng Kông, nơi có tổng số 6.7 triệu dân, hôm Thứ Năm 24/4/2003, con số tử vong đã từ 5% lên tới 7.2%. Mặc dù đã có 567 người trong số 1.488 bị SARS được khỏi, những vẫn còn 108 người đang ở trong khu cấp cứu của bệnh viện, và con số tử vong đã lên tới 109 người vào hôm Thứ Năm.

Thoidiemmaria.net: Về trường hợp của Phó Thủ Tướng Iraq Aziz, Hoa Kỳ lấy tư cách gì mà bắt người ta? Nguyên việc Hoa Kỳ tự ý qua mặt Liên Hiệp Quốc xông vào nhà người ta đã là một việc sai trái rồi, nay lại còn lấy quyền bắt người ta nữa. Nếu họ có tội với nhân dân của họ thì nhân dân trị tội họ, chứ đâu phải Hoa Kỳ. Vị thủ tướng này có tội gì với Hoa Kỳ hay chăng? Phải chăng tội ông đã cộng tác làm việc với Tổng Thống Sađam Hussein? Nếu cộng tác với Sađam Hussein là tội phạm đến Hoa Kỳ mà vị tổng thống này đã làm gì phạm đến Hoa Kỳ chưa? Nếu vị tổng thống này chỉ là một nhà độc tài với dân tộc của ông ta thì để dân tộc này giải quyết lấy, tại sao lại xía vào chuyện tư của đất nước người khác? Nếu Hoa Kỳ muốn giải phóng các dân tộc như Iraq dưới chế độ “độc tài” Sađam Hussein, tại sao không dám làm gì Trung Cộng, Cuba, các nước Cộng Sản v.v. toàn là chế độ độc đảng độc quyền? Nếu bảo hạ Sađam Hussein vì trong tay nhà độc tài dường như có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế này có các thứ vũ khí đại công phá có thể nguy hiểm đến riêng Hoa Kỳ và chung thế giới thì những thứ này đâu?

Bởi thế, nếu việc Hoa Kỳ bạo lực giải giới Iraq là một hành động bất chính và sai lầm thì chính Hoa Kỳ phải lên tiếng xin lỗi thế giới, xin lỗi Liên Hiệp Quốc và nhân dân Iraq, và phải bồi thường tất cả những thiệt hại đã gây ra cho riêng Iraq và chung cộng đồng quốc tế, chứ đừng nói đến chuyện bắt người và tìm cách thoát thân bằng việc nghi ngờ Syria để tìm cách đánh tiếp như đã đánh A Phú Hãn và Iraq.

Về vấn đề quân đội Hoa Kỳ ở lại Iraq cho tới khi nước này có chính phủ tự trị và có thể tự trị theo chế độ dân chủ thì không biết tới bao giờ, vì theo tình hình cho thấy, các đảng phái và sắc dân ở nước này vốn chia rẽ và tranh đoạt, (xin lỗi, chẳng khác gì như một cộng đồng Việt Nam hải ngoại từ trước đến nay), nếu không chịu bỏ đi tất cả những tư lợi và khuynh hướng chính trị của mình để đồng tâm nhất trí tái thiết đất nước, họ khó có thể tiến đến chỗ thống nhất và biến Iraq thành một quốc gia đầy tương lai, trái lại, Iraq có nguy bị phân mảnh và xâu xé, (như trường hợp nhân dân lợi dụng tình thế bất ổn đã hôi của thế nào, các tay chính trị cũng lợi dụng thay đổi hôi quyền vơ lực như vậy), đấy là chưa nói đến tình trạng có thể bị đô hộ bởi một thứ đế quốc tư bản tân thực dân.

Do đó, đẹp nhất là Hoa Kỳ, sau khi lên tiếng xin lỗi thế giới và tìm cách bù đắp những thiệt hại gây ra do lầm lỗi của mình, Hoa Kỳ chính thức nhường chỗ cho Liên Hiệp Quốc vào làm tất cả những gì họ đang muốn tiếp tục làm ở Iraq thời hậu chiến, kể cả việc tiếp tục truy tìm các thứ vũ khí đại công phá, đến việc lập chính phủ lâm thời và việc trợ giúp nhân đạo cho nhân dân Iraq.



27/4 Chúa Nhật

"Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao!"

Nhân dịp Lễ Chúa Tình Thương, Chúa Nhật II Phục Sinh, không gì bằng việc chúng ta ôn lại những gì ĐTC Gioan Phaolô II đã nói và làm vào lần về thăm quê hương Balan lần thứ 7 của Ngài. Thật vậy, vào ngày Thứ Bảy, 17/8/2002, ĐTC đã dâng thánh lễ cung hiến Tân Đền Thờ Chúa Tình Thương. Có khoảng 20 ngàn người theo dõi cuộc cung hiến này ở bên ngoài ngôi đền thờ, một ngôi đền thờ được xây trên ba năm, gần tu viện của Thánh Nữ Faustina. Bất chấp khí hậu hết sức nóng bức, ĐTC cũng vẫn không rút ngắn lễ nghi cung hiến ngôi đền thờ này. Theo lòng cảm xúc, ĐTC đã nói lên những lời tự phát như sau: “Ai có thể nghĩ rằng có người đã từng bước đi ở nơi đây với những chiếc giầy bằng gỗ mà một ngày kia lại là người cung hiến ngôi đền thờ này nhỉ?” Bởi vì, cách ngôi đền thờ này ít thước là khu hầm mỏ Solvay, nơi ĐTC khi còn trẻ đã làm việc trong thời kỳ Nazi chiếm đóng Balan.

Trước khi đọc lại những lời của Đức Thánh Cha về Chúa Tình Thương, xin được nói về ý nghĩa “hai luồng sáng” phát tỏa từ Trái Tim Chúa Giêsu trong bức ảnh Chúa Tình Thương. Chính Chúa Giêsu đã cho chi Thánh Faustina biết là “tiêu biểu cho máu và nước”, và ĐTC Gioan Phaolô II đã giải thích “nếu máu gợi lại cho thấy hy tế Thập Giá và tặng ân Thánh Thể thì nước, theo biểu hiệu của Phúc Âm Thánh Gioan, chẳng những biểu hiệu cho Phép Rửa mà còn cho cả tặng ân Thánh Linh nữa”. Thế nhưng Lễ Chúa Tình Thương này được Giáo Hội chính thức thiết lập vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh từ bao giờ? Xin thưa, ĐTC Gioan Phaolô II, trong bài giảng Phong Thánh cho chị nữ tu Faustina ngày 30/4/2000, cũng chính là Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, đã cho biết: “Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh này từ nay trở đi trong cả Giáo Hội sẽ được gọi là ‘Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa’” (cùng nguồn vừa dẫn). Sau đó, vào ngày 5/5/2000, Thánh Bộ Phụng Tự và Qui Luật Bí Tích, đã chính thức ra thông báo về việc thành lập này như sau: “Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định rằng, theo Lễ Nghi Rôma, sẽ thêm tên gọi ‘(Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa) vào tên gọi ‘Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh’,’” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, 31/5/2000). Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cung hiến Đền Thờ Chúa Tinh Thương ở Balan ngày 17/8/2002.

“Ôi Tình Thương của Thiên Chúa khôn thấu và khôn lường,
Ai mới xứng đáng tôn thờ Chúa và chúc tụng Ngài đây?
Ôi ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa Toàn Năng,                                       
Chúa là niềm hy vọng ngọt ngào của các tội nhân”
(Nhật Ký, 951).


Anh Chị Em thân mến!

1. Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời đơn sơ và chân thành này của Thánh Nữ Faustina để hợp với thánh nhân cũng như với tất cả anh chị em tôn thờ mầu nhiệm khôn thấu và khôn lường của tình thương Thiên Chúa. Như Thánh Faustina, chúng ta muốn loan báo rằng, ngoại trừ tình thương của Thiên Chúa, không còn một nguồn hy vọng nào khác cho loài người nữa. Chúng ta cần tin tưởng lập lại rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa!

Việc loan báo này, việc tuyên xưng lòng tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa là việc đặc biệt cần thiết ở thời đại chúng ta đây, khi mà nhân loại đang trải qua một tình trạng biến loạn trước những xuất hiện của sự dữ. Việc kêu cầu lòng thương xót Chúa cần phải được vang lên từ thẳm cung của các cõi lòng đầy những khổ đau, băn khoăn về tương lai và sống trong bất ổn, đồng thời lại trông mong một nguồn hy vọng vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây hôm nay, đến Ngôi Đền Thờ Lagiewniki này, để một lần nữa thoáng thấy nơi Chúa Kitô dung nhan của Thiên Chúa Cha: “Người Cha của tình thương và là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm ủi an” (2Cor 1:3). Bằng con mắt linh hồn của mình, chúng ta mong nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu nhân hậu, để thấy được sâu xa trong ánh mắt của Người những gì phản ảnh nội tâm của Người, cũng như thấy được ánh sáng ân sủng là những gì chúng ta đã thường xuyên lãnh nhận, và là những gì Thiên Chúa ban lại cho chúng ta mỗi ngày cũng như vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

2.- Chúng ta sắp cung hiến ngôi nhà thờ mới này cho Tình Thương của Thiên Chúa. Trước khi thực hiện điều này, Tôi (ĐTC ngỏ lời chào những vị liên hệ với Ngôi Đền Thờ và những vị liên quan đến việc loan truyền lòng thương xót Chúa…)

3.- Hỡi Anh Chị Em! Khi chúng ta cung hiến ngôi thánh đường mới này, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề đã làm cho vua Solomon phải bối rối khi vua cung hiến Đền Thờ Giêrusalem để làm nhà cho Thiên Chúa: “Thế nhưng, có thật Thiên Chúa sẽ ở trên mặt đất này hay chăng? Kìa, trời và trời cao không thể chứa nổi Ngài thì ngôi nhà tôi xây cất lên đây lại càng không thể nào làm nổi!” (1Kg 8:27). Phải, thoạt nhìn thì thật là bất xứng hợp khi trói buộc việc Thiên Chúa hiện diện vào một “nơi chốn” nào đó. Chúng ta không bao giờ được quên rằng thời gian và không gian đều hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên, cho dù thời gian và cả thế giới này được coi như “đền thờ” của Ngài, Thiên Chúa vẫn chọn một thời điểm nào đó và địa điểm nào đó để con người có thể cảm nghiệm được một cách đặc biệt sự hiện diện của Ngài và ân sủng của Ngài. Được thúc đẩy bởi cảm quan đức tin của mình, con người hành trình đến những nơi này, tin tưởng rằng, ở đó họ sẽ thực sự tìm thấy chính mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trong cùng một tinh thần tin tưởng ấy, Tôi đã đến Lagiewniki để cung hiến ngôi thánh đường mới này. Tôi tin tưởng rằng đây là nơi đặc biệt Thiên Chúa chọn để gieo vãi ân sủng tình thương của Ngài. Tôi cầu xin cho ngôi thánh đường này được luôn luôn trở thành một nơi loan báo sứ điệp tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa; một nơi của hoán cải và thống hối; một nơi cử hành Thánh Thể; một suối nguồn tình thương; một nơi nguyện cầu và liên lỉ kêu xin tình thương cho chúng ta cũng như cho toàn thế giới. Tôi dùng những lời của vua Solomon mà cầu nguyện rằng: “Ôi Chúa là Thiên Chúa của tôi, xin hãy nhậm lời cầu nguyện cùng với lời van xin của tôi tớ Chúa đây, hãy lắng nghe tiếng kêu và lời cầu do tôi tớ Chúa dâng lên trước nhan Chúa hôm nay đây; xin Chúa hãy ghé mắt ngày đêm trông coi ngôi nhà này… Xin hãy nghe lời kêu cầu của tôi tớ Chúa cũng như của Yến Duyên dân Chúa, khi họ cầu xin Ngài ở nơi đây. Từ trời cao, nơi Ngài cư ngụ, xin hãy lắng nghe, và khi lắng nghe, xin Ngài hãy thứ tha cho” (1Kgs 8:28-30).
 

4.- “Thế nhưng, giờ đã đến, và giờ ấy là lúc này đây, khi mà những kẻ tôn thờ chân thực sẽ tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những người tôn thờ Ngài như thế” (Jn 4:23). Khi chúng ta đọc những lời này của Chúa Giêsu ở nơi Đền Thờ Lòng Thương Xót Chúa này, chúng ta đặc biệt nhìn nhận rằng không một ai có thể đến đây nếu không đến trong Thần Linh và chân lý. Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An và là Thần Chân Lý, Đấng hướng dẫn chúng ta theo những đường nẻo của Lòng Thương Xót Chúa. Bằng việc làm cho thế gian nhận ra những gì “liên quan đến tội lỗi, sự công chính và việc phân xử” (Jn 16:8), Ngài cũng làm tỏ hiện tất cả ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Việc “thuyết phục” liên quan đến tội lỗi này có liên hệ nhị trùng với Thập Giá Chúa Kitô. Một mặt, Thánh Linh khiến cho chúng ta, nhờ Thập Giá của Chúa Kitô, có thể nhìn nhận tội lỗi, hết mọi tội lỗi, nơi tất cả chiều kích sự dữ chất chứa và tiềm ẩn nơi tội lỗi. Mặt khác, Thánh Linh cho phép chúng ta, cũng nhờ Thập Giá Chúa Kitô, thấy được tội lỗi theo chiều kích của mysterium pietatis, tức là chiều kích mầu nhiệm tình yêu nhân hậu và thứ tha của Thiên Chúa (x Thông Điệp Dominum et vivificantem, 32).

Như thế, việc “thuyết phục liên quan đến tội lỗi” này cũng trở thành một niềm xác tín là tội lỗi có thể bị loại trừ và con người có thể phục hồi phẩm vị của mình là con cái dấu yêu của Thiên Chúa. Thật vậy, Thập Giá “là việc Thiên Chúa hạ mình thẳm sâu nhất xuống với con người […]. Thập giá chẳng khác gì một sự giao chạm của tình yêu hằng hữu trên những vết thương đau trong cuộc sống của con người” (Dives in misericordia, 8). Tảng đá nền của Ngôi Đền Thờ này sẽ mãi mãi nhắc nhở cho chúng ta về chân lý này, vì nó được mang về đây từ Núi Canvê, như thể từ chân Cây Thập Giá là nơi Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Tôi hết sức tin tưởng rằng ngôi thánh đường mới này sẽ luôn luôn là một nơi được con người đến với Thiên Chúa trong Thần Linh và chân lý. Họ sẽ đến đây với lòng tin tưởng là những gì đồng hành với tất cả những ai khiêm hạ biết mở lòng mình ra cho hoạt động của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, cho một tình yêu mạnh hơn cả tội lỗi nặng nề nhất. Ở nơi đây, trong ngọn lửa của tình yêu thần linh, tấm lòng con người sẽ bừng lên lòng ước ao hoán cải, và ai tìm kiếm hy vọng sẽ gặp được niềm ủi an.

5.- “Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô; vì những sự khốn khó của Cuộc Người Khổ Nạn, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới” (Nhật Ký, 476). Thương đến chúng con và toàn thế giới… Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời.

Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra “tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” (x Nhật Ký, 1732).

Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc! Tôi ký thác công việc này cho Anh Chị Em thân mến, cho Giáo Hội ở Krakow và ở Balan, cũng như cho tất cả mọi người sùng mộ Lòng Thương Xót Chúa đến đây từ Balan hay từ khắp nơi trên thế giới. Chớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!

6.- Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nơi Con của Cha là Đức Giêsu Kitô, Cha đã mạc khải tình yêu của Cha ra và đã tuôn đổ tình yêu Cha xuống trên chúng con trong Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Hôm nay đây chúng con xin ký thác cho Cha vận mệnh của thế giới cũng như của hết mọi con người nam nữ.

Xin Cha hãy cúi mình xuống trên tội nhân chúng con, hãy chữa lành nỗi yếu hèn của chúng con, hãy chiến thắng tất cả mọi sự dữ, và hãy ban cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới được cảm nghiệm thấy tình thương của Cha. Chớ gì họ luôn tìm thấy nguồn hy vọng nơi Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Cha Hằng Hữu, vì Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Con Cha, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới!

Amen.

 

Về câu Ðức Thánh Cha trích lại Lời Chúa Giêsu nói với chị Thánh Faustina: “Tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha”, chúng ta cần bết thêm như sau:

Trong bài giảng phong Thánh cho Nữ Tu Faustina, ngày 30/4/2000, chính ÐTC đã trích lại một số câu trong toàn bộ mạc khải tư của chị, chẳng hạn những câu sau đây: “Lòng Thương Xót Chúa chạm đến nhân loại nơi trái tim Chúa Kitô tử giá: ‘Hỡi con gái của Cha, con hãy nói đi Cha là hiện thân của tình yêu và của lòng thương xót’ (Diary trang 374), Chúa Giêsu xin Sơ Faustina”; “Chúa Giêsu nói với Sơ Faustina: ‘Nhân loại sẽ không tìm thấy bình an cho đến khi họ tin tưởng quay về với lòng Chúa xót thương’ (Diary, trang 132)” (Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 3/5/2000, trang 1, đoạn 2).

Nếu tất cả những gì Thánh Nữ Faustina viết trong cuốn Nhật Ký (Diary) của mình, như những lời được Đức Thánh Cha trích lại trên đây, thật sự là do Chúa Giêsu mạc khải tư cho chị, thì chúng ta phải hiểu sao về lời tiên báo sau đây trong cuốn “Lòng Chúa Thương Xót trong Hồn Tôi” (số 1732) của chị: “Khi tôi đang cầu nguyện thì tôi nghe thấy những lời của Chúa Giêsu như sau: ‘Cha đặc biệt yêu thương Balan, mà nếu Balan tuân theo ý muốn của Cha thì Cha sẽ nâng Balan lên trong quyền năng và thánh thiện. Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (From her will come forth the spark that will prepare the world for My final coming)”. Phải chăng “tia sáng phát ra từ Balan” đây chính là Đức Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng xuất hiện  (đúng là “phát ra” bất ngờ) từ một thế giới cộng sản, vị Giáo Hoàng đã mở màn Giáo Triều của mình bằng bức thông điệp ban hành ngày 4/3/1979 mang tựa đề: Redemptor Hominis, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, trong đó, ngay ở đoạn mở đầu, ngài đã đề cập đến “năm 2000”, nhất là đến việc “chúng ta, một cách nào đó, đang ở trong một mùa vọng mới, một mùa đợi trông… mùa sửa soạn cho chúng ta nghênh đón Đấng đã có, đang có và sẽ đến”, một thời điểm đã được ngài nói rõ hơn tại Lebanon ngày 11/5/1997: “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa mà Người đã loan báo (We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed)” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 Liên quan đến vấn đề “lần đến cuối cùng của Cha”, cũng trong cùng đoạn mạc khải được Đức Thánh Cha trích dẫn trên đây, Chúa Giêsu còn tỏ cho Thánh Nữ Faustina như thế này: “Trước khi Cha đến như một Quan Án công minh, thì Cha đến như Đức Vua của Tình Thương. Trước ngày công thẳng, dân chúng sẽ được thấy một dấu hiệu trên các tầng trời như thế này: Tất cả ánh sáng trên các tầng trời sẽ bị tắt hết, và bóng tối khủng khiếp sẽ bao trùm cả trái đất. Đoạn trên bầu trời sẽ xuất hiện hình bóng cây thánh giá, và từ những kẽ hở của các bàn tay chân bị đóng đanh của Chúa Cứu Thế sẽ phát ra những ánh sáng cả thể chiếu soi mặt đất trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ xẩy ra không lâu trước ngày cùng tận” (đoạn 83).

 

26/4 Thứ Bảy

Tân Giám Mục Việt Nam Hải Ngoại

Vị Giám Mục Việt Nam đầu tiên cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại vừa được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngày Thứ Sáu 25/4/2003. Đó là Đức Ông Đôminicô Mai Thanh Lương, hiện là cha sở Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam ở New Orleans Louisiana, kiêm giám đốc Văn Phòng Mục Vụ Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đức Tân Giám Mục sinh năm 1940, tại Ninh Cường, giáo phận Bùi Chu. Ngài đang là tổng linh hướng của Phong Trào Đạo Binh Xanh Việt Nam ở Hoa Kỳ. Ngài sửa soạn phát hành một cuốn sách về Kinh Mân Côi trong Năm Mân Côi theo đường hướng của Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Ngài sẽ làm giám mục phụ tá ở giáo phận Orange, nơi có đông giáo dân Công Giáo Việt Nam nhất hải ngoại, trong số 1.110.508 giáo dân, 273 linh mục, 59 phó tế và 484 tu sĩ nam nữ.

Ngài đã học ở đại chủng viện giáo phận Buffalo Nữu Ước và chủng viện Thánh Bênađô ở Rochester Nữu Ước. Cha đã tiếp tục theo học ở Đại Học Canisius ở Buffalo. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 21/5/1966 cũng tại Buffalo, cho Giáo Phận Đà Nẵng Việt Nam, vì hoàn cảnh bấy giờ không về nước được. Ngài đã từng làm tuyên úy cho một bệnh viện ở Buffalo từ năm 1966-1975, làm phụ tá giáo xứ cho Giáo Xứ Thánh Louis ở Buffalo năm 1975-1976, và làm Giám Đốc Mục Vụ Việt Nam ở New Orleans từ 1976-1983, rồi từ 1983 làm cha sở Giáo Xứ Nữ Vương Việt Nam, từ năm 1989 tới nay làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Ngài là vị giám mục Việt Nam thứ hai tại hải ngoại, sau Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt, linh mục giáo phận Phú Cường, Vietnam, sinh ngày 15/4/1949, chịu chức linh mục 24/3/1974, được tuyển làm TGM Rusticiana và được bổ nhiệm làm khâm sứ tòa thánh ở Benin và Togo ngày 25/11/2002, và được thụ phong Giám Mục tại Rôma cùng với 12 vị khác vào Ngày Lễ Hiển Linh 6/1/2003. Vị Giám Mục người Á Châu đầu tiên ở Hoa Kỳ là Đức Ông Ignatius Wang, 68 tuổi, được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục phụ tá TGP San Francisco vào tháng 12/2002, đã thụ phong giám mục ngày 30/1/2003 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Maria. Người Á Châu Công Giáo lên tới 25% tổng số giáo dân trong TGP này. Đức tân giám mục sinh ở Bắc Kinh và lãnh chức linh mục năm 1959. Không thể phục vụ ở Trung Hoa được, ngài đã sang Rôma, và năm 1974 ngài tới San Francisco, nơi ngài hoạt động tại nhiều giáo xứ sau đó còn đóng vai trò làm chưởng ấn nữa.

Đức Tân Giám Mục Đôminicô Mai Thanh Lương sẽ được thụ phong giám mục vào ngày Thứ Tư 11/6/2003 tại nhà thờ Saint Columban, giáo phận Orange.
 

Tại sao cho đến nay vẫn chưa thấy khói súng?

Bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ Powell đã trả lời trong cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Charlie Rose hôm Thứ Ba 22/4 cho biết Hoa Kỳ đã xét lại mối liên hệ với Pháp là nước đã dẫn đầu việc phản đối và chống lại Hoa Kỳ đối với quyết định của Hoa Kỳ muốn dùng võ lực giải giới Iraq. Ông còn nói mạnh là việc chống lại Hoa Kỳ. Để đối lại với lời hăm đe của vị bộ trưởng nội vụ này, ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin, ngày hôm sau Thứ Tư, trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đã cho biết Pháp sẽ tiếp tục giữ nguyên tắc đối với những vấn đề như trường hợp của Iraq: “Suốt cuộc khủng hoảng Iraq, Pháp cùng với đại đa số cộng đồng quốc tế đã tác hành hợp với các niềm xác tín của cộng đồng này cùng với những nguyên tắc của nó trong việc bênh vực luật lệ quốc tế. Pháp sẽ tiếp tục làm như thế trong tất cả mọi trường hợp”.

Trong khi đó, ở Hiệp Vương Quốc, vấn đề tìm kiếm những thứ vũ khí đại công phá ở Iraq là một vấn đề hết sức quan trọng đối với Thủ Tướng Tony Blair. Tại sao? Tại vì, sở dĩ các nhà lập pháp Hiệp Vương Quốc ủng hộ hành động quân sự hôm 18/3/2003 là do vị thủ tướng này nói Iraq có các thứ vũ khí đại công phá nguy hiểm cho nền hòa bình và an ninh thế giới. Đối với quốc hội Hiệp Vương Quốc thì không có vấn đề lật đổ Sađam Hussein, mà chỉ có vấn đề vũ khí đại công phá mà thôi, và họ đồng ý cho quân đi giải giới. Trước khi bỏ phiếu, vị thủ tướng này còn được hỏi kỹ là liệu ông tin rằng Iraq vẫn còn các thứ vũ khí cấm ấy chăng, ông trả lời là “Phải, đúng thế. Chẳng có hồ nghi tí nào về những năm Iraq đã có những thứ vũ khí này. Chúng tôi đang được chất vấn là liệu chúng tôi có tin rằng, sau khi các thanh tra viên bị đẩy ra khỏi Iraq năm 1998, chế độ này đã tự nguyện từ bỏ các thứ vũ khí ấy hay chăng. Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng điều này không thể nào tin nổi”. Thế nhưng, những người thuộc đảng MP của vị thủ tươnùng này, những người đã ủng hộ cuộc chiến một cách lưỡng lực giờ đây đặt vấn đề một cách gay gắt là tại sao cho đến nay vẫn không thấy khói súng bốc lên. Một số người còn đặt vấn đề là nếu những thứ khí giới ấy thật sự nguy hiểm thì tại sao chúng không được Sađam Hussein sử dụng để tự vệ chứ? Vần đề cuối cùng này đã được thoidiemmaria.net, trong bài “Ai Thắng Ai Thua trong cuộc chiến giải giới Iraq” được phổ biến ngày Thứ Năm 10/4 (ở cả dongcong.net) nêu lên như sau:

“Nếu quả thực Iraq hoàn toàn và thực sự không có những thứ vũ khí đại công phá ấy thì không phải là nhà độc tài Sađam Hussein đúng hay sao? Bởi thế, dù thua về quân sự Iraq nói chung và nhà độc tài Sađam Hussein nói riêng này đã thắng về tinh thần, ở chỗ, đã nói thật, chúng tôi không có những thứ vũ khí cấm là không có, (đó là lý do Iraq đã không ngại để cho LHQ thanh tra vũ khí ba tháng trời). Ngoài ra, nếu quả thực Iraq có những thứ vũ khí nguy hiểm ấy, tại sao nhà độc tài Sađam Hussein không chịu sử dụng để phản công trước khi hoàn toàn thất thủ? Phải chăng vì ông ta không kịp trở tay? Thế còn các nhân viên thân cận nhất của ông thì sao, họ vẫn có thể sử dụng chúng thay ông vậy? Chẳng lẽ họ chết hết một lúc? Nhà lãnh đạo Hội Nghị Quốc Gia Iraq là Ahmad Chalabi đã cho CNN biết hôm Thứ Tư 9/4/2003 là có những lời tường trình cho rằng tổng thống Iraq đã ẩn nấp ở thành phố Baqubah, phía đông bắc thủ đô Baghdad: ‘Chúng tôi không có chứng cớ là họ đã bị giết trong cuộc tấn công này. Ít là chúng tôi biết được rằng Qusay, con trai của vị tổng thống này, còn sống và anh ta đang chiếm đóng ở một số nhà trong miền Diyala’. Cũng những nguồn tin này còn cho biết Tướng Ali Hassan al-Majeed, biệt danh là ‘Chemical Ali’, đã bị thương nhưng còn sống và đang ở một địa điểm này với Qusay. Vậy, nếu cho đến giây phút cuối cùng Iraq vẫn không sử dụng vũ khí cấm đã cho thấy, một là họ thực sự và hoàn toàn không có những thứ này, hai là họ nhân đạo và quảng đại hơn thành phần sử dụng bạo lực để giải giới chính cái ảo tưởng của thành phần tấn công này. Vậy thì thử hỏi ai thắng ai thua trong trận chiến tranh bạo lực giải giới được gọi là cuộc hành quân giải phóng Iraq này của US và UK?”
 

Những Chứng Từ Hòa Bình Liên Tôn

Trong lúc tình hình thế giới vừa im tiếng vũ khí của cuộc chiến tranh Hoa Kỳ giải giới Iraq, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại một số ý thức về hòa bình của những vị đại diện Liên Tôn trong Ngày Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Thế Giới tại Assissi 24/1/2002. Chứng từ hòa bình liên tôn này, Kitô Giáo đã mở đầu, theo thứ tự, gồm có Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Chính Thống Giáo Bartholomew I tự đọc bằng tiếng Hy Lạp, ĐTGM Canterbury Anh Giáo do ĐGM Richard Garrard đọc bằng tiếng Anh, Tiến Sĩ Ishmael Noko thuộc đại diện Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới, Tiến Sĩ Setri Nyomi, đại diện Liên Minh Các Giáo Hội Cải Cách Thế Giới, và ba vị nữa ở phần kết thúc là Bà Chiara Lubich, Sáng Lập Phong Trào Focolare, Andrea Riccardi và Đức Theoctist Thượng Phụ Chính Thống Romania. Ở khoảng giữa là chứng từ của các tôn giáo ngoài Kitô Giáo, thứ tự của Phật Giáo, Phi Châu Cổ Truyền Đạo (chứng từ của hai tôn giáo này đã được phổ biến ở mục này vào  ngày Thứ Sáu 14/3/2003), Ấn Giáo (đã được phổ biến ngày Thứ Năm 3/4/2003), Hồi Giáo (xem ngày Thứ Sáu 25/4/2003) và Do Thái Giáo. Chúng tôi chỉ xin trích lại những chứng từ của các vị đại diện tôn giáo ngoài Kitô Giáo mà thôi, để xem những ý thức đó như thế nào so với của Kitô Giáo nói chung và của Giáo Hội Công Giáo nói riêng.

“Chiến tranh không phải là văn hóa … là hoạt động của chúng tôi … là sứ mệnh của người Do Thái chúng tôi”

(Chứng Từ Hòa Bình - bằng tiếng Anh - của Do Thái Giáo: Tôn Sư Israel Singer)

Chỉ có một mình ngài, Gioan Phaolô II, mới có thể qui tụ chúng tôi lại đây thôi. Chỉ có một mình Ngài mới có thể làm cho điều này xẩy ra, chúng tôi có thể giúp ngài làm điều ấy.

“Hòa bình thì cao cả, như tên của Thiên Chúa được gọi là Hòa Bình”.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới luôn luôn nói về hòa bình, cũng như trong khi thành phần giảng thuyết của họ đã thuyết không biết bao nhiêu là bài giảng về hòa bình là mục đích tối hậu của họ, thì thực tế cụ thể là các tôn giáo đã trở thành những lý do gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu. Rất nhiều cuộc chiến tranh xẩy ra ở Âu Châu và Á Châu giữa những tôn giáo lớn, những trận chiến nổi lên suốt giòng lịch sử giữa những giáo phái khác nhau trong cùng những tôn giáo, đã được tất cả các học sinh về sử ký và tôn giáo thấu đáo. Cho tới ngày hôm nay đây, con người tiếp tục đánh nhau ở Bắc Ái Nhĩ Lan, đánh nhau ở Kashmir và Pakistan, và sát hại nhau ở Trung Đông.

Dĩ nhiên tất cả chúng ta quá rõ về cách thức mà vào ngày 11 tháng 9 năm ngoái những kẻ điên khùng đã tác hành nhân danh tôn giáo để lao 3 chiếc máy bay vào hai tòa nhà Trung Tâm Thương Vụ Quốc Tế và Ngũ Giác Đài, sát hại hàng ngàn người trong vòng mấy phút, do đó gây ra cuộc xung đột quân sự quốc tế đầu tiên của thế kỷ 21.

Người Do Thái chúng tôi nói thẳng là các truyền thống tôn giáo của chúng tôi không bao gồm vai trò chính yếu đối với quan niệm về một thứ chiến tranh tôn giáo. Thế nhưng, chúng tôi cũng không ngu dại gì, ở vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ đẫm máu và thê thảm khủng khiếp của mình, chúng tôi đã tự vệ và chiến đấu chống lại kẻ thù khi cần thiết. Và khi chiến đấu, chúng tôi cẩn thận đọc những lời Thánh Kinh của mình không phải để biện minh cho chiến tranh mà là tìm nền tảng tôn giáo cho hành động của mình. Thánh Kinh đầy những mệnh lệnh của Thiên Chúa ban bố cho dân Do Thái trong việc chiến đấu chống lại kẻ thù của họ khi cần thiết. Truyền thống của chúng tôi có quan niệm “lo tehayyun kol neshamah” về những cuộc chiến tranh chống lại những nhóm đặc biệt cần phải chiến đấu một cách tàn bạo không nương tay. Đề tài này được âm dội mãnh liệt nhất theo cái mệnh lệnh hiện hành của tôn giáo “mah eni meheh et zakar ‘amalek’”, mệnh lệnh gây ra một cuộc chiến tranh tối hậu chống lại một sự dữ tối hậu được tiêu biểu nơi dân Amalek, một chiến tranh không được bắt một tù nhân nào, mà phải giết chết hết tất cả.

Tuy nhiên, chiến tranh về quân sự không phải là cốt lõi của Do Thái Giáo. Thánh Kinh Do Thái, Luật Truyền Khẩu của chúng tôi, Bộ Tổng Luận Lề Luật và Giáo Huấn của chúng tôi, bộ tôn sư dẫn giải của chúng tôi và các bản văn tôn sư của chúng tôi, tất cả đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, cả nơi giữa chúng tôi với nhau cũng như với các cận nhân của chúng tôi. Những người Do Thái chúng tôi dấn thân cho một thứ ý hệ, cho một thứ tôn giáo và cho một thứ triết lý qui về những tư tưởng hòa bình, nhân ái và huynh đệ, là những gì quen thuộc với các tôn giáo trên thế giới, nhất là với Kitô Giáo, một tôn giáo đã chấp nhận và thích ứng với rất nhiều tư tưởng về tôn giáo của người Do Thái. Chúng tôi đã được các sách thánh Do Thái dạy bảo, cũng như các người Kitô hữu được Tân Ước dạy bảo, trong việc cầm hãm các thứ bất mãn đối với những ai làm tổn thương đến chúng tôi, cũng như luôn luôn tìm cách hòa giải và tình yêu thương huynh đệ. Ngay cả khi chúng tôi được sai đi gây chiến chống lại quân thù của mình, chúng tôi , chúng tôi được lệnh Thiên Chúa trước hết cống hiến cho họ cơ hội đầu hàng một cách ôn hòa, chỉ khi nào cái cống hiến đó không được chấp nhận chúng tôi mới được phép cấm khí giới lên chống lại họ. Ngoài ra, các vị tiên tri của chúng tôi đã nêu lên nhiều lần cho chúng tôi thấy một thị kiến về ngày cùng tháng tận khi mà gươm giáo được đúc thành cầy và tất cả mọi dân tộc sẽ sống trong an bình.

Thế nên chiến tranh không phải là văn hóa của chúng tôi, nó không phải là hoạt động của chúng tôi, nó không phải là sứ mệnh của chúng tôi là những người Do Thái. Nó thật sự không phải là công việc của các tôn giáo khác trên thế giới nữa. Không được làm phân tán đi cuộc nói chuyện về hòa bình nhân danh tôn giáo – nó được căn cứ vào thực tại của tất cả mọi lý tưởng của tôn giáo chúng ta, và nó là mục đích tối hậu mà tất cả chúng ta đều khát vọng. Chúng ta phải loại trừ đi những thứ méo mó về giáo huấn tôn giáo đã được sử dụng trong quá khứ, tôn giáo truyền khiến không được sử dụng bạo lực chống lại các phần tử thuộc tôn giáo khác hay thuộc các giáo phái khác.

Chúng ta phải nhớ rằng không có một tôn giáo nào khuyên dạy chúng ta sát hại một cách bất phân, và những ai được dạy khác đi đã thực hiện như thế, bằng việc cướp đoạt tôn giáo và bóp méo các tôn giáo được họ nhân danh nói. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sửa lại những lạm dụng mà theo lịch sử đã được dùng để biện minh cho bạo lực để tấn công những người không phải là Kitô hữu.

Chỉ bằng việc nghiêm cẩn đối thoại và chân thành dấn thân cụ thể hoạt động cho hòa bình nơi những nhà lãnh đạo các tôn giáo chính, bằng những hy sinh cho hòa bình, hơn là chỉ bằng những lời ban bố, chúng ta mới bắt đầu thay đổi được tình trạng của nhân loại hiện nay. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bản thân đã đóng một vai trò theo kiểu cách này bằng những việc Ngài nỗ lực hòa giải với Do Thái Giáo, và đã làm thay đổi lịch sử giữa những người Kitô hữu và Do Thái Giáo. Đây thực sự có thể là một mẫu gương cho tất cả chúng ta theo, con đường của những người lữ hành đi tìm kiếm hòa bình.

“Về vấn đề cầu nguyện Cuốn Midrash đã nói: những lời chúc tụng vẫn chưa đủ, trừ phi chúng chất chứa chữ HÒA BÌNH” (Bamidbar Raba).

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần San L’Osservatore Romano, 30/1/2002, trang 8 và 9)
 

(Giáo Hội Hiện Thế các tuần trước)