GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Tháng 3/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

Ý Chung: Xin cho đất đai, văn hóa và tất cả mọi quyền lợi của các dân tộc bản xứ trên thế giới được tôn trọng, để đạt được sự hòa hợp giữa họ với nhau cũng như với những ai họ chung sống”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho việc hợp tác giữa những tổ chức truyền giáo và các Giáo Hội địa phương ở Phi Châu được phát triển theo các tặng ân khác nhau”.

 

___________________________________________

 Ngày 25 Thứ Năm, Lễ Mẹ Thai Lời

 

Lễ Truyền Tin, 25/3

 

ĐTC với Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần về ý nghĩa Lễ Truyền Tin và về việc hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria 20 năm trước

Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, ĐTC đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này, buổi triều kiến Ngài vẫn chia sẻ giáo lý từ năm 1979 đến nay, để nhắc lại ý nghĩa của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984. Buổi triều kiến chung hôm nay diễn ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô thay vì ở trong Sảnh Đường Đức Phaolô VI. ĐTC đã nhắc nhở con cái mình rằng:

1.     Ngày mai chúng ta cử hành Lễ Trọng Truyền Tin, một lễ giúp chúng ta chiêm ngưỡng Lời Nhập Thể trong lòng Mẹ Maria. Tiếng ‘xin vâng’ của Đức Trinh Nữ đã mở cửa cho việc hiện thực dự án cứu độ của Cha trên trời, một dự án cứu độ hết mọi người.

Lễ này, năm nay rơi vào giữa Mùa Chay, một mặt cho chúng ta thấy những giây phút khởi đầu của ơn cứu độ, mặt khác kêu gọi chúng ta hãy hướng về mầu nhiệm vượt qua. Chúng ta nhìn lên Chúa Kitô tử giá là Đấng cứu chuộc nhân loại, khi Người hoàn thành cho đến cùng ý muốn của Chúa Cha. Trên đồi Canvê, trong giây phút cuối cùng của cuộc sống, Chúa Giêsu đã ký thác chúng ta cho Mẹ Maria để Người làm Mẹ của chúng ta, và đã truyền dạy chúng ta làm con cái của Mẹ.

Liên kết với mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Mẹ được đồng tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc. Tiếng xin vâng của Mẹ, một tiếng xin vâng chúng ta lập lại ngày mai, âm vang tiếng xin vâng của Lời Nhập Thể. Một cách hết sức đồng điệu với tiếng xin vâng của Chúa Kitô và của Đức Trinh Nữ này, mỗi một người chúng ta được kêu gọi để liên kết lời ‘xin vâng’ của chúng ta với những dự án nhiệm mầu của Đấng Quan Phòng. Thật vậy, chỉ khi nào hoàn toàn gắn bó với ý muốn thần linh chúng ta mới thực sự hoan lạc và bằng an là những gì chúng ta tất cả đều thiết tha mong đợi cho thời đại của chúng ta đây.

2.     Vào ngày áp của lễ này, một lễ vừa có tính cách Kitô học vừa có tính cách Thánh Mẫu học, Tôi nghĩ đến một số thời điểm quan trọng vào lúc khởi đầu cho giáo triều của Tôi, đó là ngày 8/12/1978, tại Đền Thờ Đức Bà Cả, Tôi đã hiến dâng Giáo Hội và thế giới cho Đức Mẹ; ngày 4/6 năm sau đó, Tôi lập lại việc hiến dâng này ở Đền Thánh Mẫu Jasna Gora. Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc (biệt chú của người dịch: ĐTC GPII mở Năm Thánh Cứu Độ, kỷ niệm 1950 năm Chúa Kitô cứu chuộc loài người vào năm Người 33 tuổi: nếu lấy 1950 + 33 = 1983; ngày 25/3/1984 là ngày kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc được bắt đầu từ năm 1983 này). Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima.

3.     Vào những lúc ấy nhân loại đang phải trải qua những thời buổi lo âu sợ hãi và bất ổn. Hai mươi năm sau, thế giới vẫn bị tan nát bởi hận thù, bạo lực, khủng bố và chiến tranh. Trong số biết bao nhiêu là nạn nhân được tin tức cho biết hằng ngày, có rất nhiều người vô tội bị sát hại trong khi họ thi hành công việc của họ. Hôm nay là ngày tưởng nhớ và nguyện cầu cho ‘các vị thừa sai tử đạo’, chúng ta cũng cần phải tưởng nhớ đến các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân đã chết ở miền truyền giáo trong năm 2003. Quá nhiều máu tiếp tục đổ ra ở nhiều phần đất khắp thế giới. Con người vẫn cần phải mở lòng mình ra để can đảm thực hiện việc cố gắng hiểu biết nhau. Việc trông mong công lý và hòa bình càng ngày càng lâu dài hơn ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta làm sao có thể đáp ứng nỗi khát khao niềm hy vọng và yêu thương này nếu không phải với Chúa Kitô qua Mẹ Maria? Tôi xin lập lại hôm nay đây lời cầu khẩn Tôi đã dâng lên Mẹ bấy giờ. ‘Lạy Mẹ Chúa Kitô, chớ gì quyền năng cứu độ vô biên của Ơn Cứu Chuộc, một quyền năng của tình yêu thần linh, một lần nữa tỏ mình ra trong lịch sử của thế giới! Chớ gì quyền lực này ngăn chặn sự dữ! Chớ gì quyền lực ấy biến đổi lương tâm của chúng con! Chớ gì ánh sáng hy vọng nơi Trái Tim Vô Nhiễm Tội Mẹ chiếu tỏ cho tất cả chúng con!’”

Biệt chú:

Tuy ở đây ĐTC không nói đặc biệt đến việc hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, nhưng Ngài đã xác nhận là Ngài có ý làm điều ấy “để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”, tức đáp ứng việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là lý do trong lời hiến dâng của mình bấy giờ , Đức Thánh Cha đã nói một cách khôn khéo như sau:

“Chúng con chạy đến với sự chở che của Mẹ, (ôi) Thiên Chúa Thánh Mẫu'. Khi thốt lên những lời ca nguyện mà Giáo Hội Chúa Kitô đã nguyện cầu qua bao nhiêu thế kỷ này, chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay!

“Ôi Mẹ của mọi người và mọi dân tộc, Mẹ biết rõ tất cả khổ đau và hy vọng của họ, với ý thức làm mẹ, Mẹ biết tất cả những giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang hành hạ thế giới tân tiến hôm nay, xin nhận lời kêu than mà chúng con được Thánh Linh khơi động trực tiếp dâng lên Trái Tim Mẹ. Với tình yêu của một Từ Mẫu và Tôi Tớ, xin hãy ôm lấy thế giới nhân loại của chúng con mà chúng con phú thác và hiến dâng cho Mẹ, vì chúng con đầy âu lo cho vận mệnh hiện tại và đời đời của mọi người và mọi dân tộc.

“Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

Xin xem tiến trình của việc Giáo Hội đáp ứng lời yêu cầu của Mẹ Maria ở Fatima tại www.tnfatima.org/thoidiemmaria/Trai Tim Me Toan Thang/chuong3.htm và kết quả lịch sử của việc hiến dâng tối khẩn thiết này tại www.tnfatima.org/thoidiemmaria/Trai Tim Me Toan Thang/chuong4.htm


Đứng lên, Chúng Ta Hãy Ði Nào: Tác Phẩm mới nhất của ĐTC GPII

Nhân dịp mừng sinh nhật 84 tuổi của ĐTC GPII, 18/5/2004, Nhà Xuất Bản Mondadori đã loan báo trong cuộc họp báo ở Rôma hôm Thứ Tư 24/3/2004 rằng họ hy vọng sẽ phát hành tác phẩm này vào thời điểm ấy bằng cả tiếng Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.

Nhan đề của tác phẩm được lấy từ câu Phúc Âm của Thánh Marcô ở đoạn 14 câu 42, lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan trong Vườn Cây Dầu trước khi bị bắt. Cuốn sách dầy 200 trang, với 40-50 chương ngắn. Vị tác giả Giáo Hoàng đã viết bằng tay một phần cuốn sách này và đọc phần còn lại, thuật lại 20 năm làm giám mục của mình, từ khi được thụ phong vào năm 1958 tới khi được bầu làm giáo hoàng năm 1978. Bởi thế vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh mới nói trong buổi họp báo rằng ề tác phẩm là một tổng hợp các thứ hồi niệm và suy niệm về các biến cố của thời đoạn ấy.

Vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh cũng xác nhận là Ngài đã viết cuốn sách này vào khoảng giữa Tháng 3 và Tháng 8/2003. Nghĩa là Ngài bắt đầu viết từ Tháng 3/2003, nhất là vào thời gian nghỉ hè của Ngài từ Tháng 7/2003. Sở dĩ việc phát hành bị đình trệ cho tới cả hơn 1 năm sau là vì Ngài có ít giờ để kiểm lại, hoàn chỉnh cùng thêm thắt, chưa kể đến những đòi hỏi của tiến trình in ấn và phát hành.

Sau khi phát hành tác phẩm Tặng Ân và Mầu Nhiệm để kỷ niệm 50 năm linh mục của mình, vị giám đốc văn phòng báo chí tòa thánh tiết lộ thêm, ĐTC đã đón nhận những lời đề nghị viết một cuốn sách khác về việc mục vụ làm giám mục của Ngài.

Vị đại diện của Nhà Xuất Bản Mondadori, đặc trách việc in ấn tác phẩm này bằng Ý ngữ, nhắc lại sự thành công rực rỡ của cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng  của Ngài, với tổng số bán được là 20 triệu cuốn.



Hôn nhân đồng tính từ thị sảnh đến giáo đường

Vấn đề đồng tính luyến ái về dân sự tưởng là được tạm yên ở thành phố New Paltz tiểu bang Nữu Ước sau khi vị luật sư biện lý của tiểu bang gửi thư cảnh giác các viên chức hữu trách của thành phố này về vụ cấp giấy hôn thú đầu tiên cho cặp đồng tính, khiến cho tòa thị sảnh của thành phố này đành phải ngừng tay để chờ nộp đơn xin tòa cứu xét về việc chính đáng họ làm liên quan đến quyền bình đẳng của con người. Nếu dân sự không xong thì nhào sang quyền tự do tôn giáo vậy.
 

Thật thế, hôm Thứ Bảy 20/3/2004, cũng tại thành phố này, đã có 6 vị mục sư thuộc giáo phái Tin Lành Unitarian Universalist Church, bất chấp những lời hăm dọa của vị luật sư biện lý của tiểu bang qua bức thư gửi cho tòa thị sảnh, đã cử hành lễ nghi hôn phối cho 25 cặp đồng tính.

Mục sư Kay Greenleaf và Dawn Sangrey, vào ngày Thứ Hai 22/3/2004, sẽ bị buộc tội nhẹ về việc cử hành những cuộc hôn phối đồng tính không có giấy hôn thú dân sự.

Mặc dù các vị mục sư thuộc giáo phái này đã cử hành hôn phối cho các cặp đồng tính khắp nước Mỹ nhiều năm qua, nhưng hai vị mục sư này đã đi ra ngoài lề lối này khi họ cho rằng các cuộc cử hành này là những cuộc cử hành về dân sự và hợp pháp. Theo luật sư của hai ông là Robert Gottlieb thì hai ông sẵn sàng ra tòa và sẽ tuyên bố mình không có tội trước tòa. Hai ông sẽ phải chịu cùng một tội như ông thị trưởng Jason West, người đã cử hành hôn thú cho 25 cặp đồng nam tính và đồng nữ tính hôm 27/2/2004 vừa rồi.

 

 

Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần

“Redemptor Hominis”
Tiếp

(Nhân tháng kỷ niệm 25 năm ban hành bức Thông Ðiệp đầu tiên rất quan trọng của ÐTC GPII, thoidiemmaria sẽ phổ biến tổng quan về bức thông điệp này, từ hôm kia tới hết Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2004)

 

Phân Tích (tiếp)

4-       Giáo Hội đối với "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong thế giới tân tiến ngày nay như thế nào?           

            Ở trong một thế giới tân tiến ngày nay đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra, một thế giới tân tiến đang phàt triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức, một thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra, Giáo Hội cảm thấy mình:

            - Gắn bó với con người trong mầu nhiệm Cứu Chuộc,

            - Quan tâm đến ơn gọi trong Chúa Kitô của con người, và

            - Có trách nhiệm đối với sự thật. 

Giáo Hội gắn bó với con người trong Mầu Nhiệm Cứu Chuộc

            "Cái nhìn quan thiết ngắn gọn về tình trạng con người trong thế giới tân tiến này (như vừa được nhắc đến ở phần câu hỏi thứ 3 trên đây) hướng tư tưởng và tấm lòng của chúng ta về Chúa Giêsu Kitô, cũng như về mầu nhiệm Cứu Chuộc, một mầu nhiệm in ấn sắc nét chân lý và tình yêu cho vấn đề của con người. Nếu Chúa Kitô 'hiệp nhất với mỗi một người' (Gaudium et Spes, đoạn 22), thì Giáo Hội càng sống động sâu xa hơn bản tính và sứ mệnh của mình, bằng việc thấm nhập vào những chiều sâu của mầu nhiệm này, cũng như vào một thứ ngôn ngữ phổ quát phong phú của mình. Không phải là vô lý để thánh Tông Đồ nói về Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội (x.1Cor.6:15,11:3,12:12-13;Eph 1:22-23,2:15-16,4:4-6,5:30; Col.1:18,3:15; Rm.12:4-5; Gal.3:28). Nếu Nhiệm Thể của Chúa Kitô này là Dân của Thiên Chúa - như Công Đồng Chung Vaticanô II sau này nói đến trên căn bản của toàn thể truyền thống thánh kinh cũng như thánh truyền - thì có nghĩa là nơi nhiệm thể này, mỗi một người nhận được bên trong mình hơi thở sự sống từ Chúa Kitô. Như thế, trở lại với con người và những vấn đề thực sự của họ, với những hy vọng và khổ đau của họ, với những thành đạt và vong bại của họ, thì cả điều này nữa cũng làm cho Giáo Hội, là một thân thể (a body), một tổ chức (an organism), một đơn vị xã hội (social unit), nhận thấy mình có cùng một ảnh hưởng thiêng liêng, ánh sáng và sức mạnh của Thần Linh phát xuất từ Chúa Kitô tử giá và phục sinh, và cũng chính vì lý do này mà Giáo Hội sống sự sống của mình. Giáo Hội chỉ có một sự sống: đó là sự sống được Vị Hôn Phu và Chúa của mình ban cho. Thật thế, chính vì Chúa Kitô hiệp nhất Mình với Giáo Hội trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, mà Giáo Hội phải vững mạnh hiệp nhất với mỗi một con người" (đoạn 18)

Giáo Hội quan tâm đến ơn gọi trong Chúa Kitô của con người

            "Cuộc hiệp nhất này của Chúa Kitô với con người tự nó là một mầu nhiệm. Từ mầu nhiệm này sinh ra "một con người mới", được kêu gọi để tham phần vào sự sống của Thiên Chúa (x.2Pt 1:4), được tân tạo trong Chúa Kitô cho mình đầy ân sủng và chân lý (x.Eph 2:10; Jn 1:14,16). Cuộc hiệp nhất của Chúa Kitô với con người là một quyền năng và là nguồn mạch của quyền năng, như Thánh Gioan đã nói rất gọn sáng trong phần nhập đề Phúc Âm của mình: '(Lời) đã ban quyền năng để trở nên con cái Thiên Chúa' (1:12). Con người được biến đổi nội tại bởi quyền năng này, một quyền năng như nguồn mạch của một sự sống mới không biến mất và qua đi song tồn tại đến sự sống muôn đời (Jn 4:14). Sự sống này là hoàn kết (the final fulfillment) cho ơn gọi của con người, một sự sống được Chúa Cha hứa ban và hiến cho mỗi một con người nơi Chúa Giêsu Kitô, Người Con hằng sống duy nhất của Ngài đã nhập thể và sinh bởi Trinh Nữ Maria 'khi thời gian nên trọn' (Gal 4:4). Bằng một đường lối nào đó, nó là cuộc hoàn trọn của 'định mệnh' mà Thiên Chúa  từ đời đời đã sửa soạn cho con người. 'Định mệnh thần linh' (the divine destiny) này đang tiến triển, bất chấp tất cả mọi khôn thấu (the enigmas), mọi nan giải (the unsolved riddles), mọi quanh co và rẽ lượn (the twists and turns) của 'định mệnh con người' (human destiny) trong thế giới thời gian. Thật thế, cho dù sự sống trong thời gian có phong phú đến đâu đi nữa, tất cả định mệnh này cũng không thể nào tránh được việc cần phải tiến đến ranh giới của sự chết cũng như đến mục tiêu hủy hoại của thân xác con người, mà vượt khỏi mục tiêu ấy chúng ta mới thấy được Chúa Kitô. 'Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta... sẽ không bao giờ phải chết' (Jn 11:25-26). Trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đanh và được đặt nằm trong mồ để rồi phục sinh, 'hy vọng phục sinh của chúng ta được tỏ rạng... một hứa hẹn sáng sủa cho cuộc bất tử' (lễ cầu cho kẻ chết, kinh tiền tụng I), bằng một đường lối là, nhờ việc thân xác chết đi, con người có thể chia sẻ với toàn thể tạo vật hữu hình cái nhu yếu mà vật chất bị lụy thuộc. Chúng ta có ý định và đang cố gắng thấu triệt cho càng sâu xa hơn ngôn ngữ của sự thật mà Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại đã chiếu sáng lên trong câu 'Chính thần linh ban sự sống, chứ xác thịt chẳng lợi lộc gì' (Jn 6:63). Bất chấp tất cả những dấu hiệu bề ngoài, những lời này diễn tả một xác nhận cao cả nhất về con người - một xác nhận về thân xác được Thần Linh ban cho sự sống.

            "Giáo Hội sống những thực tại này; Giáo Hội sống nhờ sự thật về con người này, một sự thật làm cho họ vượt ra ngoài những ranh giới của tình trạng tạm bợ (temporariness), đồng thời, cũng giúp cho họ nghĩ về tất cả mọi sự được đặc biệt yêu mến và quyến luyến trong những chiều kích của tình trạng tạm bợ này, một tình trạng ảnh hưởng đến đời sống của con người cũng như đến sự sống tâm linh con người, một sự sống được tỏ ra không thôi khắc khoải theo những lời của Thánh Augustinô: 'Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, nên lòng của chúng con khắc khoải cho đến khi đuợc nghỉ yên trong Chúa' (Tự Thú, I,1). Trong nỗi khắc khoải tự nhiên này, một nỗi khắc khoải làm rung động và thổn thức lên cái sâu xa nhất nơi con người: đó là việc tìm kiếm chân lý, là nhu cầu khôn nguôi đối với sự thiện, là niềm đói khát tự do, là nỗi hoài mong (nostalgia) sự mỹ, và là tiếng nói của lương tâm. Tìm kiếm con người đúng như họ là với 'con mắt cùa chính Chúa Kitô', Giáo Hội càng ngày càng nhận thức được rằng Giáo Hội là bảo quản viên (the guardian) của một kho tàng cao trọng mà Giáo Hội chẳng những không được làm cho nó thất thoát đi mà còn phải làm cho nó liên tục tăng phát lên nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu phán: 'Ai không thu tích với Ta là kẻ phá tán' (Mt.12:30). Kho tàng nhân loại này được làm giầu bởi một mầu nhiệm khôn tả của việc làm con cái thần linh (x.Jn.1:12), cũng như bởi ơn được 'thừa nhận làm con cái' (Gal.4:5) nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, nhờ Người Con này chúng ta kêu Thiên Chúa 'Abba, Cha ơi' (Gal 4:6; Rm.8:15), cũng là một động lực mạnh mẽ, trước hết, làm cho Giáo Hội tập trung lại và mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội. Nhờ động lực này, Giáo Hội hiệp nhất với Thần Linh của Chúa Kitô, đó là Thánh Linh được Đấng Cứu Chuộc hứa ban và tiếp tục thông ban, và cuộc hiện xuống của Ngài, như được tỏ ra trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, kéo dài cho đến muôn đời. Những quyền năng của Thần Linh (Rm.15:13;1Cor.1:24), những tặng ân của Thần Linh (Ls.11:2-3;Acts 2:38) và những hoa trái của Thánh Linh (Gal 5:22-23) được mạc khải nơi con người là như thế. Giáo Hội ngày hôm nay đây, với một nhiệt tình mạnh mẽ hơn và với một chú tâm thánh hảo, như đang lập lại rằng: 'Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Linh!' Hãy đến! Hãy đến! 'Hãy chữa lành những vết thương đau của chúng con, hãy tái tạo sức mạnh cho chúng con; Xin hãy đổ sương sa của Ngài xuống trên cơn khô khan của chúng con; Xin Ngài hãy tẩy rửa hết những dấu vết lầm lỗi của chúng con; Xin Ngài hãy uốn lòng ý của chúng con cho khỏi bị cứng cỏi; Xin Ngài hãy làm tan đi nỗi đông lạnh và làm ấm lại niềm lạnh lẽo; Xin Ngài hãy dẫn dắt những bước đi cho khỏi sai đường lạc lối' (ca tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

            "Lời kêu cầu Thần Linh này, với chủ ý thực sự là xin cho được Thần Linh, là câu trả lời đối với tất cả mọi 'chủ trương duy vật' (materialisms) của thời buổi chúng ta. Những chủ trương duy vật này chính là cái đã sinh ra rất nhiều hình thức không thể nào làm con tim nhân loại được thỏa mãn. Lời kêu cầu này đang vang vọng nơi nhiều lãnh vực khác nhau, và như đang sinh hoa trái bằng nhiều cách thức khác nhau..." (đoạn 18). 

Giáo Hội có trách nhiệm đối với sự thật

            "Trong ánh sáng giáo huấn linh thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II, trước mắt chúng ta, Giáo Hội hiện lên như là một chủ thể xã hội có trọng trách đối với sự thật thần linh. Với một lòng xúc động sâu xa khi chúng ta nghe thấy Chính Chúa Kitô nói: 'Lời các con nghe không phải của Thày mà là của Đấng đã sai Thày' (Jn.14:24). Trong lời xác nhận này của vị Thày chúng ta, chúng ta chẳng lẽ lại không nhận thấy hay sao, trách nhiệm của mình đối với sự thật được mạc khải, một sự thật là 'tài sản' của Chính Thiên Chúa, vì ngay cả 'Người Con duy nhất' là Đấng sống 'trong lòng Cha' (Jn.1:18), khi truyền đạt sự thật này như là một vị tiên tri và là một vị thày, Người cũng cảm thấy cần phải nhấn mạnh rằng Người đang tác hành hoàn toàn trung thực với nguồn mạch thần linh? Lòng trung thực như vậy phải là cái tạo nên phẩm chất đức tin của Giáo Hội, cả khi Giáo Hội truyền dạy đức tin cũng như lúc Giáo Hội tuyên xưng đức tin. Đức tin như là một nhân đức siêu nhiên đặc biệt được phú bẩm vào tâm linh con người, làm cho chúng ta trở nên những kẻ thông phần vào kiến thức của Thiên Chúa, như là một đáp ứng lại Lời mạc khải của Ngài. Bởi thế, khi Giáo Hội tuyên xưng và truyền dạy đức tin, Giáo Hội cần phải chặt chẽ gắn liền với sự thật thần linh (x. hiến chế Mạc Khải Thần Linh, đoạn 5,10,21), và phải chuyển đạt nó thành những thái độ sống động của 'một đức tuân phục hợp với lý trí' (hiến chế tín lý của Công Đồng Chung Vaticanô I về Đức Tin Công Giáo, Dei Filius, chương 3). Chính Chúa Kitô, vì quan tâm đến việc trung thực với sự thật thần linh này, đã hứa cho Giáo Hội được trợ giúp đặc biệt của Thần Linh chân lý, đã ban ơn vô ngộ (Hiến chế tín lý thứ nhất của Công Đồng Chung Vaticanô I, Pastor Asternus) cho những vị Người ủy thác việc phải truyền đạt và giảng dạy sự thật này (x.Mt.28:19) - như Công Đồng Chung Vaticanô II cũng đã xác nhận rõ ràng (x.Lumen Gentium, đoạn 17-28) - hơn thế nữa, Người còn ban cho cả Dân của Thiên Chúa một cảm nhận đặc biệt về đức tin (x.Lumen Gentium, đoạn 12,35)...

            "... Bởi thế, không ai có thể làm cho thần học trở thành như một tổng hợp giản dị của những tư tưởng cá nhân mình, trái lại, mọi người phải biết gắn bó với sứ mệnh truyền dạy sự thật mà Giáo Hội chịu trách nhiệm.

            "Việc chia sẻ với sứ vụ tiên tri của Chính Chúa Kitô làm nên sự sống của toàn Giáo Hội theo chiều kích sâu xa nhất của nó. Việc chia sẻ riêng biệt với sứ vụ tiên tri này thuộc về các vị chủ chiên trong Giáo Hội, những vị giảng dạy và tiếp tục, bằng những cách thức khác nhau, công bố và truyền đạt giáo điều liên quan đến đức tin và luân lý Kitô giáo...

            "... Giáo Hội hôm nay đây, được hướng dẫn bằng một cảm nhận về trách nhiệm đối với sự thật, phải kiên trì sống trung thực với bản tính của mình, một bản tính bao gồm sứ vụ tiên tri phát xuất từ Chính Chúa Kitô: 'Như Cha đã sai Thày thế nào, Thày cũng sai các con như vậy... Hãy nhận lấy Thánh Linh' (Jn.20:21-22)".

 

5)  "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến:

 

Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người.

            "Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc thế giới, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nên không có một danh hiệu nào khác ở dưới gầm trời này có thể cứu được chúng ta (x.Acts 4:12). Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi cho các tín hữu Êphêsô: 'Nơi Đức Kitô, chúng ta nhờ máu của Người mà được ơn cứu chuộc, được ơn tha thứ những lỗi phạm của mình, theo ân sủng dồi dào Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta. Vì Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta, bằng tất cả khôn ngoan và sáng suốt... mục đích của Ngài đã phác họa nơi Chúa Kitô một dự án cho thời điểm viên trọn, mục đích đó là hiệp nhất tất cả trong Người, những sự trên trời cùng những sự dưới đất' (1:7-10). Vì thế, Chúa Kitô, Ngôi Con là một với Chúa Cha, là Đấng mạc khải dự án của Thiên Chúa cho tất cả mọi tạo vật, đặc biệt là cho con người. Theo một câu đáng nhớ của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Chúa Kitô 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của họ' (hiến chế Gaudium et Spes, đoạn 22). Người tỏ cho chúng ta ơn gọi này bằng việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha".

(Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 4).

Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là 'Alpha và Omega' (Rev.1:8;21:6), là 'nguyên thủy và là cùng đích' (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ.

            "Việc 'trở nên một người trong chúng ta' (hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng, đoạn 22) nơi phần của Con Thiên Chúa đã xẩy ra hết sức khiêm hèn, nên không lạ gì các sử gia đời, chỉ chú trọng vào những biến cố náo động và những nhân vật danh tiếng, đã lấy Người, cho dù có quan trọng, cũng chỉ là những viện dẫn (references) mà thôi. Những viện dẫn về Chúa Kitô được tìm thấy trong 'Các Truyện Cổ Về Dân Do Thái', một tác phẩm do sử gia Flavius Josephus tổng hợp ở Rôma vào giữa những năm 93 và 94, và nhất là trong 'Annals' của Tacitus, được viết vào giữa những năm 115 và 120, một tài liệu mà khi tường thuật lại vụ thành Rôma bị cháy năm 64, Nêrô đã tưởng lầm là do những người Kitô giáo làm, nhà viết sử đã tỏ tường dẫn chứng về Chúa Kitô 'bị hành xử theo lệnh của quan tổng trấn Phongxiô Philatô trong triều đại Tibêriô'. Cả Suetonius nữa, trong cuốn truyện viết quãng năm 121 về đời của hoàng đế Claudiô, cho chúng ta biết rằng, những người Do Thái bị đuổi khỏi thành Rôma vì 'họ thường gây nên những cuộc phiến loạn theo xúi giục của một số Chrestus' (Vita Claudii 25:4). Đoạn văn này thường được cắt nghĩa như ám chỉ về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên căn nguyên tranh cãi trong những cộng đồng Do Thái ở Rôma. Việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo cũng là một chứng cớ quan trọng, như đã được Tiểu Pliny, vị tổng trấn ở Bithynia, tường trình cho hoàng đế Trajan, vào giữa những năm 111 và 113, về tình hình có một số đông dân chúng thường hay tụ họp nhau 'vào một ngày ấn định, trước hừng đông, để luân phiên hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô như là một vị Thiên Chúa' (Epist.10:96).

            Thế nhưng, biến cố vĩ đại mà những sử gia ngoài Kitô giáo chỉ đề cập đến qua loa ấy lại có một tầm vóc hết sức quan trọng nơi những bản văn của Tân Ước. Những bản văn này, cho dù có là những văn kiện về đức tin đi nữa, nếu chúng ta để ý đến mối iên hệ toàn diện của chúng, thì chúng cũng là những chứng cớ lịch sử không phải không đáng tin. Đức Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, Chúa của vũ trụ, cũng là Chúa của lịch sử, một lịch sử mà Người là 'Alpha và Omega' (Rev.1:8;21:6), là 'nguyên thủy và là cùng đích' (Rev.21:6). Nơi Người, Chúa Cha đã nói lên một lời thực sự về con người và về lịch sử của họ. Lời này được diễn tả một cách tóm gọn và hùng hồn qua Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái: 'Bằng nhiều thể nhiều cách, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhờ các tiên tri; thế nhưng, trong những ngày sau hết này, Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con' (Heb.1:1-2)"

(Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 4) 

Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự đuợc tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa.

            "Chúa Giêsu được sinh ra từ dân tuyển chọn để hoàn tất lời hứa mà Abraham đã lãnh nhận và các tiên tri liên tục nhắc nhớ. Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa và thay cho Ngài mà nói. Thật vậy, công cuộc của Cựu Ước được sắp xếp chính là để sửa soạn và loan truyền cho việc Đức Kitô đến, Đấng cứu chuộc hoàn vũ, cũng như cho vương quốc mà Người thiết lập. Bởi thế, những cuốn sách của Cựu Ưùớc mãi mãi là một chứng cớ cho một giáo thuyết thần linh xác thực (x. hiến chế Mạc Khải  đoạn 15). Giáo thuyết này đã đạt mục tiêu của nó nơi Đức Kitô: đúng thếø Chúa Giêsu không chỉ 'nhân danh Chúa' mà nói như các vị tiên tri, mà Người chính là Thiên Chúa nói bằng Lời hằng sống nhập thể của mình. Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài. Đó là điều đã được công bố trong Phần Nhập Đề của Phúc Âm thánh Gioan: "Chưa có ai đã từng thấy được Thiên Chúa; Người Con duy nhất, Đấng ở trong lòng Cha, Người đã tỏ Cha ra" (Jn.1:18). Như thế, Lời nhập thể làm thỏa nguyện ước vọng nơi tất cả các đạo giáo của nhân loại. Chính Thiên Chúa đã làm cho con người được thỏa nguyện, ngoài mọi ước mong của con người. Đó là một mầu nhiệm của ân sủng.

            "Nơi Chúa Kitô, tôn giáo không còn là một 'cuộc kiếm tìm Thiên Chúa một cách mù quáng' (Acts 17:27) nữa, mà là một đáp ứng của đức tin vào Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Nó là một đáp ứng mà con người nói với Thiên Chúa như với Hóa Công, với một Người Cha, một đáp ứng đã thành hiện thực nhờ một con người cũng chính là Ngôi Lời, mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói với từng người, và nhờ Người mỗi người có thể đáp lại Thiên Chúa. Còn nữa, cũng ở nơi con người này mà mọi tạo vật đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là một khởi sự mới cho tất cả mọi sự. Nơi Người, tất cả mọi sự có; chúng được thăng hóa rồi được trả về cho Hóa Công là Đấng dựng nên chúng. Như thế, Đức Kitô là mãn nguyện của ước vọng cho mọi tôn giáo trên thế giới, nên Người làø tầm mức viên trọn đích thực duy nhất của họ. Thiên Chúa nói thẳng với con người nơi Đức Kitô thế nào, tất cả loài người và toàn thể tạo vật cũng tự mình nói với Thiên Chúa trong Đức Kitô như vậy, thực sự đó là việc tự hiến mình cho Thiên Chúa. Mọi vật trở về với cội nguồn của mình là vậy. Chúa Giêsu Kitô làm cho mọi sự đuợc tái tạo (x.Eph.1:10), đồng thời làm hoàn tất mọi sự trong Thiên Chúa: một hoàn tất làm vinh danh Thiên Chúa. Tôn giáo có nền tảng nơi Đức Kitô là một tôn giáo vinh quang; nó là một tầm vóc mới mẻ của sự sống để chúc tụng vinh quang Thiên Chúa (x.Eph.1:12). Tất cả mọi tạo vật thực sự là một biểu hiện của vinh quang Người. Đặc biệt con người (vivens homo) là sự hiển linh của vinh quang Thiên Chúa, một loài được kêu gọi để sống bằng sự sống viên trọn trong Thiên Chúa"

(Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, đoạn 6).