GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 5/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: Xin cho con người biết nhìn nhận gia đình được xây dựng trên đời sống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tế bào căn bản của xã hội loài người”.

Ý Truyền Giáo: Xin cho dân Kitô giáo, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Ðức Mẹ, biết coi Thánh Thể như là con tim và là hồn sống của hoạt động truyền giáo”.  

__________________

 NGÀY 1 THỨ BẢY

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Augustinô Schoeffler Ðông

Gioan Louis Bonnard Hương

 

 

Thiếu Nhi Fatima – Lực Lượng Cứu Độ
 

Thiếu Nhi Phanxicô: “đền tạ những xúc phạm”
 


Nếu Lucia thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “chấp nhận mọi đau khổ” thế nào, thì Phanxicô cũng thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “đền tạ những xúc phạm” như vậy. Theo Hồi Niệm Thứ Bốn của mình, chị Lucia đã cho chúng ta thấy hình ảnh một Phanxicô ngày xưa, ngày trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, thích ngồi ở một tảng đá trên đồi cao để thổi sáo, nhưng sau đó đã bỏ thói quen và sở thích lành mạnh của mình này, thậm chí bỏ cả những giây phút chơi đùa vui vẻ hữu ích với chị Lucia và em Giaxinta của mình để tìm chỗ cầu nguyện an ủi Đấng được em gọi là “Chúa Giêsu ẩn thân” của em. Sở dĩ em tự nhiên xu hướng về việc đền tạ và chú ý đến việc đền tạ nhất, đền tạ cả Chúa Giêsu Thánh Thể lẫn Mẹ của Người, là vì em bị cảm kích trước hình ảnh của gương mặt thảm sầu của Mẹ Maria khi Mẹ nói lời kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cũng là lời làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.

Thật ra, theo lời Đức Mẹ nói, việc hiến mình hy sinh chịu mọi đau khổ của 3 Thiếu Nhi Fatima có hai mục đích rõ ràng, đó là, thứ nhất, để đền tạ Thiên Chúa bị tội lỗi xúc phạm, và, thứ hai, để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Thế nhưng, đối với Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chú trọng đến Thiên Chúa hơn các tội nhân, thì mục đích thứ nhất vẫn quan trọng và khẩn thiết hơn. Hồi Ký Lucia 4 thuật lại điều này như sau:

“Ngày kia, con hỏi em: 'Phanxicô, điều nào em thích hơn, an ủi Chúa chúng ta hay cải hối các tội nhân để không một linh hồn nào phải xuống hoả ngục nữa?'. 'Em thích an ủi Chúa chúng ta hơn. Chị không để ý đến tháng vừa rồi Đức Mẹ của chúng ta buồn lắm sao, khi Người nói rằng người ta không được xúc phạm đến Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều rồi? Em thích an ủi Chúa chúng ta rồi mới cải hối các tội nhân để họ đừng xúc phạm đến Ngài nữa.

“Có một lần, con và Giaxinta vào phòng của em, em nói với chúng con: 'Hôm nay đừng nói nhiều nghe vì em nhức đầu lắm đó. Giaxinta nhắc anh: 'Nhưng đừng quên dâng cầu cho tội nhân nghe'. 'Ừ. Nhưng anh phải dâng để an ủi Chúa chúng ta và Đức Mẹ của chúng ta trước đã, rồi sau đó mới dâng cho các tội nhân và Đức Thánh Cha'”.

Đền tạ, đối với Phanxicô, cũng như với Giaxinta và Lucia, trước hết ở tại việc hy sinh chịu mọi đau khổ Chúa gửi đến cho. Chị Lucia đã đề cập đến điều này như sau:

“Một ngày kia, khi con tỏ cho em biết rằng con bất hạnh là chừng nào khi bị những tấn công đầu tiên bắt nguồn từ cả trong gia đình lẫn bên ngoài, Phanxicô đã phấn khích con bằng những lời này: 'Không sao đâu! Đức Mẹ đã chẳng nói là chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ đó sao, để đền tạ Chúa của chúng ta và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người, vì tất cả những tội lỗi mà các Ngài phải chịu? các Ngài buồn quá đi! Nếu chúng ta ủi an các Ngài bằng những chịu đựng này thì chúng ta sung sướng biết bao!'”

Riêng trường hợp của em, em đã chịu khổ để đền tạ như được chị Lucia thuật lại như sau:

“Trong khi bị bệnh, em lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và bằng lòng. Có những lần con hỏi em rằng:

- Phanxicô ơi em có đau lắm không?

- Đau lắm chị, nhưng không sao! Em đang chịu khổ để an ủi Chúa, để rồi sau đó, một thời gian ngắn nữa thôi, em sẽ về trời mà!

- Khi em lên đó rồi, đừng quên xin Đức Mẹ đem chị lên trên ấy sớm nhé.

- Em không xin điều đó đâu! Chị quá rõ là Người chưa muốn chị ở đó mà.

Trước khi em chết 1 ngày, em nói với con rằng:

- Chị coi! Em bệnh quá sức; giờ đây không còn lâu nữa em sẽ về trời.

- Vậy thì em hãy nghe đây. Khi em lên đó rồi, đừng quên cầu nguyện thật nhiều cho các tội nhân nhé, cho Đức Thánh Cha, cho chị và cho Giaxinta nữa.

- Vâng, em sẽ cầu nguyện. Thế nhưng, tốt hơn chị hãy xin Giaxinta cầu nguyện cho những điều này, vì em sợ rằng em sẽ quên mất khi em được thấy Chúa. Vào lúc ấy em chỉ muốn an ủi Chúa mà thôi”.

Ohải, đền tạ, đối với Phanxicô, không những là hy sinh chịu khổ vì Chúa, còn chính là an ủi, là thông cảm với Chúa, Đấng đã bị xúc phạm và tỏ ra buồn sầu. Phanxicô đã an ủi và thông cảm với Chúa là Đấng Quá Sầu Buồn ở chỗ thích sống gần gũi với Chúa. Đối với em, gần gũi, kề cận với Chúa Giêsu cũng là một việc cần thiết để an ủi Chúa. Do đó, hễ có dịp là Phanxicô tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà em gọi là Chúa Giêsu Ẩn Thân. Chị Lucia kể lại rằng:

“Ngày kia, em ra khỏi nhà gặp con… Con bắt đầu đi đến trường, và trên đường đi, con đã nói với các người em họ của con về tất cả những điều này (cầu nguyện cho một người mẹ có đứa con trai bị tố cáo phạm tội có thể bị tù đầy, như bà này đã nhờ chị Têrêsa là chị ruột của Lucia xin Lucia cầu với Đức Mẹ cứu con của bà). Khi chúng con tới Fatima, Phanxicô nói với con rằng:

- Chị ơi! Trong khi chị đi đến trường, em sẽ ở lại với Chúa Giêsu Ẩn Thân, và em sẽ xin Người ban ơn ấy cho.

Tan học, con đến gọi em mà hỏi:

- Em có cầu xin Chúa ban cho ơn ấy không vậy?

- Có, em có cầu nguyện. Xin chị nói với chị Têrêsa rằng anh ấy sẽ được về nhà mấy ngày nữa.

Thật thế, mấy ngày sau, người con trai đáng thương về đến nhà. Vào ngày 13, anh ta và cả nhà đến tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.

Một lần khác, con nhận thấy là, sau khi chúng con đã rời nhà, Phanxicô bước đi rất chậm. Con hỏi em:

- Làm sao vậy. Em hầu như không thể bước đi nổi nữa rồi!

- Em bị nhức đầu quá đi, em cảm thấy sắp ngã đến nơi rồi nè.
- Vậy thì đừng đi nữa. Em hãy ở nhà đi!

- Em không muốn đâu. Em thích ở trong nhà thờ với Chúa Giêsu Ẩn Thân trong khi chị đi học”.

Đối với Phanxicô, đền tạ chẳng những ở tại việc hy sinh vì Chúa, gần gũi với Chúa, mà còn tránh làm bất cứ điều gì làm mất lòng Chúa nữa. Chị Lucia thuật lại như sau: “Khi thấy con bối rối và ngờ vực, em khóc và nói: 'Nhưng làm sao mà chị lại có thể cho rằng đó là việc của ma qủi? Chị không thấy là Đức Mẹ và Thiên Chúa ở trong ánh sáng cao vời đó sao? Không có chị làm sao chúng em tới đó được, vì chị là người đối đáp mà'. Đêm đó, sau khi dùng cơm tối, em đến nhà con, gọi con ra hiên nhà mà nói: 'Này! Mai chị không đi thật à?' 'Chị không đi thật mà. Chị đã bảo với các em là chị sẽ không trở lại đó nữa thây'. 'Thế thì xấu hổ thật! Tại sao bây giờ chị lại có thể nghĩ như vậy được? Chị không thấy rằng việc đó không thể nào là việc của ma qủi ư? Thiên Chúa đã buồn sầu vì bao tội lỗi đủ rồi, bây giờ chị không đi, Người lại còn buồn hơn nữa! Thôi, chị nói đi đi!'”

Riêng trường hợp của em, vì chuyên tâm an ủi Chúa, nên em cũng rất sợ làm điều mất lòng Người, như chị Lucia thuật lại như sau:

“Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, chị Têrêsa của em đến tìm con.

- Chị hãy mau đến nhà của chúng em! Phanxicô nguy lắm rồi nên em muốn nói với chị điều gì đó.

Con vội vàng mặc quần áo đi ngay. Em xin mẹ em cũng như anh chị em hãy đi ra ngoài, vì em muốn xin con một điều bí mật. Họ đi ra rồi, em nói với con thế này:

- Em sẽ xưng tội để có thể rước Lễ rồi chết. Em xin chị nói cho em biết là chị có thấy em phạm bất cứ một tội nào chăng, rồi chị cũng đi hỏi cả Giaxinta cho em nữa xem nó có thầy em phạm lỗi gì không nhé.

Con trả lời em:

- Em đã không vâng lời mẹ em một ít lần khi bà bảo em ở nhà nhưng em đã bỏ nhà đi với chị hay bỏ đi trốn.

- Đúng thế. Em có nhớ đến nó. Vậy chị đi hỏi Giaxinta xem nó có nhớ điều gì khác nữa không.

Con ra đi, và Giaxinta, sau khi suy nghĩ một chút đã trả lời rằng:


- Xin chị nói với anh ấy rằng, trước khi Đức Mẹ hiện ra với chúng ta, anh ấy đã ăn cắp một xu của bố để mua một hộp nhạc của ông José Marto ở Casa Velha; và có lần bị những đứa con trai ở Aljustrel ném đá vào những đứa khác ở Boleiros, anh ấy cũng đã lấy đá ném họ nữa!

Khi con cho em biết điều em Giaxinta của em nói, em đã trả lời rằng:

- Em đã xưng những điều ấy rồi, nhưng em sẽ xưng lại nữa. Có thể vì những tội này của em mà Chúa đã quá buồn rầy! Cho dù em không chết đi nữa, em sẽ không bao giờ tái phạm những tội này nữa. Em hết sức đau lòng về những tội ấy”.

Chắp tay lại, em đã nguyện rằng: ‘Ôi Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’.”

Phanxicô chẳng những để ý đền tạ Chúa Giêsu Ẩn Thân bằng việc hy sinh vì Chúa và gần gũi với Chúa, em còn để ý đến Mẹ Maria nữa, Đấng mà em cũng gọi là Đấng Quá Sầu Bi. Hồi Ký Lucia 4 cũng đề cập đến điều này nơi Phanxicô: “Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến một điều là cải hối các tội nhân để cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến an ủi Đức Mẹ, Đấng mà em cảm thấy quá sầu bi”.

Đối với cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà em đều cho là Đấng quá Sầu Buồn, cũng như Giaxinta và Lucia, Phanxicô đã làm mọi sự có thể để hy sinh, như lời Thiên Thần dạy, với ý chỉ mà Đức Mẹ đã dạy các em vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917: Hãy đọc nhiều lần, nhất là khi các con làm việc hy sinh: 'Ôi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa, cho các tội nhân ăn năn hối cải và để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Tuy nhiên, đối với riêng Chúa Giêsu, để đền ạ Chúa, Phanxicô còn tìm dịp ở gần Chúa nữa. Cũng thế, đối với riêng Đức Mẹ, để đền tạ Người, Phanxicô cũng tìm dịp để lần hạt Mân Côi như Đức Mẹ đã dặn em vào lần hiện ra thứ nhất. Mỗi lần thấy vắng Phanxicô, Lucia và Giaxinta đi tìm gọi, thường thấy Phanxicô đang lẩn trốn đi cầu nguyện một mình, và thấy em giơ tràng hạt lên làm hiệu cho cả hai biết là Phanxicô đang lần hạt đấy.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 


Mục tử bảo vệ chiên

Sinh Hoạt Phúc Âm Chúa Nhật IV Phục Sinh


Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi, Tôi và Cha Tôi là một”.

Hướng Dẫn

Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh bao giờ cũng đọc bài Phúc Âm về Chúa Kitô mục tử. Bởi thế, Chúa Nhật này còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Chúa Nhật được Giáo Hội thường dùng để truyền chức linh mục.

Bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm C tuần này thuật lại lời Chúa Giêsu khẳng định hai điều: Thứ nhất là Người đến để ban cho chiên được sự sống đời đời, và điều thứ hai là không hại có thể cướp giật chiên của Người.

Đó là lý do hôm nay chúng ta sẽ sinh hoạt trò chơi Phúc Âm mục tử bảo vệ chiên.

Sinh Hoạt

1. Mỗi nhóm đứng thành 1 hàng dọc chừng 10 người. Người đứng đầu đóng vai mục tử và những người đứng sau đóng vai đàn chiên theo vị chủ chiên. Người quản trò đóng vai kẻ trộm hay sói dữ đến bắt chiên.

2. Để chống lại sói dữ hay kẻ trộm, người mục tử phải làm tất cả những gì hoàn toàn nghịch lại vớii những gì sói dữ hay kẻ trộm làm. Chẳng hạn, đối phương giơ tay trái lên thì người mục tử phải giơ xuôi tay phải xuống.

3. Cả đàn chiên ở đằng sau chủ chiên cũng phải làm cùng một cử chỉ giống hệt như vị chủ chiên. Nếu con chiên nào làm khác thì kể như bị sói vồ hay kẻ trộm bắt mất.

4. Sau khi người quản trò làm khoảng 5 hay 10 cử điệu khác nhau, (nên cho biết trước để nhóm chơi còn bàn với nhau tìm cách đối phó), cuối cùng nhóm nào còn nhiều chiên không bị sói vồ hay bị kẻ trộm bắt nhất sẽ đoạt giải “mục tử bảo vệ đàn chiên”.