GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 6/2004

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho tất cả mọi Kitô hữu được liên lỉ nhận thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của cộng đồng trong việc làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người và đối với hết mọi con người nam nữ”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi căn bản của loài người, được tôn trọng hơn nữa ở các quốc gia Á Châu”.  

__________________

 NGÀY 13 CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA GIÊSU

 

Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Chúa Nhật 13/6

Augustino Phan Viết Huy

Nicolas Bùi Ðức Thể

Ðaminh Ðinh Ðạt

 

NĂM THÁNH THỂ

ĐTC GPII Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ở Đền Thờ St. John Lateran Thứ Năm 10/6/2004


1. “Vì bao lâu anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Người lại đến” (1Cor 11:26).

Bằng những lời này, Thánh Phaolô nhắc nhở Kitô hữu giáo đoàn Côrintô rằng “bữa của Chúa” không phải chỉ là một cuộc hội họp vui vẻ mà còn trước hết là một cuộc tưởng niệm hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô. Ai tham phần, như Vị Tông Đồ giải thích, thì liên kết mình với mầu nhiệm tử nạn của Chúa, đúng hơn, trở thành “sứ giả” của Người.

Bởi thế, giữa việc “cử hành Thánh Thể” và loan truyền Chúa Kitô có một liên hệ rất chặt chẽ. Để được hiệp thông với Người nơi việc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua tức là đồng thời trở thành những vị thừa sai của biến cố được lễ nghi hiện thực. Ở một nghĩa nào đó, tức là làm cho mầu nhiệm này hiện đại qua mọi thời đại cho tới khi Chúa lại đến.

2.     Anh chị em thân mến, chúng ta hãy sống lại thực tại tuyệt vời này nơi lễ trọng kính Mình Thánh Chúa hôm nay, một lễ Giáo Hội chẳng những cử hành Thánh Thể mà còn long trọng rước kiệu, công khai loan báo rằng hy tế của Chúa Kitô được cống hiến cho phần rỗi của toàn thế giới.

Với tấm lòng tri ân về tặng ân cao cả này, Giáo Hội gắn bó với Bí Tích Cực Linh này, vì bí tích này là nguồn mạch và là tột đỉnh của hữu thể và hành động của chúng ta. “Ecclesia de Eucharistia vivit!” Giáo Hội sống bởi Thánh Thể và biết rằng sự thật này chẳng những thể hiện cảm nghiệm đức tin hằng ngày, mà còn bao gồm một cách tổng hợp cái cốt lõi của mầu nhiệm về bản chất của chính Giáo Hội (x Thông Điệp “Ecclesia de Eucharistia”, 1).

3.      Kể từ Lễ Ngũ Tuần, Dân tân Ước “bắt đầu cuộc hành trình lữ thữ của mình tiến về quê hương thiên đình, Bí Tích Thần Linh này đã tiếp tục liên kết những ngày sống của họ, làm cho những ngày ấy tràn ngập niềm hy vọng cậy trông” (ibid). Đặc biệt nghĩ đến điều ấy mà Tôi muốn giành cho Thánh Thể bức thông điệp đầu tiên trong tân thiên niên kỷ này và giờ đây Tôi hân hoan công bố Năm Thánh Thể đặc biệt. Năm này được bắt đầu bằng Hội Nghị Thánh Thể Thế Giới được ấn định từ 10-17/10/2004 ở Guadalajara (Mễ Tây Cơ), với chủ đề “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”.

Nơi Thánh Thể, cộng đồng giáo hội được xây dựng như là một tân Gia Liêm, nguyên tắc hiệp nhất trong Chúa Kitô giữa những dân tộc và các quốc gia khác nhau.

4.      “Các con hãy lo cho họ ăn đi” (Lk 9:13)

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe cách đây ít phút cống hiến một hình ảnh sống động về sự liên kết sâu xa giữa Thánh Thể và sứ vụ phổ quát của Giáo Hội. Chúa Kitô, “bánh hằng sống từ trời xuống” (Jn 6:51; x. Lời Công Bố Phúc Âm), là Đấng duy nhất có thể làm thỏa mãn cơn đói của con người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất này.

Tuy nhiên, Người không muốn làm điều này một mình, bởi thế, như trong việc hóa bánh ra nhiều, bao gồm cả thành phần môn đệ của mình nữa: “Cầm lấy 5 chiếc bánh và hai con cá Người ngước mắt lên trời, chúc tụng và bẻ ra, trao cho các môn đệ để phân phát cho dân chúng” (Lk 9:16). Dấu lạ này là biểu hiệu cho một mầu nhiệm yêu thương cao cả được lập lại hằng ngày trong Thánh Lễ: Qua vị thừa tác viên thánh chức, Chúa Kitô ban Mình và Máu của Người cho nhân loại được sự sống. Để rồi, tất cả những ai nuôi dưỡng mình một cách xứng đáng ở bàn tiệc của Người, đều trở nên dụng cụ sống động cho việc hiện hữu yêu thương, xót thương và an bình của Người.

5.      “’Lauda, Sion, Salvatorem!’ Hỡi Sion, hãy chúc tụng Chúa Cứu Thế, vị hướng đạo và là mục tử của ngươi, bằng những bài thánh ca và vịnh ca”.

Chúng ta cảm thấy hết sức thấm thía lời mời gọi chúc tụng và vui mừng này vang động trong tâm hồn của chúng ta. Khi kết thúc Thánh Lễ, chúng ta sẽ mang Bí Tích Thần Linh này kiệu đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria, chúng ta sẽ hiểu hơn tác lực biến đổi nơi Thánh Thể. Lắng nghe Mẹ, chúng ta sẽ thấy nơi mầu nhiệm Thánh Thể lòng can đảm và nghị lực để theo Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành cũng như để phục vụ Người trong những người anh em của chúng ta.
 

 

THÁNH THỂ: BÍ TÍCH TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG

 

Hình ảnh về Thánh Thể được tìm thấy qua Thánh Kinh là bánh và rượu do hoàng đế Melchizedek thượng tiến Thiên Chúa (x. Khải Nguyên 14:18). Chúa Giêsu cũng dùng những sản phẩm này tượng trưng cho lễ vật mà Ngài sẽ thượng tiến Thiên Chúa Cha là chính linh hồn và thân xác Ngài, để làm hy lễ cầu xin, hy lễ toàn thiêu, và hy lễ đền tạ cho nhân loại. Trong Bữa Tiệc Ly, khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế vừa là của lễ.

Cũng trong Cựu Ước, hình ảnh về Thánh Thể lại được lập lại một lần nữa, khi Elijah trên đường lên núi Horép. Đói lả và mệt mỏi, ông đã được thiên thần của Thiên Chúa nuôi sống bằng bánh và nước (x. 1 Các Vua 19:6).

Nhưng rõ ràng hơn là chính hành động của Chúa Giêsu khi làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều nuôi dân chúng trong hoang địa. Thánh ký Mathêu và Marcô cùng ghi lại việc Chúa dùng bẩy ổ bánh và ít cá nhỏ nuôi bốn ngàn người. Riêng hai Thánh ký Luca và Gioan thì ghi Ngài đã dùng năm ổ bánh và hai con cá nuôi năm ngàn người trong hoang địa. Tất cả đều nói lên rằng, Thánh Thể là của ăn tinh thần cho mỗi Kitô hữu và toàn dân Chúa trên đường về nhà quê Trời. Trong cuộc lữ hành trần gian, họ phải được nuôi sống và bổ dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã nói về lương thực đó như sau: “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Gioan 6:55). Và trước đó Ngài đã nói: “Ta là bánh hằng sống, không ai đến với Ta mà bị đói, không ai tin vào Ta mà bị khát” (Gioan 6:35).

BÁNH VÀ RƯỢU:

Ăn thịt và uống máu của một người, điều này nghe ghê tởm quá, man rợ quá. Những người Do Thái đương thời với Chúa, đã phản ứng lại lời nói ấy: “Lời nói chói tai quá, ai nghe cho lọt lỗ tai” (Gioan 6:60).

Nhưng Chúa Giêsu vẫn quả quyết: “Chính Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ không phải chết; bánh Ta ban là thịt ta cho thế gian được sống” (Gioan 6:51). Do đó, việc ăn Thịt và uống Máu Chúa là một việc làm cần thiết, cũng vì lý do ấy, Chúa Giêsu đã phải chế biến thức ăn và thức uống này cho phù hợp với khả năng tiếp nhận và tiêu hóa của con người. Ngài đã dùng hình ảnh quen thuộc, nhu cầu quen thuộc là bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Ngài.

Như bánh và rượu nuôi sống thể xác con người thế nào, Chúa Giêsu cũng muốn thật sự trở thành cơm bánh nuôi linh hồn con người, và quyết định này làm các thiên thần cũng phải sửng sốt. Ngài không nuôi các thiên thần bằng Mình và Máu Ngài như Ngài nuôi con người. Sáng kiến này vượt xa sự hiểu biết của mọi loài thụ tạo, vì thế theo Thánh Tôma Tiến Sĩ, thì Thiên Chúa dù thông minh thượng trí cũng không thể làm gì hơn là lập nên Bí Tích Thánh Thể. Trước sự cao siêu và mầu nhiệm của Bí Tích Thánh Thể, Thánh nhân đã viết trong kinh Tantum: “Ta hãy lấy Đức Tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

Dĩ nhiên, giác quan con người không thể cảm nhận và phân tích được Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Tấm bánh và ly rượu trước khi linh mục truyền phép và tấm bánh và ly rượu sau khi linh mục truyền phép đều giống nhau, không có gì thay đổi về phẩm chất, mùi vị, hay nồng độ của rượu. Chỉ có đức tin mới cho ta biết rằng sau khi được truyền phép tấm bánh và ly rượu ấy đã biến thành Thịt và Máu Chúa. Đó là một sự khác biệt giữa trí khôn và đức tin.

Và để chuẩn bị tâm lý con người, Chúa Giêsu đã đi vào thực tế bằng việc nuôi dân chúng khi họ đến với Ngài mà Thánh Kinh đã thuật lại. Hành động này là một bước chuẩn bị cho hành động trong Bữa Tiệc Ly, vì ở bữa tiệc này, Chúa đã dùng bánh và rượu để làm nên Thịt và Máu nuôi sống nhân loại: “Trong bữa ăn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và đưa cbo các môn đệ và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta”. Rồi cầm lấy chén dâng lời tạ ơn, trao cho họ và nói: “Tất cả các ngươi hãy uống, vì này là máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người để được tha tội” (Mathêu 26:26:28).

CÁ VÀ NƯỚC:

Còn lại hai hình ảnh là nước và cá có liên quan gì đến Bí Tích Thánh Thể? Thiên thần Chúa đã tăng bổ sức sống cho Elijah bằng bánh và nước. Chúa Giêsu nuôi dân chúng trong hoang địa bằng bánh và cá. Điều này phải chăng nói lên thái độ cần thiết của con người bằng việc tiếp nhận và tiêu hóa của ăn tâm linh là Tích Thánh Thể.

Thật vậy, nước và cá không làm nên Thánh Thể, nhưng dẫn ta vào với ý nghĩa và sức sống của Thánh Thể. Cá sống và bơi lội trong nước. Cá không thể nào sống được nếu nó bị vất ra khỏi nước. Ở đây hình ảnh nước và cá cho thấy rằng việc đón nhận và hấp thụ sức sống Thánh Thể là thuộc về con người. Đời sống tâm linh con người không thể thiếu Chúa, thiếu sức sống thần linh của Ngài như cá không thể thiếu nước.

Nhưng nước đến từ mạch Thánh Thể là nước hằng sống. Nước ấy đến từ đại dương tình yêu Thiên Chúa, phát xuất từ trái tim Chúa Giêsu khi bị lưỡi đòng của Longinô khai mở sau khi Ngài đã tắt thở trên thập giá. Trên bàn thờ thập giá hôm ấy, cũng như trên bàn thờ hiến dâng ngày nay, khi linh mục pha một ít giọt nước vào rượu trước khi truyền phép cho thành Máu Thánh Chúa đã mang một ý nghĩa kết hợp trọn vẹn giữa con người và Thiên Chúa.

Giữa những lao nhọc của cuộc sống, giọt mồ hôi, nước mắt và đau khổ của kiếp người là những giọt nước sẽ được hòa tan với những giọt Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra để trở thành nguồn ơn cứu rỗi. Qua đó, mầu nhiệm Thánh Thể nhắc nhở ta rằng, những lo toan, trăn trở và đau khổ của kiếp người thật ra đã mang một ý nghĩa cứu độ và giải thoát nhờ vào sự hiến dâng của Chúa Giêsu trên thập giá.

Giọt nước được pha trong chén rượu. Có bao giờ khi tham dự thánh lễ ta đã cảm nhận được sự hòa tan này và nghĩ đến điều mà mình sẽ được hòa tan trong Chúa Giêsu khi rước lễ? Đó là một thực tế nói lên Mầu Nhiệm Hiệp Thông mà Chúa Giêsu đã cho phép con người khi đến gần Ngài, và được tan biến trong Ngài. Và cũng bằng cách thức ấy, Ngài đã trở nên của ăn và của uống cho mỗi người chúng ta.

Nhưng không chỉ bằng thái độ tiêu cực. Người Kitô hữu khi tham dự Thánh Lễ, và khi rước Mình Máu Thánh Chúa, phải làm sinh động và hòa tan với chính nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu Kitô như hai con cá bơi lộ bên nhau.

Hai con cá. Đây là một hình ảnh hết sức tâm lý và gợi cảm. Hai con cá dĩ nhiên phải là hai con cá sống. Mặc dù nó đã được ướp mặn và phơi khô. Nhưng tự bản chất, nó vẫn là hai con cá mà khi sống đã có thể bơi lội bên nhau, tung tăng và đi bên nhau. Mỗi con là một thế giới riêng, nhưng mỗi con lại là một con cá. Chúa Giêsu khi đi bên ta trong cuộc đời, Ngài vẫn là Ngài. Cũng như khi ta đi trong cuộc đời, ta vẫn là ta. Khi rước lễ, Chúa Giêsu đem vào ta sức sống của Ngài, thổi vào ta luồng sinh khí mới và hòa nhập vào ta như người ta đổ nước vào cái chậu để con cá sống và bơi lội. Nhưng ta phải bơi lội, và ta phải sinh động do sức sống được trao ban ấy.

Ngoài ra, hình ảnh hai con cá còn nói lên hình ảnh của tất cả dân Thiên Chúa. Khi nghĩ tới mỗi người là một con cá, và mỗi người đều bơi lội bên Chúa, cho ta hình ảnh Thánh Thể nhiệm mầu vừa là của riêng ta, nhưng lại vừa là của riêng mọi người. Người Kitô hữu khi liên kết với Chúa Giêsu cũng liên kết với anh chị em mình bằng việc chia sẻ tình yêu và cùng bơi lội bên nhau và bên Chúa trong đại dương tình yêu của Ngài. Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu lại rửa chân cho các môn đệ Ngài, và dậy họ bài học thương yêu trước khi trao ban Thánh Thể cho họ.

BÍ TÍCH TÌNH YÊU VÀ SỰ SỐNG:

Tóm lại, của ăn tâm linh mà Chúa Giêsu đã ban cho nhân loại phải được đón nhận và tiêu hóa bằng thái độ cộng tác của con người. Chỉ khi đó, Thánh Thể mới thật sự là nguồn sinh ơn Cứu Độ và Giải Thoát. Và cũng chỉ khi đó, Thánh Thể mới trở thành thần lương cho cuộc lữ hành trần gian của nhân lọai: “Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Gioan 6:53-55).

Chúa Giêsu vì muốn hòa nhập và tan biến trong ta để thực hiện điều mà Ngài mong muốn là ở trong ta và cho phép ta được ở trong Ngài. Của ăn và thức uống trở thành và thuộc về người ăn và uống nó. Của ăn và thức uống sẽ biến thành máu thịt và sức sống cho người ăn và uống nó. Trong ý nghĩa này, Chúa Giêsu Thánh Thể đã trở thành của ăn và của uống cho nhân loại, và thực sự thuộc về nhân loại. Vì thế mà Thánh Thể còn được gọi là Bí Tích Tình Yêu. Tình yêu Thiên Chúa nuôi sống con người, trở thành con người, và con người sống để đáp trả lại Tình Yêu Ngài và trở thành con Thiên Chúa.

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Bản Trắc Nghiệm Sống Phụng Vụ

 

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, vừa mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, Giáo Hội cử hành những mầu nhiệm hết sức quan trọng, những mầu nhiệm trực tiếp liên quan đến Sự Sống. Như hai tuần trước đây, Giáo Hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Đấng ban Sự Sống; đến tuần vừa rồi Giáo Hội cử hành Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa, Thực Tại Sự Sống Thần Linh nơi Thiên Chúa và là Nguồn Mạch Sự Sống Đời Đời, và tuần này Giáo Hội cử hành Lễ Trọng Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô, Bánh ban Sự Sống.

Để có thể nói lên phần nào tất cả ý nghĩa của Lễ Trọng Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô này, Giáo Hội đã phải dùng đến ba bài Phúc Âm khác nhau cho ba chu kỳ phụng niên A, B, C. Năm C theo Phúc Âm Thánh Luca về phép lạ bánh hóa ra nhiều; Năm A vốn theo Phúc Âm Thánh Mathêu, và tuy Phúc Âm Thánh Mathêu cũng có đoạn về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và đoạn phép lạ bánh hóa ra nhiều, song Giáo Hội lại chọn đọc cho chu kỳ năm A này bài Phúc Âm theo Thánh Gioan về Bánh hằng sống, để nói lên ý nghĩa thiêng liêng của việc bánh hóa ra nhiều ở Phúc Âm Thánh Luca năm C, và cuối cùng là Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô về chính việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Nếu theo thứ tự chu kỳ phụng vụ A, B, C, và theo ý nghĩa của ba bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Trọng Kính Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô Chúa Nhật tuần này đây, thì chúng ta có thể hiểu được dụng ý chọn đọc và sắp xếp ba bài Phúc Âm ấy thế này: Chúa Kitô là Bánh bởi trời xuống ban sự sống cho thế gian (ý nghĩa của bài Phúc Âm năm A), qua Bí Tích Thánh Thể (ý nghĩa của bài Phúc Âm năm B), để cho những ai theo Người và nghe lời Người như chiên theo chủ chiên được sống và sống viên mãn hơn (ý nghĩa của bài Phúc Âm năm C). Tuy nhiên, để nắm được cốt lõi của tất cả Mầu Nhiệm Thánh Thể, chúng ta cần suy niệm câu Chúa Giêsu mạc khải về Thực Tại Thánh Thể của Người trong bài Phúc Âm theo Thánh Gioan cho phụng niên năm A sau đây: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh Tôi sẽ ban cho thế gian được sự sống chính là thịt của Tôi”.

Trước hết, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” ở đây là gì? “Bánh hằng sống” đây, như Chúa Kitô xác định cũng trong câu này, “chính là thịt của Tôi”. Vậy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” tức là “Thịt Tôi là bánh từ trời xuống”, cả hai đồng nghĩa với nhau. Nếu thế thì chẳng lẽ “Thịt” của Chúa Kitô như Manna rớt xuống từ trời hay sao? Tuy nhiên, nếu “Thịt” của Chúa Kitô như Manna rớt xuống từ trời, thì “Thịt” của Người cũng chỉ là một thứ lương thực nuôi phần xác con người mà thôi, như Người khẳng định về tác dụng thể lý của Manna ở câu cuối của cùng bài Phúc Âm Thánh Gioan về Bánh hằng sống này: “Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông quí vị đã ăn manna và đã chết”. Vậy, chúng ta phải hiểu sao về ý nghĩa “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” này? Theo tôi, Chúa Kitô “là bánh hằng sống từ trời xuống”, mà “bánh Tôi sẽ ban chính là thịt của Tôi”, thì phải hiểu là “Thịt” của Người, hay thân xác của Người nói riêng, và nhân tính của Người nói chung, đã được tạo tác trong lòng Mẹ Maria “bởi quyền phép Thánh Thần”, như lời thiên thần giải thích cho dưỡng phụ Giuse của Người trong giấc ngủ, được ghi nhận trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 1 câu 20, hay như lời dẫn giải của thiên sứ Gabiên trong Phúc Âm Thánh Luca, đoạn 1 câu 35. Đúng thế, chính vì “Thịt” của Chúa Kitô, hay thân xác của Chúa Kitô, “không sinh ra bởi huyết nhục, bởi ước muốn nhục dục hay bởi ý muốn con người, mà là bởi Thiên Chúa” như thế, như đường lối được Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ở đoạn 1 câu 13 về thành phần tin vào Người, mà Chúa Kitô mới xác quyết về tác dụng thần linh này của “Thịt” Người, của “bánh Tôi ban” là: “ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”?

Bánh Chúa Kitô nói tới đây không phải là thứ bánh thường, được Người hóa ra nhiều từ năm tấm bánh để nuôi đám dân Do Thái đi theo nghe lời Người. Bởi vì, bấy giờ thịt của Người hay thân xác của Người vẫn còn đó, chưa sống lại từ trong cõi chết, chưa trở thành linh thiêng, nghĩa là chưa trở thành, theo kiểu nói của Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô ở đoạn 15 câu 45: “linh thiêng ban sự sống”. Trường hợp điển hình cho thấy thân xác phục sinh của Chúa Kitô đã thật sự “linh thiêng ban sự sống” đó là, sau khi sống lại từ trong cõi chết, Chúa Kitô Phục Sinh đã thổi hơi trên các tông đồ để các vị “nhận lấy Thánh Linh” (Jn 20:22), tức là làm cho các vị nhận biết Người đã thực sự phục sinh mà tuyên xưng “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi” (Jn 20:28).

Như thế, Chúa Giêsu nói: “Bánh Tôi sẽ ban” là Người có ý nói đến thân xác “linh thiêng ban sự sống” này của Người. Thế nhưng, chính nơi thân xác “linh thiêng ban sự sống” này của Người, như Người tỏ cho các tông đố thấy sau khi sống lại từ trong cõi chết, có những dấu vết tử nạn trên tay chân và cạnh sườn Người, những dấu vết cho thấy Người đã thực sự, như Người khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 20 câu 28: “hiến mình làm giá chuộc muôn dân”, hay trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 10 câu 10: “hiến mạng sống cho chiên được sự sống và được sự sống viên mãn”.

Bởi vậy, khi tuyên bố “Bánh Tôi sẽ ban cho thế gian được sự sống chính là thịt của Tôi”, là Chúa Kitô đồng thời cũng muốn báo trước việc Người sẽ thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một Bí Tích được Người thiết lập trước giờ tử nạn của Người, bằng bánh và rượu nho trong Bữa Tiệc Ly, một biến cố được Thánh Phaolô nhắc lại trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, qua bài đọc thứ hai năm C hôm nay: “Trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra mà phán: ‘Các con hãy nhận lấy mà ăn, này là Mình Thày sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày’. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán: ‘Chén này là Tân Ước trong Máu Thày; mỗi khi uống, các con hãy làm mà nhớ đến Thày’”.

Chính vì Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô được hy hiến cho chúng ta liên quan đến mầu nhiệm phục sinh như thế mà, cũng trong bài đọc thứ hai năm C hôm nay, Thánh Phaolô còn nhắc nhở Kitô hữu chúng ta về ý nghĩa của việc chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Máu Thánh Chúa là: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến”. Ở đây, qua lời nhắc nhở này, Thánh Phaolô cũng cho riêng Kitô hữu chúng ta và chung những ai không tin Chúa Giêsu Thánh Thể thấy rõ, Bánh Chúa Kitô ban không phải là thứ bánh thường, mà là một thứ Bánh Thần Linh, Bánh hiện thực hóa cuộc tử nạn của Chúa Kitô với sự hiện diện thực sự của thân xác đã trở thành “linh thiêng ban sự sống” nơi tác động phụng vụ cũng như nơi người lãnh nhận. Đến nỗi, trong cùng bức thư trên, ở câu 27, Thánh nhân còn khẳng định: “Ai ăn bánh và uống chén của Chúa bất xứng là phạm đến mình máu Chúa”, nghĩa là, như Ngài quả quyết ở câu 29: “ăn và uống án phạt mình”.

Như vừa được chia sẻ, Thánh Thể của Chúa Kitô là “Bánh hằng sống bởi trời xuống”, ở chỗ, Thánh Thể Người được tác tạo “bởi Chúa Thánh Thần”, và Thánh Thể của Người cũng là “Bánh sẽ ban cho thế gian được sự sống”, ở chỗ, Thánh Thể Người có thể thông ban Thánh Linh, như thực sự đã thông ban cho các tông đồ qua hơi thở từ thân xác phục sinh trở thành “linh thiêng” của Người. Chính vì thế chúng ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa lời Chúa Kitô nói trong bài Phúc Âm Thánh Gioan cho Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm A, về tác dụng thần linh nơi những ai lãnh nhận Thánh Thể Người, đó là lời: “Ai ăn thịt Tôi và uống Máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy”. Thật vậy, người lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô “ở trong” Người và Người “ở trong” họ là do Thánh Thần được ban cho họ khi họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, một Vị Thánh Thần mà, nếu không có Ngài, như Thánh Phaolô khẳng định trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 12 câu 3: “không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa”, nghĩa là nhờ Thánh Thần Kitô hữu chúng ta mới có thể tiếp tục và liên lỉ tin nhận Chúa Kitô, bằng việc rước lấy Người trong Bí Tích Thánh Thể, sau khi thưa lời tuyên xưng “Amen” nghĩa là “tôi tin”. Để rồi, cho dù Mình Thánh không còn nơi thân xác của họ nữa, khi Hình Bánh hoàn toàn tan đi, song Chúa Kitô vẫn tiếp tục “ở trong” họ nhờ lòng tin này nơi những ai lãnh nhận Thánh Thể Người, như lời Thánh Phaolô xác nhận và huấn dụ tín hữu Êphêsô về đời sống nội tâm Kitô hữu ở đoạn 3 câu 17: “Xin Chúa Cha kiên cường nội tâm anh em bằng tác động của Thần Linh Ngài. Xin Chúa Kitô ngự trong lòng anh em nhờ đức tin và chớ gì đức ái đâm rễ sâu vào đời sống anh em”.

Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu thực sự ngự trong Bí Tích Thánh Thể thì chúng ta không thể nào không giữ mình sạch tội trọng để có thể mỗi lần dự lễ là rước lễ, và một khi rước lễ, chắc chắn chúng ta chẳng những sẽ dọn mình rước lấy Người bằng tất cả lòng khao khát của chúng ta, mà còn với cả tấm lòng gắn bó cám ơn Người đã thương ngự đến trong thân xác tro bụi của chúng ta nữa. Vì có năng rước lễ và rước lễ sốt sắng, Kitô hữu chúng ta mới có thể hăng say sống đạo và hoạt động tông đồ, do đó việc dọn mình trước khi và cám ơn sau khi rước lễ cho xứng đáng thật là quan trọng?

Nói đến Thánh Thể là nói đến việc cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ. Thế nhưng, như tình hình cho thấy, dường như việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể đã và đang trải qua một tình trạng khủng hoảng trầm trọng, liên quan chẳng những đến tình trạng tham dự Lễ Chúa Nhật ít đi mà còn xúc phạm đến Thánh Thể bằng những biến báo làm mất đi bản chất của các lễ nghi của phụng vụ Thánh! Chủ đề của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới 2005 là Chúa Giêsu Thánh Thể. Hôm Thứ Năm 10/6/2004 Lễ Mình Máu Thánh Chúa, trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã tuyên bố mở Năm Thánh Thể từ 10/2004-10/2005 với chủ đề “Thánh Thể là Nguồn Mạch và là Tột Đỉnh của Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội”. Đó là lý do từ Thứ Năm Tuần Thánh 2003, Đức Thánh Cha và Tòa Thánh đã phải chính thức lên tiếng kêu gọi Kitô hữu Công Giáo để ý lại việc cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể vô cùng cao trọng và quan trọng này, đặc biệt là trong Tông Thư kỷ niệm 40 năm Công Đồng Chung Vaticanô II ban hành Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh. Thật vậy, nhân dịp kỷ niệm 40 năm hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng Vụ Thánh đựợc Công Đồng Chung Vaticannô II ban hành ngày 4/12/1963, Đức Thánh Cha đã ban hành một bức tông thư được phổ biến hôm Thứ Sáu 5/12/2003 và được Ngài ký vào ngày hôm trước, đúng ngày kỷ niệm. Trong bức tông thư này, ĐTC đã kêu gọi xét mình trong việc thi hành vấn đề canh tân phụng vụ theo Công Đồng. Theo Ngài, việc xét mình này là để “kiểm chứng xem con đường đã hành trình cho tới nay” liên quan đến việc “chấp nhận Công Đồng Chung Vaticanô II”, nhất là vấn đề liên quan đến “đời sống bí tích phụng vụ của Giáo Hội”. ĐTC đã đặt ra nhiều câu hỏi để xét mình như sau:

“1) Phụng vụ có được sống như là ‘nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống giáo hội’, theo giáo huấn của hiến chế ‘Sacrosanctum Concilium’ hay chăng? 2) Việc tái nhận thức về giá trị của Lời Chúa được đề ra qua việc canh tân phụng vụ có được tích cực chấp nhận nơi những việc cử hành của chúng ta hay chăng? 3) Phụng vụ đã trở thành một phần đời sống cụ thể của tín hữu cũng như đã làm nên nhịp sống của mỗi một cộng đồng tín hữu cho tới mức độ nào? 4) Phụng vụ có được hiểu như là đường lối nên thánh, như nội lực cho việc hoạt động tông đồ cũng như cho tính chất truyền giáo của Giáo Hội hay chăng?”
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL