GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 26/11/2005,

Ngày Thánh Mẫu

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: "Cuộc cung nghinh Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử"

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

?  Hai Vị Giáo Hoàng của và cho Công Đồng Chung Vaticanô II: Đức Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI

 

?   ĐTC Biển Đức XVI: "Cuộc cung nghinh Thánh Thể đầu tiên trong lịch sử"

 

Sau đây là nguyên văn bài huấn từ của ĐTC Biển Đức XVI tại Vườn Vatican vào dịp kết thúc Tháng Hoa trong Năm Thánh Thể

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi rất vui mừng được hợp với anh chị em ở cuối cuộc gặp gỡ nguyện cầu này đây, một biến cố được văn phòng Đại Diện Vatican Thành tổ chức. Tôi lấy làm hài lòng khi nhận thấy một số đông anh chị em qui tụ lại ở Vườn Vatican này để kết thúc thánh Năm.

 

Trong số anh chị em đây đặc biệt có nhiều người sống hay làm việc ở Vatican, cùng với gia đình của họ. Tôi thân ái gửi lời chào tới tất cả mọi người; nhất là các vị Hồng Y và Giám Mục, trước hết là ĐTGM Angelo Comastri là vị điều hành buổi họp mặt nguyện cầu này. Rồi tôi gửi lời chào các vị linh mục và tu sĩ nam nữ hiện diện nơi đây, và nghĩ đến cả các Nữ Tu chiêm niệm thuộc Đan Viện Mater Ecclesiae là những người đang liên kết thiêng liêng với chúng ta đây.

 

Quí bạn thân mến, anh chị em đã vất vả đến với Hang Lộ Đức để lần hạt Mân Côi, như muốn đáp ứng lời mọi gọi của Đức Trinh Nữ này trong việc hướng tinh thần của anh chị em về Trời. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi ngày ở những lời nguyện cầu của chúng ta. Trong Năm Thánh Thể đặc biệt chúng ta đang sống đây, Mẹ Maria trước hết giúp cho tất cả chúng ta nhận thức hơn nữa bí tích Thánh Thể cao cả này.

 

Trong bức Thông Điệp cuối cùng của mình là Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistica, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta đã cho thấy Mẹ như là “Người Nữ Thánh Thể” suốt cuộc đời của Mẹ (khoản 53). “Người Nữ Thánh Thể” suốt cuộc đời, bắt đầu với nội tâm xứng đáng của Mẹ: từ biến cố Truyền Tin, lúc Mẹ hiến mình cho mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa, cho tới Thập Tự Giá và Phục Sinh; “Người Nữ Thánh Thể” ở giai đoạn sau biến cố Hiện Xuống, khi Mẹ lãnh nhận nơi Bí Tích này Thân Thể được Mẹ thụ thai và cưu mang trong lòng của Mẹ.

 

Hôm nay, chúng ta đặc biệt dừng lại suy niệm về mầu nhiệm của việc Đức Trinh Nữ viếng thăm Thánh Isave. Mẹ Maria, cưu mang Chúa Giêsu vừa được thụ thai, đi để thăm người chị họ luống tuổi Isave của mình, người mà mọi người nói rằng son sẻ những lại được Chúa cho cưu mang sáu tháng rồi (x Lk 1:36), Mẹ là một người con gái trẻ trung nhưng Mẹ không sợ, vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ, ở trong Mẹ.

 

Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng cuộc hành trình của Mẹ – chúng ta muốn nhấn mạnh trong Năm Thánh Thể này – là “cuộc cung nghinh Thánh Thể” đầu tiên trong lịch sử. Mẹ Maria, Nhà Tạm sống động của Thiên Chúa hóa thành nhục thể, là Hòm Bia Giao Ước ở đó Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc dân của Người. Việc hiện diện của Chúa Giêsu làm cho Mẹ tràn đầy Thánh Thần.

 

Khi Mẹ tiến vào nhà của bà Isave, lời chào của Mẹ tràn đầy ân phúc: Gioan đã nhẩy mừng trong lòng mẹ của em, như thể em nhận thức được Đấng một ngày kia em loan báo cho dân Yến Duyên đã đến. Hai con trẻ hơn hở, hai bà mẹ hân hoan. Cuộc gặp gỡ này, thấm đậm niềm vui mừng của Thánh Linh, được bày tỏ ra nơi Ca Vịnh Ngợi Khen.

 

Đây cũng không phải là niềm vui của Giáo Hội hay sao, một Giáo Hội không ngừng đón nhận Chúa Kitô nơi Thánh Thể và mang Người vào thế giới bằng chứng từ của một đức bác ái chủ động đầy tin tưởng và hy vọng? Phải, việc đón nhận Chúa Giêsu và mang Người đến cho kẻ khác thực sự là niềm vui của Kitô hữu vậy!

 

Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy theo gương bắt chước Mẹ Maria, một tâm hồn sâu xa Thánh Thể, và cả cuộc sống của chúng ta có thể trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen (x Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, khoản 58), bài chúc tụng Thiên Chúa. Chớ gì điều này là ân sủng chúng ta xin Trinh Nữ Rất Thánh trong tối hôm nay ở vào lúc kết tháng Năm này. Tôi chúc lành cho tất cả mọi anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2005/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20050531_rosary-may_en.html 

  TOP

 

   Vấn Đề Đại Kết với Vị Lãnh Đạo Liên Hiệp Lutherô Thế Giới sau Buổi Triều Kiến ĐTC Biển Đức XVI

 

Sau cuộc triều kiến với ĐTC Biển Đức XVI hôm Thứ Hai 7/11/2005, Giám Mục Mark Hanson, chủ tịch Liên Hiệp Lutherô Thế Giới đã nói với mạng điện toán toàn cầu Zenit về những điểm liên kết những người Luthêrô và Công giáo, cùng với những vấn đề vẫn đang tiếp tục phân rẽ đôi bên.

 

(tiếp 25 Thứ Sáu)

 

Vấn:     Ngài có nghĩ rằng các giáo hội truyền thống Thệ Phản ít sinh động hơn các cộng đồng mới đang phát triển ở các Tiểu Bang cũng như ở Mỹ Châu Latinh và những nơi khác hay chăng?

 

Đáp:    Chắc chắn là có hiện tượng này. Bên cạnh giáo hội Kitô giáo ở Hiệp Chủng Quốc còn có các giáo hội phi hệ phái. Hiện có những giáo hội cộng đồng đang phát triển rất nhanh.

 

Họ có một kiểu phụng vụ không hướng tới các bí tích nhưng chú trọng nhiều hơn tới việc hát xướng những bài tụng ca và việc giảng giải. Mặc dù không chính thức lắm nhưng các thứ giáo hội phi hệ phái này lại đặc biệt thu hút những gia đình sống ở các vùng ngoại ô có những đứa con sống sôi động và thường không thích sống theo những truyền thống đạo giáo nghiêm cẩn.

 

Là những người Luthêrô, chúng tôi đối chọi với vấn đề làm sao để trung thành với truyền thống sinh hoạt phụng vụ của mình, trong khi vẫn công nhận là chúng tôi đang sống trong một thời điểm và nơi chốn rất ư là khác biệt.

 

Tôi nghĩ rằng điều này thường đúng với những người Luthêrô trên thế giới. Mới đây, khi tôi ở miền tây Phi Châu, cũng như ở Chí Lợi và Ba Tây, những người Luthêrô nói rằng nhiều người trong họ đã bỏ giáo hội của chúng tôi để trở thành những người theo hệ phái Pentecost, thành những người đặc sủng, một phần là vì cách thức thờ phượng của chúng tôi. Bởi thế, tôi nghĩ chúng tôi phải tự hỏi mình xem chúng tôi làm sao để có thể thích ứng với môi trường hiện đại mà vẫn không bỏ mất những gì là căn tính của mình.

 

Tôi nghĩ có hai vấn đề gây rắc rối cho cả những người Công giáo và Luthêrô trên thế giới: một mặt đó là vấn đề tục hóa, một vấn đề hiển nhiên hơn ở Âu Châu; và mặt khác đó là vấn đề bảo thủ. Chúng ta cần phải nói về cách thức làm sao chúng ta đáp ứng được cả hai vấn đề này.

 

Chủ nghĩa tục hóa cố gắng cho bằng được việc làm tôi tin rằng tôi là trung tâm của thế giới và những quan tâm chủ yếu của tôi đó là tìm mình và thụ hưởng như thể không còn sự sống nào khác ngoài tôi.

 

Ngược lại, chủ nghĩa bảo thủ lại cố gắng cống hiến một giải đáp khác, đó là một cuộc sống rất ngặt nghèo chú trọng tới đời sau. Tôi nghĩ rằng cả người Luthêrô và Công giáo đều có thể cống hiến một giải đáp khác.

Vấn:     Đâu là lý do chính cho tình trạng tiếp tục phân rẽ giữa người Luthêrô và Công giáo?

 

Đáp:    Tôi nghĩ đó là cách chúng ta hiểu về giáo hội và thừa tác vụ, vì cho tới khi chúng ta giải quyết xong những vấn đề thần học liên quan tới việc hiểu biết về giáo hội và thừa tác vụ, chúng ta sẽ không cùng nhau tham phần vào Thánh Thể, và đó không phải là những vấn đề dễ dàng.

 

Chúng ta đã thực hiện được một tiến bộ lớn về vấn đề công chính hóa, một tiến bộ tôi nghĩ là đã làm cho chúng ta phấn khởi. Tôi nghĩ rằng có một số người Luthêrô đặc biệt nghĩ rằng một khi chúng ta ký kết chấp nhận Bản Tuyên Ngôn về Tín Lý Công Chính Hóa là chúng ta mau chóng được chia sẻ thánh thể. Giờ đây chúng ta biết rằng điều này không xẩy ra. Mặc dù chúng ta ở một mức độ nào đó đồng ý về vấn đề không còn phân rẽ chúng ta nữa, nhưng chúng ta chưa đồng ý trọn vẹn.

 

Tôi hy vọng chúng ta có thể mang quan niệm ấy ra để bàn luận về Thánh Thể, vì, như tôi đã đề cập với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, cả người Luthêrô lẫn Công giáo nói về Thánh Thể khác nhau. Cả hai chúng ta đều tin rằng Chúa Kitô hiện diện nơi bánh và rượu cũng như trên khắp thế giới, và đó là một sự đồng ý rất quan trọng. Giờ đây chúng ta cần phải nói thêm về cái gì và ai làm cho Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể, và đó là điểm chúng ta tỏ ra khác nhau.

 

Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đúng khi tiếp tục kêu gọi chúng ta hướng về Lời Chúa cũng như về thế giới và việc làm chứng nhân.

 

Chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề về nghèo khổ và nhân quyền. Khi tôi ở đây 2 năm trước và gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là hai ngày sau khi chiến tranh ở Iraq bùng nổ, và cả hai chúng tôi liên kết nói rất thắng thắn chống lại cuộc chiến này. Là những người lãnh đạo tôn giáo, chúng ta cần phải tiếp tục lên tiếng phản đối chiến tranh và bạo lực.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/11/2005

 TOP

? Hai Vị Giáo Hoàng của và cho Công Đồng Chung Vaticanô II: Đức Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI

 

Đức Gioan Phaolô II: "Vị Giáo Hoàng này là người của Công Đồng, ngài đã thấm nhuần tinh thần và ngôn từ của Công Đồng này".

Trong cuộc phỏng vấn của Đài Truyền Hình Balan Quốc (TVP: Polish State Television) nhân dịp Ngày Giáo Hoàng, một ngày đã từng được Balan cử hành vào ngày 16/10 từ 5 năm qua, vị Giáo Hoàng đương kim Biển Đức XVI đã nhận định về vị tiền nhiệm của mình liên quan tới Công Đồng Chung Vaticanô II như sau:

 

Vị Lm hỏi:             Tâu Đức Thánh Cha, thường trong các lời lẽ của mình, Đức Thánh Cha đề cao hình ảnh Đức Gioan Phaolô II và nói Đức Gioan Phaolô II là một vị đại Giáo Hoàng, một vị cố tiền nhiệm đáng kính. Chúng con luôn nhớ những lời Đức Thánh Cha tuyên bố ở Thánh Lễ ngày 20 tháng 4 vừa rồi, những lời quả thực là dâng kính Đức Gioan Phaolô II. Tâu Đức Thánh Cha, chính Đức Thánh Cha đã nói những lời, con xin được trích lại ở đây, là “Dường như ngài đã nắm chặt lấy tay tôi, tôi thấy được đôi mắt long lanh của ngài và nghe được những lời của ngài, những lời mà vào lúc ấy ngài đặc biệt hướng về tôi: “Đừng sợ!” Tâu Đức Thánh Cha, sau cùng là một câu hỏi hết sức riêng tư, đó là Đức Thánh Cha có tiếp tục cảm thấy sự hiện diện của Đức Gioan Phaolô II hay chăng, và nếu có thì như thế nào?

 

ĐTC đáp:               Được. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách trả lời phần đầu câu hỏi của cha. Lúc đầu, khi nói về di sản của vị Giáo Hoàng này, tôi đã quên đề cập tới nhiều văn kiện được ngài để lại cho chúng ta – 14 bức thông điệp, nhiều Thư Mục Vụ, và những thứ khác. Tất cả những văn kiện này là một gia sản phong phú vẫn chưa được Giáo Hội hấp thụ hết. Sứ vụ của riêng tôi không phải là ban hành nhiều văn kiện mới mà là để bảo đảm cho việc thấm nhuần các văn kiện của ngài, vì chúng là một kho tàng dồi dào, chúng là một thứ đích thực dẫn giải cho Công Đồng Chung Vaticanô II. Chúng ta biết rằng vị Giáo Hoàng này là người của Công Đồng, ngài đã thấm nhuần tinh thần và ngôn từ của Công Đồng này. Qua những văn kiện ấy, ngài giúp chúng ta hiểu được những gì Công Đồng ấy muốn hay không muốn. Điều ấy giúp cho chúng ta trở thành một Giáo Hội của thời đại chúng ta và cho tương lai.

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI: "Cả tôi nữa...  theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II".

 

Chính Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi vừa được bầu làm Giáo Hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II, trong bài chia sẻ với Hồng Y Đoàn ngay ngày hôm sau, 20/4/2005, ngài đã công khai tuyên bố rằng "Cả tôi nữa...  theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II"

 

“Đặc biệt trước mặt của tôi là chứng từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài để lại cho chúng ta một Giáo Hội cường tráng hơn, tư do hơn và trẻ trung hơn. Một Giáo Hội mà, theo giáo huấn và gương mẫu của ngài, bình tâm nhìn lại quá khứ và không sợ hướng đến tương lai. Qua Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội đã được dẫn vào ngàn năm mới, nắm trong tay Phúc Âm, Phúc Âm được áp dụng cho thế giới qua việc đọc lại một cách tường tận Công Đồng Chung Vaticanô II. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lý để nhấn mạnh rằng Công Đồng này như là một ‘la bàn’ được sử dụng để chúng ta lèo lái trên đại dương bao la của ngàn năm thứ ba. Trong di chúc thư thiêng liêng của mình, ngài còn nhận định là: ‘Tôi tin rằng, cho đến một thời gian rất dài, các thế hệ mới sẽ kín múc lấy từ kho tàng được công đồng của thế kỷ 20 ấy để cống hiến cho chúng ta’.

“Cả tôi nữa, để bắt đầu việc phục vụ xứng hợp với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, cũng muốn mạnh mẽ xác định ý muốn cương quyết của tôi trong việc theo đuổi cuộc dấn thân thực hiện Công Đồng Chung Vaticanô II, theo các vị tiền nhiệm của tôi và trung thành tiếp nối truyền thống hai ngàn năm của Giáo Hội. Năm nay chính là năm kỷ niệm 40 năm bế mạc công đồng này (8/12/1965). Qua giòng thời gian, các văn kiện của công đồng đã không mất đi tính cách hợp thời của mình; giáo huấn của các văn kiện ấy vẫn cho thấy đặc biệt thích hợp với các nhu cầu cấp bách mới của Giáo Hội cũng như với xã hội đang được toàn cầu hóa hiện nay".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, hai đoạn trích dịch trên đây từ VIS 20/4 và 17/10/2005
 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ